Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

XUÂN HY KÝ SỰ NGUYỄN KIM TRÌ (Kì 6)


Tác giả Nguyễn Kim Trì

Đã đăng:

          Thằng Lần

          Tôi có nhiều bạn lắm, nhiều đứa đi bộ đội chết rồi. Tôi kể chuyện ông Lần đang ở xóm Đoàn kết bây giờ. Ngày ấy tôi gọi là thằng Lần, bây giờ tôi cũng cứ gọi là thằng Lần. Thằng này ngày nào tôi cũng đi câu cá với nó, câu cá rô, câu chung, có lần được cả cá trê nữa, bé thôi, gọi là trê hen. Cá bỏ chung một giỏ, rứt đuôi đánh ghi, lúc về thì cá của thằng nào thì thằng ấy mang về. Mồi chung, mỗi ngày nghiền mồi nhà một đứa, thay phiên nhau kẻo thiệt. Cơm + mẻ + cám = mồi. Có hôm không kiếm được mẻ lại bắt cào cào ở làn khoai làm mồi.

          Khoảng năm 1964, có bộ đội pháo binh về làng đóng quân 1 tháng 13 ngày, tình quân dân cá nước rất mặn nồng. Bộ đội chia nhau ngủ từng nhà. Pháo kéo bằng ô tô, ô tô để ở vườn nhà ông Án. Có lần tôi thấy thằng Lần cứ rờ mó xung quanh xe ô tô kéo pháo, say đắm lắm. Nó bảo tôi:
          - Tao thích đi lái xe lắm, đêm nào tao cũng nằm mơ thấy đi lái xe.
          Vài năm sau nó được đi bộ đội, lại trúng bộ đội lái xe, thế mới chúa chứ (thế mới chúa là lời nó nói sau này khi ở bộ đội về phép nói chuyện với tôi, ngôn từ văn minh ra phết). Tôi còn phải ở nhà đi học, người gầy còm nên chưa đi thoát ly được. Ở bộ đội, thỉnh thoảng được về phép, dù nửa đêm nó cũng sang nhà tôi gọi ra tận bến ông thủ Khiên ngồi nói chuyện. Nó nói vụng lắm mà hình như chỉ có tôi mới ăn được những câu chuyện nó nói. Nó chỉ kể chuyện về lái xe ở Trường Sơn. Thỉnh thoảng tôi lại hỏi lại nên nó càng hào hứng. Nó kể:
          - Lái xe phải đi đêm đèn rùa, xe zin Liên Xô chở được 3 tấn, xe Trung Quốc ít hơn, toàn xe mới. Có lần tao liều lái xe ban ngày, bị máy bay phát hiện, nó đuổi bắn, thế là tao chạy hết tốc độ. Một lúc sau một đàn  đến đuổi tao, lúc tao chạy, lúc tao lùi, nó
bắn dữ quá phải bỏ xe chạy lấy người.
          - Sao không ngụy trang? - Tôi hỏi.
          - Ngụy ngụy cái gì, chạy ban ngày bụi mù bằng mấy khói nhà cháy, chạy ban ngày là lộ ngay. Tao là táo chạy ban ngày nhất, bị phê bình. Xe chạy tránh máy bay là thường, cần lùi thì lùi, cần tiến thì tiến. Lúc đầu họ bảo chỉ cần đi thành công một chuyến là được huân chương, nhưng tao đi hàng trăm chuyến mà chẳng được huân chương. Có lần đi ban đêm, tao đi đầu đoàn. Đoàn tao hôm ấy bị nó oanh tạc. Oanh tạc là thường, bom nổ ngay trên xe nhưng tao cứ chạy, cắm cổ chạy không biết đằng sau còn bao nhiêu xe chạy theo. Lần này bom với rocket nó bắn dữ quá, đến chục cái phản lực ép nó quần lượn, pháo sáng có chùm ngay trên đầu, tao càng phóng nhanh. Gần sáng đến nơi tập kết, xuống xe tao mới hoảng hồn, trên xe không còn bao gạo nào nữa, thành xe bị bắn tung đi từ lúc nào, chắc là bị rocket. Hóa ra mình chạy xe không, xe không có thành, thành xe bị bắn tung đi nên bao nhiêu bao gạo và hàng hóa trên xe cũng bay hết, còn mỗi mình tao đến đích. Hàng chúng tao cũng không cần biết là hàng gì, gạo hay đạn hay đồ hộp, là do trạm kho thanh niên xung phong nó bốc lên, chỉ cần đến tối ra nhận xe là chạy vào trong thôi. Thủ trưởng còn bảo cứ 10 xe vào đến chiến trường còn được 1 là thắng lợi rồi…
          Nó còn nói nhiều chuyện mà tôi không thể tưởng tượng được. Nó nói vụng về, chỉ có tôi là hiểu hết. Nó còn ghé vào tai tôi bí mật:
          - Tao phải đốt hết chục cái xe rồi. Bom với rocket nó tránh tao, chỉ vào xe thôi.
          Nó nói rất thật, không bốc phét tí nào, tôi tin lắm. Nó bảo đại đội nó từ khi nó vào đến giờ không còn người cũ nào nữa, chỉ có mình nó là lính cựu đại đội… Còn nhiều chuyện nữa, quá khốc liệt. Sau này vào chiến trường đường Trường Sơn tôi mới thấy nó nói đúng và hiểu hết được việc nó nói. Phải phá núi làm đường nên đường đất đỏ lâu không mưa, bụi đất ngập đến đầu gối chân, ô tô mà chạy thì bụi đất bốc cao hơn khói nhà cháy. Rừng bạt ngàn mà cháy sạch, chỉ còn những cây to, có cành không còn lá, đen xì, nhấp nhô, đến mùa mưa thì thành ra sân bay quốc tế, tức là mọc bạt ngàn rau tàu bay. Đường Trường Sơn mùa mưa thì thôi rồi, mưa suốt ngày đêm, bùn ngập nửa bánh xe ô tô. Thanh niên xung phong 3 sẵn sàng ở đâu túa ra chống lầy. Họ toàn là con gái, nói tiếng từ Thanh Hóa giở vào. Đá, thân cây, cành cây lát đường xe mới đi được. Tôi đi hành quân nhìn lên vách núi có khẩu hiệu viết bằng vôi hay sơn trắng: “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”… nổi lên giữa núi rừng hoang vu ngàn đời không có chân người. Kẻ chân tay yếu đuối, tinh thần sợ chết như tôi cũng thấy phấn chấn hẳn lên, lại còn hát đồng thanh theo đoàn quân “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”… nữa chứ. Khẩu hiệu là tốt cho bộ đội hành quân vào Nam lắm.
          Cả đời binh nghiệp của thằng Lần là ở Trường Sơn. Tôi phong thằng này là anh hùng, đại anh hùng, chỉ tiếc rằng hồi ấy không có nhà báo nào viết về nó, nếu viết nhất định nó được là anh hùng quân đội không phải tôi phong mà là Nhà nước phong hẳn hoi. Bao nhiêu năm lái xe ở Trường Sơn ác liệt vậy mà nó không hề xây sát gì, tài thật. Tôi bảo:
          - Vậy mày thạo về tay lái lắm nhỉ.
          Nó bảo:
          - Tao cầm đũa ăn cơm còn vụng hơn cầm vô lăng.
          Câu nói ví von văn chương mà thật, chắc câu này nó học của ai chứ tính nó chả được văn chương như vậy. Tôi nghiệm ra con người mà thích cái gì, đam mê cái gì cuối cùng làm nghề ấy thì nhất định giỏi, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến cái mà con cái mình đam mê để hướng nghiệp cho nó. Bao năm chinh chiến ác liệt thế mà thằng Lần không việc gì, nhưng khi về hậu cứ lại bị bỏng xăng vào tay. Thằng này lấy cô Hòa da trắng, cười xinh nhất làng. Nó đáng được lấy vợ đẹp như vậy.

          Thằng Vợi, thằng Đạt

          Tôi còn nhiều bạn thân như thằng Vợi, thằng Đạt. Tôi muốn nói về 2 thằng này. Gọi là thằng là láo vì đã thành liệt sỹ, được Tổ quốc ghi công nhưng không biết mỗi năm Tổ quốc có ghi thêm tuổi không, nên không biết bây giờ nó có già  hay không! Vậy tôi gọi là thằng vì chỉ nhớ chúng nó ngày xưa còn trẻ thôi. Thằng Đạt người thấp, đen đen, còn bé nó khỏe cực, tên cúng cơm của nó là Cóc Con, tôi hay gọi nó là Cóc Tía. Mỗi lần xuống nhà bà ngoại thế nào cũng sang nhà nó chơi. Nó lại rủ vật nhau, không vật không được. Lần nào tôi cũng thua, nó thắng, được lĩnh phần thưởng ngay, phần thưởng là được bốc buồi vỗ trán thằng thua. Càng lớn chúng tôi càng thân nhau, lớn nữa là đi bộ đội. Tôi ở bộ đội C18 E 46 đóng ở Hải Thịnh huyện Hải Hậu, đơn vị 12 ly 7 bắn máy bay AĐ 6, loại này nó bay sát mép nước để tìm mục tiêu pháo nòng dài, tức là đại bác của ta chống tàu chiến Mỹ đổ bộ vào đất liền qua cửa sông Ninh Cơ. Có lần nó còn bắn pháo cầu vồng vào làng, suýt trúng nhà thờ Hải Hòa, chỉ vào sân. Lần ấy vừa im tiếng máy bay, một bà già đã chạy ngay ra nhà thờ, nhìn hố đạn rocket sâu hoắm trước cửa nhà thờ, to bằng cái mẹt, mùi đạn khét lẹt, bà này khoanh tay trước ngực:
          - Dê su ma lạy chúa tôi lòng lành vô cùng, Ngài đã hấng lấy bom đạn để khỏi rơi vào nhà chúng con. Amen.
          Ở đơn vị được truyền tụng: C14 súng cối có chiến sỹ Đạt bắn súng cối giỏi thiên tài. Diễn tập thủ trưởng trung đoàn Trần Thế Kỷ kiểm tra, mục tiêu có ghi số, nổi ngoài biển, cách mấy cây số, mắt thường không nhìn thấy, phải dùng ống nhòm. Thủ trưởng Kỷ hạ lệnh bắn mục tiêu số mấy là chiến sỹ Đạt bắn trúng ngay, tan xác mục tiêu, trong khi đó cả đại đội không ai bắn trúng mục tiêu nào. Rất nhiều chuyện nữa về xạ thủ thiên tài này. Có người còn gọi chiến sỹ Đạt là Naponeon của Pháp. Xạ thủ pháo binh này là đại biểu xuống thăm đơn vị pháo binh phòng không C18 chúng tôi. Hóa ra là thằng Đạt. Chúng tôi gặp nhau mừng quá quên rằng nó là đại biểu xạ thủ thiên tài, nói chuyện luyên thuyên mãi. Một lần vào dịp Tết Trung thu, thiếu nhi xã cắm trại, có em Môn ở Hành Quán chết đuối ở sông trước chùa Xuân Hy, chúng tôi cùng về phép, gặp nhau cũng nói chuyện hết đêm ở bến ông Thủ Khiên và sau này nữa thì gặp nó ở nghĩa trang liệt sỹ xã. Thằng Đạt, thằng Vợi về nhà nằm liền nhau. Về thăm hai đứa nếu bí có một nén hương cũng viếng được cả hai. Tôi ngồi giữa tâm sự: Cùng bằng tuổi nhau, cổ gà luộc tao vẫn rai rau ráu mà từ 40 năm trước chúng mày đã không ăn được gì nữa rồi. Thằng Vợi, ông Viềng cùng bằng tuổi tôi, cũng thân nhau lắm nhưng không kể nữa. Phải gọi là ông Viềng vì ông này cũng đi bộ đội, không hy sinh, về làm thầy giáo ở Hà Giang, nay đã có tuổi về hưu nên không được gọi là thằng.

          Một chuyện không phải ở làng Xuân Hy

          Tôi có một thời gian ở quân ngũ, mắt đã chứng kiến nhiều cảnh khốc liệt, có ý thức quên đi nhưng mấy chục năm sau vẫn mơ thấy, sợ. Tôi là người ham sống sợ chết. Tôi muốn nói đến chuyện ở Hải Thịnh – Hải Hậu, nơi ăn chơi của thiên hạ ngày nay. Cuối năm 1967 đầu năm 1968, tôi ở bộ đội đơn vị 12 ly 7 phòng không trực chiến ở chính nơi này. Đơn vị tôi có nhiều trận địa, pháo 12 ly 7 bắn vài loạt rồi lập tức tháo súng chạy sang trận địa khác trong lúc máy bay Mỹ nó chưa quay lại nên rất ít người hy sinh. Tôi còn nhớ như in, khoảng cuối năm 1967, khi tôi còn là lính mới, một lần bắn  AĐ6 được vài loạt xong thì tháo súng chạy sang trận địa khác. Hôm ấy là một trận oanh tạc ác liệt, lâu, máy bay Mỹ nó quần lượn, ít có tiếng bom nhưng rocket thì liên hồi, nó cứ bổ nhào bắn rocket vào trận địa nhà mát pháo 37 ly. Pháo 37 ly thì không chạy được nên phải sinh tử. Pháo cao xạ bắn lên đến hết đạn cũng chưa thôi. Trận địa pháo này cố định để bảo vệ mục tiêu pháo nòng dài bắn tàu chiến đổ bộ. Trong trận ác liệt này, lúc vào buổi trưa, trên đường chúng tôi di chuyển trận địa, mắt tôi trực tiếp chứng kiến cảnh 3 bộ đội cáng bằng măng-ca, trên cáng một bộ đội quần áo đẫm máu, trói sát vào măng-ca, một chân cụt đến háng, băng. Tay cầm cờ phất liên hồi, miệng hô đến khản cổ:
          - Nhằm thẳng quân thù bắn, noi gương Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân bắn…bắn...
          Hai cô dân quân đeo súng trường chạy theo cáng cố giữ lấy tay:
- Đồng chí ơi, đừng hô nữa kẻo máu chảy hết…
          Hai cô cố gỡ lấy cờ nhưng cũng không gỡ được và đồng chí này cứ phất cờ và hô bắn. Bộ đội trận địa nhà mát bị thương, cáng về bệnh xá trung đoàn ở Hải Sơn. Cụt chân rồi, nằm trên cáng không biết bắn cái gì, tôi mãi cũng không lý giải được hiện tượng này. Trận địa nhà mát này bị nhiều trận oanh tạc ác liệt và hy sinh nhiều bộ đội cao xạ 37 ly. Có mấy mộ mới gần trận địa, mộ mới mà không có vòng hoa.
          Khoảng hè năm 2010, tôi cùng đoàn công nhân viên chức Thông tấn xã Việt Nam xuống Hải Thịnh nghỉ mát. Nửa đêm, không ngủ được, tôi cầm túi khô mực với gần nửa két bia lon ra bờ đê chỗ cửa sông ngồi, trên kè đá. Uống. Ăn. Nghĩ ngợi. Định thần được chỗ mình đang ngồi. Nhà mát kia, vậy trận địa cao xạ 37 ly là chỗ kia. Nhà mát là nhà xây cho công nhân nhà máy dệt Nam Định về nghỉ mát nhưng thực tế bấy giờ là bỏ hoang, chỉ còn địa danh. Xa kia là lán của công an biên phòng áo xanh. Hơn một cây số nữa là đến rừng thông phi lao cát trắng. Ngoài biển nơi cửa sông là xác tàu đắm nhô lên không bao giờ thấy nước nhấn chìm. Đường đê ra cửa Gót Tràng sông Ninh Cơ, vài cây số nữa là biển. Đường này cũng là đê sông cái, sông Ninh, nhưng cũng chỉ nhỏ như đường. Bãi sông Ninh ngày ấy rộng lắm cơ mà, sú vẹt tốt um. Cửa sông bom thủy lôi của máy bay Mỹ thả, thỉnh thoảng tự nhiên nổ, rất vô duyên, không bao giờ thấy thuyền bè ra vào cửa sông này cả. Trận địa của tôi ở ven đê sông Ninh này, cũng là cửa biển, có hầm trú ẩn mà gần một năm tôi tham gia trực chiến ở đây, bao kỷ niệm. Thằng Xinh béo quê Bạch Long, thằng Dân lùn con nhà giầu hữu khuynh tiêu cực khiếp chết, thằng Đản là đảng viên khi còn ở nhà, tiểu đội trưởng Vũ Hảo Đản hay cười, “quê tôi ở Tam Đồng Thụy Hải Thụy Anh Thái Bình”, đánh bài kém, chia bài xong mời các đồng chí lên bài đánh cho tôi được học tập… Rừng thông phi lao bạt ngàn kéo dài sang đến Hải Hòa. Buổi sáng sớm, thủy triều xuống bãi cát dài hết tầm mắt, sóng chỉ lăn tăn không giống biển tí nào. Từ trong nhìn ra không phân biệt được mép nước. Định hình được chỗ đang ngồi xong. Bây giờ ngồi đây, đê biển mà kè đá chắc chắn, cao, nửa đêm thủy triều lên sóng đánh vào bờ dữ dội, nước vọt lên cả mặt đê. Thì ra, biển đã lấn sâu vào bờ quá nhiều rồi, cuốn đi tất cả. Bãi biển nương dâu chỉ buổi sáng buổi chiều, lần trước ở đây ra đi là rừng phi lao ngút ngàn, nay quay lại đã thành biển dữ dội. Hôm qua biển không có sóng như bây giờ, sóng lăn tăn lắm. Hôm qua, bao nhiêu con người ở đây đâu rồi, bao nhiêu đồng đội của tôi còn sống có ai đến đây mà nghỉ mát, hưởng thụ tí sướng hòa bình trên mảnh đất đã nhuốm máu mình và máu đồng đội không? Giờ họ ở đâu? Gần một năm ở đây mà không thấy ai “tắm biển” bao giờ, cũng chẳng ai nghĩ ra trò tắm biển như hôm nay.
          Trận địa nhà mát đâu rồi, biển cuốn đi rồi. Lán công an áo xanh biên phòng đâu rồi, biển cuốn đi. Đường đê sông Ninh ra cửa Gót Tràng, biển cuốn đi. Trận địa của tôi có hầm trú ẩn, biển cuốn đi rồi. Chỗ ngồi đánh tú lơ khơ của chúng tôi, chỗ tôi ăn ngủ ngày đêm gần một năm, biển cuốn đi. Bãi cát dài ngút mắt với rừng thông phi lao reo ù ù suốt ngày đêm, biển cuốn đi. Bãi cát bờ biển xạ thủ pháo binh thiên tài Đạt bắn pháo cối diễn tập, biển cuốn đi. Cuốn đi hết rồi, chẳng còn gì nữa. Càng lúc sóng càng dữ dội, những kỷ niệm xưa lại càng hiện về rõ ràng, lòng ngổn ngang, những đồng đội, bộ đội đánh nhau ở đây ai mất ai còn, giờ đây ai sướng ai khổ…Cụ Biển ơi, cụ mạnh thế sao cụ không cuốn hết những kỷ niệm, quá khứ của tôi ở nơi đây mà tôi không muốn giữ để cho tôi như mọi người đang sướng kia mà ăn uống cho nó ngon miệng. Sao cụ chỉ giữ lại những kỷ niệm của tôi ở đây mà tôi không muốn giữ, giữ lại cảnh chèo kéo, chửi nhau tranh giành khách sáng nay, giữ lại cảnh các cô ca ve khốn khổ lượn lờ ở nơi đây mà làm gì, xin cụ cũng đừng bồi thêm nữa.
          Ngồi cứ miên man… tiếng đoàn uây tàu chở thực phẩm về khu nhà nghỉ làm tôi sực tỉnh. Mặt trời tròn như miệng cái lon bia, nhạt nhòa, từ mặt biển chui lên chưa hết…

          Bà Hai Nhè

          Không biết sao lại gọi là ông Hai Nhè, tên là Hai hay là Nhè không biết nên cứ gọi ông là Hai Nhè. Ông bà có con là thằng Phụng cũng bằng tuổi tôi, nghe nói đi bộ đội chết rồi, được là liệt sỹ. Nhà ông Hai Nhè đã lâu rồi chuyển xuống dưới bể để sinh sống. Ông Hai Nhè hiền khô, to khỏe, không gây gổ với ai bao giờ. Thỉnh thoáng có tí rượu vào là hay lè nhè, nửa chén uống không hết, say là chửi vợ mắng con vô cớ, nhưng một năm chỉ uống một vài lần thôi. Có người bảo ông Hai Nhè ngửi hơi rượu cũng say. Có lần uống rượu vào rồi cũng lè nhè, rồi đuổi bà vợ để đánh, biết ý bà liền chạy đi, ông đuổi theo, đuổi kịp, vừa nắm được bà liền bảo:
          - Chạy được nữa không?
          Bà cười tươi:
          - Không. Tôi sợ ông chạy nhọc nên đứng lại đợi ông cùng chạy, nếu ông có làm sao thì tôi còn đỡ.
          Thấy vợ quan tâm đến mình thì ông vui ngay, cười, quên rằng mình đang đuổi vợ để đánh, rồi cũng không biết làm thế nào nữa, hai ông bà lại dắt nhau về. Khi quá chén tí thì người ta không hay mình làm gì nữa, cũng là thường, nhưng ông này chưa quá nửa
chén đã say. Có lần ông bị ốm, nhà đóng đăng mà mấy hôm không ra đổ cá được, gặp lúc cuối thu nước cạn cá lại càng nhiều, quẫy ung ủng trong đăng. Bà phải ra đổ đăng, phải lội xuống nước mới đổ được. Sáng tơ rơ bà mang rổ ra đăng thì thấy hai bố thanh niên người làng đang hí hoáy tháo giỏ đăng, biết ý bà cười to: 
          - Quý hóa quá, anh ốm các chú thương giúp chị đổ đăng.
          Hai bố này ngượng quá, bẽn lẽn đổ cá vào rổ cho bà.
          - Xong rồi, các chú giúp chị buộc kỹ lưỡng với nhá, khổ quá, anh ốm mấy hôm nay rồi.  Trưa mời các chú sang uống nước, đi chợ bán cá chị mua đãi mối chú gói thuốc lào.
          Trưa cũng chẳng thấy chú nào đến. Làm việc tốt giúp chị mà gặp chị các chú này cứ lỉnh lỉnh. Người ta bảo: Bà Hai Nhè khéo.

(Còn tiếp)
 Nguyễn Kim Trì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét