Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

XUÂN HY KÝ SỰ NGUYỄN KIM TRÌ (Kì 3)



Tác giả Nguyễn Kim Trì
Đã đăng:

          CHUYỆN CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

          1- Tinh thần văn nghệ
          Hồi cải cách ruộng đất, trên Thủy Nhai có hai mẹ con bà này, cô con gái
hay có cảm tình với cán bộ đội cải cách ruộng đất, người ta gọi tắt là Đội. bà mẹ này lo lắm nhưng không làm gì được, nhất đội nhì giời mà. Một hôm bà mẹ bắt được con gái chùm chín chùm xanh với đội ở trong buồng. Chùm chín chùm xanh bây giờ gọi là tình yêu. Tức quá, không làm gì được, bà quát con gái: Mày làm gì đấy? Con vá quần cho đội. Sao lại phải vá? Chó nó cắn rách. Câu chuyện rồi cũng loang ra cả làng. Một thời gian sau xuất hiện bài hát nhại lại bài hát trong đám cưới: Tay ngắt bông hoa hồng, cây với cành cùng cao thấp thoáng, này cô em muôn vàn thân yêu có sầu nhớ chi trong lòng…Nhại  ra: Chó cắn rách quần, đội vào buồng cô em lấy kim khâu quần…Đội điều tra, có người khai anh Chẩm dưới Xuân Hy dậy. Thế là anh Chẩm bị bắt giam 6 tháng ở nhà bà Lép, sau đó giải lên giam ở nhà bà cụ Uấn đội 10 bây giờ. Ông Chẩm có tinh thần văn nghệ cao, biết sáng tác nên phải đi tù. Sau này ông làm cán bộ Ty văn hóa Hà Nam Ninh. ‘Anh Chẩm’ thanh niên đẹp trai thông minh, nhanh nhẹn vui tính, đang tự nhiên bắt giam nên trong nhà giam anh này bày nhiều giai thoại lắm.Trẻ con suốt ngày cứ quanh quẩn bên anh. Tiếc thật, tôi như đội bắt giam cho vài năm nữa thì có phải có nhiều giai thoại hay không, hậu thế có khối chuyện mà kể, viết thành sách được.


2- Phản động
          Chuyện này của nhà tôi, ông trẻ em ông nội tôi hồi ấy còn trẻ, dân chơi, ai lại mặc áo tay toang có túi viền vàng, tóc để gọng kính, như vậy đích thị là phản động rồi, thế là bị đi tù ở nhà bà Lép đội 11 bây giờ 9 tháng. Tù bấy giờ người nhà phải nuôi cơm. Có lần chị em tôi đưa cơm xuống cho ông là phản động thì sợ quá, không dám đến gần. Thời ấy nghiêm lắm, con gái mà mặc áo hoa, đi guốc ra đường là tiểu tư sản hay mầm mống của tiểu tư sản cũng bị tù như chơi.

          3- Bù nhìn
          Ông Hiểu, cụ còn nay phải hơn trăm tuổi, người xóm Thọ Xuân. Ngày ấy cụ có tí gồ ở mé đường gieo vừng, cái giống vừng này chim cu nó hay ăn lắm, moi sạch từng hột, thế là ông Hiểu phải làm cái bù nhìn, thân bằng cây chuối, đội nón rách, vẽ mặt người, có chân tay giang ra nghiêm chính, hình thù giống người để dọa chim. Thế là đội cải cách họp, cảnh cáo vì có âm mưu phản động, làm như vậy nhân dân đi họp đêm tưởng là ma, sợ mà không dám đi. Ông này suýt bị tù về bù nhìn, phá ngay, chim được bữa. Cũng nói thêm một tí về đội, họ có quyền to lắm nhưng nhiều khi họ dùng cái quyền đó vào sự không tốt, cứ xem bài thơ này thì rõ: Đội về đội dựa vào nông (nông đây là nông dân),đội về đội tặng chống đồng em đeo, chống đồng ưu tiên dân nghèo, cô nào đội quý được đeo chống đồng, gái ngoan có chống không chồng… xin giải thích: Chống đồng là trống ếch làm bằng đồng nhưng không phải là trống ếch mà cũng không phải là trống đồng, thế cơ chứ.
            
          4- Xóa khẩu hiệu
          Hồi cải cách ruộng đất lên cao trào thì không khí rất căng thẳng, bị tù, bị bắn chết như chơi. Bấy giờ cả làng không có mấy nhà xây có tường gạch, xóm Thọ Xuân có tường gạch nên được quét vôi để kẻ khẩu hiệu, khẩu hiệu hồi ấy đơn giản lắm, như: Có khổ nói khổ nông dân vùng lên hay Đả đảo địa chủ phong kiến, Địa chủ hết đời nông dân vạn đại…Bỗng một hôm tin đồn động trời có phản động lấy cứt xóa khẩu hiệu, ai nghe thấy cũng rụng rời chân tay, nếu bắt được phản động này thì rũ tù còn là phúc chứ bắn chết như chơi. Bắn chết bây giờ gọi là tử hình. Đội cải cách họp toàn dân hàng tháng truy kích địch tìm ra phản động xóa khẩu hiệu. Lúc ấy ai có máu mặt thì sợ quên ăn quên ngủ, ví như ông nào mà biết gảy đàn an tô hay măng đô lin hay có vẻ ăn chơi một tí là thuộc diện có máu mặt, đội phải để ý ngay. Phát hiện nhà ai mà có quyển sách có chữ tây thì phản động rồi, chết là cái chắc. Không khí làng xóm hết sức nặng nề nhưng mãi cũng không tìm ra phản động, chuyên lâu rồi cũng qua đi. Mãi sau này yên ắng hết cải cách ruộng đất thì có người tự thú, là ông Cản, ông này nay sống ở Sè gòng. Thì ra chuyện như vầy: Bà mẹ là bà cụ Uấn cũng bị giam là đảng phái hay gì đấy, không có ruộng nên không gọi là địa chủ, thích giam ai không đặt được tội thì gọi là đảng phái cũng được. Cụ Uấn bà trong kháng chiến cũng có đóng góp, tinh thần cao nên sau này được Nhà nước tặng Bằng Khen. Việc giam thì tôi biết, đội bắt ngồi ở gốc vối nhà ông Bảo, quay mặt lên phía bắc để cho gió bấc thổi vào mặt cho rét, bắt dân quân coi, nhưng khi đội về thì dân quân lại cho bà vào chuồng trấu bếp nhà ông Bảo ngồi, dân quân chỉ canh đội nếu thấy đội phải báo động ngay cho bà chạy ra gốc vối ngồi quay mặt lên phía bắc cho gió nó thổi vào mặt kẻo tội bênh đảng phái phản động của dân quân thì cũng chết. Chỉ giam ban đêm thôi, ban ngày cho về. Ông Cản ở nhà một mình, đói quá khoai lang sống xơi vào rồi uống nước lã bị té re, đêm khiếp ma không dám ra ngoài nên ỉa vào lá chóc rồi vứt ra ngoài không may vào chân tường mà trên có kẻ khẩu hiệu. Thế mà toàn xóm phải họp hàng tháng để truy kích phản động, phản động cái hòn cứt té re.

          CHUYỆN VỀ HỢP TÁC XÃ
                                               
          1- Thơ
          Khi mới đầu góp ruộng thành hợp tác xã thì mọi người vui lắm, làn gió mới mà, làm được bao nhiêu thóc thì chia nhau hết theo công điểm. Mỗi xóm 1 hợp tác xã. Các xóm hay tổ chức cuộc vui. Ngày ấy sông trước chùa còn rộng lắm, gọi là vụng chùa, lại có cầu chùa to, hợp tác xã Đại Nghĩa tổ chức cuộc vui, có leo cầu ngô, kéo co, thiếu nhi đánh trống ếch. Leo cầu ngô là lấy một cây tre luồng, một đầu buộc vào dây thừng rồi treo ra giữa sông còn đầu kia ở trong bờ. Cầu không có vin lắc lư, đầu ngoài sông có treo nải chuối tây chín, bé tí. Ai leo ra được thì được vài quả là phần thưởng còn không leo được thì văng tòm xuống nước, mọi người cười vỗ tay. Có nhiều trò nên cũng có thơ: Xóm một hợp tác tò vui, bà Nhuế mặc váy cầm cờ, ông Ánh đuổi vịt tật cò xóm xem. Đây là bài thơ phá đám, không hay.

          2- Cày 51
          Hồi ấy Đảng ta có mang về xã một chiếc cày kiểu Trung quốc gọi là cày 51. Nó có lưỡi khùng khèo nên nhiều người dè bỉu, với lại nói đến Trung quốc là nhiều người không thích vì cái anh Trung quốc hay xâm lấn biển đông. Xã lập cuộc thi với cày ta. Nhà cụ Đam xóm Hưng Đạo nuôi được con bò cũng mang ra kéo cày thi. Vì người cày 51 chưa quen nên chậm và không thẳng, kết luận: Thua. Vậy nên chỗ nào cũng bàn tán và có câu nói: Cày 51 thua bò ông Đam. Câu này nói nhiều  thành ra thành ngữ lúc bấy giờ. Có điều gì  không bằng lòng lại mang câu thành ngữ này ra nói: “cày 51 thua bò ông Đam”. Chuyện này hơi được, không hay lắm.

          3- Nhà chăn nuôi
          Ở xã nào cũng có nhà chăn nuôi lợn của hợp tác, gọi là trại chăn nuôi. Nhà chăn nuôi ở sau đền bây giờ, chỗ này có nhiều chuyện vui lắm, đây là nơi tụ tập đủ mọi thứ, ai đi qua cũng ghé vào nghỉ chân, may ra có hóng hớt được chuyện gì không, có khi lại còn được bát nước vối uống. Bấy giờ là thời chiến tranh, đàn ông đi bộ đội cả nên ở nhà các bà cũng buồn. Không biết sao trên tường trại chăn nuôi có khẩu hiệu viết bằng than: Xã ta đảng địt đảng, xã viên địt xã viên. Khẩu hiệu không tốt này để lâu lắm mà không ai xóa, chắc ai xóa thì bị nghi là thành phần này chăng. Rồi lâu lâu sau, ai lại chua xuống dưới 2 chữ:  hoan hô.

          4- Cụ Nhiễu
           Là một con người điển hình mẫu mực chịu khó,  cụ có tuổi nhưng luôn được tín nhiệm bầu coi kho hợp tác xã ngày mùa. Suốt ngày cụ quét dọn, thu xếp gọn gàng, luôn chân luôn tay nên việc coi kho cụ có thâm niên liên tục mấy chục năm, ai cũng quý, tin tưởng. Nửa đêm, đội kiểm tra của hợp tác đi kiểm tra các kho thóc lúa, đến kho Nam Biên thấy cụ nằm chổng phao câu lên giời ngủ, gỗ kéo khò khò. Cụ vẫn hay ngủ vậy nên bọn trộm cứ tưởng cụ thức nên chả mất gì bao giờ. Đội kiểm tra báo động ném đất vào thúng, vào cân thóc cứ làm như có trộm thật mà cụ chẳng nói gì. Tức quá, lấy hòn đất ném vào đít thì cụ cứ nằm nguyên chổng hô hô như vây, bảo: Đứa nào muốn lấy gì thì cứ lấy, để yên cho ông ngủ, mai đã có ban thanh ta nó ta. Mấy ông đoàn kiểm tra nhìn nhau.

          5- Ông Tứ công điều công khoán.
          Ông cụ Vũ Tứ ở đội 8, có tay nghề thợ mộc cao, làm nghề lâu năm, chuyên môn làm cho hợp tác xã. Mỗi lần gọi đi làm, ông hỏi luôn: Công điều hay công khoán. Thì ông cứ đi làm cái đã. Không, tôi cứ hỏi, công điều hay công khoán đã. Lúc ấy tinh thần xã hội chủ nghĩa làng ta còn cao, hỏi như vậy là không được tế nhị lắm nên cứ chế nhạo ông là ‘ông công điều công khoán’. Công điều thì làm bình thường, chất lượng thế nào cũng được, thù lao cố định, công khoán thì làm theo sản phẩm làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu nên người ta tích cực để có công cao. Làm gì cũng nên biết kết quả trước để phấn đấu, đó là cái gốc của kinh tế thị trường, như sau này ruộng khoán 10, khoán 100 thì kinh tế lên ngay, dân no đủ, không như trước bảo cứ làm đi rồi són cho tí công nào cũng phải chịu nên chất lượng sản phẩm rất phọt phẹt. Ngày ấy cũng có ông quan to lắm cũng có tư duy như ông Tứ nhưng lại mang ra lãnh đạo nhân dân nên bị chê cười, gần đây Nhà nước cũng làm phim mấy chục tập về ông quan này. Ông Tứ có tư duy kinh tế thị trường trước khi Đảng và Nhà nước ta mở cửa đón nền kinh tế thị trường như hôm nay là 24 năm 4 ngày.

          6- Đéo thốc ngay vào làm cho chúng nó nữa
          Cụ phó Lẹp ở đội 11 có tay nghề thợ mộc lâu năm, làm việc cẩn thận  tỷ mỉ lắm nhưng hơi lâu. Lâu nay cụ không đi làm cho ai nữa, có người hỏi dạo này cụ không đi làm cho ai nữa à ? Cụ tức bảo: Ai muốn xấu thì tìm phó Lẹp, ai muốn đẹp thì tìm phó Bôn, việc gì nặng nhọc nó mượn mình, việc sửa chữa bửn sỉu nó gọi đến tao còn làm mới, gỗ mới dễ làm thì nó không gọi đến. Đéo thốc ngay vào làm cho nó nữa. Với tính cách ấy bảo sao cụ không ghét, hóa ra ông Bôn cũng làm thợ mộc, có trình độ cao, biết làm các hàng kiểu mới, tân thời nên cố kỉnh muốn đóng cái tủ lệch hay cái giường cưới cho con thì cũng cố mượn được người tân tiến làm cho, không biết thế nào nhưng cũng thích hơn, còn cụ Lẹp cẩn thận đấy nhưng tư duy tân thời sao bằng ông Bôn được. Suy cho cùng thì cụ cũng có tuổi nên cũng muốn nghỉ ngơi là chính. Ngày nay cũng vậy, mua chịu nó lên cầu trạm xá, còn có tiền là nó nhảy tốc lên Hành Thiện ngay.

          LÀNG XUÂN HY TA

          Xuân Hy, tên đẹp lắm đấy. Xuân là mùa xuân, đứng đầu trong năm “tứ thời xuân tại thủ, ngũ phúc thọ vi tiên”. Hy là sáng, chữ Hán có bộ hỏa ở dưới, chữ Hy còn có chữ nữa có bộ lễ bên cạnh chữ hỷ, chữ song hỷ mà đám cưới hay dùng, nghĩa là vui mừng trong hoàn cảnh thiêng liêng. Cứ xem làng ta là làng cổ của vùng đồng bằng bắc bộ hết sức điển hình, đầy đủ, không thiếu thứ gì. Này nhá: Về lịch sử thành lập làng có ghi chép rõ ràng, có gốc tích. Đặc biệt quan hệ giữa tân ấp với cựu quán thì cả nước Nam này không đâu có, xứng đáng được phong ‘Mỹ tục khả phong’, mà cụ vua nhà Lê cũng đã khen rồi đấy thây, giấy vàng triện ngọc hẳn hoi: ‘Nghi tuần cổ lệ, thiện tục khả tòng’, đáng cho thiên hạ theo. Nhớ về cội nguồn biết ơn như vậy là nhất thế giới rồi, khỏi nói nhiều. Cứ xem như nước Mỹ văn minh vậy, toàn người châu Âu cả, mới có 4 trăm năm mà chả biết gì về cựu quán với tân ấp như chúng ta. Như cụ vua nhà Nguyễn cũng sáng suốt thật, sắc phong cho làng ta: ‘Cổ thiện đương tuân’, mà ngày càng tuân thật. Lại xin nói tiếp: Làng có chùa thờ Phật cầu phúc cầu an, tam quan, nhà Tổ, điện Mẫu nghiêm chỉnh. Có đình trung ngày xưa hội họp (đình trung nay là nhà khách của chùa), đình trung là nơi hội họp của các chức việc trong làng ngày xưa, việc làng cũng ở đây, làm đình trước để có nơi dân làng họp bàn việc làm chùa, có câu: ‘làm đình trước làm chùa sau’. Có đền thờ đức thành hoàng riêng, không như miền xứ đoài xứ bắc thờ thần hoàng chung với đình trung. Đức thành hoàng là vua của làng, chăm lo phù hộ mọi việc cho con dân trong làng, làng nào không có thành hoàng thì phải trần trụi với ác quỷ vì không có vua thần thánh che chở, đức thành hoàng càng linh thiêng thì càng có sức mạnh che chở cho con dân của làng. Các dong đều có miếu thờ thần linh bản địa, tuy nay có bị phá đi ít nhiều nhưng nay đang khôi phục dần. Làng có đền thờ đức Trần Hưng Đạo riêng ở xóm Hưng Đạo. Đặc biệt có đền thờ tam thánh gọi là ‘Tam giáo đồng hành’ hay ‘tam giáo đồng nguyên’ ở xóm Thọ Xuân. Đền thờ tam thánh thì ở Nam Định chỉ có vài chỗ, ở Huế thì nhiều hơn. Nơi đây còn thờ thần Quan công, tướng võ đại tài, đại trung nghĩa, thờ đức Khổng tử là nhà bác học, nhà giáo dục, tư tương thời xưa số 1 ở phương đông, ngoài ra còn thờ các vị thần nhà trời phù hộ về việc học hành, chữa bệnh mà ở đền Ngọc Sơn – Hà Nội có thờ. Tết giao thừa hàng năm các gia đình có con muốn học hành tấn tới đỗ đạt đều đến đền Ngọc Sơn cầu xin thần Văn xương đế quân, có người từ bên Pháp hàng năm đều gửi lễ về để tạ thần Văn xương lúc giao thừa vì đã phù hộ cho họ và con cháu họ đỗ đạt. Làng Hành Thiện xưa có đền thờ Văn xương riêng để phù trợ cho việc học hành nhưng nay hợp tác xã đã phá đi không còn nữa. Đền tam thánh cũng đang thờ đức Văn xương đế quân. Trước đền thờ thành hoàng còn có Văn chỉ thờ Khổng tử, sau này làm tạm nghĩa trang liệt sỹ nay đã chuyển đi rồi, tôi muốn phục hồi lại cơ sở này lắm nhưng không biết bắt đầu từ đâu, có ai để ý đến thì tốt lắm, cho tôi theo với. Làng xưa có nhiều cây cổ thụ lắm, tôi còn nhớ ngang chùa ra có cây đa ba bồn người ôm không xuể ở mé sông, gốc đa có quán bán hàng. Đầu xóm Hưng Đạo có cây đa to, trước đình trung có 2 cây bàng cổ, trước đền thành hoàng có cây gạo to ở mé sông, các dong ngõ đều có bến nước trồng bàng  hai bên thì nay đã phá hết cả, khác nhiều rồi. Rất may còn cây gạo nổi tiếng trước chùa, tuổi gần bằng tuổi của làng, cây này mấy năm trước bị sâu, suýt chết, cả làng lo lắng phải chữa mất khối tiền nay có phần phục hồi tốt, cây này mà chết thì ối thằng khốn theo, mất chức mất quyền mất tiền là cái chắc.  Còn một cây đa nữa mà ít người để ý đến đó là cây đa giữa đồng. Cây đa này được trồng vào đầu những năm 1950 lúc đó chỉ có phong trào tập thể, phong trào bình công chấm điểm giúp đỡ lẫn nhau sau đó là tổ đổi công, có Hội nông dân tập thể. Hội nông dân tập thể tổ chức trồng cây đa giữa đồng để dân làm đồng có chỗ nghỉ chân trú nắng hay ăn cơm đưa đồng. Cơm đưa đồng là cơm người nhà mang cho người làm ở ngoài đồng đến bữa không phải về nhà ăn cơm, lúc đông tang thời vụ như cấy gặt hay người đi cày để tranh thủ làm được nhiều việc. Nó có ý nghĩa lắm nhưng sau đó vào hợp tác xã thì không cần phải tranh thủ vậy nữa, không ai ngồi ăn cơm trưa dưới gốc đa này nữa nên nó bị bỏ quên, èo ọt rồi bị bão gẫy, nay thấy mọc lên cái chồi, đó cũng là sức sống của lịch sử mong nó được ngày càng tốt tươi. Cây đa lịch sử này nó gắn liền với tổ chức tập thể sơ khai của nông dân mà do đảng và cụ Hồ Chủ tịch chủ trương cũng không thấy ở làng nào, nơi nào có…Làng mà không có công trình cổ kính, không có tre, không có người già thì sao gọi là làng được. Làng ta có đủ mọi thứ, nhiều danh nhân thời cổ thời nay, tướng tá, quan to ngang với tướng tá, đỗ đạt cũng nhiều đấy. Tôi đi khắp đất nước này rồi, mấy chỗ không có bàn chân tôi nhưng không thấy có nơi nào đầy đủ như làng Xuân Hy ta, đây là món quà quý giá mà đôi khi ta không biết nhận, không thấy được mà tự hào, nhâm nhi cái mà ta có người khác thì không mới thú vị. Đền đài đầy đủ để cầu tài cầu lộc, cầu bầu phù hộ che chở… đành rằng có người không cần mà bước qua, đáng tiếc. Có lần kiếm được chén rượu uống say, nằm khểnh nghĩ về làng, sướng quá tự nhiên hét lên: Địt có làng nào oách bằng làng ông, làng tao oai nhất nước.

          ĐÓI RỒI, NGHỈ ĂN CƠM RỒI VIẾT TIẾP... 

          Vừa giở ra viết thì có ông bạn hàng xóm cùng đồng hương vào chơi, nhìn
thấy bảo: Ông chỉ viết nhăng nhít, cười bào: Thôi thì mua vui cũng được một vài trống canh, còn hơn có ông còn địt được trống canh nào. Ông bạn bảo: Thì ông cứ viết đi. Cười. Ông Hải bảo: Chú rỗi viết chuyện về làng Xuân Hy đi. Tôi bảo viết ai đọc. Tao đọc, mình tao đọc cũng được, hà hà, khối chuyện hay đấy, viết hay tao thưởng cho chai rượu thuốc ngâm rau bà đẻ 10 năm. Thế là tôi viết, hứng lên viết một mạch bằng máy vi tính, tôi đánh máy chữ tốc ký nhanh như nói, không sửa, cũng không đọc lại, in ra ai đọc thì tôi cám ơn, cái chính là cố kiếm lấy chai rượu thuốc ngâm rau bà đẻ 10 năm, ông này có nhiều loại rượu quái gở lắm. Rắn rết giun đỉa rễ cỏ búp cây …toàn thứ lấy từ Xuân Hy lên, sao vàng hạ thổ, tẩm ướp công phu trên trăm thứ ngâm một chum cũng thành rượu, không đặt được tên. Uống vào thì chân tóc cứ dật dật, ngón chân ngón tay nhảy tưng tưng. Tôi bảo phải đặt cho nó cái tên chứ. Ông Hải bảo: Tao định đặt tên cho nó là X.H.C.N cho nó tây mà tây cũng chẳng hiểu, hà hà, ngồi uống một mình thì bờ tre gốc dứa ở Xuân Hy hiện lên hết, uống để chống nhớ nhà mà hà, hà. Tôi bảo bây giờ có ai phải xếp hàng cả ngày như thời bao cấp nữa đâu mà đặt tên vậy. Ông Hải bảo: Gọi là Xuân Hy có nhớ hay gì gì cũng được. Ông Hải lại cười hà hà… Đúng là rượu của bố này uống vào là biết ngay, tôi nghi hay là bố ấy pha trộm rượu khác vào nữa vì tôi phát hiện thấy có bình ngâm pín hổ ở bên cạnh, cả cụm, dễ đến 3 cân…Tôi viết hơn một ngày, nếu có ai thưởng tôi viết nữa, phải viết một tháng mới tàm tạm đủ chuyện về làng Xuân Hy, chai rượu thuốc viết vậy cũng đủ rồi. Chuyện ma làng ta thì cực hay, nhất lả các ông già ngày xưa kể lại, lắm ma lắm, sờ chỗ nào cũng thấy ma, tôi xin kể thử một chuyện vừa nghĩ đến xem có được không nhá, chuyện như vầy: Ở khu đầu cổng giữa xóm Đoàn Kết bây giờ, có nhà ông gì tôi quên tên rồi, nhà cũng nghèo, mà ngày xưa thì nhà ai mà chả nghèo. Ông chồng đi làm mướn bên Liên Thủy, tối về bà vợ bảo: Có tí cơm nguội để phần ông ở trong chạn ấy, lấy mà ăn. Trời tối nhá nhem, lại chả có giăng đèn gì. Lại càng không có đèn điện nê ông như bây giờ, bật lên tháng tứng là ma nó giật mình chạy hết. Ông này mang nồi ra vét, cũng là nồi đất để thổi cơm, không có xoong nhôm như bây giờ. Ông có cái thú vét nhặt từng hột ăn mới thích, cũng là để kéo dài bữa ăn ra cho oai. Vừa ăn ông vừa lầm bầm: Thao mình không ăn hết đi, bảo để phần chồng mấy hột cơm mà cứ chồng một miếng vợ lại thò tay vét một miếng. Bà vợ nằm võng bế con ở ngoài hè bảo: Ơ hay cái ông thổ tả này, tôi nằm ở đây cơ mà. Ông kêu lên, đéo mẹ nó, ma rồi. Lần nào thò tay vào nồi cũng khùa phải tay ma. Tuy nhiều ma vậy nhưng toàn ma tốt, ma không chửi nhau với người, không tranh giành kiện tụng gì với người, ma ăn xong cỗ vẫn còn nguyên, nhiều khi còn phù hộ người, chơi với ma cũng vui, ma ngày xưa tốt hơn người…
                       
            Tháng 6 ta năm 1014
           Ký tên người viết: TRÌ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét