Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Thơ tình của một số nhà thơ nữ đời Đường



           

Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

          Nhà thơ Võ Tắc Thiên (624-705)

          Chúng ta từng biết đến Võ Tắc Thiên武則天 (624-705), một hoàng đế khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Võ Tắc Thiên còn có tên là Võ Chiếu 武曌, quê ở Văn Thuỷ (文水) quận Tinh Châu (幷州); nay thuộc thhành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây (山西. Năm 14 tuổi được tuyển vào cung, tên của bà ban đầu là cái tên không may mắn nên được Đường Thái Tông đổi tên thành Võ Mỵ Nương 武媚娘 khi bà còn làm Tài Nhân trong cung. Khi lên ngôi Hoàng đế bà đổi tên thành Võ Chiếu 武曌, chữ Chiếu trong tên bà vốn là chữ chiếu nhưng để may mắn bà đã tự tạo chữ mới (nhật nguyệt đương không 日月當空) và là một trong những chữ trong Võ Hậu Tân tự. Bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đã lập ra triều đại của riêng mình, nhà Võ Chu 武周, và cai trị dưới cái tên Thánh Thần Hoàng Đế 聖神皇帝 từ 690 đến 705.
            Trong cuộc đời của Võ Tắc Thiên, bà không chỉ là một người phụ nữ nắm đầy quyền lực mà còn là một thi sĩ đích thực. Trong “Toàn Đường thi” có sưu tập 35 bài thơ của bà viết trong thời gian bà cai trị, những lúc nhàn rỗi dạo trong cung. Trong sách “Tân Đường thi” thiên “Nghệ văn chí” có chép bà làm thơ từ nhỏ, có lưu lại “Thùy Củng tập” và “Kim Luân tập” song bị thất lạc nhiều bài. Nay lưu truyền lại có “Võ Tắc Thiên thi tập” gồm 58 bài, trọn vẹn. Thơ bà hay ở tứ và rất chân thành, giản dị vì vậy được nhiều người yêu thích.

如意娘
看朱成碧思紛紛,
 憔悴支離為憶君。
不信比來長下淚,
開箱驗取石榴裙。

Phiên âm:
NHƯ Ý NƯƠNG

Khán chu thành bích tứ phân phân
Tiều tụy chi li vị ức quân
Bất tín tỉ lai thường hạ lệ
Khai sương kiểm thủ thạch lựu quần.

Dịch nghĩa:

NÀNG NHƯ Ý
Trông màu đỏ hóa thành màu xanh trong lòng bối rối.
Thân hình tiều tụy đi vì nhớ chàng.
Nếu chàng không tin thiếp đã bao lần nhỏ lệ.
 Thì chàng hãy mở chiếc rương đếm những chiếc quần thạch lựu [đã thấm đẫm nước mắt nàng].

Bản dịch 1:
NÀNG NHƯ Ý
Nhìn đỏ thành xanh thiếp nhớ chàng
Xác thân tiều tụy đến võ vàng.
Chẳng tin thiếp đã bao lần khóc
Hãy đếm quần hồng ở đáy rương!

Bản dịch 2:
NÀNG NHƯ Ý
Nhìn xanh hóa đỏ võ vàng
Xác thân tiều tụy nhớ chàng khôn nguôi.
Bao lần thiếp khóc chàng ơi,
Hãy xem, lệ ướt quần nơi đáy hòm!

          Nhà thơ Trần Ngọc Lan (? -?)

            Trần Ngọc Lan (陳玉蘭 ? - ?), vợ của Vương Giá (王駕), người Hà Trung, tỉnh Sơn Tây, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Viên ngoại lang Bộ Lễ.  Thuộc đời Vãn Đường (835 – 907), thơ của bà hiện còn một bài.

寄夫
夫戍邊關妾在吳,
西風吹妾妾憂夫。
一行書信千行淚,
寒到君邊衣到無。

Phiên âm:
KÝ PHU
Phu thú biên quan thiếp tại Ngô,
Tây phong xuy thiếp, thiếp ưu phu.
Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ,
Hàn đáo quân biên y đáo vô.

Dịch nghĩa:
GỬI CHO CHỒNG
Chồng đi thú nơi biên ải, thiếp ở đất Ngô (1)
Gió tây thổi thiếp (lạnh), thiếp lo cho chồng.
Mỗi một dòng thư là nghìn dòng nước mắt:
"Rét đến bên chàng, áo có đến không?"

Chú thích:
(1) Ngô: Tên vùng đất thuộc nước Ngô thời Xuân Thu, nay là tỉnh Giang Tô, ở Đông Nam Trung Quốc.

Dịch thơ:
GỬI CHO CHỒNG
Bản dịch 1:
Chàng ở biên thùy, thiếp ở Ngô,
Gió tây thổi lạnh, thiếp thêm lo.
Mỗi dòng thư, là ngàn dòng lệ,
Rét đến bên chàng, áo đến chưa?

Bản dịch 2:
Chàng trấn biên thùy, thiếp ở Ngô
Gios Tây lạnh thiếp, thiếp lo cho chàng
Mối dòng thư lệ ngàn hàng
Rét về áo đến bên chàng hay chưa?

          Nhà thơ Đỗ Thu Nương ( 杜秋娘)
                            ( ?  -  ?  ) 


          Không rõ năm sinh năm mất. Sinh ở Kim Lăng  nay thuộc Trấn Giang tỉnh Giang Tô. Thuở nhỏ nhà nghèo. Nhờ có nhan sắc và tài ca múa  nên đươc tuyển vào đội ca múa và làm thiếp cho Lý Kì (
李錡 :740 – 807) lúc  mới 15 tuổi. Lý Kì là dòng dõi tôn thất nhà Đường, làm tiết đọ sứ Trấn Hải.Sau Lí Kì làm phản và bị giết, bà lại bị đưa vào cung làm nô dịch, nhưng  cũng nhờ  tài ca múa nên lại được chọn vào đội ca múa cung đình, có dịp biểu diễn cho vua Đường Hiến Tông(778-820) xem. Nhận thấy Đỗ Thu Nương có nhiều tài hoa (ca múa giỏi, làm thơ hay), nhà vua rất sủng ái. Không bao lâu, bà được vua  cho cải danh là Thu Phi (秋妃). Sống ở trong cung , bà được các đại thần rất kính nể..Thời Đường Mục Tông (Lý Hằng : 821 – 826), bà được làm  cung trung giáo tập và vừa làm bảo mẫu để dạy học cho hoàng tử Lý Thấu (con của Đường Mục Tông). Sau  Lý Thấu bị hại, bà thôi ở cung trở về quê quán cho đến khi mất.
             Về thơ bà nổi tiếng nhất là bài Kim lũ y


Phiên âm:
KIM LŨ Y(1)
Khuyến quân mạc tích kim lũ y,
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì.
Hoa khai kham chiết trực tu chiết,
Mạc đãi vô hoa không chiết chi.

Dịch nghĩa:
ÁO TƠ VÀNG
Khuyên anh đừng tiếc áo thêu vàng,
Khuyên anh hãy tiếc thời niên thiếu:
Hoa nở đáng bẻ thì bẻ ngay,
Đừng chờ hoa rụng bẻ cành không.

Dịch thơ:
ÁO TƠ VÀNG
Khuyên anh đừng tiếc áo vàng kia ,
Khuyên anh hãy tiếc thưở xuân thì
Hoa nở đáng bẻ thì nên bẻ,
Đừng chờ hoa rụng, bẻ mà chi.

          Chú thích:
            1) Kim lũ y :(Kim: sắc vàng, lũ: tơ, y: áo) áo tơ vàng , có nghĩa bóng  là áo công danh . Có tư liệu cho là áo quí báu dành cho tướng lĩnh, ngụ ý người lính công thành danh toại (Phùng Hoài Ngọc – Thi ca từ Trung Hoa, trang 83). Lại có tư liệu giải thích là áo múa thêu chỉ vàng (Ngô Văn Phú – 300 bài thơ Đường, tr. 691). Có người lại dịch là áo kim tuyến v.v...






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét