Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Vài nét về dấu ấn văn hóa trong lời nói khoa trương của Mạc Ngôn


Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên

          1) Khái niệm về văn hóa
          Khái niệm văn hóa là một vấn đề phức tạp. Theo các số liệu thống kê về định nghĩa văn hoá, hiện có ý kiến cho là có hơn một trăm định nghĩa văn hoá, thậm chí có số liệu cho rằng có khoảng hơn 200 định nghĩa về văn hoá, theo UNESCO thì đã có đến 256 định nghĩa về văn hoá. Hội nghị quốc tế về văn hóa ở Mêhicô (1982) để bắt đầu thập kỷ văn hoá UNESCO, đã thống nhất đưa ra một khái niệm về văn hoá như sau:
          “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng”.

          Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồnvật chấttri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.”
          Theo quan niệm của chúng tôi, văn hoá là những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, mang theo những đặc điểm, dấu ấn đại diện cho một dân tộc, làm cho dân tộc này khác với các dân tộc khác. 

          2) Mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ
          Ngôn ngữ là công cụ của giao tiếp, đựơc xem như một yếu tố hay bộ phận hữu cơ của văn hoá, là công cụ chuyển tải văn hoá quan trọng nhất. Edward Sapir nói rằng: “Phía sau ngôn ngữ luôn ẩn chứa một nền văn hoá, ngôn ngữ luôn tồn tại không thể tách rời khỏi văn hoá. Cái được gọi là văn hoá chính là sự tổng hoà các tập quán và tín ngưỡng xã hội được lưu truyền lại”
          W. Humboldt, nhà văn hoá Đức cũng đã nhận định: “Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc, nhìn vào đó ta có thể thấy nó phản ánh rõ hơn hết tâm hồn và tính cách con người và những đặc trưng văn hoá cơ bản của nền văn hoá đó” [dẫn theo La Thường Bồi - 2004, 69p].
          Ngôn ngữ và văn hóa gắn bó chặt chẽ với nhau, nhưng thông thường sự tồn tại của nền văn hoá được quyết định bởi ngôn ngữ, nhưng chính ngôn ngữ lại là nhân tố độc lập của nền văn hoá dân tộc, là một thành tố của nền văn hoá tinh thần, ngôn ngữ giữ vị trí đặc biệt trong nó.

          3) Dấu ấn văn hóa trong lời nói khoa trương của Mạc Ngôn
          Ngôn ngữ ngoài chức năng giao tiếp và là công cụ của tư duy, nó còn là phương tiện để lưu giữ những giá trị văn hóa – lịch sử và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lối nói khoa trương là một thủ pháp tu từ của một ngôn ngữ nên cũng không nằm ngoài qui luật đó. Chẳng hạn, trong “Trâu thiến”, Mạc Ngôn viết:
(48)  时可没想到是食物中毒,自打盘古开天地,三皇五帝到如今,我们那儿还没听说食物还能中毒。《蛙》
          (Nói một cách thực lòng, lúc ấy mọi người không hề nghĩ đến khái niệm ngộ độc thức ăn. Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, trải qua Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới biết là ăn uống có thể bị ngộ độc.)
                          (Ếch)
          Ở đây, tác giả đã sử dụng các nhân vật trong truyền thuyết và trong lịch sử để khoa trương. Theo truyền thuyết, Bàn Cổ được thai nghén trong vòng 18.000 năm và là người khai thiên lập địa, sáng tạo ra thế giới. Còn Tam Hoàng Ngũ Đế đều là những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Thực ra, đoạn văn đã sử dụng khoa trương để nhấn mạnh ý, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ chúng tôi mới biết là ăn uống có thể bị ngộ độc.
Một ví dụ khác trong tiểu thuyết “Ếch”:
(49)
但她在王肝眼里是天下第一美人,说文雅点,这叫  情人眼里出西施;说粗俗点,这叫王八瞅绿豆,看对眼了。《蛙》
          (Nhưng trong mắt Vương Can, “Tiểu sư tử” lại là đệ nhất mĩ nhân trên thế gian này, nói văn vẻ một tí thì “trong mắt người đang yêu, em bỗng hóa Tây Thi”.
                                   (Ếch)
          Ở đây, tác giả đã so sánh “Tiểu sư tử” với một trong “tứ đại mĩ nhân” trong lịch sử Trung Hoa.
(50)  真正的大能人在这里呢,陈鼻指指袁腮,说:这人,上知天文,下知地理,五百年前的事他全知道,五百年后的事他知道一半。《蛙》
          (Người bản lĩnh chân chính đang có mặt ở đây – Trần Tị chỉ vào , Viên Tai nói: – Người này trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, chuyện năm trăm năm trước thuộc như đường chỉ trong lòng bàn tay, chuyện năm trăm năm sau biết một nửa.
                                                           (Ếch)
          Câu nói của Trần Tị khen Viên Tai khiến ta liên tưởng tới nhân vật Khổng Minh trong “Tam quốc diễn nghĩa” một nhân vật kiệt xuất về các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, được cho là trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, giữa hiểu lòng người. Không những thế, đối với những người am hiểu văn hóa Trung Hoa, chỉ cần nói đến “năm trăm năm” là họ nghĩ ngay đến hình ảnh Tề Thiên Đại Thánh từng tu luyện năm trăm năm ở Hoa Qủa Sơn Thủy Liêm Động, thông thạo bảy hai phép thần thông, phò tá Đường Tăng đi lấy kinh trong tiểu thuyết cổ điển “Tây du kí” của Ngô Thừa Ân.
          Dấu ấn văn hóa còn được thể hiện trong khoa trương của Mạc Ngôn qua những lời thề thốt. Đó là hình ảnh lão Đổng – bác sĩ thú y trong “Trâu thiến”. Sau khi đánh vật với con trâu Song Tích mà không thành công, bị mọi người nói khích, lão thề:
          (51)
          奶奶个熊,今日我不阉了你,把董字倒过来写!《牛》
          (Bữa nay không cắt được dái mày, ông không còn mang họ Đổng nữa!)         
                                          (Trâu thiến)
          Đối với người phương Tây, họ không phải là vấn đề quan trọng, mang họ nào là quyền của mỗi người và nhiều khi hết sức tùy hứng, anh em ruột thịt, thậm chí bố con có thể mang họ khác nhau. Ngược lại, đối với người Trung Quốc, họ là vấn đề rất hệ trọng; cho nên, một người nào đó mắc một tội nặng có thể bị khai trừ ra khỏi họ. Một khi đã phải đưa họ ra để thề thốt thì sự việc đã trở nên hết sức nghiêm trọng.
          Xét các ví dụ sau:
          (52)
 老四更牛,嫁给了公社屠宰组组长宋五轮,宋手  里天天攥着几十张肉票,走到哪里都像香香蛋似的。《牛》
          (Đứa thứ tư tuổi trâu, cuối cùng lại chui vào nhà của tay tổ trưởng tổ giết mổ Tống Ngũ Luân trên huyện, trên tay của gã họ Tống này trên tay ngày nào cũng có mấy chục tờ tem phiếu mua thịt, đi đến đâu là chỗ đó có mùi thơm của thịt bay lên.)
                                    (Trâu thiến)
(53)  他大女婿瘦得像一只螳螂。据说前几任炊事员刚到公社食堂时都很瘦, 但不到一年,身体就像用气吹起来一样,胖得走了形。《牛》
          (Gã con rể này gầy như một con bọ ngựa. Nghe nói những người đã từng làm cấp dưỡng ở nhà ăn công xã đều gầy như bọ ngựa cả, nhưng không đầy một năm sau, ai ai cũng như được bơm căng không khí, mập đến độ đi không nổi mà phải lăn).
                      (Trâu thiến)
          Qua các ví dụ trên ta có thể thấy, tem phiếu phản ánh sinh hoạt của thời bao cấp, cái thời kì mà tất cả mọi nhu cầu của con người từ cái ăn cái mặc đến mọi nhu cầu thiết yếu khác như cái kim sợi chỉ đều phải phân phối ở cửa hàng hợp tác xã. Hình ảnh nhà ăn công xã phản ánh một giai đoạn phát triển đi lên “chủ nghĩa xã hội” giai đoạn đầu của “chủ nghĩa cộng sản” (một xã hội không tưởng) của nhân dân Trung Quốc do Mao Trạch Đông khởi xướng. Thời kì này đã khiến người dân Trung Quốc lâm vào nạn đói và hậu quả của nó là ba bảy phảy bảy triệu người chết đói, được phản ánh trong cuốn “Mao Trạch Đông – ngàn năm công tội”.
          Trong tiểu thuyết “Ếch” Mạc Ngôn viết:
 (54)  她说:你们以为我真喝醉了?没那回事,姑姑我是千杯不醉。《蛙》
          (Cô nói: Chúng bay nghĩ là ta đã say thật rồi à? Không có chuyện đó đâu. Cô đây nghìn cốc không say!).  (Ếch)
          Câu nói của bà cô bắt nguồn từ câu cách ngôn tiếng Hán:
          酒逢知己千杯少
          说不投机半句多
          [Rượu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu
          Thoại bất tri âm bán cú đa]
          (Uống rượu gặp bạn nghìn chén cũng còn ít
          Nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng bằng thừa).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb   Giaó dục.
5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
6. Mạc Ngôn (2001), Báu vật của đời, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
7. Mạc Ngôn (2010), Ếch, Nxb Văn học, Hà Nội.
8. Mạc Ngôn (2004), Truyện, Nxb Văn học, Hà Nội.

NGUYỄN NGỌC KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét