Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

XUÂN HY KÝ SỰ NGUYỄN KIM TRÌ (Kì 5)



Tác giả Nguyễn Kim Trì
Đã đăng:

          TRANH CÃI VỀ CÁI TỤC

          Tôi đem bản thảo “Xuân Hy ký sự” mới viết được 5 kỳ đăng blog Trần Mỹ Giống về quê, đưa cho ông Liễu, ông Từ đọc. Khi các ông đọc xong, tôi hỏi:
          - Có được không?
          Ông Từ bảo:
- Được.
          Ông Liễu bảo:
          - Cũng tạm được, không có gì đọc, cây nhà lá vườn thì đọc.
          - Vậy có viết nữa không?
          - Viết, viết chứ.
          - Nhưng các ông phải cung cấp tư liệu cho tôi.
          - Được.

          Thế là trà dư tửu hậu, hai bố này thi nhau chuyện lôi lồi lồi, vừa kể vừa cười ha hả, hết chuyện này đến chuyên khác. Nhân đà này tôi cũng góp thêm. Nghe rồi về nhà chỉ việc chép lại. Vừa ngồi vào bàn, tay múa phím, nhớ chuyện gì chép chuyện ấy. Định bụng phải viết cẩn thận hơn vì lần này có thêm hai ông này đọc và cũng nể vì chuyện của các ông này cung cấp, sao cho có câu cú hẳn hoi. Đang suy tư thì anh Đặng Quốc Việt gọi điện, bảo:
          - Chú viết truyện cho chú Hải đọc, chú ấy phàn nàn chú viết nhiều chữ tục tĩu quá.
          Tôi liền cãi:
          - Đâu mà, anh cứ nói vậy.
          - Tôi thì chả thèm đọc, thì chú cứ xem lại xem.
          Nghĩ một lúc tôi cãi giả:
          - Bác cứ về nhà thì họ vẫn nói vậy mà. Họ không cho đấy là tục thì tục gì. Anh bảo đẻ ở làng nào thì ăn nước ở làng ấy nên nói tiếng của làng ấy, tránh sao được. Người Vẽ không biết nói giọng làng Chèm. Thôi thì theo sao được, ngày nay thời đại văn minh, trình độ văn hóa cao, các nhà đại văn hào Việt Nam ta khi viết đến chữ họ cho là tục, để cho có văn hóa, có lịch sự thì họ viết tắt, lại còn chấm chấm để tránh, nhưng cuối cùng cũng vẫn là chữ ấy, đố mà hiểu sang chữ khác được. Nhiêu khê. Có khi lại nhấn mạnh thêm. Anh bảo chả nhẽ “bảo về Chèm lại đi đường Vẽ”. Em nghĩ mỗi con chữ, mỗi từ ngữ viết ra nó phải bình đẳng nhau, cũng như mọi bộ phận trên cơ thể con người hay con vật. Sao tên anh là mũi, là trái tim, là làn môi thì được gọi rõ ra,
hứng chí lại còn viết chữ hoa mà tên tôi thì lại bị viết tắt, lại còn chấm chấm? Có người họ quý tôi hơn quý anh ấy chứ, không có tôi liệu có anh không???... Hay anh thấy anh hai Nam bộ, bạn bè ngồi lai rai vài ba xị thì câu nào họ cũng “đù” đấy thôi, có câu “đù” năm, sáu phát mà vẫn chưa ra được chủ ngữ, lai rai mà không có mồi “đù” thì nhạt mồm. Thì ngoài Thủ đô Hà Nội nhà anh có kém miếng nào đâu. Người Tràng An thanh
lịch chả nhẽ lại nói tục. Anh có nghe em nói không đấy?
          Thấy anh Việt im lặng, tôi nhắc lại trong máy:
- Anh có nghe em nói không đấy?
Anh Việt bảo:
          - Thì anh vẫn nghe đây.
Tôi nói tiếp những suy nghĩ của mình:
          - Lại nữa, bây giờ ra đường anh thấy ngay, các cháu thiếu nhi học sinh nó vãi lồn ra đầy đường đấy thôi, đến các cháu trai nó cũng có nhiều của ấy để vãi. Học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa chả nhẽ lại nói tục. Không phải đâu, các cháu nó không cho đấy là tục thì chẳng tục, nếu là tục thì thầy giáo chúng nó đã dạy nó không nói vậy
nữa. Nếu anh chê thì coi đó là một thứ văn hóa hiện đại để khỏi phải băn khoăn - Văn hóa nói thật. Em nghĩ rồi, chỉ những lời lẽ hoa mỹ dối dân lừa Đảng mới là tục tĩu, đáng cười. Vâng, nghe nhời anh em không viết như vậy nữa.
          - Cái chú này, luật sư cựu chiến binh chỉ già mồm cãi. Ngòi bút của chú còn sắc hơn cả lưỡi lê đấy. Ừ thì kệ cái văn hóa nói thật của chú, còn chú nói Chèm Chèm, Vẽ Vẽ cái gì chứ, thì chú cũng có ở quê đâu. Anh em mình cùng cảnh áo cộc, đất chật người đông, thôi thì để lại nhà cửa ruộng vườn cho anh em họ hàng, lên đây kiếm ăn cả mà chú cứ móc máy. Chú có biết không, đất này đang che chở, cưu mang 3 đời nhà anh đấy.
          - Em xin lỗi! Em đâu có ý ấy. Em chỉ nói câu tục ngữ của dân gian thôi mà.
          Gớm! Mới động đến quê mới của ông ấy một tí mà ông ấy đã giẫy lên đành đạch, nếu mà động đến Xuân Hy quê gốc thì chắc mất tình anh em. Nói vậy thôi, chứ có lẽ tôi không đủ chữ dùng để tránh chữ mà anh Việt mắng cho là tục. Thôi gác lại cuộc tranh luận về “cái tục”, để suy nghĩ thêm. Giờ chép lại cuộc chuyện trò với ông Từ, ông Liễu hầu bạn đọc cái đã.


          THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC 
(HAY LÀ TRUYỆN NHỊN NGHE ĐÀI)
             
Hỡi các bà, các chị làng Xuân Hy!
          Hỡi các cháu gái làng Xuân Hy, nghe đây:
          Ở làng ta ngày xưa, có các cụ bà như bà cụ Ngộ, bà cụ Tịnh hay bên Thủy Nhai Trung có bà Chanh là những tấm gương mẫu mực về phục vụ chăm lo cho chồng con. Ngày ấy, làm hợp tác xã không no đủ như bây giờ đâu. Dù đi làm hợp tác hay ngày mưa gió nghỉ ở nhà, dù mò cua bắt ốc thì ngày nào các bà cũng lo cho chồng được cút rượu bữa trưa và đủ thuốc lào để hút. Một cút rượu khoảng 2 chén vừa. Rượu ngày ấy quý
lắm, nấu bằng gạo nếp cái dóc hay cái răng ngựa men thuốc bắc, rót ra thơm lừng. Một cút rượu ngày ấy cũng to bằng nửa két bia Ha-li-da bây giờ, chả như bây giờ nó bỏ men vào nước lã hay cất rượu pha thuốc sâu, cốt phát, uống vào cháy ruột cháy gan. Một hôm, khoảng 10 giờ trưa, bà cụ Tịnh rút trong thắt lưng ra cút rượu rồi bảo ông:
          - Rượu của ông tôi để trên giường ấy, ông ở nhà, tôi đi đong gạo rồi về thổi cơm.   
Ông vồn vã:
- Thôi bà đưa tôi đi đong cho.
Bà xúc động, đưa tiền cho ông. Nghĩ bụng: Ông này đọa ra hôm nay lại quan tâm
đến việc bếp núc của mình. Bảo:
- Ông sang nhà bà Gắt mà đong.
          - Được rồi, ai chả biết bà Gắt làm hàng xáo bán gạo.
          Bà ngồi đợi mãi không thấy ông về, sao lâu vậy không biết, tắt vài bước là sang đến nơi mà lâu ngang bằng đi chợ Hành Thiện.
Khi về, ông tay không bảo bà:
          - Không có gạo cũng không sao, bà nấu bát canh húp cho mát ruột cũng qua bữa. Chứ nhịn nghe đài là không chịu được. Bà bảo đài mà không có pin thì ngang bằng để hòn gạch lên đầu giường tôi - Vừa nói ông vừa móc trong túi ra đôi pin con thỏ mới tinh, lắp vào đài, cười hà hà:
          - Tối nay thì cả xóm được nghe câu chuyện cảnh giác đây.
          Vừa lúc đài có chương trình dân ca và chèo, đàn  hay hát ngọt… Cứ nhìn mặt bà rạng rỡ ngắm ông ngồi trên giường nhắm rượu với dân ca và chèo của đài thì biết trong bụng bà lúc này vui gấp 2 ông, có khi còn hơn 2.
          Xin vô phép các bà các chị, tôi nói với các cháu gái như vầy:
          - Các cháu có biết hạnh phúc là gì không? Đấy, hạnh phúc là như vậy đấy. Không phải học đâu xa, cứ học các cụ bà ngày xưa trong làng ta là có hạnh phúc tràn trề trong gia đình, chớ nghe ngoài đường nó xui khôn dậy dại, nào là muốn có hạnh phúc thì vợ chồng phải bình đẳng bình quyền, chồng phải tôn trọng vợ, phải lo những việc lớn trong nhà… rồi lại mang bình quyền bình đẳng về dậy chồng, gặp phải đứa nóng tính nó tỉn cho thì biết ngay thế nào là hạnh phúc, hay muốn ký vào đơn thì cứ dạy nữa. Thực tế thì đàn ông nó không hoàn toàn như các bà vợ thời nay nghĩ đâu, quân tử không đấu với nữ nhi, nó bất lực không làm cho vợ con sướng được nên nó khổ lắm rồi, lực bất tòng tâm nên nó hay khùng hay điên, biết cách thì nó phải làm nô lệ cho vợ ngay thôi. Ngày nay
âm thịnh dương suy. Nhân đây cũng muốn nói thêm với các cháu gái: Thời buổi nay nhìn đời cũng nên thoáng một chút. Tỉ như chồng con nó ra ngoài có tí đồng ra đồng vào thì cũng bình tĩnh, đừng ghen tuông quá làm gì. Thôi thì bông lúa hạt thóc ngày mùa ngày màng sao mà chả có hạt rụng hạt rơi, con chim con sẻ nó vớ được thì cũng cho qua, chấp gì. Cái quan trọng là nhà mình đã đầy bồ đầy cót, cố giữ lấy cái bồ
cái cót nhà mình là no ấm hạnh phúc rồi, trong ấm thì ngoài êm.

(Còn nữa)

Nguyễn Kim Trì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét