Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

TRUYỆN CƯỜI NGUYỄN KIM TRÌ VỀ LÀNG XUÂN HY...



        NHÌN CHÓ KÉN DÂU

Tác giả - Luật sư Nguyễn Kim Trì
          Ngày xưa làng tôi nuôi nhiều chó lắm, chó kiến riềng mẻ, nó bé nhưng nhiều con khôn cực, hơn hẳn chó lai Tây to bây giờ. Nhà có con trai lớn sắp phải lấy vợ cho nó thì bà mẹ nhất định kén cho được con chó khôn về nuôi. Ngày ấy chưa có nhà chó học để nhờ chọn nên cứ truyền nhau về chọn chó, ví như “đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”, hay “dù ai buôn bán bề bề, không bằng có chó huyền đề một chân”…

          Nhà bà M (cụ này mất rồi không dám nói húy cụ nhưng bà M là có thật 100%) có con giai nên cũng cố tìm được con chó khôn nuôi để kén vợ cho con. Mà con chó này cũng khôn thật. Bà bảo con giai:
          - “Mày muốn lấy đứa nào cũng được nhưng phải dẫn nó về đây tao xem được thì tao hỏi cho”.
          Mấy lần nó dẫn bạn gái về nhà thì con chó mực nhà bà cứ sủa nhặng lên, có đứa đưa về nhà, ngồi lên giường rồi mà nó cứ đứng dưới đất sủa vọng lên, quát sao cũng không chịu im, cái giống chó nó không nhận làm bà chủ nó thì nó cương quyết đuổi.  Bà mẹ nhất quyết không đồng ý, thề chết cũng không cho con lấy đứa này đứa nọ. Nó phải xuống Xuân Bắc tán tỉnh, rồi dẫn về nhà đứa con gái cũng xinh, khi con giai có bạn gái dẫn về  bà M cứ nhìn kỹ quan sát thái độ của con mực, lần này thì nó mừng quýnh, vẫy đuôi rối rít chạy vòng quanh cô này. Bà mẹ cười tít mắt, tối đến bảo con giai:
          - “Tao đồng ý rồi”.
          Bà cậy nhờ mai mối, chú bác anh em tập trung đầu tư vào để cưới bằng được đứa con gái này. Khi đón dâu, tục lệ mẹ chồng phải tránh mặt. Cưới con giai mấy hôm sau, có đứa con gái đến nhà mình, bà hỏi:
          - “Chị tìm ai đấy? Chị hỏi gì ai đấy?”
          Cô gái này ngượng quá, bảo:
          - “Con đây thây, u không nhận ra con à”.
          Lại đến lượt bà M ngượng, đành dụi mắt:
          - “Bụi nó bay vào mắt, tôi không nhìn rõ”.
          Hóa ra, kén vợ cho con bà M chỉ nhìn con chó nó mừng hay phản đối, chưa bao giờ nhìn mặt con dâu tương lai. Cái giống chó nó tinh hơn người, biết được kẻ xấu người tốt, rất tâm linh.

          XUẤT XỨ CÂU “HÃY ĐỢI ĐẤY”

          Anh Chuyền nhà cuối làng, anh này có vợ to khỏe, 2 con rồi nhưng có tính nem gỏi, lúc nào cũng muốn ăn nem ăn gỏi. Trong làng có chị này chồng đi buôn bè ở Tuyên Quang, ngã nước sốt rét chết, có một con, không ở nhà chồng mà về nhà bố mẹ đẻ ở. Anh Chuyền nhiều lần gạ gẫm nhưng không được, nước chảy rồi đá cũng mòn và rồi chị này cũng hẹn:
          - “Tôi ngày kia, em mở cửa miếu để ngỏ sẵn, anh cứ vào đấy đợi em”.
          Thế là tối hôm ấy, chị này lấy trộm chìa khóa của bố mở cửa miếu, bố chị là người coi miếu nên có chìa khóa. Anh Chuyền mới chập tối đã lẻn vào miếu đợi sẵn. Khuya, chị này ra miếu không vào mà khóa cửa lại bảo Chuyền: 
          - “Hãy đợi đấy”.
          Suốt đêm, sáng hôm sau cũng không thấy cô này ra. Đến trưa không thấy Chuyền, cả nhà Chuyền bổ đi tìm nhưng không thấy, Chuyền trong miếu nghe thấy xôn xao nhưng không dám kêu. Mãi đêm hôm sau, trời thì rét như cắt thịt, Chuyền vẫn chờ đợi, gần sáng cô này nghĩ đến nhỡ Chuyền chết đói hay chết rét thì chết, sợ quá phải mò ra mở cửa miếu cho Chuyền ra rồi khóa lại, tặng Chuyền một câu:
          - “Ra đi, cho chết”.
          Ra khỏi miếu Chuyền  phều phào kêu gọi mọi người cứu. Mọi người dìu Chuyền về, hỏi tại sao, bụng đói lả, người rét run, chỉ vào miếu.
          - “Miếu khóa sao vào được?”
          - “Ma nó bắt giam”.
          Chuyện Chuyền bị ma bắt giam vào miếu rồi khóa lại cả làng tin. Câu thành ngữ ngày nay: Hãy đợi đấy nó bắt nguồn từ làng Xuân Hy tôi mà ra.

          NHÀ CHÓ HỌC

          Bây giờ người ta không nuôi chó để kén vợ cho con giai nữa nhưng kiến thức về chó thì cũng rất cần. Tôi là người nổi tiếng trong làng về xem tướng chó, một “nhà chó học” vĩ đại cỡ làng. Có nhà nọ, mua về được con chó giống màu trắng, mang đến nhà tôi nhờ tôi xem tướng, tôi phán:
          - “Nhất bạch nhị vàng tam khoang tứ đốm ngũ lôm nhôm lục đen xì thất vàng bát vện cửu lai tây. Bạch cẩu, bạch cẩu, đứng đầu bảng. Chà, sao cô mua ở đâu được con chó quý vậy”.
          - “Anh xem cho em với”.
          Phán tiếp:
          - “Con này có đốm vàng ở lưng, đây là ấn chỉ, làm quan cần ấn chỉ, tròn vậy xem có quốc huy không nào? Không có, nếu có hình bông lúa hay sao vàng thi tiền tỷ cũng không mua được nhưng có ấn thì cũng đại quý. Đuôi lại có đốm đen, đúng là bút lông có chấm mực đen,  đuôi nó vẫy tức là nó viết, giấy trắng mực đen. Xem lưỡi xem nào? Chà chà, cực quý, đốm lưỡi, nó sủa thì sang phải biết đây, dài lưng đốm lưỡi tướng quý nhi vương, chủ nó không làm vua thì cũng làm quan. Đủ mọi tướng quý, tôi đọc sách đông tây kim cổ cũng chưa thấy nói có con chó nào nhiều quý tướng như vây. Nhà cô có con chó này thì đáng ngàn vàng, tiền tỷ cũng không mua được. Nuôi vài tháng thì sẽ có hiệu nghiệm ngay. Quý, quý lắm, tôi đổi con xe phun chờ mới kia cho cô được không?”  
          - “Không, nhà em chửi chết”.
          Cô này thích chí lắm, ôm chó về. Mấy tháng sau, về quê, tôi nghe nói nhà vợ chồng thằng này có con chó quý lắm, có người đổi con xe phun chờ mà không đổi, nhà nó quý hơn vàng. Tôi cười khẩy trong bụng. Chiều, biết tin tôi về, thằng chồng lại dắt con chó trắng ấy đến, vừa đến sân, con chó đen bốn mắt nhà tôi cậy nhà nó sủa ngậu lên, tôi giật mình, rối rít:
          - “Chết, chết, sao lại có con chó thế này, chó ma ám nên con chó bốn mắt nó nhìn thấy nó sủa. Chó 4 mắt nó tinh lắm, nhìn ngay thấy ma cả ban ngày, chó cắn ma là dai lắm, chú giữ chặt lấy nó kéo chó nhà tôi nó lao vào cắn có khi lại xơi cả vào chú”.
          Cậu này hết sức ngạc nhiên, cũng cứ dắt vào, tôi nhìn kỹ rồi phán:
          - “Ở đâu có con chó này, ai bảo lai nuôi chó trắng, chó trắng là ma nó nhập vào ngay, xưa nay  chuyện ma chó trắng đâu mà chả có”.
          Hắn nói:
          - “Sao bảo nhất bạch nhị vàng mà anh”.
          - “Dốt, nhất bạch nhị vàng là bài ca thịt chó, nhìn thấy chó trắng là phải thịt ngay. Xem nào, lại đốm đuôi, đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì lụi”.
          Hắn lại khoe:
          - “Mà lưỡi nó cũng đốm mà anh”.
          - “Lại đốm lưỡi, sao chọn được con chó ghê thế, hỏng, vận nhà chú có vấn đề rồi. Ban đêm làm bạn với ma, dài lưng  đốm lưỡi coi nhà chuồng tiêu. Ai cho chú con chó này đấy, họ gieo họa cho rồi. Mang ngay lên Ngọc Ruệ, đừng mang về nhà nữa, mang về nhà là họa theo ngay đấy”.
          Tôi điện cho ông Ngọc Ruệ, giám đốc công ty thịt chó thị trấn Cầu Cờ bảo:
          - “Hễ nó mang con chó trắng độ 15 kg đến là ông bảo chó ma không mua, xua đuổi ngay. Cuối cùng ông bảo thôi trả vài chục nghìn để hóa giải giúp thôi, làm phúc. Cứ vậy, không phải hỏi nữa. Tối nay ta làm bữa”.

          UỐNG NƯỚC LÀM TỪ THIỆN

          Tôi không thích ai chăn tiền của tôi cho nên việc tiền nong tôi luôn luôn cảnh giác. Ngồi đợi xe ở bến Giáp Bát về quê, buổi chiều nắng nóng quá, khát nước lại có cô bán nước chè ngồi gần, thôi thì cũng đành uống chén nước vậy, trông nó không được lịch sự cho lắm nhưng cũng là giải quyết tình thế. Ngồi vào ghế trước mặt, cô hàng nước rót cho cốc nước trà hơi to. Bến xe bến tàu phải hết sức cảnh giác về giá cả, tôi hỏi:
- Chén nước này bao nhiêu tiền?
          Cô hàng nước nhìn tôi rồi chép miệng:
          - Gớm, có chén ước mà anh cũng hỏi giá, người trông lịch sự vậy mà, thì đã rót rồi.
          Tôi cứ chắc ăn hỏi lại thì cô ta bảo 3 tiền. Thôi được, nước rửa bã chè nhà mình còn đặc hơn, nhưng ở đây 3 nghìn cũng chịu được. Uống xong đưa ra 3 nghìn lẻ trả cô này, cô ta nguýt:
          - Đồng lẻ này thì cho anh mang về mà mua quà cho các cụ ở quê - cô ta giơ ra tờ 10 nghìn vẫy vẫy - Ba tiền này này.
          Tôi chưa kịp phản ứng thì đã có bốn, năm thằng thanh niên xô lại:
          - Anh già muốn gì, uống nước quỵt không trả tiền à?
          - Không, không, tôi đang tìm tờ 3 chục mà - và ngoan ngoãn trả 30 nghìn.
          Tiếc tiền không đứng lên được, tôi liều uống chén nữa nhưng lần này tôi giao hẹn trả tiền trước. Vớ được món hời, cô ta cười tươi và vui vẻ nhận tiền. Tôi lân la hỏi:
          - Bán nước thì có lãi rồi, lãi mỗi chén nước phải chia nhiều không?
          Không suy nghĩ, cô ta bảo:
          - Phải vài chục phần anh ạ, em ngồi đây phải lấy vậy họ mới cho ngồi chứ phần em cũng chỉ như bán ở chỗ khác thôi, mỗi chén được 1 nghìn.
          Tôi suy nghĩ: vài chục phần, tức là vài chục người, cũng tức là vài chục gia đình. Chén nước của mình nuôi được vài chục gia đình thì ý nghĩa quá, nhân đức quá, từ thiện quá. Và tôi làm luôn chén nữa. Ba chén hết gần trăm nghìn, đứng dậy lòng vui sướng mênh mông.

          Nguyễn Kim Trì

* Ghi chú: Đầu đề và tên từng truyện do chủ trang blog mạn phép tác giả tự đặt thêm vào... Chuyện cười làng Xuân Hy và người Xuân Hy của Nguyễn Kim Trì còn nhiều nhiều... Nhưng bài đã hơi dài, để dịp khác hầu bạn đọc.


         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét