Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

CHÙM THƠ KIM CỔ TRÊN VÙNG ĐẤT BẢO ĐÀI


Nhà thơ Phạm Ngọc Khảnh
      Sáng tác, sưu tầm: Phạm Ngọc Khảnh

          Vùng đất thiêng Bảo Đài thuộc xã Yên Lợi, Ý Yên, Nam Định vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Nơi quần tụ ba ngọn núi Bảo Đài, Phương Nhi, Núi Ngọc, di tích Tháp Chương Sơn xây dựng từ thời nhà Lý và  ngôi mộ cổ - Đặng  Quận Công Trần Công Bách một trong 18 Quận công làng Thiêm Lộc...

Thơ cổ: 

LÊN NÚI BẢO ĐÀI
                                                                   
Trần Nhân Tông

Đất vắng đài thêm cổ
Ngày qua xuân chửa nồng
Gần xa mây núi ngất
Nắng rợp ngõ hoa lồng
Muôn việc nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng
Tựa yên nâng sáo ngọc
Đầy ngực ánh trăng trong.
                                                                     
Ngô Tất Tố dịch

 

Thơ đời nay:

LÊN NÚI BẢO ĐÀI

Bay đi ánh trăng trên ngực hoàng bào
nhà vua thi sỹ*
tiếng sáo ngọc vào trời cao muôn trùng
núi Bảo Đài đang mùa sương mông lung.

Thế kỷ xa trên những di mây nào
đài sen trên núi đá cất ngang tầng núi
màu ngói cổ trong vòm đơn đỏ ối
hoa dẻ vàng thu sớm chớm bâng khuâng.

Người đẹp Thanh Nê – nỗi niềm Phạm Thái
dấu hài xanh quanh quất
                             Trương Quỳnh Như**
các cô gái xóm Son rộn ràng cấy hái
hai trăm năm còn đó hận tình xưa

Hỏi tên núi – cất lên từ sét trắng
người thợ chuốt men thanh nhã Bảo Đài
rồi lửa gốm lặng tàn nơi cỏ vắng
núi bên trời thủng thỉnh chờ ai...
                                                      
Phạm Trọng Thanh
............
*: Mượn ý trong bài thơ Đăng Bảo Đài sơn của Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308): Ỷ lan hoành ngọc địch / Minh nguyệt mãn hung khâm.
**: Theo văn tế cổ và kim: NXB Văn hóa 1960 (trong khóc Trương Quỳnh Như của Phạm Thái thì Trường Quỳnh Như quê ở “làng Thanh Nê, Nam Định(xưa)


VỀ LÀNG 18 QUẬN CÔNG

Về làng Mười tám quận công
Hanh heo ngọn gió cuối đông thổi về
Đường làng còn mấy bờ tre
Dòng sông Thiên Phái mất đê chắn dòng

Về làng Mười tám quận công
Con tìm mộ cụ giữa đồng đìu hiu
Bồng nhiên có đám mây chiều
Bay qua ruộng vắng che nhiều bóng râm

Nhớ người vì nước thương dân
Ngàn năm bia đá, hồn thần vinh danh.
Mộ xưa chôn giữa đồng xanh
Gò cao giờ đã hóa thành ruộng sâu

Thương thay nấm mộ đất nâu
Thấp thêm thấp, giữa nhà lầu vươn lên.
Bia mờ mộ hóa không tên
Xót thương người cũ buồn thêm cõi người.

Hồn thơ lạy cụ đôi lời
Tri ân sông núi đất trời nhớ ơn.
                                                              
Nghiêm Thị Hằng


KHÓI SƯƠNG VÙNG NÚI BẢO ĐÀI

Một vùng với chuyện nghìn năm
Núi cao còn đó sương giăng mịt mờ
Dòng sông Thiên Phái ngẩn ngơ
Chảy qua sử sách đến giờ vẫn xanh

Công ai đốt gạch xây thành
Tháp cao đứng giữa trời xanh vật vờ
Tan tành vó ngựa hoang sơ
Mẻ hoa giấu cúc oằn trơ lá đề

Ngước nhìn chếnh chếch sườn đê
Ngày xưa ấy thưở vua về rồng bay
Bới tìm ngọn cỏ lá cây
Bò lan khỏa lấp dấu giày những đâu

Khe dài nước xiết buồn đau
Bào trên gạch ngói nát nhàu hoa văn
Cổ Đài ngân giữa xa xăm
Tiếng thơ Hoàng đế nghìn năm vọng về

Mái Phi Lai tự chùa kia
Trầm tư Phật đá nét bia mịt mùng
Mộ xưa người ấy đã từng
Trong ngoài chinh phạt lẫy lừng bao phen

Khói hương quằn quại cháy lên
Lẫn vào thu với sương bên Bảo Đài.
                                                       
Phạm Ngọc Khảnh
ĐC: thôn Vệ, Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội.
ĐT: 01649890369                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét