Tác giả Nguyễn Kim Trì |
Đã đăng:
Ma chó
Vụ
chiêm năm 1967, lúc ấy chiến tranh đang ác liệt, tất cả cho tiền tuyến, thóc
không thiếu một cân quân không thiếu một người nên việc đóng góp cho Nhà nước
là vô cùng quan trọng, ai ai cũng cố gắng. Ngày ấy không được tập trung đông
người không phải là cấm tụ tập như bây giờ mà để cho máy bay Mỹ nó không nhìn
thấy mà bắn. Đi nhập thóc thuế cần phải đông người nên kho cân vào ban đêm.
Tôi
đi đoàn nộp thuế cho hợp tác, hôm ấy đợi mãi vẫn chưa đến lượt thuyền mình cân
nên phải đợi hôm sau, cả đoàn phải ra về, chỉ để lại một người coi, ta nộp ở
kho Xuân Thành. Tôi nhớ là đã khuya lắm, dễ đến 10 giờ đêm mới về đến cầu ông
Cờ. Vừa dẽ vào làng thì bỗng dưng có con chó trắng cứ đi đằng trước dẫn đường,
hễ người đi nhanh thì nó đi nhanh, người đi chậm thì nó đi chậm, không ai bảo
ai tự nhiên đoàn người đi sát vào nhau, không ai nói câu nào, vừa đói mệt vừa
sự ma. Về đến bến xóm 2 cây đa cụ Nghiệu mọi người bảo xuống bến rửa chân rồi
nghỉ tí đã, thế là nghị quyết được thực hiện ngay. Xuống bến rửa chân, nghỉ một
lúc khi đứng lên ra về, lại thấy nó đi đằng trước. Bấy giờ cả làng không ai
nuôi con chó nào phần vì xã mới cấm tuyệt đối vì gặp đợt chó dại, phần cũng
không có cơm nuôi nó nên tự nhiên có con chó ở làng là sự gì thì ai cũng biết
rồi. Về đến sân kho giữa xóm thì không thấy nó đâu nữa. Hôm sau cả đoàn lại đi
ra Xuân Thành để cân như mọi hôm, không biết sao lần này lại thừa ra nhiều lắm,
sau này bảo tạ chín, chính xác là 193 kg, không biết tại sao. Thóc nộp thuế thì
cân của từng nhà rồi cộng lại, rất chính xác, người đi nộp phải chịu trách
nhiệm, lần nào cả thuyền cũng chỉ thừa thiếu một vài cân, su si rồi cũng đủ,
thuyền chở 2 tấn rưỡi, có khi cả thuyền thiếu vài lạng thì người nhà kho cũng
xúy xóa mà lần này lại thừa gần 2 tạ thì ghê quá. Cả đoàn hội kín, bàn bạc rất
bí mật, nghiêm trọng lắm và cuối cùng thì thuyền ghệ vào bến sát hàng thịt chó
Hồng ở chợ Cát, hôm ấy tự nhiên được ăn bún thịt chó, mấy người đàn ông lại còn
uống chén rượu. Cái anh thịt chó quý thật, ăn xong là người tỉnh táo hẳn lên,
sáng con mắt chặt đầu gối. Thanh niên mới lớn, được ăn là sướng lắm rồi, mọi
việc đã có người lớn, tôi chỉ có nhiệm vụ là cấm được nói với ai thôi (ngày ấy
cấm nói thì bây giờ tôi viết ra chữ, để bụng lâu quá rồi không chịu được nữa).
Suốt đợt nhập thóc vụ ấy lần nào cũng được ăn bún chó hàng Hồng. Có người bảo
thấy ma chó trắng dẫn đường thì được ăn,
thấy ma xà ma trăn thì được của, có người lại nói, giá hôm ấy mà thấy
con trâu trắng của đội mình dẫn đường thì thuyền mình ít nhất cũng phải thừa ra
vài ba tấn.
Ma trâu
Tôi
nhớ còn bé nữa, hồi mới bắt đầu có hợp tác xã, mọi nhà phải góp hết ruộng, hết
trâu vào hợp tác xã gọi là đóng cổ phần. Nhà cụ Án có một con trâu cũng đã già
nhưng nó to lạ kỳ, không phải to như trâu mà to hơn trâu. Góp vào hợp tác xã
thì to bé cũng chỉ là trâu nên có lẽ cụ tiếc, rồi xin giấy ủy ban để giết vì nó
bị bệnh tê chân, không đi được. Buổi giết trâu thật kinh khủng, giết ở sân gạch
nhà cụ Uấn, tôi không được ra xem, trẻ con không được xem vì nguy hiểm, mà nghe
kể lại: Trâu cọc ở sân, lấy bốn cái chão buộc vào 4 chân rồi giật, đổ ra là lấy
bắp cày đè vào vít cổ xuống, mọi người lao ngay vào trói 4 chân, giữ đuôi, đè
lên mình trâu rồi cắt tiết, nghe nói quy trình là vậy, giết trâu phải cả xóm
tham gia. Nhưng hôm ấy, con trâu già lại quá to, quá khỏe, giật mãi mới đổ rồi
nó lại đứng lên được, giật đứt chão trói chân chỉ còn lại 1 chão buộc, thế là
mọi người khiếp vía tháo chạy. Con trâu biết mục đích xấu của người thì nó điên
lên, hai mắt đỏ sọc, lồng lên đuổi người, đầu nó ngoáy xuống đất, đất bắn tung
lên rồi nó chạy tứ tung, cuối cùng chạy ra ngoài đường. Tiếng hô vang khắp xóm
làng, hô đàn bà trẻ con phải vào ngay nhà đóng chặt cửa lại rồi trèo lên cót
thóc hay xà nhà, lên nóc hòm gian sợ nó tấn công vào nhà thì chỉ còn nước chết.
Lâu rồi mọi người cũng định thần lại được, bây giờ thì hết đường lùi, thế cưỡi
lưng hổ, phải huy động tất cả để giết bẳng được, nó thủ người rồi. Tất cả thanh
niên trai tráng, người lớn phải vào cuộc, dây rợ, gậy gộc tự phát huy động hết,
bàn đủ mọi mưu. Tất cả thang tre trong làng là huy động hết để vào cuộc, vừa
mới bổ cái thang vào đầu là nó lắc gẫy tan tành cái thang. Từ sáng mà mãi tới
gần 4 giờ chiều rồi cũng hạ gục được. Chuyện giết trâu ông Án, người tham gia
mấy chục năm sau kể lại mà còn thấy sởn gai gà. Chỉ một tháng sau khi ăn thit
xong thì xuất hiện ma trâu. Ai đi khuya về là nhất định gặp nó, hôm nào sáng
giăng thì thấy rõ ràng trâu ông Án, không sai vào đâu được. Lúc đầu thì mọi
người sợ nhưng sau thì không sợ nữa. Ma trâu nó gặm cỏ soàn soạt chứ không nhẹ
nhàng như trâu thật, thấy nó cứ mặc kệ nhưng hễ đứng lại là cu cậu lỉnh luôn,
đang gặm lá tre ở bụi dậu tre thì nó chui luôn vào bụi tre, đang ở mé đường, bờ
sông thì nó lao ngay xuống sông, mặt sông cứ im như không, còn không cứ kệ nó
thì nó tự nhiên như trâu thật. Ngày ấy, gặp ma trâu ông Án thì ai cũng gặp, cứ
đi đâu khuya khuya tí là bắt gặp ngay, lâu dần rồi quen đi, bây giờ thì không
thấy nữa, chắc là nó được siêu thoát rồi. Ngày xưa giết trâu là ghê lắm, bây
giờ nghe nói, nghe nói chứ tôi đã thấy bao giờ đâu, nó giết trâu dí điện vào, trâu run lên khụy
chân xuống, bốn thẳng lao vào cắt 4 chận, chọc tiết ngay, làm xong nháy mắt,
ngon như óc chó… Lại nhớ đến chó.
Chó cõng ma
Cái
khu gần cuối làng có một nhà nghe nói đất này ở cũng có nhiều ma nhưng chưa
nhìn thấy bao giờ, dưng mà nó nhập vào chó thì nhiều, chắc là ông bà ma này
tuổi tuất. Nhà ông này gần đường nên nuôi đến mấy con chó nhằm để giữ nhà nhưng
mục đích thỉnh thoảng bán được một món
khớ là chính. Con chó vện nhà ông này hay cõng ma lắm, dăm ngày lại thấy nó
cõng ma. Nó đứng thẳng lên đi như người, có lúc hai chân trước lại vãy vãy ưỡn
ẹo như bà đội thúng đi chợ, có lúc hai chân lại bắt về đằng sau rồi đi quanh
sân, nhìn chết cười. Cứ thấy nó cõng ma là người nhà lại lấy gạo với muối vãi
ra sân thì nó mới thôi, gạo thì gà lại chạy vào chén hết. Có một lần, nó bắt
chéo chân lên cổ rồi cứ chạy đi chạy lại, người nhà vãi mấy lần muối gạo mà nó
vẫn không thôi, cuối cùng chạy ra mé ao nhảy tùm xuống, giẫy ùng ục, người nhà
vớt lên thì ngáp vài cái rồi tịt. Từ hôm ấy, người nhà cũng thấy chờn, rổi thắp
hương khấn bái mãi, mời thầy về lễ và từ đấy không thấy mấy chó cõng ma nữa.
Ngày xưa, chó cõng ma là thường nhưng bị trói giặt cánh khỉ rồi mang xuống ao
dìm thì mới thấy có con chó vện này thội. Sợ vậy thôi nhưng cũng lạ, nhà ông
này cứ vẫn nuôi chó, có lúc mấy con, đẻ đàn sáu bảy con một lúc. Làng xóm bảo
ông này mát tay nuôi chó. Con gái nốt ruồi ở cổ là có lỗ tiền trôn, lỗ tiền
trôn cũng không bằng lồn chó cái đẻ.
Nuôi chó có lãi chứ nuôi mèo thì không, ấy vậy mà mèo cũng là ma.
Ma mèo
Nhà
ông S, gọi tắt thôi chứ ông S là có thật. Có nuôi một con mèo tam thể, nó ngoan
lắm, to, lông mượt, đực, ai vuốt ve cũng gừ gừ nằm im. Nuôi lâu trở thành mèo già rồi làng xóm lại đồn mèo
nhà ông S hóa cáo, nó đi bắt gà, ăn thịt gà, xì xèo vậy nhưng cũng chưa thấy
nhà ai kêu mất gà bao giờ. Bỗng nhiên không thấy nó đâu nữa, cả nhà đoàn non
đoàn già có lẽ nó bị ai đánh chết vì ăn vụng hay bắt gà nhà họ, mất mèo lả nhà
lại xuất hiện chuột luôn, ai cũng tiếc mèo. Tầm nửa tháng sau, cả nhà đang ăn
cơm trưa, bỗng huỵnh, từ trên xà nhà một
con vật có lông lá bơ phờ, loang lổ, còm cõi như khung xương, nhe răng, mắt xanh như mắt mèo trợn ngược. Cả nhà sợ
hết vía, không biết là con gì, bỏ cả mâm cơm chạy tán loạn tưởng là ma. Bỗng có
tiếng kêu thảm thiết: meo, meo, mọi người định thần nhìn kỹ thì hóa ra con mèo,
bị mất cả hai tai, bị ai cắt sát vào gần xương sọ, trông không thể nhận ra được
mèo nữa nếu nó không cất tiếng kêu. Hóa ra sau này mới biết, thì cũng đoàn non
đoán già thôi, chắc là ăn trộm gà của người ta rồi họ bắt được, cắt tai cảnh
cáo rồi giam cầm tù sau mới thả ra, hóa
ra con mèo nhà mình, thế mà cả nhà cứ
tưởng ma, sợ hết vía. Vì hoàn cảnh nên nó hóa thành ma chứ thực ra thì nó vẫn
là mèo, nhưng lợn thì hóa thành ma thực.
Ma lợn
Cánh ruộng thổ đông, vòng thượng lão gần
chỗ cụ Nhữ đánh ma ngày xưa, nơi đây cũng nổi
tiếng nhiều ma, cả ma Hành Quán cũng tụ tập về đây. Chỗ ấy tự nhiên có một gò
đất cao, bằng nửa sào ruộng, cũng không biết từ đời nào, nơi ấy mọc lên rừng
cây vầng, có cây hai người ôm nhưng nó lại rất thấp nên rất rậm rạp. Cứ nói đến
ma gốc vầng là ai cũng sợ, nó nát cả ban ngày, cứ 12 giờ trưa là chả ai dám ra
đấy cả còn ban đêm thì thôi rồi. Nghe nói chỉ có cụ Tổng Tấn nửa đêm đi khám
bệnh mới dám qua đây vì vía cụ chánh tổng lớn nên ma không dám làm gì, khi
không làm chánh tổng nữa thì vía giảm đi. Cứ 12 giờ trưa là y như phép có cô
con gái mắc võng lên cây vầng, nằm hát bổng ròi rọi, đứng trong làng cũng nghe
thấy. Cây vầng bây giờ người ta gọi là cây lộc vừng, trồng nhiều, cứ nói đến
lộc là xô nhau theo, miền trung Nghệ-Tĩnh gọi là cây vâng. Người mường Thanh
Hóa gọi là cây vẳng. Loại cây này mọc ở nơi đất đồi cao, đất thập đều được cả,
cây thân gỗ nước ngập gốc hàng tháng mà
không việc gì, vẫn xanh tốt. Đứng từ nhà thờ Thủy Nhai trên nhìn xuống làng
Xuân Hy thì thấy ngay lùm cây vầng xanh ngát nổi lên. Sau này hợp tác xã phá đi
làm ruộng. Ngày ấy nhiều nơi đền chùa còn phá huống hồ gốc vầng chứa ma ở Xuân
Hy. Di ngôn các cụ nói lại là chính nơi đây, người tàu nó chôn vàng, chôn theo
con gái để làm thần giữ của. Cô ma đua võng nằm hát giữa trưa chắc là thần giữ
của. Những nhà gần đấy, cả làng Hành Quán cũng vây, nhiều người đêm khuya rất
hay gặp một đàn lợn, một mẹ năm con rõ ràng, vàng chóe, đi tìm thức ăn. Trong
năm con này có một con vừa bé lại vừa què dặt dẹo. Khi phát hiện thấy đàn lợn
vàng là máu tham nổi lên, đuổi bắt bằng được con to, mẹ con nó cứ chạy vòng vèo
còn con lợn què thì không chạy được, nhiều khi quẩn vào chân người đuổi. Đuổi
mãi mẹ con nó chạy về đến chòm cây vầng thì chui vào đấy, mất hút, quay lại tìm
con lợn què thì cũng chắng thấy đâu nữa. Cuối cùng cũng không được gì, lại sợ
ma gốc vầng nên ù té luôn. Các cụ bảo, trời chỉ cho con lợn con, tham quá nên
lợn con cũng không được. Bây giờ thì xung quanh đây có đầy lợn, hết chuồng của
người này lại chuồng trang trại của người khác, kêu en ét suốt ngày, không khí
nặng mùi, chỗ nào cũng thấy chuồng lợn
với chuồng gà. Lại gà.
Ma gà
Xã Xuân Thủy có đường điện cao thế đi qua
nhưng hàng chục năm sau mới có điện cho dân Xuân Hy dùng. Đâu vào khoảng cuối
những năm 1980 thì mới có điện đến từng nhà, mà người dân phải đóng tiền làm hạ
thế, làm cột, kéo dây. Làng chuẩn bị có điện thì háo hức lắm, nhà nào cũng mắc
dây, mắc bóng sẵn, nhất thiết trước nhà phải có một ngọn điện, nhà bếp, cầu ao
đều có bóng điện, đến khi có điện thì đểu để sáng suốt đêm suốt ngày. Hôm đầu
tiên có điện cả làng như ngày hội, tất cẩ các nhà, các ngọn đèn đều bật, rực rỡ
hơn thành phố nhiều. Phúc vừa đến thì họa ập đến ngay, mới chập tối, tự nhiên
gà gáy, gà cứ gáy loạn lên, có cảm tưởng trống mái đều cất tiếng gáy, gà nhà
ông này gáy, gà bà nọ cũng gáy ầm ầm. Gà gáy chập tối là điềm gở, gở lắm, gà bị
ma nhập, mà lại cả làng gà gáy chập tối thì làng này loạn đến nơi rồi, không
động đất thì cũng sóng thần. Cả làng cứ nhôn nhao lên, đoàn già đoàn non, thắp
hương khấn vái trời đất. Bao nhiêu kinh nghiệm, sáng kiến từ cổ chí kim đưa ra
hết để hóa giải điềm gở này. Nhà thì bắt gà chặt đầu lấy máu vảy ra sân ra ngõ,
đầu vứt một nơi còn mình vứt một nơi. Có nhà lại lấy vôi bôi vào chân, vào đầu
rồi mang ra xa nhà thả, cứ loạn hết cả lên, mừng có điện sáng lo gà gáy gở…
Cũng dịp này, tôi đi công tác về quê (ấy là nói theo ngày ấy, ai đi làm cho nhà
nước thì gọi là đi công tác), xui mấy thằng thanh niên đi nhặt về mà thịt. Có
đứa nhặt được bốn, năm con gà mất đầu, còn tươi nguyên về thịt, thì thụp ăn
suốt đêm. Cũng không dám làm ở nhà, dấu diếm mang ra miếu đun nước làm lông rồi
luộc. Mấy hôm sau còn thấy gà chân vôi lạc không ai nhận, có người tìm được vài
ba con. Chuyện gà bị ma nhập gáy gở rồi ít lâu sau cũng quên đi, không ai nhắc
đến nữa và làng xóm vẫn bình yên vô sự. Sau đấy tôi mới giải thích với mọi
người: Mọi ngày trời tối là tối, hôm nay tự nhiên cả làng sáng hơn cả ban ngày,
bản năng gà cứ thấy sáng là gáy, giật mình tưởng sáng nên nó gáy, một con gáy
là các con khác gáy theo rồi gà cả làng gáy loạn lên vậy chứ ma gì mà ma. Mọi
người ớ ra, khi biết thì đã muộn rồi, bọn thanh niên nó xơi hết, tự nhiên được
cơm gà cá gỡ. Cá gỡ, tự nhiên lại nhớ đến
cá. Có ngay ma cá.
Ma cá
Câu chuyện như sau: Tôi chứ chẳng phải ai.
Khi ấy vào đầu tháng 10 ta, lúa hợp tác bắt đầu gặt. Tôi ra ngoài thổ đông,
nhìn mương hợp tác xã cạn hết, chỉ còn
một đoạn ngắn, nước nông đến đầu gối, mà lạ thật, nhiều cá rô ghê, cứ đớp bom
bóp, hết con nọ đến con kia, liên hồi. Hai đầu mương cạn hết nên cá dồn cả về
đây. Tôi nghĩ bụng: tát. Về nhà lấy cái chậu, hì hục đắp bờ để tát, tát một lúc
thì cạn. Quái, tát nữa, hết sạch nước mà tịnh không thấy con cá nào, tép cũng
không có, một con cá bé bằng cái tăm cũng không. Mò sâu xuống bùn cũng không
thấy gì. Lên bờ ngồi, nhìn một lúc rồi tiện chân đạp bờ, nước chảy vào, cá lại
nổi lên đớp bom bóp, liên hồi, còn nhiều hơn lúc đầu. Tức, tôi lại đắp bờ lại,
tát, một hồi cũng hết nước, mặt bùn lại vắng tanh, không có con cá nào, lại mò
cũng chỉ bùn là bùn, không có gì cả. Thôi, lại tháo nước vào, nhìn lại, lại
thấy nó đớp bom bóp liên hồi. Điên tiết, lại tát, quá tam ba thì phải bắt được,
rõ ràng cá đớp trên mặt nước, giữa ban ngày ban mặt, nhầm vào đâu. Và cũng như
lần trước, xẻ nước vào lại thấy chúng nổi lên đớp bom bóp. Trời lại sắp tối,
bỗng nhiên nổi gai gà, ù té chạy. Cá con khỉ, ma nó nát mình, đùa cứ bắt mình
tát đi tát lại. Về nhà rửa chân tay rồi lên giường ngủ thẳng, không dám nói với
ai. Tấm độ tháng sau, tình cờ tôi lại ra
chỗ mương hôm nọ, mương đã khô từ bao giờ thì thấy mấy bà cứ vét từng hòn bùn
một, bóp ra thì thấy hòn nào cũng có con
trạch bằng ngón tay, có hòn vài con. Đứng xem một lúc mới nghĩ ra, hóa ra ma cá
hôm nọ là giống trạch này đây, hết nước nó lẩn ngay xuống bùn, xẻ nước vào nó
lại nổi lên, đớp bom bóp, cứ như vây. Bây giờ hết nước, bùn hơi cứng lại thì bọn ma kia bị các bà này bắt, xơi tái
từng con, dưa chua đang đợi.
Ngu thì chết
Cứ
quanh quẩn ở làng quê mãi rồi cũng chán, đổi món đi một tí. Tôi viết một chuyện
quanh tôi. Nói thật, tôi cũng là kẻ tiểu nhân, yêu ai thì chẳng giúp gì được
nhưng ghét ai thì đào đất đổ đi, ví như hôm nọ tôi có viết về chuyện Ma ăn cỗ
có nhân vật ma tên là Trương Thế Kích, thực ra thì không phải tên như vậy mà
tên họ là Quách Nhân Đường. Trương Thế Kích là một con người có thật, hắn ít hơn tuổi tôi. Người huyện Kỳ
Sơn (Thanh Hóa), Kích là một cán bộ có chức có quyền, với cấp trên thì quỳ mọp
cung phụng nên ai cũng dùng được, cũng thích dung, cũng lợi cho cá nhân họ còn
đối với người thấp hơn thì nó nói xấu sau lưng, bịa đặt gắp lửa bỏ tay người,
nó dìm, nó trà đạp đè nén người ta để bù lại công nó nịnh cấp trên. Tôi là một
công chức hạng bét, loại 2 mà cũng là nạn nhân của hắn. Được cấp trên tin dùng
nên nó có nhiều lộc bất chính, nó giầu lắm. Vừa giầu lại vừa tham, thường dân
chúng tôi ai cũng ghét, cũng khinh bỉ nó nhưng không làm gì được mà đôi lúc lại
sợ nó mới ngược đời. Có lần tôi hỏi hắn về học vấn, hắn tự hào: Em đại học, đại
học luật. Tôi bảo: Cấp 2 đồng chí học bổ túc văn hóa buổi tối, tôi đi học ngoại
ngữ ban đêm hay gặp thì biết rồi, còn cấp 3 học ở đâu ? Em nghỉ !, tức quá tôi
bảo: Nghỉ nghỉ cái thằng cụ mày, đi học nhỡ ngại người ta nghỉ một vài buổi rồi
phải chép bài mà đi học tiếp chứ, đằng này lại nghỉ cả cấp 3 mà lại em đại học,
có đại học cái thằng cụ mày ấy. Nói vậy mà hắn không thấy giận, cứ nhe răng
cười khùng khục. Kích cười lúc tức cũng được lòng người ta. Kẻ thấp mũi bé
miệng như tôi ghét hắn lắm nhưng không làm gì được, mượn cớ viết chuyện tôi cho
lão Trương Thế Kích này ngã cầu chết đuối từ đời tám hoánh nào, chết từ lúc bố
Kích chưa đẻ Kích, nhưng thực tế thì hắn cũng chết rồi, không phải là chết đuối
mà hắn chết như sau: (Chết ngày mồng 3
tháng 12 năm 2012)
Lão
này hắn tham vô kể, việc gì ngửi thấy hơi đồng là lao vào ngay, bất chấp. Đi
đêm rồi cũng có ngày gặp ma, tham gia một công trình rồi bớt ra nhiều quá nên
bị thanh tra và lộ tội. Cấp trên cũng nể hắn vì hắn cúc cung tận phụng mình nên
cho về hưu non, chống đi tù. Về trước tuổi hưu 13 tháng. Ai lại mới về được vài
tháng mà hắn đã đổ bệnh, bệnh oái bệnh oăm: Người trông vẫn khỏe mạnh nhưng
không ăn được gì cả, ăn vào là nôn thốc ra hết, chỉ uống nước la vi. Suốt ngày
trung tiện, mùi nặng vô cùng không ai dám đến gần. Ngày phải thay quần áo bốn
đến năm lần vì hơi nó ám vào. Rồi tháng
sau là kết thúc, bệnh viên trả về nhưng ko chịu về nhà mà trốn xuống nhà tang
lễ. Bệnh án bác sỹ ghi là bị bệnh mẩn ruột mà chết. Có người bảo: Về hưu sớm
tiếc đứt ruột mà chết chứ ruột gan hắn có sao đâu. Cũng có người nói: Vừa tham
vừa ngu, ngu thì chết chứ bệnh tật gì thằng ấy. Không biết lão này sẽ biến
thành ma gì đây. Đợi xem, thế nào cũng có con ma Kích để viết.
Không chết
Hồi
xưa gọi là ông Nhiêu Đúc, bà Nhiêu Đúc,
bây giờ thì gọi là cụ Nhiêu Đúc, cứ gọi tắt là cụ Nhiêu thì cả làng ai cũng
biết là cụ Nhiêu Đúc. Tôi về quê có việc, lúc ấy là tháng 7/2013, nhớ rõ vì có
sự kiện. Tôi được nghe chuyện cụ rồi mấy hôm sau cũng đến thăm cụ. Cụ cởi trần
nằm võng. Chuyện về cụ cũng kỳ: Đang tự nhiên cụ bảo: Ai nấu cho tôi nồi nước
tôi tắm nào. Có người thực hiện ngay. Cụ đưa cho một cái gói giấy báo, mở ra
trong là bọc ni-nông. Cụ bảo: Ngũ vị nhang đấy, bỏ vào cho nó thơm ấy mà, có
người cho tôi. Cũng hơi phân vân nhưng không ai để ý nữa, trời nóng mà cụ đòi tắm
nước nóng, lại bỏ ngũ vị nhang, xưa nay có bao giờ thấy cụ đòi tắm nước nóng.
Tắm xong, cụ lên giường nằm, tối mời cụ dậy ăn cơm, cụ bảo tôi uống sữa rồi,
không ăn nữa. Mọi người cứ tưởng thật rồi không ai ép cụ ăn nữa. Hôm sau, cụ
cũng không ăn gì, hỏi cụ thì cụ cứ ư hữ, chẳng nói gì. Ngày thứ ba thì mọi
người giật mình, không ổn rồi, và các ngày sau thì cứ vậy. Vận động mãi thì cụ
uống nửa bát nước vối, cụ bảo nấu đằng đặc vào. Bốn hôm nay cụ mới nói một câu:
“ nấu đằng đặc vào”. Cả làng đồn ầm lên là cụ Nhiêu ốm nặng, buổi tối là nhà
như cớ đám cưới, phải kê bàn ngồi ngoài sân. Đến ngày thứ 14 thì mọi việc đã
định rồi. Mười bốn ngày không ăn uống gì, chỉ uống nước vối. Con cháu trong Nam ngoài bắc
về hết, nhà đông chặt những người, mỗi bữa bảy, tám mâm cơm. Tối nay, ngoài sân
con cháu đầy đủ, họp bàn việc hậu sự cho cụ. Cuộc bàn tán này cũng rôm rả lắm.
Hội nghị chưa quyết nghị được hôm đại tiệc làm bao nhiêu mâm, còn tranh cãi
giữa 130 hay 140 mâm, ông cả bảo: Làm thì làm được nhưng tôi lo 140 mâm thì không
ngồi hết, lấy ai mà ăn cho được. Bỗng nhiên trong nhà vang lên: Không ai ăn thì
tao ăn, mang cả vào đây. Mọi người xô vào nhà thì thấy cụ ngồi chỗm trệ ở giữa
giường rồi. Con cháu người sờ tay chân, người sờ đầu, sờ mình cụ vui vẻ. Cụ
hỏi: Ông cả bàn chuyện gì mà cỗ bàn nhiều thế ? Thì con cháu bàn việc làm ma
cho cụ đấy, đã 14 hôm nay cụ không ăn gì rồi nên phải nghĩ đến việc của cụ. Cụ
bảo, tưởng tao chết à, chết cái củ buồi tao ấy. Cả nhà lại cười ầm lên, vui vẻ.
Rồi cụ kể: Tao đi chợ, đến gần chợ thì có thằng ranh con, béo đen chùi chũi,
râu ria đầy mặt, có lẽ bằng tuổi anh Hùng kia kìa (anh Hùng đã 40 tuổi mà cụ
còn gọi là ranh con) cầm cái gậy bằng cổ tay, chỉ vào mặt tao bảo: Thằng này
mày đi đâu ? Tao chỉ lên giời. Nó cười khằng khặc: Chưa đến lượt mày, về ngay,
về ngay. Thế là tao ngồi dậy nghe thấy cả nhà nói đến cỗ bàn gì, nói đến cỗ
bụng tôi lại đói cồn cào rồi đây này. Mọi người lại cười ầm lên. Cả nhà túm vào hỏi sao mấy hôm nay cụ không
ăn gì, đưa đi bệnh viện thì cụ nhất quyết không cho đi, không nói gì cứ nắm
chặt cái giường ? Cụ bảo: Tôi nay đã 96 tuổi rồi, sống lâu rồi, như là đi xem
hát tuồng, gần đến sáng rồi, buồn ngủ mà toàn trò rối, không hay mà lại không
được về. Tôi trốn ra chợ, đi mãi gần đến chợ thì lại bắt quay lại. Nhưng mà sao
cụ lại không ăn uống gì, không nói gì là tại sao ? Tôi thấy các ông các bà,
cháu chắt tuần nào cũng kéo về hỏi hết cái nọ cái kia, nào là cụ muốn ăn cái
gì, nào là cụ thích cái gì cháu mua cho, sữa cụ uống gần hết chưa, gạ mua hết
cái nọ đến cái kia mà nào tôi có thiếu cái gì đâu, quần áo bánh kẹo thuốc bổ
đầy một tủ. Tôi cũng nghĩ ngượi không muốn con cháu vất vả nên muốn về. Hóa ra
cụ muốn về nên không ăn uống gì chứ cụ vẫn khỏe. Vậy bây giờ cụ muốn ăn gì thì
con cháu làm cho cụ nào ? Nghĩ một lúc, cụ bảo: Anh vàng cũng đã vài chục tuổi
rồi, ăn thì vớt vát, ngủ suốt ngày đêm, ai vào cũng không sủa tiếng nào, chắc
cậu cũng mệt mỏi, phục vụ nhà mình lâu
quá rồi, công xá chả có cũng nghĩ ngượi với anh ta, thôi hóa kiếp đi rồi làm rựa mận cho tôi vài
miếng. Cả nhà cười ồ lên và số phận anh vàng cũng được định đoạt ngay.
Hôm Tết Ất mùi về, hỏi thăm thì cụ vẫn
khỏe mạnh. Con cháu phàn nàn: Cụ cứ suốt ngày lọ mọ hết ngoài vườn rồi vào nhà,
cái gì cũng cẩn thận sạch sẽ, đến cái dễ tre quét sân cụ cũng đem đi giặt, cái
que dẽ sắt cởi gio đun bếp rạ cụ cũng mang ra cầu ao rửa sạch sẽ rồi dựng vào
cạnh đống gio. Không cho cụ làm thì cụ chửi 3 đời con cháu cụ. Cụ ngày xưa vất
vả nhưng về già cụ được nhàn nhã. Con cháu đông đàn đông lũ, mà đứa nào cũng
làm ra ăn nên, đặc biệt chúng thi nhau báo hiếu. Có người bảo, ngũ phúc cụ
Nhiêu Đúc có đủ: Phú, quý, thọ, khang, ninh. Người ăn hiền ở lành thì có phúc.
Luận về ma
Rỗi rãi cứ ngồi viết hết chuyện lọ xọ chuyện kia, lão hàng xóm cầm về đọc rồi sang chơi bảo: Chuyện
ông Nam Cao viết ông Chí Phèo cũng hay nhưng chỉ là ma men thôi, không xịn
như ma của ông, tôi cũng thích đọc, rồi
hắn bảo: Này, tôi hỏi thật, chuyện có thật không ông ? Tôi bảo: Ông vừa bảo
chuyện hay, đọc miễn phí lại còn đòi có thật nữa cơ à, tham quá ! Bịa đấy, bịa
tuốt. Nói vậy hắn tỏ ra tiếc vì ma vậy mà không có thật, nhưng tôi nói dối là bịa vì lão này sợ ma
lắm, hắn người xứ Thanh, sợ nhưng rất thích nghe chuyện ma, nói là thật thì sợ
lão sợ làng mình vì có nhiều ma. Ngồi uống xong chén nước, hắn ta lại gây sự:
Tôi nghĩ đầu óc ông có vấn đề , bệnh hoạn quá đấy, trên đời này thiếu gì mà ông
toàn viết về ma, xã hội hôm nay tươi đẹp thế mà đọc chuyện vặt của ông cũng
toát cả mồ hôi, tôi mà viết thì không như ông. Tôi bảo: Ông chẳng hiểu gì cả,
thế giới đương thời thì chỉ có sáu bảy tỷ người còn bên kia thì hàng nghìn tỷ.
Viết lách thì mặt đất này họ cày nát rồi, nhiều khi thằng nọ đạo lẫn của thằng
kia, chửi nhau oai oái, hết chiến tranh và hòa bình đến thiên đường mù, cả con
dế con giun ở dưới đất cũng đào lên để viết thì tại sao không viết về thế giới
bên kia, mảnh đất màu mỡ của các nhà văn chân chính. Nhân vật thì hết sức phong
phú, tử tế cả. Ông có biết không, sáng nay tai tôi nghe được câu chuyện thường
ngày ở huyện mà cứ băn khoăn mãi, chị lai xe rau muống bán trước cửa nhà tôi
phổ biến với bạn: Tôi đi tiêm phòng cho cháu, bây giờ mỗi lần tiêm phải lót tay
cho cô tiêm 10 ngàn, không cũng phải 5
ngàn, không có họ ngáy chết. Nghe mà tôi buồn, 5 hay 10 ngàn, quy ra nước chè
chén là ba hay bốn chén, nếu không có thì cô tiêm cứ dùng kim sắt ngoáy ngoáy
vào thịt con trước mặt bà mẹ thì quá thời trung cổ phạt tội. Ông có thích viết
văn thì bỏ chỗ tối đi vào chỗ sáng, bên ấy họ tử tế lắm. Hắn tái mặt: Ông nói
tôi sợ lắm, viết về thế giới ma thì phải là ma mới viết được, tôi sợ lắm, về
thôi. Tôi kéo tay hắn lại bảo: Ông vừa nói sợ cái gì, hắn nói: Sợ chết chứ sợ
gì. Tôi bảo: Ông đã chết đâu mà sợ chết, biết nó thế nào mà sợ, cái sợ chả sợ
lại sợ cái không biết, chết rồi còn biết
gì nữa mà sợ chết, có mà ông điên, ông bệnh hoàn thì có. Hắn gỡ tay tôi ra,
chối đay đảy: Thôi cho tôi về, xin ông. Tôi đành bỏ tay hắn ra, bảo:
-
Về mà nghĩ cái gì là sợ nhá, cái đáng sợ, đáng ghét nhất thì tôn thờ. Biến.
NGUYỄN
KIM TRÌ
Ô hay quá, Làng mình
Trả lờiXóa