Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

ĐỒNG NGỌC HOA TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TẠP CHÍ VĂN NGHỆ ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH NAM ĐỊNH



          1 - Xin chào bác Đồng Ngọc Hoa, cảm ơn bác đã đến với Tạp chí Văn nghệ của Đài PTTH NĐ. Thưa bác, chaú được biết bác từng công tác trong nghành quân đội. Vậy nguyên do nào đã thúc đẩy người lính cầm bút ạ?
  
          - Trước hết xin cám ơn nhà báo và quý đài đã tạo điều kiện cho tôi được gặp gỡ thính giả của đài truyền hình Nam Định và cả nước. Xin chào quý thính giả yêu quý, thưa quý vị, thưa các bạn.
          Là người lính làm công tác chỉ huy kĩ thuật trong quân đội nhưng quân sự thường gắn liền với chính trị. Để động viên các đơn vị trong thời gian tại ngũ tôi đã viết hàng trăm bài báo đăng ở báo Quân Đội, báo Nhân dân và cũng từng công tác tại trường Sĩ quan chính trị quân sự. có tết tôi nhận được 11 tờ báo biếu vì trong năm mình đã cộng tác với họ. Nhưng phải nói là mình có cái duyên với văn học ngay từ khi học cấp III và cái lá số tử vi của tôi ngoài hóa khoa, hóa lộc, hóa quyền còn có cả văn xương, Văn khúc và nhất là Văn Xương thủ mệnh nên cái nghiệp văn chương cứ theo đuổi bắt mình phải cầm bút.

          2. - Là sĩ quan Quân đội, khi bắt đầu làm công việc nghiên cứu sưu tầm hẳn rằng bác đã gặp nhiều khó khăn?

          - Tất nhiên là có nhiều khó khăn hơn các bạn đã làm chuyên ngành về văn học hóa, về di tích, bảo tàng, thư viện hay báo chí… Hơn nữa tôi về hưu ở dưới huyện xa trung tâm báo chí, trung tâm văn hóa, thư viện… ít có điều kiện gặp gỡ giao lưu được với những bạn văn vì người ta toàn ở trên thành phố cả.

          3 - Ở tỉnh ta có nhiều người làm công tác nghiên cứu sưu tầm lâu năm, có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết. Bác kế thừa được gì từ thế hệ gạo cội đó ạ?

          - Viết văn, viết báo, bút kí, phóng sự kiểu thông tấn đối với tôi đã nhiều nhưng đi vào nghiên cứu thì không phải dễ, không phải ai cũng làm được. Ông chủ tịch hội VHNT Nam Định rất ngại các nhà nghiên cứu vì họ là những người nói có sách, mách có chứng. Tôi vào hội VHNTcũng được kế thừa nhiều người làm công tác nghiên cứu lâu năm có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm lại giàu lòng nhân ái nữa và họ đều tâm huyết với nghề. Học các bác ấy trước hết là sự đam mê nghề nghiệp, có đam mê mới có quyết tâm cao.
          Chính bác Hoàng Dương Chương, Hồ Đức Thọ, PGS TS Trần Đức Minh là những người mà tôi học được nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu. Bác Hoàng Dương Chương còn san xẻ cả đề tài cho tôi nghiên cứu. Nhiều bác nghiên cứu chuyên sâu như Đỗ Đình Thọ thì nghiên cứu sâu về nguyễn Bính có thể nói về bác ấy là nhà Nguyễn Bính học. Hồ Đức Thọ thì sâu về Văn nghệ dân gian, Hoàng Dương Chương thì sâu về địa chí. Trần mỹ Giống thí sâu về các nhà khoa bảng và Trần Quang Vinh thì tham hơn đề tài nào cũng có mặt. Riêng mảng Phật giáo có vua Trần Nhân Tông sau khi truyền ngôi cho con là Trần anh Tông đã đi tu dựng lên thiền phái Trúc Lâm và trở thành Phật Hoàng là còn để ngỏ. Tôi đã nhận phần này cho mình, phần nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo và được các bác cao niên rất ủng hộ.  Làm nghiên cứu là phải biết nhiều việc, giỏi một việc. Tôi đã học được điều đó ở thế hệ gạo cội.

          4 - Tác phẩm, công trình, nghiên cứu của bác ở cả lĩnh vực lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử Phật giáo, các nhân vật lịch sử, và danh nhân văn hóa. Việc nghiên cứu nhiều lĩnh vực như vậy có làm giảm tính chuyên sâu của tác phẩm, công trình không thưa bác?

          - Làm công tác nghiên cứu thì không thể tách rời lịch sử.
Văn hóa và lịch sử nó quyện vào nhau. Vì tri thức lịch sử là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa dân tộc. Nếu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình phát triển của con người thì tri thức lịch sử là sản phẩm đầu tiên của tư duy con người. Cho nên nghiên cứu về các sự kiện lịch sử thì phải nói đến con người làm lên lịch sử nghĩa là nói đến những danh nhân danh tướng, danh thần là vậy. Tôi đã viết lịch sử cho nhiều đảng bộ, cho nhiều chùa, viết lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh, lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định và khảo cứu biên luận nhiều công trình âu cũng là cái duyên.
          Viết về lịch sử địa phương là viết về lịch sử đảng bộ và nhân dân các cấp. Trước hết mình phải nắm chắc lịch sử. Có xã viết xong, in rồi, các cụ phát hiện ảnh ông nọ lai in vào vị trí của ông kia, cái sai ấy thì dễ phát hiện và một số sai sót nhỏ nữa nên đắp chiếu để đấy không cho phát hành. Ban tuyên giáo huyện nhờ tôi xuống giúp đỡ. Có chuyên gia về lịch sử đến thì người ta tin rồi. Thì ra khi xem lại tôi thấy không phải chỉ sai có thế mà cái sai cơ bản là ban viết sử của xã không nắm được lịch sử, người cố vấn trước chắc cũng qua loa. Tôi giành thời gian đọc rồi tổ chức họp với các cụ trong ban viết và lãnh đạo xã để chỉ ra cái sai. Sai ngay từ cái bìa sách lại đề: “LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ (giai đoạn 1928- 1995). Năm 1930 mới thành lập Đảng mà viết lịch sử từ 1928 là sai. ( trừ xã nào thời gian ấy có hoạt động của tổ chức thanh niên cách mạng đ/c hội). Hay cũng chính xã ấy bỏ hẳn thời kì Nhật nhảy vào Đông Dương, bỏ hẳn cái nạn đói năm 1945 mà chính địa phương này gặp phải, và cũng không biết là ta lấy lại chính quyền từ tay thực dân Pháp hay phát xít Nhật, bỏ luôn. Muốn sâu khi viết sách nói chung hay viết sử nói riêng là phải có đề cương, đề cương là chung để khỏi thiếu sự kiện lịch sử rồi tùy từng xã ta điền các hiện thực lịch sử vào. Sự kiện lịch sử là những hiện thực lịch sử đã diễn ra ở từng địa phương. Có hiện thực lịch sử mới có tri thức lịch sử. Có tri thức lịch sử mới có khoa học lịch sử. Vậy Khoa học lịch sử là gì? Tôi xin nói một câu chuyện là: Những năm gần đây dân khắp nơi sau tết cứ đổ về Bắc Ninh để xin lộc, để vay mượn bà Chúa Kho và cho rằng bà chúa Kho là người có công lớn coi kho binh lương ở núi Cổ Mễ, bà tham gia chiến đấu chống quân Tống và anh dũng hy sinh trên phòng tuyến sông Cầu rất linh thiêng. Nếu chiếu ánh sáng của khoa học lịch sử vào thì trả lời ngay được có hay không Kho binh lương lại đặt ngay trên phòng tuyến sông Cầu? khoa học về quân sự không có chuyện ấy sảy ra, người ta phải đặt ở xa trận địa chứ mà thực tế là ở mãi Giảng Võ cơ mà. Làm việc với đ/c Nga  Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh thì người ta xác định ở đấy chính là bà chúa Sành trên núi kho nên gọi là bà chúa kho. Chả có công lao gì. Mà linh thiêng để tôn thờ như vậy.
          Viết về lịch sử là ta phải nắm chắc lịch sử và khoa học lịch sử thì không thể không sâu. Nên tôi nghiên cứu và viết về nhiều lĩnh vực như nhà báo nói vẫn phải đảm bảo tính chuyên sâu. Không chuyên sâu không viết. Mình viết thì phải có triết luận của mình để người đọc thấy cái mới, cái đúng một cách thuyết phục.
          Nhất là cuốn Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định được phát hành trong cả nước và nó cũng đã có mặt tại nước mỹ, được giáo sư Trần Chung Ngọc ở Trường đại học tại Mĩ trích tác phẩm Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định viết bài “ Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc ở Việt Nam” đăng ở báo nhân dân ngày 20-9-2013 để đả phá lại cáo buộc của nước ngoài cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo. Một giáo sư người Việt dạy đại học ở Mĩ dùng sách của minh, sách viết về tôn giáo, sách của tôn giáo ở Việt Nam để đập lại luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Viết mà không chuyên sâu thì ai đọc chứ chưa nói đến việc người ta sử dung sách của mình trích để viết bài ủng hộ mình. Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định là cuốn sách dầy gần nghìn trang. Muốn viết được người viết phải hiểu về tôn giáo mà cụ thể là phật giáo. Hiểu về các loại kinh sách nhà phật người ta nói gì? Phật giáo là một khoa học, người ta đồng hành cùng dân tộc, người ta dương cao ngọn cờ “ Đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
          Năm 1947 nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch vào tháng 2 có 27 nhà sư ở chùa Cổ Lễ cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận. Không đồng hành cùng dân tộc là gì?

          5. - Trong số những tác phẩm đã hoàn thành thì đâu là tác phẩm nào đòi hỏi sự công phu nhất, làm bác bằng lòng nhất?  

          - Cũng chính tác phẩm Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Đinh của tôi vừa nói ở trên là tôi bằng lòng với mình hơn và vì đã giành nhiều thời gian công sức kể cả tiền bạc nên được bạn đọc hoan nghênh, báo chí giới thiệu nhiều.

          6.- Công việc nghiên cứu sưu tầm đòi hỏi phải đi nhiều, nên những người làm công tác nghiên cứu thường gặp nhiều khó khăn về kinh phí, về điều kiện phương tiện…Ngoài ra ra thì tuổi tác có phải là trở ngại lớn đối với bác lúc này không ạ?

          - Đúng như nhà báo nói. Làm Nghiên cứu là phải đi nhiều. Đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mắt. Lật từng trang sách, trang đất trang đời, đọc đại tự, câu đối, bài minh, thư tịch bi ký của người xưa để lại mà làm chứng cớ. Viết lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định tôi phải đi hầu hết các xã trong tỉnh. Bỏ lương của mình ra mà đi thôi. Đi ba tháng trời để nghiên cứu viết Lịch sử Phật giáo tỉnh nam Định, mỗi ngày tôi định mức cho mình một trăm ngàn đồng nếu xăng xe nó ăn nhiều thì mình ăn ít. Nhiều ngày phải ăn mì tôm. Tuy nhiên tuổi cao nhưng chắc được Phật độ cho cái sức khỏe nên vẫn đi được, đến giờ vẫn còn đi tốt bằng cái xe máy cổ cà tàng.

          7.-  Những chuyến đi trong khoảng thời gian làm công tác nghiên cứu sưu tầm hẳn rằng đẻ lại cho bác nhiều kỉ niệm đáng nhớ ạ?

          - Cũng có nhiều kỉ niêm vui có buồn có nhưng nhà nghiên cứu không được đón tiếp như nhà báo các bạn đâu. Nghe thấy cái tên nhà nghiên cứu phê bình ghi trong thẻ người ta đã ớn, họ cứ tưởng ông này đến để nghiên cứu rồi phê bình. Có chùa còn cầm lấy thẻ của tôi rồi điện cho ai đó hẹn tôi phải chờ họ đến mới trả thẻ. Tôi phải chờ thì ra được gặp ông Trưởng phòng văn hóa huyện mới vỡ lẽ huyện ông đã nhiều chùa phải lừa của các nhà báo rởm. Đấy cũng là những kỉ niêm đáng nhớ. Hay một chuyện nữa, ngày ấy khoảng nửa đêm rồi một ông sư cỡ thượng tọa hay đại đức gì đó gọi điện cho tôi nói:
          -  Chùa chúng tôi làm gì có hai cái chóe cổ hình hai con rồng nổi thời Tống và cái chiêng thời Tống mà nhà văn viết vậy thì họ bắt đền chết chúng tôi à?
          - Vậy mất rồi à? ( tôi hỏi lại)
          -  Không có chứ ai để mất. chúng tôi cùng các cụ trong làng họp từ tối đến giờ để quyết định gọi điện hỏi nhà văn đây. Xin hãy đính chính việc sai sót ấy cho chúng tôi.
          -  Tôi không đính chính đâu, sai cái gì?.
          -  Vậy cụ nào cung cấp tư liệu ấy cho nhà văn?
          -  Không có cụ nào cung cấp đâu mà các cụ truy nhau, Chóe từ thời Tống thời ấy nói như đạo Phật thì các cụ còn lang thang ở góc biển chân trời nào đó đã được đầu thai làm người mà đâu mà biết.
          - Không ông không đính chính sáng mai chúng tôi kéo nhau lên huyện. Không để các cụ tức nữa tôi nói:
          -  Các cụ ơi không phải lên huyện đâu tôi đang ngồi với chủ tịch huyện đây Xin các cụ nghe đây rồi về ngủ cho ngon giấc nhé.
          -  Hai chiếc chóe và chiếc chiêng cổ là có thật. Chiếc chiêng giờ còn ở bên đền ấy. Ngày ấy Nhà tống bị quân  Nguyên đánh nên dân Tống chạy sang ta lánh nạn rồi làm chùa thờ Phất ở làng ta bây giờ. Có ba thứ đó làm đồ thờ là có thật. Tôi đã có đầy đủ tư liệu lịch sử để viết điều này chứ không phải các cụ cung cấp, không phải tôi viết sai. Bây giờ hai cái chóe không còn có thể lâu ngày đã vỡ hoặc mất, cái chiêng thì ở bên Đền là cái chiêng cổ đấy các cụ bảo quản cẩn thận đừng để mất nhé. Việc hai cái chóe mất rồi không ai quy kết các cụ đâu , Chúc các cụ ngủ ngon. Đấy, viết sử mà không có tư liệu chắc chắn dễ mang họa vào thân như chơi.

          8. - Bác đã từng đạt giải thưởng báo chí. Xin bác chia sẻ nhiều hơn về tác phẩm đã giúp bác đạt giải thưởng báo chí Trung ương ạ?
    
          - Cám ơn nhà báo cũng đã biết đến giải thưởng báo chí của tôi. Tôi xin chia sẻ:
          Người ta cứ bảo “ Nhà văn nói láo, nhà báo nói hay” Nhưng Viết báo là phải viết sự thật, viết cái gì, viết về ai, viết cho ai đọc… Tác phẩm “ Người đào hầm bí mật” của tôi được giải báo chí trung ương và nhà xuất bản quân đội nhân dân in chung trong tập sách “ Chúng tôi là bộ đội cụ Hồ” là tôi viết về những liệt sĩ, những dân quân du kích trong thời kì kháng chiến chống Pháp của một xã anh hùng, xã Trực Khang Trực Ninh Nam Định quê hương tôi. Họ là Hà Sĩ Hùng, Khi ông bị bao vây không có lối thoát ông đã đốt tài liệu tung lựu đạn chiến đấu hy sinh chứ nhất định không chịu rơi vào tay giặc. Là Hà Đức Miên bộ đội huyện về xã truyền mệnh lênh bị giặc ráo riết đuổi theo, ông đã bỏ tài liệu vào mồm nhai nuốt. Bị giặc bắt về đồn dụ dỗ, ngồi trước mặt chúng ông đã đập cằm xuống bàn cho đứt lưỡi để hy sinh. Giặc điên cuồng đóng cọc vào hậu môn ông cho lên đến cổ rồi kéo xác ông buông sông đấy là những ngày mồng một mồng hai tết năm 1951 tang thương trong thời kì địch hậu. Hay một du kích thôn chuyên đào hầm bí mật, có cái hầm phải lặn xuống dưới mới chui được vào cửa hầm. khi người du kích này về nhà ăn cơm thì địch ập vào bắt. Ông lẻn cửa sau chạy sang nhà hàng xóm thấy đang đánh phân ở chuồng lợn ra để đổ ruộng ông nằm ngay vào chuồng lợn rồi bảo chủ nhà cào phân che kín người. Kiểu ngụy trang rất Việt Nam như thế này chắc chỉ có trời tìm phải không các bạn.
          Tác phẩm được giải phải là những tác phẩm viết người thật việc thật tất nhiên về nghệ thuật viết phải dựng được kịch tính cao làm cho người đọc hồi hộp với lối văn kể chuyện dí dỏm hấp dẫn chắc là ban giám khảo cũng thich nên đã cho giải. Gương những liệt sĩ có những hành động anh hùng nhất là Liệt sĩ Hà Đức Miên đập cằm xuống bàn cho đứt lưỡi hy sinh ngay trước mặt quân thù thì ở Việt Nam chưa có hai. Người ta dũng cảm như vậy sao không viết. Không viết lại để làm gương giáo dục cho muôn thế hệ con cháu mai sau là có tội với những người đã vì nước vì dân. Vì thời lượng có hạn, quý đài có thể cho đọc cả câu chuyện trong các số sau của tạp chí văn nghệ.

          9.-  Năm nay bác đã ở tuổi thất thập, chân có thể mỏi nhưng nhiệt huyết thì vẫn chưa hề giảm. Bác có ấp ủ cho mình những dự định mới nào không ạ?

          - Tôi là nhà nghiên cứu phê bình văn học, là hội viên hội khoa học lịch sử việt Nam, là ủy viên BCH, chánh văn phòng hội sử học Nam Định cũng nhiều việc nhưng cố gắng làm, còn sức còn đi còn viết, viết để chống già, chống lẫn các bạn ạ. Nhưng năm mới cũng mong có sức khỏe để hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử “ Tiếng súng đường 21” đó là những sự kiện lịch sử trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cùng với những con người những tập thể anh hùng suốt từ cầu đò quan đến thị xã Thịnh Long và hoàn thành tốt nhiệm vụ của hai hội giao cho.

          10. - Xin cảm ơn bác, xin chúc bác mạnh khỏe.

          - Xin cám ơn quý đài, Cám ơn quý vị và các bạn đã theo dõi

ĐỒNG NGỌC HOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét