Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

NGUYỄN NGỌC KIÊN GIỚI THIỆU VÀ DỊCH THƠ SẦM THAM, LỤC DU

          1- NHÀ THƠ SẦM THAM (岑參715-770)


            Sầm Tham là người Nam Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Cha ông từng làm Thứ sử (hai lần), và đã qua đời lúc Sầm Than còn nhỏ.
Nhà nghèo, ông phải tìm cách tự học. Năm 744 đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), Sầm Tham thi đỗ Tiến sĩ lúc 29 tuổi, được bổ làm một chức quan nhỏ là Binh tào Tham quân.
            Năm 749, ông theo tướng Cao Tiên Chi đến An Tây  (ra biên ải lần thứ nhất), nhưng chẳng bao lâu lại trở về kinh đô Trường An.
Năm 754, ông ra biên ải lần thứ hai, làm Phán quan cho Tiết độ sứ An Tây là Phong Thường Thanh. Thời kỳ này, ông sáng tác rất nhiều thơ về chủ đề "biên tái".
            Sau loạn An Sử (755-763), từ Tửu Tuyền (nay thuộc Cam Túc), Sầm Tham đến Phượng Tường (nay thuộc Bảo Kê, Thiểm Tây) là nơi Đường Túc Tông (ở ngôi: 756-762) đang ở. Được bạn thân là nhà thơ Đỗ Phủ và Phòng Quân tiến cử, ông được giữ chức Hữu bổ khuyết.
            Thời Đường Đại Tông (ở ngôi: 762-779), Sầm Tham lại ra biên ải (lần thứ ba). Năm 766, ông được bổ làm Thứ sử Gia Châu (nên ông xưng là Sầm Gia Châu), nhưng sau đó bị bãi chức .
            Lâm cảnh đói nghèo, năm 770, Sầm Than mất trong quán trọ tại Thành Đô (nay là tỉnh lỵ tỉnh Tứ Xuyên) lúc 55 tuổi.
            Tác phẩm của ông để lại có Sầm Gia Châu thi tập (Tập thơ của họ Sầm ở Gia Châu) gồm 8 quyển.
            (Theo Kiwipedia)




 Phiên âm:            Thích trung tác

Tẩu Mã tây lai dục đáo thiên,
Từ gia kiến nguyệt lưỡng hồi viên.
Kim dạ bất tri hà xứ túc,
Bình sa vạn lý tuyệt nhân yên.

Dịch nghĩa: Ở trong sa mạc cảm tác

Giục ngựa chạy về phía Tây, muốn đến tận chân trời
 Rời nhà ra đi, đã thấy trăng hai lần tròn
 Đêm nay không biết ngủ ở đâu
 Trên sa mạc muôn dặm, tuyệt không thấy bóng người và khói bếp.

Dịch thơ: Viết trong sa mạc

Ngựa cuốn về Tây, muốn tới trời
Xa nhà chốc đã hai mùa rồi
Đêm nay chẳng biết  về đâu ngủ
Vạn dặm cát xa chẳng khói, người.

見渭水思秦川

渭水東流去,
何時到雍州.
憑添兩行淚,
寄向故園流.

 Phiên âm: Kiến Vị thuỷ tư Tần xuyên

Vị thuỷ đông như khứ,
Hà thời đáo Ung Châu.
Bằng thiêm lưỡng hàng lệ,
Ký hướng cố viên lưu.

Dịch nghĩa: Thấy sông Vị nhớ Tần Xuyên

Sông Vị chảy về đông
Bao giờ tới châu Ung
Nếu chở thêm được hai dòng lệ
Xin gửi đưa giùm về quê hương

Dịch thơ: Thấy sông Vị nhớ Tần Xuyên

Sông Vị chảy về Đông
Bao giờ tới châu Ung
Nếu thêm đôi dòng lệ
Xin gửi về cố hương



Phiên âm: Sơn phòng xuân sự

Lương viên nhật mộ loạn phi nha,
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia.
Đình thụ bất tri nhân khứ tận,
Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa.

Dịch nghĩa: Cảnh xuân trong nhà trên núi

Trong vườn Lương, lúc chiều tà những con quạ bay hỗn loạn
Cố trông hết tầm mắt cũng chỉ thấy vài ba nhà tiêu điều
Cây trong sân không biết rằng người ta đã đi hết
Xuân về lại nở những bông hoa thời xa xưa.

Dịch thơ: Cảnh xuân trong nhà trên núi

Quạ loạn vườn Lương buổi chiều tà
Xa trông xơ xác chỉ mấy nhà
Cây sân không biết người đi hết
Xuân đến như xưa …. vẫn nở hoa

          Chú thích về danh từ Lương Viên 梁園: Vườn Lương Viên. Sách Tây Kinh Tạp Ký chép: Đời Nam Bắc triều (420-581), Lương Hiếu Vương là con thứ vua Lương Vũ Đế (502-550) mở vườn Đông Uyển ở trong thành Thư Dương chu vi hàng mấy dặm, để làm chỗ chiêu tập hào kiệt bốn phương và những người du thuyết trong thiên hạ. Lương thường cùng tân khách và cung nhân hội yến trong vườn, rồi thả thuyền câu cá trong ao. Đời sau gọi vườn Đông Uyển là Lương Viên.
            Nguồn: Đỗ Bằng Đoàn-Bùi Khánh Đản, Đường thi trích dịch, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, 2006.



Phiên âm: Phùng nhập kinh sứ

Cố viên đông vọng lộ man man,
Song tự long chung lệ bất can.
Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,
Bằng quân truyền ngữ báo bình an.

Dịch nghĩa: Gặp sứ vào kinh

Ngóng về hướng đông nơi quê nhà, đường dài hun hút
Hai tay áo thõng, nước mắt không cạn
Ở trên lưng ngựa gặp nhau, không có bút trong tay
Nhờ anh gửi lời nhắn tin báo rằng tôi vẫn được bình yên.

 Dịch thơ: Gặp sứ vào kinh

Đông ngóng quê nhà chốn mênh mang
Hai tay áo thõng, nước mắt giàn
Gặp trên lưng ngựa không giấy bút
Nhắn hộ rằng tôi vẫn  bình an.



Phiên âm: Đề Bình Dương quận Phần kiều biên liễu thụ

Thử địa tằng cư trú,
Kim lai uyển tự quy.
Khả liên phần thượng liễu,
Tương kiến dã y y.

Dịch nghĩa: Đề cây liễu bên cầu sông Phần ở quận Bình Dương

Ta đã từng ở nơi này
Nên năm nay ta trở lại
Khá thương cho cây liễu trên bờ sông Phần
Gặp lại ta vẫn thấy như hồi nào

Dịch thơ: Đề cây liễu bên cầu sông Phần ở quận Bình Dương

Năm xưa ta đã  ở nơi đây
Năm nay ta lại đến chốn này
Cây liễu sông Phần yêu mến quá
Gặp nhau vẫn thấy mến thương thay!


          1- NHÀ THƠ LỤC DU
                         
            Lục Du (陸游, 1125-1209) tự là Vụ Quan (務観), hiệu Phóng Ông (放翁), người Sơn Âm, Việt Châu (nay thuộc Nhạn Môn Đạo, tỉnh Sơn Tây), thời Nam Tống ông đã làm quan Tri châu, Tri phủ, còn làm quan Quốc sử biên tu, ông là một vị thi nhân ái quốc. Sống vào thời kỳ hai hai triều Tống Kim đánh nhau, Lục Du trở thành một người rất trăn trở vì mất nước. Khi đó người Nữ Chân (vương triều Kim) đã đánh chiếm xuống phía nam, đất nước chia 5 xẻ 7, dân tình ly tán loạn lạc. Ông đã từng vào đất Nam Trịnh (Tứ Xuyên hiện nay) theo phong trào chống Kim, đã từng mặc giáp cưỡi ngựa vượt qua sông Vị cùng những toán kỵ mã yêu nước, ban đêm đột kích quân Kim nhiều lần. Ông có “Kiếm nam từ chuyên tập” lưu truyền đến nay.
            Thời tuổi trẻ ông đã bị một bi kịch về chuyện hôn nhân. Năm 20 tuổi ông kết hôn với người em cô cậu tên Đường Uyển (唐婉). Mẹ Lục Du không thích Đường Uyển và cũng không tán thành cuộc hôn nhân này, đã cưỡng ép họ li hôn. Đường Uyển đã đi tái giá với người khác và Lục Du thì cũng lấy vợ khác. Mười năm sau hai người gặp lại nhau ở Thẩm Viên (沈園) Lục Du viết lên tường một bài từ rất bi phẫn là “Thoa đầu phượng” (釵頭鳳). Không lâu sau, Đường Uyển chết, Lục Du vẫn còn lưu luyến mãi, viết bài thơ tình nổi tiếng “Thẩm viên” (沈園) được truyền tụng đến ngày nay. Chúng tôi xin giới thiệu hai bài “Thẩm viên” về mối tình bất hủ này và bài “Quán viên” của Lục Du.

沈園 其一

Phiên âm:
THẨM VIÊN KÌ 1
Thành thượng tà dương hoạ giốc ai,
Thẩm viên phi phục cựu trì đài.
Thương tâm kiều hạ xuân ba lục,
Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai.

Dịch nghĩa:
VƯỜN THẨM (Bài1)
Đầu thành, mặt trời xế bóng, tiếng tù và rầu rĩ.
 Vườn Thẩm lúc này đài ao không được như xưa.
Đau lòng nhìn những con sóng xanh mùa xuân vỗ chân cầu.
Nơi này đã bao lần bóng hồng in đáy nước.

Dịch thơ:
VƯỜN THẨM (Bài 1)
Bóng xế thành hôm tiếng ốc đưa,
Đài, ao vườn Thẩm chẳng như xưa
Đau lòng nhìn sóng xuân xanh vỗ,
Cầu nọ, bóng hồng mấy độ qua

沈園 其二

Phiên âm:
THẨM VIÊN KÌ 2
Mộng đoạn hương tiêu tứ thập niên,
Thẩm viên liễu lão bất xuy miên.
Thử thân hành tác kê sơn thổ,
Do điếu di tung nhất huyễn nhiên.

Dịch nghĩa:
VƯỜN THẨM (Bài 2)
Mộng đứt hương tan đã bốn mươi năm.
Cây liễu già trong vườn Thẩm không còn giăng tơ nữa.
Thân này dẫu mai sau phải chôn vùi ở đất Cối Kê
thì vẫn còn nhỏ lệ thương viếng dấu người xưa.

Dịch thơ:
VƯỜN THẨM (Bài 2)
Mộng đứt hương tan bốn chục năm,
Liễu già vườn Thẩm hết tơ giăng.
Kê Sơn dẫu có vùi thân xác
Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu nàng!

灌園

Phiên âm:
QUÁN VIÊN
Thiếu huề nhất kiếm hành thiên hạ,
Vãn lạc không thôn học quán viên.
Giao cựu điêu linh thân lão bệnh,
Luân khuân can đảm dữ thuỳ luân (luận)?

Dịch nghĩa:
TƯỚI VƯỜN
Lúc trẻ đeo gươm đi khắp thiên hạ
Khi có tuổi về xóm vắng học tưới vườn
Bạn cũ tàn rụng thân mình già yếu
Tâm sự uẩn khúc biết bàn cùng ai

Dịch thơ:
TƯỚI VƯỜN
Lúc trẻ đeo gươm khắp bốn trời
Già về xóm học tưới vườn thôi
Bạn xưa tàn rụng, thân già yếu
Nỗi lòng u uẩn tỏ cùng ai.

NGUYỄN NGỌC KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét