Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

XUÂN HY KÝ SỰ NGUYỄN KIM TRÌ (Kì 7)


Tác giả Nguyễn Kim Trì

Đã đăng:

          MA LÀNG XUÂN HY

          Để viết loạt chuyện ma làng, nhặt nhạnh vài chuyện vặt cũng dính tí ma chen vào đây để mở đầu nhưng nó cũng có tí ý nghĩa. Ý nghĩa như sau:
          Đưa chai rượu thuốc cho tôi, ông Hải bảo:
          - Cũng có chỗ tôi cảm thấy chú hơi bịa, nhưng mà thôi, đã hứa trả nhuận bút cho chú chai rượu thuốc rồi thì thôi, chả nhẽ lại bớt lại một vài chén cũng chẳng để làm gì.  

          Không biết nói thật hay đùa nhưng tôi thấy hơi tự ái vì oan, thì tôi viết chính truyện ông ấy biết để khỏi tiếc vài chén rượu, không bớt lại. Chính vì vậy mà tôi viết chen vào đây, thế nào bố ấy cũng đọc phải, minh oan, hết tiếc rượu. Chuyện như vầy:
          Còn bé tôi không biết cũng không thân gì với ông Hải, lớn lên cũng chỉ bình thường, nhưng có chuyện về ông này thì tôi có ấn tượng mãi. Khi học lớp vỡ lòng thì tôi học nhiều chỗ lắm, có thời học ở nhà cụ Thưởng, là nhà ông Lượng xóm Đoàn Kết bây giờ. Chúng tôi chỉ học đánh vần a cờ a ca huyền cà, cờ a ca thắc cá… ra chơi tôi thấy có thằng bé mặc áo xăng côn xanh cổ vuông, cộc tay, cứ ngồi cầm quyển sách chữ in đọc như người nhớn, người tắng tẻo (trắng trẻo), tôi hỏi:
          - Mày đọc chữ à?
 Nó ngước mắt lên nhìn tôi, không nói gì lại cúi xuống đọc. Tôi đứng bên cạnh nhìn xem, nó cứ tưng tửng. Có đứa nói nó học lớp 1, tôi phục lắm. Có đứa bé hơn mình mà học lớp 1, lại được mặc áo mùi cộc tay (tất cả chúng tôi hồi ấy đứa nào cũng mặc quần áo vải nhuộm nâu, giống nhau, không ai may áo cộc tay vì còn mặc cả mùa rét nữa. Khác màu nâu thì gọi là áo mùi, tức là áo màu nên càng thêm phục). Sau này nghe đâu thằng này ít tuổi khai gian, lại không học lớp vỡ lòng mà ở nhà học chui, bác nó dậy biết đọc biết viết rồi tuồn vào lớp 1 cho nên bị phát hiện, không cho lên lớp 2, phải đúp lớp 1.
          Lớn lên chúng tôi cũng không thân nhau, cho mãi đến khi học lớp 8 cấp 3 thì mới thân nhau. Tôi, thằng Thành, thằng Hải thân nhau vì cùng học một lớp, cùng một xã. Tối hay lên nhà thằng Thành học chung, tối nào cũng được ăn một củ khoai tía riềng to bằng cổ chân. No. Khoai nhà ông Thanh hồi ấy nổi tiếng. Mẹ tôi, bà Thanh, bà Tần quý chúng tôi ngang nhau. Khi đi học chuyên  nghiệp, nghỉ hè về nhà, nhiều lần bà Tần (tôi gọi là bác Tần) bao giờ cũng cũng để dành thóc tám (hồi ấy hợp tác xã chỉ chia cho mỗi khẩu ba, bốn kg thóc tám là cùng, từ tháng 10 năm trước, nhà bác Tần chỉ có một khẩu) đợi con về nghỉ hè cho ăn, mà tôi nhớ lần nào tôi cũng được vời xuống cho ăn, có khi vài ba bữa liền. Kể mà miếng ngon nhớ lâu ở đời thì phải tính đến những bữa ăn cơm tám ở nhà bác Tần ngày ấy. Đã cơm tám lại còn có thịt gà, thịt gà rang với là mền tưới, đổ ra bát thơm lừng, mỡ nổi vàng óng, ăn ngọt xớt. Bữa ăn bác Tần chỉ ngồi quạt cho chúng tôi và cười nhìn hai đứa chúng tôi ăn từ đầu đến cuối bữa, bác không ăn, không có bát đũa cho bác, còn chúng tôi cứ chén tì tì ngon miệng, đánh cho đẫy tễ rồi thì đứng lên, không để ý gì cả. Nghĩ lại sự vô tâm của chúng tôi ngày ấy mà chỉ chực chảy nước mắt. Trong bữa ăn ông Hải kể chuyện, 2 chuyện.
          Một là: Ông Phó bảo cứ lấy cọc chuồng lợn đóng xuống mả là ma nó sợ, đêm nó phải về nhà lậy mình xin nhổ lên, thế là tôi chặt cái cọc, mang ra mả chỗ đồng Cửa, lấy hòn gạch đóng xuống, về đêm đợi ma nó về lậy mình, nhưng đợi mãi chả thấy ma nào nó về lậy, có khi nó tưởng tôi đóng cọc cho chú Bôn cọc diều nên nó không sợ, chú Bôn đua diều hay cọc ở mả này.
          Chuyện thứ 2: Có một thằng thanh niên cởi trần mặc quần đùi, mặt đỏ, cầm dao đuổi tôi, sợ quá tôi chạy sang nhà ông Phó, không có ai ở nhà, lại chạy vào nhà chú Phan cũng không có ai, chạy ra nhà bác Tứ chỗ nhà ông Tham, cũng chẳng có ai, sợ quá chạy qua cầu về nhà thì bà nội chạy ra ôm chặt lấy tôi, vừa lúc ấy tôi mở mắt ra thì thấy bà và mẹ đang lấy đũa cạy mồm tôi ra đổ nước lá cải cạy với lá cóc mẳn, tôi định thần, hóa ra mình bị ốm, với lại có bà và mẹ bên cạnh rồi thì không sợ gì nữa, ngủ đi lúc nào không biết. Rồi ông kết luận ráo hoảnh: Sốt cao bị mê sảng chứ chẳng có ma quỷ nào hết… Sinh viên đại học y dược có khác, có kiến thức cao….  Công nhận.

          Cô gái ma

        Bây giờ viết chuyện về ma, tôi viết chuyện tôi biết trước. Hồi còn ở nhà, nhiều năm làm nghề chăn vịt, nuôi vịt ngày ấy vất vả lắm, phải đi chăn suốt ngày ngoài đồng chứ như bây giờ nhốt vào ao cho ăn cám con cò thì lấy đâu ra lãi. Mùa tháng 5, đêm để vịt ở sông trước trạm xá, phải làm lều coi. Trạm xá nay làm nhà coi trẻ con. Nửa đêm muỗi cắn không ngủ được, bò về nhà, về gần đến trạm xá nhìn thấy có người đàn bà, dáng cô gái, đứng nép vào gốc chuối, tóc xõa dài đến gót chân lại mặc quần trắng. Tôi đứng lại hỏi: “Ai đấy?” Không nói gì. Tôi lại bảo: “Trong trạm xá có người thường trực đấy, gọi là họ mở cửa”. Cô này không nói gì lại còn lấy nón che mặt. Sỹ, đi thăm người đẻ hay đi đẻ mà cứ đứng đấy, hỏi  không nói, còn che mặt. Cũng vì buồn ngủ quá nên tôi cũng bỏ đi luôn. Vài hôm sau, ngồi bờ ruộng coi vịt, chợt nghĩ đến cô đi đẻ hôm kia. Không có lẽ, người làng ta hay Thủy Nhai, Hành Quán, sao lại nửa đêm đứng ở gốc chuối, đi đẻ hay đi thăm người đẻ mà lại đứng ở gốc chuối, đợi ai. Đang phân vân, chợt tỉnh ra: Chết rồi, không phải người, ma, nhất định là ma rồi, ôi dồi ôi, tôi nổi hết cả
gai gà gai cóc lên. Chậm hiểu chậm nghĩ gặp ma mấy ngày sau mới nghĩ ra. Nhưng nghĩ cũng còn may, nếu mình là đứa máu gái, nửa đêm giữa đồng không mông quạnh gặp cô gái hỏi thì xấu hổ e thẹn, đến gần vạch nón ra xem mặt để trêu… Mắt bà tự nhiên trợn ngược lên xanh lét, lưỡi lè ra dài bằng đòn gánh… Ngất.

          Ma Thủy nhai

          Chiều gần tối. Đuổi vịt về từ đồng sau làng Thủy Nhai trên, vịt về đến chỗ sông từ cầu Thủy Nhai xuống trường học, bỗng nhiên vịt đang bơi trên sông nhớn nhác không dám bơi đi nữa. Có một người không rõ đàn ông hay đàn bà, ngồi trên bờ bên kia sông cánh đồng làng ta, quay lưng ra sông. Tôi quát lên: “Ai đấy? Tránh cho vịt của tôi đi tí nào”. Quát mấy tiếng mà họ không nghe thấy gì, trời mùa đông lại sắp tối. Vịt nhớn nhác không dám đi, có con chạy tóe lên cả làn khoai. Tức quá, tôi quát to thì họ ngồi lết lết giật lùi rồi văng tòm xuống nước. Tôi sợ quá định nhảy xuống cứu nhưng mặt sông tịnh không thấy có tí sóng nào, bấy giờ vịt mới dám đi. Đứng đợi mãi mà chẳng thấy họ ngoi lên, tôi sợ họ chết đuối lại sợ rét nên còn đang lúng túng, cới áo bông ra xong nhưng chợt nghĩ thấy vô lý sao người ngã xuống sông mà không thấy tí sóng nào, vịt thì bơi xuống gần đến trường học rồi. Thôi, đếch phải người, ma rồi, ma cứng cổ nát cả ban ngày, chắc là ma Thủy Nhai sang đồng ta chơi. Thế là ù té chạy, cũng còn nhớ đến cái áo bông vừa cởi, về đến nhà mồ hôi ướt đẫm.

          Ma đi kiếm ăn

          Nhà tôi mấy đời cất vó bè ở sông trước làng kiếm sống. Đêm nào cũng vậy, ngồi cất vó nếu để ý sẽ thấy ngay, khoảng 11 giờ đêm, nhất là đêm tối trời, nhìn xa bên kia sông thì thấy có 2 cái bóng đèn xuất hiện từ nghĩa địa làng Liên Thủy thượng đi lên làng Lục Thủy, tốc độ nhanh hơn người đi, khi vào đến làng thì chó sủa nhặng lên một hồi rồi im. Đến khoảng 3 giờ sáng, khi nhà thờ sắp đánh chuông nhất thì 2 cái bóng đền ấy lại từ làng đi ra, chó lại sủa một hồi nữa. Đấy là quy luật hàng ngày mà có hiện tượng như vậy. Bố tôi bảo: “Cái ma này nó có từ tiền cổ đến bây giờ vẫn vậy, ma trơi các ông ấy bò vào làng kiếm ăn, ma trơi mà chẳng phải đi chơi đâu, đi kiếm ăn đấy. Mò mẫm gần sáng thì ra về”. Hai bóng đèn ra khỏi làng thì chó lại sủa một hồi nữa. Hiện tượng này có lẽ bây giờ vẫn còn, có ai thử rình xem, nhưng bây giờ thì có nhiều đèn điện nên khó nhận. Tôi để ý, nếu hôm nào quên giờ, nghe thấy chuông nhà thờ đánh mà các vị ấy mới ra thì chạy phải biết, chạy cứ như bị ma đuổi vậy. Cho nên có người nói hễ nhà thờ đánh chuông là trên mặt đất này không còn ma nữa, họ về mả hết rồi. Kể cũng có lý. Về ông bà ma trơi, có người giải thích thế này: Làm người ai mà đức độ, làm nhiều việc tốt thì khi mất, sau 49 ngày sẽ được siêu thoát đầu thai làm người, nếu rất tốt thì đầu thai làm con nhà giầu, sướng. Ai độc ác, bất nhân quá, làm quan cán bộ mà tham ô tham nhũng quá nhiều, bắt chẹt dân đen quá nhiều thì khi chết không siêu thoát được nên biến thành ma trơi, rất lâu mới được làm người nên con cháu họ phải cầu nguyện trời phật cho họ được siêu thoát. Ma trơi họ miêu tả thế này: Đầu to bằng nắm tay, cũng gần giống người, họng thì nhỏ như sợi tóc, bụng thì to như cái thùng phi 200 lít, chân dài mà nhỏ, chỉ có 3 ngón, không có móng. Tay ngắn hơn chân một chút, đủ năm ngón hẳn hoi nhưng lại không có bàn… Trông như vậy thì làm gì mà ăn được. Họng nhỏ vậy nên ăn suốt ngày mà vẫn không no, đói suốt đời, khổ vô cùng. Có nhiều người sợ ma trơi nhưng ma như vậy thì làm gì được ai nên cũng đừng sợ họ. Cái ông bà ma bên nghĩa địa làng Liên Thủy thượng có lẽ là ma trơi nên đêm nào cũng mò mẫm vào làng kiếm ăn chăng. Mọi người chúng ta hãy niệm phật: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, cầu cho họ được siêu thoát. Có chuyện ai đi chợ mua phải hoa quả của người làng Lục Thủy là y như phép không ăn được. Quả mít bên ngoài trông rõ ngon, mà cũng thơm nhưng bổ ra thì trong ruột còn trắng nguyên, nhão nhoét, bảo là bị ma vày. Vậy nên ai lấy chồng lấy vợ thiên hạ, không biết gốc tích, không tìm hiểu kỹ khi về nhà mình mà không ra gì thì lại có người bảo: “Thôi, mua phải mít Lục Thủy rồi”. Thương thay cho chúng sinh lúc sống mà khổ, thương thay cho chúng sinh lúc chết mà không siêu thoát được, phải làm sao đây? NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Tháng này là tháng bẩy, mùa Vu Lan báo hiếu xin mọi người hãy soi lại mình một tí, ai còn ông bà cha mẹ thì hãy mừng và nuôi dưỡng tốt hơn, ai không còn ông bà cha mẹ thì hãy cầu nguyện cho họ và làm thêm việc tốt cho mình.

          Ma ăn cỗ

          Chuyện này tôi nghe lỏm được hồi còn bé, không nhớ rõ ngày tháng năm xảy ra câu chuyện nhưng cũng xin mạnh dạn kể lại, cốt chuyện tôi còn tương đối nhớ: Khu vực họ Phạm xóm Hưng Đạo ngày xưa là cái nôi văn minh của làng, ở đấy có nhiều thầy giáo dậy học và nhiều lớp học. Trong nhà thầy có một cô con gái khoảng 11 hay 12 gì đấy, đang tuổi ăn tuổi nhớn bỗng dưng không nói không cười gì, không ăn cơm cháo gì hết, thỉnh thoảng chỉ ra chum nước múc nước lã uống rồi vào buồng nằm, không ra đến ngoài. Lúc vắng người thì cô này lại lẻn ra vườn, góc vườn có trồng cây hoa quế, bứt cánh hoa ăn lấy ăn để, thoáng có bóng người lại chạy vào buồng. Người gầy chỉ còn da bọc xương, mười phần sống chỉ còn một. Bố mẹ anh em nhìn thấy ai mà chả thương lòng. Đi xem bói bảo là bị người âm hành, về nhà làm cỗ cúng tạ thì khỏi. Nhà cũng làm theo. Đám học trò được chứng kiến cuộc lễ này, sau này kể lại mà tôi nghe được. Trưa hôm ấy làm cỗ, mâm cỗ cũng to, có hai bát cá mè nấu mẻ rọc ráy, có một đĩa thịt gà luộc, đầy, hai bát nấu quả chuối cũng nấu với cá, một đĩa cá vùi, hai bát canh mướp hương nấu với lòng gà, một đĩa gì hơi đen đen, ba bát cơm úp chồng lên nhau, nậm rượu, mấy cái bát đũa không. Một thẻ hương bài to cắm vào mỗi bát thức ăn một nén còn bao nhiêu cắm tập trung vào bát gạo. Đèn hoa kỳ. Thầy giáo cúng, khấn thì thụp,  mấy người đứng sau kêu khấn theo, thành tâm lắm. Đột nhiên, sầm, cánh cửa buồng mở tung, cô gái còm hàng ngày nhảy ra, trợn mắt, chạy vào chỗ đang cúng, giơ chân đá phốc một người đang ngồi trên ghế bắn vào vách, nếu không có vách chắc chắn bắn còn xa nữa. Mọi người xanh mắt mèo, vái lấy vái để cô này. Hàng ngày da bọc xương, nhắc chân không nổi nhắc chổi không động mà hôm nay lại khỏe như lực sĩ thì ai mà chẳng sợ. Cô ngồi lên ghế, vắt chân chữ ngũ, một tay để lên đùi, một tay chỉ xung quanh, vừa lắc lư vừa phán: “E hèm, nghe đây, ta là Trương Thế Kích đây, người tàu đây, tao đi bán thuốc rong bị ngã cầu chết đuối, họ để tao nằm ở đầu cầu bục, mạn tây chùa Vực, có biết không. Giữa giờ ngọ trưa, đi qua lại đái vào đầu tao. Thôi đã biết lỗi rồi, đắc tội với ta thì từ nay ta cũng tha cho. Gia chủ đâu?” Mọi người dạ ran, phán tiếp: “Thôi từ rầy không phải sợ gì nữa, thỉnh thoảng ta lại về đây phù hộ cho gia chủ, không bị ốm đau gì nữa”. Nói xong cô này vùng đứng dậy, đến chỗ mâm cỗ, hi hít, hít từng đĩa bát một, hít đến bát đĩa nào thì hương ở bát đĩa ấy tắt, cuối cùng hít đến đèn, bát gạo cắm hương cũng tắt ngay. Hít đến bát gạo cắm hương thì hít dài rồi ngã vật ra bất tỉnh, mọi người phải bế vào buồng, nghe đâu đến chiều mới tỉnh hẳn. Gớm, sau đó cô này ăn giả bữa, ăn ngày mấy bữa cũng được. Ai lại con gái mà ăn ba bát cơm với bốn năm múi mít mà vẫn liếm mép thòm thèm. Mấy năm sau cô lớn phổng lên, xinh, gả cho người nhà giầu làng Hành Quán. Trong mấy chị em thì cô này sướng nhất. Rồi cái ông kể chuyện kết luận: “Hà, hà, từ thuở bé đến giờ tôi mới tận mắt nhìn thấy ma ăn cỗ”.

          Đoàn ma Việt Nam đi

          Hồi còn bé lõm bõm nghe được, lâu quá rồi không nhớ được cụ thể, nay cũng lõm bõm chép lại, vô tiền khoáng hậu, hư thực không biết ra sao thì xin cứ cho là tôi sáng tác ra vậy vì kể chuyện mà không chính xác thì không tốt. Tuy sáng tác để mua vui nhưng chuyện có thật 100%, còn khối cụ già biết, dù sao nếu có gì lỗi thì cũng xin các ông bỏ qua cho. Cứ cho là tôi sáng tác ra như sau: Những năm 1920, làng ta có chương trình làm đền thánh thờ đức thành hoàng, là ngôi đền ngày nay. Trong làng ta có một gia đình đức độ nhiều đời, một hôm cũng vào tháng bẩy ta, trời đã gần tối, lại mưa dầm, đường đáng bùn lầy lội. Bà chủ nhà gặp một đoàn người rách rưới đói khổ, người già trẻ con bồng bế dắt dà lôi thôi lặng lẽ đi qua đường trước làng, chẳng biết là họ về đâu, hỏi họ cũng chẳng nói. Trong đoàn có cô con gái còn trẻ mà cũng rách rưới, bế đứa con đỏ hỏn mới đẻ mà chẳng có tã lót gì bọc lấy nó, sao nó lại không khóc. Bốn năm bà cụ già cù rạp, bám áo nhau, chỉ có bà đi trước là có gậy chống. Mấy người thanh niên mà cũng chẳng ra thanh niên, không ra  trẻ mà cũng không ra già, cũng rách rưới, cao lêu nghêu, đen đủi, vai đeo bị cũ bằng cói đan thành. Lại còn mấy mẹ con nhà này nữa, chắc là mẹ con thôi, bảy tám đứa trứng gà trứng vịt cứ bám lấy váy mẹ mà đi, mẹ thì lại bế em bé còn đeo cái bị to đùng đùng một bên, thằng nhớn nhất cũng đeo một cái bị nhỏ, có cái gì như mấy củ sắn đồng nai thò ra. Ô hay, lại có mấy người mắt xinh mũi lõ, tóc quăn lắm, cũng rách rưới, quần sắn ống thấp ống cao, người không trắng cũng không đen, bên người nào cũng đeo lủng củng những gì không ra chai mà cũng không ra lọ, bằng sắt, lưng đeo cái bị vải, to đã cũ lắm. Cám cảnh quá, bà này đứng nhìn mãi mà đoàn người đi chưa hết. Lòng buồn mênh mang, tay không, cũng chẳng biết làm gì để giúp họ được. Giời mới cuối tháng bẩy ta mà đã có gió may về, lạnh lẽo. Lòng băn khoăn lắm. Những người này ở đâu qua đây không biết, tối rồi mà họ về đâu. Về nhà nói chuyện thì không ai bảo họ nhìn thấy, sau đấy thì câu chuyện loang ra cả làng thì nhiều người bảo lúc ấy họ cũng ở ngoài đường nhưng chẳng ai nhìn thấy gì cả. Bỗng bà này ngộ ra được điều gì đó và không bao giờ nói ra chuyện đó nữa. Bụng nghĩ mình có duyên phúc nên gặp được người âm nhỡn tiền, nhìn thấy cảnh khổ của chúng sinh ở thế giới bên kia, chắc họ là những người không được siêu thoát, cũng không có ai đơm cúng tiền vàng nên bị đói rách, thì cũng cứ đi mãi mà cũng chẳng biết là về đâu, giời lại sắp tối… Mấy người tóc quăn mũi lõ kia chắc là người Tây, sang đây làm thực dân Pháp rồi khi bị chết, không có tàu thủy tàu bay nên không về được quê quán, nay chắc đã nhập được quốc tịch ma Việt Nam nên cũng nhập vào đoàn ma Việt Nam đi. Động lòng thương quá mà không biết làm gì cho họ được, thì có việc làm đền đây. Thế là suốt 3 tháng giời, dù mưa hay tạnh suốt đêm không ngủ bà lầm lũi đi nhặt đất về đổ nền xây đền. Nhặt những hòn đất lang vải ở ngoài đường, bờ ruộng rồi móc đất ở dưới sông dưới làn lên để cho khô rồi gánh về nền đền. Một mình làm suốt đêm, không nói không rằng, không dám lấy một hòn đất ở ruộng ở vườn của ai. Cứ nghĩ đến đoàn người lôi thôi, bồng bế dắt dà hôm nọ thì bà quên hết mệt nhọc. Sau đấy nghe nói nhà bà này cũng bình thường, cũng không giầu có hơn lên được sau sự kiện 3 tháng gánh đất này nhưng được sự khỏe mạnh và có tuổi thọ cao, bà bay về giời nhẹ nhàng như con bướm vàng.

          Ma cho của

          Tôi xin kể chuyện này cũng giống như chuyên ma 5 trên, bảy thật ba hư, chuyện như vầy: Khoảng đầu thế kỷ trước, cách đây tầm hơn 100 năm, làng ta có một bà không xuất giá, bà này có nhiều tiền của làm công đức, cúng hậu nhiều ruộng đất vào đền chùa, bỏ nhiều tiền của làm cầu cống, xây đường ngõ mà trong bia đá còn ghi chép lại. Bà cụ này người họ Phạm ông Thạch xóm Đoàn kết bây giờ, không dám nhắc tên Cụ sợ húy kỵ, xin gọi là bà hậu vì cúng hậu nhiều tiền của. Chữ hậu không viết hoa vì không phải tên bà. Có nhiều lý giải việc bà hậu có nhiều tiền của cúng hậu, công đức từ thiện. Câu chuyện thứ nhất: Bà hậu có ruộng cấy lúa nhưng làm bánh bán chợ là chủ yếu, không rõ bánh nếp hay bánh tẻ. Hàng ngày đội lên chợ Hành Thiện bán. Từ Xuân Hy lên chợ ngày ấy đường đi đến đầu làng, có đường ngang qua mả bà lão sang Lục Thủy, qua lối mòn giữa đồng mả Lục Thủy lên cuối làng Ngọc Cục chỗ ong Tích làm bia bây giờ, rồi qua cầu đập sang bên kia và đi thẳng lên chợ. Cầu đập nay đã xây lại, không còn cây gạo to ở đầu cầu nữa. Đồng mả Lục Thủy tiền nhân di ngôn lại là người tàu nó chôn nhiều vàng lắm, còn chôn theo con gái làm thần giữ của. Hàng ngày, từ lúc chuông nhất 3 giờ sáng là bà hậu đã đi chợ rồi, ngày mưa cũng như ngày nắng, qua nghĩa địa Lục Thủy thường gặp một cô gái chăn một con bò, đầu đội nón tùm tụp không nhìn rõ mặt bao giờ, bò gặm cỏ soàn soạt. Lần ấy, vào khoảng cuối tháng 10 ta, trời đã lạnh rồi, hôm ấy sương muối xuống nhiều, trời mù mịt, cách mấy bước chân là đã không nhìn thấy gì. Đến giữa nghĩa địa, bà hậu chạm trán ngay cô gái này, bà khen:
          - Gớm, cô chăm chỉ quá, ít có ai chăm chỉ như cô. Sáng nào cũng đi chăn bò từ chuông nhất.
          Lúc này cô gái lên tiếng:
          - Dưng mà tôi khổ lắm bà ạ, đói rét suốt đời.
          - Cô chỉ nói vậy, nhà có bò mà lại nghèo đói à!
          - Đây không phải bò của tôi đâu.
          - Chả của cô thì của nhà ai mà cô chăm cháp vậy
          - Thật đấy. Bà có thích thì tôi cho đấy. Mai bà cứ cho tôi một bữa bánh no rồi bà dắt lấy bò.
          - Được rồi, mai tôi gói thêm rồi đãi cô bữa bánh no, cười, cũng là chuyện vui dọc đường  thôi mà.
          Không ngờ hôm sau đi chợ thì cô gái này đã đứng chắn lấy lối đi rồi, nói:
          - Đâu, bánh của tôi đâu?
          Bà hậu cười, để thúng bánh xuống, nói:
          - Đấy, cô cứ ăn đi, cứ ăn chán cho no đi, đưa bò tôi giữ cho.
          Đưa dây thừng bò cho bà hậu rồi cô lao vào  cứ bới thúng bánh đầy, bới mãi, cuối
cùng lấy một tấm ăn ngon lành rồi lại bới, lắc đầu bảo:
          - Bà chỉ điêu toa, hứa cho tôi bữa bánh no mà chỉ có một tấm thì bõ bèn gì.
          - Ô hay, cái cô này, một thúng đầy sao lại bảo có một cái, cô cứ ăn hết đi cũng được.
          - Làm gì có - cô gái nói - chúng nó ăn hết của tôi rồi, thôi tôi không cho bò bà nữa.
          Vừa nói cô gái này vừa giật lấy dây thừng. Bà Hậu cho là cô này có tí hấp hơi nên cũng đùa:
          - Tôi không giả nào, cô cứ ăn hết đi rồi tôi lấy bò.
          - Làm gì còn mà ăn, bà cứ giả bò tôi.
          Cũng là đùa, bà hậu cứ giữ chặt lấy thừng bò, hai bên cứ giằng co, cuối cùng: Thựt, dây thừng đứt. Tiện tay bà bỏ luôn khúc dây thừng đứt vào thúng và tiếp tục lên chợ. Trưa về, mở thúng ra thì khúc thừng bò đã biến thành vàng sáng rực trong thúng. Bà biết ngay, vàng trời cho mà cô thần giữ của tàu sáng nay đưa lại.
          Té ra câu chuyện đầu đuôi thế này: Ngày nào cũng vậy, sau khi luộc xong bánh, đổ ra rổ cho nguội để đi chợ thì bà lại thắp hương lên rổ bánh cúng cô hồn, chúng sinh. Hôm ấy khi đổ ra thì một tấm rơi ra ngoài xuống đất bà bỏ riêng ra không cúng nên còn, các cô hồn chúng sinh không ăn được vì không cúng nên còn đấy. Nghe chuyên này, nhiều người tiếc rỏ máu mắt, giá mà hôm ấy bà không cúng, để cả rổ bánh cho cô thần giữ của này ăn no thì có phải cô cho cả con bò không, mang về làng chia cho mỗi nhà một tí thì làng ta đã khớ to từ ngày ấy rồi. Thôi chuyện bò vàng bò bạc hãy gác lại, một khúc thừng bò bằng vàng thì cũng đã chia hết rồi, nhưng có một sự thật, câu chuyên thứ hai thật 100%. Đó là: Khi gói bánh, mỗi thúng thì có vài ba tấm bánh bà bỏ vào trong đó một đồng xu, một đồng xu cũng mua được một tấm bánh vậy, ai mua được tấm bánh này thì ăn coi như không mất tiền nên tẻ con các làng xung quanh chợ Hành Thiện như Thủy Nhai, Lục Thủy, Đông An, Phú Yên, Ngọc Cục, Thượng Phúc… sáng bà hay mẹ đi chợ cũng cứ dặn đi dặn lại mua cho con đồng bánh bà hậu Xuân Hy nhá, đấy cũng là thương hiệu nên bánh của bà hậu thiên hạ cứ xếp hàng lũ lượt như  mua gạo mậu dịch thời bao cấp, vèo cái đã hết, cực kỳ đắt hàng nên thực sự bà cũng có tiền vì đắt hàng hơn những người khác. Sự thật 100% nữa là bà có nhiều của nả, ruộng làm công đức, từ thiện trong làng. Ngày nay các doanh nghiệp cứ ma két tinh, khuyến mại, đại đại hạ giá rồi phải xây dựng thương hiệu này nọ, nói thật, công ty bánh bà Hậu làng tao đã làm từ hơn trăm năm trước rồi, giáo trình dậy kinh doanh của bà chúng mày học còn chán cũng chưa hết.
         
          Ma đổ đó

          Ông cụ Nhữ, người họ Đặng, mẹ tôi gọi là cậu ruột, nhà ở bên nhà tôi, sau này xuống ở chỗ nhà ông Bính cũng ở xóm Thọ Xuân bây giờ. Cụ Nhữ hiền lành lắm, phải nói là hiền lành nhất thế giới. Cụ có mấy cái đó tép đơm ở thổ đông, còn gọi là vòng thượng lão, tức là ngang khu trang trại sang bây giờ. Đơm được nhiều tép lắm, có cả tôm và cá con, nhưng sáng nào mang về thì cũng thấy tép cá chết ươn hết,, bán không ai mua, ăn thì nhạt phèo như rau mà làm mắm thì thối không ra mắm. Có người bảo: “Đích thị là ma nó đổ đó rồi, nó xơi hết nên chỉ còn xác tép”. Thế là ông cụ Nhữ tức lắm, rình mò để đánh con ma này. Chuyện cụ đánh ma như sau: Cụ quyết định tìm chỗ có đó đơm nhiều tép nhất mà ngày nào cũng bị ma nó ăn. Trời cuối tháng 8, đầu tháng 9 ta, hôm ấy có gió may to, lúa mùa đã chấp chới. Từ chập tối, cụ đã xát lá giầu không vào người, nằm phục ở cuối gió để cho ma nó không đánh hơi được người. Mãi đến gần sáng, phát hiện thấy có con đom đóm to, không giống màu xanh đom đóm mà hơi đo đỏ, vàng vàng, định bụng đúng là ma rồi. Cụ bò ngược chiều gió, chắc tay thước, bò gần đến nơi thì thấy có con cò bợ nhưng to hơn, đèn ở trước ngực, mổ liên hồi vào đó của cụ cứ bầm bập như máy khâu Trung quốc. Đúng là mày rồi, chả trách các cụ chửi đứa lười làm việc mà ăn khỏe, ăn tục ăn nhanh: Mày làm thì lười mà ăn thì như ma trơi đổ đó. Lấy sức, cụ vùng dậy, lao lên tay thước lim liên hồi bổ xuống con cò bợ: “Mày chết này, mày chết này”… nó dẫy dẫy, tưởng chết, cụ cúi xuống nom thì là miếng dẻ rách, màu đen. Về nhà, cụ bần thần mấy ngày, có ai hỏi cụ cũng không nói gì, rồi lẩm bẩm một mình: “Đói ăn vụng, túng làm liều, biết vậy thì mình đánh nó làm gì… Người chết thành ra ma, ma chết thành ra cái giẻ rách”… mọi người chẳng ai hiểu cụ nói gì. Cũng từ đấy không thấy cụ lờ đó gì nữa. Tôi nghĩ chẳng phải vậy, ma trơi cũng biết biến hóa chứ, đi đổ đó thì phải biến thành cò bợ chứ chả nhẽ cứ vác cái bụng to bằng cái thùng phi 200 lít mà đi đổ đó trộm à, ai lại ma mà cũng chết, sợ đau biến thành cái giẻ rồi lại biến thành ma. Nghĩ như vậy chắc cụ thanh thản hơn. Câu chuyên gây ra án mạng ma mấy năm sau cụ mới đầu thú với mọi người.
                                                                            
          Ma đi mò gái

          Con người ta lớn lên sẽ có một thời “thanh niên tính”, lúc ấy chúng tôi khoảng 16, 17 gì đấy, tối đến là quần tam tụ ngũ ở đầu xóm rồi vật vờ đi chơi quanh làng quanh xóm, vu vơ. Một buổi tối, vào mùa tháng 10, gặt hái đã gần xong, tiết trời se se lạnh. Chúng tôi khoảng năm bảy đứa con giai đi chơi khuya đến 11 giờ đêm rồi rủ nhau vào kho xóm 2 ngủ. Sẵn đống rơm to như cái nhà của hợp tác xã chưa chia cho xã viên, thế là chúng tôi chui vào ngủ, lấy rơm đậy đi, có đứa thò mặt ra ngoài, có đứa phủ cả rơm lên mặt. Nằm đống rơm đông người, ấm, mùi rơm cuối vụ có rơm tám nên thơm. Lúc ấy không biết mấy giờ đêm, đứa nọ bấm đứa kia, cùng thức tỉnh hẳn. Nhìn thấy một bóng đèn bằng nắm tay, lúc đỏ lúc vàng cứ quanh quẩn cuối sân, quanh quẩn xung quanh nhà thúc mầm mái bằng, rồi lại theo mấy cây tre ai dựng vào tường nhà thúc mầm, bò lên lưng chừng rồi lại rơi xuống đất, có thằng cười khùng khục trong cổ. Cuối cùng cũng leo lên được nóc nhà thúc mầm. Đứng một lúc thì bóng đèn này lại nhấp nhô lên xuống, rồi lại thôi, rồi lại tắt đi một lúc, rồi lại sáng lên, sáng to hơn, một lúc sau lại bay lên cao hơn, bay lên bay xuống ngày càng mạnh, cứ như nhảy chang cháng, hình như gọi bạn hay làm ám hiệu cho bạn ma ở đằng xa biết mà lại, nhảy lâu lắm. Nhảy chang cháng là một điệu nhảy cổ truyền của tẻ con làng Xuân Hy, nó cũng không giống như người Thái nhảy sạp, cũng không giống như người tây nhảy xếch, nó ở giữa. Bây giờ không thấy tẻ con thiếu nhi làng ta nhảy điệu này nữa.Cuối cùng bóng đèn ma này lại theo cây tre dựng xuống đất. Rồi lại cứ bò vòng quanh nhà thúc mầm, thề thà không biết tìm cái gì. Xem chán rồi, có thằng è, hắng giọng thì bóng đèn này không chạy mà cũng không tắt, lại è to hơn thì bóng đèn dừng lại một lúc, không tắt lại bò về phía chúng tôi vài bước rồi mới tắt hẳn. Xem ma thỏa thích mà không đứa nào sợ, bằng này đứa thì sợ địt gì con ma con con ấy. Tôi nằm ngoài, nghĩ thêm một tí rồi mới ngủ. Nghĩ: Nhỡ ông bà ma này không đi, tắt đèn rồi quanh quẩn ở đây, lại mò mẫm vào chỗ mình rờ mó lung tung thì chết tôi thôi, thế là tôi chen vào giữa. Sáng ra đứa nào dậy sớm thì lẳng lặng chuồn về trước. Xem ma cũng thích, bây giờ ai có tiền cũng không xem được ma đâu. Vài tối hôm sau tụ tập, lại nói về ma hôm trước, có đứa nói: Tao phát hiện thấy ngay từ cuối làng Thủy nhai trung, từ ngõ Chanh lội sông sang rồi cứ thế theo bờ vùng lên chỗ nhà thúc mầm, đi vài bước lại dừng, rồi dập dềnh. Có đứa phán: Chắc lại đi mò gái ấy gì. Không đứa nào nói gì, suy bụng ta ra bụng ma, chắc cùng nhất trí quan điểm: Ma đi mò gái.

          Nóng, rất nóng.

          Chuyện này thì cụ Phạm Văn Bích ở xóm Đoàn Kết kể, cụ còn năm nay phải hơn trăm tuổi. Cụ kể như vầy:
          Hồi còn bé, ở cầu Đá cuối làng (cầu này nay đã phá đi và sửa lại đường rồi) có con ma cứng cổ lắm, mùa hè cứ đến khoảng  14, 15 ta,  đêm trăng sáng nhất thì nó lại hiện lên thành người đàn bà trần truồng, tắng nhễ nhại, nằm trên tàu lá chuối giang tay giang chân, tóc xõa ra, ngay đầu cầu, nhiều người bắt gặp, sợ chạy vãi linh hồn tinh lạc. Hồi ấy mấy anh lớn trong xóm  đi xem ma rồi về kể lại chứ cụ còn bé nên không được tham gia. Bảy, tám anh tập trung, tối mười rằm trăng sáng tỏ, đợi khuya kéo xuống cầu đá xem ma. Gần đến nơi, đúng như vậy, phát hiện thấy có người đàn bà trần truồng, tắng nhễ nhại, xõa tóc nằm trên tàu lá chuối ở ngay đầu cầu. Lúc đầu ai cũng sợ nhưng bằng này thằng thì chả nhẽ bỏ chạy nên cứ đi, sát vào nhau tiến lại gần. Con ma này cứng cổ thật, thấy người đến mà không chạy, cũng không dẫy dọn gì. Bọn thanh nên đứng nhìn, cũng không biết xử lý sao. Một thằng nói: “Các cụ bảo lạnh như lồn ma, nếu lạnh thì đúng là ma thật”. Đứng nhìn mãi, cứ đùn đẩy nhau, một thằng bạo gan, sắn tay lên, nói: “Ta đây chứ phải ai đâu mà rằng, để tao”,  hô khẩu hiệu để củng cố tinh thần, hô khẩu hiệu mà như đọc thơ, rồi hắn sờ tay vào, vừa động vào thì hắn đã rụt tay lại như phải bỏng, nhưng rồi hắn lại từ từ sờ vào, bỏ tay ra hắn gật gật đầu “Không phải ma”. Một thằng khác lại sờ vào: “Hơi nóng”. Một thằng nữa lại sờ “Nóng, không phải ma thật”. Một thằng khác, vừa sờ, vừa gật gật đầu: “Không phải ma, nóng, rất nóng”.

(Còn tiếp)
NKT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét