TS. Nguyễn Ngọc Kiên |
TS.
Nguyễn Ngọc Kiên
1.
Ngữ nghĩa của lời nói khoa trương
Theo
từ điển Oxford
thì “Lời nói khoa trương nhằm một tác động đặc biệt và không
để được hiểu theo đúng nghĩa đen”. Còn Đào Thản thì cho rằng nó hướng
người nói đến điều nói lên chứ không
phải điều nói ra. Chúng tôi cho rằng,
“không thể hiểu theo nghĩa đen” có nghĩa là lời nói khoa trương bao giờ cũng
có nghĩa bóng, hay nghĩa tu từ, nghĩa
khoa trương.
Ví dụ:
(65)兄弟,你这一套不行。你请的是一群农民,个个都是麻袋肚子。这 点东西,刚够填牙缝的。你听我的,别弄这么多样数,只管大块肉、大碗酒地往 上招呼,庄户人赴宴,好的就是这个。你弄得那么精致,一人一筷子就没了,没得吃,干候着?那可就丢了大丑了。《蛙》
(-
Người anh em à, cậu đãi thế này không xong đâu. Khách mời của cậu
đều là nông dân, bụng ai cũng chứa
được cả bao tải thức ăn. Những món này chỉ vừa đủ dính răng thôi. Cậu hãy nghe
tớ, đừng có bày đặt nhiều món làm gì, chỉ cần cục thịt to, chén
rượu lớn là được rồi. Cậu bày đặt sang trọng quá nhưng lại ít, mỗi
người gắp một đũa là sạch veo,
sau đó thì làm sao? Mất mặt lắm.) (Ếch)
Ở
ví dụ trên, chúng ta đều hiểu các chi tiết “bao tải thức ăn”, “vừa đủ dính
răng” và “một đũa là sạch veo” đều là phi thực tế, ta phải hiểu nghĩa khoa
trương là, những người nông dân ăn rất khỏe, nếu đãi thức ăn như thế họ chỉ ăn
một loáng là hết.
2.
Ngữ dụng của khoa trương
Khoa trương không phải là miêu tả sự vật
đơn thuần mà là biểu thị tình cảm, tức là trong đó có gắn với thái độ của tác
giả. Nói như vậy cũng có nghĩa là, khoa trương có liên quan tới thế giới tình cảm
của con người. Khoa trương có mấy đặc điểm sau:
(1)Tăng cường tình cảm, (2) Tăng cường ấn tượng sâu sắc, (3) Gây hiệu quả hài hước và châm biếm, (4) Kích thích
trí liên tưởng.
Giáo
sư Đỗ Hữu Châu thì cho rằng, “dụng học là nhân tố thể hiện các quan hệ giữa tín hiệu – được biểu hiện
là một thể thống nhất cái biểu hiện – cái được biểu hiện – với người sử dụng”.
Dẫn theo [4, tr.83]
Khi bàn về Các yếu tố dụng học của tiếng
Việt, tác giả Đỗ Hữu Châu cũng nhấn mạnh “dụng
học nghiên cứu tín hiệu với người dùng”.
Và “chúng tôi tạm dùng hệ thống
thuật ngữ dụng học hệ thống, dụng học đối thoại (bao gồm dụng học đơn thoại và
dụng học đối – đáp)”.
Dẫn
theo [4, tr.83]
Khoa trương, trong một hoàn cảnh nhất định,
có thể đạt được hiệu quả châm biếm, hài hước vô cùng hữu hiệu. Người đọc không
khỏi bật cười khi đọc đến đoạn cái mũi thính của Mặt Rỗ trong “Báu vật của đời”:
(66)女人们抱怨着, 弓着腰, 拉着大石磨, 轰隆轰隆, 急一阵慢一阵, 汗水滴落, 湿了磨道, 肚里噜噜响, 满腹的气体, 肚皮膨胀, 当着麻邦连屁都不敢放。麻邦的鼻子灵光如警犬, 嗅着屁味便能断定谁偷吃粮食。《丰乳肥臀》
(Mồ
hôi ròng ròng, bụng sôi ùng ục đầy những hơi là hơi, bụng trương lên,
không dám đánh trung tiện nếu Mặt Rỗ có ở đấy. Mũi Mặt Rỗ thính
như chó nghiệp vụ, ngửi mùi rắm là biết người nào ăn vụng thứ gì.)
2.1.
Khoa trương trong văn miêu tả, kể chuyện
Khoa
trương của Mạc Ngôn rất ấn tượng. Ông thường được dùng để:
(a) Phủ định hoàn toàn
Bà vợ của chú Mặt Rỗ trong “Trâu thiến” được bạn của chồng
khen là có làn da trắng, thay vì nói: “Tôi đâu có trắng”, đã có cách phủ định hết
sức hài hước:
(67) 麻婶道:“我说老董同志,咱骂人也不能这个骂法,把俺扔到煤堆里,才能显出白来。”《牛》
(- Đồng chí Đổng này, ông có chửi
người ta thì cũng đừng có dùng cách chửi ấy. Cứ đem tôi ra quẳng
vào đống than hầm thì may ra tôi mới biểu lộ được chút trắng tinh.) (Trâu thiến)
Mọi
người khen Tiểu Bão sau này có thể trở thành vĩ nhân, nhà văn đã dùng khoa trương
để phủ định:
(68)姐姐说:他要有大出息,圈里那头猪也能变成老虎!《蛙》
(Cô nói: - Tiểu Bão mà là vĩ nhân
thì đến con lợn trong chuồng cũng biến thành con hổ mất thôi! )
(b) Nhấn mạnh
sự khẳng định. Mạc Ngôn còn có
biệt tài sử dụng khoa trương để ca ngợi nhân vật.
Có thể là ca ngợi một cách trực tiếp:
(69)
黄秋雅是个伟大的妇科医生,即便是上午被打得头破血流,下午上了手术台,她还是聚精会神,镇定自若,哪怕窗外搭台子唱大戏,也影响不了她。姑姑说,她那双手真是巧啊,她能在女人肚皮上绣花……《蛙》
(Nhưng Hoàng Thu Nhã vẫn là một bác sĩ
sản phụ vĩ đại, thậm chí buổi sáng bị đánh cho sứt đầu mẻ trán
thì buổi chiều bà ấy vẫn đứng trên bàn mổ, bà ta vẫn tập trung tinh
thần. Cho dù lúc ấy bên ngoài cửa sổ có bom rơi đạn nổ thì cũng
chẳng ảnh hưởng gì đến con dao mổ trên tay bà ta. Đôi tay Hoàng Thu
Nhã sao mà linh! Bà ta có thể thêu cả một đóa hoa trên da bụng của
sản phụ!)
Cũng
có thể là ca ngợi một cách gián tiếp:
(70) 母亲道:正是正是,只要她的手在病人身上一摸,十分病就去了七分。姑姑差不多被乡里的女人们神化 了。《蛙》
(Mẹ nói: “Đúng là như thế, chỉ
cần cô con đưa tay sờ vào người bệnh là bệnh mười phần đã giảm đi
bảy phần! Gần như cô tôi đã được thần thánh hóa trong mắt người dân
quê tôi.)
Mạc
Ngôn cũng thường hay tâng bốc nhân vật.
Nghĩa là nói hay, nói tốt về một người nào đó thường là người đối thoại với mình
một cách quá đáng, đưa họ lên tận mây xanh. Nhưng tâng bốc tài nghệ của chàng
phi công Vương Tiểu Thích như thế này thì thật khó phân biệt được là khoa
trương hay nói khoác:
(71)当时,我们说他驾机俯冲到我们村东头的西瓜地里,伸手摘了一个 西瓜,一抖翅膀又钻上了云端。《蛙》
(Ngày ấy, bọn tôi kháo với nhau rằng,
Vương Tiểu Thích từng lái máy bay sà xuống ruộng dưa ở đầu thôn
chúng tôi, đưa tay ra khỏi buồng lái và hái một quả dưa đang nằm trên
đất và sau đó thì vút thẳng lên mây.) (Ếch)
Trong cuộc sống, có những chi
tiết hết sức bình thường cũng được đưa ra để tâng bốc chứ chưa hẳn phải là những
điều to tát. Ví dụ:
(72)王肝的水性,是我们当中最好的,他可以双手举着衣服横渡河流, 到对岸后衣服上不沾一个水点。《蛙》
(Trong
số chúng tôi, Vương Can là đứa bơi giỏi nhất, hai tay cậu ta đưa quần
áo lên trời mà vẫn có thể bơi qua sông Giảo Hà, lên bờ mà quần áo
không vương một giọt nước.) (Ếch)
Trong “ Báu vật của đời” tác giả Mạc Ngôn đã sử dụng
khoa trương để miêu tả cảnh nông thôn
đang bị đô thị hóa:
(73) 他看到张牙舞爪的大栏市正像个恶性肿瘤一样迅速扩张着,一栋栋霸道蛮横的建筑物疯狂地吞噬着村庄和耕地。《丰乳肥臀》
(Anh thấy thành phố Đại Lan giơ nanh múa
vuốt, phát triển với tốc độ ung thư ác tính. Những ngôi nhà cao tầng
ngỗ ngược, điên cuồng nuốt chửng thôn xóm và đất trồng trọt.) (Báu vật của đời)
Cái chợ cá của quê hương Cao
Mật qua ngòi bút của Mạc Ngôn mới thật ấn tượng và sinh động:
(74) 那时候,马桑镇的鱼市有三里长,槐花开放时,正是鳞刀鱼上市的季节,街两边白晃晃的,耀得人不敢睁眼。《蛙》
(Ngày ấy, chợ cá ở thị trấn Mã Tang
dài đến hai cây số. Đúng mùa hoa hòe nở là cá hố biển tràn ngập
chợ, hai bên đường trắng loa lóa, sáng lóa đến độ người đi đường không dám mở mắt.) (Ếch)
Ông
ví von khi miêu tả thị trấn Bạch Mã đang cựa quậy, chuyển mình:
(75) 这几天镇上在市电视台做广告,说白马镇像瑞典一样浪漫,像巴黎一样多情,配合着广告词儿还出现了几个搔首弄姿的女妖精。
(Mấy
hôm nay, thị trấn đăng quảng cáo trên đài truyền hình của thành phố, quảng cáo
rừng thị trấn Bạch Mã lãng mạn như Thụy Điển, đa tình như Paris, phối hợp với
quảng cáo là mấy hình ảnh nữ yêu tinh vuốt đầu uốn éo.) (Mĩ nhân băng tuyết)
2.2. Sử dụng
khoa trương trong khẩu ngữ của Mạc Ngôn
Như
đã phân tích ở trên, nói là hành động, đó là khi ta thực hiện một lực ngôn
trung. Lời nói khoa trương có một tác động đặc biệt khi ta thực hiện những lời
đe dọa, thách thức cảnh cáo, nịnh hót. v.v…
+
Đe dọa
Hành
vi đe dọa là cho đối phương biết trước sẽ làm điều không hay nếu đối phương làm
trái ý với mục đích là làm cho đối phương sợ. Như đã trình bày, trong khẩu ngữ
của Mạc Ngôn, người ta thường dùng những động từ mạnh khoa trương để đe dọa như
“lấy mạng”, “cắt đầu”, “mổ bụng”, “moi gan”, “lột da”, “cắt chân”, “móc mắt”.
Ví dụ:
(76) 王脚说:肖下唇你个小杂种,你要敢动王肝一指头我就挖出你的眼珠儿!《蛙》
(Vương Cước nói: “Mày là đồ tạp chủng.
Mày dám động đến một sợi tóc của Vương Can là tao móc đôi mắt mày
ra!”) (Ếch)
Cách đe dọa của ông bác sĩ thú y
trong “Trâu thiến” thì quả là có một không hai:
(77) 老董同志恼怒地说:“今日我真他妈地倒了霉,碰上了你这块滚刀肉!好吧,我阉,阉完了牛,连你这个王八蛋也阉了!”《牛》
(Đ. mẹ! Bữa nay quả là xui hết cỡ tôi
mới gặp phải cái đống thịt dai nhoách như ông. Được rồi, tôi làm.
Thiến xong con trâu, tôi sẽ thiến nốt ông luôn!)
+ Thách thức. Là nói khích nhằm làm cho người khác dám làm một việc gì đó có tính chất đương đầu hoặc thi tài với mình. Ví dụ:
+ Thách thức. Là nói khích nhằm làm cho người khác dám làm một việc gì đó có tính chất đương đầu hoặc thi tài với mình. Ví dụ:
(78) 信中说如果他敢伤万六府三位亲人一根毫毛,胶东军区将集合全部兵力攻打平度城。《蛙》
(Trong thư nói, nếu Sugutani dám động
đến một sợi lông ba người thân của Vạn Lục Phủ thì quân khu Giảo Đông
sẽ tập hợp lực lượng toàn quân khu để san thành Bình Độ thành bình
địa) (Ếch)
Trong tác phẩm “Ếch” của Mạc Ngôn, một cô gái bị
người ta bắt đi nạo thai; bị bức bách quá, cô ta đã thách:
(79) 你休想, 王仁美把一面镜子摔在地上,大声喊叫着,孩子是我的,在我的肚子里, 谁敢动他一根毫毛,我就吊死在谁家门槛上。《蛙》
(Con là của tôi, nó nằm trong bụng tôi.
Ai dám động đến một sợi lông của nó tôi sẽ treo dây lên xà nhà của
người đó thắt cổ chết.)
Trong
các ví dụ trên, tác giả đã sử dụng hoán dụ để khoa trương; sợi lông chân là cái bộ phận
để thay cho cho cái toàn thể.
+ Cảnh cáo. Báo cho biết phải từ bỏ thái độ hoặc việc làm sai
trái, nếu không sẽ bị xử trí, trừng phạt. Ví dụ:
(80)气死我了!王胆,这个小妖精,我费了天大的劲儿才把她肚里那个 孩子掏出来,她竟丧良心造我的谣言。等我见到她把她那张×嘴给豁了。《蛙》
(Tức chết đi
được! Con tiểu yêu Vương Đảm này, cô tốn không biết bao nhiêu sức lực
mới lôi nó từ trong bụng mẹ ra mà bây giờ nó lại đặt điều nói bậy
táng tận lương tâm như vậy. Chờ đó cô mà gặp, cô sẽ cắt phăng cái
mặt nó đi!) (Ếch)
Nói
chung, cảnh cáo cũng không khác nhiều so với những lời đe dọa. Mục đích đều là
làm cho đối phương sợ mà không dám làm một việc gì đó nữa. Ví dụ:
(81) 罗汉,你要是敢对郭好胜说我把他的车子压倒过,我就打烂你的嘴。《牛》
(-
La Hán, mày đem chuyện tao cưỡi xe bị ngã nói lại với Quách Hiếu
Thắng, tao vả toét miệng mày! – Chú Mặt Rỗ trừng mắt nhìn tôi nói) (Trâu thiến)
Theo
các Từ điển Tiếng Việt thì:
- "Nịnh:
đgt. Tỏ
lời khen người trên một cách quá đáng
và hèn hạ với mục đích cầu
lợi. tt. Chuyên tâng bốc kẻ trên để cầu lợi" .
- "Nịnh:
đg. khen không đúng hoặc khen quá lời, chỉ cốt để làm đẹp lòng (thường nhằm
mục đích cầu lợi)".
Tóm lại, nịnh là: 1) khen đối tác giao tiếp quá lời hoặc
khen không đúng; 2) mục
đích là làm đẹp lòng đối tác giao tiếp để cầu lợi cho bản thân.
Còn nịnh hót là nịnh bợ và ton hót, xun xoe để vụ lợi; tâng công kẻ trên để hòng trục lợi.
Như vậy, nịnh và những từ ngữ liên quan đến nịnh đều cho thấy hành vi này nói chung
không mang tính tích cực, không được xã hội đồng tình do tính phi chân thực của
lời nói (lời nói không đúng với thực tế khách quan) và do mục đích cầu lợi
không minh bạch, trong sáng của người nói.
Trong giao tiếp hàng ngày, chúc tụng, ca ngợi, động viên
cổ vũ, khen nhau khiến cho nhau phấn khởi vui vẻ trong cuộc sống là chuyện hết
sức thường tình. Thế nhưng nịnh hót, nịnh nọt để thành kẻ nịnh bợ thì cũng
không phải là chuyện hiếm.
Các kiểu nịnh xưa nay rất
đa dạng, nhưng đều có chung một bản sắc, đó là tự hạ mình ca tụng, khen ngợi bề
trên một cách quá mức để tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân.
Như vậy, hành vi nịnh hót
là hành vi khen quá đáng hoặc khen không đúng chỉ cốt để làm đẹp lòng, thường
nhằm mục đích cầu lợi. Chẳng hạn những lời nịnh nọt một ông bác sĩ thú y thiến
trâu trong “Trâu thiến”:
(82) “我的天,三分钟不到您就阉了一头牛!老董同志您简直就是牛魔王!” (莫言《牛》)
(Trời ơi!
Chỉ không đầy ba phút mà thiến xong một con trâu! Đồng chí Đổng! Ông
đúng còn lợi hại hơn Ngưu Ma Vương!)
Còn trong “Ếch”, một người
phụ nữ nịnh nọt em chồng bằng những lời lẽ có cánh với mục đích là nhờ cô em đỡ
đẻ cho trâu:
(83) 母亲笑着说:妹妹,谁让你是咱自家人呢?不找你找谁呢?人家都说你是菩萨转世,菩萨普渡众生,拯救万物,牛虽畜类,也是性命,你能见死不救吗!《蛙》
(- Mẹ tôi cười nói:- Em à, ai bảo em
sinh ra trong nhà này? Không tìm em thì anh chị tìm ai? Người ta đều
nói em là bồ tát hiện thế, bồ
tát phổ độ chúng sinh. Trâu tuy là gia súc nhưng cũng có số mệnh,
em nỡ lòng thấy chết mà không cứu sao?)
Rồi
chị ta tiếp tục nịnh, mong cốt được việc cho mình:
(84)
- 姑姑说,嫂子,幸亏你不识字,要是识上两箩筐字,和平村里如何能盛得下你!- 母亲说,即便我识上八箩筐字,也比不上妹妹一根脚趾头。(莫言《蛙》)
(Cô nói: - Chị dâu à, may mà chị không
biết chữ, chỉ cần chị có hai sọt chữ thôi, thôn Hòa Bình này làm
sao chứa được chị đây?
Mẹ nói: - Cho dù chị biết đến tám sọt chữ, chị cũng không thể so với
một ngón tay của em đâu!)
Một
anh chàng viết thư cho người yêu, trong thư, anh ta cũng trổ tài nịnh hót:
(85) ……自从我在小跑家第一次见到你之后,我就被你迷住了。从那一刻起,直到现在,直至永远,我这颗心,就全部属于你了。你如果想吃我的心,我就会毫不犹豫 地扒给你……我迷恋你绯红的脸膛、生动的鼻头、娇嫩的双唇、蓬松的头发、亮晶晶的眼睛,迷恋你的声音,你的气味,你的笑容。你一笑,我就感到头晕目眩,恨 不得跪在地上,抱住你的双腿,仰望你的笑脸……《蛙》
(Kể từ lần đầu tiên gặp em tại nhà Tiểu Bão,
tôi đã bị em làm cho say đắm. Từ đó cho đến bây giờ và có lẽ là
vĩnh viễn, trái tim tôi đã hoàn toàn thuộc về em. Nếu như em muốn
nhai muốn nuốt nó, tôi sẵn sàng móc nó ra mà không có chút do dự
nào. Tôi mê khuôn mặt đỏ, cái mũi trông rất sinh động, đôi môi non tơ,
mái tóc bồng bềnh và hai con mắt sáng của em. Tôi mê giọng nói của
em, mùi vị trên người em và nụ cười của em. Chỉ cần em cười là tôi
đã cảm thấy đầu óc mình choáng váng, tiếc là không được quì xuống
đất để ôm lấy chân em, ngước lên và nhìn khuôn mặt đang cười của em.) (Ếch)
(3)
Sử dụng
khoa trương để hứa hẹn, thề nguyền, cam kết
+ Hứa hẹn: người nói cam kết sẽ thực
hiện một hành động nào đấy. Đó là nội dung mệnh đề phát ngôn khi thực hiện lực
ngôn trung. Ví dụ:
(86) “奶奶个熊,今日我不阉了你,把董字倒过来写!”《牛》
(Bà tổ cô
cái đồ hung hãn này! Bữa nay không cắt được dái mày, ông không còn mang họ Đổng nữa!) (Trâu
thiến)
(87)老董同志脸涨得青紫,说:“麻子,你真是狗眼看人低!老董我今 天不阉了它我就头朝下走回公社!” 《牛》
(Lão mặt rỗ kia! Đúng là ông đã dùng mắt chó để nhìn người
quá thấp. Lão Đổng này bữa nay không thiến được con trâu này thì sẽ
đi ngược đầu về công xã cho ông xem.) (Trâu thiến)
+ Thề nguyền: Lối nói khoa trương còn
có thể dùng trong những câu thề độc, tức là những đưa những câu độc địa ra để
thề, kiểu như: “Anh mà bỏ em thì trời tru
đất diệt anh đi.” Nhiều khi tình hình không đến mức nghiêm trọng, nhưng người
ta có thể thề là con vật.
Kiểu
thề “chết đường chết chợ” hay “chết trôi sông” cũng được người Trung Quốc hay sử dụng. Nó gắn với những thiệt
hại:
- Những thiệt hại tổn thất gắn với danh dự cá
nhân của người thề. Người Trung Quốc thường khoa trương khi thề: tôi không bằng con anh, không bằng con chó,
không đáng làm người.
- Những thiệt hại tổn thất gắn với tính mạng của
người thề
+
Tổn hại về thân thể
+Tổn
hại về tinh thần
+
Tổn hại về tâm linh
Ví
dụ:
(88)
我郑重其事地说:我不骗你,骗你我就是狗!我亲眼看到了。《蛙》
(Tôi nói rất trịnh trọng: “Mình không
lừa bạn đâu, lừa bạn mình sẽ là
con chó! Mình chính mắt trông thấy…”) (Ếch)
Những
lời thề thốt kiểu này dễ dàng gặp trong văn Mạc Ngôn. Ví dụ:
(89)
好,我发誓:如果我泄露了王肝的秘密,就让我掉到河里淹死。《蛙》
(Được! Tôi thề – Nếu tôi mà làm
lộ bí mật của Vương Can thì tôi sẽ rơi xuống sông chết đuối.) (Ếch)
(4) Sử dụng khoa trương khi chửi thề, chửi đổng
Chửi đổng là một dạng chửi
bâng quơ, to tiếng nhưng không nhằm vào ai cụ thể, không chỉ đích danh. Chửi đổng
nhiều khi chỉ là chửi cho bõ tức, giải tỏa những nỗi bức xúc trong người. Tuy
nhiên, cũng có trường hợp chửi đổng là chửi vu vơ nhưng ám chỉ một người nào
đó, vì chửi đích danh sợ đối phương trả lời đích đáng hơn; hoặc giả, biết chắc
đối phương phải im hơi lặng tiếng, ngấm ngầm chịu đựng, sợ lên tiếng thì có khi
xấu hổ với người xung quanh.
Còn chửi thề là một dạng
tự chửi mình hoặc là câu đệm của một số người cũng chưa hẳn là vô văn hóa cứ mở
miệng là chửi, như một nhu cầu tự thân.
Một bà cô lúc trẻ là người
có nhan sắc nên “kén cá chọn canh”, đến khi quá lứa lỡ thì, kể lại cho lũ cháu
nghe về thời kì “huy hoàng” của mình, ngoài việc sử dụng những từ ngữ và khoa
trương còn đệm vào những tiếng chửi thề. Vì vậy, câu văn không chỉ giàu hình ảnh
mà còn rất gợi cảm:
(90)
那时候,我是活菩萨,我是送子娘娘,我身上散发着百花的香气,成群的蜜蜂跟着我飞,成群的蝴蝶跟着我飞。现在,现在它妈的苍蝇跟着我飞。《蛙》
(Lúc ấy, cô là một bồ tát sống, là
nương nương cứu thế. Trên cơ thể cô tản phát hàng trăm mùi thơm, những
đàn ong bay liệng chung quanh cô, những đàn bướm bay liệng trên người
cô. Bây giờ, tổ cha nó, chỉ ruồi nhặng bâu chung quanh cô mà thôi…) (Ếch)
Một người trong ngày gặp
toàn những điều không may mắn, làm việc gì hỏng việc ấy cũng có thể chửi mà
không biết mình đang chửi ai:
(91) “他妈的,倒霉, 早晨出门就碰到一只野兔子,知道今日没有什么好运气!” 《蛙》
(- Mẹ
kiếp, đúng là xui xẻo. Sớm vừa mới rời khỏi cổng gặp ngay một con
thỏ hoang tao đã biết là ngày hôm nay chẳng gặp được điều tốt đẹp
gì.) (Ếch)
Kết
luận
Khoa
trương là một thủ pháp nghệ thuật hết sức độc đáo trong các tác phẩm của Mạc
Ngôn. Nó luôn tạo sự mới mẻ, kích thích trí tưởng tượng và lôi cuốn người đọc.
Thông qua đó, lời ăn tiếng nói của quần chúng vào trang văn của ông hết sức tự nhiên
như cuộc đời thực vốn có của nó. Từ đó có thể rút ra mấy đặc điểm sau:
Khoa
trương không phải là miêu tả sự vật đơn thuần mà là biểu thị tình cảm, tức là
trong đó có gắn với thái độ, tình cảm của tác giả.
Khoa
trương bất luận là phóng to hay thu nhỏ đều giúp người đọc nhìn rõ đặc tính và
bản chất của sự vật, từ đó đạt được những ấn tượng sâu sắc mới mẻ và sự cảm thụ
tinh tế.
Khoa
trương trong một hoàn cảnh ngôn ngữ nhất định có thể đạt được hiệu quả châm biếm,
hài hước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng
Việt hiện đại, NXB ĐH Quốc Gia HN.
2. Đào Thản
(1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt,
NXB Giáo dục.
4. Nguyễn Như Ý
(Chủ biên) (2002), Từ điển giải thích thuật
ngữ Ngôn ngữ học, NXB Giáo dục.
5. Viện Ngôn ngữ
học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
NGUỒN TƯ LIỆU
TRÍCH DẪN
(Hết)
Viết tại Hải Đường, 1/ 2017
NGUYỄN NGỌC KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét