Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 9 - 10)



            Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

            Đã đăng:

          IX

          Hội nói là làm. Sáng hôm sau ra ủy ban Hội viết giấy triệu tập Kết ra xã làm việc rồi đưa phó Chủ tịch ký. Tờ “Giấy mời” bằng hai bàn tay đóng dấu đỏ chót được bỏ vào phong bì lập tức được cô văn thư chuyển đến nhà Kết. Sáng nay Kết không có nhà vì còn đi chợ mua gạo về nấu rượu. Gần trưa Kết mới về. Kết đỗ xe máy vào sân rồi đưa chân khều khều cái chân chống xe gạt xuống. Khi cái chân chống xe đã tì xuống nền gạch, Kết xoay người dùng tay hất lần lượt ba bao tải gạo xuống. Kết vào nhà nhìn thấy chiếc phong bì cài vào mép cửa. Kết cầm lấy vào bàn xé ngồi đọc. Cái câu từ trong tờ giấy mời “Trao đổi về tình hình an ninh trong địa phương thời gian qua” như đánh vào dĩ vãng Kết: “Hóa ra rằng cả năm nay về địa phương mình sống và lao động cật lực như bao người mà vẫn chưa yên. Người ta vẫn nghi ngờ, vẫn xếp mình vào diện cần để ý.” Kết cười và tự nói cho mình nghe:
          - Thôi cũng được! Họ mời hay gọi mình thì cứ ra! Mười lăm giờ! Còn bây giờ cơm nước rồi ngủ đã.
          Cơm rượu xong Kết lên giường làm một giấc thẳng cẳng.
          Hai giờ chiều Kết thủ vào người cái điện thoại rồi sang nhà ông Hai Bốn nói chuyện.
          - Cháu Kết à, mời cháu vào nhà uống nước.
          - Cháu là diện công dân “Danh dự” được xã mời ra trao đổi về việc mất con chó nhà ông Mạnh đây?
          - Thế à? Mà việc mất chó hay chó chết ở đâu thì liên quan gì đến cháu? Cháu đưa bác xem cái giấy mời ai ký?
          Ông Hai Bốn cầm tờ giấy mời Kết đưa đọc. Ông lẩm bẩm trong miệng:
          - Thằng Tân ký à?
          Tân là đứa cháu họ ông Hai Bốn, là phó Chủ tịch văn xã.
          - Cháu nghĩ sao về việc này?
          - Họ mời thì cháu ra. Nếu đúng mực thì vui vẻ cộng tác. Mà quá mực thì cháu “Vê huyền về”. Cháu cây ngay sợ gì chết đứng!
          - Ờ, thế cũng được!
          Kết rời nhà ông Hai Bốn ra ủy ban xã. Kết đến ủy ban mới có mười bốn giờ ba mươi phút.
          Chiều thứ sáu mọi ban nghành của xã về họp đông đủ. Xe đạp, xe máy dựng kín khu để xe giành riêng cho ủy ban. Hội là cấp phó nên không phải thành phần buổi họp. Kết đi về phía phòng tiếp dân, phòng trống không. Kết đứng đợi. Mười phút sau Kết sang phòng phó công an xã. Nhìn thấy Hội và cộng sự đang trà lá trong phòng, Kết cố tình thập thò để cho Hội biết. Một cộng sự của Hội (Thằng Minh con nhà Đức) ít tuổi nhiều so với Kết nói hất ra:
          - Ngồi ghế đợi! Chúng tôi đang họp!
          Kết ra ghế ngồi đợi. Trong phòng Hội khói thuốc bay ra ngoài, tiếng nói, tiếng cười cứ hô hố.
          Kết đợi lâu không thấy gì, đồng hồ tay Kết chỉ mười lăm giờ hai mươi phút. Kết đứng dậy đi qua sát cửa phòng Hội. Dường như không thể trà thuốc lâu hơn được nữa, Hội đưa tay chỉ ghế Kết ngồi.
          Hội khề khà cười cười nói nói với lũ đàn em:
          - Chiều nay các lãnh đạo họp cạo gáy nhau đây! Còn tôi phải tiếp “Thượng đế” này. Các cậu giải tán để tớ làm việc!
          Cánh cộng sự đàn em nghe Hội nói tự tản ra lấy xe máy rồi phóng mất hút.
          - Anh chờ tôi một lát.
          Hội đi về phía nhà vệ sinh. Một lát sau mới ra. Kết ngồi trong phòng lấy điện thoại chuyển chế độ ghi âm rồi bỏ trong chiếc túi vải đặt lên bàn.
Hội chưa ngồi vào ghế đã nói:
          - Anh có biết chúng tôi gọi anh ra đây có việc gì không? Anh có biết nhà ông Mạnh mất chó không? Làng Vàng định làm loạn hả? Anh là đối tượng chúng tôi đặt dấu hỏi? Anh biết rồi đấy, không có chuyện khai sai nói dối với chúng tôi! Tôi yêu cầu anh thành thật. Anh nói đi?
          - Anh nói “Chúng tôi” ở đây là ai để tôi còn biết đường trả lời.
          Hội nghiêm mặt nói:
          - Tôi là công an xã. Tôi đang hỏi anh đấy. Anh đừng có lý sự, anh hãy trả lời câu hỏi của tôi?
          - Tôi là người ít học khi giao tiếp với anh tôi có thô lỗ như anh đâu? Tôi đâu phải là tội phạm!
          - Anh Kết đừng làm mất thời gian của tôi. Tôi đang giúp anh hoàn lương đấy!
          Kết bực lắm nhưng vẫn hạ giọng:
          - Tôi có mất lương tâm đâu mà cần đến anh hoàn lương? Anh bỏ ngay cái thói chụp mũ lên đầu người khác, anh học đâu cách ăn nói như vậy, tôi ghê tởm anh rồi đấy. Tôi nói cho anh biết tôi sẽ đưa việc này ra ủy ban xã.
          Nghe tiếng nói to ở phòng phó công an xã, nhiều người từ các phòng bên đến xem. Bí thư đảng ủy, Chủ tịch xã và ông Hai Bốn cũng đến. Bí thư đảng ủy hỏi:
          - Có chuyện gì mà hai người to tiếng thế?
          Hội từ tốn nói:
          - Báo cáo đồng chí Bí thư, xã có giấy mời anh Kết ra ủy ban làm việc trao đổi về tình hình an ninh ở làng Vàng. Anh Kết đã không hợp tác mà còn có thái độ vô trách nhiệm.
          Bí thư đảng ủy xã hỏi Kết:
          - Việc này anh Kết nghĩ sao?
          Kết nhìn thẳng vào mặt Hội cười rồi nói:
          - Mới có vậy mà anh đã nói khác đi tất cả. Anh tỏ ra là người biết báo cáo lãnh đạo?
          Hội không để cho Kết nói hết câu:
          - Tôi yêu cầu anh Kết bỏ ngay cái giọng nói mỉa mai ấy đi. Anh không biết anh đang đứng trước các đồng chí lãnh đạo cao nhất địa phương à?
          Kết không muốn kéo dài việc này nữa nên nói:
          - Tôi thấy việc luận khẩu của tôi và anh Hội đã đến hồi kết.
Kết nới lỏng miệng chiếc túi vải lấy ra chiếc điện thoại di động đưa cho Bí thư đảng ủy và nói:
          - Tất cả là ở trong này, tôi đã ghi âm đầy đủ. Các ông cầm về mở nghe rồi trả lại cho tôi sau. Bây giờ tôi phải về nấu nồi rượu, ngày mai mới có cái bỏ vào nồi.

          X

          Trên đường về Kết rẽ vào nhà Hiếu Lan với ý định xem cửa hàng bán thuốc thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu nhà Hiếu Lan thế nào. Kết phong phanh nghe nhiều người nói “Nhà Hiếu Lan dạo này bán cả phân bón rởm, thuốc trừ sâu rởm”. Trời chạng vạng tối, cửa hàng nhà Hiếu Lan mở toang, không khách. Kết bước vào nhà, một cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt Kết. Hai vợ chồng Hiếu Lan đang đè đứa con trai nhỏ mới bốn tuổi ra giường. Chồng giữ tay chân, vợ thò ngón tay móc mồm móc miệng nó. Nó như con lợn con bị người ta dẫm chân lên bụng để hoạn, kêu không ra tiếng. Bên cạnh là thằng anh sợ tái mặt đứng nhìn em như đang bị bố mẹ làm thịt khóc thút thít.
          Thấy Kết vào vợ chồng Hiếu Lan mới thôi.
          Thằng nhỏ nằm trên giường thoi thóp thở. Hai lỗ mũi của nó thổi ra những bong bóng nước lẫn máu. Kết hỏi:
          - Có chuyện gì mà hai người móc mồm móc miệng nó?
          - Không biết nó ăn gì mà cứ kêu đau họng, đau bụng, buồn nôn, khó thở?
          Kết kéo tay đứa anh ra ngoài sân dỗ dành và hỏi nó:
          - Cháu có biết em cu ăn cái gì mà nom sợ thế? Cháu nói cho bác biết hay cho bác xem cái em cu ăn nào?
          Thằng anh bình tĩnh trở lại lắp bắp nói:
          - Em cu ăn hạt cơm rang của mèo bác ạ. Đây này. Vẫn còn đây này…
          Thằng anh dắt tay Kết ra góc nhà chỉ. Kết hốt hoảng cúi xuống nhặt gói thuốc bả chuột rồi chạy ngay vào nhà nói lớn:
          - Thằng nhỏ ăn bả chuột! Ông lấy xe chở xuống bệnh viện ngay không chết bây giờ!
          Nghe Kết nói vậy, vợ chồng Hiếu Lan ôm con phóng xe máy xuống bệnh viện huyện.
          Kết và bà con hàng xóm cả đêm thao thức.
          Sáng hôm sau thấy Hiếu phóng xe về nhà mặt mày vui hớn hở. Kết và mọi người biết chuyện đã ổn nên bình tĩnh hỏi:
          - Cháu tốt rồi chứ? Khi nào về?
          - Hú vía bác Kết và bà con ạ. Vào viện các y bác sỹ người ta nói ngay ngộ độc nặng. Thế là họ ôm cháu vào phòng đặc biệt xử lý. Mãi bốn giờ sáng nay các bác sỹ mới cho biết cháu đã qua cơn nguy kịch đang tốt dần. Ông trời ơi, phúc đức nhà con còn lớn lắm. Tôi cám ơn anh Kết rất nhiều! Nếu không có anh thì vợ chồng tôi đã giết thằng út rồi! Ối mẹ ơi! Sao vợ chồng con ngu thế???
          Kết đưa gói thuốc bả chuột của Trung quốc ra để mọi người nhìn rõ. Kết nói:
          - Vợ chồng cô chú cẩu thả, chủ quan quá! Tí nữa đúng là giết con. Thứ bả độc này phải thật cẩn thận. Con gì ăn phải chỉ một hạt cũng chết. Chú mua nó ở đâu? Trong nhà còn không? Vào lấy hết ra đây!
          Hiếu vào nhà cầm ra cả chục gói.
          - Chú để đâu mà lấy ra nhanh thế?
          - Em cất nó trong cái lọ để ở góc kín trong nhà.
          - Bây giờ chú ra vườn đào cái hố sâu rồi chôn đi.
          - Đào sâu bao nhiêu hở anh?
          Kết cười nói:
          - Cứ chôn vừa chú là được!
          Khi Kết ở nhà Hiếu Lan về là giờ bà con ra đồng. Nhìn thấy Kết một nhóm dừng lại hỏi chuyện:
          - Chú Kết ra ủy ban chiều qua thế nào? Có phải trả lại chó cho nhà Mạnh không? Hay là trả lại tiền bán chó? Hay là biệt xứ vài năm nữa?
          Vẫn giọng lưỡi cay độc, chua ngoa, đanh đá của bà vừa nói:
          - Không thấy chú Kết trả lời chắc là thủ phạm rồi. Nếu là oan sai chú ấy đã lên tiếng? Giả thử mà cứ vu oan cho tôi, tôi chẳng để yên. Tôi cứ nhét cứt vào mồm cho chừa cái thói quan cách, hách dịch, lộng quyền! Sợ gì thằng ấy!
          - Khiếp quá! Cái nhà bà “Răm Sắc” này ác khẩu quá!
          - Tôi nói thật, tôi lạ đếch gì cái thằng Hội. Công an công đồ gì nó? Cái thằng coi vợ như con ở, giỏi mồm chửi vợ, giỏi mồm tán gái. Đến tôi bằng tuổi chị gái đầu nó mà nó còn định “Xơi” thì nó là cái giống gì? Thể nào cũng có dịp tôi phản ánh nó về huyện.
          - Cần gì phải về huyện. Về xã cũng được chứ sao! Bà đi xa làm gì cho khổ, cho tốn tiền?
          - Cái xã này tôi đếch tin ai nữa, bao che cho nhau gớm lắm! Rút dây động rừng. Vị nào cũng có tì vết cả!
          Thấy mọi người tình cờ làm rầm rĩ câu chuyện, Kết đành phải lên tiếng để câu chuyện lắng xuống, để sự tức giận của bà Răm hạ nhiệt. Kết nói:
          - Tại sao tôi phải đền. Tôi có bắt trộm chó đâu? Họ nghi mình là dân có tiền án tiền sự từ trước thì họ mời ra để trao đổi…
          Kết phải dừng lời vì bà Răm nói chen vào:
          - Anh Kết mà cũng biết nói dối à? Anh bao che cho thằng Hội phó công an xã làm gì? Anh làm thế là có hại cho anh, có hại cho mọi người, trong đó có tôi. Chưa biết chừng ngày mai nó lại gọi tôi lên xã về cái tội ngoa ngoắt, đại ngôn, nói bậy. Tôi nói thật ngày trước tôi cũng nể, cũng tôn trọng tay Hội vì gương mẫu, nghiêm chỉnh, còn bây giờ thì khác rồi. Nó thoái hóa từ chân tới đầu, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Người nghiêm như “Ông Gỉ ông Gì” trưởng công an khóa trước, ờ, khóa trước nữa, ít lắm. Thử hỏi có ai được lòng dân như ông ấy? Cái đận mất mùa đói cả xã do trận lụt năm bảy mốt bảy hai gì đấy, vào nhà ông ấy thấy vợ chồng, con cái ngồi ăn khoai luộc thay cơm như mọi nhà. Còn biết bao vụ việc bọn buôn lậu, trộm cắp đưa hối lộ ông đều chối từ, cương quyết xử lý, xử lý công khai, đàng hoàng, người dân ai cũng biết, chứ đâu úp úp, mở mở, thậm thụt như huyện xử mấy vụ tham ô, tham nhũng vừa rồi? Chuyện nực cười!
          - Bà nói ít thôi! Bà đừng có vơ đũa cả nắm!
          - Tôi có vơ đũa cả nắm đâu?
          - Thế bà vừa nói “Bây giờ thì khác rồi.” Ý là cái gì?
          - Sao bà cứ vu cho tôi? Ý của tôi là bây giờ tôi không như ngày trước. Lòng tin của tôi về họ bị giảm sút nhiều rồi! Bà không có điều kiện được đi đây đi đó, nên bà không thấy? Con tôi chạy xe ô tô trên đường sai luật thì phải phạt nó. Đằng này lại làm “Luật” với nó, lấy của nó cả triệu đồng bỏ túi. Thế là thế nào? Bữa ấy con tôi không can thì tôi đã xuống làm ầm lên trị cho hai thằng cướp ngày ấy một trận! Mất dạy quá! Thử hỏi bà một ngày nó bỏ túi bao nhiêu tiền?
          - Thì con bà cũng có lợi, thế có nghĩa là sống cộng sinh chứ sao nữa? Mà sao bà gọi người ta là thằng? Tôi nghe không ổn! Số người xấu xa ấy chỉ là số ít, là con sâu thôi.
          - Nếu đàng hoàng nghiêm túc làm đúng luật pháp thì ai người ta gọi thế? Bà có thấy rất nhiều người được tôi kính trọng gọi họ là chú, là bác, là đồng chí không?
          - Bà chỉ thiên về cái xấu. Cái xấu chỉ như con sâu làm rầu nồi canh, bà tiêu cực rồi đó?
          - Sao bà bảo tôi là tiêu cực? Thấy cái sai vạch nó ra, thể hiện quan điểm với nó mà bà bảo tôi tiêu cực à? Bà vừa nói con sâu làm rầu nồi canh, đâu phải có một con mà nhiều con. Bà có dám ăn nồi canh ấy không hay bà đổ đi? Nếu cái xã hội này ai cũng như tôi, cán bộ vía dám tham ô, nhận hối lộ.
          - Bà nói lấy được. Bà đại ngôn nó vừa thôi? Bà đổ cá thối vào đầu dân à? Cán bộ tham ô được, nhận hối lộ được là do dân à?
          Bà Răm im lặng không nói nữa. Không hiểu bà thua do bà đuối lý hay bà chán không thèm nói?
          - Ờ chú Kết đâu rồi nhỉ? Chú ấy bỏ về từ lúc nào mà mình chẳng biết. Tôi với bà đi làm thôi, cứ mải nói chuyện, trễ quá rồi. Toàn chuyện chẳng đâu vào đâu, gió bay lên trời!
          Kết không muốn nghe mấy bà ấy nói chuyện. Có lẽ lâu rồi mấy bà góa chồng nên tức khí nói đại. Kết bỏ đi còn một nhẽ khác: “Tai vách mạch rừng”. Kết đến nhà Lương Mù chơi. Tâm tư Kết cũng quý mến Lương. Kết vừa đến sân mẹ Lương trong nhà nhìn ra nói:
          - Cháu Kết đến chơi à? Cháu vào nhà uống nước. Em Lương cũng hay nhắc đến cháu, em nó ở trong nhà đấy? Chiều qua bác nghe bà con nói nếu không có cháu thì thằng con nhà Hiếu Lan chết rồi!
          Nghe mẹ nói Kết đến, Lương dò gậy ra cửa hề hề cười nói:
          - Bữa nay Rồng đến nhà Tôm đấy?
          - Rồng gì chú? Rắn thì có. Bữa nay anh sang học chú cách đánh vợ để ít nữa có vợ anh còn biết đường mà dạy?
          - Anh nói vậy. Hư thì phải dạy. Nói không được thì đánh. Chính trị đi với quân sự anh Kết ạ?
          Kết đỡ Lương cùng ngồi xuống ghế.
          - Anh Kết đến chơi đúng lúc em và mẹ em đang trao đổi chuyện gia đình. Anh ngồi nghe cũng được. Anh Kết uống nước đi.
          - Cháu cứ ngồi chơi, nghe em Lương nói đúng hay nói sai thì góp ý cho em?
          Nghe mẹ Lương và Lương nói thế, Kết đồng ý. Kết thấy đây cũng là dịp tốt để Kết học hỏi.
          - Bác và em đã nói như vậy, cháu ở lại nghe. Đây cũng là dịp tốt cho cháu.
          Lương đứng dậy lần thành bàn, thành ghế sang ngồi bên mẹ. Lương nói:
          - Mẹ à, nhà mình chỉ có hai mẹ con. Con tuy mù cả hai mắt từ khi lọt lòng mẹ, nhưng không phải là con không thấy. Ngày mẹ sinh con bố đã thất vọng, chán chường bỏ con và mẹ để đi với người đàn bà khác. Đến giờ con cũng không hình dung ra được hình hài của bố? Ngần ấy năm mẹ đã tần tảo nuôi con. Con lớn lên từ bầu vú ít sữa toi tóp của mẹ, từ bát nước cơm, nước cháo mẹ nấu, bằng con cá con tôm mẹ bắt ngoài đồng, bằng lá rau mẹ trồng ngoài ruộng. Và trên hết là tình mẫu tử bao la của mẹ. Bây giờ mẹ đã già, đã yếu mà vẫn sớm hôm vất vả ngoài đồng. Còn con, có thể làm gì hơn ngoài việc đàn hát lang thang xứ người? Mỗi tháng, đồng tiền kiếm ra ngoài việc nuôi bản thân, con đem về đưa mẹ được là bao? Con nói mẹ thứ lỗi, cái đồng bạc con cắt góc đầu năm đưa cho mẹ, cuối năm mẹ với con ngồi kiểm con vần rờ tay thấy nó. Thế mới biết lòng mẹ thế nào? Cả đời mẹ chắt chiu, dành dụm cho con. Năm nay con cũng hai sáu tuổi rồi. Mười bốn năm nay con lần theo dấu gậy đi đàn hát xứ người, mỗi lần về với mẹ, mẹ cứ rờ tay lên mặt con, nắm lấy tay con như xem Lương của mẹ thế nào? Ông trời thương con nên cho con sức khỏe. Bữa cơm ngày con về, mẹ thường nấu nhiều thức ăn ngon. Ngày thường mẹ chỉ cơm rau với khúc cá khô mặn chát muối kho ăn cả tuần, con biết. Bữa cơm con về, mẹ đơm cho con bát cơm nóng dẻo mẹ nấu, mẹ gắp cho con miếng thịt ngon, miếng cá ngon mẹ chọn. Có bữa con đã hỏi mẹ tại sao “Cá không có đầu, thịt không có xương”. Mẹ cười và nói: “Mẹ chọn mua”. Con biết mẹ nói dối. Nghe tiếng mẹ nhai cơm, tiếng chọc đầu đũa con biết mẹ ăn miếng đầu, miếng xương. Mẹ ơi, hai mươi sáu năm Lương không nhìn thấy mặt mẹ. Nhưng con hình dung mẹ là người phụ nữ, người đàn bà dịu hiền, tình cảm, nhân hậu và vị tha. Mẹ không nghĩ cho mẹ, mẹ nghĩ về con quá nhiều. Có một điều mẹ không nói với con bao giờ, nhưng con tin điều đó có thực. Mẹ đã khóc lúc con xa nhà, lúc mẹ cô đơn. Nhưng mẹ khóc không nhiều. Sức mạnh nào kìm hãm mẹ lại? Con cũng gặp đôi lần tiếng thở dài của mẹ. Mẹ ơi, có người đàn bà nào không khao khát hạnh phúc, tình yêu. Có lần con nói với mẹ là con đã lớn khôn, mẹ nên tìm hạnh phúc riêng cho mẹ? Bao lần mẹ đều gạt đi. Mẹ nói “Mẹ có Lương là mẹ hạnh phúc rồi. Kiếp này mẹ tu chưa trọn thì kiếp sau sẽ tròn vẹn”. Mẹ đổ cho số phận. Thời gian trôi qua thế nào con không biết, con chỉ nghe người đời nói chuyện. Ngày mẹ bảo con lấy vợ, con mới biết mẹ đã già, đã yếu. Vợ con công dung ngôn hạnh ra sao? Nhan sắc thế nào? Con không có cơ hội để tìm, để lựa chọn. Mẹ bảo: “Nó có thương con nó mới lấy”. Điều này con thấy buồn và suy nghĩ. Nhưng khi biết mẹ vui, mẹ hài lòng với Phượng nên con chấp thuận. Bao tháng mẹ ở nhà với nàng dâu, với cháu, đã có lần con hỏi mẹ chuyện nàng dâu, mẹ đều nói ở trên đời có ai được hoàn thiện. Con dâu của mẹ thế là được. Con đâu biết mẹ đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Hôm nọ bất chợt con về, con mới chứng kiến Phượng là người thế nào? Con ở ngoài nghe Phượng mắng chửi mẹ, chửi con bằng những lời không gì hỗn láo, cay độc hơn. Với con mẹ là tối cao, Không ai được xúc phạm. Hành vi của Phượng con không bao giờ chấp nhận. Con đã đánh Phượng. Phượng bỏ sang nhà bố mẹ đẻ, có lẽ không về ngôi nhà này nữa?
          - Sao con nói vậy? Mai mốt nguôi đi con phải sang xin lỗi ông bà bên ấy rồi đón mẹ con nó về!
          - Không bao giờ mẹ ạ?
          - Tại sao?
          Lương im lặng không trả lời mẹ. Lương quay sang nói chuyện với Kết:
          - Anh Kết chắc phê bình em cái thói nói dài nhỉ?
          Kết cười nói:
          - Không đâu. Người ta chẳng bảo hình ảnh người mẹ là đề tài muôn thuở, không giấy mực nào tả hết là gì? Anh nghe chú nói anh cảm động lắm! Nếu người mẹ là đấng tối cao thì chú Lương là một tín đồ đấy!

(Còn tiếp)
PHAN ĐẠT NINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét