Tác giả Trần Mỹ Giống |
Trần Mỹ Giống
Nguyễn Ngọc Liên hiệu là Châu Phong, sinh năm Nhâm Tý 1852(1)
tại làng Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng,
huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo. Ông nội của
Nguyễn Ngọc Liên là cụ Cử nhân Nguyễn Bá Nghi làm Tri huyện Ninh Giang (Hải
Dương). Cha ông là cụ đồ Nguyễn Duy Hiệu làm nghề dạy học ở làng. Anh trai ông
là Nguyễn Đức Ban, đỗ Cử nhân khoa Bính Tuất 1886, làm Huấn đạo Văn Giang được
ít lâu thì cáo quan về nhà làm nghề thuốc và dạy học, sau nổi tiếng là bậc y
sư.
Nguyễn Ngọc Liên được cha dạy dỗ, từ
nhỏ đã thông minh ham học. Ông đã đỗ Tú tài ba khoa. Sau khi đỗ Tú tài, ông
theo học Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích là người nổi tiếng văn thơ và tinh thần
chống Pháp. Nguyễn Quang Bích (1830 - 1890) tự là Hàm Huy, hiệu là Ngư Phong,
quê xã Trình Phố, huyện Chân Định ( nay thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh
Thái Bình ). Ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp Ân khoa Kỷ Tỵ niên hiệu Tự Đức 22
(1869), làm quan trải các chức Giáo thụ, Tri huyện, án sát... Năm 1875 ông làm
Sơn phòng sứ kiêm Tuần phủ Hưng Hoá. Năm 1884 quân Pháp đánh Hưng Hoá, ông liều
chết giữ thành nhưng vì lực lượng mỏng nên thất thủ. Triều đình lệnh cho ông
phải ngừng chiến và trở về triều. Ông không chấp hành lệnh của Tự Đức, vẫn tiếp
tục chiêu mộ nghĩa quân lập căn cứ ở Nghĩa Lộ (Lai Châu), Phù Yên (Sơn La), rồi
Yên Lập, Sơn Dương (Vĩnh Phú) kiên trì chống Pháp. Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần
Vương, phong ông làm Hiệp thống Bắc Kỳ, hàm Lễ bộ Thượng thư. Ông lãnh đạo
nghĩa quân vùng tây bắc Bắc Kỳ cầm cự chống Pháp cho đến khi bị bệnh và qua
đời. Cuộc đời và tư tưởng của thày Nguyễn Quang Bích đã có ảnh hưởng nhiều đến
trò Nguyễn Ngọc Liên về lòng yêu nước và tinh thần chống Pháp.
Nguyễn
Ngọc Liên đỗ Cử nhân khoa Bính Tuất 1886, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân
khoa Kỷ Sửu niên hiệu Thành Thái 1 (1889). Khoa này làng Hành Thiện còn có Đặng
Hữu Dương cũng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nhân sự kiện này, Cử nhân
Nguyễn Bạt Tuỵ (1865 - ? ) người làng Hạ Miêu (nay thuộc xã Xuân Thành, huyện
Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có câu đối mừng như sau:
Kỷ Sửu vi ngô huyện thịnh khoa Hạ ấp tằng chiêm vân ngũ sắc;
Hành Thiện nãi Nam bang văn hiến hoa cù khoáng kiến mã đề song.
(Khoa Kỷ Sửu huyện ta thịnh đạt, ấp Hạ từng xem mây ngũ sắc;
Đất Hành Thiện nước Nam văn hiến, đường hoa rộng rãi hai ngựa song song)
Kỷ Sửu vi ngô huyện thịnh khoa Hạ ấp tằng chiêm vân ngũ sắc;
Hành Thiện nãi Nam bang văn hiến hoa cù khoáng kiến mã đề song.
(Khoa Kỷ Sửu huyện ta thịnh đạt, ấp Hạ từng xem mây ngũ sắc;
Đất Hành Thiện nước Nam văn hiến, đường hoa rộng rãi hai ngựa song song)
Sau
khi đỗ Tiến sĩ, ông vào làm việc trong dinh Kinh lược Bắc Kỳ của Hoàng Cao Khải
5 tháng, rồi được bổ chức Tri phủ Nam Sách (Hải Dương). Ông làm việc siêng
năng, mẫn cán, công bằng, liêm khiết, được nhân dân và thân hào trong địa hạt
rất yêu mến. Nhưng ông phải sớm từ bỏ con đường làm quan sau khi xảy ra hai sự
kiện làm ông bị kỷ luật...
Năm
1892 Toàn quyền Đông Dương De Lanessan đi kinh lý Hải Dương. Tổng đốc Hải Dương
đã thông báo cho các Tri phủ, Tri huyện trong tỉnh phải có mặt tại Nha công sứ
Hải Dương đúng ngày giờ đã định để đón chào viên Toàn quyền. Phủ lỵ Nam Sách
chỉ cách thành Hải Dương 6 cây số và qua 1 con đò mà Tri phủ Nguyễn Ngọc Liên
lại đến địa điểm tập trung rất muộn. Khi ông đến nơi thì các quan trong tỉnh đã
có mặt đầy đủ, viên toàn quyền đang đọc lời hiểu dụ. Ông lẳng lặng đứng vào
hàng với các bạn đồng liêu. Thấy Tri phủ Nam Sách đến muộn đã không xin lỗi, lại
không thèm lạy chào mình, viên Toàn quyền rất tức giận. Hắn cho là Nguyễn Ngọc
Liên có tinh thần chống Pháp nên đã đề nghị Nha Kinh lược Bắc Kỳ phải kỷ luật
ông thật nặng.
Trong
thời gian này lại xảy ra vụ nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo
đã tấn công đồn lính Pháp trong huyện, giết chết 4 tên lính Pháp trong đó có
tên Thiếu uý đồn trưởng, thu 17 khẩu súng và rút lui an toàn. Đồn lính này chỉ
cách phủ lỵ của Tri phủ Nam Sách Nguyễn Ngọc Liên chưa đầy nửa cây số nhưng ông
đã "án binh bất động ", để cho nghĩa quân tự do hành động. Việc này
làm cho bọn Pháp nghi ngờ ông có liên hệ với nghĩa quân Bãi Sậy. Nha Kinh lược
Bắc Kỳ đã ra nghị định phạt ông nghỉ không lương một năm. Ông về nhà dạy học
được gần một năm thì cha và bác ông mất. Sau thời hạn bị kỷ luật, nha Kinh lược
bảo ông làm đơn xin tái bổ chức Tri phủ. Ông lấy cớ đang cư tang cha và bác xin
Nha Kinh lược hoãn lại một thời gian hãy bổ chức. Khi ông hết thời gian cư
tang, Nha Kinh lược lại bảo ông có đồng ý nhận chức Đốc học Nam Định đang khuyết thì sẽ ra
quyết định. Nhiều học trò đã van lạy, khóc lóc, tha thiết xin ông ở lại dạy
học. Ông đã chán cảnh làm quan và cảm động trước tình cảm của học trò nên quyết
không ra làm quan nữa. Từ đó ông ở nhà làm nghề thuốc và dạy học.
Nguyễn
Ngọc Liên trở thành nhà giáo nổi tiếng ở vùng Sơn Nam. Ông mở trường ở làng Hành
Thiện, thu nhận những học trò có phẩm hạnh, đạo đức tốt. Học trò muốn được vào
học trong trường của ông phải có đạo đức tốt và trình độ nhất định vì ông chỉ
dạy cho học trò đi thi Hương để lấy học vị Cử nhân, Tú tài. Ông có sang dạy học
ở Tiền Hải và Kiến Xương (Thái Bình) một vài năm theo đề nghị khẩn thiết của
các thân hào mấy xã trong phủ. Cảm phục khí tiết và kiến thức Nho học của Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Liên, học trò ở khắp nơi dồn về theo học ông rất đông. Ông là
người thông kim bác cổ, dạy học rất có phương pháp nên trong số trên 700 học
trò của ông có 30 người đỗ Cử nhân, 70 người đỗ Tú tài và rất nhiều người đỗ
Nhất trường, Nhị trường. Ông thành lập thư viện gia đình tạo điều kiện cho học
trò học tập. Thư viện của ông là một trong những thư viện tư nhân có tiếng ở
Hành Thiện cuối thế kỷ 19. Khi ông mất, hơn 200 học trò cũ của ông về chịu tang
thày, góp tiền mua 4 mẫu ruộng gọi là "ruộng môn sinh" để lấy hoa lợi
dùng vào việc cúng giỗ hàng năm, tu sửa từ đường và phần mộ thày. Sự kiện này
chứng tỏ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên là một nhà giáo được học trò kính trọng, yêu
mến và nhớ ơn sâu sắc. Thày trò trường Nguyễn Ngọc Liên đã góp phần tô đẹp thêm
truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta. Ông Mai Đình Đặng Tư Kiêm là
người Hành Thiện, có bài vịnh về việc cụ Nghè Liên có tài dạy học và coi thường
công danh như sau:
Cụ Nghè Hành Thiện hiệu Châu Phong
Cạm bẫy vinh hoa chẳng lọt vòng...
... Cáo quan dạy học mấy mươi năm
Nội ngoại học trò quá bảy trăm
Ba chục Cử nhân, bảy chục Tú
Tiếng tăm lừng lẫy khắp thành Nam.
Cạm bẫy vinh hoa chẳng lọt vòng...
... Cáo quan dạy học mấy mươi năm
Nội ngoại học trò quá bảy trăm
Ba chục Cử nhân, bảy chục Tú
Tiếng tăm lừng lẫy khắp thành Nam.
Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Liên là một người yêu nước đến cực đoan. Ông căm ghét bọn Pháp
xâm lược và bọn tay sai bán nước. Ông ghét luôn cả chữ Pháp và chữ Quốc ngữ do
người Pháp truyền bá ở nước ta. Ông có 6 con gái và 4 con trai. Bốn con trai
ông là Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Ngọc Khuê, Nguyễn Thành Phát, Nguyễn Như Lệ đều
theo Nho học và có tinh thần yêu nước sâu sắc. Chỉ có Nguyễn Như Lệ là con út
của ông mới được học chút ít tiếng Pháp rồi theo nghề đông y, sau nổi tiếng là
y sư giỏi. Ông Nguyễn Thế Rục trốn ra nước ngoài rồi sang Liên Xô học trường
Đại học Phương Đông, sau về nước hoạt động trong phong trào yêu nước và mất năm
1938.
Sau
khi nghỉ làm quan, có lần Nguyễn Ngọc Liên cải trang cùng người cháu đồng thời
là học trò của mình tên là Nguyễn Tư Thuyết, lên Yên Thế (Bắc Giang) để tìm
cách liên hệ với nghĩa quân Yên Thế. Nhờ sự môi giới của Tri huyện Hiệp Hoà
Đặng Hữu Nữu (em Tiến sĩ Đặng Hữu Dương) là người cùng quê, ông đã được một số
thủ lĩnh của nghĩa quân như Đề Thám, Cả Trọng, Cả Huỳnh đón tiếp và cùng luận
đàm chính sự.
Hoàng
giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925) quê ở xã Liên Bạt, huyện Sơn Lãng (nay
thuộc huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Tây) là anh em đồng hao với Nguyễn Ngọc Liên, từng
làm Đốc học Nam Định, đã bỏ quan để xuất dương tìm đường cứu nước. Trước khi
sang Nhật, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền đã về Hành Thiện thăm Nguyễn Ngọc Liên
và vận động cho phong trào Đông Du. Nguyễn Ngọc Liên rất tâm đắc với chủ trương
đưa thanh niên sang du học tại Nhật của hội Duy Tân. Ông đặt niềm tin vào thế
hệ trẻ đi du học về sẽ làm cách mạng giành lại non sông đất nước. Ông đã giới
thiệu một số học trò ưu tú của mình tham gia phong trào Đông Du. Bốn học trò
của ông là Đặng Hữu Bằng, Đặng Tử Mẫn, Đặng Quốc Kiều, Nguyễn Xuân Thức(2)
là những thanh niên đầu tiên của làng Hành Thiện xuất dương sang Nhật vào năm
1906 trong phong trào Đông Du.
Ngoài
việc giới thiệu những thanh niên ưu tú đi sang Nhật học tập, Tiến sĩ Nguyễn
Ngọc Liên còn nhiều lần tổ chức quyên tiền ủng hộ phong trào Đông Du.
Là
người ghét Pháp xâm lược, ủng hộ cách mạng, nhưng Nguyễn Ngọc Liên rất thận
trọng. Ông không bao giờ tuyên truyền cho phong trào cách mạng trong khi dạy
học để phòng bọn mật thám bắt và không làm liên luỵ đến học trò.
Ông
giữ chức Tiên chỉ làng Hành Thiện từ 1836 đến 1937 , làm Tiên chỉ Tư văn làng
kiêm Tiên chỉ Tư văn phủ Xuân Trường từ 1910 đến 1937. Ông làm việc rất có
trách nhiệm và chu đáo. Hàng năm ông tổ chức tế lễ tưởng nhớ đức Khổng Tử và
các vị tiên hiền, khoa bảng, khoa mục đã tạ thế, thỉnh thoảng lại tổ chức bình
thơ văn. Hoạt động của hội Tư văn do ông phụ trách đã góp phần tích cực vào
việc giáo dục đạo đức truyền thống và nâng cao trình độ cho học trò.
Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Liên có nhiều sáng tác nhưng không được ghi lại thành tập. Theo
Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh viết trong “Tân biên Nam
Định tỉnh địa dư chí lược” thì Nguyễn Ngọc Liên "có khá nhiều thơ từ tản
mát khắp nơi ở trấn Sơn Nam".
Trong sách này chỉ chép lại bài Tạo sĩ cố hương
từ của Nguyễn Ngọc Liên ca ngợi người có công với nước như sau:
Phiên
âm:
Tạo sĩ Nam phương đắc kỷ nhân
Vi thần vi tướng thế giai khâm
Cung trương ác điểu vô phương tị
Lực phụ vương gia phản ngộ truân
Bốc ngụ Đông Ba thành đại sách
Trùng tu từ tự lệ dân tuân
Quy thì Thịnh Đức gia phong sắc
Diệc thị hoàn danh hưởng quốc ân.
Vi thần vi tướng thế giai khâm
Cung trương ác điểu vô phương tị
Lực phụ vương gia phản ngộ truân
Bốc ngụ Đông Ba thành đại sách
Trùng tu từ tự lệ dân tuân
Quy thì Thịnh Đức gia phong sắc
Diệc thị hoàn danh hưởng quốc ân.
Dịch
thơ:
ĐỀN THỜ ÔNG TẠO SĨ Ở CỐ HƯƠNG
Cõi
Nam Tạo sĩ mấy người
Là thần là tướng ở đời kính tôn
Giương cung chim ác chết liền
Phò vua mà mắc oan khiên mới kỳ
Đông Ba chọn đất dời về
Sửa sang chùa miếu dễ bề khuyên ai
Vẹn tròn danh tiết chầu trời
Được vua Thịnh Đức ban lời khen công.
Là thần là tướng ở đời kính tôn
Giương cung chim ác chết liền
Phò vua mà mắc oan khiên mới kỳ
Đông Ba chọn đất dời về
Sửa sang chùa miếu dễ bề khuyên ai
Vẹn tròn danh tiết chầu trời
Được vua Thịnh Đức ban lời khen công.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên là một nhà
giáo mẫu mực, đã đào tạo cho đất nước nhiều thanh niên ưu tú. Ông là một người
yêu nước nhiệt thành, nổi tiếng về hành động "Bất bái Toàn quyền",
nêu tấm gương sáng về khí tiết nhà Nho, khích lệ tinh thần bất khuất và tự hào
dân tộc. Cho đến trước khi mất ông vẫn mong đợi những người du học trở về nước
và phong trào khởi nghĩa trong nước nổi dậy quét sạch bọn xâm lăng. Ngày 15
tháng 9 âm lịch 1937 Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên qua đời trong nỗi khắc khoải hy
vọng tương lai tốt đẹp của đất nước và giấc mơ đền nợ nước của ông chưa thực
hiện được.
Cháu
ngoại của ông là thi sĩ Nam Đường Đặng Thiệu Bạt có bài "Ông ngoại tôi
" nói lên tâm trạng của cụ Nghè Liên như sau:
Nguyễn
Thượng Hiền ông đốc tỉnh Nam
Cùng đồng chí hướng với ông làm
Phong trào lớn mạnh trong toàn quốc
Rồi trốn ra ngoài lãnh đạo đoàn
Ở nhà ông ngong ngóng trông chờ
Đồng chí lai hương để phất cờ
Khởi nghĩa diệt thù đền nợ nước
Nhưng lời ước hẹn cứ phai mờ
Ngày buồn lặng lẽ lững lờ trôi
Thế cuộc làm ông lệ lén rơi
Mắc chứng ung thư bên má trái
Ông tôi tạ thế! ối giời ơi!
Cùng đồng chí hướng với ông làm
Phong trào lớn mạnh trong toàn quốc
Rồi trốn ra ngoài lãnh đạo đoàn
Ở nhà ông ngong ngóng trông chờ
Đồng chí lai hương để phất cờ
Khởi nghĩa diệt thù đền nợ nước
Nhưng lời ước hẹn cứ phai mờ
Ngày buồn lặng lẽ lững lờ trôi
Thế cuộc làm ông lệ lén rơi
Mắc chứng ung thư bên má trái
Ông tôi tạ thế! ối giời ơi!
TMG
...........................................
Chú
thích :
(1)
Về năm sinh của Nguyễn Ngọc Liên các tài liệu viết
không thống nhất : 1848, 1852, 1856 hoặc viết ông thọ 82, 84, 86 tuổi.
(2)
Bốn học trò của Nguyễn Ngọc Liên đều là người Hành Thiện, cùng xuất dương sang
Nhật năm 1906 :
- Đặng Tử Mẫn (1885 - 1926) vào học trường Võ bị Tôkiô, năm 1908 gia nhập Đông á đồng minh hội, năm 1912 làm Uỷ viên kinh tế của Việt Nam Quang phục hội, năm 1926 tổ chức Việt Nam Quang phục hội tấn công các đồn biên phòng Pháp dọc biên giới Việt Hoa, bị bọn quân phiệt Vân Nam bắn chết.
- Đặng Đoàn Bằng (1887 - 1938) học trường Võ bị Tôkiô, đỗ thủ khoa. Năm 1909 bị trục xuất sang Trung Quốc, rồi Xiêm La. Năm 1912 gia nhập Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), làm Uỷ viên vận động của hội ở Bắc Kỳ. Bị Pháp kết án đày biệt xứ, ông sang Trung Quốc tham gia quân đội Trung Hoa dân quốc ở Quảng Tây, làm tới Đại tá tham mưu trưởng. Năm 1922 ông làm giáo sư trường quân sự Hoàng Phố. Năm 1938 Nhật ném bom, ông bị sức ép loạn thần kinh, một lần nhảy xuống sông chết đuối.
- Đặng Quốc Kiều (1892 - 1976) học tiếng Nhật và tiếng Anh, thường gặp gỡ cụ Phan ở Hoành Tân. Năm 1909 ông sang Trung Quốc, rồi Thái Lan, mãi năm 1928 mới về nước và bị Pháp quản thúc tại làng. Năm 1946 ông làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Hà Nam.
- Nguyễn Xuân Thức (1888 - 1945) cùng học tiếng Nhật với Đặng Quốc Kiều ở Hoành Tân, năm 1910 về nước bị Pháp bắt quản thúc ở Thanh Hoá.
- Đặng Tử Mẫn (1885 - 1926) vào học trường Võ bị Tôkiô, năm 1908 gia nhập Đông á đồng minh hội, năm 1912 làm Uỷ viên kinh tế của Việt Nam Quang phục hội, năm 1926 tổ chức Việt Nam Quang phục hội tấn công các đồn biên phòng Pháp dọc biên giới Việt Hoa, bị bọn quân phiệt Vân Nam bắn chết.
- Đặng Đoàn Bằng (1887 - 1938) học trường Võ bị Tôkiô, đỗ thủ khoa. Năm 1909 bị trục xuất sang Trung Quốc, rồi Xiêm La. Năm 1912 gia nhập Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), làm Uỷ viên vận động của hội ở Bắc Kỳ. Bị Pháp kết án đày biệt xứ, ông sang Trung Quốc tham gia quân đội Trung Hoa dân quốc ở Quảng Tây, làm tới Đại tá tham mưu trưởng. Năm 1922 ông làm giáo sư trường quân sự Hoàng Phố. Năm 1938 Nhật ném bom, ông bị sức ép loạn thần kinh, một lần nhảy xuống sông chết đuối.
- Đặng Quốc Kiều (1892 - 1976) học tiếng Nhật và tiếng Anh, thường gặp gỡ cụ Phan ở Hoành Tân. Năm 1909 ông sang Trung Quốc, rồi Thái Lan, mãi năm 1928 mới về nước và bị Pháp quản thúc tại làng. Năm 1946 ông làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Hà Nam.
- Nguyễn Xuân Thức (1888 - 1945) cùng học tiếng Nhật với Đặng Quốc Kiều ở Hoành Tân, năm 1910 về nước bị Pháp bắt quản thúc ở Thanh Hoá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét