Đã đăng:
VI
Sáng hôm sau, mở mắt ra bà Tư đã tính chuyện tụ tập mấy bà giòng để kể chuyện nhà Lương. Bà tính sẽ nói vào mặt bà Hồng chi hội trưởng phụ nữ cái tật quan liêu, không chịu đi sâu đi sát để nắm rõ tình tiết sự việc dẫn đến nhiều người trong làng ăn theo nói leo.
Sáng hôm sau, mở mắt ra bà Tư đã tính chuyện tụ tập mấy bà giòng để kể chuyện nhà Lương. Bà tính sẽ nói vào mặt bà Hồng chi hội trưởng phụ nữ cái tật quan liêu, không chịu đi sâu đi sát để nắm rõ tình tiết sự việc dẫn đến nhiều người trong làng ăn theo nói leo.
Sáu giờ sáng bà Tư ra ngõ đứng. Các nhà xung quanh thấy bà lấp ló ngoài ngõ cũng lững thững tới. Thế là thành một nhóm. Một bà nói:
- Trưa qua bà Hồng với chúng tôi đến thăm mẹ Lương chủ tịch. Bà ấy trẹo tay do bị vấp ngã chứ đâu phải con Phượng đẩy!
- Lý do gì dẫn đến ông chủ tịch vừa mới vi hành về đã đánh vợ đến gãy cả răng mới là điều mọi người cần biết? Tôi chưa thấy ai nói tường tận cả?
Bà Tư giờ mới lên tiếng:
- Các bà nghe tôi nói. Tôi nghe rõ câu chuyện chính từ miệng Lương mù kể cho ông Hai Bốn nghe ở nhà ông Hai Bốn rồi. Tôi và vợ ông Hai Bốn ngồi hiên nghe rõ mồn một. Tôi không để lọt tai một câu nào đâu, các bà nghe tôi nói để rõ tình tiết.
Bà Tư phải mất mươi phút mới truyền đạt hết tất tật các thông tin chính thống cho mấy người nghe. Nói xong bà Tư mới phê bình bà Hồng trước mặt mọi người là bà Hồng quan liêu.
Khi đã rõ nội dung câu chuyện, một bà nói:
- Con Phượng láo thế đánh là phải! Thằng Lương do hoàn cảnh chứ không nó chẳng tống cổ ra khỏi nhà rồi!
- Thì nó chẳng đuổi đi còn gì?
- Không phải đuổi, con Phượng tự ôm con chạy về nhà bố mẹ đẻ.
- Mà cũng lạ. Cấm thấy bố mẹ con Phượng nói gì?
- Tốt đẹp thì phơi ra, xấu xa đậy lại chứ! Thế mà cũng hỏi!
Cái hạng đàn bà, con gái bỏ nhà, bỏ quê lưu lạc bao năm xứ người về quê hơn năm rồi lại bỏ đi, đến khi vác… Thử hỏi còn ra giống gì?
- Bà bảo con Phượng vác cái gì?
- Dốt ạ! Vác cái gì mà không suy ra à? Nói chuyện với bà tức bỏ mẹ!
- Thôi, dẹp chuyện này lại không lắm chuyện bây giờ. Đàn bà con gái cứ hơ hớ thế không vác mới lạ?
Bà Hồng nghe mọi người đưa đẩy chuyện, bà chỉ cười.
- Còn mẹ Hồng nữa. Cái ngày chồng còn sống thì người cứ như xác ve. Mấy năm nay đẫy đà, đẹp ra. Tôi loáng thoáng nhận thấy lão Mạnh từ ngày vợ ốm liệt giường lão cứ như mèo bị bỏ đói. Cái nhìn của lão vào ngực, vào mông bà Hồng tôi thấy nhiều vấn đề lắm?
- Bà tưởng mình bà thấy à? Chúng tôi biết chẳng qua chưa nói. Mà việc ấy có gì lạ? Hai cái thiếu tìm đến nhau cho đủ là chuyện bình thường!
Bà Hồng thấy mọi người bắt đầu chĩa mũi nhọn vào mình, bà liền hắng giọng nói:
- Việc bà Tư góp ý, phê bình tôi quan liêu là đúng. Tôi rút kinh nghiệm. Còn bây giờ mọi người về thôi. Tôi phải ra tháo nước vào ruộng cà chua, bắp cải không sương muối đêm qua xuống nhiều chết hết bây giờ.
- Thế chuyện bà đẫy đà, đẹp ra, chuyện lão Mạnh thích bà là không đúng đấy? Bà chỉ khéo tảng lờ, vờ vịt!
Bà Hồng chủ động về trước. Về nhà bà đâu có ra đồng tát nước. Chiều qua cái Thắm con gái bà đang là sinh viên đại học sư phạm về đã tát nước vào ruộng rau rồi. Bà ngồi nghĩ về chuyện nhà: “Con Thắm ghê thật! Tháng trước nó giềng cho ông Mạnh một trận nên thân. Nó ném cả chục trứng gà ông ấy đem sang ra sân. Nó nói vào mặt ông ấy bỏ ngay cái thói trăng hoa, nó chỉ bằng tuổi con ông ấy, khiến ông Mạnh phải lên tiếng nói ra điều thầm kín: “Cháu hiểu sai về bác rồi. Bác đến… là đến với mẹ cháu. Mẹ cháu mệt bác sang thăm…” Con Thắm nghe ra nó xin lỗi ông Mạnh rồi nói:” Mẹ cháu có người đem trứng đến thăm thế này còn gì bằng. Cháu xin lỗi bác!” Bà Hồng nhớ lại bà buồn cười. Thật lòng bà Hồng cũng đã nghĩ về ông Mạnh. Bà nhận thấy từ phía sâu thẳm trong bà nhựa sống vẫn dâng trào, con tim bà vẫn rung lên những cung bậc ái tình, dù bà đã biết kiềm chế, giữ lại. Điều này chỉ thực sự đến khi bà đã hoàn tất việc sang cát xây mộ cho chồng. Và cũng từ ngày đó bà hay chải đầu soi gương, thích mặc đẹp, nhất là bộ cánh gụ bà mới may, nó làm thân hình bà nổi bật những đường cong mềm mại. Mỗi lần đứng trước gương tự bà cũng thấy bà đẹp, hấp dẫn, huống hồ là ông Mạnh, một con mèo nhịn cá đã nhiều năm. Những lần bà với chị em sang thăm vợ ông Mạnh, bà đều nhận thấy ông Mạnh hay ngắm trộm bà. Cái nhìn của ông Mạnh sâu hun hút khiến bà lúng túng.
Nói về ông Mạnh. Một người đàn ông tuổi ngũ tuần có sức vóc khỏe, trầm tĩnh. Ông là người nói ít, làm nhiều. Vợ ông chỉ sinh cho ông một đứa con gái duy nhất rồi phải cắt dạ con vì bệnh tim. Từ ngày đó vợ ông hay ốm yếu, việc nhà trút lên ông. Vợ ông có chăng chỉ giúp ông quét cái nhà. Còn đứa con gái ông dành thời gian cho con học. Cái Thủy bây giờ đã là sinh viên sư phạm.
Có lẽ người duy nhất biết ông phải hy sinh chuyện “Tế nhị” là vợ ông. Vợ ông thương ông rất nhiều nhưng không dám chiều chồng và ông cũng không bao giờ đòi hỏi vợ điều ấy! Hai vợ chồng ông đều nhận thức bệnh tình như cái án tử hình treo trước mặt hai người và con gái ông. Ông không muốn mất vợ và con gái ông phải mồ côi mẹ sớm! Bà Hồng nhớ có lần có người nói đùa với vợ ông Mạnh “Chị ốm đau thế này đàn ông như anh Mạnh cũng khổ lắm?” Vợ ông Mạnh nằm bẹp trên giường lào phào nói “Tôi đã bảo anh ấy kiếm chỗ nào đó phù hợp hoàn cảnh, người có phải gỗ, đá đâu?”
Bà Hồng nghĩ đến đây bà thấy buồn cười cho sự việc cứ diễn ra tự nhiên trước mắt. Bà thương vợ ông Mạnh. Bà quyết định tối nay sẽ rủ thêm chị em sang thăm. Bây giờ bà phải ra đồng xem ruộng cà chua, bắp cải thế nào đã. Lúc bà Hồng vác cuốc ra đồng là lúc mọi người ngoài đồng chuẩn bị về nghỉ trưa.
Bên mương nước nhỏ nhiều người đang rửa tay chân, cào, cuốc. Thấy bà Hồng một người kêu lên.
- Trà hâm lại, gái ngủ trưa ơi? Bây giờ mới đi làm à? Vụ cà chua này coi như mất hẳn rồi. Cả cánh đồng xám xịt màu cây chết. Ông giời ơi, sao ông ác thế!
- Biết làm thế nào bây giờ! Tất cả chỉ còn trông vào vụ bắp cải mới hòng kéo lại vốn liếng, công sức!
- Bà Hồng có biết cái nhà Du Hạnh đi đâu không nhỉ? Cả tháng nay cấm thấy mặt?
- Đi kiếm ăn chứ còn đi đâu nữa! Bà không thấy cái làng Vàng này nam giới “Xuất ngoại” gần hết à? Ruộng ít, đồi núi nhiều. Nào khô cạn, úng lụt, mưa đá, sương muối,… Tôi một mẹ một con mà còn thấy mệt huống hồ nhà Du Hạnh, năm cái miệng ăn trông vào có bốn cái tay. Cứ cái kiểu này dân làng Vàng thành đất hết. Mùa đông này mà cứ rét buốt như năm ngoái thì coi chừng?
- Thôi về đi. Trưa rồi! Về còn cơm nước, lợn gà nữa?
- Các bà cứ về trước, tôi mới ra về sau một lúc.
Bà Hồng lúi húi một mình trên ruộng rau của nhà. Bà dùng cuốc vun xới từng gốc cà chua đã xém lá như đang cố giữ sự sống cho nó. Nếu như ngày trước thể nào bà cũng căng dây, lấy lá cây rừng che sương muối. Bây giờ còn đâu rừng, toàn đồi trọc, cỏ dại.
Bà Hồng cứ nhấp nhô một mình giữa đồng ruộng hoang liêu. Bà như lọt thỏm vào cái bao la khiến bà thấy sợ, bà đứng thẳng người nhìn ra bốn phía. Bên bà gió rét vun vút thổi. Bà quyết định về.
Từ phía xa ông Mạnh đang đạp xe đến. Bà thấy hồi hộp. Ông Mạnh chống xe bên bờ ruộng rồi đến bên bà.
- Sao Hồng chưa về? Hồng đừng có làm một mình thế! Về đi, mai tôi sang giúp. Tôi vừa ở thị xã về!
- Anh Mạnh ra thị xã làm gì?
Bà Hồng nói xong mới biết mình gọi ông Mạnh bằng anh. Bởi từ trước đến nay bà có gọi thế đâu? Chính điều tưởng như vô tình đó làm bà trở nên lúng túng, bối rối. Và sự vô tình, lúng túng, bối rối ấy đã nói hộ bà điều thầm kín mà bà khó nói với ông Mạnh.
Bà lắng nghe ông Mạnh nói:
- Bệnh tình của mẹ con Thủy trầm trọng lắm Hồng à! Cả đêm qua tôi phải ngồi cho bà ấy dựa lưng. Không biết mùa đông này bà ấy có trụ được không? Cô bác sỹ theo dõi điều trị nói bệnh tình bà ấy ở giai đoạn cuối, bảo tôi phải chuẩn bị…. Khổ thế! Thời con gái có bệnh bạo gì đâu, làm đồng áng quần quật cả ngày, bỗng dưng phát bệnh. Có lẽ cái số của mẹ con Thủy nó thế. Tôi nghĩ mà thương quá!
- Thôi ta về đi anh. Tối nay em rủ chị em sang thăm. Việc đã thế anh phải bình tĩnh, phải lo cho cả sức khỏe của mình nữa.
Ông Mạnh dắt xe ra đường rồi bảo bà Hồng ngồi lên. Bà Hồng một thoáng chần chừ rồi mới ngồi lên xe. Đường quê buổi trưa vắng ngắt.
Đến đầu làng bà Hồng bảo ông Mạnh dừng xe để bà đi bộ về. Bà tránh cho cả hai người những điều dị nghị, eo xèo không đáng có. Đúng như bà nghĩ, khi ông Mạnh vừa đạp xe đi khuất bụi tre thì có tiếng bà Tư lóe xóe:
- Nhà ông Mạnh này thiêng thật. Ông ấy vừa về đến nhà thì con nái nhà ông ấy đau đẻ, cắn phá chuồng. Khiếp quá! Chắc chỉ tối nay nó đẻ. Cái bụng ấy dễ phải gần chục con?
Bà Hồng nghe biết vậy, bà đi nhanh vào nhà. Bà cất cái cuốc vào góc bên chuồng lợn rồi bê đám rau lang ra băm. Bà thái thêm ít cây chuối, đong hai bò ngô, tất cả bà cho vào nồi đổ ngập nước bắc lên bếp nấu. Khi bếp đã đỏ lửa bà mới tính bữa cơm trưa nay bà ăn gì?
Bà Hồng ăn qua quýt bữa cơm trưa thì bà Tư hớt hải chạy sang nói:
- Vợ ông Mạnh nguy kịch lắm!
Thấy thế bà Hồng, bà Tư chạy vội sang.
Vợ ông Mạnh như cái xác không hồn nằm thoi thóp thở. Nghe tiếng người xung quanh bà chỉ nhúc nhích bàn tay như thể hiện bà đã biết. Hai con mắt bà đờ đẫn, trắng đục.
Ông Mạnh cúi đầu nói nhỏ vào tai vợ:
- Mẹ Thủy ơi, bà con láng giềng đến thăm mình đấy?
Ông Hai Bốn, bà Hồng, bà Tư nắm tay vợ ông Mạnh như cố truyền sinh lực của mình sang.
Hạnh vợ Du kéo chiếc ghế đẩu ngồi sát bên giường động viên:
- Chị cố gắng uống thuốc, anh Mạnh mua thuốc cho chị đây. Chị sẽ khỏe để còn dự đám cưới cháu Thủy chứ?
- Anh cho chị uống thuốc rồi. Chắc vài phút nữa thuốc ngấm là ổn thôi.
- Anh Mạnh xem có cần điện cho cháu Thủy về không?
Tiếng vợ ông Mạnh lào thào:
- Tôi… khỏe… lên… rồi… không… phải… gọi… đâu… con… nó… đang… bận… học.
Mọi người ra bàn ngồi uống nước. Ông Mạnh chợt đứng dậy đi ra ngoài sân làm mọi người giật mình. Ông ra giữa sân nhìn mọi chỗ không thấy con mực đâu liền lên tiếng gọi:
- Êu Mực! Êu Mực! Êu Mực!
Bặt vô âm tín. Mọi người trong nhà cũng ra ngoài sân nhìn ngó. Con Mực không về.
- Êu Mực! Êu Mực!
Mọi người lắc đầu.
- Con Mực bị bọn câu chó bắt đi rồi! Lũ khốn nạn. Chỉ rình rập nhà người ta chờ cơ hội để trộm cắp.
- Thôi của đi thay người. Mọi người vào đi!
Trong nhà vợ ông Mạnh đã khỏe. Bà nằm vắt tay lên trán. Thấy mọi người vào, bà nói:
- Tệ quá! Mất rồi thì thôi! Con Mực ngoan lắm!
Ông Mạnh đến bên vợ:
- Để tôi đỡ mẹ Thủy ngồi dậy nhé?
- Vâng, ông đỡ cho tôi ngồi dậy.
Hạnh vợ Du xuống bếp múc bát cháo nóng nấu với thịt nạc băm nhỏ lên bón cho vợ Mạnh.
- Tắt lửa tối đèn nhờ cậy bà con làng xóm. Tối nay mọi người đến thăm, động viên bố mẹ cái Phượng đi. Ông Mạnh cũng sang. Tôi gửi cho con cái Phượng cân đường. Rõ khổ! Cân đường tôi cất trong hòm thóc.
Như đã nói, khi bữa cơm tối xong ông Mạnh và mọi người sang nhà ông Bính bố Phượng.
Nhà ông Bính có người ở nhà mà yên tĩnh đến lạ. Bà Bính đang bế đứa cháu ngoại trên tay, thằng bé ngủ thật ngon trong vòng tay bà. Ông Bính ngồi uống rượu suông ngoài bàn. Hai chân ông để lên chiếc ghế, nom ông ngồi khiến người ta liên tưởng hình hài một lão nông đầu gối quá tai đang buồn chán ngồi tiếc cho mùa màng thất bại.
Thấy có người vào bà Bính nói:
- Ông Bính ơi, bà con sang chơi đấy?
Ông Bính nghe thấy tụt vội chân xuống.
Mọi người vào nhà. Ông Hai Bốn chủ động dẫn chuyện trước:
- Cả tuần nay tôi mới sang nhà đồng đội cũ đây. Ông bà khỏe chứ?
Ông Bính với vẻ mặt thật buồn nói:
- Cám ơn ông, cám ơn mọi người. Tôi khỏe nhưng ốm vì con với cái!
Ông Hai Bốn cười khà khà nói:
- Là người lính là không được buồn đâu nhé? Chuyện nào nó ra chuyện ấy! Ờ, trận sương muối hôm nọ ruộng cà chua nhà ông thế nào?
- Cháy hết cả. Rõ khổ cho dân làng. Cả vùng cà chua đang mơn mởn thế giờ tàn lụi hết!
- Cháu Phượng đâu ông?
- Nó ở trong buồng. Vợ chồng nó đánh chửi nhau ộc cả máu mồm, máu mũi, gãy cả răng. Vợ chồng tôi đến xấu hổ với bà con làng xóm.
Ông Bính vừa nói vừa rót nước mời mọi người. Ông Hai Bốn nói chuyện nghe như những lời tâm sự:
- Ngày ấy rà phá bom mìn ông mà không bị thương thì ông còn trong quân ngũ chưa nghỉ hưu. Tôi cũng chết hụt dăm lần thời chiến tranh. Sang thời bình, bom mìn còn lẩn khuất đâu đó trong lòng đất, trong bờ bãi, ruộng đồng. Máu của người dân, người lính vẫn đổ. Chắc ông cũng nghĩ như tôi. Chúng ta còn sống để về với người thân là may lắm rồi. Nhiều lúc ngồi nhớ lại những năm tháng trong quân ngũ thấy xót đồng đội. Có lẽ sang năm phải bố trí thời gian để đi thăm nhau, hàn huyên về thời trai trẻ, về một thời đạn bom, một thời hào hùng. Thời gian trôi nhanh quá. Tóc bạc tự khi nào chẳng biết. Ông còn có con, giờ có thêm thằng cháu ngoại. Tre già măng mọc. Dẫu các con nó có thế nào rồi chúng cũng nhận ra những sai lầm của nó. Chúng sẽ nhận ra những giá trị đích thực của cuộc đời. Ông nghe tôi. Ông buồn phiền, bà sầu não, các con nó biết đấy. Tôi với nhà tôi thời son trẻ xa nhau, khi già rồi mới ở gần nhau nên tre già mà không có măng để mọc. Có lúc hai vợ chồng tôi cũng suy nghĩ, xong phải tìm lối thoát cho mình, ta vui với cháu. Khối người còn không bằng ta? Ông Bính ạ!
Tiếng cái Phượng ho khục khặc trong buồng. Chắc Phượng đã nghe rõ những điều ông Hai Bốn tâm sự, động viên bố mẹ.
Phượng lấy lược chải lại mái tóc cho gọn gàng rồi bước ra ngoài. Phượng chào mọi người rồi nói:
- Cháu đã nghe rõ những lời của bác Hai Bốn và bố mẹ cháu. Cháu nhận ra lỗi lầm rồi. Các bác, các cô hãy tha thứ cho cháu. Có lẽ hết tuần này cháu ở với bố mẹ. Cô Hồng ơi, cô ra ngoài này với cháu?
Nghe Phượng nói, bà Hồng đứng dậy đi theo Phượng. Phượng tìm một chỗ xa nhà, rộng rãi nói chuyện với bà Hồng.
- Cô ngồi xuống đây với cháu. Cháu sẽ nói nỗi khổ tâm của cháu để cô nghe. Xong có một điều cô đừng nói lại với ai, ngay cả với bố mẹ cháu!
Bà Hồng thì thụt bên tai Phượng:
- Chuyện gì mà quan trọng thế cháu?
- Chuyện đàn bà thôi.
- Ừ, cô nghe. Cô hứa với cháu chỉ mình cô biết!
Phượng chậm rãi nói:
- Từ ngày cháu lấy Lương cháu mới biết Lương không còn là đàn ông. Cô ơi, cháu không hiểu sao Lương lại như vậy? Bộ phận sinh dục của Lương không có, tất cả bằng phẳng như đám cỏ rối.
Bà Hồng không tin vào tai mình. Bà hỏi lại:
- Cháu đã kiểm tra kỹ chưa? Làm gì có chuyện ấy?
- Cô ơi, chuyện vợ chồng làm sao cháu nói sai được. Có lẽ ngày bé Lương làm sao đấy nên bị người ta cắt bỏ đi, đến một chút cũng không còn!
- Thế cu Mẫn ở đâu ra?
- Cu Mẫn không phải con Lương, cu Mẫn là của người khác cô ạ!
- Người khác là ai? Ở đâu? Nói rõ cô nghe?
- Của một quan chức ngoài Hà Nội.
Với linh cảm của phụ nữ, bà Hồng tin Phượng nói thật. Bà nghĩ: “Thế thì mọi rắc rối sẽ bùng nổ từ đây. Từ cái tạo hóa chỉ giành riêng cho loài người sau hàng triệu năm tiến hóa!”
Trong nhà mọi người thấy Phượng và bà Hồng ở ngoài lâu nên bảo bà Tư ra gọi:
- Có chuyện gì mà hai cô cháu tâm sự kỹ thế? Cái Phượng vào cho con mày bú đi. Thằng cún nó dậy đòi ăn rồi!
- Vâng ạ. Ta vào nhà thôi cô!
Đêm xuống. Làng Vàng như phập phồng trong màn sương. Chiếc màn khổng lồ ấy đang ru ngủ bao số phận. Ông Hai Bốn và mọi người ra về. Ông Mạnh rọi đèn pin loang loáng trên đường, trong các bờ bụi gần xa như báo con Mực có đi đực cái ở đâu thì biết đường mà về. Ông Hai Bốn nói:
- Tầm này con Mực không về là mất đứt rồi!
(Còn tiếp)
Phan Đạt Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét