Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

ĐẦU XUÂN THÌ THẦM VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI


Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên

          TS. Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên

          Gần đây thơ Nguyễn Khôi xuất hiện khá nhiều và đều đặn trên các trang báo mạng. Phần  lớn thơ anh là những bài thế sự, thời sự, chính trị mang tính ứng tác về cuộc sống diễn ra quanh ta. Kể ra, đã qua độ tuổi xưa nay hiếm từ lâu, nay bước vào độ tuổi 80 sức làm việc ấy cũng thật đáng nể. Nó hứa hẹn những bài thơ mới tươi rói đầy triển vọng. Nhà thơ Lê Mai thẳng thắn cho rằng: Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng!  Nhưng thơ Nguyễn Khôi cuốn hút rất nhiều người đọc. Từ nam phụ, lão ấu. Từ những vị ni cô, sư nữ ở chùa tận Bình Dương và Huế cho đến những phụ nữ có học vấn, học hàm học vị cao ở trường ĐH Quốc Gia. Có người kín đáo thư từ cho Nguyễn Khôi, có người thì công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà thơ  trên facebook.
Nó có sức ma mị. Điển hình phải kể đến một số bài tiêu biểu, chẳng hạn:
          Đâu có phải bờ sông Lô hoang vắng
          Gió dập dờn mây trắng ngút ngàn lau
          Sông cứ chảy vờn sau tà áo trắng
         Mặc thời gian như nước chảy qua cầu…
                       (Chiều phố Vọng)
          Hay trong bài “ Gửi em – Pairis Mùa thu tím”:
          Thôi, mai em về Cửu Long giang cuộn sóng
           Nhớ sông Seine... thời khắc chẳng ngừng trôi
          khung cửa hẹp
          ôi thu, hừng sắc tím
          tím cả hồn thơ thả mộng lên trời...
                         (Gửi em – Paris mùa thu tím)
          Xưa nay chỉ thấy các thi sĩ nói về màu tím tình yêu, chứ còn nói “Paris mùa thu tím” thì đúng là chỉ có ở … Nguyễn Khôi.
          Hay bài “Gửi Tuyên Quang” – một bài thơ hay của Nguyễn Khôi, có những câu thơ xuất thần, bảng lảng, lay động lòng người:
          Từ thượng nguồn ai trông về cuối bãi
          Để ai kia khắc khoải những mong chờ
          Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
          Gieo vào lòng một chút sóng Sông Lô ...
          Cách nay hơn một tháng vào cuối năm Bính Thân, “chút sóng sông Lô” ấy đã làm xao động sóng sông Hồng.
          Trong bài tứ tuyệt “Ao làng”,  Nguyễn Khôi viết:
          Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
          Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
          Cái đêm hè ấy ai ra tắm
          Để cả bầu trời phải tắt trăng.
                               (1995)
          Nhiều người cho rằng đây là bài thơ hay. Nhà ngôn ngữ học hàng đầu Hồ Hải Thụy  nói ước gì được về tắm ở cái ao làng ấy lấy một lần trong đời. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim thì cho rằng chữ “tắt” trong “Để cả bầu trời phải tắt trăng” không thể thay thế bằng một chữ khác. Chúng tôi lại không nghĩ thế. Nhà thơ Lê Mai cho rằng chữ “tắt”  là tả thực chỉ hành động, dùng ở đây không thật tinh tế và không được “thơ” lắm! Có kẻ nghịch ngợm, ngỗ ngược cho rằng nó gợi cho ta liên tưởng tới chu kì của chị em phụ nữ.
Chữ “tắt” hoàn toàn có thể thay thế bằng động từ khác. Chẳng hạn, ta thử thay bằng “lịm” hay “khuất” :“Để cả bầu trời lịm ánh trăng” nghe có vẻ ổn hơn. “Lịm” như một ngọn đèn vụt sáng trước khi tắt, thực tế làm tỏa  sáng rực cả bài thơ. Như vậy nói không thể thay thế là hơi vội vã và  hoàn toàn không có cơ sở!
          Trong bài “Đêm Châu Mộc” viết ngày 15/4/1963 cách nay đã hơn 50 năm; tác giả đã nhậy cảm từ lâu, trong khi mọi người còn “ mê ngủ” , vẫn say mê với bài thơ “ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng “ của Tố Hữu , thì Nguyễn Khôi đã viết :
          Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “ tác”
         Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
          Mới hay cuộc sống còn đói khát
          Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn
          Theo chúng tôi đây cũng là một bài thơ hay của Nguyễn Khôi. Hai câu đầu là tả thực. Hai câu cuối có sức khái quát lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở nơi mà đã có “dân đốt nương Núi cháy xém vầng trăng”, tàn phá rừng, hủy hoại môi trường như thế thì không còn nghe thấy tiếng “nai tác”được nữa. Có chăng chỉ còn nghe tiếng thạch sùng mà thôi!
          Đọc đến đây người viết bài này nhớ đến giai thoại về bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế” đời đường cách nay đã hơn một ngàn năm:
          Trăng tà bóng quạ kêu sương
          Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ
          Thuyền ai đậu bến Cô Tô
          Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
          Dù sao giai thoại cũng chỉ là giai thoại. Xưa nay người ta đã bàn nhiều về cái sự vô lý trong những bài thơ hay. Có giả thuyết cho rằng, sự thực thì “nguyệt lạc” (trăng lặn) đã là lúc về sáng rồi. Tác giả đi nằm lúc nửa đêm cứ  mơ màng cho đến khi chợt tỉnh và bị ảo tưởng về thời gian nên cho là mới có nửa đêm.
          Nhà thơ Âu Dương Tu đời Tống cho rằng, “Trương Kế vì mê câu văn hay đã làm cho ý văn không được thông; đó là ngữ bệnh (tì vết trong câu văn) vậy.
          Nhưng chúng ta cũng không nên bới lông tìm vết làm gì”.
          Ở đây Nguyễn Khôi chắc cũng trong cơn ngái ngủ, mê sảng mà nghe thấy tiếng “nai tác”. Vậy nên ta cũng không nên “chẻ sợi tóc làm tư” mà làm gì miễn là đó là thơ hay!

           Mồng 4 tháng Giêng năm Đinh Dậu
                   Nguyễn Ngọc Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét