Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 7)



            Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH
  
            Đã đăng:
         
          VII

          Đời sống vật chất, tinh thần của người dân làng Vàng đến chục năm nay không phát triển. Kinh tế gia đình dẫm chân tại chỗ. Kẻ vào tù đày, người chết sập hầm do đi đào vàng trong núi xanh núi đỏ, kẻ chết giữa đồng do trời mưa sét đánh, do phóng xe máy vào đầu ô tô như để tự sát… Rồi ốm đau, trộm cắp hoành hành, đánh chửi nhau… Dân làng Vàng tìm ra lời giải đáp là “Ngày xưa trong làng có ngôi chùa thiêng lắm. Những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, người ta đập phá đi, khiến các thánh thần không nơi trú ngụ phải lưu lạc ngoài trời nên các ngài bắt tội. Người dân làng Vàng muốn sánh vai các làng bạn thì phải xây dựng lại chùa”.

          Ông Hai Bốn về nghỉ hưu đã chín năm. Ông không có con người ta bảo ngày trước ông theo tiền nhân đi phá chùa chứ đâu phải cái gì khác. Ông nghe chỉ cười. Tuy vậy trong tâm tư ông cũng muốn phục hồi lại ngôi chùa để người già trong làng mỗi khi ngày rằm, ngày một, ngày tết có chỗ hương khói thỏa mãn tâm linh.
          Sáng nay ông Hai Bốn chủ động lên xã làm việc này với lãnh đạo địa phương. Sau khi nghe ông trình bày xã bảo: “Trong xã có chùa rồi thì cần gì phải làm.” Ông Hai Bốn không chịu. Ông lập luận không phải làng Vàng giờ mới xây mà là trả lại cái ngày xưa đã có. Ông còn khẳng định các cụ thời xưa đâu có tùy tiện xây chùa làng Vàng. Con cháu đừng có phỉ báng các cụ! Lãnh đạo xã nghe ông nói căng đành ủng hộ. Xã trao cho ông cái quyền rơm vạ đá đi vận động bà con quyên góp tiền của. Xã chỉ cấp có một phần. Ông Hai Bốn không nản. Ông đã nghĩ kỹ cái gì được lòng dân thì khó mấy cũng làm được. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chẳng khẳng định sức dân vô địch là gì. Ông tin vào một ngày mai ở làng Vàng này sẽ hiện hữu một ngôi chùa với vóc dáng như nó đã từng có.
          Tại bàn làm việc của xã, ông Hai Bốn soạn ngay cái “Thông báo lấy ý kiến của các bậc cao niên trong làng Vàng” để phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã ký một bên, ông ký một bên.
          Một lát sau cô nhân viên máy tính đánh máy xong cho ông tờ thông báo. Ông Hai Bốn đọc lại rồi đưa cho phó Chủ tịch xã. Vị phó Chủ tịch xã tròn hai mắt vì lời lẽ văn phong của ông. Ông Hai Bốn nói:
          - Tôi viết thế được chưa?
          - Bác ký trước rồi đưa cháu ký đóng dấu. Cháu sẽ cho dán tại trụ sở ủy ban.
          - Chưa đủ. Anh phải phô tô gửi đến từng nhà các bậc cao niên. Làm thế mới được. Nó thể hiện sự trang trọng. Ngày mai anh cho gửi ngay. Tôi cũng đợi cái tờ “Thông báo” này ở nhà đấy?
          Ông Hai Bốn rời văn phòng phó Chủ tịch xã, ông còn nghe rõ lời cô nhân viên nói:
          - Mai cháu gửi sớm cho ông.
Chẳng hiểu sao ông Hai Bốn quay ngoắt lại nói với cô nhân viên ủy ban:
          - Không phải thông báo này của bác. Nó là của dân đấy! Cháu nên nghĩ rộng, nghĩ sâu nhé.
          Trên đường về nhà ông Hai Bốn chợt nhớ chuyện vợ ông kể đêm qua. Ông rẽ vào nhà Kết.
          Kết có tên đầy đủ là Mai Duyên Kết. Năm nay Kết đã hai mươi tám tuổi. Kết mới ra tù được gần năm. Dân làng Vàng không ít người thường nói sau lưng Kết là “Thằng lõi đời ăn cắp, lõi đời ở tù”. Ông mới chạm cổng nhà Kết thì hai con chó đã hồng hộc chạy ra. Con chó cái mới đẻ tỏ ra hung dữ nhất. Nó bám chân vào cổng nhe răng, gầm gừ.
          Ông gọi:
          - Có nhà không Kết ơi! Bác Hai Bốn đây!
          - Có ạ! Bác đợi cháu một lát để cháu xích chó lại đã!
          Khi đã xích hai con chó dữ lại, Kết ra mở cổng. Kết mời ông Hai Bốn vào nhà.
          - Hai cụ đi đâu chơi rồi phải không cháu?
          - Vâng, bố mẹ cháu về quê từ chiều tối qua.
          - Cháu làm gì mà đổ ngô ra thế này?
          - Đây là ngô giống lấy từ xã về để trồng đợt tới. Bác xem hạt to và đều lắm. Thứ ngô này đã được ngâm tẩm hóa chất nên không bị sâu mọt ăn. Vô phúc cho người nào không tin vào sự thật mà rang ăn, chết là cái chắc! Bác còn nhớ đứa cháu ngoại nhà bà Mật không? Thằng bé chết oan vì người lớn? Có ai như bố mẹ nó liều lĩnh rang ngô giống để cả nhà ăn! Nó bé nhất nên bị nhiễm độc nặng!
          - Bác có nhớ vụ việc đau lòng ấy! Còn cháu nói không tin vào sự thật là cháu ám chỉ cái gì?
          - Ồ, không. Cháu nói thế có ám chỉ cái gì đâu! Bác lại suy diễn bắt bẻ cháu
          - Ờ ra thế. Bác biết rồi! Nhưng cháu phải nhớ bận sau nói cái gì thì phải rõ! Không nói rõ người ta dễ hiểu nhầm. Cháu đang nấu rượu phải không?
          - Vâng! Cháu xuống lấy rượu, bác cháu mình làm đôi chén nhé? Cái thuở trong tù cháu học được cách nấu rượu từ mấy người bạn.
          Nhanh như cắt, Kết xuống bếp lấy chai rượu và đĩa lạc rang lên nhà. Kết mở tủ lấy ra hai chiếc chén sành khá đẹp.
          - Bác vừa nãy phê bình cháu nói không đúng, cháu tiếp thu.
          - Bác cũng nghĩ thế. Mình sai mình sửa là mình chỉ tốt hơn. Ờ, Kết này? Bác cũng thích uống nước trà, uống rượu bằng loại cốc sành bằng chôn này. Nó tuy mộc mạc nhưng có cái hay riêng, các loại chén khác không có được.
          Kết nghe ông Hai Bốn tán tụng cốc rượu quê mà buồn cười. Kết nói:
          - Chỉ có chén rượu xoàng mà bác nói cứ như nhà văn, nhà thơ vậy. Nào, cháu kính bác…
          Chai rượu trên bàn cứ vơi dần. Lượng rượu ngấm trong người ông Hai Bốn như muối bỏ bể. Nhưng với Kết nó đã ở độ “Thăng hoa”. Kết sang sảng đọc thơ: “Quanh hồ gươm không ai bàn chuyện vua Lê.” Kết dừng ở đấy không đọc tiếp hoặc không thuộc ông Hai Bốn không biết. Kết ngồi im lặng.
Ông Hai Bốn biết Kết sẽ dãi bày thật lòng với ông qua câu thơ vừa đọc. Ông nhìn Kết bằng ánh mắt chân tình, đôn hậu. Kết nhìn ông rồi rót rượu mời ông và uống tiếp. Bờ môi Kết mấp máy. Kết lại đọc thơ: ”Tôi qua đi một thời con trai. Em qua đi một thời con gái. Và cả nữa một thời trẻ dại…”
          Ông Hai Bốn hỏi Kết:
          - Năm nay cháu Kết hai mấy tuổi đấy nhỉ?
          Kết ngả nghiêng người, chuếch choáng nói:
          - Cháu gần ba mươi rồi.
          - Gần là bao nhiêu? Nói cho chính xác!
          - Báo cáo thủ trưởng cháu hai mươi chín tuổi ta rồi ạ!
          - Đã “Thủ trưởng” là phải xưng tôi đồng chí Kết ạ. Nói cho vui, cháu xem trong làng có đám nào thì nhắm đi?
          - Bác bảo trong làng Vàng này, trong xã này có đứa con gái nào chịu lấy cháu? Một thằng tù có lắm tiền án, tiền sự, bất hảo. Bác có biết họ gọi cháu là “Thằng lõi đời trộm cắp, lõi đời ở tù” không? Bác cả đời binh nghiệp xa quê, bác không biết thôi. Họ nói đúng đấy! Năm cháu mười hai tuổi đang học lớp bốn thì bỏ học. Cháu học dốt lắm! Lũ bạn học của cháu bây giờ nhiều đứa là kỹ sư, là giáo viên trong huyện đấy? Tuổi thơ của cháu chỉ nghịch dại thôi. Cháu ăn cắp từ thuở nhỏ. Lúc đầu là cái bút của bạn, là ổ trứng, là con gà của hàng xóm. Sau đến xoong nồi, loa đài, cát sét, xe đạp, đồng hồ,… của xóm khác… Dạo ấy cháu còn nhỏ nên chỉ bị địa phương nhắc nhở… Lớn lên chút nữa cháu nhảy tàu Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai buôn gian bán lận. Cháu ăn cắp cả hàng, cả tiền của bạn buôn. Đận ấy cháu bị chúng đánh cho thập tử nhất sinh, vứt cháu xuống đường tàu cho tàu cán chết. May có người cứu không chỉ vài phút nữa tàu hỏa xé xác phanh thây cháu rồi. Năm mười tám tuổi, bạn bè trang lứa đi bộ đội nhiều lắm. Cháu trốn đi nơi khác hết đợt tuyển quân mới về. Cũng năm này anh trai cháu lấy vợ. Đám cưới đông người lắm xe. Cháu “Chôm” chiếc xe máy mới tinh của phó chủ tịch huyện biến ra Hà Nội bán được mười triệu đồng. Có tiền cháu xuôi Hải Phòng đánh bạc. Được gần hai ngày hết sạch. Cháu về nhà thì bị bắt. Lần ấy cháu ngồi tù mấy năm rồi được tha. Ở nhà gần năm cháu đi đào vàng ở Thái Nguyên. Bọn “Bưởng” vàng toàn đầu gấu, tàn nhẫn. Tụi chúng ăn hiếp nhiều người như cướp giật, đánh đập, chửi bới, hãm hiếp phụ nữ. Những người này họ đều là dân lao động nhà quê. Đến cháu chúng cũng không tha. Một buổi đánh nhau to, cháu nhè thằng “Bưởng” đầu đàn bổ cho nó cái cuốc chim vào đầu. Nó chết tại chỗ, máu phun như tắm, cháu bỏ chạy không đứa nào dám đuổi theo. Lần ấy cháu nhận án mười năm. Sau do cải tạo tốt, cháu được giảm xuống có sáu năm, rồi xuống bốn năm… Nào uống tiếp đi bác
          Kết tiếp tục kể:
          - Mồng hai tháng chín năm ấy cháu ở diện được đặc xá nhưng cửa nhà giam lại khép lại. Cháu tù thêm một năm nữa.
          - Tại sao?
          - Trước ngày được tha dăm hôm, phòng giam cháu tiếp nhận thêm một tù nhân mới.
          Kết dừng lại không nói nữa. Sự im lặng của Kết dường như biểu lộ sự tiếc nuối gì đó. Có thể chỉ vì một sai lầm nhỏ bé, bột phát mà Kết phải ngồi trong tù bóc lịch một năm nữa.
          Ông Hai Bốn đợi cho Kết nuốt xong cái cục nổi lên ở cổ cứ chuồi lên rồi chuồi xuống dăm lần bảy lượt mà vẫn mắc chưa xuống. Ông Hai Bốn tìm cách giải thoát cho nỗi uất nghẹn của Kết bằng cách:
          - Nào uống đi cháu. Rượu ngon quá! Bữa nay bác phải uống với cháu đến say bác mới về.
          Uống xong chén rượu giải “Ùn tắc” trong cổ, Kết nói tiếp:
          - Phạm nhân mới là một quan chức nhà nước, chắc chắn chức vụ lớn. Ông ta đẹp lão, da đỏ, tóc bạch kim, béo phục phịch, đôi mắt đặc biệt ranh mãnh sau cặp kính trắng. Ông ta nói: “Tôi vào tù vì tội tham ô tài sản nhà nước. Tôi chỉ là vật thí mạng cho thằng sếp của tôi. Nó bỏ túi hàng trăm tỷ đồng mà còn được nhận huân chương lao động, chờ phong anh hùng lao động nữa…” Bọn tù cũ nghe tù mới kể chuyện mà máu cứ sôi lên. Nếu có thêm cái thằng ấy vào đây chắc bọn cháu giết chết nó rồi! Cuộc đời chó đẻ đến thế! Con mèo ăn vụng miếng thịt bị đánh cho đến phọt cả cứt, con hổ bắt cả con bò thì cứ im như thóc?
          - Như thế thì liên quan gì đến một năm bóc lịch thêm của cháu?
          - Vấn đề là thằng này nó lừa dối bọn cháu. Nó vào tù vì tội giao cấu với bé gái tuổi vị thành niên ngoài khách sạn, nhà nghỉ nào đó.
          - Sao tụi cháu biết?
          - Chính cái hôm tù nhân được ra ngoài, bọn cháu mới rõ.
          - Ờ, ra thế, bác hiểu rồi.
          - Trước đấy tụi cháu không nghĩ thế. Ở trong phòng giam nó còn ôn tồn, thư thái nói: “Anh vào tù vì tiền bạc. Ra tù anh sẽ xuống tóc lên chùa xám hối. Của thiên rồi cũng trả địa thôi. Ngày ra tù anh mà gặp các chú, anh sẽ đưa mỗi chú vài trăm triệu đồng. Anh nói thật đấy. Với anh vài tỷ đồng tặng các chú chỉ như muối lấy từ biển thôi!” Nó móc tiền trong người ra cho bọn cháu mỗi đứa hai trăm ngàn đồng. Mặt nó hiền khô, u uẩn, hiền từ như đức phật ra tay cứu nạn, cứu khổ chúng sinh… Thằng lưu manh có hạng này nói dối hơn cuội. Nó lừa tụi cháu như phù thủy… Không hiểu nó học ở đâu cách giải hạn, giải sui, cách hên của thằng Tàu khựa bằng cách phá trinh khốn nạn ấy?
          - Tụi cháu giết nó à? Đánh nó à?
          - Không. Nếu giết nó có tù mọt gông!
          - Thế làm gì nó?
          Ông Hai Bốn từ ngày về nghỉ hưu sống nơi miền quê, ông đã mộc mạc, chất phác, thật thà như củ khoai củ sắn. Cái lối tư duy lắm chiều đa hướng ngày trước trong ông đã mất. Ông ngây ngô hỏi lại Kết:
          - Tụi cháu làm gì người ta mà phạm thêm tội?
          Kết cầm chén rượu uống quên cả chạm chén mời ông Hai Bốn. Uống xong Kết “Khà” tiếng khá dài rồi nói:
          - Bọn cháu nói với nó “Sai ở đâu thì phải sửa ở đó” Nó chưa hiểu ngầm ý nên nói họa theo “Đúng đấy, sai đâu ta sửa đấy!” Bọn cháu xúm lại vật nó ra. Cởi áo quần nó, bịt cái quần đùi của nó vào miệng. Nó kêu không ra tiếng. Mấy tờ bạc hai trăm ngàn đồng nó đưa vừa nãy bọn cháu chụm lại, bật lửa châm đốt vào bộ hạ nó. Thần lửa cháy xèo xèo cái vũ khí đã hại đời bé gái. Phòng giam tỏa mùi khét lẹt bay cả ra ngoài… Thế đấy…
          Ông Hai Bốn nghe Kết kể xong, ông toát cả mồ hôi mặt. Ông lấy mùi xoa thấm những giọt mồ hôi lớn trên trán. Ông lủng bủng trong miệng:
          - Không còn là con người nữa! Phần người thì ít, phần con thì nhiều! Khốn nạn đến thế là cùng!
          Kết mặc ông Hai Bốn ngồi một mình. Kết xuống bếp nhóm lửa ốp nếp bốn quả trứng gà mang lên. Kết rót rượu ra chén nói:
          - Chuyện ấy qua lâu rồi bác. Bây giờ cháu đã là người lao động, làm giàu chân chính trên quê hương mình. Bác cháu mình cụng chén. Bác dùng trứng đi, gà nhà cháu đẻ đấy!
          - Ngày trước bác cũng đã từng ngồi tù dưới chế độ cũ. Bác biết!
          - Bác tù là vì dân, vì nước. Mọi người kính trọng bác. Cháu tù vì hại dân, hại nước. Người đời phỉ nhổ vào mặt.
          - Cháu bây giờ là công dân. Không ai phỉ nhổ cháu. Đừng mặc cảm thế cháu! À, sang năm cháu lấy vợ đi. Vừa nãy bác cháu mình đang nói dở chủ đề này.
          - Chuyện vợ con cháu đã nghĩ, đã làm nhưng không thành. Đã không thành lại còn bị người ta chửi cho nữa.
          - Cháu nói cái gì mà chửi bới gớm thế?
          - Vợ của Lương chủ tịch bây giờ chứ còn ai nữa. Rõ khổ cho cô ấy! Câu thơ cháu đọc cho bác nghe vừa nãy là nói về Phượng, về cháu đấy.
          - Ờ, bác nhớ rồi. Gì nhỉ “Anh qua đi một thời con trai. Em qua đi một thời con gái. Và cả nữa một thời trẻ dại”
          - Ngày Phượng chưa lấy Lương chủ tịch, Phượng mới lưu lạc về, Phượng có mở quán bán hàng ở ngã ba cây gáo đầu làng, cháu có vài lần đem rượu cho Phượng bán. Thôi thì khách làng Vàng mua dăm đồng, mua tiền ngay, mua chịu có cả. Khách phong trần, làng chơi rú xe máy về mua thì ít, trả tiền thì nhiều. Những tờ bạc trăm mới cáu cạnh xoàn xoạt chảy vào túi Phượng kèm theo những cái nhìn lẳng lơ, đĩ thõa từ hai phía. Nói thực với bác ngày ấy cháu muốn Phượng làm lại cuộc đời, cháu muốn cưới Phượng làm vợ. Có một tối ra chơi cháu nói với Phượng: “Phượng này, tớ là trai hảo hán, Phượng là gái giang hồ. Nay cả hai dừng bước giang hồ, về quê làm ăn, sống ý nghĩa cho cuộc đời còn lại. Tớ nói thật lòng muốn cưới Phượng làm vợ. Nếu Phượng đồng ý tớ về nói các cụ sang nhà thưa chuyện với hai cụ bên ấy, Phượng nghĩ sao?” Bác có biết Phượng nói gì với cháu? Phượng cười rồi nói: “Việc này anh nghĩ kỹ chưa mà nói thế?” Cháu thấy vui trong lòng. Cháu bảo Phượng: “Anh sang Phượng bao lần đem rượu cho Phượng bán, rượu chỉ là một lẽ. Việc lớn là anh đã nghĩ về Phượng, đã yêu Phượng.” Đợi cháu nói xong, Phượng bảo: “Anh Kết đã nói thật lòng với tôi. Tôi không có lý do gì không thật lòng với anh. Anh có điên không đấy? Làm sao anh lấy được tôi? Tôi là phụ nữ chân yếu tay mềm, hèn kém, nghèo khổ, tôi cần có chỗ dựa là người chồng đem lại hạnh phúc cho tôi.” Nói xong Phượng nhìn cháu thở dài. Cháu bảo Phượng: “Anh sẽ là người chồng đem lại hạnh phúc cho Phượng.” Nghe cháu nói Phượng cười bảo: “Anh hiểu chữ hạnh phúc của tôi đơn giản quá! Anh là kẻ tay trắng, tôi là người trắng tay làm sao hạnh phúc được! Có lẽ cái trán của anh ngắn như loài linh trưởng nên chỉ nghĩ được có vậy! Anh trên răng dưới dái mà cũng đòi lấy tôi à? Tôi nói nặng lời anh đừng tự ái, đừng giận tôi nhé. Anh về đi! Một người như anh có thời gian ở tù nhiều hơn thời gian đi học! Anh về đi, đừng đứng thần mặt ra đấy. Tội nghiệp lắm! Anh chỉ là đứa ăn cắp vặt! Khối thằng ăn cắp cả trăm ngàn tỷ đồng có tù tội ngày nào đâu. Nó thừa tiền để cưới hoa hậu, mua nhà biệt thự, tậu xe hơi, nay ngủ với em này, mai ngủ với em khác. Anh xoàng xĩnh, hèn kém lắm, thế mà dám xưng hảo hán với tôi à?”. Bác thấy chưa? Một đứa từng làm đĩ bốn phương còn lên mặt dạy cháu, chửi cháu… Thôi, chuyện vợ con của cháu chắc đa đoan lắm! Kệ nó bác ạ!
          - Cái thằng! Giờ cứ như chim sợ cành cong! Mới có thế mà đã co cả vòi lại.
         
(Còn tiếp)

PHAN ĐẠT NINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét