Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LÊ TRỌNG HÀM TRONG LĨNH VỰC THƯ MỤC HỌC


Tác giả Trần Mỹ Giống

          Trần Mỹ Giống

          Lê Trọng Hàm tự Quốc Ninh, hiệu Đông Giang, Nam Á Dư Phu, Nam Sử Thị, tục gọi Nhì Hàm, sinh năm Nhâm Thân (1872) (có tài liệu viết ông sinh ngày 12 - 6 năm Quý Dậu 1873), mất ngày 2 tháng 9 năm Tân Mùi (1931), quê làng Hội Khê Ngoại, huyện Giao Thuỷ nay thuộc xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
          Ông là một nhà nho yêu nước, cần cù sưu tầm tài liệu, biên soạn sách và sáng tác thơ ca tuyên truyền lòng yêu nước trong nhân dân. Tính ông rất hào hiệp, thường chu cấp tiền gạo cho học sinh nghèo ăn học và nuôi các nhà nho trong nhà viết sách.

          Khoảng năm Nhâm Tuất Khải Định (1922), ông thành lập và đứng ra làm Hội chủ Nam Việt Đồng Thiên hội. Hội thu hút được nhiều nhà nho địa phương tham gia. Hoạt động chủ yếu của hội là biên soạn bộ Minh Đô sử. Sau 10 năm làm việc chuyên cần, hội đã hoàn thành bộ Minh Đô sử.
          Thư viện gia đình của Lê Trọng Hàm có trên 2.000 sách xếp trong 20 tủ gỗ có cánh. Sách được đóng dấu “Xuân Hội - Lê Thị Gia Tàng”. Thư viện này hai lần bị tịch thu trong thời gian Kháng chiến chống Pháp và trong Cải cách ruộng đất. Con cháu Lê Trọng Hàm cất dấu được một số cuốn sách quý, sau giao lại cho Viện sử học, đích thân ông Nguyễn Đổng Chi nhận, trong đó có bộ Minh Đô sử và bộ Đại Việt sử ký toàn thư (bản khắc đời Cảnh Thịnh).
          Theo thống kê chưa đầy đủ của Thư viện tỉnh Nam Định, Lê Trọng Hàm có trên ba mươi tác phẩm viết về sử học, địa chí, ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, sách giáo khoa, văn học nghệ thuật... như: Á châu tôn giáo (3 quyển), Bách niên nhân vật kỷ, Bảo Hán châu liên (10 quyển), Bùi gia huấn hài chú thích (giáo khoa), Cường dư (20 quyển, tóm tắt tri thức khoa học tự nhiên và xã hội), Di quyết văn (2 quyển, giáo khoa, những bài văn hay), Đại số học đại biên, Đàm Hoa pháp tự, Đăng khoa bị khảo, Đông cầu văn hoá sơ giải, Hải Nam văn chiến (20 quyển), Hán tự phong giao (Sưu tầm Ca dao sáng tác bằng chữ Hán), Hoàn hải kính đài (3 quyển, địa lý các nước), Hội Khê địa bạ, Kinh học chính tôn, Lê gia tộc phổ (2 quyển), Nam học tinh hoa (10 quyển), Ngũ truyện văn thông (15 quyển, tìm hiểu 5 nhà bác học Trung Quốc), Phạm Chỉ Trai văn tập (3 quyển, sưu tầm các tác phẩm của Phạm Thế Lịch), Phần hương chính yếu (Phong tục, lễ hội của làng Hội Khê Ngoại), Quảng tiếu lâm thư (sưu tầm truyện cười dân gianViệt Nam), Quế Hải văn kỳ (10 quyển, Các tác phẩm cổ văn chữ Hán của vùng đất Nam Định), Quốc sử quy tôn (50 quyển bản thảo), Quốc văn (7 quyển, tập hợp văn thơ Nôm hay), Thi gia tương độ (10 quyển), Thổ âm chính biên, Ty vô cao sử (3 quyển ), Vạn tự liên châu (2 quyển, giáo khoa)... Ngoài ra, ông còn nhiều thơ, ca dao có giá trị nuôi dưỡng và khích lệ lòng yêu nước được lưu truyền trong dân gian.
          Trong việc biên soạn bộ Minh Đô sử, Lê Trọng Hàm đóng góp nhiều công sức và trí tuệ. Ông vừa là người chủ trì, lo kinh phí cho hội hoạt động, vừa làm công việc trực tiếp biên soạn của một soạn giả. Một số tác phẩm của ông đã được đưa vào trong Minh Đô sử như: Hán văn Nam kỵ khảo (Sách 1), Mạc Kính thao truyện dịch thuật (Sách 46), Thuỷ tử ca (Sách 20)...
          Minh Đô sử gồm 93 quyển chính và 7 quyển phụ được chia làm 48 sách. Sách chép tay trên giấy bản thường, khổ 28 cm x 16 cm. Bản Minh Đô sử hiện còn lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu HV285 thiếu 4 sách (số 32, 43, 44, 47). Tổng cộng 44 sách hiện còn gồm 3856 tờ, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 26 chữ. Chữ viết đá thảo, không đẹp nhưng dễ coi.
          Tên sách đầy đủ là Tân đính Nam Á Đại Minh đô đế quốc, quốc sử vựng toản xuân thu đại toàn. Như vậy, Minh Đô sử chỉ là tên gọi tắt của bộ sách. Theo cụ Đoàn Ngọc Phan viết trong cuốn Tác giả thơ văn Hán Nôm Hải Hậu (Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định xuất bản năm 2001), Minh Đô là tên gọi cũ của quận Giao Chỉ, tức nước ta thời Bắc thuộc. Nhưng trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hoá, 1984, tập 1), cụ Trần Văn Giáp - Nhà Thư mục học Việt Nam giải thích rằng Minh Đô là một danh từ cổ, nghĩa là vùng đất ở phía Nam. Tác giả Lê Trọng Hàm đã theo nghĩa đó đặt tên cho sách của mình, ý muốn nói Minh Đô là sử nước Nam.
          Nội dung sách chép đủ 4 mục: Quốc sử, Liệt truyện, Địa chí, Văn tuyển. Phần Quốc sử được coi là phần chính, các phần còn lại (liệt truyện, địa chí, văn tuyển) chỉ là phụ thêm vào.
          Giá trị cơ bản của Minh Đô sử :
          1- Liên hệ đối chiếu lịch sử Việt Nam với lịch sử Đông Tây trong tiểu mục Trung Tây liệt sử. Điều này góp phần làm rõ bối cảnh lịch sử Việt Nam trong lịch sử thế giới nói chung, giúp bạn đọc sáng tỏ thêm các vấn đề lịch sử nêu trong sách.
          2- Nhiều tài liệu được rút ra trong dã sử, gia phả, thi văn tập, truyền thuyết, văn Nôm về nhiều môn loại... không có trong chính sử và ít người còn nhớ, làm cho tư liệu phong phú và minh hoạ cho lịch sử sáng tỏ hơn.
          3- Lịch sử Tây Sơn được chép thành một kỷ riêng gọi là Tây Sơn kỷ (Quyển 46 - 47, Sách 21 - 27), chứng tỏ tác giả đã nhận thức đúng và coi trọng vai trò của Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
          Các tác giả Minh đô sử đã biến tính chất sử sách của mình thành một bộ bách khoa không đầy đủ, lưu tàng được nhiều tài liệu văn sử quý báu, góp phần gìn giữ cho đời sau các giá trị văn hoá của dân tộc.
          Đặc biệt, trong Minh Đô sử có hai bản thư mục của Lê Trọng Hàm rất có giá trị trong bối cảnh lịch sử thư mục học Việt Nam đương thời phát triển khá chậm so với thế giới và chịu ảnh hưởng sâu sắc kiểu phân loại “Tứ bộ” (Kinh - Sử - Tử - Tập ) của Trung Quốc. Mãi đến thế kỷ 18, Việt Nam mới xuất hiện công trình thư mục Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn và Văn tịch chí của Phan Huy Chú. Hai công trình thư mục tiêu biểu của nước ta thời kỳ đầu hình thành và phát triển thư mục học Việt Nam có hình thức theo kiểu Tứ bộ của Trung Quốc, nhưng đã thể hiện được ý thức bảo tồn di sản văn hoá và tinh thần tự hào dân tộc; Nội dung và phương pháp phân loại sách, miêu tả các yếu tố thư mục hoàn toàn khác với Tứ bộ của Trung Quốc. Lê Trọng Hàm đã tiếp thu được tinh hoa của hai bản thư mục này, phát triển theo quan điểm riêng qua việc biên soạn hai bản thư mục Hoàng Lê tứ khố thư mụcHoàng Nguyễn tứ khố thư mục.
          Hoàng Lê tứ khố thư mục là bản danh mục các sách Việt Nam có từ trước thời Nguyễn, thu thập được 84 bộ sách, chia ra :
          1- Hiến chương loại (8 bộ)
          2- Kinh sử loại (13 bộ)
          3- Thi văn loại (29 bộ)
          4- Truyện ký loại (28 bộ)
          5- Tạp loại (6 bộ)
          Cách phân chia như trên cơ bản như cách chia trong Văn tịch chí của Phan Huy Chú, lấy căn cứ chủ yếu là nội dung sách, nhưng đưa Tạp loại thành một đề mục chính thức. Trong Văn tịch chí, mục Tạp loại (toán, đạo Phật, địa lý...) chỉ là môn loại phụ, gọi là Phương kỹ loại. Đến Hoàng Lê thứ khố thư mục, nhóm tác giả Lê Trọng Hàm đã nhận thức rõ giá trị trong đời sống xã hội của các loại sách trong Tạp loại, đưa Tạp loại thành môn loại chính thức ngang với các môn loại khác. Đó là một nét mới, tiến bộ trong nhận thức của các nhà thư mục học Việt Nam, góp phần đưa công tác thư mục nước ta phát triển thêm một bước.
          Hoàng Nguyễn tứ khố thư mục thu thập các sách từ đầu triều Nguyễn đến đầu thế kỷ 20. Bản thư mục chia làm 5 đề mục:
          1- Thần kinh (Huế ) 20 bộ
          2- Bắc kỳ 70 bộ
          3- Trung kỳ 42 bộ
          4- Nam kỳ 21 bộ
          5- Các nữ sĩ 6 bộ
          Cách chia như trên thiếu thống nhất, trong khi lấy cơ sở chủ yếu là yếu tố địa lý lại có mục chia theo giới tính. Theo cách chia này, nội dung sách không được tính đến. Tuy vậy, bản thư mục cũng có những giá trị nhất định:
          - Góp phần lưu giữ tài liệu, ấn phẩm Việt Nam lâu dài.
          - Thể hiện sự phát triển văn hoá, khoa học, nghệ thuật và tình hình các tác giả của từng vùng địa lý riêng.
          - Việc đưa các tác giả nữ thành đề mục riêng thể hiện sự coi trọng vai trò của phụ nữ, là đòn đánh vào tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ tồn tại từ lâu trong xã hội phong kiến Việt Nam.
          Trên phương diện thư mục học, Hoàng Lê tứ khố thư mụcHoàng Nguyễn tứ khố thư mục đã thể hiện được các yếu tố thư mục rất cơ bản như tên tác giả, tên sách, các chi tiết bổ sung cho tên sách, thời gian xuất bản, tình trạng sách còn hay mất, hình thức in ấn hay chép tay, tóm tắt nội dung, bình luận về sách... Hai bản thư mục của Lê Trọng Hàm đã kế thừa tinh hoa từ các công trình thư mục của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, đồng thời có chỉnh lý, phát triển, sáng tạo, mang sắc thái riêng, góp phần làm phong phú và là cơ sở cho công tác lý luận phân loại sách và thư mục học Việt Nam sau này.

 TMG




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét