Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 19-20)



          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH
 
          XIX

          Bà Ngần đã mồ yên mả đẹp hơn một tháng nay. Tất cả những gì mà Hội lo lắng đã theo bà Ngần nằm sâu dưới mộ. Hội cầm điện thoại gọi cho
Phượng:
          - Phượng à, em ngủ ngon những ngày qua chứ?
          Đầu máy kia Phượng lả lơi đáp lại:
          - Em bái lạy sư phụ đấy! Anh quả là “Bề trên” của em?
          - Đâu phải toàn “Bề trên” kỳ tới này anh xin làm “Bề dưới” nhé?

          - Thôi đi ạ, em chỉ thích là “Bề dưới” của anh thôi?
          - Phượng à, ngày xưa bên Trung Quốc có Ngu ông chuyển núi. Thời nay ở làng Vàng này chắc chỉ có anh chuyển đổi được lòng Phượng. Trên đời này có nhiều kẻ tham: Kẻ tham tiền, kẻ tham danh, kẻ tham tình, đại để như thế… Anh thấy mình là kẻ tham tình. Bởi lúc nào anh cũng thấy nhớ em?
          - Thôi đi ông tướng ạ, vợ có nhà không mà lém thế?

          - Anh cho “Xuất ngoại” rồi! Anh “Cho phép” vợ con mỗi tháng về thăm ông bà ngoại ba lần vào các ngày mười, hai mươi và ba mươi hàng tháng.
          - Anh tâm lý với vợ nhỉ? Anh tốt thật đấy!
          - Tâm lý thì có! Còn tốt cái con khỉ! Anh phải đạo diễn thế mới có ngày dành riêng cho chúng mình chứ?
          - Ôi… Anh đúng là sư phụ, là “Bề trên em” rồi…
          - Thôi nhé, con vợ già anh mới ra chợ về. Để mai nó về quê đã…
          - Ồ, vâng. Khi nào sang em gọi điện báo trước!
          Hội tự thưởng cho mình một chén rượu to. Hội nghĩ về đại hội Đảng bộ xã sắp tới. Ngày đại hội chỉ còn hơn một tháng. Hội biết trong danh sách đề cử có tên của mình. Có một điều bất an trong Hội là danh sách đề cử còn có Nguyễn Mạnh Tuấn- phó bí thư đảng ủy xã đương nhiệm. Tuấn kém Hội năm tuổi và là khắc tinh của Hội. Bởi nhiều lần họp chi bộ Tuấn xuống dự và chỉ đạo đại hội, Tuấn luôn sạc Hội về tội tụ tập người để uống rượu, tội tác phong thể hiện tinh tướng, không quần chúng, vân vân. Tuy vậy Hội lại luôn nhận được sự ưu ái, khen ngợi của bí thư đảng ủy xã như năng động, nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc.
          Bí thư đảng ủy xã là người thân của Tiến anh trai Hội. Những lần ông ta về tỉnh để họp, Tiến thường tặng quà cho ông ta và gửi quà về cho Hội.
Hội lấy thuốc lào ra hút liên tục. Tiếng nõ điếu kêu xé lên, Hội tợp một ngụm nước trà nóng rồi nói:
          - Thằng Tuấn này! Bằng mọi cách tao phải loại mày ra khỏi đảng ủy khóa này, mày đừng mơ cái chân bí thư, huyện ủy viên nhé? Mày chuyên “Chơi” tao phải không? Tao đâu có sợ mày? Đợi đấy!
          Hội dựa lưng vào thành ghế, mắt lơ đãng. Có lẽ chất Nicôtin trong khói thuốc đã thấm vào máu khiến đầu óc, đôi mắt của Hội như tinh quái, như man dại hơn.
          Vợ Hội ra chợ mua chút bánh, lạng thuốc lào để chuẩn bị chiều tối nay sang bên ngoại thăm bố mẹ. Vợ Hội bước vào nhà thấy Hội ngửa mặt nhìn trần nhà, cái nhìn cứ như xa thăm thẳm liền nói:
          - Anh suy nghĩ cái gì mà gớm thế? Vợ vào nhà cũng không biết!
          - Có chuyện này tôi muốn bàn với bà đây?
          - Có lẽ trong cái tỉnh này tôi là người duy nhất được chồng gọi bằng nhiều kiểu? Khi em? Khi cô? Khi bà? Khi mày đấy nhỉ?
          Nghe vợ nói thế Hội xẵng giọng:
          - Lại lắm chuyện? Mình dân nhà quê gọi thế cũng được. Ngoài thị xã đấy, khối nhà cứ anh anh, em em ngọt xớt mà bỏ nhau như thay quần áo. Hay bà thích thế?
          - Vợ Hội thừa biết tính chồng đã nói là vợ chỉ biết có nghe, cấm vặn vẹo, mấy trận Hội cho ăn tát sợ rồi. Những cái tát của bàn tay gấu, nổ đom đóm mắt, chảy máu mồm máu mũi, lằn ngón tay trên mặt.
          - Bà ngồi vào ghế nghe tôi nói đây? Bà có thấy cái thằng Tuấn phó bí thư đảng ủy xã tinh tướng không? Nó ít tuổi nhất so với nhiều người mà ăn nói giọng kẻ cả, bề trên. Nó luôn lên mặt dạy bảo người khác.
          - Ông buồn cười nhỉ? Sao ông cứ gọi người ta là thằng, là con là thế nào? Ông chỉnh lại đi. Mình là người có tuổi rồi ăn nói cho phải đạo. Con cái mình nghe thấy không hay đâu?
          - Bà phê bình tôi gọi họ là thằng là con là đúng nhưng chưa đủ đâu? Bà mới biết cái ngọn chứ không hiểu cái gốc sinh ra cái ngọn? Bà cứ nghe tôi nói hết câu đã?
          - Câu của ông là câu quái quỷ gì mà dài thế vẫn chưa rõ?
          Thấy thái độ của chồng khác lạ, vợ Hội không nói nữa.
          Hội thủng thẳng vê vê thuốc lào nhét vào nõ điếu. Hội châm đóm nhưng chưa chịu hút ngay, khi cây đóm cháy gần hết Hội mới hút. Hội rít một hơi dài rồi ngửa cổ nhả khói. Khói thuốc bay quẩn trong phòng tỏa mùi hôi và khó thở khiến vợ Hội không chịu nổi nhấp nhổm đứng dậy. Hội nói:
          - Bà ngồi xuống nghe tôi nói. Bà thừa biết tôi không phải là người mê tín, không duy tâm, không tin vào ma quỷ, thánh thần… Tôi đã nhiều lần mắng bà tội mê tín dị đoan… Nhưng rất lạ… Lạ lắm… Mấy đêm nay tôi thấy có đức phật về báo mộng. Đức phật nhắc đi nhắc lại tôi không được phỉ báng bà, bà là người có tâm, có đức, có tầm nhìn xa, thấy rộng. Việc làm của bà, đức phật đều biết và đức phật rất hài lòng về bà. Đức phật còn nói với tôi ngày xưa làng Vàng có ngôi chùa thiêng lắm. Ngôi chùa thu hút vượng khí về cho dân làng và đẩy tà khí đi xa nên dân làng Vàng làm ăn thuận lợi, vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng không hiểu sao sau này người ta phá chùa đi, các thánh thần không có nơi trú ngụ. Vì thế đất làng Vàng trở thành đất nghịch, mọi người làm ăn rất khó khăn, kinh tế không phát lên được, rồi sinh ra bao thứ xấu như tham ô, trộm cắp, cửa quyền, bỏ chồng, bỏ vợ, chửa hoang, điên điên dại dại, có kẻ còn treo cổ tự tử nữa…
          - Ông nói gì tôi nghe ghê quá! Ông mơ thấy thế à?
          Hội thừa biết “Liều thuốc” đã có tác dụng vào vợ. Hội vờ không nghe thấy vợ nói mà tiếp tục thôi miên vợ:
          - Cụ nội và ông nội của thằng Tuấn thời trước là kẻ đầu tiên phá chùa và là kẻ phá nhiều nhất. Bố thằng Tuấn sau này bị chết đuối trong trận lụt năm bảy mốt thế kỷ trước là do các ngài trừng phạt chứ đâu phải do cứu người mà chết. Đến giờ thằng Tuấn vẫn nòi nào giống ấy, lấn chiếm đất chùa xây dựng chuồng trâu, nhà xí, nhà bếp… tệ quá. Tuấn lại còn tham vọng chính trị nữa. Đức phật báo mộng rằng một khi Tuấn chưa rời vị trí công quyền địa phương thì dân làng Vàng còn khổ, nhà mình cũng bị các ngài quở trách.
          Rặng cây xoan đào mình trồng trên đất phật phải chặt hết, trả đất cho nhà chùa. Mình phải làm ngay không sẽ muộn. Các ngài nhắc tôi đến ba lần “Không sẽ muộn”. Tôi nhớ lắm giờ hỏi bà đây?
          - Ông hỏi cái gì?
          Vợ Hội hỏi chen vào khi Hội đang cham chảm nói.
          - Có phải sang năm tới là năm hạn rất nặng của bà hay của tôi không? Nếu bà biết thì trả lời còn không bà phải đi hỏi thầy để còn biết mà tránh…
Vợ Hội chạy vào buồng lấy ra quyển sách “Vận hạn năm” rồi giương mục kỉnh đọc. Hội ngồi rít thuốc lào.
          - Thôi chết rồi!
          Vợ Hội kêu lên.
          Hội say thuốc lào thều thào hỏi vợ:
          - Bà đọc sách nói sao?
          - Sang năm tôi gặp hạn nặng! Sao xấu lắm!
          - Sao gì? Hạn gì?
          - Sao Diêm vương, sao Ngũ quỷ!
          - Còn tôi sao gì?
          - Ông saoThái bạch!
          - Thế thì bà phải đi gặp thầy gặp thợ giải hạn ngay, không lại chết ráo cả hai vợ chồng bây giờ!
          Hội thao thao nói, thao thao hỏi nhưng mắt vẫn để ý những động thái của vợ. Hội biết là các hồng cầu trong máu vợ đã tăng, mỗi lúc một tăng nên Hội không nói nữa. Hội biết chắc chắn chỉ ngày mai thôi “Cái đài” chạy bằng cơm canh này sẽ “Phát sóng” khắp làng. Và sẽ có rất nhiều “Đài” khác vểnh “Ang ten” lên để “Thu và phát” rồi còn thêm, bớt “Mắm muối” nữa chứ! Mọi người rồi sẽ rì rầm bàn tán về Tuấn, kẻ nào máu nóng sẽ kích bác, bài xích ra mặt. Tuấn và đồng bọn có muốn dẹp tin tặc này đi thì cũng đã rồi, khác nào “Rắm đã đánh khỏi trôn?” Có giời tìm ra kẻ nói.
          Hội nâng chén trà nóng trên tay nhấm nháp. Thấy vợ lục tục trong buồng bèn hỏi:
          - Bà làm cái gì trong ấy?
          - Tôi phải đi gặp thầy bây giờ!
          - Bà cứ từ từ. Bây giờ biết rồi thì sẽ biết đường tránh. Thế chiều nay hay sáng mai mẹ con bà sang bên ngoại? Bà nhớ phải mua quà bánh cho hai cụ. Con gái chỉ biết lo nhà chồng thì vất đi! Bà nhớ nhắc các con không được tơ hào viên gạch, cân xi của chùa đấy!
          Vợ Hội quần áo chỉnh tề từ trong buồng đi ra với nét mặt “Hình sự” Hội nói:
          - Việc mình mình lo, còn việc người thì mặc kệ người ta. Ai làm người ấy chịu!
          - Không được! Tiên sư cha chúng nó chứ! Thảo nào giàu có như nhà bà Ngần mà cũng không giữ nổi? Tiền bạc đội nón ra đi, con cái hư hỏng rồi lăn ra chết, chồng bán vợ, tan nát bằng hết… Chúng mày tham ở đâu thì tham chứ? Đến chùa chiền cũng không từ… Bởi thế dân làng Vàng cứ mất dần mất mòn lòng tự trọng, mạnh ai người ấy sống, không còn tình nghĩa gì hết, tất cả vì tiền vì bạc, xã hội bon chen, đầy rẫy sự lừa dối, tham ô tham nhũng hoành hành…
          - Bà đừng suy diễn lung tung nữa? Mình cứ biết mình đã! Ngày mai tôi sẽ chặt vườn xoan trả đất cho Chùa để mình yên ổn tâm đức đã.
          - Nhà mình phải trả bao nhiêu mét hả ông?
          - Xấp xỉ hai trăm mét!
          - Còn nhà ông Tuấn?
          - Cỡ ba trăm mét. Đất mình trồng cây là đúng. Còn nhà cha Tuấn xây nhà vệ sinh, chuồng bò, nhà bếp… Toàn thứ uế tạp trên đầu các ngài cả? Bà có nói với người ta thì cũng phải kheo khéo. Tốt nhất là bà lợi dụng người ta nói thay bà.
          - Được rồi để tôi liệu. Còn việc chặt cây, mình ông không làm nổi đâu? Để mai tôi sang bên ngoại nói với cậu Hoán sang làm với ông. Bây giờ tôi đi đã.
          Hội nói là làm. Sáng sớm hôm sau khi cánh thợ xây, thợ mộc lục tục đến xây trát, đục đẽo ngoài Chùa, cũng là lúc anh em nhà Hội vác dao vác cưa ra cưa cắt chặt cây ngoài vườn. Tiếng dao chặt vang lên “Rôm rốp” cả khoảng không gian rộng. Cậu em vợ nhanh thoăn thoắt trèo lên cây chặt hạ hết cành này, cành nọ. Các cành lá đổ rào rào cứ như cảnh công trường làm việc. Lũ chó nhà hàng xóm thấy náo động cứ nghếch cái mõm bẩn thỉu của mình lên trời mà tru mà sủa càng làm tăng thêm cảnh huyên náo.
          Dưới gốc cây Hội hì hục cưa cắt các thân cây xoan thành từng đoạn dài cỡ cột nhà, xếp gọn ngay ngắn thành từng đống.
Mọi người đi qua thấy nhà Hội chặt đốn hết cây liền hỏi:
          - Có việc gì mà nhà ông cưa chặt hết xoan đó?
          Hội lau mồ hôi, đứng lên cười, nói lớn:
          - Đã nhiều năm mình sử dụng đất của Chùa, bây giờ xây dựng lại Chùa mình phải tự giác trả lại đất. Trả đất cho Chùa cứ gì nhà tôi, nhà nào đã dùng đất Chùa cũng phải trả thôi. Tôi biết cũng thiệt hại đấy nhưng không khác được.
          Cánh thợ xây, thợ mộc làm việc cũng dừng tay thêm chuyện:
          - Mấy nhà này có phải trả đất không?
          - Phải trả tất!
          - Thế à? Thế thì bọn tôi rộng chỗ để làm việc rồi. Làm việc mà chật hẹp khó làm lắm! Đã thế trước hết bọn tôi chặt phéng mấy cây ổi xum xuê này đi. Bây giờ ai còn ăn ổi nữa. Ăn vào chỉ tổ ỉa rát lỗ đít. Chặt! Chặt!
          Cánh thợ xây, thợ mộc loáng một cái đã hạ gục mấy cây ổi, cây na, cây cau nhà Tuấn phó bí thư đảng ủy xã rồi kéo chất đống ra cuối vườn.
          Gần trưa Hội bảo cậu em vợ ở lại làm còn Hội về thổi cơm. Hội mừng vui như trẻ nhỏ ngày tết, khi thấy cây cối bên nhà Tuấn bị cánh thợ chặt gần hết. Hội bắt con vịt đang sục cái mỏ trong máng cám, Hội buộc cánh, buộc chân nó lại để lát nữa làm thịt. Hội chất lửa thổi cơm nhưng vẫn để mắt sang phía Chùa.
          Tiếng xe máy “Phình phịch” lao đến. Tiếng người nói:
          - Các cậu xây trát, đục đẽo đến đâu rồi? Nhớ phải làm cẩn thận đấy!
Hội nghe biết liền tiếng ông Hai Bốn. Ông Hai Bốn ngày nào cũng đến kiểm tra công trình vài lần. Đi sau ông Hai Bốn là cánh trong ban chỉ đạo xây dựng Chùa.
          Cánh thợ nhao nhao nói:
          - Mọi người phải học tập cái nhà ông Hội ấy? Ông đã hy sinh hàng chục cây xoan để trả đất cho Chùa. Mấy nhà kia cũng phải chặt cây, phá rỡ các công trình phụ, tường bao thôi!
          Trong đám thợ có người còn đứng chỉ tay cụ thể từng nhà một:
          - Cái nhà ông Tuấn phó bí thư đảng ủy xã phải trả lại nhiều đất nhất. Dãy nhà bếp, nhà vệ sinh, tường bao kia là phải phá hết, cây mít này cũng phải chặt. Kể cũng tiếc đấy, nhưng đếch khác được!
          Hội nhìn giấu mặt qua vách bếp thấy mọi người trong ban chỉ đạo đang đứng nhìn, đang đo đạc bằng các cành cây phần đất lấn của các nhà bên. Ông Hai Bốn nói:
          - Nhà đồng chí phó bí thư Tuấn chắc phải đến vài trăm mét nhỉ? Chỗ này đúng phải rỡ bỏ hết!
          Hội chăm chú nhìn, chăm chú nghe rồi thốt lên “Có thế chứ? Cho chết mẹ mày đi! Mày có giỏi thì chống lại mồm dân! Phen này mất trắng dăm chục triệu đồng là cái chắc!”
          Ông Hai Bốn và ban chỉ đạo đi sang nhà Hội. Hội đang cắt tiết vịt đành nói:
          - Các vị chờ em một chút. Mời các vị vào trong nhà uống nước.
          - Chú Hội chặt hết cây để ngâm à?
          Nghe giọng ông Hai Bốn, Hội thừa biết ông hỏi kiểu gì? Hội cười nói:
          - Ngâm gì ông? Ngày trước không có Chùa thì ai thế nào cứ thế! Bây giờ có Chùa thì phải trả đất cho Chùa. Mình là đảng viên mình phải làm trước dân mới theo. Chặt cả vườn xoan đang đẹp tôi cũng tiếc lắm. Nhưng cũng phải chấp nhận. Đất Chùa ngày trước đâu chỉ vẻn vẹn thế kia? Chùa phải có không gian đủ dài, đủ rộng ở cả bốn phía để trồng cây, làm sân. Kích thước chính xác là bao nhiêu chắc chắn trong sổ sách địa chính của xã còn lưu. Chắc ông còn nhớ ngày trước cứ mồng một, ngày rằm sân sân chùa lại đông đúc bà con trong làng xã đến thắp hương cúng lễ. Cảnh làng xóm ấm áp, thiêng liêng, văn hóa lắm. Chứ đâu xơ xác, chụp giật kiểu “Mỳ ăn liền” thế này? Bây giờ mọi người nhận ra sai lầm, xây dựng lại chùa là đúng lắm. Ông là người trong ban chỉ đạo, là người có uy tín trong làng xã, ông nên có ý kiến với chính quyền, với nhân dân về việc này!
          - Thế chú không ở trong ban chỉ đạo, không là chính quyền à?
          - Tất nhiên là tôi có trách nhiệm. Ý tôi muốn là mọi người đều vào cuộc.

          XX

          Chục ngày nay nhà Du lúc nào cũng vui, cũng có bà con làng xã vào, ra, chuyện trò rôm rả. Dân làng Vàng kháo nhau về chuyện vợ chồng Du sẽ làm ăn lớn. Quả thực là vậy. Bởi vì ngày nào nhà Du cũng có năm sáu người làm việc trên vườn đồi. Có hôm đến cả mười người nữa. Công việc là quy hoạch lại vườn đồi như chặt bỏ những cây không cần thiết, trồng nhiều cây mới ở những vị trí mới, san lấp cả cái ao bên nhà vốn chỉ để nuôi vài chục con cá, kè gạch, kè đá làm đường mới.
          Những người làm thuê cho Du đâu phải ai xa lạ. Họ là dân trong làng xã cả. Trong lúc làm việc họ còn đùa cợt nhau:
          - Hóa ra rằng, té ra rằng bọn mình là kẻ làm thuê. Cha Du là ông chủ!
          - Đương nhiên là thế!
          - Thế là “Nhục” hay là “Vinh” ?
          - Vinh nhục gì ở đây? Đôi bên đều có lợi chứ!
          - Ừ nói thế thôi! Tay Du trông hiền lành, thư sinh thế mà ghê đấy nhỉ? Dự định của tay Du là làm ăn lớn đấy! Lại còn có cả ông Hai Bốn, ông Mạnh cùng tham gia nữa. Làng Vàng coi chừng “Liên minh” tay ba này sẽ làm thay đổi bộ mặt? Cái bản vẽ nhằng nhịt to bằng cả cái chiếu mô tả toàn cảnh nhà hàng ẩm thực khi hoàn thành chắc bề thế, hoành tráng. Phải thừa nhận đó là ý tưởng táo bạo.
          - Tay Du thuê người có trình độ cao về nghiên cứu rồi vẽ đấy! Nghe đâu tay kĩ sư quy hoạch gì đấy? Chứ ba vị nhà mình có vẽ được ăn!
          - Đương nhiên là thế!
          - Phải nói họ có đầu óc. Bây giờ là năm hai ngàn… mấy rồi nhỉ? Đầu óc mình bây giờ cứ rối như canh hẹ, cứ quẩn thế nào đấy, đến năm tháng cũng nhiều khi quên? Cứ đà này chỉ vài năm nữa họ sẽ là tỷ phú. Anh em tụi mình cũng phải xem lại mình thôi? Không thể cứ lấy “Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ” được? Phải là mưu sĩ nữa! Tụi mình dốt quá! Chưa hiểu hết, hiểu đúng, hiểu rộng cái câu thần chú “Nuôi con gì, trồng cây gì?” Rõ là khổ!
          - Tính cái con khỉ! Tính mãi rồi cũng chưa ra. Ở cái vùng bán sơn địa này làm gì cũng khó. Chẳng thế nhiều người bỏ ra thành phố kiếm tiền đấy thôi. Làng quê còn toàn người già, con trẻ. Hết việc chỗ cha Du là tôi cũng ra thành phố. Đồng đất vùng này hết trồng ngô, trồng na, trồng mận…  Chẳng đâu vào đâu. Một trận mưa đá, một trận lụt là vất.
          - Tôi nghĩ có lẽ phải vào tận rừng sâu núi thẳm, phải chịu khổ vài năm chặt cây phá đất làm trang trại.
          - Ông chỉ lý luận phét lác là giỏi. Tạng người như ông bốn mươi cân cả dép, một vợ ba đứa con chạy ăn một tháng bở hơi tai, giờ định vào rừng xanh núi đỏ với cái cuốc, cây xà beng gia truyền để viết trang sử mới à? Tôi nói cho ông biết vào đó chỉ hơn tháng là ông kiệt sức, do muỗi vắt, ăn rau rừng uống nước suối, mỳ tôm, cá mặn là ông bỏ mạng.
          - Thế ông bảo tôi phải làm gì cho có hiệu quả? Ông nói thế làm tôi sợ.
          - Ông nghe tôi.
          - Ông nói đi?
          - Tôi với ông lên tây bắc làm một chuyến “Hàng trắng” về Hà Nội bán. Chỉ cần một chuyến là tôi với ông đổi đời, chúng mình lên tiên!
          - Có mà “Dựa cột” rồi cùng lên tiên!
          - Mình chỉ làm một chuyến “Đầu đời” rồi thôi thì có ai họ để ý mà bắt? Lũ bị bắt chẳng qua là tham quá, đi lại nhiều lần chứ sao!
          - Thôi đi ông! Không làm thế được! Ông có biết “Vườn thượng uyển” tay Du bán gì không? Chó, mèo, gà, lợn, rắn, ba ba, thuồng luồng, cá sấu… Toàn thứ hoang dã cả! Tôi tính ông với tôi phải liên kết với nhau khai thác, nuôi dưỡng, nhân rộng các mặt hàng trên trong trang trại nơi rừng xanh, núi đỏ để cung cấp cho cha Du. Bước đầu làm nhỏ, ít, sau lớn và nhiều rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Khi đó ta sẽ cung cấp cho thị trường lớn rộng rãi. Ta thành lập công ty, tuyển lao động, nhân viên. Ông và tôi người làm Tổng giám đốc, người làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Ta sẽ mua xe hơi loại sang để đi công tác. Quần áo com lê, cặp đen, cạc ghi họ tên, chức vụ, địa chỉ, điện thoại… Oai chưa? Có thể còn có cả “Em út” làm thư ký riêng, phục vụ riêng nữa? Sướng quá phải không? Trời đất ơi! Sướng quá hóa rồ rồi dễ xa hoa, trụy lạc lại bỏ vợ, bỏ con chết sớm mất thôi?
          - Thôi ông đừng phét lác nữa! Trời rét thế này mà ông còn đổ hàng gáo mồ hôi đấy! Ông khép cái đùi vào cho tôi nhờ… Đã quần đùi lại còn ống rộng?
          - Kệ nó cho nó mát! Thế ông quyết định không lên “Lương sơn bạc” với tôi phải không?
          - Không! Tôi sẽ làm chuyến “Đầu đời” !
          Câu chuyện của họ nói ra cũng phản ánh phần nào cái suy nghĩ thật. Cũng vì bát cơm manh áo mà họ lao động cật lực, và cả những tính toán xa hơn, tham vọng hơn, cũng như những dự định sai lầm, nguy hiểm, tội lỗi!
- Các “Đầy tớ” đang đến kia kìa? Phét lác đến mười lăm phút rồi! Làm đi!
Những cái đầu vàng hoe tóc, rồi bù xù lại nhấp nhô đứng lên, cúi xuống hì hục đào, xúc đất đá.
          - Mấy “Thượng đế” có chuyện “Sởn da gà” phải không? Nhìn vị này là biết. Dưới mùa hè trên mùa đông?
          - Sởn cái cục cứt! Đất đá nhà ông khó đào, khó xúc bỏ mẹ! Ông chi thêm cho ấm trà Thái đặc đi?
          - Ông xem đây này!
          Một người trong số họ dơ chiếc xà beng lên cao rồi lao xuống. Tiếng kêu nghe “Cheng” tỏa mùi khét.
          - Cái gì ở dưới vậy?
          - Đá hộc chứ sao nữa?
          Năm sáu lần chiếc xà beng lao lên lao xuống mà âm thanh vẫn vậy. Ông Mạnh nói:
          - Các cậu phải chuyển đào sang chỗ khác chứ?
          - Chuyển rồi bố hâm ạ! Bố không nhìn thấy tôi đào rộng, dài từng này mà vẫn thế? Bố có giỏi thì xuống đào thử? Cái gì dưới này thế?
          Ông Hai Bốn và Du nghe thấy thế tủm tỉm cười. Du nói:
          - Anh Mạnh về lấy thêm phích nước sôi và mang lọ trà ra đây! Việc xử lý này để tôi! Mấy cha “Thượng đế” “Rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng” này làm ăn kém quá.
          Vừa nói Du đã nhảy “Thụp” xuống cái hố sâu đến ngang bụng. Du cầm xà beng chọc thử nhiều chỗ rồi nói:
          - Dũng sỹ vô mưu dũng sỹ quèn! Không đào nữa! mọi người gánh dăm gánh nước đổ vào đây rồi xem sao?
          - Ừ cha Du này lắm “Võ” nhỉ. Nghe có lý? Còn cha Mạnh này chỉ ôm eo mụ Hồng là giỏi thôi?
          - Cứ gì cha Mạnh giỏi. Tôi ôm mà chẳng giỏi à? Thậm chí còn giỏi hơn cha Mạnh là khác!
          Chỉ một loáng sau các “Thượng đế” đã gánh đổ lưng lửng hố nước.
          Phía xa ông Mạnh, bà Hồng và vợ Du cũng đang đến. Bà Hồng và vợ Du nghe ông Mạnh kể sơ qua chuyện cũng tò mò ra xem. Cả ba người đến sát miệng hố nhìn ngó. Nước đỏ, đục đang ngấm vào xung quanh làm sủi ra những bong bóng lớn.
          - Đá tảng ở dưới ấy hai bà cô ạ? Không ngon xơi như em Hồng của lão Mạnh đâu?
          Ông Mạnh pha ấm trà nóng giòn rồi mời rõ to:
          - Mời các “Thượng đế” nghỉ tay uống trà!
          - Cái tay Mạnh này là cáo già lắm, đút lót anh em ta đây? Tôi nói thật, nói thẳng nhé: Ông và bà Hồng đã thích nhau thì cưới phéng cho nó xong! Chẳng làm gì phải đợi việc kia cả. Thời nay chứ có phải ngày xửa ngày xưa đâu mà phải giữ ý? Tôi nghĩ hai người cứ cưới nhau đi bà con làng xóm không ai họ nghĩ sai, nghĩ xấu về hai người đâu? Để thế lãng phí quá!
          - Ừ thì phong tục. Đúng là phong tục thật nhưng việc gì rườm rà, cổ hủ ta cứ bỏ béng đi. Vợ đã mất hơn năm nay rồi, lấy vợ mới không có gì là sai, là chưa được cả? Hai vị cưới nhau đi, để tôi làm chủ hôn cho. Vui phải biết! Chưa biết chừng cuối năm làm quả sinh đôi nữa!
          Nghe anh em làng xã nói vun vén vậy ông Mạnh cũng thấy mừng, thấy cảm động. Nói gì thì nói dân làng Vàng tuy ít người học cao, hiểu rộng như những nơi khác nhưng không phải thế chuyện tình cảm, hiểu biết, thông cảm cho nhau bị hạn chế. Để đáp lại lòng tốt của mọi người, ông Mạnh cười nói:
          - Mọi người trong làng này ai cũng vun vén cho tôi và bà Hồng. Tôi cám ơn nhiều. Nhưng mọi người thật thông cảm vì mọi việc cần phải có thời gian.
          - Thôi thế là đầy đủ, ái tình cũng phải từ từ. Bây giờ ai xuống hố kiểm tra “Công trình” xem sự thể thế nào, còn phải liệu!
          Nước trong hố cạn rất nhiều bởi thấm rộng ra xung quanh. Một người nhảy xuống dùng chân khua khoắng phần nước còn lại trong hố nói:
          - Phiến đá này lớn đấy các vị ạ? Đây có thể là cái bia của Chùa?
          - Quái lạ? Tại sao bia từ Chùa lại vất ra mãi đây?
          Theo sự chỉ đạo của Du, các “Thượng đế” hè nhau dùng xẻng, cuốc đào bới rộng hết phía sườn bên ngấm nước nhiều nhất. Đất ngấm nước mềm xốp cứ rào rạt bị mọi người xúc hót đi.
          Hai tiếng sau “Tấm bia” đã được mọi người dùng đòn tre làm đòn bẩy, đòn khênh với dây thừng, dây chão kéo lên bờ. Hóa ra là một chú ngựa bằng đá.
          - Ông đọc xem chữ trên trán ngựa này nói cái gì?
          - Ông chơi xỏ tôi đấy phải không? Ông ra mà đọc! Chữ nôm chữ hán nửa chữ đếch biết, đọc cái con khỉ?
          - Tối óc nó vừa thôi! Chữ ấy nghĩa là: “Mặt trời đỉnh đầu. Thần dân về nghỉ” !
          - Giỏi, cha này chữ Hán, chữ nôm giỏi thật! Đọc dịch được ngay! Tóc ngựa luận ngay ra chữ.
          Để cánh làm thuê về, ông Hai Bốn, ông Mạnh và Du còn ở lại. Ông Hai Bốn nói:
          - Trong khu vực này chắc còn nhiều điều bí mật bị chôn vùi dưới đất. Kể cũng hay đấy, con ngựa này chú Du có quyền quyết định giữ lại hay đưa trả về Chùa.
          Mọi người về nhà riêng của mình để ăn trưa và nghỉ ngơi.
          Bà Hồng đứng chờ ông Mạnh nơi đường rẽ. Ông Mạnh tới, bà nói:
          - Em nấu cả cơm anh trưa nay rồi. Anh về rồi sang ngay nhé!
          - Ừ. Có món gì mát ruột không? Anh thấy trong người háo lắm!
          Bà Hồng nghe ông Mạnh nói vậy tự nhiên bà thấy lòng xót xa, thương ông vô cùng. Bà biết chắc đã từ nhiều năm nay ông không được bàn tay người phụ nữ chăm sóc. Mà ngược lại ông phải chăm sóc vợ. Từ ngày vợ ông mất đến giờ đã hơn một năm ông mới thi thoảng được ăn bữa cơm chu đáo, tươm tất do con gái nấu hay do bà sang nấu giúp hoặc ông sang nhà bà ăn cơm.
          Con gái ông Mạnh và con gái của bà Hồng cả hai cũng đã “Phát hiện” ra tín hiệu tình cảm của hai phụ huynh mình. Bởi vì con gái của họ bây giờ đã là sinh viên đại học. Những lúc trên trường bà Hồng và ông Mạnh không hiểu chúng quan hệ với nhau thế nào nhưng những dịp về nhà dăm ba ngày hai đứa cũng tỏ ra quý mến nhau. Và hơn thế nữa con gái ông Mạnh còn xưng chị. Việc này khiến bà Hồng và ông Mạnh thấy vui.
          Bữa cơm canh riêu cá nấu cà chua, hành, ăn với rau sống quả thật phù hợp với nhu cầu của ông Mạnh trưa nay. Bà Hồng nhìn như ngắm ông Mạnh ăn mà quên cả mình khiến ông Mạnh phải nói:
          - Ờ, em ăn đi chứ. Anh ăn như “Ma đói” phải không? Em ăn đi không anh xấu hổ lắm.
          Câu nói của ông Mạnh làm bà Hồng như muốn khóc. Bà trấn tĩnh lại rồi nói:
          - Em thật có lỗi với anh. Em muốn được chăm sóc cho anh thật nhiều.
          Nghe bà Hồng nói vậy ông Mạnh xúc động nói:
          - Anh cám ơn em nhiều! Hồng ơi, nếu em đồng ý thì từ hôm nay trở đi anh sang ăn cơm với em.
          - Chưa được đâu anh, hàng xóm họ dị nghị rồi chuyện ra chuyện vào. Anh đợi qua ngày “Giỗ hết” của chị đã.
          - Thì đằng nào mọi người chẳng biết. Mọi người chẳng ủng hộ mình là gì?
          - Đấy là việc khác anh ạ. Anh nên nghe em về việc này. Không thể khác được đâu!
          Nghe bà Hồng nói vậy ông Mạnh đồng ý.
          - Anh để em dọn, anh tranh thủ về nghỉ trưa chiều còn làm việc.
          Ông Mạnh đưa bàn tay lên môi hôn gió bà Hồng. Bà Hồng thấy tim mình đập mạnh. Ái tình tưởng như đã khô cạn trong bà nay trỗi dậy. Nó đầy vơi trong ánh mắt, trên bờ môi của bà. Bà muốn thốt lên “Mình yêu thật rồi! Mình yêu thật rồi! ’’
          Bà Hồng khép cửa rồi lên giường nghỉ. Bà nằm mà trăn trở. Bà nghe tiếng gà gáy trưa vang lên eo óc. Buổi trưa làng Vàng giống hệt năm nào đó của thời dĩ vãng.
          Bên nhà, ông Mạnh ngồi uống trà một mình.
          Dưới gốc cây xanh ngoài vườn các “Thượng đế” điền thổ ngồi hút thuốc lào vặt. Tiếng điếu kêu rin rít, tiếng cười, tiếng nói:
          - Ông trời thương tụi mình chiều nay cho đào được hũ vàng nhỉ?
          - Bốn anh em mình lúc đó sướng phải biết. Cứ gọi là quy tiên.
          - Cha này không biết thì đừng ví von. Lên tiên chứ không phải là quy tiên. Quy tiên là chết mẹ nó rồi!
          - Thế hả? Lúc đó tụi mình chỉ bán đi một lượng tha hồ mà đi du lịch. Số còn lại đưa mẹ đĩ cất giữ. Tụi mình không phải làm thuê cho cha Du nữa.
Đúng như lời ông Hai bốn đã nói “Còn nhiều điều bí mật” bị chôn vùi dưới đất. Buổi chiều cánh thợ điền thổ lại kêu lên khi phát hiện một vật mới:
          - Không hiểu là ngựa đá hay bia đá đây?
          - Đào rộng nữa ra xem nào? Lại đổ nước vào như ban sáng đi.
          Mọi người ai vào việc ấy. Ông Hai Bốn được miễn mọi việc. Ông cứ luẩn quẩn để nhìn xuống hố.
          Du nói với ông Mạnh:
          - Anh về gọi nhà em và chị Hồng ra đây. Sự kiện này hai chị em không được chứng kiến cũng tiếc lắm.
          Ông Mạnh chuyển đôi thùng gánh nước cho Du rồi rảo bước về. Ông suy nghĩ: “Muốn gì thì từ giờ trở đi Hồng cũng đã chính thức là thành viên trong nhóm. Phần đất liền kề của Hồng có diện tích đến hai ngàn mét vuông. Mặt khác tác phong của Hồng cũng linh hoạt, tính nết Hồng cởi mở khi giao tiếp nên mọi người thấy thoải mái, gần gũi nhau hơn”. Một việc hệ trọng nữa là từ giờ ông và bà Hồng có điều kiện gần nhau không phải tìm lý do để gặp như trước nữa. Ông Mạnh vào đến sân thấy vợ Du đang lúi húi băm rau lợn.  Ông nói to:
          - Chú Du bảo tôi về gọi cô và cô Hồng ra chứng kiến sự kiện mới xuất hiện trong vườn. Hai người ra ngay nhé.
          Nghe ông Mạnh nói vậy vợ Du bỏ dở công việc sang nhà bà Hồng. Vợ Du vào đến cửa mà bà Hồng không hay biết. Bà Hồng đang đứng trước gương ngắm hình ảnh mình. Vợ Du nói:
          - Trời ơi, chị Hồng đẹp quá!
          Nghe tiếng vợ Du, bà Hồng giật mình quay ra nói:
          - Vợ Du đấy à? Em vào nhà đi. Chị mới may bộ cánh đang mặc thử xem sao?
          - Em thấy chị ngày càng nhuận sắc ra đấy?
          Bà Hồng cười nói:
          - Thì người ta chẳng bảo: “Gái gặp hơi trai như thài lài gặp…” là gì?
          Hai người cùng cười. Vợ Du nói:
          - Mọi người bảo hai chị em mình ra ngoài ấy. Chắc họ lại đào được vật gì mới rồi.
          - Thế à, em đợi chị một lát để chị lấy cho mấy anh em ngoài đó nải chuối. Buồng chuối chặt tuần trước chín rồi. Chiều tối nay chị mang sang cho cô chú và các cháu.
          Ngoài sân Lương Mù cũng lộc cộc dò gậy đến. Vợ Du nói:
          - Chú Lương đấy à, chú về nhà khi nào? Chú đã sang thăm bố mẹ vợ chưa?
          Lương cười và lớn tiếng nói:
          - Em sang thăm và biếu quà các cụ rồi.
          - Thế hai mẹ con nó có quà gì?
          - Thằng cún có hộp sữa. Còn mẹ nó em đưa cái phong bì. Đàn bà là chúa thích phong bì phải không hai bà chị?
          - Chú nói đúng, phong bì có tiền ai mà chẳng thích. Càng nhiều càng tốt. Thế chú đi đâu đấy?
          - Em sang xem công trình mới của mọi người. Oách lắm phải không?
          - Thế chú đi cùng chúng tôi.
          Lương mù chiều nay ăn vận như thư sinh: áo sơ mi trắng, áo len cao cổ, áo khoác sẫm màu, quần âu, giầy đen, kính đen.
          Ba người cùng ra ngoài vườn. Đợi Lương đến thật gần Du mới nói:
          - Chú Lương về khi nào và nghe ai nói về chúng tôi mà ra đây?
          - Làng Vàng mình bé bằng bàn tay, chuyện gì mà em chẳng biết. Em ủng hộ các vị liên minh làm kinh tế kiểu này đấy. Các vị cứ tiên phong rồi sẽ có nhiều người khác làm theo. Đất làng Vàng vào thời kỳ “Phát” rồi. Sáng sớm nay mọi người đào được ngựa đá. Chiều nay có lẽ đào được cái gì đó chăng?
          - Chú Lương nói đúng, kiểu này dễ là tấm bia lắm. Mọi người cứ đào rộng nữa ra, cứ đổ thêm nước vào.
          Du thấy bà Hồng xách hai nải chuối đến. Dubảo mọi người dừng việc nghỉ tay ăn chuối. Chuối tiêu mùa đông chín cuốc và thơm phức. Mọi người chuyền tay nhau nải chuối. Ai đó nói:
          - Đất vùng đồi quê mình hoa quả thơm ngon thật. Bà Hồng còn nải nào nữa thì về đem ra đây.
          - Thôi đi chứ, mỗi vị xơi hai quả là đủ rồi.
          - Cho tôi mượn cái điếu và hộp thuốc lào?
          - Mượn điếu chứ ai lại mượn thuốc?
          - Tăng xin, hạn chế mua, tích cực cầm nhầm.
          Mọi người cười. Các “Thượng đế” dường như luân phiên nhau nói, luân phiên nhau hút thuốc. Khói thuốc cứ lơ lửng bay lên. Có “Thượng đế” tham rít sâu nên say lử đử, hai tay run run, quờ quạng tìm chén nước.
          Ông Hai Bốn nói như chỉ thị:
          - Mọi người tiếp tục công việc đi, giải lao thế là đủ rồi!
          Đất đã ngấm no nước nên nhiều chỗ tự lở rơi tụt xuống ùm ùm.
Lương ngồi trên bờ cổ súy mọi người bằng lời ca tiếng hát. Giọng Lương không sướt mướt, ủy mị mà khỏe khoắn vang lên hối sức lòng người: “Ta lại đào, ta xúc. Ta đào cho thật “Ác”, ta xúc thật dẻo dai. Tranh thủ lúc trời chưa tối…”
          Một “Thượng đế” nói:
          - Tay Lương đừng có hát xuyên tạc nhé?
          Thấy vậy Lương Mù chỉ hề hề cười.
          Ông Hai Bốn chợt nhận thấy có gì giống thời chinh chiến ông đã đi qua. Cái màu đất đỏ nhão nhoét này giống đất hào chiến đấu, nơi những mùa mưa ông và đồng đội của ông đã đổ máu trong những trận đánh nhau với giặc. Nhiều đồng đội của ông đã hy sinh.
          Ông Hai Bốn lặng lẽ đi đến chỗ vắng. Ông đang xúc động. Ông hồi tưởng lại những năm tháng đã qua. Thời gian trôi đi đã mấy chục năm nhưng trong ông vẫn rõ nét từng khuôn mặt đồng đội đã ngã xuống. Ông đã từng nói về họ: “Nếu họ còn sống, bây giờ cũng đã lên chức ông, chức bà. Họ đã hy sinh để ông và mọi người có cuộc sống bây giờ.”
          Thấy ông Hai Bốn sa xẩm nét mặt. Du nghĩ có lẽ ông bị cảm. Du chạy lại đỡ nách ông rồi nói:
          - Để em đưa bác cả về nhà. Ở ngoài này về chiều gió lạnh đấy!
          Ông Hai Bốn bình tâm lại. Ông nói:
          - Ờ, không. Tôi có làm sao đâu? Tôi chợt thấy trong người trống vắng một chút thôi. Giờ bình thường rồi.
          Một “Thượng đế” nói to:
          - Ông Du, ông Mạnh đưa cụ ấy về nhà đi. Cụ ấy hết tuổi “Trâu bò” rồi. Còn chút bờ đất cuối cùng, cánh “Thượng đế” này làm tí nữa là xong!
          Ông Hai Bốn nghiêm giọng nói:
          - Tôi đã bảo không sao là không sao! Mọi người cứ làm việc đi. Tôi đã nhận thấy hình hài của cái bia rồi đấy!

(Còn nữa)
Phan Đạt Ninh

          Đã đăng:
         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét