Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 25-26)


          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

          XXV

          Sau hôm ngồi nhớ lại chuyện gần hai chục năm trước Dũng và Đào phóng xe máy về quê Du. Lên xe Dũng cười nói:
          - Đào có lúc nào nhớ lại chuyện trước đây không?
          Đào chưa hiểu rõ ý Dũng hỏi chuyện gì nên hỏi lại:
          - Anh bảo nhớ chuyện gì?
          Dũng nghêu ngao hát:
          Trên trời có vẩy tê tê
          Có ông ba vợ chẳng chê vợ nào.


          Nghe Dũng hát Đào bật cười nói:
          - Tưởng chuyện gì chứ, chuyện ấy làm sao em quên được!
          - Hôm qua anh ngồi nhớ lại có lẽ anh không quên một chi tiết nào. Phải thừa nhận mẹ là người “Sắt đá và mới”. Anh thấy có một không hai.
          - Anh tập trung lái xe đi. Đường đông quá!

          - Ở tỉnh nào cũng vậy, người xe như mắc cửi. Tất cả cũng vì mưu sinh thôi. Từ người xe ôm đến gánh hàng rong, từ chợ bán sức người đến quán xá vỉa hè, từ sinh viên học sinh đến gái bán hoa, từ công nhân đến trí thức, vân vân… tất tật xuống đường.
          Nói xong Dũng lại nghêu ngao hát:
          - Có những ngày vui sao cả nước “Trên” đường…
          Đào nói:
          - Anh đừng có chế lời. Tác giả họ biết họ kiện anh đấy?
          - Dân mình vất quá! Nói cho hay là dân mình chịu thương chịu khó.
          - Tháng trước nhà mình chẳng thuê bốn lao động tận Nghệ An, Hà Tĩnh ra làm việc là gì. Em nói chuyện với họ mới biết người nào cũng có con đang học đại học. Em hỏi: “Mỗi tháng các anh, các chị kiếm được bao nhiêu? Sao mọi người không ở quê làm việc mà ra tận Hà Nội xa nhà cho khổ?”. Họ trả lời: “Bình quân mỗi tháng cũng kiếm được bốn đến năm triệu đồng. Trừ tiền ăn mỗi ngày năm mươi ngàn đồng, tiền thuê chỗ ngủ ở quán trọ ngoài bờ sông một tối mười ngàn, vị chi còn khoảng ba triệu đồng cất giữ gửi về quê. Nói chị thông cảm không cất giữ cẩn thận kẻ cắp nó ăn cắp là hết. Cực lắm chị ơi. Mỗi mét vuông một kẻ ăn cắp! Còn chị hỏi sao không ở quê ư? Quê nghèo, ít việc”.
          Dũng thấy vợ yên lặng rồi sụt sịt khóc. Dũng biết vợ đang xúc động, thương người lao động. Dũng bảo vợ:
          - Em xúc động vừa thôi còn để giành cho lần sau!
          Vợ Dũng như ghìm được lòng trắc ẩn thủ thỉ nói:
          - Ông giời ăn ở với con người không công bằng. Bữa nọ ở nhà hàng mình có thanh niên dắt con chó Béc giê vào gọi hai đĩa mỳ xào tim cật. Anh ta ăn một đĩa, con chó ăn một đĩa. Bàn bên có hai ông trung niên hành nghề xe ôm ngồi ăn mỳ tôm thấy như bị xúc phạm liền nói. Thế là họ chửi nhau. Rồi có kẻ thừa tiền bỏ cả trăm triệu đồng đi chơi gái, bỏ cả chục tỷ đồng cưới vợ cho con, số người này sao họ có nhiều tiền thể? Em chỉ mong sao không còn nghịch cảnh này nữa. Kỳ này về em sẽ mở hòm từ thiện quyên góp giúp đỡ người nghèo khó.
          - Ờ, đúng đấy, ý tưởng của em hay lắm! Anh sẽ đặt vấn đề với mặt trận tổ quốc phường cho đặt hòm từ thiện. Thực khách nào mà chẳng móc hầu bao bỏ vào đó khi họ nhìn thấy cái dấu đỏ chon chót. Mỗi khi đầy thùng mình “A lô” cho họ vào lấy. Một mũi tên trúng hai đích: Thứ nhất nhà hàng mình có tiếng. Thứ hai giúp được người nghèo. Mà có tiếng thời này quan trọng lắm!
          - Anh chỉ được cái thực dụng, cơ hội!
          - Làm kinh doanh như mình, cơ hội quan trọng lắm! Mình phải nhìn thấy cái lợi ích của mình ngay trong ý tưởng, trong việc làm của người khác, đó không phải tính xấu đâu nhé?
          - Đợt này về nhà anh Du, anh định giúp anh Du thế nào?
          Dũng nghe vợ bất chợt hỏi nên chưa kịp suy nghĩ để trả lời. Dũng chần chừ rồi mới nói:
          - Vừa rồi mình đã “Lên lớp” cho Du về nghệ thuật kinh doanh. Du nó học nhanh lắm. Giờ có lẽ đào tạo giúp Du cánh nấu bếp, cánh tiếp tân. Còn mặt tài chính Du là người khái tính lắm. Mình giúp bằng hình thức cho vay dài hạn vài năm không lấy lãi. Em thấy được không?
Nghe chồng nói vậy Đào nói nhỏ:
          - Thì anh lựa mà nói, đừng để cho anh ấy tự ái. Hai mươi năm trước anh Du cho anh máu…
          Đào bỗng dưng dừng lại không nói nữa khiến Dũng phải suy nghĩ: “Đúng! Mình phải cẩn trọng! Kể từ dạo Du cho máu để cứu Dũng chưa bao giờ Dũng nghe Du nhắc lại chuyện. Dũng cho xe chạy chậm bởi phía trước mặt có nhiều người đang xúm đông xúm đỏ.
          - Có vụ tai nạn giao thông rồi.
          Dũng kêu lên rồi lái xe vào sát lề đường. Bên lề đường hai xác chết được phủ chiếu. Hai bát nhang khói bay nghi ngút. Chiếc ô tô tải móp đầu, chiếc xe máy nằm gọn phía trong gầm.
          Dũng dừng xe hỏi mọi người:
          - Nạn nhân già hay trẻ? Nam hay nữ hả các bác?
          - Vượt ẩu đâm vào đầu xe chạy ngược chiều! Chết cả đôi! Hai thanh niên trẻ! Loa đài, vô tuyến, hướng dẫn, học tập mãi rồi, không giảm! Quá chiến tranh! Mỗi năm cả vạn người chết! Chẳng đâu giao thông như cái xứ mình!
          Dũng cho xe chạy chừng dăm cây số nữa thì tạt vào quán nước có nhiều cây xanh ven đường để nghỉ. Chủ quán là bà cụ tuổi ngoài bảy mươi, răng đen nhưng nhức đang nhai trầu. Thấy khách vào bà cụ nói:
          - Mời anh chị vào uống nước.
          - Chào cụ.
          Dũng kéo chiếc ghế băng lui ra phía ngoài mới bước chân vào. Vợ chồng Dũng ngồi xuống.
          - Cụ cho con hai chén trà nóng.
          Bà cụ run run mở nắp giỏ ấm cầm tích rót nước. Nhận chén trà từ tay bà cụ, Đào hỏi:
          - Cụ năm nay đến tám mươi chưa?
          - Mới sắp. Năm nay bảy mươi tám rồi!
          - Con nom cụ còn khỏe lắm!
          - Nhờ trời cho khỏe còn kiếm đồng phụ vào nuôi cháu.
          Nghe bà cụ nói Dũng và Đào đưa mắt nhìn nhau. Dũng hỏi:
          - Tại sao lại phụ vào nuôi cháu? Bố mẹ các cháu đâu?
          Bà cụ chưa kịp trả lời thì hai đứa trẻ từ ngoài chạy sồng sộc vào. Bà cụ nhẹ nhàng mắng cháu:
          - Nô cho lắm vào, trời rét mà mồ hôi mồ kê thế này. Đói rồi phải không?
          Nói rồi bà cụ với tay lấy hai gói bánh nhỏ đưa cho cháu. Cầm trong tay gói bánh hai đứa nhỏ chạy biến vào phía làng.
          - Thằng cháu lớn tám tuổi, thằng em sáu tuổi. Nhìn cháu mà đau lòng hai bác ạ. Bố mẹ chúng mới chết cuối năm ngoái. Cháy đen cháy rụi…
          Nghe bà cụ nói “Cháy đen cháy rụi” Đào ngơ ngác hỏi:
          - Chết cháy hả cụ?
          - Phải! Cuối năm ngoái bố mẹ các cháu về quê thăm bà ngoại các cháu ốm. Không biết kẻ buôn gian bán lậu gì đem cả tạ pháo lên xe. Dọc đường phát nổ. Người trong xe chết hết. Chiếc xe cháy thiêu người thành than. Bố mẹ cháu cháy đen không còn nhận ra được nữa. Phải kiểm tra gien mới xác định được danh tính. Khốn nạn thế! Bây giờ chúng nó thành mồ côi, hiện ở với bác ruột cháu. Tôi còn khỏe ngày nào còn bán hàng ngày đó kiếm cho các cháu đồng quà rồi để quên đi nỗi đau.
          Bà cụ kể xong, Dũng nói:
          - Vụ cháy xe khách ấy chúng con có được xem trên vô tuyến. Thật là khủng khiếp. Chúng con chia buồn cùng cụ.
          Dũng liếc mắt nhìn vợ. Đào lấy tiền trả rồi xin phép bà cụ để đi tiếp.  Lên xe Đào hỏi:
          - Còn bao nhiêu cây số nữa anh?
          Dũng chưa trả lời Đào mà nói ý nghĩ trong đầu:
          - Trên đời sao lắm kiểu khổ thế. Nghĩ mà đau! Những cái chết không đáng có. Ờ, từ đây về nhà Du còn chừng hai chục cây số nữa em ạ.
          - Lần sau có về mình đi xe khách anh ơi, đi xe máy đường dài em sợ lắm!
          - Mình không uống rượu bia, không phóng nhanh vượt ẩu, đi đúng phần đường, đội mũ bảo hiểm thì sợ cái gì?
          - Biết là thế nhưng nhiều khi tai nạn do kẻ khác đem lại cho mình.
          - Thế thì chịu rồi. Anh nói cho Đào biết nhé, ngã ba đường nơi rẽ vào nhà Du có cây gạo lớn. Bên cạnh cây gạo là cái lô cốt bê tông từ thời Tây. Ngày trước cách mạng cây gạo này là nơi treo cờ đỏ sao vàng chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Đào có biết tại sao lại treo được cờ ngay trên đầu giặc không?
          - Em làm sao biết được.
          - Thế anh mới đố. Anh cũng còn chẳng biết. Anh chỉ nghe các cụ kể thôi. Vào một buổi tối, có ba cô du kích trẻ đẹp được chỉ huy cử vào đồn này chơi. Tay đồn trưởng là người Pháp, còn lại là số lính người Việt. Bọn lính thấy ba cô gái xinh đẹp đi qua liền gọi vào tán tỉnh. Khi câu chuyện bắt đầu say mê, một cô vờ đau rồi bỏ về để cho hai cô ở lại. Cô gái bỏ về tranh thủ lúc này trèo lên cây gạo treo cờ. Có thế thôi.
          - Đơn giản vậy mà em không nghĩ ra.
          - Ba cô gái ấy giờ là người thiên cổ rồi.
          Quá trưa. Trời trung du lất phất mưa. Gió lạnh. Con đường sỏi vào nhà Du lượn quanh co theo những sườn đồi như dải lụa hồng. Nhà Du ở quả đồi phía trước mặt.
          Từ xa Dũng đã nhìn thấy Du và mấy người đang chỉ trỏ ngoài đồi bãi. Dũng bảo vợ:
          - Đến rồi đấy. Du và ai đó đang ở ngoài đồi bãi kia kìa!
          Thấy có tiếng xe máy đi đến Du biết là Dũng về. Du ra cổng đón:
          - Cậu cứ phóng xe lên trước.
          Trong sân bọn trẻ reo lên:
          - A… bác Dũng về! Bác Dũng về! Chúng cháu chào bác ạ!
          Bọn trẻ vây lấy vợ chồng Dũng. Vợ Du cũng từ trong bếp đi ra, mặt còn đỏ vì lửa, cười rạng rỡ nói:
          - Em chào hai bác. Bác Dũng còn nhớ đường đi không hay phải hỏi thăm đấy?
          - Cô hỏi lạ nhỉ. Nơi đây ngày trước tôi với Du có quá nhiều kỷ niệm làm sao quên được. Tôi ở với người chú ruột từ bé ở đây cho mãi đến khi học xong phổ thông trung học tôi mới về ở với bố mẹ. Tôi là “Của độc” cô quên rồi à?
          Chẳng là Dũng còn có hai người chị gái nhưng không hiểu sao cứ ba bốn tuổi là bỏ bố mẹ về với tổ tiên. Bố mẹ Dũng lo sợ đi hết đình này, chùa nọ, gặp gỡ các thầy để xem ra sao, có phải động mồ, động mả không? Các thầy phán rằng “Phải gửi lên chùa hoặc cho làm con nuôi mới thành người!”. Ngày Dũng ra đời, Dũng phải ở với người chú ruột để người thím dâu chăm. Dạo ấy hai bầu vú của người thím dâu phải nuôi hai đứa trẻ. Một là con thím, hai là Dũng nên Dũng phải “Đánh chén” thêm sữa bò ngoài. Mẹ Dũng cả tuần mới đảo qua một ngày vì nhớ Dũng nhưng lại đi ngay. Dũng ở nơi thôn quê rộng rãi, khí hậu trong lành, suốt ngày nô nghịch với tụi trẻ, nắng mưa là chuyện bình thường nên dãi dầu sớm, khỏe mạnh và nghịch như quỷ nên bao nhiêu trò chơi của trẻ con thôn quê Dũng đều sành điệu. Các mùa chơi đều phong phú, từ chặt trộm tre đực làm khăng, chặt trộm cành ổi đẽo quay và chạc súng cao su, cưỡi trâu vượt ao cho đến cả trò nghịch ma quỷ bắt đỉa buộc vào dái trâu, cho đỉa cắn hút máu no tròn rồi gỡ ra lấy dây buộc chặt hai đầu đem đi nướng, v.v…
          Du xách siêu nước nóng, lấy khăn mặt mới ra giếng nước rồi bảo vợ chồng Dũng ra rửa mặt. Bọn trẻ con cứ bu lấy Dũng khiến ông Hai Bốn phải la mắng:
          - Nhà có khách, các cháu sang bên bác chơi. Mau!
          Bọn trẻ cụt hứng. Chúng lẳng lặng dãn ra rồi bỏ đi. Nhìn chúng bỏ đi, vợ Dũng thấy tội bèn nói:
          - Các cháu nó quý hai bác nên mới vậy. Để bác lấy bánh kẹo nhé.
          Bọn trẻ túm lại chỗ vợ Dũng chờ lấy kẹo.
          Du pha ấm trà nóng để mọi người uống và nói chuyện. Du giới thiệu cho vợ chồng Dũng biết từng thành viên ngồi nói chuyện:
          - Đây là bác cả, anh trai vợ Du. Bác là đại tá quân đội nghỉ hưu đã nhiều năm. Bác góp hai ngàn mét đất. Người bên cạnh là vợ bác. Ghế bên là chị Hồng, anh Mạnh, đôi tình nhân muộn mằn góp bốn ngàn mét đất.
          Vợ chồng Dũng bắt tay từng người. Dũng nói:
          - Thế là rộng rãi lắm. Có đến mười ngàn mét chứ ít à. Nhân lực chính bốn người quá mạnh. Bây giờ bác cả cho em đi coi thực tế nhé?
          Ông Hai Bốn đi cạnh Dũng. Ông chỉ tay để Dũng biết. Ông hỏi:
          - Chú thấy thế nào?
          - Ồ, tuyệt quá! Chỗ để xe bác lui sát ra ngoài khép kín có lối vào lối ra không phải quay đầu. Chỗ này phải xếp được hai chục xe.
          Dũng quan sát từng gốc cây, từng nhánh đường lát gạch, đổ đá, từng chòi lá cọ nơi xếp cho sáu người ngồi ăn cho đến dãy nhà lớn cả trăm người. Tất cả cứ nối dọc, nối ngang kiểu bàn cờ. Bên trái từ ngoài nhìn vào là dãy chòi ăn ngồi chiếu, bên phải ngồi bàn giành cho thực khách lựa chọn theo sở thích. Tất cả vật dụng đều làm từ tre ngâm được đẽo đục lắp ghép cẩn thận. Vài điểm giao nhau là các bể nước nhỏ có đài phun nước. Sau khi thăm quan, Dũng nói với mọi người:
          - Bố cục như thế là được. Tuy nhiên khu vệ sinh cần làm thêm bên gốc cây phía giáp chỗ đậu xe. Nơi đỗ xe bổ sung thêm lưới chống nắng. Đường đi không cứ phải chỉ một loại vật liệu. Phía bên này có lẽ không dùng gạch chỉ mà dùng gạch vuông để lát cho kiến trúc đa dạng, phong phú. Còn vật dụng như xoong nồi, dao thớt, bát đĩa, vân vân tất tật nên đồng bộ, thống nhất kiểu cách. Các vị đã chọn biển hiệu nhà hàng là “Ẩm thực Việt” thì phải Việt hoàn toàn từ thực phẩm, đồ đựng, đồ uống. Riêng nhân viên phục vụ từ đầu bếp, tiếp tân, chạy bàn sắc phục vải nâu, cắt may kiểu ngày xưa. Trước ngày khai trương ta tổ chức một hai buổi quảng cáo bằng băng zôn nơi đông người, tôi sẽ cho tay đầu bếp và hai nhân viên phục vụ về đào tạo một tuần. Các vị cần tuyển từ bốn đến sáu nhân viên có nam có nữ là người trong xã. Tất cả phải qua huấn luyện mới được làm việc. Làm ăn bây giờ phải chuyên nghiệp không ào ào được đâu…
          Mọi người nghe Dũng nói mắt cứ tròn xoe.
          Trong bữa ăn trưa chủ đề nhà hàng vẫn được mọi người trao đổi sôi nổi. Ông Mạnh nói:
          - Tôi sẽ xuống huyện thông báo cho cánh huyện đội, cánh cựu chiến binh. Cánh này nhiệt tình lắm!
          Vợ Dũng từ đầu đến giờ chỉ lắng nghe, giờ mới có ý kiến:
          - Tình hình tài chính các anh các chị lo đến đâu rồi?
          Du nói:
          - Có bốn anh chị em với nhau. Ai có khả năng bao nhiêu góp bấy nhiêu. Còn thiếu thì đi vay ngân hàng. Cho đến bây giờ cũng có hai trăm triệu đồng vốn lưu động.
          Vợ Dũng đưa mắt nhìn chồng. Dũng nói:
          - Vợ chồng tôi và vợ chồng Du là chỗ thân tình. Tôi và Du học với nhau từ nhỏ nên có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Năm trước nhân buổi họp mặt lớp, nói đến chuyện kinh tế gia đình, hai anh em trao đổi kỹ với nhau để có ngày hôm nay. Chẳng dối gì với các anh chị, nhà tôi có cửa hàng ẩm thực ở ngoài Hà Nội. Gia đình tôi bán rượu thịt chó đã mấy chục năm từ thời các cụ. Chúng tôi cũng kiếm được. Các anh các chị có một địa điểm nhà hàng lý tưởng. Tôi nghĩ việc kinh doanh chắc chắn sẽ thành công. Với tấm lòng bè bạn, vợ chồng chúng tôi thống nhất cho vợ chồng Du vay số tiền một trăm triệu đồng, thời hạn năm năm không lấy lãi. Ývợ chồng Du và các anh chị thế nào?
          Nghe Dũng nói Du chỉ tủm tỉm cười, cái điệu cười mãn nguyện thường có ở Du. Du nhấm nháy mắt nhìn ông Hai Bốn để ông nói. Hiểu ý của Du ông Hai Bốn trịnh trọng nói:
          - Trước tiên tôi và mọi người rất cám ơn vợ chồng chú Dũng đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi về việc mở cửa hàng. Nói thật, nếu không có sự gợi ý, cổ vũ của cô chú chắc còn lâu chúng tôi mới dám làm. Còn chuyện tiền nong thực sự chúng tôi đang thiếu, đang phải vay ngân hàng. Giờ được vợ chồng chú cho vay không tính lãi thời hạn năm năm là quý quá. Có đồng vốn trong tay thế này là ổn rồi.
          - Bác cả nói rất đúng. Chuyện kinh tế coi như xong. Tôi phát biểu vấn đề khác cũng rất quan trọng để lấy ý kiến, quan điểm của ông Dũng và mọi người. Nhà hàng là nơi hoạt động kinh tế, phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Sang có, nghèo có, người tốt có, kẻ xấu có. Chính vì thế phải gắn liền với an ninh xã hội, đảm bảo cho chúng ta làm ăn lâu dài. Vấn đề an ninh cho nhà hàng, cho xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Nhà hàng phải làm tốt bất kể trong tình huống nào.
          Vợ chồng Dũng ở nhà Du thêm một ngày để sang chơi bên nhà bác cả, nhà ông Mạnh, bà Hồng rồi mới về Hà Nội.



          XXVI



          Sau hôm mọi người tiễn vợ chồng Dũng về Hà Nội, Kết đến nhà ông Hai Bốn. Kết đến có việc quan trọng chứ không phải đến chơi bình thường như mọi khi.
          - Cháu Kết ngồi đi! Bác pha ấm trà ngon bác cháu ta uống.
          - Vâng. Cháu có cái này hay lắm, tí nữa cháu tặng bác. Món quà độc chiêu này bác đừng chửi cháu như chửi một thằng vớ vẩn, dở hơi, vác trứng chọi đá?
          - Cháu nói gì mà ghê thế?

          Ông Hai Bốn dừng việc pha trà lại. Hai mắt ông tròn xoe xoe, căng như muốn lồi ra ngoài. Ông nói:
          - Có chuyện gì thế?
          - Bác cứ pha trà đi!
          Ông Hai Bốn tiếp tục công việc như lúc đầu. Pha xong ấm trà ông mới hỏi Kết:
          - Nào cháu tặng bác cái gì thì đưa đây?
          Kết lấy trong túi chiếc điện thoại đưa cho ông Hai Bốn rồi nói:
          - Diễn biến hòa bình, gây rối nội bộ, bè phái, tham vọng cá nhân, đánh chửi nhau là ở trong cái này.
          Ông Hai Bốn một lần nữa không tin vào tai mình. Ông nói:
          - Cháu mở để bác nghe xem nào?
          Kết cầm chiếc điện thoại rồi thao tác. Kết đặt nó trên bàn, tiếng nói phát ra từ chiếc điện thoại nghe rõ mồn một.
          Ông Hai Bốn nghe xong thở dài:
          - Trước đại hội đảng bộ xã mà thế này thì gay quá! Thôi cháu tắt nó đi, cháu đưa lại cho bác.
          Kết đưa cho ông Hai Bốn chiếc điện thoại rồi chào ông để ra chợ chỗ Mai bán hàng. Ông Hai Bốn nói đùa với Kết:
          - Cháu cũng biết nịnh phụ nữ đấy nhỉ? Hôm nay cháu sửa cho cô ấy cái quán bị gió làm tốc mái, ít nữa cô ấy cho cháu cái quyền tối thượng. Sắp cưới chưa?
          - Chúng cháu sắp cưới rồi bác ạ.
          - Thế là tốt. Nhanh tay không có kẻ rèm pha. Mà rèm pha thì cũng kệ nó. Chuyện đời thường là vậy.
          Kết cười rồi xin phép ông Hai Bốn để ra chợ.
          Ông Hai Bốn chắp tay phía sau lưng đi đi lại lại trong sân suy nghĩ rất nhiều. Ông quyết định gọi điện cho bí thư đảng ủy xã cũng là người nhà đến để ông nói chuyện.
          Nửa giờ sau Lẫm đến:
          - Bác có việc gì mà gọi cháu?
          - Anh cứ vào đây. Tôi có chuyện cho anh.
          Ông Hai Bốn rót trà:
          - Trà ngon anh uống đi rồi bác cháu ta nói chuyện.
          - Trà ngon bác mua tận đâu thế?
          Ông Hai Bốn không trả lời mà ông hỏi lại:
          - Tình hình nhân sự đại hội đảng bộ xã sắp tới thế nào? Có vấn đề gì không? Anh nói tôi nghe.
          Lẫm uống xong chén trà rồi chép chép miệng nói:
          - Bác về hưu lâu rồi quan tâm chuyện đó làm gì cho mệt. Nhìn chung vẫn ngần ấy gương mặt. Trong xã vài nhân vật có trình độ học vấn, có đầu óc được coi là tư duy mới không chịu tham gia. Danh sách đề cử đã có rồi.
          - Còn chuyện gì khác không?
          - Bác nói chuyện khác là chuyện gì?
          Ông Hai Bốn ngoảnh mặt đi. Ông không muốn nhìn vào mặt thằng cháu mình nữa. Ông nói:
          - Anh làm bí thư đảng ủy của một xã mà anh chẳng biết chuyện gì xẩy ra cả? Anh quan liêu, xa rời thực tế quá!
          Lẫm chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao đã bị ông bác xỉ vả.
          Ông Hai Bốn nói tiếp:
          - Anh sang gọi thằng Phúc đến đây!
          - Phúc mới về hả bác? Cháu tưởng chú ấy bận việc dưới huyện chưa về.
          - Anh cứ hay tưởng. Thằng Phúc về nhà từ chiều tối qua.
          Phúc và Lẫm đều là con cháu ông Hai Bốn. Phúc là vai em của Lẫm hiện Phúc là phó bí thư huyện ủy.
          Ông Hai Bốn chợt nhận thấy bà vợ cứ loanh quanh trong buồng để nghe chuyện. Ông nói:
          - Bà ở trong ấy nghe trộm làm gì?
          Bà Hai Bốn hỏi lại ông:
          - Có chuyện gì mà ông cho gọi hai anh em chúng tới? Các cháu nó đang bận việc chứ có nhàn rỗi như ông đâu?
          - Bà bảo tôi nhàn rỗi chứ gì? Đúng! Nhà nước, quân đội cho tôi được nghỉ ngơi, nhưng không phải thế là hết trách nhiệm với dân với nước. Tôi còn tỉnh táo ngày nào còn có việc.
          Ngoài sân Lẫm và Phúc bước vào nhà. Phúc nói: Có món gì đặc biệt mà bác cho gọi cháu?
          - Hai anh vào đây. Anh Phúc ở huyện về chiều qua phải không?
          - Vâng. Cháu về nhà nghỉ ngơi hai hôm, sáng mai cùng đoàn của huyện đi tham quan học tập một tỉnh bạn ở nước ngoài.
          - Tôi không hỏi chuyện ấy. Tham quan là việc của các anh. Việc trong làng trong xã nắm còn chưa hết, học còn chưa xong giờ lại kéo nhau đi nước ngoài, tốn tiền của dân. Các anh đừng tưởng dân mù không biết? Tội của các anh nhiều đấy! Tôi hỏi anh Phúc: Xã này có bao nhiêu đảng viên? Anh có biết hôm nào đại hội đảng bộ xã không? Anh là người sống ở xã này đấy! Anh Lẫm không được nhắc!
          Phúc bị câu hỏi quá bất ngờ và cũng không biết đại hội đảng bộ xã ngày nào, xã có bao nhiêu đảng viên, đành nói:
          - Công việc của cháu sắp xếp kín cả lịch. Làm sao cháu nhớ được?
          - Anh không nhớ hay anh không biết? Anh không thể trả lời tôi theo kiểu ấy được! Thời tôi ở quân đội, cấp dưới của tôi mà trả lời như anh là tôi kỷ luật. Anh phải nhớ: Anh đang sống ở đâu? Tôi hỏi anh, nếu anh ra đường gặp người dân họ hỏi anh trả lời thế có được không? Họ sẽ cười vào mặt anh! Các anh hãy nghe cái điện thoại này nó nói cái gì?
          Ông Hai Bốn bấm cho điện thoại làm việc rồi đặt nó trên bàn để Phúc và Lẫm nghe.
          Đợi Phúc và Lẫm nghe hết, ông Hai Bốn mới nói:
          - Hai anh thấy gì chưa?
          - Ai làm cái việc này hở bác?
          - Dân chứ còn ai nữa? Anh hỏi lạ nhỉ!
          - Sao bác có nó?
          - Dân họ đưa chứ còn sao nữa? Ở xã này dân họ thừa biết hai anh làm cấp to nhất, nhưng họ có đưa cho các anh đâu? Bởi họ mất lòng tin với các anh rồi! Họ không tin các anh nữa! Đau chưa? Tôi thấy xấu hổ vì các anh!
          Nghe xong Phúc trầm mặt nói:
          - Bác đưa nó cho cháu để có bằng chứng trao đổi với các anh trong huyện.
          - Anh không được xóa. Xong việc anh trả lại cho tôi. Tôi trả lại cho dân.
          Bà Hai Bốn giờ mới vỡ lẽ chuyện. Bà cười nói:
          - Bác trai cẩn thận và nghiêm khắc quá! Nhưng thế là tốt cho các cháu. Thôi chuyện xã hội bỏ đi. Trưa nay hai cháu ở đây ăn cơm với hai bác. Sáng nay bác ra chợ làng mua được đôi vịt về nấu bún măng. Tiết canh vịt là ngon lắm! Cậu nào biết cắt tiết, biết đánh tiết canh thì ra làm giúp bác.
Ông Hai Bốn dường như không muốn nói thêm chuyện ghi âm, ghi iếc, ông cười khà khà tham gia vào chuyện vịt. Nhìn vào mắt ông thấy cứ long lanh như sáng lên? Chắc hẳn ông có ẩn ý? Ông nói:
          - Số hai thằng này thế mà son. Bây giờ tao sang nhà thằng Kết mua chai rượu. Thằng Phúc cứ đánh tiết canh cả hai con ăn cho nó đã, mấy khi có dịp. Ông Hai Bốn nói xong là đi.
          Góc sân phía cây bưởi bà Hai Bốn ngồi nhặt lại rổ rau thơm. Phúc và Lẫm ngồi cắt tiết vịt. Tiết của mỗi con lưng lửng cái bát ăn cơm. Hãm xong tiết Lẫm cất nó vào trong chạn rồi ra vặt lông vịt với Phúc.
          Ông Hai Bốn đến nhà Kết cũng là lúc Kết ở ngoài chợ về. Trông thấy ông Hai Bốn ở đâu bao giờ Kết cũng cất tiếng hỏi trước:
          - Bác sang cháu có việc gì đấy?
          - Chẳng mấy khi bà ấy mua được đôi vịt về làm thịt, nhà lại hết rượu. Cháu để cho bác một chai. Tí nữa, ờ nửa tiếng thôi, cháu sang bác ăn tiết canh. Bên nhà thằng cháu đang đánh tiết canh, chúng cũng sành điệu lắm.
          - Chắc lại anh Phúc, anh Lẫm phải không bác?
          - Ừ, chúng nó chứ còn ai nữa. Hai thằng này không hiểu học ở đâu thói ăn tiết canh chó, tiết canh thỏ. Cháu có biết thêm món tiết canh gì mới nữa không?
          - Có chứ! Bác đã ăn tiết canh chim sẻ chưa?
          - Chưa!
          - Bác đã ăn tiết canh dê chưa?
          - Chưa!
          - Bác đã ăn tiết canh lợn rừng chưa?
          - Thịt lợn rừng thì ăn rồi. Nó ngon hơn thịt lợn nhà. Còn tiết canh lợn rừng thì cũng chưa.
          - Tới đây cháu sẽ cải tạo vườn đồi nhà, cháu sẽ nuôi lợn rừng đấy?
          - Ờ, phải đấy! Hay đấy! Nuôi hẳn một trang trại đủ để cấp cho nhà hàng bọn tớ, nào bao nhiêu tiền rượu để tôi trả?
          - Thôi tiền nong gì bác. Để cháu lấy chai nữa là đủ cho bốn bác cháu mình “Tít” Bác cứ cầm về đi.
          - Ờ thế cũng được! Chú khóa cửa lại chúng ta cùng đi! Thế hai cụ đi đâu rồi mà không có nhà?
          - Thầy u cháu sang nhà cô em gái cháu chơi, chắc phải hết tuần mới về!
          Ông Hai Bốn và Kết vừa đi chừng dăm mét đã thấy Phúc.
          Ông Hai Bốn hỏi:
          - Anh đi đâu vậy?
          - Cháu sang tìm bác!
          - Làm gì phải tìm? Tôi mời anh Kết sang đánh chén cho vui. Ở nhà hai anh làm xong chưa?
          - Anh Lẫm đánh tiết canh giỏi thật!
          Ông Hai Bốn nghiêm giọng nói như bực tức:
          - Tôi hỏi hai anh làm xong chưa? Anh lại trả lời tôi thế nghĩa là thế nào? Anh phải trả lời đúng câu hỏi của tôi. Buồn cười thật!
Chẳng hiểu sao Phúc lại trả lời lạc đề như vậy nên bị ông bác khó tính, khó nết mắng cho ngượng cả mặt.
          - Ai bảo anh đi tìm tôi? Anh Phúc à? Hai anh mà làm việc cho dân cho nước nhiệt tình thế này có phải tốt không?
          Kết nghe ông Hai Bốn và Phúc nói chuyện với giọng như phê bình nhau, Kết thấy buồn cười rồi nói:
          - Cháu cũng có tính giống anh Phúc, anh Lẫm. Cái gì chậm trễ thì không biết chứ ăn uống phải nhanh, tế sớm khỏi cúng ruồi.
          Ông Hai Bốn không hiểu Kết nói như thế là ý gì? Nói thật hay nói mánh khóe với Phúc và Lẫm.
          Ba bác cháu vừa về đến nhà đã nghe tiếng Lẫm:
          - Tôi cử chú đi tìm thì chú cũng mất hút luôn!
          Ông Hai Bốn cười nói:
          - Chú đừng tưởng là anh mà nói thằng em thế nào cũng được nhé? Phúc nó sang là về ngay chứ đi đâu mà mất hút. Còn có tôi nữa đấy, tôi làm chứng cho nó.
          Vợ ông Hai Bốn bảo mọi người ngồi xuống mâm. Bà nói:
          - Món tiết canh đặc biệt, ngon phải biết. Mấy bác cháu thưởng thức đi.
          Trong lúc Phúc xẻ tiết canh từ chiếc đĩa lớn ra bát mọi người thì Kết cũng rót rượu lần lượt vào các chén. Kết đặt chén rượu vào tay ông Hai Bốn nói:
          - Kính bác!
          Ông Hai Bốn cầm chén rượu trên tay. Ông nói:
          - Nào, bác cháu ta cùng nâng chén.
          - Kính chúc sức khỏe hai bác!
          - Chà rượu chú Kết nấu ngon thật! Mỗi tháng chú tiêu thụ được bao nhiêu lít?
          - Em tiêu thụ chừng bốn trăm lít.
          Lẫm nghe Kết nói rồi hỏi lại:
          - Chú tính làng Vàng này có bao nhiêu đàn ông, mỗi người tiêu thụ bao nhiêu lít một tháng?
          Kết cười rồi trả lời:
          - Em không cần tính như bác, với em cứ bán được nhiều là tốt.
          Bà Hai Bốn gắp thịt vịt vào bát cho mọi người. Bà giục mọi người ăn.  Ông Hai Bốn cũng suy nghĩ như bà. Ông nói:
          - Bà nói phải. Mọi người phải ăn mạnh vào, mâm còn đầy lắm. Cháu Kết rót rượu nữa đi. Hai ông tướng Phúc và Lẫm này cũng là cây rượu đấy.
          Lẫm hề hề cười nói:
          - Chúng cháu thường xuyên phải tiếp khách, hội họp, vân vân nên quen rồi. Bác có biết một tiêu chuẩn để đề bạt cán bộ bây giờ là phải biết uống rượu không? Nếu không uống được thì cũng không ổn.
          Kết nói thêm:
          - Ngoài tiêu chuẩn ấy ra còn phải có thêm các tiêu chuẩn khác như:  Cờ bạc, em út, hò hát, vân vân.
          Ông Hai Bốn vặn lại:
          - Các anh chỉ bịa chuyện khôi hài mua vui trong bữa rượu.
          - Chúng cháu nói thật đấy! Thời của bác qua rồi, thời nay nó vậy!
          - Các anh cho tôi xem cái tiêu chuẩn ấy?
          - Tiêu chuẩn này bất thành văn bác ạ!
          Ông Hai Bốn không hỏi nữa. Ông hỏi Kết:
          - Việc cháu ghi âm Hội và bậu sậu họp kín cháu không ngại à?
          Kết lạnh lùng trả lời:
          - Thực ra cháu cũng tình cờ đi qua chỗ ấy, thấy thế thì cháu ghi âm lại chứ cháu có chuẩn bị trước gì đâu. Nếu cháu ngại hoặc cháu sợ cháu đã không làm!
          - Chú Kết không sợ tụi nó trả thù à?
          Nghe Phúc hỏi Kết cười rồi nói:
          - Thì tôi đã nói rồi đấy thôi. Hai anh định giải quyết việc này thế nào? Đấy là việc của các anh. Với tôi chuyện ấy chẳng có nghĩa lý gì!
          - Việc này chúng tôi sẽ đưa ra cấp ủy xem xét.
          Ông Hai Bốn gật gù nói:
          - Phải xử lý cánh thằng Hội thật nghiêm khắc!
          Bà Hai Bốn ngồi ăn nghe chuyện mà lòng phiền muộn. Bà nói:
          - Cái xã bằng bàn tay mà cũng lắm chuyện. Tôi ăn đủ rồi, mấy bác cháu ăn khỏe vào, uống rượu vừa thôi.
          Bà Hai Bốn chống gối đứng dậy, bà xuống bếp bê chậu rau đã trộn cám ra cho lũ lợn ngoài chuồng ăn.
          Lúc này trong mâm chỉ còn lại bốn người đàn ông. Rượu trong chai chỉ còn đủ cho mỗi người một chén. Ông Hai Bốn nói:
          - Nào bác cháu ta giải quyết hết chỗ này rồi ra uống nước.
          Ông gắp hai cái chân vịt còn lại vào bát của Kết. Phúc và Lẫm mỗi người một cái đầu vịt. Còn ông là cái phao câu chũm chĩm những thịt. Ông chủ động ăn nhanh, uống nhanh rồi dậy ra giếng kéo nước rửa tay rửa mặt.
          Phúc liếc mắt nhìn ông hai Bốn cười nói với Lẫm:
          - Ông bác cho anh em mình ăn đầu vịt là có ý thâm lắm!
          - Thế còn em ăn chân vịt là ý gì?
          - Để ý làm gì chuyện ấy. Cụ già khốt ta bít!
          Đại hội đảng bộ xã được tổ chức đúng ngày đầu tuần. Các ngả đường đến hội trường xã và trung tâm được treo rất nhiều băng zôn khẩu hiệu, cờ đảng, cờ tổ quốc.
          Hội có mặt ở hội trường từ rất sớm để theo dõi an ninh, trật tự. Đặc biệt là xua đuổi lũ trẻ con trong xã ra đùa nghịch, phá phách.
Hội trường được trang hoàng khá lộng lẫy. Cánh thợ loa đài trên huyện xuống từ chiều hôm trước sau khi lắp đặt xong hệ thống âm thanh liên tục cho phát các bài ca đã “Đi cùng năm tháng” đến tận nửa đêm, làm không khí các làng tưng bừng vui nhộn cả lên.
          Trước giờ đại hội nhiều người đã kháo nhau:
          - Tay Tuấn lo mảng loa đài, băng cờ khá thật. Cánh chuyên nghiệp có khác. Nghe ca nhạc sướng âm ỉ hai lỗ tai. Nhìn băng cờ sướng hai con mắt.
          - Đã thế lại còn nhàn tênh nữa chứ!
          - Nhớ kỳ đại hội nông dân loa đài nhà mình cứ rú lên như còi ủ.
          - Tiền mất mà tật mang mới tức chứ? Tổ cha cả thằng bán lẫn thằng mua. Mấy chục triệu của dân chứ ít à? Kỳ này bầu là tôi cứ gạch cổ chúng nó. Cái lũ chỉ nhăm nhăm tìm cách bóp hầu, bóp cổ dân: Nào tiền làm đường, tiền trường, tiền trạm, tiền chợ, tiền chi phí chạy vốn, tiếp khách. Vân vân. Cứ nhè vào đầu dân. Dân quanh năm đầu tắt mặt tối thu nhập đáng là bao? Mình bầu nó là để nó đem lợi ích cho mình, đâu dè nó lại hành mình. Kỳ đại hội này thằng nào như thế, gạch!
          Hội lân la đến bên nói:
          - Ông bức xúc quá phải không? Ra đây “Bắn” điếu thuốc cho đời lên tiên!
          - Mẹ nó chứ. Bị đè nén, bị bóc lột quá cả địa chủ thời trước. Đúng là lũ cường hào ác bá thời xưa sống lại! Nó làm xấu hổ cả mặt mình!
          Hội nói:
          - Ông có thế đâu mà xấu hổ?
          - Không xấu hổ, không tự ái làm sao được? Mình cũng là đảng viên chứ sao? Còn cả ông nữa? Ông cẩn thận đấy?
          - Tôi làm gì mà ông chụp mũ cả đầu tôi?
          - Thế thì thằng nào nhận cái phong bì một trăm ngàn đồng vụ chó má của lão Sơn? Một trăm ngàn đồng của tay mua chó?
          - Có lẽ ông nhầm rồi đấy? Cái xã này ông có biết bao nhiêu người tên Hội không? Nào Hội Đồng, Hội Hè, Hội Họp!
          - Nhầm là thế đếch nào! Vợ lão Sơn thút thít khóc kể với tôi một trăm ngàn đồng ấy là tiền bán trứng. Ông có cần tôi gọi bà ấy đến không?
          Hội vờ nghe điện thoại rồi lảng đi chỗ khác. Cuối buổi chiều đại hội đảng bộ xã mới kết thúc. Những gương mặt mới xuất hiện. Số đảng ủy viên cũ chỉ còn lại một phần ba. Hai phần ba đã rơi rụng. Đại hội bầu Nguyễn Mạnh Tuấn, phó bí thư nhiệm kỳ cũ làm bí thư.
          Ông Hai Bốn và ông Mạnh cũng là đại biểu chính thức đại hội. Hai ông thừa nhận đại hội diễn ra thẳng thắn, đúng điều lệ. Trong đại hội cũng thể hiện rõ phần tử kích động, “Đục nước béo cò”. Điển hình là phe cánh của Hội cứ nhằm vào việc lấn chiếm đất công, mua sắm, xây dựng cơ bản, kinh tế không phát triển, thanh niên bỏ học, ly quê, để khoét sâu… Cái bong bóng chỉ nổ tung khi ông Hai Bốn phát biểu.
          Việc làm của ông Hai bốn dẫn đến Hội và phe cánh không đủ số phiếu bầu. Sau đại hội phe cánh Hội bực lắm, lồng cả lên:
          - Phải tìm bằng được cái kẻ đặt máy ghi âm!
          - Ai ngờ lại có tình trạng này?
          - Hay nội bộ có kẻ xấu, có gián điệp?
          - Bọn nào “Chơi” ta quả độc quá!
          - Tại sao ông Hai Bốn có nó?
          Hội mặc kệ cho chiến hữu suy diễn. Hội nheo mắt như đang nhớ về một cái gì xa lắm. Hội gằn giọng:
          - Đúng mày rồi, không còn ai khác. Đợi đấy!
          Trên đường về ông Mạnh nói với ông Hai Bốn:
          - Anh có thấy hình thành các nhóm ngay cả lúc này không?
          - Có! Nhóm đi trước mình nói chuyện vô tư rôm rả. Mấy tay xin rút lui là khôn lắm! Kiếm thế là ổn rồi. Ăn non còn hơn! Những tay khác bầu nhưng không trúng chẳng qua vớ vẩn, không có “Thương hiệu” thế thôi!. Còn phái của Hội quả là đau thật. Lúc phe cánh Hội phát biểu nghe thấy cũng ghê, cũng sâu sắc, cụ thể, dồn cánh thường vụ vào tận góc tường. Phải vô tư mà nói nếu cánh của Hội không mắc phải những sai lầm thì cũng “Ác” đấy chứ? Toàn nhân vật có sừng có mỏ cả, ăn nói đâu ra đấy! Lẫm không trúng bí thư cũng buồn, nhưng có chân trong thường vụ còn có uy tín. Tuấn trúng bí thư nói cho cùng cũng xứng đáng. Tuấn trẻ, ít nói, trầm nhưng cũng sắc lắm. Tuấn có lợi thế rất lớn để thu phục lòng người khi Tuấn phát biểu đẩy mạnh kinh tế gia đình kiểu mô hình trang trại như cánh ta đã làm. Kiên quyết phòng và chống tham nhũng, lắng nghe ý kiến của dân.
          - Việc anh có trong tay chiếc điện thoại ghi âm chắc ai đưa cho anh, chứ anh hơi đâu mà làm việc này! Dạo trước cậu Kết cũng chơi trò này với tay Hội. Bây giờ chưa biết là ai?
          Nói về Hội. Cả tháng nay Hội không thò mặt ra ngoài. Hội chỉ quanh quẩn ở nhà. Hội lo về độ an toàn cái ghế phó công an xã còn lại. Hội liên tục gọi điện cho Tiến là anh trai trên tỉnh “Can thiệp” trước với lãnh đạo mới của xã, gọi điện cho bậu xậu bàn mưu tính kế cho ván cờ sau. Rảnh ra là Hội uống rượu và đốt thuốc. Việc làm của Hội khiến vợ Hội khó chịu. Vợ Hội nói chồng:
          - Anh điện cái gì mà nhiều thế? Chết tiền! Mà làm sao anh cứ gọi người ta là thằng nọ, con kia? Họ cũng lớn tuổi cả. Con cái chúng nó nghe thấy thì thế nào? Không làm quan thì làm dân có chết đâu? Anh cứ lồng lộn, bàn mưu tính kế làm gì cho khổ!
          Nghe vợ nói, Hội nổi giận:
          - Đàn bà ngu dốt thì câm cái mồm lại! Biết gì mà nói? Tôi mà cứ luẩn quẩn, mò mẫm như cô thì nhà này có cứt! Cô im mồm đi, về bên ngoại dăm bữa nửa tháng cho tôi yên!
          Vợ Hội bực lắm nhưng phải nhường nhịn chồng:
          - Anh đã nói thế thì từ mai tôi về bên ngoại. Kệ anh!
          Có điện thoại gọi, Hội cầm máy nghe:
          - Anh Hội à? Việc anh giao tìm hiểu “Gián điệp” em chịu thôi!
          Em trông mặt mũi hình hài cả nhóm thấy rưa rứa nhau cả. Khó phát hiện lắm!
          - Chú Hợm nổi tiếng thông minh mà chịu à? Cố lên để rửa nhục. Xong việc anh sẽ thưởng cho! Anh cho cái xe máy mới!
          Từ trong buồng vợ Hội xộc ra:
          - Anh nói cho ai chiếc xe máy? Tôi cấm anh đấy!
          - Đồ ngu quá! Nghe phải có “Bộ lọc” chứ. Điên à? Cái xe máy vẽ mà cũng không hiểu!
          Tiếng chuông điện thoại lại réo:
          - Ai đấy? Ờ cứ thế nhé. Thế là thuộc bài rồi! Anh đang muốn “Giải hạn” đây. Ok! Anh sang ngay!
          Điện thoại lại réo:
          - Có tin buồn rồi ông anh.
          - Tin gì?
          - Thằng em “Nghỉ” chân phó bí thư xã đoàn rồi! Cái ghế phó công an xã của anh thế nào hiện chưa rõ? Nhưng linh cảm của em chắc anh cũng tuột thôi, dậu đổ bìm leo mà. Khối đứa thèm cái ghế đó!
          Hội rụp máy điện thoại vẻ mặt hầm hầm, chắp tay sau lưng đi lại trong nhà, ngoài sân liên tục. Điện thoại trong nhà lại đổ chuông, vợ Hội định nghe liền bị Hội chặn lại:
          - Bỏ xuống! Từ giờ trở đi tôi cấm bà nghe điện thoại! Bà nhớ đấy?
          Vợ Hội thấy vậy bèn quay người bỏ ra cổng. Hội chộp lấy chiếc điện thoại gí vội vào tai:
          - Alô, anh Tiến à! Dạ vâng! Em biết rồi! Thế à? Anh điện sau hôm hôm đại hội rồi à? Mai anh về xã một mình hay còn ai nữa để em còn chuẩn bị?
          Vợ Hội ở ngoài cổng thấy chồng bỗng dưng quẩng cả lên, vội vội, vàng vàng, hớt ha hớt hải, vợ Hội sợ hãi kêu lên:
          - Rõ khổ chưa! Kiểu này thì phát điên mất thôi! Chức mới tước là cái gì mà đến nông nỗi này! Chết mất thôi!
          Vợ Hội thấy chồng dắt xe máy trong nhà ra rồi phóng đi trong tình trạng tinh thần ức chế, vợ Hội không yên tâm liền sang nhà cậu em trai nói:
          - Anh Hội phóng xe đi đâu không biết? Không mũ bảo hiểm, tâm trạng bất ổn, lại uống rượu, chị lo lắm! Cậu xem giúp chị tìm xem anh ở đâu? Nói dại anh ấy có làm sao chị cũng chết mất!
          - Được rồi. Chị cứ yên tâm. Em đi ngay!
          Cả trưa hôm ấy không tìm được Hội. Vợ Hội ôm mặt khóc hu hu “Anh Hội ơi anh đừng nghĩ dại nhé!”
          Chỉ có ông trời mới biết Hội đang ở đâu?



          (Còn nữa)

          Phan Đạt Ninh

Đã đăng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét