Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

CẦU TRƯỜNG: TRANH NGUYỄN GIA HOÀN



Trần Mỹ Giống

Cầu Trường. Tranh: Nguyễn Gia Hoàn
 
          Dịp về quê giỗ MẸ vừa rồi (4-3-2016) tôi qua thăm chú tôi, cũng là thầy dạy văn tôi hồi tôi học cấp hai, ông Trần Hùng Tuyền ở xóm 9 xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Khi bước qua cửa nhà chú Trần Hùng Tuyền, tôi sững người nhìn những bức tranh treo trên tường với cảm xúc lâng lâng dào dạt... Đó là những bức tranh vẽ phong cảnh theo cách tả thực quê tôi. Nhìn bức Cầu Trường vẽ y thực ngày tôi còn nhỏ, óc tôi lóe lên những kỷ niệm thời thơ ấu gắn với cây cầu này...

          Cây cầu được gọi là Cầu Trường vì ở đó trước kia có ngôi trường dạy chữ Nho của làng.
          Cây cầu là nơi bọn trẻ chúng tôi thường dùng làm cầu bơi trong những ngày hè nóng nực. Chúng tôi tha hồ bơi thi, lặn ngụp trong dòng nước trong mát chảy quanh làng. Những tối trăng sáng, chúng tôi thường ngồi trên cầu hát và thổi sáo, đánh măng-đô-lin... Đầu cầu bên này là đường làng và nhà trường học, bên kia là sân họp của xóm, cạnh đó là nhà đòn (nơi để kiệu rước trong lễ hội làng hoặc đưa đám khi có người tạ thế). Bọn trẻ trai chơi trận giả, mô đầu, đánh khăng, đánh đáo, chơi bi, đánh vành xe... Bọn trẻ gái chơi chuyền, chơi ô ăn quan... Chân cầu và nhà đòn cũng là nơi hồi cải cách ruộng đất, du kích hành hạ trả thù địa chủ...
          Tôi không sao quên hình ảnh cậu Hòa tôi bị cùm chân, bị đánh gẫy răng, bị giam trong nhà đòn chỉ vì cậu đi du kích bị Pháp bắt đưa đi Lào, dọc đường trốn về được, người ta vu cho cậu theo địch về làm gián điệp. U tôi thương em, đem cơm cho cậu, bị các ông du kích quát: “Đem thuốc độc cho thằng phản động tự sát à” và đá phăng nắm cơm khoai đi... Sau này sửa sai, cậu tôi được thưởng huân chương kháng chiến, được giới thiệu vào Đảng, nhưng cậu quyết không chấp nhận.
          Hình ảnh cụ Riễn đã gần tám mươi tuổi bị dìm dưới chân Cầu Trường trong đêm mùa đông lạnh buốt... vì cụ bị quy là địa chủ, cứ ám ảnh trong tâm trí tôi. Cụ run rẩy van xin các ông cốt cán được nằm ôm trên đầu khúc gỗ dưới sông cho đỡ lạnh. Mỗi lần cụ trèo lên khúc gỗ, lại bị các ông cốt cán đạp xuống nước... Sau được hạ thành phần trung nông thì cụ đã mất...
          Chính chân Cầu Trường là nơi cô ruột tôi ngã và ngạt nước qua đời...
          Một cây cầu mỏng manh nhỏ bé mà chứng kiến biết bao kỷ niệm vui, buồn, đau khổ của tôi.
          Ngày nay cây cầu vẫn gọi là Cầu Trường nhưng đã khác xưa nhiều lắm. Người ta xây nhà khang trang hai bên mố cầu, xây nhiều cầu lớn qua con sông nhỏ, con sông ô nhiễm đến mức không còn ai dám tắm như ngày xưa... Lũ trẻ hậu sinh không biết gì về cây cầu trước đây nữa. Chính vì thế mà khi nhìn bức tranh Cầu Trường tôi xúc động mạnh thế chăng?
          Ngoài bức Cầu Trường còn bức Lò vôi, Xóm Nam Long... cùng làng, cũng theo cách tả thực gây được cảm xúc thẩm mỹ mạnh trong tôi.
          Chú Trần Hùng Tuyền nói cho tôi biết tác giả của những bức tranh này là cố Họa sĩ Nguyễn Gia Hoàn, rể làng tôi. Họa sĩ Nguyễn Gia Hoàn tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, giảng dạy tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội... Năm 1976 về thăm quê vợ, ông đã ký họa chân dung chú Trần Hùng Tuyền, vẽ các bức tranh phong cảnh làng Trà Lũ Trung tặng chú Trần Hùng Tuyền... Chú Trần Hùng Tuyền lồng khung và treo trang trọng trên các mảng tường trong nhà, giữ gìn như báu vật những bức tranh này đến ngày nay... Được chú Trần Hùng Tuyền cho phép, tôi chụp lại các bức tranh, treo lên blog TMG giới thiệu cùng bạn đọc.

Trần Mỹ Giống












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét