Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 21-22)



          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

           XXI

          Dân làng Vàng bình luận sôi nổi về con ngựa đá và chiếc bia đá đào được trong vườn bãi nhà Du như một hiện tượng đặc biệt. Nhóm người đi chợ sáng nói chuyện:
          - Không phải ngẫu nhiên đâu, có một sự huyền bí nào đó? Các vị cứ nghĩ xem?
          - Tôi cũng thấy thế! Có xây dựng lại Chùa mới tìm được bia với ngựa?
          - Nếu nhà Du không khởi xướng khu ẩm thực việt, không đào bới, quy hoạch thì đào đâu ra bia với ngựa?
          - Tất cả là tình cờ, là ngẫu nhiên thôi. Nói là huyền bí thì cứ nói, có ai giải thích được việc này đâu?
          - Các quan trong xã tôi thấy có quan Hội là tự giác trả lại đất cho Chùa. Còn quan Tuấn chưa thấy ngài động tĩnh gì?
          - Quan Hội trả đất trước là mưu sâu kế hiểm? Là “Chơi” tay Tuấn đấy thôi! Tay Tuấn chậm trả ngày nào là bị “Eo xèo” ngày ấy. Sắp đại hội đảng xã rồi?

          - Nhà cha này nữa cũng tự giác trả đi?
          - Tôi làm đếch gì phải tự giác. Tay Tuấn có trả thì tôi mới trả! Cứ đợi đấy?
          - Thôi đi. Khôn hồn thì từ bỏ lòng tham. Ở đâu tham tôi không biết, nhưng của Chùa chiền miếu mạo thì đừng. Khối kẻ trước đây đã phạm rồi đấy, cả đời con cháu không ngóc lên được.
          Sáng nay vợ Tuấn phó bí thư ra chợ mua cân đường, lạng mì chính. Vợ Tuấn thấy nhiều người túm năm tụm ba nói chuyện về bia đá, ngựa đá, về lão Hội phó công an và cả Tuấn chồng mình nữa. Vợ Tuấn nắm được nội dung mọi người “Rì rầm”, trong đầu vợ Tuấn nghĩ ngay “Tối nay phải nói lại thông tin này với chồng. Tuấn sẽ có cách. Rõ là lắm chuyện”. Mải suy nghĩ vợ Tuấn suýt quên mua cho chồng lạng thuốc lào. VợTuấn rẽ vào quán bán chè thuốc của một phụ nữ đã cứng tuổi để mua thì gặp Phượng vợ Lương ngồi trong quán. Thấy vợ Tuấn, Phượng hỏi trước:
          - Chị Hà mua gì thế?
          - Chị mua cho anh cô lạng thuốc lào. Mải ngắm chợ suýt nữa quên!
          - Vào đây em bán cho. Hôm nay có thuốc lào Tiên lãng Hải phòng đấy?
          Người phụ nữ cứng tuổi bán hàng khô là người của xã bên mới đến chợ làng Vàng bán hàng. Một số người trong làng thấy chị ta môi đỏ, da trắng, mắt ướt, tóc dài, hơi lớn tuổi mà chưa có chồng nên thì thầm nói chị là người “Hồng nhan bạc phận”.
          - Thế cô Phượng mua gì ngồi đây? Chắc là mua chè cho ông ngoại phải không?
          - Vâng, em ra mua cho ông lạng chè.
          - Chú Lương bố cu cún có hay về không?
          - Lương cũng hay về còn bố cu cún thì không chị ạ!
          - Em nói câu gì mà chị nghe lạ thế?
          Vợ Tuấn không thấy Phượng trả lời cứ nghĩ mình nghe nhầm nên không hỏi nữa.
          - Em có nghe người ta eo xèo gì về đất cát làng Vàng không?
          Phượng hiểu sai ý hỏi của vợ Tuấn nên nổi nóng trả lời:
          - Đất em đang dựng quán liên quan gì đến mọi người, mà mọi người cứ chõ mõm chó vào thế nhỉ? Đất làng Vàng bây giờ trở thành vàng nên lắm chuyện. Em nói với chị để chị biết, còn giải thích cho cái lũ người ghen ăn tức ở kia đất của cái Phượng là có giấy tờ của người có thẩm quyền cấp chứ không phải nhảy dù đâu nhé?
          - Ấy chị không hỏi thế em hiểu sai ý chị rồi?
          - Thế chị hỏi cái gì?
          Vợ Tuấn thì thầm vào tai Phượng. Phượng nghe xong nói luôn:
          - Thì đúng rồi! Đất của Chùa thì phải trả cho Chùa. Cũng tại cái ông xã thời trước vô thần nên để lại hậu quả bây giờ. Còn chuyện nhà Du đào được bia đá, ngựa đá của Chùa thì cũng có gì lạ đâu mà linh với thiêng, mà cứ phải đồn thổi! Đến người hóa đá tồn tại trăm năm, ngàn năm trở thành vọng phu mà còn bị nung thành vôi kia nữa là? Chị quan tâm chuyện đó làm gì cho mệt người, cứ phải to nhỏ, thì thầm thì thụt như kẻ gian vậy?
          Vợ Tuấn tròn mắt nhìn Phượng rồi cáo về:
          - Cô Phượng về sau nhé?
          - Vâng, chị về trước đi!
          Vợ Tuấn đi rồi Phượng mới thở dài:
          - Rỗi việc rồi đi buôn chuyện! Đúng là thế gian được… chồng hỏng vợ.
          - Bà này là bà nào mà dò dẫm khi nói chuyện thế?
          - Phu nhân ông phó bí thư đảng ủy xã.
          Từ phía trước Hội đủng đỉnh đi tới rồi đánh tiếng:
          - Phượng ở đây à? Mua được thứ gì rồi? Cô bán chè thuốc này người đâu mà…
          Phượng ngoái nhìn Hội không trả lời. Người phụ nữ bán hàng hỏi nhỏ Phượng:
          - Ông này chức sắc gì trong xã mà ra vẻ thế?
          - Ông Hội phó công an xã đấy.
          Đi đến nơi Hội đứng trân trân nhìn vào quán. Hội hết đứng bên trái quán rồi sang đứng bên phải quán. Phượng thừa hiểu cách đứng và thay đổi vị trí đứng của Hội có dụng ý. Phượng nghiêm giọng nói:
          - Chị Mai cởi thêm khuy áo ngực cho ông Hội nhìn ngắm? Ông đói mắt đấy? Đói cơm, đói tiền khổ đã đành! Đằng này đói “Thịt” !
Thấy Phượng nói vậy, Mai (Tên của phụ nữ bán chè thuốc) cúi xuống xem lại mình.
          Hội không phản ứng lại câu châm chọc của Phượng mà tỉnh khô nói:
          - Tạo hóa đã ban cho người phụ nữ một vóc dáng đẹp. Họ luôn xứng đáng được trân trọng, yêu thương và được vuốt ve?
          - Giỏi tán nhỉ? Ông về mà yêu thương, trân trọng, vuốt ve vợ! Thôi chào chị Mai tôi về cho chị còn bán hàng.
          Phượng đi trước. Hội đi sau. Lúc này Mai mới tự hỏi: “Hai người này là gì với nhau mà ăn nói một duộc? Kẻ chín lạng, người một cân, diện đầu đinh, đầu gấu, ma cô cả!”
          Phượng về đến gốc gạo thì dừng lại chờ Hội. Lát sau cả hai vào nhà.
          - Phượng giỏi thật đấy, tôi chỉ mới gợi ý mà đã mượn được đất của xã lại còn dựng được cả quán nữa?
          - Thì cũng phải nhờ đến anh đấy thôi? Em chẳng hiểu anh nói những gì ở ủy ban mà bữa trước ra ủy ban ký giấy mượn chủ tịch xã nhắc đến anh?
          - Ông ấy nhắc anh cái gì?
          - Ông ấy toàn khen anh thôi. Nào có quan điểm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, gương mẫu trả lại đất cho chùa, không đòi hỏi, biết đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng. Rặng xoan anh chặt bỏ đi cả làng biết. Cán bộ xã mà ai cũng được như anh thì còn gì bằng?
Phượng cúi xuống sắp xếp ấm chén trên bàn cố ý để lộ ngực về phía Hội.
          Hội ranh mãnh nói:
          - Vừa nãy ngoài chợ Phượng bảo tôi đói thịt nghĩa là gì?
          - Người đâu mà cứ hau háu khi gần phụ nữ? Ghét thế!
          - Số tôi nó sát gái thế mới khổ? “Trên” bảo “Dưới” không nghe!
          - Bây giờ anh chịu khó ở trong nhà một mình để em vờ ra chợ, em khóa ngoài cửa trước nhưng mở cửa sau. Mươi phút nữa em quay về vào cửa sau để tránh tai mắt mọi người.
          Hội cười:
          - Em cẩn thận thật đấy!
          Phượng xách túi ra ngoài, khép cửa rồi đứng khá lâu để khóa cửa. Phượng ra chợ. Phượng đi chừng mươi mét thì gặp Kết từ ngõ nhà mình đi ra. Thấy Phượng Kết hỏi trước:
          - Cô Phượng hôm nay ra chợ muộn thế?
          - Anh biết tôi hôm trước đi sớm à mà hỏi vậy?
          - Ấy là tôi thấy muộn thì bảo muộn thôi. Cô Phượng ra chợ mua gì?
          - Có gì hay mắt thì mua.
          - Chúng ta cùng đi nhé. Lâu rồi nay tôi mới được dịp đi bên cô?
          Phượng lẳng lặng đi bên Kết ra chợ. Trong đầu Phượng đang suy nghĩ, đang nhận xét về Kết: “Một gã đàn ông tầm thường. Một người có cái trán ngắn và hẹp như loài linh trưởng mà cũng nói những lời có cánh”.
Đến chợ Phượng chủ động tách nhanh khỏi Kết. Phượng vào chỗ đông người đang lúi húi mua bán rồi quay gót về nhà.
          Phượng lẻn cửa sau vào nhà đã thấy Hội trong tư thế “Thường trực” sẵn. Hội nói nhỏ vào tai Phượng:
          - Anh chuẩn bị nước ấm cho em rồi đấy?
          Phượng ỏn ẻn đi vào nhà tắm và cũng chỉ một lát sau với chiếc khăn bông tắm to quấn ngang người Phượng xà vào lòng Hội.
          - Từ giờ trở đi em đặt tên cho anh là Hạng. Cái tên Hội nghe “Nhà quê” lắm? Hạng nhất của em đấy?
          Hội thì thầm vào tai Phượng:
          - Ờ thế cũng hay? Nghe tân tiến hơn!
          Hội ôm ngang eo Phượng ghì siết. Vòng tay của Hội lúc này cứ hệt các vòi con bạch tuộc cứ bám, cứ quấn, cứ lẩn tìm những điểm yếu của con mồi để thít chặt. Hội bế Phượng lên giường.
          Khi dục tình đã thỏa mãn, hai cơ thể ngồn ngộn những thịt nằm im lặng trên giường. Phượng gối đầu trên cánh tay vạm vỡ của Hội nói:
          - Anh định để mình em tự xoay sở với cái quán này hay sao?
          - Không mình em còn ai nữa? Anh chỉ hậu thuẫn cho em về mặt an ninh. Kẻ nào quậy phá em anh tóm cổ. Ý em định nói gì nữa, kinh tế phải không?
          - Hạng nhất của em siêu lắm! Em định đầu tư thêm cái tủ lạnh để có đá bán giải khát hè tới. Anh nghĩ sao?
          - Có gì mà phải nghĩ? Anh đồng ý luôn. Lát nữa anh đưa tiền rồi em tự hoặc nhờ ai đó mua cho. Anh nói thế được chưa?
          Phượng ngồi nhổm dậy nhìn vào mặt, vào mắt Hội rồi cứ áp miệng vào hôn. Đôi bồng đảo của Phượng từ dạo có Hội ngày một đẫy ra giờ đang bập bềnh, trắng phau phau trước mặt Hội.
          - Có chuông điện thoại của anh? Em đưa máy cho anh. Alô em nghe đây? Về xã có việc cần hở anh? Em đang ở trên tỉnh trao đổi công việc với anh Tiến, đến chiều em mới về. À anh Tiến có lời hỏi thăm anh đấy? Anh Tiến còn gửi cho anh chai rượu ngoại loại sang nữa. Vâng, vâng, em sẽ nói là bí thư đảng ủy xã hỏi thăm chúc sức khỏe. Anh yên tâm đi. Em sẽ chuyển lời…
          Hội tắt máy nhìn Phượng cười. Phượng nói:
          - Khổng Minh Gia Cát cứ phải gọi anh là sư phụ! Anh đang ở bên người đẹp mà nói ở trên tỉnh cứ như thật!
          Hội cười khoái chí, ánh mắt ranh mãnh như loài cáo. Hội nói:
          - Tay bí thư xã mình bám ông Tiến nhà anh ghê lắm, chắc muốn lăm le cái ghế bí thư hay chủ tịch huyện. Hội kéo Phượng nằm xuống giường. Phượng lõa thể như nàng tiên cá.
          - Em khóa cửa ngoài, treo biển “Vắng nhà” rồi chứ?
          - Anh cứ yên tâm mà “Hưởng thụ”. Em còn khóa cả cửa sau nữa.
          - Phượng này, cho anh hỏi thật nhé?
          - Em đồng ý!
          - Cu Mẫn có phải là con của Lương không?
          - Anh hỏi thật thì em cũng trả lời thật. Anh có thích nghe không?
          - Có. Nghe để biết.
          - Nếu cu Mẫn là con của Lương thì em cần gì đến “Cái đàn ông” của anh! Anh rõ chưa? Từ giờ trở đi anh là của em đấy!
          - Ra thế? Anh tin ở em, anh sẽ luôn ở bên em. Để anh dậy lấy tiền cho em kẻo mải ái ân tí nữa về lại quên.
          Hội gỡ tay Phượng rồi rời khỏi giường đến chỗ treo quần áo lấy tiền:
          - Anh đưa Phượng ba triệu đồng, chắc là đủ để cho em mua cái tủ lạnh.
          Phượng cầm tiền rồi dắt nó xuống đệm. Phượng và Hội lại quấn lấy nhau như đôi rắn.
 

          XXII

          Sáng nay Kết một mình ra chợ chủ động gặp người đẹp xã bên đang bán hàng ở chợ làng Vàng.
          Những lần trước Kết ra chợ thường chỉ đáo qua quán hàng của Mai để mua lạng chè, lạng thuốc rồi về. Tình yêu của Kết như dòng sông vào mùa cạn sau đận Phượng trả lời mắng như té nước vào mặt Kết. Từ đấy Kết mặc cảm.
          Tình yêu trong Kết chỉ trỗi dậy khi bố mẹ Kết nói chuyện với Kết về Mai. Bố mẹ Kết đều nói: “Con gái muộn chồng là bởi chưa đúng duyên phận chứ hồng nhan bạc phận cái gì? Miệng thế gian là ác lắm!”
          Kết cúi đầu bước vào trong quán rồi ngồi xuống bên Mai. Kết nói:
          - Em cho tôi mua lạng chè và lạng thuốc?
          - Anh mua chè Thái hay chè Lạng?
          - Chè gì cũng được, miễn là em nói nó ngon?
          - Ấy chết! Làm thế sao được. Vợ anh đâu không đi chợ để anh phải đi?
          - Ở cái xứ này có độc mình tôi là bị phụ nữ chê nên tôi bây giờ vẫn cô độc!
          - Anh cũng giống bao người đàn ông khác thường hay nói thế lắm?
          - Bao người đàn ông khác tôi không biết. Nhưng ở tôi thì tôi nói thật. Em không tin phải không?
          - Thế thì phụ nữ ở xứ anh đáng trách quá?
          - Có trách thì trách tôi mới đúng!
          - Anh nói thế em không hiểu?
          - Em không hiểu là phải. Rất đơn giản là vì em chưa biết về tôi? Thôi ta không nói chuyện này nữa. Ờ, em bán hàng này đã lâu chưa? Bố mẹ tôi nói là em người xã bên phải không?
          - Sao bố mẹ anh lại nói thế?
          Câu nói của Kết không hiểu vô tình hay có ý khiến Mai thấy lạ nên hỏi lại như vậy.
          Kết nói:
          - Bố mẹ tôi già yếu, các cụ cứ giục tôi lấy vợ? Mà tôi thì… đến em là người xã bên tôi cũng không biết?
          - Anh là người làng Vàng nay em mới biết?
          Kết và Mai đều không biết về nhau là điều có thực. Những năm tháng tuổi xuân tươi đẹp không có trong dĩ vãng hai người. Kết thì rõ: Mười hai năm ngồi bóc lịch trong tù. Người ta nói “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài” nếu cứ thế mà nhân với mười hai năm thì hỏi kết đã đi qua bao nhiêu mùa lá rụng? Còn Mai theo bố mẹ phiêu bạt xứ người làm ăn từ nhỏ. Tuổi thiếu nữ, thanh niên của Mai ở nơi đất khách quê người. Năm Mai mười tám thì mẹ mất do bệnh hiểm nghèo. Mai phải thay mẹ bán hàng lấy tiền giúp bố nuôi các em ăn học. Thời gian qua đi, các em Mai khôn lớn trưởng thành, còn Mai cũng qua đi thời con gái đẹp nhất. Mấy năm sau Bố Mai quyết định chuyển nhà về quê nơi Mai đang ở bây giờ.
          - Nói chuyện với nhau mà tôi với em chưa hiểu về nhau thì đáng trách quá?
          Mai nghe Kết nói “Chưa hiểu về nhau” Mai thấy ở Kết sự nghiêm chỉnh ban đầu. Bởi Mai cũng như bao người con gái khác thường hiểu cụm từ này chỉ xuất hiện khi nam nữ đặt vấn đề ái tình với nhau. Mai tủm tỉm cười quờ tay cầm chiếc nón đặt nó ngay ngắn trên chiếc sọt đựng hàng. Việc làm này của Mai vô tình để Kết đọc được dòng chữ mềm mại, bay bổng viết trong vành nón. Kết nói:
          - Em cho tôi mượn chiếc nón.
          Kết cầm chiếc nón trên tay hỏi:
          - Phạm Lê Mai là tên đầy đủ của em phải không?
          - Vâng, như vậy anh đã biết đầy đủ họ tên em rồi đấy. Còn anh là gì vẫn là điều bí mật với em?
          Nghe Mai nói vậy Kết định trả lời nhưng nghĩ thế nào Kết đứng dậy lấy trong ví tấm chứng minh thư đưa cho Mai. Mai đón nhận rồi cười đọc:
          - Mai Duy Kết. Ngày… tháng… năm sinh. Ờ, họ tên của anh hay thật!
          - Anh cũng chẳng biết nữa. Em có thể giải thích được không?
          Mai cười nói:
          - Để em đi hỏi ông trời nhé?
          Mọi người đi chợ nhìn thấy Kết ngồi trong quán của Mai đáo tiếng qua lại: “Hảo hán gặp hồng nhan”; “Phụ nữ hồng nhan là sát chồng lắm”; “Xinh tươi như quả táo chín mà chưa có chồng là lạ đấy”; “Các bà thật vớ vẩn, tôi thấy hai người đẹp đôi chứ”
          Kết định dậy cho Mai bán hàng thì nhìn thấy Hội đến. Hội không để ý đến người ngồi bên Mai đội mũ da, khoác áo da là ai, Hội hắng giọng hỏi:
          - Cô bán hàng chưa đăng ký với công an đấy nhé? Từ mai trở đi không được bán ở đây!
          Mai lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Kết quay người lại nói:
          - Ông Hội phó công an xã đấy à? Làm gì mà ông nạt nộ người ta thế? Ông mới đi đâu về mà người run như chó ốm? Cô này là người nhà tôi đấy! Hôm nào trời bão gió không bán được hàng tôi sẽ đến đăng ký với ông. Bây giờ, ông hãy đi đi để cô ấy còn bán hàng. Từ nay trở đi bữa nào ông hết trà hết thuốc ông cứ bảo tôi sẽ bán giá “Gốc” cho ông.
          Hội hơi choáng nhưng vẫn vờ vịt nói:
          - Chú Kết không nói trước với tôi để dễ cư xử? An ninh huyện, tỉnh có hỏi tôi còn biết để trả lời. Chú Kết này bây giờ có nhiều kẻ gian, thám báo hoạt động trong dân tuyên truyền phản động, nói xấu chế độ ta. Âm mưu diễn biến hòa bình của địch thâm độc lắm.
          - Ờ, cái ông này nói lạ. Chưa thấy âm mưu của địch đâu mà thấy diễn biến của ông rồi đấy?
          Kết đứng dậy nói nhỏ vào tai Hội:
          - Ông biến đi cho tôi nhờ. Ông chưa sợ tôi ghi âm phải không?
          Hội thấy Kết lạnh như băng đá và nẹt mình, Hội phớt lờ rồi bỏ đi. Cũng lúc này vợ Du ở phía trước đi đến. Vợ Du hỏi:
          - Ông Hội làm gì mà bỏ đi như vậy?
          Kết cười nói:
          - Của này vẫn chứng nào tật ấy chị ạ. Em vừa mắng cho một trận. Chị Du mua chè hay mua thuốc đấy?
          - Ừ, chị mua cả thuốc, cả chè về cho mọi người.
          - Công việc trang trại khu ẩm thực của nhà đến đâu rồi chị?
          - Cũng tàm tạm. Bữa nào rỗi mời chú đến chơi. Cô Mai à, cô cân cho chị một cân chè lấy loại vừa vừa thôi, và hai lạng thuốc lào ngon. Cô Mai ơi nếu cô cần vệ sỹ, tôi nghĩ cô cứ nhờ chú Kết là ổn đấy?
          Nghe vợ Du nói vậy dẫu Mai chưa biết nhiều về Kết nhưng Mai cũng thấy vui. Đôi mắt Mai mở to xanh đen nhìn Kết như chờ đợi một điều gì phía trước.
          Kết ngồi xuống bên Mai xem Mai cân thuốc cân chè cho vợ Du. Kết nói:
          - Em cũng muốn làm vệ sỹ cho Mai đấy chị Du ạ. Em không biết Mai có bằng lòng không?
          - Thế là tốt đấy. Cô Mai bằng lòng đi!
          Mai đưa mắt nhìn Kết đang ngồi lệch ra phía ngoài để hút thuốc. Chiếc mũ da đen Kết đội lệch trên đầu, nét mặt Kết từng trải, bộ râu con kiến nằm ngang như vệt mực tàu, nom Kết có dáng hào hiệp. Mai nói nhỏ với vợ Du:
          - Em thấy có cảm tình với anh ấy chị ạ. Chị giúp em nhé?
          - Thế thì yên tâm đi. Chị sẽ giúp.
          Kết hút xong điếu thuốc quay vào nói:
          - Chị để em trả tiền. Chị nói với anh Du là chú Kết gửi biếu.
          - Ồ, không được để chị trả. Chú còn phải lo việc lấy vợ nữa.
          Có lẽ chưa bao giờ Mai gặp tình huống khó xử như thế này. Mai muốn kêu to: “Ông trời ơi giúp con với?”. Mai đã tìm được lời giải, Mai nói:
          - Anh Kết đã nói vậy, chị để anh ấy trả. Bữa nào em và anh Kết sẽ đến thăm anh chị, thăm công trình.
          Vợ Du cười nói:
          - Cô chú đã nói vậy thì chị chịu rồi. Chị về sẽ nói với anh đây là quà của chú Kết cô Mai biếu anh.
          Vợ Du đứng dậy ra về thì một phụ nữ quàng chiếc khăn len xanh đến. Chị ta nói:
          - Chú Kết chắc mua xong hàng rồi phải không mà về đấy?
          Kết không trả lời mà đứng hẳn ra ngoài hút thuốc. Người phụ nữ này ngồi thụp xuống bên Mai nói nhỏ và nhanh:
          - Cô Mai cẩn thận với anh chàng họ “Lưu” này đấy? Anh chàng này mới trong tù ra.
          Nói xong người phụ nữ này đứng dậy rồi đi sang hàng khác. Mai ngước mắt nhìn theo.
          - Cô Mai nhìn gì mà gớm thế? Bà vợ ông phó công an quên trả tiền à?
          - Dạ không. Chị Hồng mua gì cho em đấy?
          Bà Hồng nhìn nét mặt của Mai hơi khác liền hỏi:
          - Vợ ông Hội vừa nói gì với cô mà cô có vẻ hoang mang thế? Chắc bà ta thấy chú Kết ngồi bên cô nên đưa chuyện chứ gì? Chú Kết ra tù khoảng hai năm nay, trong làng nhiều người quý chú ấy. Vợ chồng ông Hội là trường hợp cá biệt trong làng. Tôi nói với cô Mai ở làng Vàng này ai như thế nào, tốt hay xấu tôi đều biết cả, cô đừng nghe những lời nhảm nhí đấy.
          Kết thấy bà Hồng và Mai tâm sự, Kết vào nói:
          - Chị Hồng có nhiều chuyện dạy bảo chúng em phải không?
          Bà Hồng cười nói:
          - Tôi đang vun vào cho cô chú đấy. Mới thế mà đã có kẻ đưa chuyện.
          Mai nghe bà Hồng nói vậy thì ý nghĩ mặc cảm về Kết tan biến hết.  Mai nói:
          - Chị mua mảnh vải và dây chun về làm gì?
          - Cô chú đoán đi?
          Kết tế nhị đẩy câu trả lời sang Mai:
          - Em là phụ nữ thì cứ mạnh dạn đoán, riêng anh thì đã biết rồi đấy.
          Mai là người xã bên làm sao biết hết chuyện ở làng Vàng mà đoán được, nên bà Hồng nói:
          - Chị mua vải và chun về để cắt khâu quần đùi cho người thân đấy.
          Kết cười nói:
          - Chị Hồng chu đáo quá. Anh Mạnh sướng thật vì có người nâng khăn sửa túi.
          Mai hiểu ra câu chuyện rồi nói:
          - Nếu thế em xin biếu chị gói kim và cuộn chỉ.
          Mai lấy trong sọt gói kim và cuộn chỉ đưa cho bà Hồng.
          - Chú Kết nom “Dữ tợn” mà tinh tế thật.
          - Chị nói làm em buồn. Em gần ba chục tuổi rồi mà chưa có người nâng khăn sửa túi?
          Mai biết là Kết đang nói mình nên tủm tỉm cười rồi quay nhìn chỗ khác. Bà Hồng thấy vậy nói thêm:
          - Thì chú chẳng bắt đầu có người nâng khăn sửa túi đấy thôi. Tôi nói thế có phải không cô Mai?
          - Em sợ người ta không chấp nhận?
          - Chú Kết nghe cô Mai nói rõ rồi chứ?
          - Chị Hồng à, từ giờ trở đi em sẽ phụ giúp Mai bán hàng được không hở chị?
          - Tôi thấy rất đúng! Cô Mai có đồng ý không?
          Mai đưa mắt nhìn Kết rồi vờ quay đi nói:
          - Em chỉ sợ người ta không có thời gian?
          - Được rồi. Hên cho em rồi chị Hồng ạ. Ngày mai em sẽ mang rượu ra để Mai bán thêm. Em thấy chẳng có gì phải rụt rè. Em làm cho cả làng Vàng này biết rõ là em yêu Mai, và Mai cũng đã chấp nhận tình cảm của em.
          - Ông xã của chị Hồng chắc chiều chị lắm nhỉ?
          Bà Hồng chợt buồn. Bà im lặng một lát rồi mới nói:
          - Cô Mai người xã bên nên không biết. Chuyện của chị dài lắm! Chuyện của anh Mạnh cũng thế! Đời tư của mỗi người đã lùi vào dĩ vãng! Một dĩ vãng buồn. Ông trời chỉ cho mình có thế!
          Kết không muốn để bà Hồng sa vào chuyện buồn nên nói cắt ngang lời bà bằng chủ đề mới:
          - Em hỏi chị Hồng nhé: Việc anh Mạnh và chị quý nhau, quan tâm nhau thì con gái anh Mạnh và con gái của chị chúng nó nghĩ gì?
          - Các cháu cũng lớn cả rồi lại là sinh viên cùng trường nên chắc cũng nhận ra mối quan hệ đặc biệt này. Có điều chúng chưa nói ra.
          Mai nói:
          - Sao anh chị không nói cho các con nó biết?
          - Các cháu là trí thức, cũng là phụ nữ như mình, chắc chắn các cháu hiểu nên mình không phải nói. Vấn đề ở đây là cần có thời gian? Chú Kết hiểu ý tôi nói chứ?
          - Vâng. Em hiểu!
          - Chị em mình chuyện dài rồi. Tôi về trước nhé!

          (Còn nữa)
          Phan Đạt Ninh

Đã đăng:
         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét