Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 35-36) / Phan Đạt Ninh



          XXXV

          Những chuyện thay đổi trong mỗi gia đình ở làng Vàng thường không giấu được mọi người. Ở ngoài đồng ruộng, ở chợ làng, ở dưới bóng cây người ta kháo nhau rất nhiều chuyện:
          - Hôm nọ tôi thấy nhà ông Mạnh mua về cái xe máy mới đập hộp.
          - Ông Mạnh mua tặng con gái. Cái Thủy bây giờ là cô giáo trường huyện, có quyết định đàng hoàng rồi.
          - Cái Hoa nhà bà Hòa cũng là cô giáo trường huyện. Cái Hoa có quyết định chỉ sau cái Thủy có mấy ngày.
          - Cái nhà bà Hòa còn mua cho con Hoa cái xe máy ác hơn, đắt gấp ba bốn lần nhà ông Mạnh mua cho con.

          - Cứ bảo bà Hòa nghèo rớt mồng tơi. Đến bây giờ mọi người mới mở mắt ra nhé. Người ta giả nghèo giả khổ đấy thôi. Bây giờ tôi đếch còn tin cánh nghèo ấy nữa!
          - Cánh nam nữ thanh niên làng Vàng và cả cái xã này giờ phải đứng nghiêm cúi đầu chào cái Thủy, cái Hoa rồi nhé. Sướng và vẻ vang thế! Con mình dặt một lũ dốt nát ham chơi, ham ăn diện đua đòi. Đúng là đẻ con khôn sướng thật!
          - Bà này ăn mới chẳng nói. Nếu ai cũng như cái Thủy, cái Hoa thì ai là người làm việc khác? Thế mà cũng mở mồm ra nói được!
          - Nói như bà thì thi đỗ đại học cũng bằng thi vào lớp nuôi dạy hổ chứ gì? Quên đi! Một đứa đứng trên bục giảng, Một đứa suốt ngày rửa đít cho trẻ. Số hai bố con nhà ông Mạnh tốt thật. Bố có công ăn việc làm, hái ra tiền lại sắp cưới vợ.
          - Có như ông Mạnh cũng vẫn quẩn quanh ở làng. Tôi nghe hơi nồi chõ ít nữa cái Hoa còn đưa mẹ ra ở thị xã mới giỏi chứ?
          - Thằng Kết nhà ông Đoàn cũng sắp lấy vợ. Nó lấy con bán hàng xén ngoài chợ.
          - Cái bà này không chừa cái thói xấu. Chú kết đã gần ba mươi tuổi mà cứ gọi người ta là thằng? Rồi lại con bán hàng? Bà gọi người ta thế là không được!
          - Tại sao bà cứ đe nẹt tôi thế? Tôi gọi thế thì có làm sao?
          - Mấy héc ta đất gần chợ nghe đâu sắp xây nhà máy chế biến gia súc?
          - Tay Hội số nó làm quan. Ai cũng nghĩ tay Hội chìm xuồng, chết rồi, vậy mà vẫn sống, lại còn làm quan to hơn nữa, thế mới ghê?
          - Bà mẹ Lương mù ốm nặng. Kỳ này chắc khó qua khỏi!
          - Nhà hàng Ẩm Thực Việt của “Lũ bốn tên” đắt hàng lắm?
          - Sao gọi là “Lũ bốn tên”
          - Thì chẳng là bốn à? Này Du, này Mạnh, này Hồng, này tướng về hưu Hai Bốn đấy thôi.
          - Nghe bà nói tôi cứ tưởng lũ tạo phản ở bên Trung quốc ngày trước?
          - Chú Hợm với chú Kết bắt tay nhau làm trại nuôi lợn rừng lãi lắm!
          - Cu Mẫn nhà Phượng đếch phải con Lương Mù. Tôi nói không sai đâu? Ngày bé tay Lương bị chó xơi cho cả cụm thì làm ăn được gì mà có con?
          - Tôi tưởng hồi ấy ra bệnh viện nối nó lại?
          - Nối cái con khỉ. Chả lẽ cắt cái của chồng tôi hay cắt cái của chồng bà để nối cho nó à? Chó nó chẳng nuốt vào bụng rồi!
          ….
          Đại để các chuyện như thế té ra ai cũng biết.
          Ông Mạnh và bà Hồng quyết định tổ chức bữa liên hoan mừng choThủy làm cô giáo. Địa điểm đặt tại nhà hàng. Khách mời là đại diện các gia đình trong làng, lãnh đạo đảng ủy, ủy ban xã với mức độ vừa phải. Có nghĩa là không quá sang và cũng không quá hèn. Bà Hồng nói:
          - Dân làng Vàng này cũng ghê lắm! Nghèo thì nghèo nhưng khi mời cỗ cứ phải đàng hoàng. Bữa ăn ngày thường thế nào cũng được, nhưng cứ đụng đũa đụng bát là phải mâm đầy tú hụ những thịt gà, thịt lợn, thịt bò v. v… rượu uống thoải mái. Người có đã đành, kẻ khó phải đi vay mà làm.
Góp ý với ông Mạnh ông Hai Bốn nói:
          - Chú phải đích thân đi mời. Chú không được nhờ qua người khác. Chú nên mời trước hai ba ngày để họ còn sắp xếp việc nhà.
          Du góp ý:
          - Anh phải lập danh sách từng gia đình, tên người anh mời. Mời ai xong anh đánh dấu cho khỏi sót. Em nghĩ cũng không nhiều lắm đâu. Làng Vàng có sáu chục gia đình. Vị chi là sáu chục người. Xã chừng mười người. Người nhà mình nữa. Tổng thiệt hại là tám mươi người.
          Ông Hai Bốn nhìn Du phê phán:
          - Chú nói tổng thiệt hại mà nghe được à?
          Ông Mạnh chần chừ suy nghĩ rồi nói:
          - Kinh tế tôi không lo. Tôi lo là tính tôi vốn xuề xòa, đại khái, kiệm lời. Tôi lo tính tôi như thế họ lại nghĩ mình không trọng thị.
          Ông Hai Bốn nói:
          - Chú phải tập nói ở nhà trước cho quen. Phải đường hoàng trọng thị. Chú tập khoảng vài ngày là quen!
          Ông Mạnh vò đầu bứt tai nói:
          - Trông thế mà khó ra phết!
          - Chú chỉ được cái tán gái là giỏi?
          Ông Mạnh, bà Hồng, Du nghe ông Hai Bốn nói thế tất cả đều bật cười.
          - Chú nói thử cho tôi nghe xem nào?
          Ông Mạnh đứng dậy thao thao nói.
          - Văn của chú được đấy? Hay! Cứ thế mà diễn!
          Ngày ông Mạnh đi mời bà con đến dự liên hoan cũng là ngày tình trạng mẹ Lương mù nguy kịch. Giả thử mẹ Lương sống hay chết cũng làm khó cho ông Mạnh. Thấy ông Mạnh phân vân ông Hai Bốn nói:
          - Người ta sinh có giờ. Chết lúc nào không biết! Chú cứ tiến hành.
Khi ông Hai Bốn nói, cũng là lúc sức khỏe của bà mẹ Lương đang ở trong tình trạng nguy kịch. Người làng báo tin cho nhau nên chỉ mươi phút sau nhà Lương đã tập trung đông người.
          Ông trưởng thôn trao đổi với bố Phượng và mọi người rồi thống nhất điện cho Lương về gấp. Cầm chiếc điện thoại di động trên tay, bố Phượng bấm số gọi. Ông đưa lại máy cho vị trưởng thôn:
          - Lương à, tôi là trưởng thôn đây. Mẹ cháu ốm nặng lắm. Cháu thu xếp rồi về nhà ngay!
          Ông trưởng thôn trả lại máy cho bố Phượng. Ông nói:
          - Lương nói sẽ đi xe tắc xi về ngay. Lương đang ở Hà Nội. Chắc nhanh cũng phải hai tiếng mới về đến nhà.
          Người ngồi bên cạnh mẹ Lương là Phượng và Cu Mẫn.
          Cu Mẫn luôn mồm hỏi mẹ:
          - Bà nội sắp chết hở mẹ? Tại sao lại chết?
          - Tại bà già yếu bệnh tật con ạ?
          - Thế chết có còn được đi chơi nữa không?
          Thấy con hỏi vớ vẩn nhiều Phượng mắng:
          - Con đừng hỏi nữa. Ngồi im đi!
          Mẹ Lương nằm trên giường người yếu ớt như ánh nắng xế chiều. Bà đôi lúc cố mở mắt, lúc ấy bà thường hỏi: “Bố Lương nó sắp về chưa?” Hỏi xong bà nhắm mắt lại.
          Phượng nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà nói:
          - Bố cu Mẫn đang trên đường về.
          Mẹ Lương hỏi:
          - Thằng Mẫn nó đâu? Có lẽ kỳ này bà phải vĩnh viễn xa nó rồi. Dưới suối vàng bà sẽ luôn cầu, luôn phù hộ cho cháu mạnh khỏe, giỏi giang, ngoan ngoãn nghe lời bố Lương mẹ Phượng.
          Phượng ngồi bên nghe bà nói nước mắt cứ chảy vòng quanh. Những giọt nước mắt tụ lại nặng và rơi xuống áo. Mắt Phượng đẫm lệ khiến mọi người cũng buồn, có nhiều người cũng sụt sịt khóc.
          Phượng kéo cu Mẫn vào ngồi bên. Phượng nói:
          - Cu Mẫn nói với bà đi?
          Cu Mẫn ngước mắt hỏi mẹ?
          - Nói thế nào hở mẹ?
          - Con nói bà ơi bà khỏe đi? Bà khỏe còn chơi với cháu! Cháu yêu bà nhiều lắm!
          Mẹ Lương nghe cu Mẫn nói vậy mỉm cười cố gắng nói:
          - Ừ, bà khỏe để bà còn chơi với cu Mẫn. Trời phật thương bà đã cho bà đứa cháu giỏi giang, thông minh. Lớn lên cháu sẽ là bác sỹ để chăm nom sức khỏe cho bà nhé?
          - Ứ, cháu lái xe tăng, bắn súng ùm ùm cơ!
          Phượng thấy bà rờ tay trong gấu áo. Phượng đỡ tay cho mẹ. Bà tháo chiếc kim băng đã cũ cầm ra chiếc túi vải nâu nhỏ bằng bao diêm, bà run run nói:
          - Bà có một chỉ vàng bà cho cu Mẫn. Mẹ Phượng giữ hộ nó!
          Mọi người đứng xung quanh đều lặng người đi khi chứng kiến bà lồng chỉ vàng vào ngón tay Phượng.
          Phượng ôm lấy mặt rồi chạy ra ngoài kêu khóc:
          - Ối anh Lương ơi! Anh không về mau lên. Em đang đứt từng khúc ruột. Em không nói ra được! Em không nói ra được! Ông trời ơi! Sao ông lại thế? Sao ông lại thế? Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ cũng đừng im lặng thế! Dù mẹ không nói sự thật về Lương với con, con không trách mẹ đâu! Con không trách mẹ đâu! Không trách đâu! Không trách đâu!
          Tiếng khóc của Phượng nhỏ dần.
          Hội về nhà đã dăm hôm. Giờ này Hội cũng có mặt. Hội nghe Phượng khóc, nghe Phượng kêu trời gọi đất. Hội nghĩ ngay trong đầu điều cay độc. Hội lẩm bẩm:
          - Thế là rõ rồi, Cu Mẫn không phải là con của thằng Lương! Nhưng cu Mẫn là con ai?
          Từ đám đông có tiếng reo lên:
          - Xe chở Lương về đây rồi.
          Chiếc tắc xi màu xanh lao thẳng vào góc vườn. Người mở cửa bước xuống là Lương. Mọi người dắt Lương vào nhà. Lương khụy xuống, đứng lên mấy lần. Mọi người phải đỡ Lương đến bên mẹ. Lương ôm lấy mẹ mà lay, mà khóc, mà nói:
          - Mẹ ơi, Lương về với mẹ đây rồi! Mẹ nhìn con đi! Mẹ nói với con đi. Mẹ rờ tay lên mặt con, lên vai con như mọi khi đi?
          Bên ngoài mọi người nói:
          - Bà ấy yếu lắm rồi! May Lương còn về kịp!
          - Thế nào bà ấy cũng mở mắt, cũng rờ vào mặt, vào vai Lương như mọi khi cho mà xem?
          Lương nắm chặt hai bàn tay gầy lạnh của mẹ. Bàn tay mẹ Lương giờ đã như chiếc lá khô không còn ấm như trước nữa. Mắt bà nhắm chặt. Một lát sau bà mới lờ đờ mở mắt nhìn Lương. Bà rờ tay vào mặt, vào bờ vai Lương.  Mắt bà ứa lệ miệng thều thào nói:
          - Lương về đấy con? Mẹ thương con. Con mạnh khỏe…
          Mẹ Lương không nói hết câu. Bà thở dốc rồi bà lặng lẽ ra đi. Mọi người xung quanh cũng lặng theo. Ông trưởng thôn nói:
          - Ai vào việc người ấy! Chúa đón bà ấy đi rồi!
          Lương ôm mẹ khóc vật vã. Phượng với cu Mẫn cũng khóc. Phượng ngồi bên gục đầu vào giường nói:
          - Mẹ tha thứ cho con! Con có lỗi với mẹ nhiều lắm!
          Thấy Lương vật vã bên mẹ Hội lách người vào kéo Lương ra. Hội nói gần như quát:
          - Không để cho người ta làm việc à? Thôi đi!
          Kết lách người vào lôi Hội ra ngoài nói:
          - Ông làm cái gì thế? Cứ để chú ấy khóc, người ta khóc mẹ lúc này mà ông làm thế à?
          Kết nói như mắng vào mặt Hội.
          Ở làng quê này mỗi lúc có việc hiếu mới thấy rõ tình làng nghĩa xóm. Mới thấy sự điều hành chỉn chu mọi công việc của vị trưởng thôn, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể như Hội người cao tuổi, Phụ nữ, thanh niên, của bà con làng xóm.
          Sau buổi đưa mẹ Lương ra đồng dân làng Vàng mới nói:
          - Nhìn thằng Lương mũ áo đi giật lùi mà thương nó quá! Thấy nó bước thấp bước cao, vấp váp trên đường, Suýt nữa tôi bảo nó quay người lại mà đi!
          - Làm thế sao được? Cha đưa mẹ đón cơ mà?
          - Thế mới bảo là suýt nữa!
          - Tôi không trông thấy tay Hùng cháu ruột bà ấy đâu cả?
          - Tôi cũng để ý nhưng không thấy? Giờ đưa bà ấy ra đồng nghe đâu trùng với giờ thi chính trị của tay Hùng dưới huyện?
          - Thi cử gì thì cũng phải bỏ mà về chứ? Phó chủ tịch xã đã là cái thớ gì?
          - Mọi người có nhìn thấy chiếc xe ô tô con màu đen đỗ bên kia đường gần quán nhà cái Phượng không?
          - Chềnh hềnh ra đấy ai mà chẳng thấy? Họ đến nhà ai nhỉ?
          - Tôi thấy có người đàn ông lạ cũng đi cuối đoàn tiễn bà ấy!
          - Chắc là bạn thằng Lương!
          - Đám ma nào mà cũng giống nhà Lương thì đơn giản, tiết kiệm!
          - Trưởng thôn chẳng thông báo, phổ biến trong đám đấy thôi. Gia cảnh nhà Lương không cho phép!
          - Thế là tốt! Chứ bày vẽ ra ăn uống làm gì!
          - Ờ cái nhà ông Mạnh mời liên hoan cho con gái hôm nào nhỉ?
          - Trưa ngày mai. Mười giờ trưa tại nhà hàng!
          - Bà Hồng từ khi cái Thủy con ông Mạnh gọi bằng mẹ nghe chừng phấn khởi lắm? Nom tươi tắn, phổng phao hẳn ra?
          - Thì gái phải hơi trai như thài lải gặp cứt chó là gì?
          - Cánh phụ nữ mình lão chồng kề bên có thế đâu?
          Mấy bà giòng phá ra cười:
          - Chồng kề kề bên cạnh nó lại không thế? Cứ thử xa nhau một thời gian xem? Chẳng đỏ cả mào như mái hoa chứ không à? Vậy cả thôi! Bà đừng có tinh tướng!

          XXXVI

          Buổi liên hoan của nhà ông Mạnh phải lùi lại một ngày vì việc đám nhà Lương.
          Đây cũng là dịp để bà Hồng thể hiện vai trò trách nhiệm của mình với bố con ông Mạnh trước bàn dân thiên hạ. Cách đây ba ngày bà đã đôn đáo ngược xuôi sắm sửa bao thứ. Tối hôm qua ở nhà ông Mạnh bà đã yêu cầu mọi người, kể cả bà nữa phải trưng diện quần áo, giày dép, tất cả đều mới để bà ngắm, bà kiểm tra. Tiền chi phí này đều do tay bà lo liệu cả. Với thời giá như bây giờ mua sắm cho bốn người từ chân đến đầu có rẻ cũng phải bạc triệu. Bà nói:
          - Trưa mai ra mắt bà con, chính quyền địa phương nhà mình cứ phải đàng hoàng thế, không lúi xùi được. Thủy và Thắm hai con vận bộ vét này đẹp lắm. Thời trang này mẹ đã xem các cô gái mặc làm việc ở cơ quan nhà nước và đi chơi. Hai con xoa thêm tý phấn để má phớt hồng, tô thêm tý son ở môi cho đỏ. Nói gì thì nói ở cái xã này từ trước đến giờ có đám con gái nhà nào học hành đến nơi đến chốn như nhà mình? Các con là cô giáo cấp ba trường huyện chứ ít đâu. Mẹ đoán trưa mai mọi người sẽ trầm trồ khen ngợi.
          Thắm thấy mẹ nói say sưa về mình và chị Thủy, Thắm cười nói:
          - Mẹ khen hai chị em con vừa thôi. Con chưa thấy mẹ khen mẹ và bố Mạnh chút nào?
          Thủy nói thêm vào:
          - Đúng đấy!
          Bà Hồng nhìn ông Mạnh trong trang phục quân đội bà bằng lòng lắm. Muốn gì bộ đồ sỹ quan ông Mạnh được may tặng trước khi ông nghỉ chế độ cũng vừa vặn với số đo người ông. Bà Hồng nói:
          - Bố Mạnh đẹp và oai nghiêm thật. Miễn góp ý!
          Bất chợt ông Mạnh hỏi:
          - Em mua đôi giày này cho anh bao nhiêu tiền?
          Bà Hồng chỉ cười nhưng không trả lời. Ông Mạnh nói:
          - Có rẻ thì cũng trên hai trăm ngàn đồng. Giá anh biết em mua thì anh khuyên đừng mua nữa, trong tủ anh vẫn còn đôi giày tốt lắm. Nhưng thôi có hai đôi khác kiểu nhau cũng được.
          Ông Mạnh bảo bà Hồng đứng ngay ngắn để mọi người ngắm. Ông nói:
          - Hai con ngắm mẹ đi? Có tuyệt vời không?
          - Bố cũng phải có nhận xét đấy nhé?
          Cả ba bố con đồng thời khen:
          - Mẹ đẹp lắm!
          Sáng nay sân vườn nhà hàng “Ẩm thực Việt” được phân thành hai nửa. Nửa giành cho khách hàng, nửa phục vụ cho buổi liên hoan. Bà Hồng sai cánh nhân viên kê mười hai chiếc bàn thành ba hàng. Ở phía đầu bà cho kê chiếc bàn tròn để đặt lẵng hoa. Các bàn khi đã kê xong bà cho bày đặt sẵn đủ các món ăn như phục vụ khách gồm: Thịt lợn rừng, thịt gà, thịt bò, cá chép, vân vân.
          Ông Mạnh mời mười giờ nhưng chín giờ dân làng Vàng đã đến đông đủ. Lệ ở đây là vậy. Họ thường đến sớm hơn giờ chủ nhà mời. Họ quan niệm người chờ cơm chứ cơm không chờ người.
          Đoàn cán bộ xã do Tuấn bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã dẫn đầu. Đoàn mang theo hai bó hoa lớn. Dân làng thấy vậy xì xầm:
          - Tại sao lại hai bó hoa? Cái Thắm đã học xong đâu?
          - Chắc họ mua thừa nên cứ mang đi hết.
          - Thừa là thế nào?
          - Tôi còn lạ đếch gì cái thói làm việc quan liêu của cán bộ xã này. Phân công chồng chéo. Ông không nhớ cái lần đám ma bà Ngần à? Có đến hai vòng hoa của ủy ban đấy thôi. May mà người ta không đọc rõ cái băng chữ ở dưới.
          Bố con ông Mạnh ra tận cổng đón khách. Khi mọi người đã yên ổn chỗ ngồi, ông Hai Bốn nháy mắt cho ông Mạnh vào công việc.
          Lời phát biểu của ông Mạnh ngắn gọn về gia đình mình nhưng ông nói nhiều về bà con làng xóm khiến có người lên tiếng:
          - Ông Mạnh cám ơn chúng tôi vừa thôi. Cái chính là sự cố gắng, chịu khó học tập của cháu Thủy và động viên nuôi dưỡng của gia đình.
Nhiều người khác cũng nói theo:
          - Đúng đấy! Cháu Thủy đứng ra sân khấu cho mọi người ngắm! Bây giờ cháu đã là cô giáo rồi đấy!
          - Ở đây làm gì có sân khấu mà bà nói vậy?
          - Ờ, vui quá thì nói thế.
          Ông Tuấn bí thư kiêm chủ tịch xã gọiThủy lên để ông tặng hoa. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Ông Tuấn giành chừng dăm phút nói về ông Mạnh. Ông nói nhiều về nỗi vất vả của ông Mạnh. Ông tặng bó hoa thứ hai cho ông Mạnh. Tiếng vỗ tay lại rầm rập vang lên.
          - Có thế chứ! Tay Tuấn này làm thế hay quá!
          - Ông be bé cái mồm lại! Cứ “Tay” với chân cái gì. Người ta nghe thấy lại mắng cho dại mặt bây giờ.
          - Ờ, xin lỗi!
          Ông Hai Bốn phát biểu:
          - Là bậc cha mẹ ai cũng vui mừng và hạnh phúc khi thấy con cái trưởng thành, có công ăn việc làm. Cháu Thủy là gương sáng cho các thanh thiếu niên trong làng học tập. Tôi đề nghị các gia đình tạo điều kiện động viên con em mình học tập đến nơi đến chốn.
          Ông Tuấn không cần lời giới thiệu, ông phát biểu:
          - Mấy năm rồi làng Vàng bây giờ mới có hai cháu tốt nghiệp đại học. Đây có thể coi như sự tạm biệt quá khứ, bắt đầu cho tương lai. Thay mặt lãnh đạo xã tôi chúc mừng hai cháu và gia đình. Đúng như lời ông Hai Bốn đã nói, các gia đình chúng ta hãy động viên con cháu học tập cho tốt.
          Khi ông Tuấn phát biểu xong, Ông Hội thì thào với người ngồi bên cạnh:
          - Ông bí thư, chủ tịch xã nói không biết ngượng mồm. Con dân thường còn học hành đem cái vinh về cho gia đình, làng xã. Con ông ấy toàn đứa vớ vẩn, học hành chẳng đâu vào đâu, rẽ ngang kiếm tiền, hay ho gì cái nghề gia công hàn cửa sắt ấy?
          Người nghe phản bác lại:
          - Ông nói thế không được. Đâu cứ phải đại học, nghề nào cũng có cái vinh của nó, miễn là làm ăn chân chính. Ối đứa đại học có ra cái gì? Thằng Hoàng con nhà Tân đấy, đại học hẳn hoi mà đi buôn thuốc phiện đang ngồi bóc lịch trong tù kia kìa!
          Hội biết mình hố nên chuồn ra chỗ khác. Hội đến chỗ Hoa ngồi lân la nói chuyện:
          - Cô Hoa có định tổ chức liên hoan không đấy?
          - Nhà Thủy khác, nhà em khác.
          - Cô lo không có tiền chứ gì? Nếu cô cần tôi sẽ giúp. Tôi gửi cô danh thiếp khi cần cô cứ gọi điện cho tôi.
          Hoa cầm chiếc danh thiếp trên tay đọc nhanh rồi nói:
          - Anh Hội bây giờ làm to nhỉ?
          - Cũng mệt với công việc lắm. Tôi đang cần một thư ký riêng nhưng chưa tìm được.
          - Chắc anh đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao nên mới thế?
          - Nói thật chỗ làng xóm với nhau người trình độ như cô là được. Nếu cô đồng ý?
          Hoa cười nói:
          - Anh để em suy nghĩ đã.
          Ngồi bên cạnh mình Du cứ thấy Hợm loay hoay, Du hỏi:
          - Cậu làm cái gì mà như đỉa phải vôi thế? Chắc ngắm cô nào chứ gì? Cẩn thận không cái Thúy cho nghỉ đấy!
          - À không, em đang để mắt đến tay Hội. Hội đang bám sát cái Hoa đấy. Để em sang xem thế nào?
          Hội thấy Hợm đứng dậy đi sang phía mình nên đứng lên đi chỗ khác.
          Du chợt nhớ cái hôm nhìn thấy, nghe thấy Hoa nói chuyện với gã đại gia. Phải rồi cái xe máy Hoa đang đi là gã đại gia mua cho, chứ nó lấy đâu ra mà mua xe đắt tiền thế. Chẳng hiểu cái Hoa nghĩ gì mà chấp nhận sự đánh đổi như vậy.
          Khi người đến dự liên hoan đã ra về gần hết, vợ chồng Du đến bên Hoa nói chuyện:
          - Cô chú cũng mừng cho cháu. Cháu định hôm nào xuống trường nhận công tác?
          Hoa trả lời bằng giọng như đã suy nghĩ nhiều:
          - Cô chú là chỗ cháu kính trọng. Cháu nói thật, cháu không làm nghề dạy học.
          Vợ Du trố mắt hỏi:
          - Tại sao thế hả cháu?
          - Cháu thấy mình không hợp với nghề này.
          - Sao cháu lại nghĩ vậy? Trên đời này có hai nghề cao quý được xã hội tôn vinh là nghề giáo và nghề y.
          - Đấy là nghĩ vậy. Cái áo khoác bên ngoài không phản ánh đúng cái bên trong cơ thể. Mấy năm học đại học cháu đã chứng kiến. Cô chú bảo với đồng lương giáo viên thì họ lấy đâu ra tiền để mua ô tô, nhà phố? Nhiều việc tiêu cực lắm cô ạ. Cháu hỏi cô chú học đường còn tiêu cực như vậy thì đào đâu ra những thế hệ sau tốt được. Cháu nói thế không phải là tất cả!
 Du dường như thông cảm với suy nghĩ, tâm trạng của Hoa, Du nói:
          - Liệu cháu có cực đoan quá không? Cháu đã nhận quyết định về làm giáo viên trường huyện rồi cơ mà?
          - Cháu cũng ghê sợ kẻ làm quyết định cho cháu.
          Nghe Hoa nói thế vợ chồng Du thay đổi hẳn sắc mặt. Du hỏi:
          - Kẻ làm quyết định cho cháu có việc gì mà cháu nói nghe ghê sợ vậy?
          - Chuyện dài lắm. Cháu sẽ kể cho cô nghe sau.
          - Thế cháu định làm việc gì?
          - Cháu đi buôn cô chú ạ. Thời nay có cái gì mà không phải mua phải bán? Bán những thứ thiên hạ cần, mua những thứ mình thích. Chắc chỉ một thời gian ngắn nữa cháu sẽ đón mẹ cháu đi với cháu.
          Vợ Du nói:
          - Hoa ơi, cháu nên suy nghĩ lại. Làm giáo viên nhiều người mơ không được đấy!
          Hoa cười nói:
          - Cô chưa hiểu hết đâu. Cô cháu mình ra ngoài kia dễ nói chuyện hơn.
          Hoa và vợ Du đứng dậy ra mãi gốc cây phía xa nói chuyện:
          - Là phụ nữ cháu nói thật với cô, để có tờ quyết định trên tay cháu đã phải chiều lòng người ta đấy!
          Nghe Hoa nói vợ Du không còn tin vào tai mình nữa.
          - Đến mức độ ấy cơ à?
          - Nhưng chưa đến mức độ nguy hiểm để cô giật mình thế đâu. Năm mươi triệu đồng đâu phải là nhỏ? Cháu xin lỗi nếu cô là cháu thì cô nghĩ sao? Thằng lưu manh ấy gặp cháu là đứa đáo để nên cháu mới tồn tại đấy cô ạ. Thôi chuyện này chẳng hay ho gì cô đừng nói với ai, kể cả với chú Du, cứ kệ họ nghĩ cô ạ. Bây giờ cô cháu mình vào đi không cái Thủy hoặc người ta lại nghĩ khác.

(Còn tiếp)

Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH


Đã đăng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét