Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ điển và điển cố (Kì 17)


TS Nguyễn Ngọc Kiên

          Nguyễn Ngọc Kiên

          (47) 一箭双雕[Nhất tiễn song điêu] (một mũi tên hạ hai con chim)
          Nguyên ý của câu thành ngữ này là chỉ một mũi tên bắn trúng hai con chim Kền kền, nay thường dùng để ví về làm một việc đạt hai hiệu quả.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Bắc sử- truyện Trường Tôn Thịnh".
          Thời Nam Bắc Triều, nước Bắc Chu có một võ tướng võ nghệ cao cường tên là Trương Tôn Thịnh. Nhằm giao lưu hữu hảo với các dân tộc Đột Quyết, vua Bắc Chu quyết định gả công chúa cho vua Đột Quyết Nhiếp Đồ.

          Thời bấy giờ chiến tranh xảy ra liên miên, hơn nữa đường xá xa xôi, muốn đưa công chúa đến Đột Quyết một cách an toàn là việc hết sức khó khăn. Vua Bắc Chu qua cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng cử ái tướng Trương Tôn Thịnh dẫn quân đi hộ tống.
          Trương Tôn Thịnh cùng các tướng sĩ trải qua muôn vàn khó khăn, cuối cùng đã đưa công chúa đến nước Đột Quyết. Vua Đột Quyết vô cùng cảm động liền bày tiệc linh đình tiếp đãi. Khi rượu qua ba tuần, người Đột Quyết theo tập tục mở hội thi võ. Nhà vua sai đưa cho Trương Tôn Thịnh một cây cung bắn bia cách đó trăm bước. Trương Tôn Thịnh ung dung bắn một phát trúng đích, mọi người thấy vậy đều vỗ tay khen ngợi rồi lưu họ ở lại một năm. Một hôm, vua Nhiếp Đồ trong khi săn bắn nhìn thấy hai con chim Kền kền đang tranh mồi trên bầu trời, liền gọi thị vệ đưa cho Trương Tôn Thịnh hai mũi tên, nhưng Trương Tôn Thịnh chỉ nhận một mũi tên rồi bắn sâu chuỗi hai con chim Kền kền rơi xuống đất. Do đó mới có câu thành ngữ Nhất tiễn song điêu.
                               (Theo Maxreading)
          Mọi dân tộc tư duy thì giống nhau nhưng văn hóa và ngôn ngữ khác nhau nên cách biểu  đạt cũng khác nhau. Để diễn đạt ý này, người Anh nói: “one stone kills two birds” (một hòn đá giết chết hai con chim); trong khi đó người Việt nói “một quả đấm hạ hai quân thù” hoặc: “một viên đạn / mũi tên hạ hai con chim”.

          (48) 亡羊补牢 [ mất bò mới lo làm chuồng]
          “Mất bò mới lo làm chuồng”’ là câu tục ngữ có nghĩa “không biết lo liệu đề phòng trước, để việc đã xảy ra rồi mới đối phó’’. Cùng nghĩa này có thể kể thêm một số câu tục ngữ của các dân tộc trong cộng đồng việt nam như: Hổ vồ lợn mới lo làm chuồng; Mất dê rồi mới sữa chuồng; Mất trộm mới rào giậu…Ý của câu trên rõ ràng có nghĩa ‘’chê’’, muốn nhắc nhở mọi người phải biết tiên liệu trước một sự việc gì để mà lo toan, đối phó, tình trạng xảy ra sự việc, gây hậu quả rồi mới có biện pháp sửa sai.
          Tục ngữ Trung Quốc cũng có một câu tương đồng, nhưng mà nghĩa thì khác, đó là “Vong dương bổ lao”-vong: mất, dương:con dê, bổ: sửa, lao: cái chuồng - dịch nghĩa: Mất dê sửa chuồng - được hiểu là: Mất dê sửa chuồng chưa trễ, hiểu rộng ra: Công việc có sai lầm, nếu kịp thời tìm cách sửa,vẫn chưa muộn.Vậy, câu tục ngữ trên lại không có ý “chê’’ mà ngược lại.
          Câu tục ngữ này của Trung Quốc bắt nguồn từ một chuyện kể lại trong Chiến Quốc sách:
          Thời Chiến Quốc, vua nước Sở là Sở Tương Vương chỉ mải ăn chơi, tin dùng bọn gian thần, nước ngày một suy. Nước Tần bèn khởi binh đánh, chiếm được kinh đô Sở, Sở Tương Vương chạy trốn đến Thành Dương và cảm thấy hối lỗi. Trang Thân thấy vậy bèn kể câu chuyện: ngày xưa, có một người nuôi được một đàng dê, buổi sáng hôm đó thấy thiếu một con, sau khi xem xét thấy chuồng có một lỗ hổng, chó sói đã chui vào tha mất một con dê. Người hàng xóm thấy vậy khuyên anh ta hãy sửa lại chuồng.Anh này không nghe, nói: “Dê đã mất rồi thì hà tất phải sửa lại chuồng?’’
          Sáng hôm sau, lại mất một con nữa. Bấy giờ, anh ta mới hối hận và nhanh chóng sửa lại chuồng, chó sói không chui vào được nữa.
          Sau khi kể xong chuyện, Trang Thân phân tích tình thế, khuyên Sở Vương sửa lỗi lầm. Vua Sở nghe bèn làm theo lời của Trang Thân, quả nhiên cơn nguy biến qua đi và chấn hưng được đất nước.

          (49)  望梅止渴 [vọng mai chỉ khát] (nhìn mơ đỡ khát)
          Trong sách Thế thuyết tân ngữ  (世说新语) có chép:
魏武行役, 失汲道, 军皆渴, 乃令曰: “前有大梅林, 饶子, 甘酸, 可以解渴.” 士卒闻之, 口皆出水, 乘此得及前源.
         [Nguỵ Vũ hành dịch, thất cấp đạo, quân giai khát, nãi lệnh viết: “Tiền hữu đại mai lâm, nhiêu tử, cam toan, khả dĩ giải khát.” Sĩ tốt văn chi, khẩu giai xuất thuỷ, thừa thử đắc cập tiền nguyên. ]
          Tạm dịch:    
          NHÌN HƯỚNG VỀ RỪNG MAI MÀ HẾT KHÁT
          Nguỵ Vũ Đế (Tào Tháo) dẫn binh hành quân, tìm không được nguồn nước, quân sĩ đều khát, Nguỵ Vũ Đế liền truyền lệnh rằng: “Phía trước có một rừng mai lớn, quả rất nhiều, vừa ngọt vừa chua, có thể giải khát được.” Quân sĩ nghe qua, miệng người nào cũng ứa nước bọt, cảm thấy đỡ khát. Nhân cơ hội đó, cuối cùng tìm được nguồn nước.
Dùng ảo tưởng, ảo giác để tự an ủi.                                                         

          (50) [lạc hoa lưu thủy] (tan tác tả tơi)
          Đây là thành ngữ tiếng Trung Quốc có nguồn gốc từ baì thơ Lãng Đào sa của Lí Dục đời Bắc Tống. Nguyên văn bài thơ:

Phiên âm:
Lãng đào sa kỳ 1
Liêm ngoại vũ sàn sàn,
Xuân ý lan san,
La thường bất nại ngũ canh hàn.
Mộng lý bất tri thân thị khách,
Nhất hướng tham hoan.

Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang san,
Biệt thời dung dị kiến thời nan.
Lưu thuỷ lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.

Dịch thơ:
Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn
Ngoài cửa gió mưa ràn
Xuân ý điêu tàn
Năm canh lạnh ngắt thấu chăn đơn
Giấc mộng bỗng quên mình tác khách
Một phút truy hoan

Đừng có tựa lan can
Man mác giang san
Khó khăn hội ngộ dễ lìa tan
Nước chảy hoa trôi xuân bặt nẻo
Thượng giới nhân gian

          Nguồn: Tuyển tập từ Trung Hoa - Nhật Bản, Nguyễn Chí Viễn, NXB Văn hoá - Thông tin, 1996

          Nguyễn Ngọc Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét