Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ điển và điển cố (Kì 15)



Nguyễn Ngọc Kiên

          (40)万事俱备,只欠东风 [Vạn sự câu bị, chỉ khiếm đông phong]
(Mọi sự chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ thiếu gió đông). Tích này dựa theo tích Chu Du muốn dùng hỏa công phá quân của Tào Tháo như sau:
          Một hôm, Chu Du đứng quan sát động tĩnh quân Tào thì gió Tây Nam nổi lên, đập cả cờ phướn vào mặt.

          Chu Du vì quá lo lắng nên thổ huyết mà ngã xuống bất tỉnh. Nghe tin, Gia Cát Lượng mượn cớ đến thăm và viết mật thư 16 chữ: “Dục phá Tào công, nghi dụng hỏa công; Vạn sự cụ bị, chỉ kiếm đông phong”. Câu này có nghĩa là muốn đánh bại Tào tháo thì nên dùng hỏa công, mọi sự chuẩn bị đã xong, chỉ chờ gió đông.
          Vui mừng vì Gia Cát Lượng hiểu được nỗi lo lắng của mình, Chu Du hỏi xem Lượng có kế gì hay. Gia Cát Lượng tự tin nói mình có tài “hô phong hoán vũ”, mượn gió đông 3 ngày 3 đêm để giúp Đông Ngô đánh Tào Ngụy.
          Theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, Chu du cho người lập Thất tinh đàn ở phía nam Tịnh sơn, tạo điều kiện để Lượng hàng ngày cầu khấn.
          Mặt khác, Chu Du cũng ra lệnh cho Hoàng Cái chuẩn bị sẵn 20 thuyền nhẹ chất đầy vật dễ cháy để chuẩn bị đánh Tào. Nhiều ngày trôi qua mà thời tiết chưa có dấu hiệu biến chuyển khiến Chu du lo lắng.
          Nhưng đến một ngày, gió Đông Nam bỗng nhiên thổi mạnh. Chu Du chỉ chờ có vậy phất cờ tấn công. Hoàng Cái soái lĩnh đội thuyền hỏa công, vờ ra hàng Tào Tháo để tìm cách đến gần rồi bất ngờ phóng hỏa, thiêu cháy chiến thuyền Tào Ngụy.
          Gió đông càng thổi mạnh khiến lửa bén nhanh, chỉ trong chốc lát, hàng trăm chiến thuyền chìm trong biển lửa.
          Thừa thế xông lên, Liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền truy đuổi tàn binh Tào Tháo. Trên đường rút chạy gặp mưa lớn, quân Tào Ngụy chết rất nhiều. Tào Tháo sau đó phải giữ lại một phần binh sĩ trấn giữ Giang Lăng và Tương Dương, còn mình rút quân về phương bắc.
          Trên thực tế, Gia Cát Lượng không phải là người giỏi trong việc dự báo thời tiết, ông chỉ có thể đoán ngày nào có gió đông chứ không “mượn” được gió.
          Gia Cát Lượng là người am hiểu về Kinh Dịch, nên lợi dụng sự biến đổi định kỳ của thời tiết để giúp quân sĩ có sức chiến đấu tốt nhất.
          Theo cách lý giải khoa học, Xích Bích là khu vực nằm ở phía đông, gần khu vực sông Trường Giang. Vào mùa đông, vùng đất này hạ nhiệt độ nhanh hơn ở trên sông, tạo thành các khối khí áp cao, giúp cho xuất hiện gió Đông Nam trong từng khoảng thời gian nhất định.
          Theo các học giả Trung Quốc, Gia Cát Lượng có thể dự đoán sự xuất hiện của gió Đông Nam nhờ khả năng tinh thông địa lý và thiên văn, ông có thể nhận ra những hiện tượng bất thường để biết được dấu hiệu thời tiết thay đổi.
Cũng có thể gió đông giúp thiêu cháy chiến thuyền Tào Tháo trong trận Xích Bích chỉ là lời thêu dệt. Nếu không có gió, liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền vẫn có thể sử dụng các yếu tố về địa hình để dùng hỏa công.
          Sau này, khi đọc Kinh Dịch, Tào Tháo đã ngộ ra nguyên nhân thất bại của mình là bởi yếu tố thời tiết và chỉ còn biết cười lớn. 
          Cũng từ đó, người ta dùng điển tích này để nói lên rằng chỉ  còn thiếu điều kiện tiên quyết. Hãng xe ô tô ĐÔNG PHONG thì quảng cáo:  万事俱备,只欠东风 (Mọi sự đã sẵn sàng, chỉ thiếu ĐÔNG PHONG)
          Người Việt cũng mượn thành ngữ này vào tiếng Việt theo lối dịch sát ý. Chẳng hạn, báo Petrotimes.vn ngày 19/3/2014 giật tít “Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió đông”  để nói về tình hình bất ổn ở Crimea

          (41) 煮豆燃豆萁[Chử đậu nhiên đậu ky] (Củi đậu nấu đậu / nồi da xáo thịt / huynh đệ tương tàn)
          Đời Tam Quốc (220-264), Tào Thực tự Tử Kiến là con thứ ba của Tào Tháo, vốn có tài làm thơ hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần-Hán nhưng có tính phóng túng. Tào Tháo thương lắm nhưng không thể truyền ngôi cho một chàng giàu tâm hồn nghệ sĩ ấy được.
          Tháo chết, truyền ngôi cho con cả là Tào Phi. Thực bản tính ngông nghênh bất phục, có ý chống lại ông vua anh. Phi giận lắm, truyền người bắt Thực đến định làm tội. Nhưng vì yêu tài Thực nên Phi bảo:
          - Ta với mày tuy tình anh em nhưng nghĩa vua tôi, sao dám cậy tài miệt lễ? Ngày tiên quân còn, mày thường đem văn chương khoe giỏi lòe đời. Ta rất nghi, có lẽ mày nhờ người khác làm giúp. Vậy giờ đây ta ra hạn: đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Nếu làm được thì tha tội chết; bằng không xong, ta quyết chẳng dung.
          Thực nói:
          - Xin ra đề cho.
          Trên điện sẵn có treo bức tranh thủy mặc, vẽ hai con trâu chém nhau bên bức tường đất. Một con rơi xuống giếng chết. Tào Phi trỏ vào bức tranh, bảo:
          - Hãy lấy bức họa kia làm đề. Nhưng trong thơ cấm phạm vào những chữ "Ngưu", "Đẩu", "Tường", "Trụy", "Tỉnh", "Tử" (Trâu, chọi, tường, rơi, giếng, chết).
          Thực đi khoan thai. Vừa hết bảy bước, liền cất tiếng ngâm:
       
  Hai tấm thân đi đường,
          Trên đầu bốn khúc xương.
          Gặp nhau tựa sườn núi.
          Bỗng đâu nổi chiến trường.
          Đôi bên đua sức mạnh,
          Một địch lăn xuống hang.
          Đâu phải thua kém sức,
          Chẳng qua sự lỡ làng.

    Nguyên văn:
       
Lưỡng nhục tề đạo hành,
        Đầu thượng đới ao cốt.
        Tương ngô do sơn hạ,
        Huất khởi tương đường đột.
        Nhị địch bất câu cương,
        Nhất nhục ngọa thổ quật.
        Phi thị lực bất hư,
        Thịnh khí bất tiết tất.

          Tào Phi cùng tất cả quần thần đều giựt mình, nức nở khen. Phi lại hỏi:
          - Bảy bước thành thơ, ta còn cho là nhàm. Mày có thể ứng khẩu đọc ngay một bài được chăng?
          Thực đáp:
          - Xin ra đề cho.
          Phi nói:
          - Ta với mày là anh em. Cứ lấy câu đó làm đầu đề. Nhưng cấm dùng hai chữ "Huynh", "Đệ".
          Thực chẳng cần nghĩ ngợi một giây, ứng khẩu đọc ngay:
      
 

Thất bộ thi
Chử đậu trì tác canh,
Lộc thị dĩ vi trấp,
Cơ tại phủ há nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản tự đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.

Dịch nghĩa
Đun đậu nấu làm canh,
Lọc đậu để lấy nước.
Cành đậu đốt ở dưới nồi,
Hạt đậu ở trong nồi khóc.
Vốn từ một gốc sinh ra,
Sao lại đốt nhau khốc liệt như vậy?
          Phi nghe xong, có ý thẹn liền tha tội chết cho Thực. Sự việc đầu tiên được thấy chép trong Thế thuyết tân ngữ. Tào Thực mượn hình ảnh dùng cành đậu để nấu hột đậu để ám chỉ việc anh em tương tàn. Bài thơ này còn có một dị bản bốn câu được lưu truyền: “Chử đậu nhiên đậu ky, Đậu tại phủ trung khấp. Bản thị đồng căn sinh, Tương tiễn hà thái cấp?” 煮豆燃豆萁,豆在釜中泣。本是同根生,相煎何太急? (Nấu đậu đun cành đậu, Đậu ở trong nồi khóc. Sinh ra từ một gốc, Sao nỡ đốt thiêu nhau.)
          Phi nghe cảm động, sa nước mắt, liền tha cho, nhưng giáng Tào Thực làm An Hương Hầu.
          Ở Việt Nam trong thời Tây Sơn (1771-1802), hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ suýt đánh nhau để tranh quyền. Nguyễn Nhạc yếu thế, phải khóc nói với em:
    - Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn?
    Nghĩa là: nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ? Nên Nguyễn Huệ cảm động rồi cả hai hòa nhau.
    Ở tỉnh Bình Định, mỗi khi người ta đi săn được hươu nai gì thì lột da ra làm nồi mà nấu thịt. Do đó ca dao Bình Định có câu:
 
   Da nai mà nấu thịt nai,
    Việc đời như thế không ai động lòng.
    Thịt nai mà chín bên trong,
    Da nai cũng cháy còn mong nỗi gì!

    Cảm động lời nói của Nguyễn Nhạc, người Bình Định đem lời đó diễn bằng câu ca dao:
   
Lỗi lầm anh vẫn là anh,
    Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em?

    Đời nhà Nguyễn (1802-1945) vua Tự Đức giết anh là Hồng Bảo để củng cố địa vị ngai vàng của mình. Một hôm, trong một buổi chầu, nhà vua vô ý để răng cắn nhằm lưỡi mới khiến quần thần làm bài thơ chơi, nhưng trong thơ cấm dùng tiếng "Răng", "Lưỡi".
    Đây là bài thơ của cụ Nguyễn Hàm Ninh:
       
Ngã sinh chi sơ nhữ vị sinh,
        Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh.
        Bất tư cộng hưởng trân cam vị;
        Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.

    Tạm dịch:
       
Thuở tớ sinh ra, mày chửa sinh,
        Mày sinh sau tớ, tớ là anh.
        Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng,
        Xương thịt đành tâm nỡ dứt tình.

    Nhà vua khen hay, thưởng một chữ một nén vàng; nhưng vì cho bài có ý "móc", nên bắt phạt mỗi chữ đánh một roi.
    "Củi đậu đun hột đậu", "Nồi da xáo thịt", "Răng cắn lưỡi" thành ngữ điển tích này đều có một ý nghĩa như nhau.

                庐山真面目 [Lư Sơn chân diện mục] (bộ mặt thật của núi Lư) bộ mặt thật / chân tướng của  sự việc
          Thành ngữ này lại có xuất xứ từ bài thơ Đề Tây Lâm bích của Tô Đông Pha.  Khi đến thăm chùa Tây Lâm ở gần núi Lư, Tô Đông Pha có đề thơ lên vách:


Đề Tây Lâm Bích
Hoành khan thành lĩnh trắc thành phong,
Viễn cận cao đê các bất đồng.
Bất thức Lư Sơn chân diện mục,
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.

Hoành khán thành lĩnh trắc thành phong
Viễn cận cao đê các bất đồng
Bất thức Lư sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.

Dịch nghĩa:
Nhìn ngang thành dẫy, nhìn nghiêng thành chỏm
Do đứng xa, gần, cao, thấp, mà mỗi nhìn mỗi khác
Không biết mặt mũi thật của núi Lư nó thế nào
Ấy bởi người nhìn đang đứng ngay trong núi ấy.

Dịch thơ:
Nghiêng hòn ngang rặng, một thôi!
Nhỏ to cao thấp, tùy nơi đứng nhìn.
Núi mong chi thấy chân hình,
Khi ta còn mãi giam mình giữa non...

(43) 毛遂自进 (Mao Toại tự tiến cử)
          Một câu tục ngữ nói: “Vàng thế nào cũng óng ánh”. Trung Quốc có một câu thành ngữ “Mao Toại tự tiến cử” chính là chỉ việc này.
          Thời Chiến quốc cổ đại Trung Quốc, kinh đô Hàn Đan nước Triệu bị quân đội nước Tần hùng mạnh bao vây chặt chẽ, lâm nguy sớm tối.
          Để giải cứu Hàn Đan, nhà vua nước Triệu muốn liên hợp với nước Sở, một nước lớn ở khu vực cùng chống lại nước Tần. Vì vậy, nhà vua nước Triệu cử hoàng thân Bình Nguyên Quân đến nước Sở du thuyết.
          Bình Nguyên Quân dự định chọn 20 người dũng cảm và có mưu trí trong hàng nghìn đầy tớ ở nhà đi cùng, nhưng chọn đi chọn lại, ông chỉ chọn ra 19 người. Lúc này, một khách không mời mà đến, xin bù vào chỗ thiếu. Khách này tên Mao Toại.
          Bình Nguyên Quân nhìn Mao Toại và hỏi: “Nhà ngươi là ai? Tìm ta có việc gì?”
    Mao Toại nói: “Thưa ông, Tôi tên là Mao Toại. Nghe nói ông sẽ đến nước Sở du thuyết để giải cứu Hàn Đan, tôi xin sẵn sàng đi cùng với ông.”
    Bình Nguyên Quân hỏi tiếp: “Thế thì nhà ngươi đến nhà ta đã lâu chưa?”
    Mao Toại đáp: “Dạ, ba năm rồi.”
    Bình Nguyên Quân nói: “Ba năm là một quãng thời gian không ngắn. Nếu một người có tài năng đặc biệt gì đó, thì giống như cái dùi để trong túi sẽ lộ ra ngay cái mũi nhọn của nó, tài năng của người này cũng sẽ lộ rõ rất nhanh. Nhưng mà nhà ngươi đã ở nhà ta 3 năm, ta chưa nghe thấy nhà ngươi có tài năng gì đặc biệt. Lần này ta đi nước Sở, gánh vác trọng trách xin cứu binh giải cứu xã tắc, những người không có tài năng không thể đi cùng với ta. Theo ta, nhà ngươi lưu lại thì tốt hơn.”
    Bình Nguyên Quân nói rất thẳng thắn. Nhưng Mao Toại lại trả lời một cách tự tin rằng: “Thưa ông, ông nói không đúng, không phải là tôi không có tài năng đặc biệt, mà là ông không để tôi trong túi. Nếu ông để tôi trong túi sớm hơn, thế thì tài năng đặc biệt của tôi sẽ lộ ra như cái dùi lộ ra cái mũi nhọn.”
    Qua lời nói của Mao Toại, Bình Nguyên Quân cảm thấy Mao Toại có lẽ quả thật có tài năng, do vậy ông chấp nhận yêu cầu của Mao Toại, dẫn 20 người tùy tùng đi nước Sở. Đến nước Sở, Bình Nguyên Quân đàm phán với nhà vua nước Sở. Sau khi trình bày tường tận sự cần thiết liên hợp chống lại nước Tần, Bình Nguyên Quân mong nhà vua nước Sở nhanh chóng cử quân đội đi giải cứu Hàn Đan, nhưng nhà vua nước Sở không trả lời. Cuộc đàm phán của họ kéo dài từ sáng sớm đến buổi trưa, nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Hai mươi người tùy tùng chờ đợi ở bên ngoài thấy nóng ruột.
    Vì Mao Toại là tự giới thiệu mới được đi cùng, nên 19 tùy tùng khác coi khinh ông, cảm thấy ông có phần nào tự tâng bốc mình. Lúc đó, họ muốn xem Mao Toại có tài năng gì, bèn xúi giục ông rằng: “Mao tiên sinh, đàm phán lâu rồi mà chưa có kết quả. Anh vào xem thế nào rồi.”
    Mao Toại đồng ý ngay. Ông nắm chắc chuôi gươm đeo trên lưng, đến gần nhà vua nước Sở và nói: “Thưa bệ hạ, nước Sở và nước Triệu liên hợp lại chống nước Tần là việc nhất thiết phải thực hiện. Việc này chỉ cần vài câu đã có thể xác định. Nhưng mà tại sao đàm phán từ sáng sớm cho đến bây giờ vẫn không có kết quả?”
    Sự xuất hiện và lời quở trách của Mao Toại khiến nhà vua nước Sở tức giận lắm. Nhà vua nước Sở bỏ mặc Mao Toại, quay sang hỏi Bình Nguyên Quân một cách tức giận: “Hắn là ai?”
    Bình Nguyên Quân nói: “Dạ, hắn là tùy tùng của tôi.”
    Nhà vua nước Sở tức giận, quay mình trách mắng Mao Toại rằng: “Quả Nhân đang bàn việc với chủ nhà ngươi, nhà người là ai, dám nói chen vào
    Lời nói của nhà vua nước Sở khêu gợi lòng phẫn nộ của Mao Toại. Mao Toại rút gươm, tiến hai bước đến sát nhà vua nước Sở, nói to tiếng rằng: “Kính thưa bệ hạ, sở dĩ bệ hạ dám trách móc thần là vì nước Sở của bệ hạ là một nước lớn, là vì bên cạnh bệ hạ có nhiều thị vệ. Nhưng, bây giờ thần cho bệ hạ biết rằng, trong phạm vi 10 bước hiện nay, nước lớn không có tác dụng gì, thị vệ đông cũng không có tác dụng gì. Tính mạng của bệ hạ đã nằm trong tay thần, bệ hạ kêu không có tác dụng gì.”
    Nghe Mao Toại nói như vậy, nhà vua nước Sở sợ hãi đến nỗi vã mồ hôi, không nói gì nữa.
    Mao Toại nói tiếp: “Nước Sở là nước lớn, nên làm bá chủ thiên hạ. Thế nhưng, bệ hạ sợ nước Tần vô cùng. Nước Tần từng nhiều lần xâm lược nước Sở, chiếm đóng nhiều địa phương của nước Sở, đây là sỉ nhục lớn biết baoNhớ lại những việc như trên, thậm chí người nước Triệu chúng tôi cũng lấy làm xấu hổ. Hiện nay, chúng tôi mong liên hợp với nước bệ hạ chống lại nước Tần, nói là giải cứu Hàn Đan, nhưng đồng thời cũng là trả thù rửa nhục cho nước Sở của bệ hạ. Nhưng, bệ hạ lại hèn nhát như vậy. Bệ hạ có phải là nhà vua không? Chẳng lẽ bệ hạ không lấy làm xấu hổ sao?”
    Trước lời nói mạnh mẽ của Mao Toại, nhà vua nước Sở lấy làm xấu hổ và không biết nên trả lời như thế nào.
    Mao Toại lại nói tiếp rằng: “Kính thưa bệ hạ, bệ hạ thấy thế nào? Bệ hạ có sẵn sàng liên hợp với nước Triệu chúng tôi cùng chống lại nước Tần hay không?”
    “Ta xin sẵn sàngTa xin sẵn sàng
    Nhà vua nước Sở trả lời một cách quả quyết.
    Sau khi hai nước Sở và Triệu ký hiệp nghị liên hợp chống nhà Tần, Bình Nguyên Quân và các người cùng đi trở về Hàn Đan rất nhanh. Khi gặp nhà vua nước Triệu, Bình Nguyên Quân nói: “Lần này tôi đi sứ nước Sở, may sao có tiên sinh Mao Toại đi cùng. Nhờ khẩu tài của tiên sinh, nước Triệu chúng tôi quan trọng vô cùng. Tiên sinh thật là mạnh hơn quân đội có hàng triệu chiến sĩ.”
    Mấy hôm sau, ở kinh đô Hàn Đan nước Triệu, ai ai cũng biết tên Mao Toại. Hiện này, câu thành ngữ này được dùng trong tình hình người có tài năng dũng cảm giới thiệu mình với người khác.
                                           
(Theo China ABC)
                      
(Viết tại Hải Đường 4/ 2017)
NGUYỄN NGỌC KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét