Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

“Gió bụi chông chênh” của Đinh Thị Thu Vân và lời bình của Lê Văn Hy



GIÓ BỤI CHÔNG CHÊNH

Nếu có kiếp sau, em xin làm bậc cửa
Làm thềm rêu, lặng lẽ đợi chân người
Làm trang sách giấu một tờ thư cũ
Anh bỏ quên trong góc vắng lâu rồi!

Nếu có kiếp sau, em xin đừng nước mắt
Một ngày thôi, đừng quạnh quẽ lúc yêu người
Xin một ngày ràng buộc với em thôi
Thôi đơn chiếc giữa đêm dài khuya khoắt

Một ngày giữa cuộc đời, một ngày trên trái đất
Xin cận kề chồng vợ sắt son
Một ngày ngọt bùi chung mưa chung nắng
Bếp lửa anh nhen ấm áp mặn nồng


Có kiếp sau không anh, câu hỏi quặn lòng
Chỉ có kiếp này thôi, kiếp này thôi, không thể khác
Không có kiếp nào cho chúng mình chung nhau lo lắng
Không có kiếp nào chung gối chung chăn

Không có kiếp sau, nên bao yêu mến kiếp này
Em gom góp trao anh, mong đầy thương vẹn nhớ
Không thể làm thềm rêu, không thể làm bậc cửa
Thì cam lòng làm tất cả... những mong manh!

Thì cam lòng làm gió bụi chông chênh...

Đinh Thị Thu Vân

Lời bình của Nhà nghiên cứu Lê Văn Hy:

GIÓ BỤI CHÔNG CHÊNH - HÃY TRÂN TRỌNG NÂNG NIU TÌNH YÊU THƯƠNG CHỒNG VỢ

          Đạo Phật cho rằng mọi sinh linh trên trái đất này có được cuộc sống hiện tại, đều đã phải trải qua muôn kiếp ngàn đời. “Nhân linh ư vạn vật”, nghĩa là người so với muôn loài là thiêng liêng cao quý nhất, được chung đúc tinh anh của vũ trụ, được thanh lọc qua quá trình tu nghiệp của bao kiếp trước mà nên. Chính bởi chịu ảnh hưởng qua giáo lý đạo Phật, nên người ta trong lúc gặp khó khăn bất đắc ý trong cuộc sống hiện tại (kiếp này) thường an ủi rồi sẽ được bù đắp ở mai sau (kiếp sau).
          Bài thơ “Gió bụi chông chênh” của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân qua một quan niệm của đạo Phật về kiếp người, đã thể hiện những suy nghĩ vấn vương trong lòng người vợ nói với người chồng, mong muốn cho cuộc sống lứa đôi được “Đầy thương vẹn nhớ”, mong muốn bằng những việc làm cụ thể đến hết mình, gom góp mọi sự mặn nồng ấm áp yêu thương trao tặng cho chồng mình.
          Hai câu thơ:
          Không có kiếp nào cho chúng mình chung nhau lo lắng
          Không có kiếp nào chung gối chung chăn
đã khẳng định đây là tình yêu thương chồng vợ, đây là tình yêu thương của hạnh phúc lứa đôi, chứ không phải bất cứ thứ tình yêu nào khác.
          Bài thơ có 21 câu thì cả 21 câu đều là thể hiện những suy tư của người vợ.
          12 câu thơ ở phần trên chiếm già nửa bài thơ là một câu hỏi lớn: “Có kiếp sau không anh, câu hỏi quặn lòng”.
          Và, nếu như có kiếp sau, thì người vợ (em) sẽ làm tất cả để trao anh (chồng). Trao anh về vật chất, là những tiện nghi tạo thuận lợi cho cuộc sống, mà ở đây là hình tượng bậc cửa, là thềm rêu cho mỗi bước chân anh khi đi trên thảm cỏ hay bước lên bậc cửa vào nhà.
          Nếu có kiếp sau, em xin làm bậc cửa
          Làm thềm rêu, lặng lẽ đợi chân người
          Trao anh về tinh thần mà hình tượng là một trang sách, một tờ thư, là tờ thư tình chứa trong đó bao yêu thương ngọt ngào đằm thắm.
          Làm trang sách giấu một tờ thư cũ
          Anh bỏ quên trong góc vắng lâu rồi!
          Và sâu hơn nữa là sự kìm nén dòng nước mắt làm bận lòng ai. “Nếu có kiếp sau, em xin đừng nước mắt”.
          Tất cả những ý nghĩ, những việc làm cụ thể đến hết mình đó để cuộc sống vợ chồng không một chút quạnh hiu, không đơn chăn đơn gối trong đêm dài giá lạnh, cho vợ chồng được cận kề chia ngọt sẻ bùi chung thủy sắt son, chung mưa chung nắng. Tình cảm yêu thương đó như ngọn lửa hồng sưởi ấm lòng nhau.
          Mạch thơ được tiếp nối liên tục tuôn trào. Từ “Một ngày” được nhắc đi nhắc lại đến 5 lần, nói lên sự mong muốn, mong muốn tột bậc với sự viên mãn tràn đầy. Một ngày là khái niệm thời gian ngắn nhất so với một đời người, một ngày hạnh phúc bằng cả trăm năm.
          Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
          Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
                                     (Xuân Diệu)
          Nếu như 12 câu thơ phần trên là một câu hỏi lớn, có kiếp sau không, thì 9 câu thơ cuối bài là câu tự trả lời của người vợ khẳng định là không có kiếp sau, câu hỏi đó chỉ để người ta thêm quặn lòng thắt ruột: “Có kiếp sau không anh câu hỏi quặn lòng”.
          Trong 9 câu thơ có tới 5 câu chứa trong đó 6 cụm từ khẳng định là chỉ có kiếp này, không có kiếp sau:
          Chỉ có kiếp này thôi, kiếp này thôi, không thể khác
          Không có kiếp nào cho chúng mình chung nhau lo lắng
          Không có kiếp nào chung gối chung chăn
          Không có kiếp sau, nên bao yêu mến kiếp này
          Em gom góp trao anh, mong đầy thương vẹn nhớ
          Không thể làm thềm rêu, không thể làm bậc cửa
          Thì cam lòng làm tất cả... những mong manh!
          Thì cam lòng làm gió bụi chông chênh...
          Không có kiếp sau, nên phải biết trân trọng nâng niu tình chồng vợ ở kiếp này, gom góp mọi tình yêu thương tinh thần vật chất để trao gửi cho nhau làm cho hạnh phúc lứa đôi “Đầy thương vẹn nhớ”. Hãy cứ làm hết mình, yêu thương chồng vợ đến hết mình.
          Không thể làm thềm rêu, không thể làm bậc cửa
          Thì cam lòng làm tất cả... những mong manh!
          Thì cam lòng làm gió bụi chông chênh...
          Bài thơ cũng nhắc nhở chúng ta trong việc xây dựng tổ ấm gia đình không chỉ là trách nhiệm của người vợ mà còn có trách nhiệm của người chồng nữa. Nhà thơ Chế Lan Viên đã chả ví tình vợ chồng cũng thiêng liêng như tình yêu của con đối với cha mẹ, của mỗi công dân đối với Tổ quốc đó sao!
          Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
          Như mẹ cha ta, như vợ như chồng.

LÊ VĂN HY
Hội viên Hội VHNT Nam Định
Địa chỉ: Lê Xá, thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
ĐT: 01244410749

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét