Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

ĐÔI DÒNG GOM GÓP VỀ THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG


                       
           Ghi chép của Phạm Ngọc Khảnh.




Các triều đại Vua Hùng đã cách khá xa với chúng ta. Lịch sử ghi lại cũng còn sơ lược, nhiều truyền thuyết khác nhau, thậm chí có những chi tiết trái chiều; khiến cho hậu thế khó có sự hiểu biết đúng đắn cặn kẽ được.
Tôi chỉ xin điểm và nêu những điều để thu lượm tìm kiếm được xem sao.

Mở cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, ngay những trang đầu đã gieo vào lòng ta sự nghi vấn, băn khoăn: “ Từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ XVIII cả thảy 20 ông Vua, mà tính từ năm Nhâm Tuất (2879) đến năm Quý Mão(258 trước tây Lịch) thì vừa được 2622 năm! Dẫu là người đời thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. - Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực”.
Thử lý giải vấn đề này xem. Nếu hiểu Hùng Vương có 18 đời, nghĩa là chỉ có 18 ông Vua thì thật bế tắc; không ai có thể sống lâu được như vậy. Để phân giải vấn đề này, xin lần lại các triều vua Hùng cho rõ: Kinh Dương Vương là chi Càn, trị vì nhiều đời; Lạc Long Quân chi Khảm, không rõ mấy đời; Hùng Quốc Vương(Hùng Lân Vương) chi Cấn, không rõ mấy đời; Hùng Hoa Vương (Hùng Diệp Vương) chi Chấn; Hùng Hy Vương chi Tốn; Hùng Hồn Vương ( Hùng Huy Vương) chi Ly, truyền hai đời; Hùng Chiêu Vương chi Khôn, truyền ngôi 5 đời; Hùng Vĩ Vương chi Đoài, truyền ngôi 5 đời; Hùng Định Vương chi Giáp, truyền ngôi 3 đời; Hùng Hy Vương, chi Ất, truyền ngôi ba đời; Hùng Trịnh Vương chi Bính, truyền ngôi 4 đời; Hùng Vũ Vương chi Đinh, truyền ngôi ba đời; Hùng Việt Vương chi Mậu, truyền ngôi 5 đời; Hùng Anh Vương chi Kỷ, truyền ngôi 4 đời; Hùng Triệu Vương chi Canh, truyền ngôi ba đời; Hùng Tạo Vương chi Tân, truyền ngôi ba đời; Hùng Nghị Vương chi Nhâm, truyền ngôi 4 đời; Hùng Duệ Vương chi Quý, không rõ mấy đời, chỉ thấy hiện ở đình Tây Đằng huyện Ba Vì Hà Nội còn bài vị “ Tam vị quốc chúa” , thờ ba vị vua cuối cùng thuộc thế/ chi / nhành Hùng Vương Thứ XVIII; xem vậy thì ít nhất truyền ngôi ba đời.
Trong bản Ngọc phả Hùng Vương được soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà tiền Lê thì không phải là 18 đời vua Hùng mà là 18 nhành/ ngành với tổng cộng 180 đời vua.
          Thiên hạ có câu:
          Sơ khai Nam Việt hữu kính Dương
        Nhất thống sơn hà thập bát vương
          Dư bách hệ truyền thiên cổ tại
          Ức niên hương hỏa ức niên phương.
          Nghĩa là:
          Mờ đầu Nam Việt có Kinh Vương
          Mười tám ngành vua, mười tám chương
          Bách Việt sơn hà muôn thuở đó
          Đời đời đèn nến nức hương thơm.
Bản thần tích xã Vy Cương,( Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua với những thông tin liên quan, theo đó mười tám ngành vua Hùng có tất cả 180 đời vua nối nhau trị vì: “ Tính trong 18 chi đời vua Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời đế vương, sơn hà quy về một mối, kiến lập được 122 thành điện. tổng cộng các năm của 18 đời Thánh Vương di truyền ngôi cho các triều thánh tử thần tôn là 2622 năm thọ 8678 tuổi, sinh được 986 chi, các hoàng tử công chúa sinh được 14378 cháu chắt miêu duệ, cai trị khắp đầu non góc biển trong nước vạn cổ trường tồn, mãi mãi không bao giờ dứt” (theo KH&ĐS).
Từ dẫn liệu trên có thể hiểu 18 vị vua Hùng là 18 chi/ ngành; mỗi chi ngành có nhiều đời vua thay nhau trị vì đất nước. từ nay, phải chăng chúng ta nên hiểu 18 đời có nghĩ là 18 chi Hùng Vương vậy! còn vì sao không lấy con số khác mà lấy con số 18. Theo truyền thuyết con số 9 là bốn số của(18, 36,...99...) Thường mang tính chất biểu tượng ( Số thiêng) chứ không có ý nghĩa toán học. Phải chăng 18 đời vua cũng có ý nghĩa là nhiều đời; truyền nối lâu dài (Ghi chú trang 11 cuốn Toám tắt niên biểu lịch sử Việt Nam NXB Văn hóa 1997).
Một câu hỏi khác Hùng Vương thuộc họ gì?
Có người nói lấy từ họ Hùng Vương tên húy của Kinh Dương Vương là Lộc Tục vì cho đây là vị vua đầu ( Vua thủy tổ của Việt Nam) nên phải chăng Hùng Vương họ Lộc. nhưng soi lại các vị Vua sau mỗi người một tên húy khác nhau ví dụ: Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, Hùng Quốc Vương húy Hùng Lân.. thì đâu là họ ? nên căn cứ vào tên húy để định họ là chưa ổn.
Căn cứ theo Việt Nam sử lược ( trang 25) có câu: “ Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm Quý Mão (285 Trước tây lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước”. Hoặc theo thần phả của làng và nhiều tài liệu sử sách ghi lại thì họ Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên làm vua ở nước ta.
Trong dân gian ai cũng tự hào mình  là con Lạc cháu Hồng, chắc cũng bắt nguồn từ đây. Vậy Hồng Bàng là họ Vua Hùng là đúng!

Về truyền thuyết Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng - Lạc Long Quân theo truyền thuyết thì thủy tổ của dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương( húy là Lộc Tục). Ở ngôi 86 năm từ Nhâm Tuất đến Đinh Hợi (2879 - 2794TCN) lập nên nước đầu tiên vào năm Nhâm Tuất, đặt tên nước là Xich Quỷ (tên một ngôi sao sáng đỏ rực bầu trời phương Nam trong dải Ngân Hà). Kính Dương Vương tạ thế ngày 18/giêng âm lịch tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. ở đây có đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương ( Ảnh).
Ngôi mộ Kinh Dương Vương phía trước có hai chữ “ Bất vong” nghĩa là không bao giờ bị lưu lạc, phía hàng ngang có năm chữ: “ Ái Quốc Mạc Vong Tổ”, giữa lăng đề ba chữ: “ Kinh Dương Vương”; phía ngoài lăng có đôi câu đối:
Xích Quỷ sơ đồ xuất
Hồng Bàng vạn đại sương
Các nhà nghiên cứu sắc phong phần mộ đều công nhận “ Đây là chốn linh thiêng bậc nhất được xếp vào loại nhiều miếu thờ đế vương các triều đại từ cổ xưa”
Đôi dòng gom góp, xới xào trên đây được lọc ra từ những cứ liệu sử sách văn bia, đền thờ, lăng miếu có liên quan đến thời đại Hùng Vương. Tôi xin được giãi bày cùng quý vị !
                                               
Nam Hồng ngày Xuân Đinh Dậu 2017
Phạm Ngọc Khảnh
ĐC: Thôn Vệ, Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội.
ĐT: 01649890369   Email: phamlinhnd@yahoo.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét