Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 30-31-32)



          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

          XXX

          Từ hôm Hoa về bà Hòa mới có những bữa cơm ra hồn. Những ngày trước bà nấu một lần ăn cả ngày. Thức ăn chỉ có rau nhà trồng với cá kho, tép rang. Một tháng bà mới thịt gà một lần. Bà thường rang mặn với gừng để bà ăn dè. Hôm nay bà Hòa cũng thịt gà nhưng bà luộc chứ không rang. Bà thịt hẳn con mái tơ. Bà chặt một đĩa đầy xếp trên mâm. Bà ra vườn bứt ít lá chanh thái nhỏ như sợi chỉ rắc lên trên, còn lại bà băm nhỏ trộn lẫn với muối tiêu và một chút ớt. Bữa cơm bà gắp cho Hoa những miếng ngon. Bà chỉ ăn những miếng sống lưng, cổ. Hoa thấy mẹ ăn như vậy Hoa không bằng lòng chút nào. Hoa nói:
          - Mẹ ăn cái đùi này đi. Mẹ đừng nhường con nhiều thế?

          Hoa gắp cái đùi gà đặt vào bát mẹ. Bà Hòa cầm cái đùi gà trên tay chần chừ mãi mới chịu ăn.
          Có tiếng điện thoại, Hoa bỏ bát đứng dậy ra sân nghe. Bà Hòa đợi Hoa nghe xong bà mới hỏi:
          - Ai gọi điện cho con đấy? Bạn trai hay bạn gái? À, mẹ quên chưa kể, cái Thủy con bác Mạnh nó dẫn bạn trai về đấy! Anh chàng khá điển trai.  Còn con sao không dẫn về cho mẹ, cho bà con xem mặt?
          Hoa cười nói:
          - Được rồi. Bữa nào con sẽ dẫn bạn con về. Mẹ đồng ý không?
          - Sao con lại hỏi mẹ có đồng ý không? Có người mẹ nào không vui khi thấy con mình hạnh phúc!
          Hoa gắp miếng mình gà giục mẹ ăn:
          - Mẹ ăn đi. Mẹ đừng tiết kiệm quá! Ít nữa con sẽ đón mẹ ra thành phố, thị xã ở. Mẹ con mình ở làm gì cái nơi đèo heo hút gió này!
          - Con vừa nói đèo heo hút gió cái gì? Con định bỏ quê đi à?
          - Không phải bỏ quê. Con vẫn khai, vẫn viết trong lý lịch quê con ở đây là gì? Mẹ con mình chỉ ra thành phố, thị xã ở thôi.
          - Ấy chết! Cái Thủy bạn con vẫn mơ về làm cô giáo trường làng này. Hôm nào con gặp nó tâm sự xem sao? Mẹ cũng nghĩ con học xong sẽ dạy học ở trường làng, trường xã đấy.
          - Mẹ tưởng về trường nhà mà dễ à? Không phải là con ông, cháu cha thì lên rẻo cao mà dạy. Bằng không cũng phải có thêm dăm chục triệu đồng nữa mới được! Cái Thủy nó khác, con khác. Mỗi người có cách sống riêng cho mình. Mẹ à, mẹ không phải lo cho con nữa. Con tự quyết định được.
          Cơm nước xong bà Hòa lục tục thu dọn mâm bát. Bà làm vì muốn để cho con gái được nghỉ ngơi. Bà nhìn đôi mắt thâm quầng của con bà biết con thiếu ngủ. Bà thương con.
          Hoa vào giường mẹ nằm rồi ngủ lúc nào không biết. Bốn giờ chiều  Hoa mới tỉnh dậy. Khi tỉnh dậy Hoa giật bắn người vì thấy mình lõa thể trong chăn. Sau phút ngơ ngác Hoa quấn chăn vào người.
          Bà Hòa từ ngoài ruộng về, trên tay là bó rau muống to và dài dễ đến gần nửa mét. Bà để bó rau xuống sân rồi vào vườn hái nắm lá bưởi, nhổ gốc sả để đun nước cho Hoa gội đầu. Trong nhà Hoa nói:
          - Mẹ để đấy con băm rau lợn cho.
          Bà Hòa vào bếp chất lửa đun cho Hoa nồi nước lá thơm. Khói bếp xanh lơ bồng bềnh trên mái rạ.
          Ngoài ngõ có tiếng nói của bà con làng xóm:
          - Con Hoa về bà Hòa thích nhé?
          - Chẳng bù cho sáng nay mặt mũi ủ ê!
          Hoa bỏ đám rau lợn ra ngõ chào hỏi:
          - Các bác đi làm đồng về à? Cháu về lúc trưa. Các bác vào chơi với mẹ cháu?
          - Để đến tối chúng tôi sang. Giờ phải về làm nốt công việc đã. Cháu học xong rồi phải không?
          - Vâng!
          - Thế là làng Vàng này có hai cô giáo trẻ. Cháu với cái Thủy hai đứa giỏi nhất làng đấy!
          - Cháu lo không xin được về trường làng?
          - Cháu là dân của làng tại sao không về được?
          - Họ đủ chỉ tiêu rồi. Họ không nhận thêm nữa.
          - Nếu thế thì đi đâu?
          - Chắc chỉ đến nơi khỉ ho cò gáy thôi các bác ạ!
          - Làm gì có chuyện. Thôi chúng tôi về. Lúc nào xong việc cháu đến nhà chúng tôi chơi?
          - Vâng ạ!
          Hoa tiễn mọi người rồi lặng lẽ vào nhà. Trời xẩm tối. Trong nhà tĩnh lặng như một tu viện. Tiếng muỗi vo ve. Hoa ngồi xuống ghế suy nghĩ:
          “Mẹ mình tài thật đấy. Năm mười tám tuổi mẹ lấy chồng. Hai năm sau mẹ sinh Hoa. Dưới Hoa còn có hai đứa em một trai, một gái nhưng cả hai đều không nuôi được. Bố hoa trách móc thân phận đâm ra nghiện rượu.  Một bữa ông uống say ngồi khóc hu hu:
          “Không hiểu kiếp trước đường ăn, nết ở thế nào mà bây giờ bất hạnh thế?”
          Sau lần khóc ấy ông sinh tính lầm lỳ, ít nói. Cả ngày ông chỉ chúi vào công việc. Việc ngoài đồng, việc trong nhà, ông luôn chân tay. Ông làm việc như một lao công. Có lẽ thế nên ông không còn thời gian để nghĩ những điều buồn phiền nữa. Còn mẹ Hoa bị hai cú sốc khiến sức khỏe bị sa sút mạnh, mẹ Hoa già đi trông thấy. Năm ấy Hoa đã mười tuổi nên cũng có hiểu biết về những đổi thay kinh khủng trong gia đình. Hoa thương bố mẹ nên rất chịu khó trong công việc nhà như nấu cơm, băm bèo, nấu cám lợn, quét nhà, quét sân đến cả việc làm đồng áng. Hoa làm việc thực thụ như một lao động chính, điều này khiến Hoa già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa cả về hình thức cũng như tầm suy nghĩ. Buổi chiều Hoa đến lớp học, tối về học bài đến tận khuya. Hoa học giỏi nên bố mẹ mừng lắm. Năm Hoa học lớp sáu bố mẹ mua cho chiếc xe đạp Trung Quốc mới thật đẹp. Niềm vui chưa được bao lâu thì cuối năm ấy bố Hoa và chồng bà Hồng đã chết trong vụ tai nạn sập hầm lúc đào vàng trong núi. Căn nhà trở nên trống vắng khi thiếu bố. Hai mẹ con Hoa cứ âm thầm lầm lũi trong công việc. Tuổi thơ của Hoa qua đi năm nào Hoa không biết. Những năm học trung học phổ thông nhiều đêm Hoa nằm bên mẹ, bên bốn bức tường nhà bằng đất quét vôi đã mốc xám và hăng hắc mùi của đất. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu, hai mẹ con tâm sự đến khi mẹ Hoa ngủ lúc nào không biết bởi cơ thể mỏi mệt sau một ngày lao động vất vả. Lúc này Hoa thường nghĩ về cuộc đời mình sau này. Hoa muốn mình như cánh chim vỗ cánh bay thật cao lên khỏi mặt đất ẩm ướt để đến với bầu trời trong xanh và nắng gió. Học xong lớp mười hai, Hoa thi đỗ đại học sư phạm. Ước nguyện ban đầu của Hoa thành hiện thực. Ngày Hoa nhập trường bạn học đến chơi đông lắm. Mấy bạn gái thân thiết của hoa, cả bạn trai nữa nhiều người đã xác định cho mình một hướng đi, kẻ đi làm xa, kẻ ở nhà bám đồng bám ruộng. Ban gái có đứa lấy chồng làm dâu làng Vàng đã bụng mang dạ chửa, có đứa về làm dâu xứ người thật xa…”
Hoa đến buồng ngủ của mình nhìn ngắm chiếc xe đạp thời học sinh Hoa đã từng đi. Chiếc xe giờ đã cũ, han gỉ. Hoa giữ chiếc xe như giữ một kỷ niệm về bố. Hoa đến thắp nhang trên bàn thờ của bố. Ảnh chân dung bố qua thời gian đã chớm ố vàng. Khi khói hương xong Hoa tháo ảnh bố ép vào cuốn vở để hôm sau đem ra thợ ảnh ngoài thị xã phục hồi cẩn thận lại.
          Có tiếng mẹ gọi, Hoa gác lại chuyện của mình rồi đi xuống bếp. Hình bóng mẹ thấp thoáng bên ngọn lửa hồng, nồi nước lá thơm trên bếp mẹ nấu đã có tiếng reo. Mẹ Hoa nói;
          - Con chuẩn bị quần áo rồi đi tắm gội. Nồi nước lá thơm này con dùng thoải mái. Con nhớ bưng bê cẩn thận, bây giờ mẹ ra nhà tắm buộc lại tấm phên cho kín đáo, con gái mà!
          Mẹ Hoa chu đáo với con gái bao nhiêu thì với bản thân bà lại xuềnh xoàng bấy nhiêu. Cái nhà tắm bà cứ để thế mà tắm. Có bận lũ trẻ nhà bên thấy bà tắm chúng chạy đến cầm hòn đá cuội kỳ lưng cho bà, chúng chê bà “Da sần, dầy như da cá sấu” Bà cười nói với bọn trẻ “Bà lao động vất vả nên mới thế” Bọn trẻ kỳ lưng cho bà kỹ lắm. Chúng lấy đó là thích thú.
          Khi Hoa tắm gội xong, bữa cơm tối bà Hòa đã dọn chu đáo, tươm tất. Đĩa cá rô ron rán giòn, bát nước mắm ớt, đĩa rau lang xào tỏi, đĩa thịt gà luộc, bát canh rau tập tàng, bà gọi Hoa vào ăn cơm. Hoa vừa ngồi xuống thì có chuông điện thoại. Mẹ Hoa nói:
          - Sao điện vào giờ này? Trời đánh còn tránh bữa ăn!
          - Người yêu của con gọi điện đấy?
          - Thế à?
          Hoa cười ngặt nghẽo trong lúc gọi điện:
          - Em về nhà tầm trưa. Ăn cơm xong là lăn ra ngủ. Mọi việc mẹ làm cả. Em ngủ một mạch tới bốn giờ chiều mới dậy. Tại anh đấy? Cả đêm qua làm em mất ngủ. Mà có chuyện này hay lắm… Hôm nào gặp em kể cho anh nghe? Cũng tại anh cả! Tội của anh to lắm!
          Bà Hòa ngồi nghe con gái nói chuyện điện thoại bà thấy không vui.
          Hoa cất điện thoại lên bàn rồi quay sang nói chuyện với mẹ:
          - Mẹ có biết không? Con rể tương lai của mẹ giỏi lắm! Anh ấy đứng trong đội ngũ “Đệ nhất thiên hạ” đấy. Hồi trưa con đã nói với mẹ ít nữa con sẽ đón mẹ ra thành phố ở.
          - Con nói bạn trai con giỏi thế nào mẹ chưa biết? Nhưng mẹ nghe con ví nó nghèo như Chử Đồng Tử thì mẹ thấy không ổn rồi. Thời này làm gì có ai nghèo đến thế, đến nỗi phải giấu mình trong cát?
          Hoa thoáng giật mình khi mẹ nói. Té ra chuyện đời xửa đời xưa mẹ cũng biết tường tận. Hoa cười giục mẹ đi ăn cơm:
          - Con đói lắm rồi mẹ ơi? Con trông những thứ mẹ nấu thấy thèm quá!
          Hoa xới cơm đưa mẹ. Hoa gắp cho mẹ miếng thịt gà ngon nhất, con cá rô rán vàng ngon nhất. Hoa nói:
          - Mẹ phải chịu ăn vào. Mẹ đừng bóp mồm bóp miệng thế? Người ta ăn thiếu chất là ốm đấy! Con chỉ ăn một thứ này trong bữa cũng là ngon rồi.
          Bà con hàng xóm đến chơi.
          - Hai mẹ con cứ ăn đi. Ăn cho xong bữa đã? Cứ kệ chúng tôi.
          - Mẹ con cháu ăn xong rồi. Đúng là về với mẹ có khác. Mẹ cháu nấu toàn món cháu thích.
          - Bà Hòa có nghe con Hoa nói gì không? Mát mặt nhé!
          Hoa vào nhà bưng khay cốc và giỏ tích nước vối ra rót mời mọi người uống.
          - Cái Hoa lâu lâu không về có còn biết uống nước lá vối nữa không? Nước lá vối là mát gan lắm!
          - Học xong rồi. Lấy chồng đi để bà có cháu bế?
          Hoa cười nói:
          - Cháu xấu xí như con vịt thế này ai người ta lấy?
          - Xấu là xấu thế nào? Vịt ngan thế nào? Tôi hỏi thật cháu đã có người yêu chưa? Nếu chưa tôi mai mối cho đám nhà này!
          Mẹ Hoa nói:
          - Cái đám nhà Thủy Dũng phải không?
          - Đúng rồi. Thằng Hùng nhà ấy cũng mới xuất ngũ về. Hùng đẹp trai, mạnh khỏe, chịu khó, không rượu chè, cờ bạc, ăn nói lưu loát.
          Hoa cười nói như thú nhận:
          - Cháu có người yêu rồi. Anh ấy công tác ngoài Hà Nội.
          - Thế chứ? Người như cô, hơ hớ như thế chưa có người yêu không ai tin được?
          Hoa lắng nghe mọi người thì thào:
          - Hay là mai mối cho cái Thủy con nhà ông Mạnh?
          - Không được đâu. Cái Thủy, cái Hoa chúng nó có bằng đại học, ít nữa là cô giáo cấp ba, đời nào chúng nó chịu lấy anh chồng học ít hơn, ở nhà làm ruộng.
          Hoa nghĩ: “Bà Răm nói đúng. Có điên Hoa mới lấy chồng ở nhà để rồi lại tiếp tục cảnh sống khó khăn, tối tăm ư! Ở quê tại sao cứ coi trọng tính chịu thương chịu khó, sức khỏe. Nó là cái gì vậy? Toàn những thứ chưa đủ làm nên việc lớn. Cả làng Vàng này ai mà chẳng thế? Có ai giàu đâu? Vấn đề là ở cái đầu! Cái đầu phải có sỏi, có sạn để cái túi phải có nhiều tiền!
          Bà Răm nói tiếp:
          - Tôi nghĩ thế này có phải không: Con em người dân mình đi học về phục vụ địa phương thì phải được sử dụng chứ? Đằng này cứ người tận đẩu tận đâu về! Tôi mà là lãnh đạo tôi sẽ chỉ đạo sắp xếp lại, phù hợp với ý nguyện của mọi người, có lợi cả việc chung, việc riêng.
          - Bà nói chuyện trên chín từng mây rồi? Cái Hoa muốn về trường huyện nếu không có điều kiện như cái Thủy con nhà ông Mạnh thì xin mời thủ tục “Đầu tiên” đâu? Đứa cháu bên cô em chồng tôi đấy? Phải lót tay mấy chục triệu đồng. Tóm lại phải chấp nhận, coi như dạy học hai năm không có lương.
          - Thôi chúng tôi về đây. Sang chơi với hai mẹ con một lát, về còn nằm nghỉ, mỏi cái lưng rồi!

          XXXI

          Ông Mạnh và Du ngồi tiếp chuyện thằng Long ở nhà. Ông Mạnh nói:
          - Mày đi đâu biệt tích gần hai năm nay mới về?
          Long bình thản trả lời:
          - Chỗ chú cháu thân tình cháu nói thật. Vừa rồi cháu vào Tây Nguyên làm ăn. Quê mình cháu thấy làm ăn khó quá. Cháu ra kỳ này là đón bố mẹ và em cháu vào. Trong đó cháu có mấy héc ta trồng cà phê. Cháu có cân cà phê biếu hai chú.
          Khi Long nói xong ông Mạnh nói:
          - Té ra thế! Nhưng liệu bố mẹ cháu có chịu đi không?
          - Bố mẹ cháu và em cháu đồng ý cả rồi. Nhà cửa đất cát ngoài này bán đi. À, cháu quên chưa nói với hai chú. Cháu lấy vợ trong đấy rồi. Vợ cháu là người dân tộc. Nói là dân tộc chứ các cô gái ở quê mình còn chạy theo mệt.
          Du nghe thằng Long nói cười rồi lên tiếng:
          - Ái chà! Thằng này gớm thật! Việc mày làm cứ ào ào như cơn bão.
          Long cười nói:
          - Thời này làm gì cũng phải nhanh hai chú ạ. Các chú liên kết với nhau làm là đúng. Trâu chậm chỉ uống nước đục thôi.
          Tiếng hát từ phòng Karaoke vang ra rất nhỏ. Đám thanh niên bây giờ cũng thích hát nhạc tiền chiến. Những tình khúc vắng bóng một thời, xếp lại một thời giờ mới bung ra. Người hát và người nghe đều thú vị.
          Các chòi ăn ngồi đông người. Long bâng quơ nhìn ra cánh đồng như muốn nói lời chia tay. Ngoài đồng nhiều bà con vẫn cặm cụi làm việc. Những đám mưa bụi thuốc sâu trên những ruộng rau, trong những hàng dưa chuột, hàng đỗ dải áo. Người phun thuốc che kín mặt, kín người nom như những hình nộm. Gió phảng phất mùi hăng hắc của thuốc.
          Bốn nhân viên nhà hàng nom như bốn cô Tấm từ quả thị vàng chui ra. Trên tay các cô là chiếc khay kim loại trắng sáng loáng đựng các đĩa thịt, rau, chai rượu.
          Trời tối nhanh, các phòng, các chòi đèn bật sáng. Tối nay Long ở lại ăn cơm với mọi người. Trong bữa cơm Long chợt hỏi về Hội:
          - Gần hai năm nay ông Hội sống thế nào hở các cô chú?
          - Ờ, đại hội đảng bộ xã vừa rồi ông ấy trật ráo hết.
          Long cười nói:
          - Anh em nhà ông ấy không chịu đâu? Tay Hội là gớm lắm! Anh cha ấy làm quan to Sở nội vụ thế nào cũng có cửa cho tay Hội.
          Long trầm mặt thoáng nghĩ về người dì: “Giờ này người dân làng Vàng chắc không ai còn nhắc đến dì nữa. Dì đang ở cõi thiên thu…”
          Ông Hai Bốn bảo Long rót rượu:
          - Rót đi cháu. Uống thêm chén nữa rồi kể chuyện vợ chồng cháu cho bác nghe? Cháu nói đúng. Tay Hội bây giờ đang nắm chức gì khá quan trọng ở huyện.
          Long rót rượu ra các chén. Long kể:
          - Số của cháu phải ly hương mới khá. Cháu xem ông thầy bên Bắc Ninh năm kia nói thế! Ông thầy này không giống những thầy khác đâu? Ông đeo lon trung tá khi nghỉ hưu. Giờ ngẫm thấy ông ấy nói rất đúng. Vợ cháu là con gái lớn, dưới là cậu em trai đang học phổ thông.
          - Nghĩ thế nào cháu lại chọn Tây Nguyên để lập nghiệp?
          - Cháu cũng không ngờ lại thế. Khi ở quê đi cháu chỉ nghĩ là đến Tây  Nguyên nơi đất rộng người thưa giúp làm vườn cà phê, hồ tiêu cho một nhà nào đấy sau tính chuyện mua đất cho mình. Nhà cháu đến làm thuê dạo ấy chính là bố mẹ vợ cháu bây giờ.
          - Thằng Long nom thế mà tài nhỉ? Ngày cưới ở ngoài Bắc có ai vào không?
          Long chỉ cười rồi mới thủng thẳng nói:
          - Nào có cưới xin gì đâu mà có ai vào!
          - Thằng này nói thế nào đấy? Ai người ta cho không mày? Hay là việc đã rồi?
          - Đúng thế! Việc đã rồi chú ạ! Đận tới này bố mẹ cháu vào các cụ ngồi nói chuyện với nhau, lại còn có cháu để bế nữa. Vui phải biết. Thằng con cháu được ăn cưới bố mẹ, mấy đứa trẻ được như nó?
          Ông Mạnh ngồi nghe thằng Long kể chuyện mặt cứ đần ra. Mọi người nhìn ông Mạnh thấy buồn cười. Ông Mạnh nói:
          - Thằng Long cho bác địa chỉ của ông thầy bên Bắc Ninh bữa nào rỗi bác sang xem?
          Long lấy bút, lấy giấy vẽ sơ đồ đường đi, ghi rõ cả địa chỉ nhà ông thầy rồi đưa cho ông Mạnh. Du nhìn thấy thế tủm tỉm cười. Ông Mạnh cũng đánh mắt cười theo.
          Ở các phòng bên cánh nhân viên phục vụ đang thu dọn để chuẩn bị về. Đám thanh niên hoi mới lớn giờ này cũng chán hát hò đứng cả dậy ra quầy thanh toán tiền. Long cũng xin phép mọi người để về.
          Bà Hồng từ phía nhà bếp đi lên. Bà bây giờ không còn vấn tóc như trước mà bà búi ngược mãi đỉnh đầu nên trông bà cứ như phụ nữ Lào.
          Một thanh niên trong đám chần chừ ở lại chưa về. Chàng trai này có kiểu tóc húi trắng hai bên thái dương, một vệt tóc dày từ trán xuống gáy được nhuộm đỏ, nhuộm vàng, trông lạ mắt. Điếu thuốc lá trên môi chàng trai lập lòe cháy. Chàng rất tự tin đến bên mấy nhân viên nữ nói chuyện rồi ê a hát: “Từ ngày có em về nhà mình đầy ánh trăng thề…” các cô nhân viên bỏ đi không tiếp, một cô trong số họ ở lại hát: “Có con ngựa, ngựa ơ. Ngựa đem đi nấu, đi nấu thành cao…” Ông Hai Bốn đang ngồi uống nước nhìn thấy cảnh tượng ông phì cười. Chàng thanh niên như xấu hổ bỏ đi. Ông Hai Bốn nói:
          - Con gái nhà hàng này giỏi lắm, đối đáp được đấy!
          Công việc một ngày của mọi người đã xong. Bà Hồng giờ có quyền được ngồi nghỉ ngơi, thảnh thơi nhâm nhi chén nước trà nóng, tham gia vào công chuyện của làng xã, của mọi người.
          Du nói:
          - Chị Hồng có biết thằng Long cháu ruột bà Ngần ở đâu không?
          - Tôi có biết. Hôm qua mẹ nó vừa nói chuyện với tôi xong. Nó vừa ở đây đã đi đâu rồi. Thằng Long cũng táo tợn lắm, dám làm con gái chủ nhà có chửa rồi nghiễm nhiên thành rể. Đận tới này nó đón bố mẹ và em nó vào Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp. Thằng Long ca ngợi con người, khí hậu, đất đai, điều kiện làm ăn ở trong đấy lắm. Nó ca ngợi trong đấy bao nhiêu thì nó chê bai ngoài này bấy nhiêu. Nó nói: “Dân trong ấy có lối sống phóng khoáng nên mọi việc đều thoáng đãng hơn. Nhất là tư tưởng, suy nghĩ và việc làm”. Thằng Long nó chê vậy khác gì nó chửi vào mặt mình đấy thôi!
          Ông Hai Bốn ngồi nghe chuyện mà bực mình. Có lúc ông định chen ngang bà Hồng để phê phán bà, phê phán thằng Long. Nhưng ông lại thôi.  Ông nói:
          - Ở đâu sinh ra cái giống người này? Cái làng quê này chứ còn đâu nữa! Dẫu có thế nào thì làng quê này đã nuôi nó từ trong bụng mẹ cho đến ngày nó bỏ đi. Còn bà Hồng đã nghe nó nói thì cũng phải phân tích để thằng Long hiểu ra chứ?
          Du nói:
          - Em đang hỏi chị giờ này nó ở đâu chứ không hỏi điều to lớn như chị nói?
          - Chắc nó lại mò đến mấy nhà có con gái lớn để tán tỉnh đấy thôi!
          Bà Hồng chợt dừng lại vài chục giây rồi mới nói tiếp:
          - Tôi còn lạ gì cái cánh đàn ông!
          Bà Hồng nói nhưng mắt để ý xem mọi người phản ứng ra sao?
          Ông Hai Bốn bắt đầu “Nóng”. Ông nói:
          - Chú Mạnh đã làm điều gì với cô Hồng để cô Hồng phải nói thế? Chú tán tỉnh cô ấy vừa thôi. Cưới đi!
          Ông Mạnh cười nói:
          - Thì em cũng chỉ tán tỉnh cô ấy thôi chứ đã làm gì cô ấy đâu mà bác cả phê bình?
          Du nói thêm vào:
          - Vì anh Mạnh chưa làm gì thì chị Hồng mới phê phán! Còn đã làm gì rồi thì chị Hồng đã chẳng nói, phải không chị?
          - Mọi người đáo để thật. Thẳng cứ bẻ thành cong.
          Tất cả cười ầm lên vì thú vị. Tiếng cười to làm vợ Du ở trong nhà cũng phải ra góp chuyện:
          - Có chuyện gì mà mọi người cười to thế?
          Ông Mạnh cười nói:
          - Chú Du đã làm gì với cô chưa?
          Vợ Du chưa hiểu ý ông Mạnh nên hỏi lại:
          - Anh bảo nhà em đã làm gì với em là thế nào?
          Mọi người lại cười rộ lên. Bà Hồng kéo Hạnh vào ngồi bên rồi nói vào tai Hạnh. Hạnh “Vỡ lẽ” cũng cười theo.
          Bà Hồng không cười nữa. Bà nói:
          - Thằng Long đã thực hiện đến mức lý tưởng câu ngạn ngữ mới “Con cái đặt đâu bố mẹ ngồi đấy”. Thằng Long bây giờ sắp giàu có rồi. Nó từ kẻ làm thuê giờ là ông chủ. Bố mẹ vợ còn chia cho vợ chồng nó cả héc ta vườn cà phê. Thằng Long còn đầu tư cả trăm triệu đồng mở xưởng cơ khí nhỏ ở nhà. Nó nói “Ở đâu cũng vậy, làm nhà nước hay làm thuê cho tư nhân cũng đều là làm thuê làm mướn, chỉ đủ cái cho vào mồm. Muốn làm giàu, những người ở “Tầm thấp” như nó, trình độ văn hóa, kỹ thuật “Lùn” phải tách ra mới giàu được”. Không biết nó học ai mà có lối đi riêng cho mình như vậy?
Thấy bà Hồng cứ thao thao nói. Du và ông Mạnh có vẻ phục. Ông Hai Bốn thì chép miệng, vân vi. Ông nói:
          - Chú Mạnh từ trước đến giờ vẫn tự coi mình là người biết rõ mọi chuyện trong làng sao giờ ngồi im như thóc giống thế?
          Ông Mạnh chậm rãi nói:
          - Vấn đề chính là nắm được nội dung. Còn việc ai nắm trước, ai nắm sau lại là chuyện khác?
          Ông Hai Bốn khự lại:
          - Tôi nói chuyện trong làng tại sao chú cứ nói sang chỗ khác là thế nào? Nội dung tôi hỏi chú là sự việc xẩy ra ở làng này ai là người nắm được trước?
          Du bơm thêm:
          - Anh Mạnh thua đứt chị Hồng rồi? Anh đừng tưởng cái gì cũng biết trước, nắm trước nhé?
          Hạnh và bà Hồng cùng cười khi nghe Du nói câu tưởng chừng hớ hênh đó.
          - Câu chuyện tôi muốn dẫn dắt chị Hồng là chỗ khác. Chỗ ấy anh Mạnh đã trao đổi với chị chưa?
          Bà Hồng thấy Du cứ hỏi vòng vèo, bà đến ngồi bên ông Mạnh rồi nói:
          - Anh Mạnh đã nói chuyện gì với chu Du mà chú Du cứ nói “Chỗ khác, chỗ ấy” là thế nào?
          Ông Mạnh bị kích thích thật sự khi bà Hồng ngồi bên. Thân nhiệt của hai người dường như lan truyền sang nhau. Ông Mạnh nói to:
          - Em buồn cười thật đấy. Chú Du nói vậy mà em chưa hiểu à? Anh làm gì có “Chỗ khác” ngoài “Chỗ ấy” ! Ở đây chỉ có em và cô Hạnh là có “Chỗ ấy, chỗ khác” thôi.
          Ông Hai Bốn đã ngà ngà buồn ngủ. Nghe ông Mạnh nói ông cứ tủm tỉm cười, ông nói vớt, nói cố:
          - Ở bên Bắc Ninh có thầy xem giỏi, đận nào thằng Long sang tạ lễ thầy thì chú Mạnh và cô Hồng đi cùng nó. Ông thầy sẽ nói tiền vận, hậu vận cho mà nghe khỏi phải “Chỗ này chỗ khác nữa”.
          Ông Mạnh lúc này đã nghiêm chỉnh lại nên không ai đùa cợt nữa. Ông nói như kết luận:
          - Đận ấy ta thuê cái xe bảy chỗ để mọi người cùng đi. Bây giờ cũng đã muộn, mọi người về nghỉ để mai còn làm việc, thư giãn thế là đủ rồi.
          Ông Hai Bốn là người đứng lên về trước.


          XXXII

          Bà Hồng có em trai là phó chủ tịch tỉnh. Sáng nay sau khi sắp xếp song công việc nhà hàng bà và ông Mạnh sẽ đi tỉnh lo việc dạy học cho Thủy.
          Đường từ nhà xuống tỉnh đi xe máy cũng ngót hai tiếng đồng hồ mới tới. Vậy là tầm chín rưỡi, mười giờ trưa bà sẽ có mặt, giờ ấy là giờ “Đẹp”.
Ông Mạnh phóng xe máy như cưỡi trâu ra đồng bởi đường xấu. Ổ gà, ổ chó nhiều nhan nhản trên đường, đôi lúc còn cả ổ voi nữa. Bà Hồng ngồi sau cứ như đánh vật với đường. Bà chồm lên chồm xuống liên tục khiến bà phải vòng cả hai tay ôm choàng lấy người ông Mạnh. Ông Mạnh nói:
          - Còn chừng dăm cây số đường xấu mới ra đến đường nhựa. Ước gì anh xoay được người lại để ôm em nhỉ?
          - Chuyện ấy đơn giản quá. Anh tập trung vào tay lái đi, đường xấu lắm! Em phải ôm không rơi xuống đấy.
          - Đã lâu rồi anh không được bàn tay dịu dàng, trái tim nồng ấm, đôn hậu của người phụ nữ chăm sóc. Chỉ đến khi có em anh mới thấy mình hết trống vắng, cô đơn.
          - Ông giời cũng công bằng lắm. Ông không cho ai đầy đủ thứ gì, có lẽ anh và em cũng không ngoài số đó. Em quan niệm hạnh phúc của con người thuộc về hậu.
          - Đúng thế, chúng ta đã đi qua nửa đời người với bao mồ hôi nước mắt, phần còn lại chắc sẽ là niềm vui, hạnh phúc.
          Bà Hồng dường như không muốn nói nữa, bà trầm tĩnh ngồi sau lưng ông Mạnh. Ông cho xe chạy thật chậm và cẩn thận tránh từng ổ gà trên đường. Phía trước mặt là con đường rải nhựa rộng và phẳng, đó là đường quốc lộ. Khi xe ra đến đường bà Hồng mới thở phào:
          - Có mấy cây số mà khiếp quá. Em nghe đâu ít nữa tỉnh và huyện cho tiền làm lại con đường liên xã, liên huyện phải không anh?
          - Đúng. Cánh đảng ủy xã đã đưa việc này vào kế hoạch. Có lẽ chỉ ít nữa họ sẽ triển khai thực hiện. Thật buồn cho cánh đảng ủy khóa trước đã không chỉ đạo đến nơi đến chốn, lại còn “Phết phảy” vào nên mới “Tuột” gần hết.
          - Anh cũng biết chuyện này à?
          - Thì cái câu “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã lôi cả hội ra đấy thôi. Nói thực dân mình cũng yêu cán bộ vì họ cũng từ dân mà ra. Chẳng qua do đục khoét quá thể đến nỗi dân không chịu nổi nên mới chết. Cánh đảng ủy viên khóa này không biết có lấy đó làm bài học không? Mà cũng tại cái cơ chế nữa.
          - Đúng! Cũng chỉ vì cái cơ chế “Con kiến chui không qua, con voi chui lọt” nên mới hi sinh nhiều cán bộ đến thế. Đấy là còn được quán triệt, học tập thường xuyên chứ không núi cũng phải đổ, chứ không còn chết nữa!
          - Anh nghĩ cứ phải mạnh tay như thằng Tàu đã làm thì bọn tham nhũng bố bảo cũng không dám.
          Bà Hồng nói thêm:
          - Người Tàu có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” Bởi thế cán bộ phải nghiêm. Phải nghiêm từ trên xuống.
Khi hai người đến cơ quan tỉnh bà Hồng lấy lược chải đầu, chỉnh trang lại quần áo. Ông Mạnh mở cốp xe lấy bộ hồ sơ của Thủy đưa cho bà. Bà Hồng nhìn ông Mạnh cười nói:
          - Anh đợi nhé, công việc chắc là ổn, tối qua em đã gọi điện nói với cậu ấy rồi.
          Khi bà Hồng đi ông Mạnh ra ngoài cổng vào quán nước bên đường ngồi uống nước, hút thuốc. Từ cái ngày bà Hồng chê ông Mạnh hút thuốc lào hôi người ông chuyển sang hút thuốc lá. Tất nhiên ông Mạnh chỉ hút loại thuốc rẻ tiền như Du lịch. Một ngày ông Mạnh cũng hút đến cả gói.
          Ông Mạnh ngồi xuống ghế gọi chén nước trà nóng rồi móc thuốc ra hút. Người vào quán khá đông. Người này vào, người kia ra. Ông cứ vô tư uống chén trà, hút điếu thuốc. Ông thấy nhiều người cầm trên tay những mảnh giấy nhỏ ghi những con số từ tay chủ quán cười cười, nói nói.
          Bà chủ quán tuổi ngoài ba mươi thấy ông Mạnh ngồi lâu mặt phù lên nói:
          - Bác uống mỗi chén nước trà có một ngàn đồng mà bác ngồi “Mọc rễ” ở đây là không được đâu? Bác dậy để em còn bán cho người khác?
Nghe chủ quán nói vậy ông Mạnh móc tiền trả rồi ra gốc cây xà cừ ngồi. Chủ quán nhận tờ bạc hai ngàn đồng ông Mạnh trả ném vù xuống đất. Người lái xe ôm dường như chứng kiến từ đầu đến cuối chuyện đợi ông Mạnh ra mới nói:
          - Bác ra đây cho mụ ấy trả tiền đề và ghi đề. Ngày nào chẳng vậy, cứ tầm này là cánh công chức tỉnh đến đây so sánh kết quả đề hôm trước và ghi số mới. Tôi hành nghề xe ôm ở đây lâu rồi tôi biết. Con mụ này cứ hơ hớ như thế nên cánh đề đóm năng đến, một công đôi việc mà, hà… hà… hà… Mụ này thỉnh thoảng ôm cả đề nên trúng lớn lắm. Ông cứ nhìn các ngón tay đeo nặng nhẫn vàng của mụ thì biết. Nhưng tôi tin có ngày mụ sẽ chết. Mấy năm trước ở phường này đã có mụ dở điên dở dại do ôm đề rồi. Nếu tôi không nhầm thì mụ ấy là vợ của trưởng công an phường này đấy.
          - Thế cơ à?
          - Bác chưa biết sâu về chuyện đề đóm thôi. Ngày trước tôi cũng say món này lắm. Tài sản trong nhà cứ đội nón ra đi. Con vợ tôi biết nó làm ầm lên. Con cái, bố mẹ xỉ vả tôi mới chừa đấy. Từ ngày chạy chiếc xe ôm này được đồng nào là ăn chắc đồng ấy.
          Người lái xe ôm cứ vô tư nói chuyện với ông Mạnh:
          - Bác có nhìn thấy cái lão đeo kính kia không? Trong tay lão đang cầm một sấp tiền lớn do trúng đề đấy!
          - Có!
          - Lão ấy đang cất bọc tiền vào túi.
          Ông Mạnh lấy thuốc mời người lái xe ôm và rút một điếu hút. Hai làn khói xanh mỏng như tơ vương, lởn vởn bay lên trời. Người lái xe ôm có thói quen đưa tay nhổ râu trên cằm và bứt lông mũi đưa trước mặt nhìn rồi phù phù thổi nó xuống đất.
          - Tôi có được ngày hôm nay là còn may đấy. Dạo này năm trước tôi suýt bị tụi lưu manh vờ đi xe cắt cổ đấy. Hôm đó do tôi cảnh giác nên mới thoát nạn.
          Một tốp người trong quán bước ra, họ đi qua mặt ông Mạnh và người lái xe ôm. Họ vừa đi vừa nói:
          - Sếp Thảo số đỏ quá. Sếp ấy trúng số liên tục. Tối qua sếp trúng con số trùng với ngày sinh của sếp. Tay Lợi thể nào cũng được sếp cất nhắc lên chức, lên lương cho mà xem. Sếp thưởng cho tay Lợi vì đã quân sư cho sếp đánh con số đó.
          - Cái bọc tiền mấy chục triệu ấy chắc chỉ được hơn tháng là bay. Sếp mình sướng mấy em chân dài nhà văn hóa nghệ thuật lắm, của thiên trả địa thôi.
          - Của thiên trả địa là thế nào? Sếp được cả mấy em chân dài đấy thôi!
          Bên kia đường đoàn thanh niên phường đang giăng treo khẩu hiệu, biểu ngữ: “Thanh niên hãy nói không với ma túy”, “Kiên quyết loại trừ các tệ nạn xã hội”. Từ trong đám đông ấy ba thanh niên mặc áo xanh đi vào quán của mụ béo ven đường. Một người hất hàm hỏi:
          - U có khỏe không?
          - U khỏe. Mỗi tội tối qua “Trượt” con cá to, tiếc quá! Mày trả nợ cho u đi? Nhiều rồi đấy!
          - U ghi cho con hai con số này nhé? Năm mươi ngàn.
          - Tiền đâu? Mày ký sổ nợ mấy trăm ngàn rồi!
          - Được rồi, tối nay trúng hay không trúng con cũng trả cho u cả gốc lẫn lãi. Bao nhiêu rồi u nhỉ?
          - Tính cả bây giờ là sáu trăm năm mươi ngàn rồi!
          - U ơi, muỗi! Tối nay con kính chuyển cho u bảy trăm ngàn đồng được chưa? U sướng nhé?
          - Tiên nhân mày! Nhớ đấy! Đừng có nói xạo!
          Ông Mạnh ngồi dưới gốc cây xà cừ đốt thuốc liên tục. Ông bảo người lái xe ôm:
          - Khiếp thật! Thảo nào con mẹ chủ quán đuổi mình cứ như đuổi tà. Đứa hư hỏng, học ít, nhọ đít chơi đề đã đành. Đằng này toàn cánh đầu hói kính cận, com lê cà vạt, lắm chữ mà cũng say như vậy. Hỏng hết rồi!
          - Thôi chào bác nhé, em có khách. Mong được gặp bác lần sau để nói chuyện.
          Ông Mạnh nhìn người lái xe ôm đang vội vàng nổ máy chạy đến chỗ đón khách.
          Bà Hồng từ trong cơ quan tỉnh bước ra. Bà nhìn quanh sân không thấy ông Mạnh đâu, bà biết là ông đã ra ngoài đợi. Bà Hồng đến tận nơi mà ông Mạnh không hề biết. Bà vỗ tay vào vai ông nói:
          - Anh nghĩ gì mà ghê thế?
          Ông Mạnh sững người quay lại hỏi:
          - Được việc không em?
          - Xong tất cả rồi!
          - Em đợi anh ra lấy xe rồi lại đằng kia hãy nói.
          - Vào quán nước này cũng được.
          - Ấy chết. Không vào được đâu!
          Gần trưa công viên vắng hoe. Ông Mạnh tìm một bóng cây mát có chiếc ghế đá ông dừng xe ở đó. Hai người ngồi xuống ghế. Ông Mạnh bảo bà Hồng nói chuyện lại cho ông nghe.
          - Cậu Hải hỏi em đi kiểu gì xuống đây? Em nói là đi với anh. Cậu Hải cười và hỏi anh có khỏe không? Cậu xem nhanh hồ sơ rồi gật gù nói “Tốt nghiệp loại khá” thế là được. Cậu Hải cầm điện thoại gọi điện cho ai em không biết. Lát sau một người đàn ông trung tuổi tới. Cậu Hải nói như chỉ thị “Anh đọc hồ sơ này rồi làm nhanh giúp tôi. Cháu Thủy con chị gái tôi đấy.” Người đàn ông đem tập hồ sơ ra ghế ngoài ngồi xem một lát rồi vào nói: “Em đã xem kỹ. Hôm nay thứ năm các anh bên sở họp, chắc là không kịp. Ờ sao anh không để cháu Thủy ở trường tỉnh mà về trường huyện?” Cậu Hải cười trả lời: “Cháu nó thích gần nhà”. Người đàn ông ấy nói tiếp “Thứ ba tuần tới em có việc dưới huyện, em sẽ cầm quyết định về nhà cho cháu. Chị không phải đi cho vất vả nhé”. Em mừng quá rối rít cảm ơn. Cậu Hải cười to, nói lớn: “Anh Tân đã nói vậy chị không phải đi. À anh phải hẹn mấy giờ để chị tôi còn biết?” Người đàn ông suy nghĩ một lát rồi nói “Em làm việc ở huyện chừng gần trưa là xong.” Cậu Hải bảo: “Thế thì cậu về nhà chị tôi luôn cho cháu Thủy nó mừng. Chị làm cơm trưa đãi chú Tân nhé? Thôi chị về đi. Em có cuộc họp bây giờ!” Đấy, tất tật chỉ có thế.
          Ông Mạnh vui và phấn khởi ra mặt. Ông nói:
          - Xong một việc lớn. Con Thủy phải biết ơn mẹ Hồng nhiều lắm!
          Bà Hồng nghe vậy xúc động không nói gì. Bà nắm tay ông Mạnh.
          - Trưa rồi. Anh với em đi ăn cơm nhé?
          Ông Mạnh tạt xe vào quán cơm phở ven đường. Trong lúc ăn ông nói:
          - Chuyện hai chúng ta các con chắc biết cả rồi. Anh định hôm nào sẽ chính thức nói với chúng nó.
          Bà Hồng gắp thức ăn cho ông Mạnh. Bà trầm tư suy nghĩ rồi mới nói:
          - Các con giờ đã khôn lớn, trưởng thành, chắc sẽ hành xử người lớn. Dẫu sao mình cũng nói cho các con biết, em đồng ý với suy nghĩ của anh. Vấn đề ở đây là chúng ta gặp riêng hay gặp đồng thời cả hai con?
          - Anh nghĩ nên gặp đồng thời là tốt nhất.
          - Em cũng nghĩ vậy.
          Bà Hồng trả tiền bữa cơm trưa rồi cùng ông Mạnh ra xe về.
          Ở nhà Thủy nóng lòng chờ đợi. Thủy thấy bố và bà Hồng về mừng lắm. Thủy ra giếng kéo nước đổ đầy hai chậu lớn và gọi bố và bà Hồng ra rửa mặt. Bà Hồng và ông Mạnh cứ vã nước vào mặt. Đường đi bụi bặm nhiều nên mặt mũi và quần áo đều bám bụi bẩn. Thủy vào buồng lấy bộ quần áo ngủ của mình đưa bà Hồng. Thủy nói:
          - Mẹ Hồng mặc tạm bộ này của con?
          Bà Hồng hơi bị bất ngờ trước việc làm của Thủy.
          Bà nói:
          - Lát nữa mẹ về thay cũng được.
          Thủy tỏ vẻ dỗi phụng phịu nói:
          - Mẹ Hồng không thích mặc đồ của con à?
          Bà Hồng đành chịu.
          Thủy pha ấm trà mới cho bố. Nước trà xanh và nóng. Thủy rót nước mời bố. Ông Mạnh uống xong chén trà cũng là lúc bà Hồng dưới nhà đi lên. Ông Mạnh bảo bà Hồng nói chuyện với Thủy. Bà Hồng nhận chén trà từ tay Thủy, bà uống một ngụm rồi nói:
          - Công việc của con, sáng nay bố mẹ lo xong rồi. Thứ ba tuần tới chú Tân ở tỉnh về huyện họp, hôm ấy chú sẽ cầm quyết định về cho con.
          Thủy mừng quá reo lên:
          - Con cám ơn bố mẹ. Thế là con được dạy ở trường huyện gần nhà rồi!
          Thủy chưa kịp nói hết thì nhìn thấy Hoa đến. Thủy ra đón Hoa vào nhà. Hoa hỏi:
          - Nhà mình có chuyện vui gì mà mọi người phấn khởi thế? Cháu chào chú Mạnh, cô Hồng.
          - Chào cháu.
          - Cái Thủy học xong rồi, cháu nghĩ cô chú cưới đi để cháu được ăn cỗ?
          Ông Mạnh nói:
          - Vừa nãy cả nhà đang bàn chuyện đó.
          - Thảo nào cháu thấy ai cũng vui?
          Bà Hồng nháy mắt bảo ông Mạnh ra ngoài. Bà đến bên gốc bưởi đợi. Khi ông Mạnh đến bà nói nhỏ:
          - Anh tìm cách nào đấy dặn cái Thủy đừng bao giờ nói chuyện mình lo việc cho nó?
          Ông Mạnh bảo:
          - Cái Thủy biết phải nói thế nào rồi! Anh tin con Thủy không đến nỗi thật thà kể thế đâu?
          Thủy thấy bố và bà Hồng ra sân nói chuyện. Thủy đoán được nội dung. Thủy nói to ý để bố và bà Hồng nghe thấy:
          - Ờ Hoa cứ lo công việc đi. Tớ có lẽ phải từ từ đã. Ý tớ cũng chưa muốn đi dạy ngay, tớ muốn ở nhà ít tháng giúp đỡ gia đình đã!
          - Ừ, cậu nghĩ thế cũng phải. Ngày mai tớ sẽ về tỉnh xem sao?.
          - Chúc cậu may mắn nhé!
          Khi Hoa đi xa, Thủy nhìn bố và bà Hồng cười. Bà Hồng nói:
          - Cô cứ tưởng, ờ, ờ mẹ cứ tưởng con sẽ kể hết với cái Hoa?
          - Bố mẹ ra ngoài sân là con biết ý bố mẹ rồi.
          Ông Mạnh khen con gái:
          - Con thông minh lắm. Ngoài xã hội có những lúc phải thế! Mình làm thế không phải là xấu. Thời buổi bây giờ “Mật ít ruồi nhiều”.
          Thủy cười rồi xuống nhà dưới lấy cuốc và mấy mớ con rau giống ra vườn trồng. Những hôm trước Thủy lo lắng về công việc bao nhiêu, thì vừa nãy Thủy vui và phấn khởi bấy nhiêu. Còn lúc này một mình ngoài vườn Thủy chợt thấy nhớ thương mẹ. Nước mắt Thủy cứ thế trào ra, chảy xuống má, nhỏ xuống hốc rau Thủy trồng. Trong đầu Thủy đang hiện lên bao hình ảnh thân thương của mẹ. Thủy nói với mẹ:
          - Mẹ yêu quý của con ơi. Sắp hết hai năm rồi kể từ ngày mẹ mất, không ngày nào con Thủy của mẹ không nhớ tới mẹ. Nỗi đau không có gì lớn bằng. Con có lúc tưởng chừng không thể vượt qua nỗi mất mát quá lớn này? Nhưng nhớ lời mẹ dặn con đã vững vàng gượng dậy. Mẹ vô vàn yêu quý ơi, con gái của mẹ đã học xong rồi. Chỉ tuần tới con sẽ đến nhận công tác tại trường huyện. Mẹ mừng cho con nhé. Mẹ có lời cám ơn cô Hồng đi? Cám ơn bố Mạnh đi? Những người đã thay mẹ chăm sóc cho con! Con sẽ sống chuẩn mực với mẹ Hồng với bố Mạnh. Con luôn luôn nhớ đến mẹ đấy, con hôn mẹ thật nhiều, thật nhiều.
          Ông Mạnh biết con gái ra vườn trồng rau, ông nói với bà Hồng:
          - Con Thủy nó ra vườn trồng rau cũng là cách nó tìm một chỗ tĩnh lặng để suy nghĩ. Chắc chắn giờ này con Thủy sẽ nghĩ đến mẹ.
          Anh thương nó lắm!
          - Anh nghĩ thế là phải. Anh và em luôn phải biết tôn trọng khoảnh khắc riêng của con. Bây giờ và sau này cũng thế! Sang năm con Thắm ra trường chắc cậu Hải sẽ cho nó về dạy ở trường tỉnh. Cậu Hải khóa tới chắc chắn giữ chức chủ tịch tỉnh rồi.

          (Còn tiếp)

Đã đăng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét