Nhà thơ Tống Hiển |
Trần Mỹ Giống
8h ngày 15 – 4 – 2015 tôi đến thăm nhà
văn Trần Quốc Tiến theo dự định từ trước, chưa kịp nhắp môi chén rượu vang nhà
văn mời thì tiếng chuông điện thoại di động vang lên trong túi áo ngực.
- Hạnh à! Có việc gì thế cháu?
- Bác ơi!... Bố... Bố cháu... mất...
rồi!...
Tiếng cháu Hạnh, con gái thứ ba của
nhà nghiên cứu Tống Hiển, nghẹn ngào.
Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước đón
nhận tin này, mà sao tôi vẫn lặng người hụt hẫng. Xin phép nhà văn Trần Quốc
Tiến, tôi phóng về ngay nhà Tống Hiển...
Tống Hiển nằm trên giường, da tái
nhợt, mắt nhắm hờ, miệng như đang mủm mỉm cười, cái cười thường trực trong cuộc
sống hàng ngày của anh...
.....
Tuần trước, tôi thăm Tống Hiển, thấy
anh đã mệt lắm, không ăn được, tiếng nói khào khào không rõ, phải dùng tay ra
hiệu. Tôi linh tính Hiển sắp đi rồi, nhưng không dám nói ra lời, chỉ nhắc các
cháu Hạnh, Hồng:
- Các cháu in nhanh tuyển thơ của bố
cho bố nhìn thấy bố mừng...
Trong
đầu cứ luẩn quẩn ý nghĩ Hiển sắp đi rồi, tôi lên mạng commants tin cho Nhà thơ
– Nhạc sĩ Lê Huy Tập ở thành phố Hồ Chí Minh...
Tôi vẫn cứ hy vọng Hiển sẽ kịp nhìn
tập thơ tuyển của mình do các con sưu tầm xuất bản... Vậy mà... Thôi rồi, Hiển
ơi!...
*
Tôi và vợ chồng Hiển quan hệ gần gũi
nhau từ lâu. Chanh, vợ Hiển, học đại học Thư viện khóa 7, vợ chồng tôi học khóa
6. Hơn hai chục năm vợ chồng tôi công tác ở Thư viện tỉnh Nam Định, thì Chanh
công tác ở Thư viện huyện Nghĩa Hưng, Tống Hiển công tác ở Phòng quản lý xuất
bản Sở Văn hóa Thông tin tỉnh. Hoàn cảnh công tác tạo điều kiện cho chúng tôi
càng gần gũi nhau hơn. Từ những năm 1985 – 1995 tôi thường đi công tác các
huyện, nhiều lần tổ chức lại Thư viện huyện Nghĩa Hưng, thường mỗi đợt hàng
tuần liền. Chanh nấu cơm ở nhà đón tôi về ăn cùng gia đình. Những ngày ấy đời
sống còn rất khó khăn. Năm mẹ con Chanh sống trong gian tập thể cơ quan, phòng
ở kiêm bếp nấu ăn. Bốn đứa trẻ lít nhít, đứa lớn bế đứa bé, trông như những hạt
mít. Con Hạnh, thằng Hùng bé nhất, lưng trần, quần đùi... Bọn trẻ rất ngoan.
Sau giờ làm việc, tôi thường chơi với bọn trẻ, dạy chúng bện gấp chim, tàu
thủy... Cuộc sống vất vả in lên khuôn mặt và thân hình bé nhỏ của Chanh dáng
khắc khổ, già trước tuổi.
Hơn
chục năm nay, Hiển chuyển nhà ra Ô 19 thuộc phường Hạ Long, thành phố Nam Định,
ngay sau nhà tôi. Con cái Hiển Chanh cũng đã trưởng thành. Con gái lớn dạy học
ở Nghĩa Hùng, con gái thứ hai làm phóng viên báo Nam
Định, con thứ ba làm ở Thư viện tỉnh Nam Định, con trai út là kỹ sư...
Ngỡ
Chanh sẽ đến thời kỳ hưởng an nhàn. Ai ngờ... Mổ cắt một bên thận được 18 năm
thì Chanh mất... Vợ qua đời, Tống Hiển suy sụp sức khỏe đến không gượng lại
được. Nhớ hôm tiễn Chanh ra xe tang về quê, tôi dìu Hiển đi được độ hai trăm
mét thì Hiển mệt không thể đi được nữa. Từ đận ấy, Hiển sống lắt lay, ngơ ngác
đến khi qua đời, chỉ được 6 năm...
Cùng
tuổi, nhưng tôi hơn Hiển ba tháng nên Hiển thường gọi tôi là bác, xưng em. Cùng
là lính chiến trường Quảng Trị năm 1971 – 1973, cùng yêu văn học nghệ thuật,
cùng được kết nạp vào Bộ môn NCPB Hội VHNT tỉnh một đợt (năm 2000) nên tôi có
nhiều đồng cảm với Hiển. Hiển tốt nghiệp đại học ngữ văn chính quy. Làm nghiên
cứu nhưng tài thơ của Hiển lại khá trội.
Những năm Hiển công tác ở Sở Văn hóa
Thông tin, làm tạp chí Văn hóa và trực tiếp thẩm định tác phẩm để cơ quan cấp
lệnh xuất bản, khách khứa (phần đông là các tác giả) ra vào thăm Hiển dập
dìu... Tính Hiển thoải mái, chơi với tất cả các loại người, coi vị quan chức
bình đẳng với anh xích lô, tất cả đều là bạn! Những năm vợ con ở Nghĩa Hưng,
Hiển sống trong khu nhà làm việc của cơ quan. Hàng ngày Hiển ăn uống qua loa,
thường khi một hai chén rượu hoặc vại bia với mấy củ lạc, gói mì tôm là xong
bữa. Có người bảo Hiển sống lập dị.
Bên
trong cái vẻ ngoài lập dị của Hiển là một tâm hồn đa cảm, nhân ái và một tài
năng văn học. Hàng trăm bài thơ, bài nghiên cứu về văn hóa, văn học nghệ thuật
đăng báo chí và in trong các tuyển của Hiển ký những bút danh khác nhau đã
chứng minh điều cảm nhận của tôi là chính xác. Nhưng Hiển không thích khoe
khoang tác phẩm của mình. Ngoài những tuyển in chung, Hiển không in tác phẩm
riêng. Mấy bận tôi đề nghị cho phép giới thiệu tác phẩm của Hiển trên blog, đều
bị Hiển từ chối.
Một
lần, Hiển than phiền với tôi rằng vừa bị anh Đỗ Đình Thọ - đồng nghiệp nguyên
lãnh đạo phòng xuất bản của mình mắng là “vừa là nhân viên đã gây khó cho thủ
trưởng cũ”... Số là nhà nghiên cứu Đỗ Đình Thọ gửi một tập bản thảo nghiên cứu
xin lệnh xuất bản, trong đó có hai bài viết về Nguyễn Khuyến và Vũ Hoàng Chương
theo quan điểm trái ngược với quan điểm của những người nghiên cứu xưa nay.
Hiển đọc nhận xét kiểm duyệt đã loại hai bài này vì nghĩ nếu để sẽ gây bất lợi
lớn cho tác giả. Anh Đỗ Đình Thọ phản đối quyết liệt, buộc Hiển phải điều đình
bỏ một bài, để một bài. Do vậy, Hiển cứ lăn tăn nghĩ ngợi, lo cuốn sách của anh
Thọ có thể vì bài viết về Nguyễn Khuyến mà trượt Giải thưởng VHNT Lương Thế
Vinh. Sau này, khi sách ra đời đã bị dư luận bạn đọc phản đối, bị kiện lên Bộ
Văn hóa về in bài bôi nhọ danh nhân Nguyễn Khuyến. Hậu quả là sách bị cấm phát
hành. Chuyện này chứng minh Hiển có cái nhìn nhạy cảm chính trị...
Từ khi Hiển chuyển về ở cạnh nhà tôi,
chúng tôi có điều kiện gặp nhau hàng ngày. Tối tối, tôi và Hiển thường khoác
vai nhau ra quán bia chợ Hạ Long, Hiển uống vại bia, tôi uống cốc nước ngọt.
Chúng tôi vừa nhâm nhi vừa bàn luận văn chương, kể chuyện tiếu lâm cả tiếng
đồng hồ mới chịu dìu nhau về... Hai thằng liêu xiêu nghiêng ngả trên đường. Mấy
người bán hàng quen mặt thường “Chào hai cụ nhà văn”. Thật là:
Một
cốc bia vàng với khách thơ
Cung
trời phiêu lãng gót nhởn nhơ...
Cũng lạ, thường Hiển chỉ cười mủm mỉm khi
giao tiếp với mọi người, mà với tôi, mỗi khi nói chuyện vui khoái chí, Hiển
cười thoải mái hết cỡ. Những lúc như thế, cả hai chúng tôi sống trong tâm trạng
vui thánh thiện, quên hết mọi sự khổ ải, thua thiệt ở đời. Trong một lần như
thế, khi Hiển vừa ngủ dậy, chưa kịp gấp màn, tôi đã mò sang tọa lên giường cùng
Hiển bù khú, con Hạnh có chớp được một tấm hình của hai ông bố đang cười thoải
mái hết cỡ. Sau này tôi đưa tấm hình lên mạng, đặt tên là “Nụ cười tình bạn
già”. Tấm ảnh giờ đây là kỷ vật quý của chúng tôi. Nghĩ về những phút giây cùng
Hiển thăng hoa với men bia, men tình bạn, tôi bật ra mấy câu tặng Hiển:
Được thua, đen bạc quên quên hết
Thanh trọc, nhục vinh phớt phớt lờ
Thơ đẹp, bia nồng, người tri kỷ
Bồng lai tiên cảnh phải đâu mơ!
Thanh trọc, nhục vinh phớt phớt lờ
Thơ đẹp, bia nồng, người tri kỷ
Bồng lai tiên cảnh phải đâu mơ!
Lại nhớ những lần họp bộ môn nghiên
cứu phê bình, tôi thường ngồi cạnh Hiển. Thời ông Đỗ Đình Thọ làm trưởng bộ
môn, cứ sau họp là ông lại gọi bún chả lên tận phòng họp bồi dưỡng mỗi người
một bát. Hiển gắp hết thịt bỏ sang bát tôi. Hiển rụng hết răng hàm, không nhai
được thịt nướng.
Lại nhớ những lần hai thằng đến thăm nhà
nghiên cứu Trần Quang Vinh, nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang... Chủ cứ ép uống
rượu, mà tôi thì chịu, không uống được. Không uống được thì sợ... thất lễ với
chủ nhà. Hiển thường phải uống đỡ cho tôi. Rồi sau đó, tôi lại thường phải xốc
nách dìu Hiển, cùng nghiêng ngả, liêu xiêu trên đường về... Hiển vừa đi, vừa
đọc một câu thơ chợt nghĩ ra bằng chất giọng nhòe men rượu...
Không thể quên được lần bù khú cùng
Tống Hiển và Huy Tập. Tôi chủ yếu lắng nghe và nhập tâm chuyện hai bạn. Tống
Hiển và Huy Tập lần lượt kể giai thoại dân gian “Vô tư”, cười đến vỡ bụng. Sau
này, khi Huy Tập đã chuyển đi thành phố Hồ Chí Minh, còn Tống Hiển thì ốm dài
dài, trong tâm trạng nhớ Huy Tập, thương Tống Hiển, tôi chép lại chuyện đó đưa
lên trang blog yahoo và trang blogtiengviet, được mấy trang khác cóp hết về,
chỉ trừ tên người kể.
Lại có lần... Lại có lần... Kỷ niệm về
Tống Hiển với tôi kể mãi không hết.
Vậy mà... Thôi rồi Hiển ơi!
Tập thơ của anh – “Hát với tình yêu” do
Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành 2015... Anh đã ra đi không kịp nhìn đứa con
tinh thần của mình...
Khẩu đại bác thời gian cứ lạnh lùng,
tàn nhẫn nã đạn vào cánh văn nghệ sĩ chúng tôi. Chỉ hơn chục năm qua, những văn
nghệ sĩ Nam Định (chủ yếu là giới NGPB) mà tôi kính trọng, thân thiết lần lượt
ra đi: Nguyễn Văn Huyền, Lê Xuân Quang, Trần Huy Thuận, Trương Xương, Đỗ Huy
Vinh, Đoàn Ngọc Phan... và vừa đây là Tống Hiển.
Anh Tống Hiển ơi, tôi nhớ mãi những kỷ
niệm với anh và bè bạn. Xin phép vong linh anh, tôi sẽ giới thiệu các tác phẩm
của anh trên mạng. Tôi nghĩ, điều đó rất nên...
Đêm 25 – 4 – 2015
(Mười ngày Tổng Hiển đi xa)
Trần Mỹ Giống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét