Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

KỈ NIỆM KHÓ QUÊN TRONG ĐỜI CÔNG TÁC PHONG TRÀO THƯ VIỆN CỦA TÔI



          Trần Mỹ Giống

          Từ 1982 đến 2010 nghỉ hưu, tôi đã gắn bó với công tác phong trào của Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà - Nam Định. Trong gần ba mươi năm công tác phong trào, tôi đã có mặt ở hầu hết các thư viện huyện và cơ sở mà Thư viện tỉnh giúp củng cố và xây dựng. Những năm tháng công tác phong trào để lại trong tôi nhiều kỉ niệm vui buồn thật khó quên.


          Lúc xuống ăn mày

          Cán bộ thư viện chúng tôi đi cơ sở là việc rất gian nan. Chuyện đạp xe năm ba chục cây số, nhiều khi phải nhịn uống, nhịn ăn thì chúng tôi chẳng coi ra gì. Cái khổ nhất của chúng tôi là không được cơ sở đón nhận. Không ít cơ sở hờ hững với thư viện, có khi còn đối xử như là đối với người đến xin xỏ, làm phiền họ. Lần tôi và anh Thanh Hồng xuống Ý Yên công tác, đạp xe từ 7 giờ tới 9 giờ mới tới nơi. Phải chờ đến gần 11 giờ mới được gặp ông trưởng phòng Văn hoá tên là V. Làm việc xong thì gần 12 giờ. Ông trưởng phòng hỏi:
          - Còn việc gì không?
          Anh Thanh Hồng cười:
          - Công việc nhà nước đã xong. Giờ chỉ còn việc ra quán.
          Ông V. thản nhiên:
          - Vậy các ông đi nhá!

                                                  *

          Ngày Thư viện huyện Xuân Thuỷ đóng ở Giao Thuỷ bị bão tan nát cả, chúng tôi được ông Phó Giám đốc An Viết Đàm thay mặt lãnh đạo Sở Văn hoá Thông tin và ông Trần Văn Điểm giám đốc Thư viện tỉnh trực tiếp truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Bí thư tỉnh uỷ: “Bằng mọi giá phải xây dựng lại thư viện huyện Xuân Thuỷ”. Nhân có đoàn thực tập sinh Trường Cao đẳng Văn hoá Hà Nội về thực tế ba tháng (do thày Phạm Hữu Du, đồng môn lớp đại học thư viện khóa 6 với tôi, dẫn đầu), tôi đưa đoàn đi thực tế ở Xuân Thuỷ. Chúng tôi hăm hở xuống huyện. Nhưng thật bất ngờ là ông trưởng phòng văn hoá huyện tên là M. nêu ra nhiều lí do không thể đón tiếp chúng tôi. Về thì không thực hiện được nhiệm vụ, ở thì không ai đón tiếp. Tối ấy chúng tôi đành ăn cơm quán rồi tìm cách tháo gỡ. Chầu chực tới 21 giờ chúng tôi cũng được gặp ông Bí thư huyện uỷ tên là Nhi. Nghe chúng tôi trình bày đầu đuôi sự việc, ông Nhi rất bất bình trước thái độ ứng xử của trưởng phòng M. Ông chỉ thị cho phòng Văn hoá phải bố trí cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ. Anh Du bàn giao học sinh cho tôi rồi về Hà Nội. Suốt hơn một tháng trời chúng tôi làm việc ngày 10 tiếng để nhanh chóng tổ chức lại thư viện huyện, ông M. không mấy khi tới xem chúng tôi làm ra sao. Ông còn yêu cầu chúng tôi phải tự túc tiền ăn. Nhờ anh Thích phó phòng đề nghị, chúng tôi mới được ông M. duyệt cho học sinh thực tập tiền ăn hàng ngày theo chế độ nhà bếp uỷ ban. Còn tôi là cán bộ phải nộp tiền ăn theo giá thị trường suốt hơn một tháng làm việc tại huyện. Hoàn thành việc củng cố thư viện huyện, chúng tôi lặng lẽ đi giúp thư viện các xã Giao Hải, Xuân Phương, Giao An… Cả đoàn 6 người chỉ có tôi có xe đạp. Từ huyện xuống xã lại chẳng có ô tô khách. Phó phòng Thích và cán bộ thư viện huyện thương tình, đem xe đạp chở “tăng bo” đoàn xuống xã. Chuyến đi phong trào liền ba tháng kết thúc, chúng tôi thở phào như vừa vượt qua một thử thách. Riêng tôi còn không thể quên chuyện lương nộp tiền ăn không đủ, khi về được thanh toán công tác phí đủ chi tiền… chè nước. Gian khổ thế mà những cán bộ  phong trào chúng tôi vẫn hăng say công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chuyện như thế lớp trẻ ngày nay nghe cứ như nghe cổ tích.

          Khi lên... thượng khách

          Đó là lần tôi và anh Thanh Hồng đi xây dựng thư viện xã Khánh Phú (Tam Điệp). Ngày ấy, thư viện xã do hợp tác xã nông nghiệp quản lí. Hai anh em tôi ăn ở ngay tại nơi làm việc. Chúng tôi làm cả trưa và tối, đến bữa tới bếp hợp tác xã ăn tiêu chuẩn quy định. Ba ngày đầu không có ai thăm hỏi. Ngày thứ tư, anh Điền phụ trách thư viện xã thông báo rằng cụ Phúc mời chúng tôi đến ăn cơm tối tại nhà. Nhìn mâm cỗ thịnh soạn, tôi không dám tin là mình lại được đón tiếp như thượng khách thế này. Cụ Phúc vừa rót rượu vừa nói :
          - Tôi chứng kiến rất nhiều cán bộ đi giúp cơ sở thường “chỉ tay năm ngón” mà chẳng thiết thực gì cho cơ sở. Theo dõi ba ngày qua, thấy hai ông thực sự  tích cực giúp cơ sở, tôi mời hai ông dự bữa để cám ơn.
          Hai tuần làm việc còn lại, cứ hai ngày một lần cụ Phúc tiếp chúng tôi tại nhà. Mỗi khi tiếp khách, cụ Phúc lại mời chúng tôi cùng dự liên hoan. Anh Thanh Hồng to cao có tướng đẹp, nói năng ra dáng lãnh đạo, giao tiếp rất có hiệu quả. Nhiều cán bộ xã cứ chắc chắn anh Thanh Hồng là lãnh đạo thư viện tỉnh. Khi chúng tôi hoàn thành công việc một cách mỹ mãn, cụ Phúc mời chúng tôi đi tham quan vườn cây của hội người cao tuổi, lò mật mía, trại lợn, trại trâu Mu - ra… của hợp tác xã. Trước khi chúng tôi về tỉnh, cụ Phúc sai người biếu chúng tôi quà (nào táo, nào mật, gạo, thịt lợn…) và hẹn mời chúng tôi về dự khánh thành nhà văn hoá xã. Tưởng cụ hẹn xã giao, ai ngờ cụ gửi giấy mời đích danh chúng tôi cùng giấy mời đại biểu Ban giám đốc thư viện tỉnh. Tôi và anh Thanh Hồng cùng anh Điểm về dự lễ. Trong giao tiếp, cụ Phúc và lãnh đạo xã cứ một điều “báo cáo bác Thanh Hồng”, hai điều “báo cáo bác Thanh Hồng”, cứ như anh Thanh Hồng mới là Giám đốc Thư viện tỉnh chứ không phải là anh Điểm.

          Kỷ niệm 60 năm thành lập Thư viện tỉnh Nam Định (1956 – 2016), anh Trần Thanh Hồng, anh Lê Luân, anh Tuấn, Chủ nhiệm Thư viện tỉnh Trần Hữu Viển, bác Đặng Đình Môn, cô Trần Thị Khang, chị Vũ Kim Dung, chú Ninh Đình Khoa đã đi xa, nhưng những kỉ niệm về những ngày đi cơ sở và công tác với các anh, các chị, các bác như mới diễn ra hôm qua. Hình ảnh và những cống hiến của các bậc tiền bối đồng nghiệp Thư viện tỉnh nhà sống mãi trong lòng tôi.

          Trần Mỹ Giống



1 nhận xét:

  1. Hồi ký rất cảm động vì vừa sống động lại nhuốm màu sử liệu một thời chưa xa nhưng có lẽ không bao giờ trở lại. Độc giả cám ơn tác giả nhiều lắm!!!
    PHẠM MẠN

    Trả lờiXóa