Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 41-42)



Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

        XLI

          Cô vợ trẻ đẹp của ông Bình lại mang bầu. Bà Tứ chẳng biết từ khi nào biến thành người quản gia cho chủ nhà. Thằng bé con chủ nhà cứ bám lấy bà như đỉa. Ngày cũng như tối nó chẳng cần đoái hoài đến mẹ, bà đi đâu nó theo đi đấy. Mẹ thằng bé thấy vậy ngày nào cũng nói vài lần:
          - Con phải tự chơi chứ? Sao cứ bám bà thế? Còn bắt bà bế nữa? Bà đau lưng thì sao?
          Thằng bé đã gần ba tuổi, nó nói chưa thành câu nhưng nghe cũng hiểu được ý nó nói:
          - Cu Phong bắt… ước bố… ế mẹ.
          Bà Tứ hiểu mà giật mình. Mồm đứa trẻ nói không bao giờ sai. Chắc hẳn nó đã nhìn thấy bố nó bế mẹ nó nhiều lần.

          Sáng nay bà Tứ cõng nó ra chợ làng chơi. Trước khi đi bà Tứ nói nhỏ với mẹ nó:
          - Anh chị có làm gì thì phải giữ ý, đừng để con trẻ nó nhìn thấy là không hay đâu? Chị vừa nghe thằng bé nó nói gì rồi chứ?
          Nghe bà Tứ nói thế mẹ cu Phong chỉ tủm tỉm cười.
          Bà Tứ cõng thằng bé trên lưng, nó cứ nhún nhảy khiến bà phải nói:
          - Cu Phong ngoan nào. Đừng nhún thế bà gãy lưng? Bà gãy lưng là cu  Phong rơi xuống, lũ chó chạy đến ăn thịt đấy?
          Nghe bà Tứ dọa chó ăn thịt nó sợ. Bởi nó đã nhìn thấy con chó nhà nó bữa nào cắn một người giữa sân nên không nhún nữa. Nó để im cho bà Tứ cõng.
          Hai bà cháu ra đến chợ làng. Ai cũng hỏi chuyện bà. Ai cũng nói là bà ít khi ra chợ. Bà Tứ thấy đúng. Bà bây giờ ở nhà không thiếu thứ gì, từ thứ bình thường như thịt cá đến thứ sang trọng khác như lạp xường, cá hồi đông lạnh… Cuối tuần vừa rồi ông chủ nhà còn đưa cho bà mấy hộp ba tê để bà gửi cho con. Nói là ông chủ cho thì cũng quá đáng. Nói là biếu bà thì cũng chưa hẳn. Ông chủ thường hay nói câu “Chị cầm về mà dùng”.
          Bà ra cửa hàng nhà Lương. Bà cất tiếng hỏi:
          - Chú Lương có đắt hàng không?
          Lương Mù ngồi ngả người trên chiếc ghế tựa đã bị cưa cụt gần hết bốn chân nói:
          - Bà Tứ đấy à? Cũng đủ sống. Bà lại cõng cái của nợ ấy đi đâu đấy? Thằng Phong xuống ngay không được để bà cõng. Xuống ngay không tao cho cái bợp tai bây giờ?
          - Ấy chú đừng dọa cháu? Nó còn bé mà!
          - Bà vào nhà uống nước đã?
          Bà Tứ nể tình nên vào, chứ bà có thích thú gì chén nước trà nhà Lương.
          - Trà em mới pha, trà ngon đấy! Bữa nọ có gã bán chè vào cửa hàng nhà em, gã nói là chè Thái Nguyên xã Tân Cương. Em kiểm tra bèn nói vào mặt gã là nói dối. Em bảo gã đó là loại chè tuyết Sa Pa.
          - Làm sao chú biết đó là chè tuyết Sa Pa?
          Lương Mù nói oang oang:
          - Em lạ gì thứ chè này, cánh nó to tướng. Vùng Sa Pa em chẳng đến vài lần rồi! Cu Phong! Chú cho mày gói bim bim, ăn đi để cho bà nói chuyện với chú? Cu Phong sắp có em bé rồi nhỉ? Bụng mẹ mày chửa cũng to rồi đấy? Phen này mẹ mày mà đẻ dù gái hay trai như mày cứ gọi là đệ nhất phu nhân. Bà Tứ này, bà có thấy mẹ Cu Phong thực tế không?
          Bà Tứ hỏi lại Lương;
          - Chú nói thực tế nghĩa là cái gì?
          Lương Mù gân cổ nói:
          - Mẹ nó có thèm lấy lũ thanh niên trai trẻ đâu? Lấy hẳn lão già đại gia, tiền nhiều như quân Nguyên, đè chết người, chẳng phải lo nghĩ gì về kinh tế, chỉ việc hưởng thụ, tài sản của mẹ nó chẳng bằng nửa xã cộng lại à?
          Nghe Lương Mù nói bà Tứ thấy không có lợi cho bà. Bà nói:
          - Kệ người ta chú Lương ạ. Mỗi người mỗi cảnh? Chú đừng đánh giá người ta?
          - Đấy là em nói với bà thế? Lão “Bình cũ Rượu mới” giỏi thật! Bà vợ già ở tận miền duyên hải Thái Bình có biết đếch lão có cô vợ trẻ trên này. Xa tít mù tắp? À, bà Tứ có biết lão Bình đang quy hoạch lại trang trại không? Cánh thợ xây làm việc mấy ngày nay rồi!
          - Trang trại nào?
          Bà Tứ bị bất ngờ hỏi lại Lương.
          Lương Mù nói:
          - Lão Bình cho xây ngăn, lão Bình để toàn bộ phần đất cao và bằng phía trên đỉnh đồi nhìn xuống hồ nước để đặt mộ bố mẹ, ông bà lão. Lão sẽ dựng cả ngôi nhà gỗ lim làm nhà thờ tổ. Tất cả đều quay về hướng đông. Bà thấy giá trị của thằng cu và cô vợ trẻ chưa? Bà vợ già và ba cô con gái dưới Thái Bình đã không đem lại sự duy trì nối tiếp dòng họ lão đành phải chấp nhận thôi. Ai bảo không đẻ cho lão ấy con trai?
          Lương Mù cứ thao thao nói khiến bà Tứ không có cơ hội chen lời. Bà  Tứ quay sang hỏi chuyện Lương:
          - Ai nói với chú mà chú biết tường tận thế? À, có khi nào chú Lương nhớ mẹ con cô Phượng không?
          - Cũng có lúc em chợt nhớ lại? Nhưng cũng chỉ thoáng qua thôi. Chắc bà thừa biết em và Phượng lấy nhau là vì tình thế, chứ có yêu thương cái gì?
          Lương Mù chợt ngửa mặt lên trời. Lương khóc. Hai hốc mắt Lương chớp liên tục như muốn xé rách cái màn đen cố hữu.
          Lương Mù nói:
          - Bây giờ cu Mẫn đang ở bên mẹ và bố đẻ của nó. Nếu sau này cu Mẫn có biết thời đỏ hon hỏn của nó mà về tìm em thì em cũng quý mến nó. Vì nó không có lỗi gì hết! Lỗi này do người lớn gây ra! Thôi chuyển sang chuyện khác đi bà, nói chuyện này chỉ tổ buồn nẫu ruột. Bà có biết bây giờ các quan chức nhà nước, kể cả quan chức cao cấp nữa hay đi xem thầy nói về hậu vận của mình không?
          Bà Tứ hỏi Lương:
          - Thế chú có đi xem để biết hậu vận của chú thế nào không?
          Lương Mù cười khà khà khi nghe bà Tứ hỏi.
          - Em khỏi cần phải xem? Em ăn nhau về hậu rồi! Mẹ em đã yên tâm nơi chín suối về em, về Phượng, về cu Mẫn. Với em quán hàng này cũng thừa để sống. Tiền của nhiều để làm gì, khi chết có mang theo được đâu?
Bà Tứ ngồi nói chuyện đã lâu với Lương, bà đứng dậy ra về. Cu Phong cũng lẫm chẫm chạy theo. Phía cuối đường mẹ cu Phong vác cái bụng to kềnh đứng đợi. Bà mới gần tới nơi đã nghe mẹ cu Phong nói:
          - Bà cho cháu về. Lát nữa bố cháu về đón hai mẹ con cháu ra Hà nội chơi.
          Hai mẹ con về trước, khi đi khóa cửa nhé? Bà có chìa khóa rồi!
          Đợi hai mẹ con cu Phong đi khá xa, bà Tứ mới rẽ vào đám mấy bà đang ngồi bán hàng trong quán.
          - “Bướm” thế mới là “Bướm” chứ? Suốt ngày ăn trắng mặc trơn.
          - Nếu cho cánh mình được làm lại các bà nghĩ sao?
          - Còn nghĩ gì nữa? Cứ lão già lắm tiền mà lấy! Mà lại được chiều, được hứng như hứng hoa! Lấy chồng như cánh mình khổ lắm, suốt ngày ngồi phơi cái mặt ra đường mà nghèo vẫn hoàn nghèo, cho đến giờ trong tay không có lấy một chỉ vàng? Cái nhẫn đeo trên tay là thứ rởm, bằng đồng. Người ta ngồi xe hơi máy lạnh, ngủ lầu son gác tía, còn tôi và các bà cả đời lê đít dưới đất nhiều khi kiến đốt cho bỏ mẹ!
          - Gớm quá! Bà nói nghe mà khiếp?
          - Thì tôi có nói sai đâu? Đấy bà chẳng đang gãi là gì?
          - Nhưng nó có dám ngẩng cao đầu như cánh mình đâu? Nó toàn phải tránh né mọi người, nó đâu dám chuyện trò trên giời dưới biển giữa thanh thiên bạch nhật thế này? Hay nó chỉ cúi đầu nhìn xuống đất?
          - Đấy là bà quan niệm thế! Tôi hỏi bà bây giờ và sau này nữa nó sướng hơn hay bà sướng hơn?
          - Chắc đếch gì sống được đến sau này mà bà nói trước?
          - Cứ cho là không chết, cho là sống đến sau này!
          - Mỗi người sướng một kiểu và khổ một kiểu!
          - Bà chỉ bảo thủ. Khổ bỏ mẹ còn tinh tướng!
          - Thôi đi các mẹ! Chuyện này đến tai đức lang quân lại ăn tát bây giờ. Đừng có lẩm cẩm so sánh chồng mình với thằng đàn ông khác?
          - Ấy là nói ở đây! Ai ngu dốt gì mà nói ở nhà!
          Bà Tứ giờ mới nói chuyện:
          - Vợ chồng nhà này lệch nhau nhiều về tuổi tác, nhưng họ ăn ở với nhau tôi thấy hạnh phúc và văn hóa lắm. Một điều xưng hô bố cu Phong, mẹ cu Phong. Họ biết tôn trọng nhau. Tôi nói thật họ có văn hóa hơn nhiều cặp đôi trẻ hoặc già khác ở làng này. Đấy trẻ thì “Mày mày, tao tao”, già thì “Bố mày, bà mày” các bà nghe biết rồi đấy?
          - Thì phú quý sinh lễ nghĩa, nghèo đói, túng quẫn sinh bẩn tính!
          - Bà nói vậy thế thì thiên hạ thế cả hay sao?
          - Ừ thì cũng gần như thế cả!
          - Đếch phải, tôi không nghĩ thế?
          Bà Tứ im lặng suy nghĩ sang việc khác nên không biết mấy bà kia nói thêm những gì. Bà cáo lý do để về nhà. Về nhà bà Tứ ra hè ngồi suy nghĩ “Lương Mù nó nói đúng. Vì thế ông Bình mới di tản vợ con đi Hà nội chơi nhiều ngày để ông yên tâm làm xong việc đại sự. Ông Bình thể nào trong ngày hôm nay cũng gọi điện căn dặn bà. Bà thừa biết “Im lặng là vàng”. Bà sẽ cư xử với đám người nhà ông Bình ở quê lên nhất là vợ con ông ở mức lạnh lùng, kín kẽ nhất.” Đúng như bà Tứ suy nghĩ. Ông Bình gọi điện cho bà. Bà Tứ lấy chiếc điện thoại trong túi áo ra nghe. Ông Bình dặn bà kỹ lưỡng.
          - Vâng, ông cứ yên tâm. Tôi làm ngay bây giờ ạ!
          Bà Tứ khép hết các cửa sổ, khóa cửa các phòng, bà chỉ ở gian nhà nơi ông Bình hay ngồi uống nước, hút thuốc. Gian phòng này không có ảnh ông ấy và vợ con ông ấy.
          Nửa đêm sau bà nghe thấy tiếng xe ô tô chạy ầm ì ngoài đường và sau nhà rồi tắt hẳn. Bà còn nghe rõ tiếng nhiều người, cả đàn ông, đàn bà nói và cả tiếng lịch kịch khiêng vác. Bà mở cửa sổ nhìn ra thấy ánh sáng của đèn pin, đèn măng sông sáng choang.
          - Ông Bình chuyển hài cốt người nhà về thật.
          Bà Tứ sập cửa lại rồi lên giường nằm nghỉ tiếp.
          Gần sáng trời lất phất mưa. Bà Tứ dậy cầm ô đi lên phía đỉnh đồi. Bà nhìn rõ sáu ngôi mộ đã đặt xong. Bà còn thấy cả chục người đang rạp người xuống chiếu lễ vái. Hương khói bay mù mịt. Người đàn ông tóc bạc trắng cao tuổi nhất trong đoàn nói:
          - Vị trí thật là đẹp. Cao ráo lại hùng vĩ nữa. Các cụ nhà mình đầu tựa sơn chân đạp giang. Con cháu sẽ được mở mày mở mặt. Chú Bình mua được thửa đất này quá đẹp! Trước đây cứ mỗi lần tôi nhìn phần mộ các cụ ngập trong nước mà xót xa.
          Ông Bình dắt tay bà Tứ đến giới thiệu với mọi người:
          - Đây là bà Tứ, bà là chủ đất cũ. Bà có hai người con đang theo học đại học. Tôi coi bà Tứ như người nhà. Nên tôi rất yên tâm khi đặt các cụ nhà mình ở đây. Vùng đất này có tên gọi là “Tổ rồng”. Các quả đồi xung quanh là rồng con. Quả đồi này lớn nhất là rồng mẹ. Vị trí đặt phần mộ các cụ là hàm các con rồng. Bên tay phải mọi người là Giếng ngọc. Nước giếng trong và nhiều. Mùa mưa hay mùa cạn lúc nào giếng cũng đầy nước.
          Bà vợ ông Bình đứng bên bà Tứ dỏng tai nghe ông Bình giới thiệu mà phấn khởi. Bà cầm túi quà lớn nói:
          - Em gửi bà chút lễ vật, bà nhận cho em mừng. Khi nào có thời gian em sẽ lên và vào thăm bà. Bà thông cảm cho em vì “Giờ” thầy xem đã hết, em xin phép bà nhé.
          Người nhà ông Bình lục tục xuống đường rồi lên xe. Đoàn người lên xe thật khẩn trương. Ông Bình là người cuối cùng. Ông nói nhỏ với bà Tứ:
          - Cuối tuần này em cho mẹ con cu Phong về.
          Xe nổ máy rồi chạy mất hút vào màn sương trắng đục. Bà Tứ đứng chần chừ nhìn theo. Bà đứng sang hẳn bên đường để nhường đường cho chiếc xe trâu chở mía từ triền sông vào chợ làng Vàng để bán cho cánh buôn. Những vác mía với những cây to, mập, tím ngắt. Vợ chồng người bán mía ngồi chỗm trệ trên xe vô tư dóc những gốc mía dày rễ nhai “Cồm cộp”.  Bà Tứ tặc lưỡi:
          - Khổ thế, nhai rặt gốc! Cây to ngon phải dành ra để bán!

        XLII

          Sáng nay ông Hai Bốn ra chùa có việc. Ông đi sớm vì ông không muốn gặp ai. Ông cũng không muốn cái dạ dày của ông được ních no phở hay mì hay xôi hay quả trứng vịt lộn mà thường ngày vợ ông mua về hoặc nấu cho ông ăn. Sớm nay ông chỉ uống nước rồi ông ra chùa. Ông đi khi vợ ông còn chưa dậy.
          Lý do gì mà ông Hai Bốn bỗng dưng hành xác mình như vậy?
          Chẳng là tối qua Lương mù chống gậy sang nhà ông chơi. Kể từ ngày Lương mù bỏ nghề đi hát rong để ở nhà bán hàng vặt, tối nào Lương mù cũng đi chơi. Lương mù không ở nhà này thì ở nhà khác chứ không chịu ngồi nhà.
          Tối qua Lương mù ngồi hầu chuyện ông Hai Bốn rất khuya mới về. Ông Hai Bốn vốn quý Lương mù từ trước, vậy mà giờ đây ông phải nổi khùng với Lương mù. Cả đêm qua ông cũng mất ngủ vì Lương mù nói ông “Hôm lễ khánh thành chùa chẳng ai như bác có chân trong ban tổ chức mà lại để xẩy ra chuyện đón tiếp nhầm lẫn như vậy. Thật là bổ báng các đức phật, làm trò cười cho thiên hạ. Dân làng Vàng đã ít học, tầm nhìn hạn chế, dốt đã đành, đằng này là tướng tá như ông mà lại thế? Rồi còn chuyện ủng hộ cho quỹ khuyến học làng, xã. Ông không xưng tên mà để nhà Du nó nói là của “Nhà hàng”. Thế có nghĩa là tiền của tập thể chứ đâu phải tiền túi ông bỏ ra. Ông lại còn cục bộ địa phương nữa, chỉ nói về làng chứ không đoái hoài gì đến xã. Bà con làng khác đến dự họ nghĩ sao? Ngay mấy pho tượng, mấy lư hương, lọ hoa, hạc đồng do vài gia đình gửi tặng cũng không có lời tri ân của ban tổ chức. Việc quyên góp cho chùa cũng không đả động đến. Lương mù tuy khó khăn vắt mũi bỏ mồm còn ủng hộ chùa năm mươi ngàn đồng. Chưa hết, Lương mù nói như mắng ông và lãnh đạo xã việc đón tiếp lãnh đạo cấp trên thái quá, cứ xun xoe một cách thiếu văn hóa. Lương mù còn khen thằng Hợm nói là đúng và trách ông tại sao lại mắng Hợm?
          Ông Hai Bốn đau nhất khi Lương mù kết luận ông và lãnh đạo là “Phí cơm, phí rượu của nhân dân” khiến hỏa diệm sơn ngút lửa trong đầu ông, mặt ông nổi hòn nổi cục. Đêm qua ông đã phải đập tay mạnh xuống bàn, vằn mắt lửa đuổi Lương mù về. Ông chỉ tay vào mặt Lương mù như kẻ thù đuổi” Cút! Cút ngay! Mày bảo ai là phí cơm phí rượu? Mày phạm thượng!” Thế mà nó cứ thủng thẳng nói “Ông bác nóng nảy vừa thôi? Ông bác nóng quá!” rồi chọc gậy rò đường về. Giữa sân Lương mù còn đứng hát. Tiếng hát, bài hát nghe mới buồn làm sao? Cái lời “Thôi là hết em đi đường em… Tình chúng mình có bấy nhiêu thôi…” như xát muối, xát ớt vào ruột gan ông.
Hôm nay trời mờ sáng, sương nhiều, không khí lành lạnh ông Hai Bốn ra chùa. Ông đi thẳng vào gian chính, gian giữa chùa. Ông quỳ xuống nền gạch tối lạnh và ẩm ướt hai bàn tay ông chắp trước ngực. Ông cầu khấn liên tục:
- A mô di đà phật! A mô di đà phật! Con lạy các ngài. Các ngài mở lòng từ bi độ lượng bỏ qua cho con những gì sai sót. Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Thuở trước con còn bé dại có theo cha đi phá đình phá chùa, phỉ báng thánh thần, khiến các ngài phải lưu lạc xứ người mấy chục năm. Giờ đây quả báo, con ngần này tuổi còn bị đứa mù lòa nó chửi rủa…
          Ông Hai Bốn hình như cạn lời không biết nói gì nữa, ông nói thêm dăm câu rời rạc:
          - Con nguyện ngày một ngày rằm ra thắp hương cho các ngài.”
          Ông lại cúi rạp đầu chắp tay khấn
          Ông Hai Bốn mơ hồ như nghe tiếng ai nói: “Ai đấy? Im lặng cho ta nhờ! Nó chửi rủa ra sao? Đứa nào chửi?”
          Rõ ràng rồi, tiếng nói từ phía trong vọng ra. Ông Hai Bốn bình tâm sáng suốt như thời trận mạc. Ông nói:
          - Ai vừa nói đấy?
          Phía trong đáp lại:
          - Chắc đêm qua được báo mộng phải không mà ra đây sớm thế? Khi mộng lúc mấy giờ? Khi rời nhà lúc mấy giờ? Lúc này là mấy giờ? Nói rõ để ta còn liệu. Hôm nay thế nào” Con này cũng về!”
          Ông Hai Bốn vào thẳng nơi phát ra tiếng nói. Ông rọi đèn pin và quát lớn:
          - Chúng mày ở đâu đến đây? Chùa chiền đâu phải chỗ ngủ của chúng bay?
          Ông huơ rộng ánh sáng đèn pin ra nơi khác. Ông nhìn thấy các quân bài nằm ngổn ngang. Ông quát tiếp:
          - Chúng mày đến đây đánh bạc hả? Chúng mày là con cái nhà ai mà hư hỏng thế? Lại còn trai gái nữa! Mấy con bé kia mặc quần áo vào! Tệ hại quá!
          Những tiếng nói lè nhè:
          - Cút ngay cho bố ngủ! Nhiễu phải không? Bố lại cho nhát dao bây giờ?
          Ông Hai Bốn chợt nhận ra thằng Thắng, thằng Hà người của làng, còn mấy đứa kia ông không biết. Thằng Hà nói:
          - Ông không được kể chuyện này với ai? Ông kể ra tụi này sẽ giết ông như giết một con chó đấy? Ông phải nhớ! Ông nghe rõ rồi chứ? Thôi xéo đi cho bọn tôi ngủ! Xéo!
          Ông Hai Bố còn nghe rõ tiếng dập chân thình thịch của chúng. Ông Hai Bốn thấy mình ông không thể trị nổi bọn này, nhân nó đuổi, ông rút nhanh ra ngoài. Ông đi thẳng về nhà trưởng công an xã báo cáo lại, rồi hai người xách súng cầm gậy ra chùa.
          Hai người đến nơi thì tụi xấu đã cao chạy xa bay. Dưới chân ông lúc này là những quân bài và đám bao cao su ướt nhoét nằm dưới nền gạch tối.
          Ông Hai Bốn tức giận. Vị trưởng công an xã cúi đầu nhặt đám quân bài và đám bao cao su bỏ vào túi ni lon như những bằng chứng sống.
Tám giờ sáng tại trụ sở ủy ban xã ông Hai Bốn và vị trưởng công an xã báo cáo rành rọt về hành vi cờ bạc và trai gái trong chùa để lãnh đạo ủy ban nghe. Ông Hai Bốn nói:
          - Tuy không bắt được chúng nhưng thằng Thắng, thằng Hà thì khỏi phải nói. Bây giờ các vị cứ gọi cổ hai đứa ấy ra đây là chúng phải khai hết. Cái xứ nhà quê tưởng chừng yên tĩnh, sạch sẽ này giờ bắt đầu du nhập tệ nạn rồi. Hỏng hẳn rồi!
          Ông Hai Bốn, trưởng công an xã cùng mấy người khác đến nhà Thắng, rồi đến nhà Hà. Cả hai đứa đều không có mặt ở nhà. Khi vỡ chuyện bố mẹ hai đứa đã không tin vào những điều nghe thấy. Tất cả đều khẳng định là con họ đang học tập ở trường. Họ gọi điện cho con, cả hai đứa đều trả lời chúng con đang bận thi nên không về nhà được.
          Bố thằng Thắng nói:
          - Thế là rõ nhé! Ông Hai Bốn và các người chỉ lẩm cẩm? Hay là ông bây giờ gở tính? Năm nay ông đã ngoại bảy mươi tuổi rồi? Cỗ bài này chắc là của các cụ trong làng đem ra chơi? Lũ trẻ lại lục lọi vất của các cụ ra ngoài. Mai mốt tìm không thấy các cụ lại chửi cho. Còn thứ bao cao su kia thử hỏi vợ chồng trẻ, vợ chồng trung tuổi ở làng xã này nhà nào chẳng vài hộp? Lũ trẻ lấy thổi phồng chơi rồi vất ở đấy!
          Tin ông Hai Bốn bắt hụt kẻ xấu ngoài chùa gần trưa loang ra cả xã. Ai cũng buồn cười. Bà Hai Bốn giật mình khi nghe tin này. Bà gặng mãi nhưng ông không nói. Ông chỉ ậm ừ. Bà biết ông còn lấn bấn chuyện gì nên mới ậm ừ như vậy. Bà Hồng, vợ chồng Du cũng chạy sang hỏi chuyện ông, ông cũng chẳng nói. Vợ Du gặng mãi ông mới thốt độc câu” Tệ quá! Vớ vẩn quá!” Ông giục mọi người ai nấy về công việc của mình. Ông Hai Bốn vào nhà ngồi và chỉ mong sao mau hết ngày.
          Tối đến. Ngoài sân có tiếng gậy lộc cộc gõ. Ông Hai Bốn biết là Lương mù sang. Lương mù lớn tiếng:
          - Bác chỉ huy có nhà không?
          - Lại mày à!
          Ông Hai Bốn giằn giọng nhưng vẫn phải lên tiếng:
          - Có!
          Lương mù khua khua gậy phía trước bước vào nhà. Lương mù vừa đi vừa nói:
          - Bác gái đi chơi đâu mà để bác ở nhà một mình thế này? Nguy hiểm quá! Tụi xấu nó biết nó mò về “Ám sát” bác như chơi đấy? Bác cẩn thận nhé? Nhưng không sao, bây giờ cháu ngồi đây bố chúng nó cũng chẳng dám?
          Ông Hai Bốn tuy vẫn giận Lương nhưng thấy Lương sang chơi ông cũng nguôi giận nhiều. Ông nói:
          Chú mày sao cứ như ma xó thế? Chuyện gì mày cũng biết, cũng chõ vào là thế nào?
          Lương mù ngồi xuống ghế nói lớn:
          - Sớm nay tụi xấu mà vớ phải cháu là cứ bỏ mẹ! Bác già lẩm cẩm đã đành nhưng trưởng công an xã còn trẻ thì không thể thế được! Chúng nó có ngu đâu mà về nhà? Lại còn nghe điện thoại để xem nó trả lời nữa? Cứ tưởng rằng… Té ra rằng… các thủ trưởng này cũng vớ vẩn… Buồn não ruột! Bọn này bố láo, dám lừa cả trưởng lão để đào tẩu… Tệ quá, tệ quá! Số chúng mày còn may? Chúng mày vớ phải tao có chạy đằng trời! Tao chỉ xịt cho một cú là cứ nằm đấy!
          Ông Hai Bốn nghe Lương mù nói cái “Xịt” bèn hỏi lại:
          - Chú mày nói “Xịt” là cái gì?
          Lương mù nói:
          - Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng “Túi vải” ?
          Nói rồi Lương mù mở miệng chiếc túi vải bên hông lấy ra lọ thuốc xịt côn trùng miệng dẻo như kẹo kéo:
          - Cháu cứ phải dùng thứ này đề phòng lũ côn trùng ranh con nghiện hút lên cơn giết cháu lấy tiền!
          - Mày chỉ giỏi suy diễn. Nó giết mày để lấy mấy đồng bạc rách à? Còn điều gì nữa?
          - Bác không thấy mấy đứa mà bác gọi là “Không biết” à? Chúng nó đeo vàng nặng cả cổ. Đô la nó nhét đầy ví. Măng của một số tre già công thần thoái hóa trên tỉnh hay lũ con ông cháu cha đấy? Em nói thật với bác chúng nó cậy quyền cậy thế của bố mẹ, của gia đình nên coi trời bằng cái vung. Nó nghênh ngang như người hùng, luật pháp chẳng là gì với chúng. Em nói là có bằng chứng chứ không ngồi suy diễn như bác đâu?
          - Mày nói chuyện với tao mà cứ xưng hô lộn xộn thế? Lúc mày xưng cháu, lúc mày xưng em là sao? Con người mày bất nhất Lương à?
          - Em nói vậy để nâng tầm em lên. Ờ, bác tinh dần ra rồi đấy? Lát nữa cháu còn xưng “Tôi” với ông nữa?
          - Mày lắm chuyện rối rắm quá? Sao mày lại nói chúng nó là “Măng” của các “Tre già” ?
          - Ờ, ông biết nói chuyện rồi. Bữa nọ mấy đứa “Con Giời” ấy ngồi uống rượu ở quán nhà tôi. Chúng chẳng oang oang nói ra mồm” Ông già tao có cả triệu đô la, ông có con bồ chân dài á hậu, hoa khôi. Bọn hạ cấp cung phụng ông già hết ý. Tết vừa rồi ông già đánh tá lả với hạ cấp, ông thu về hàng tỷ đồng. Hạ cấp cứ nức nở khen ông cao thủ, đánh giỏi. Mày bảo tao không chơi, không tiêu thì tiền nhà tao để nhóm bếp à?”
          - Mày chỉ nói róc thôi Lương. Tiền bạc có phải lá rừng đâu mà quét về để đốt? Mày không thấy người ta phơi lưng ra cả ngày để kiếm lấy đồng tiền hạn hẹp à? Tao nghĩ mày chỉ tưởng tượng xấu ra thôi! Luật pháp rõ rành rành ra đấy, lơ tơ mơ cứ tù mọt gông!
          - Ông vừa rất hay thế mà bây giờ lại làm tôi phát chán rồi? Tôi đã đi nhiều nơi trong thiên hạ, ăn cơm thiên hạ nên tôi biết. Còn ông mười năm nay xa thực tế, quanh quẩn ở nhà, làm sao ông nắm rõ thời đại bằng tôi được? Sau này tôi già như ông, quanh quẩn như ông chắc lại cũng vậy? Ông Hai Bốn à? Ông tưởng ai cũng được như ông đấy hả? Bây giờ mỗi tháng ông bỏ túi dăm triệu đồng tiền lương hưu, dăm triệu tiền chia chác lợi nhuận nhà hàng nhiều gấp cả chục lần kẻ lấm mũi trong làng, trong xã, ông yên tâm quá còn gì? Nếu tuần vừa rồi mấy đứa mất dạy nó đâm ông chết thì hôm nay đã là tuần đầu của ông rồi nhỉ?
          Mày bé cái mồm lại? Tuần đầu cái gì! Cả cái làng Vàng này không ai dám nói tao, ai cũng tôn trọng tao? Sao mày hỗn láo thế? Câm cái miệng lại!
Làm sao tôi phải bé mồm, phải câm miệng lại? Tôi góp ý, tôi phê phán ông mà ông bảo tôi hỗn láo à? Ông nói đúng, làng Vàng không ai nói ông, riêng tôi thì cứ nói đấy? Ông không khoái chứ gì? Hóa ra ông cũng là người không thích người khác phê phán mà chỉ phê phán người, là tôi điều đó cứ vô tư. Tôi phê ông, phán ông đấy? Tôi có gì không phải ông cứ vô tư chỉ thẳng vào mặt tôi mà phê? Nói thật với ông, tôi chỉ câm miệng khi có kẻ xấu nào chơi bẩn lấy que hay dùi nhọn đâm thủng màng nhĩ hai lỗ tai tôi, khi đó tôi đã mù lại điếc, tôi mới chịu. Rõ chán! Tôi về đây!
          Lương mù dò gậy về thật. Lương mù hát “Thôi là hết em đi đường em…” Miền quê đêm về sâu hun hút. Đường quê gập ghềnh.
Ông Hai Bốn đứng sững cuối sân nhìn theo. Bóng ông cũng lẩn vào bóng tối. Ông lẩm bẩm một mình:
          - Cái thằng mù! Cái thằng đến thế là cùng! Ờ, suýt nữa mình quên! Phải vào nhà bàn với bà ấy mai mua quà gì làm tặng phẩm cho lão Mạnh bà Hồng, chú Kết cô Mai? Họ sắp cưới nhau thật rồi! Ờ mà câu của bà vợ thế mà đúng. Cái làng Vàng, cái xã này “Chỉ bé bằng bàn tay mà cũng lắm chuyện!”.

(Còn tiếp)
Phan Đạt Ninh

Đã đăng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét