Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Thư ngỏ: Kính gửi các ông TBT báo Văn nghệ và báo Nghệ thuật mới.





           Vừa qua chúng tôi đã đọc bài “Người luôn cháy bỏng những ước mơ” trên báo Văn nghệ số 16-2017 của tác giả Cảnh Linh. Chính bài viết này cũng được đăng ở báo Nghệ thuật mới (phụ trương của báo Người Hà Nội) số ra tháng 3-2017 nhưng đề tên tác giả là Mai Thanh.

            Bài viết đã gây ra dư luận xôn xao trong bạn đọc ở Nam Định, đã đem lại cho chúng tôi cảm nhận trái ngược với ý đồ của tác giả. Cụ thể là bài báo nhằm tụng ca Đạo diễn, NSƯT Đào Quang chủ tịch Hội VHNT Nam Định của chúng tôi, nhưng chúng tôi lại thấy đây là sự xúc phạm bạn đọc và nhân vật. Bởi lẽ:
            - Một bài báo ghi tên hai tác giả đăng đồng thời trên hai tờ báo buộc chúng tôi phải nghi vấn có sự đạo văn giữa Cảnh Linh và Mai Thanh. Nếu hai tên tác giả đó là một người mà không có chú thích gì thì đó là sự làm hàng coi thường bạn đọc.
            - Về nội dung ca tụng nhân vật quá sự thật làm bài báo có tác dụng ngược đối với những người hiểu rõ nhân vật. Nhiều chi tiết viết sai sự thật, như kiểu viết nhập nhèm làm người đọc hiểu vở Mùa hè ở biển là do Đào Quang đạo diễn. Sự thực đạo diễn là Phạm Thị Thành thời gian đoàn kịch Hà Nam Ninh do cụ Hoàng Khuông làm trưởng đoàn dàn dựng năm 1984; Chứ không phải đoàn kịch Nam Định và khi đó Đào Quang chưa được mấy ai biết đến. Đào Quang cũng không phải là Tổng đạo diễn chương trình Sân khấu và Điện ảnh về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp (2016) mà chỉ là trợ lý cho Tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh... Có vở được cấp kinh phí của các cơ quan nhà nước tới hai trăm triệu lại nêu là không dùng một đồng nào của nhà nước, dù là tiền của Công an hay Hội nghệ sĩ sân khấu cũng là tiền thuế của dân cả... v.v...
            - Báo Nghệ thuật mới có đăng kèm ảnh Đào Quang và TBT Nguyễn Phú Trọng, không có chú thích, nội dung chẳng ăn nhập gì với nội dung bài báo thành ra rất vô duyên. Và ảnh này, chúng tôi cũng như rất đông bạn đọc thể hiện trên trang mạng FB khẳng định đây là ảnh ghép rất non kém về kỹ thuật, phản cảm về ý đồ nội dung, vi phạm quy định báo chí...
            Có một số người đọc bài báo đã nhận định đây là sự đánh bóng nhằm tranh chức Chủ tịch Hội VHNT Nam Định trong đại hội sắp diễn ra và chuẩn bị cho đợt xét NSND của nhà nước... cùng với những điều cảm nhận về bài báo, chúng tôi với tư cách bạn đọc là hội viên Hội VHNT mà Đào Quang làm chủ tịch, thấy mình bị xúc phạm do bài báo tụng ca hóa thành bêu riếu và gây ra hiểu lầm về ông chủ tịch của chúng tôi trước mắt bạn đọc.
            Để giữ uy tín bản báo và sự tin cậy của bạn đọc, chúng tôi gửi tới các ông suy nghĩ của mình, mong được các ông xem xét, nếu có thể cải chính những sai sót của bài báo thì cảm ơn lắm lắm.

              Nam Định, 15-5-2017
Thay mặt một số bạn đọc trang blogTMG:
                   Trần Mỹ Giống

 
 



Người luôn cháy bỏng những ước mơ

               Tác giả: Cảnh Linh
       
          Thật tình cờ tôi gặp lại NSƯT Đào Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, trong chương trình kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Nam Định (2-2017). Tham luận của anh trong hội thảo thật sinh động, khi kể lại sự quan tâm của đồng chí Trường Chinh với sân khấu trong những năm tháng vào thời kỳ đổi mới. Anh vẫn nồng nhiệt như ngày nào, khi làm Tổng đạo diễn chương trình chống bạo loạn gây rối của Bộ Công an, ở Nam Định.

          Vở diễn và những ký ức khó quên
          Người ta nói Đào Quang sinh ra để làm đạo diễn sân khấu kịch, với những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội. Lúc nào anh cũng cuồn cuộn cảm xúc với câu chuyện sắp dàn dựng. Ngay từ khi mới về đoàn kịch Nam Định hồi 1973 đã thế, nay rời đoàn kịch về làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định cũng vẫn vậy. Tha thiết và đam mê. Gần 40 năm làm đạo diễn sân khấu và lãnh đạo đoàn Kịch Nam Định, NSƯT Đào Quang đã dàn dựng và chỉ đạo nghệ thuật hàng chục vở kịch, giành nhiều huy chương Vàng, Bạc, để lại những dấu ấn độc đáo trong lòng người xem. Gần đây, dù làm công tác lãnh đạo Hội, nhưng anh vẫn dựng vở “Thành Hoàng Làng” với cơ chế thoáng xã hội hóa, không dùng tiền của nhà nước chu cấp. Đây là vở kịch anh đưa đi dự Hội diễn Sân khấu ngành Công an năm 2015. Cùng với đó, NSƯT Đào Quang còn dàn dựng những chương trình hoạt động xã hội như: Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 100 ngày sinh đồng chí Trường Chinh; Tổng đạo diễn Chương trình Sân khấu và Điện ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Đáng chú ý, khi anh làm Tổng đạo diễn Chương trình chống bạo loạn gây rối của Bộ Công An ở Nam Định, đã thu hút người tham gia hết sức sôi động. 
        Gặp tôi, NSƯT Đào Quang hồ hởi tâm sự về những vở diễn sắp tới. Anh bồi hồi nhớ lại kỷ niệm vào năm 1985, khi đoàn kịch Nam Định đi diễn vở “Mùa hè ở biển” của cố tác giả Xuân Trình. Đó là thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn với cơ chế bao cấp. Những ý tưởng đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường, mới manh nha đã gặp biết bao khó khăn. Một khẩu hiệu mang tính sống còn cho đất nước: “Đổi mới hay là chết”. Và, đó cũng chính là tư tưởng mãnh liệt của vở kịch “Mùa hè ở biển” của đoàn kịch Nam Định. Khi mới có chủ trương dàn dựng, đoàn kịch đã bị dư luận trái chiều, phản ứng dữ dội. Lực lượng bảo thủ còn quy cho lãnh đạo đoàn kịch, với tội danh đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một không khí căng thẳng, giữa hai luồng tư tưởng khác nhau đã làm anh em nghệ sĩ không khỏi có những lo lắng, suy tư.
       Nhưng được sự khích lệ của lãnh đạo tỉnh và ý chí mạnh mẽ của đạo diễn và tác giả, đoàn kịch quyết tâm triển khai. Vở kịch được coi là đột phá về nghệ thuật sân khấu, phát động và ủng hộ ý tưởng đổi mới về cơ chế chính sách, để hồi phục kinh tế đất nước, cải thiện đời sống dân sinh. Sau hội diễn năm đó ở Thành Phố Hồ Chí Minh, vở kịch “Mùa hè ở biển” của đoàn kịch Nam Định đã tạo tiếng vang lớn, gây ấn tượng sâu sắc về tính công dân của nghệ sĩ, cần phải đi sát đời sống và dự báo được những vấn đề của xã hội trong tương lai. Khi vở diễn được phục vụ các đồng chí lãnh đạo tại Hội trường Ba Đình, đồng chí Trường Chinh đã lên sân khấu chúc mừng nghệ sĩ, và khen vở diễn đã đề cập đến những ý tưởng mới mà hội nghị trung ương cũng cần phải bàn đến.
        NSƯT Đào Quang tâm sự, khi dàn dựng vở kịch cần phải đứng mũi chịu sào, dám làm những vấn đề đụng chạm tới những tư tưởng lạc hậu hay lực lượng đối kháng. Anh chợt nhớ đến vở kịch “Rừng cháy” của đoàn Nam Định dàn dựng năm 1999, sau những tệ nạn phá rừng, làm tổn hại tới môi trường mà những kẻ lâm tặc hoành hành, trên rừng núi Tây Nguyên trước đó. Khi đoàn đưa vở “Rừng cháy” lên diễn, tại chính miền đất Gia Lai, Kon Tum, những nơi đã xảy ra tệ nạn. Một không khí hồ hởi của bà con chào đón, cùng với đó là sự hằm hè của những kẻ phá rừng cũng đến xem. Bọn chúng còn có âm mưu phá đêm diễn vì vở kịch dám vạch mặt và lên án chúng. Lúc này, đoàn kịch phải có anh em công an địa phương hộ tống, bảo vệ. Không ngờ trước khi mở màn, chính khán giả đã vạch mặt chỉ tên những kẻ xấu, đồng bọn phá rừng cho công an biết. Chúng đã bị dồn vào một khu vực ngồi riêng, để công an dễ theo dõi những hành động quá khích, nếu xảy ra. Đêm diễn nổ bùng trong tiếng reo hò, phẫn nộ lên án những kẻ phá hoại rừng cây, môi trường. Đây là một trong những vở diễn hừng hực khí thế đấu tranh chống tiêu cực, mà đạo diễn Đào Quang đã dàn dựng. Còn đó, những vở diễn nóng hổi những vấn đề đấu tranh khác, như: “Đợi đến mùa xuân”, “Sau cơn dông”, “Vàng đen”, “Đảo cô đơn”…hay mới đây là vở “Thành Hoàng Làng”, để cập tới câu chuyện nông thôn mới và tệ nạn ăn cắp cổ vật…Lúc nào cũng vậy, NSƯT Đào Quang luôn say sưa những đề tài mới nhất, với nhiệt huyết chẳng hề vơi cạn.
          Những bộ sưu tập độc đáo
          NSƯT Đào Quang có nhiều thú chơi của riêng mình. Anh quan niệm chơi mà học, chơi mà làm việc, chơi mà ngẫm suy và nuôi dưỡng cảm xúc cho nghệ thuật sân khấu. Anh có những bộ sưu tầm rất dị như kho kịch bản chẳng hạn. Anh khoe, hiện mình có trong tay tới 600 kịch bản của hàng trăm tác giả, từ viết tay đến đánh máy giấy mỏng, hay quay roneo cũ rích. Anh cất công lưu giữ cho dù các tác giả và đoàn không cần nữa. Nhưng anh ky cóp lại để đọc và nhặt ra những điều cần vận dụng trên sân khấu. Đúng là một tủ kịch bản vẫn còn lưu bút của các tác giả như Đào Hồng Cẩm, Xuân Trình, Tất Đạt, Lê Quý Hiền, Chu Thơm…Tất cả đều toát lên không khí sôi nổi của một thời đoạn cam go và vinh quang nhất của đời sống sân khấu.
       Lại nữa, anh còn lưu được hàng trăm bài báo trên báo chí toàn quốc, viết về sân khấu kịch Nam Định, từ thập niên 70 đến nay. Kể cả những bản quảng cáo, biểu trưng, phác họa Pano, hay những tấm vé in rất sần sùi, sơ sài của một thuở sân khấu kịch nói Nam Định mới bắt đầu năm 1959…Cùng với đó anh còn tập bài viết của chính anh về sân khấu và các ngành nghệ thuật khác. Với vai trò Chủ tịch Hội, Đào Quang có ý tưởng sẽ dựng một bảo tàng truyền thống của Hội, nên công sức sưu tầm của anh thật thiết thực, hữu ích. Bất ngờ anh còn cho tôi xem hai bộ sưu tập khác cũng rất lạ. Đó là những bộ rối cổ bằng gỗ mít và những pho tượng Phật cổ bằng đồng. Trong tay anh hiện có năm chục bộ rối với những tích trò diễn khác nhau. Những con rối rất sinh động qua những nét điêu khắc, đẽo gọt tài hoa của những nghệ nhân Nam Định. Kèm với đó là bộ tượng Phật, cũng thú vị không kém qua những kỹ thuật đúc uốn lượn, mềm mại tạo hình mang yếu tố tâm linh huyền ảo. Ngay bên cạnh bàn làm việc của anh là hai pho tượng đồng đỏ khá ấn tượng. Anh có tới 45 pho tượng Phật, qua mấy chục năm sưu tầm khắp nơi trên toàn quốc. Có bức cao 1,2m nặng cả tạ đồng. Không ít tượng anh sưu tầm được, trong những chuyến đi phục vụ các vùng quê, đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi bức tượng đồng có những dáng vóc, bố cục khác nhau, nhưng đều toát lên hồn quê thăm thẳm trong ánh mắt và đường nét. Tôi chợt nghĩ, tuổi Ất Mùi của anh theo như căn mệnh được Quan Âm Bồ Tát ban trí tuệ và Ma Lợi Tử ban phúc, nên có lòng bao dung độ lương hay thương người. Anh mê mải sưu tầm hơn bốn mươi năm nay, có lẽ vì muốn tích đức và tu hành tự thân cùng với những công việc, đem hết tâm trí để dâng hiến cho nghệ thuật
          Hãy coi khán giả là những người bạn đồng hành
          Anh nói Phật đã dạy mình, phải chia sẻ an ủi, khích lệ niềm tin yêu cuộc sống. Không nên chỉ coi khán giả là thượng đế mà chăm chăm dựng những vở kịch hài hước nhàm chán, nhảm nhí để kiếm nhiều tiền. Đó chính là câu chuyện mà anh muốn bày tỏ với tôi dưới tượng Phật. Ý tưởng về đời sống tâm linh đang lay động trái tim anh. Một vở diễn mới đang ấp ủ trong tương lai về con người. Phải hướng về họ, những người lao động và chính là khán giả của anh. NSƯT Đào Quang nghiệm đúng lời Phật đã răn dạy, với niềm tin yêu trong cõi vô thường rằng, không những đem Tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn còn đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm, chia sẻ với chúng sinh.
  
           Nguồn Văn nghệ số 16/2017



3 nhận xét:

  1. Ngay sau khi bài lên trang, chúng tôi đã ngay lập tức nhận được thư phúc đáp của Báo Văn Nghệ. Cảm ơn quý báo trả lời kịp thời. Xin được cóp lại nội dung thư của báo Văn nghệ trả lời trình bạn đọc:

    Bạn đọc Trần Mỹ Giống kính mến!
    Ban Nghệ thuật báo Văn nghệ đã nhận được thư của ông/bà do Tổng Biên tập Khuất Quang Thụy gửi và yêu cầu trả lời.
    Ban Nghệ thuật đã đọc thư và xin trả lời ông/bà như sau:
    Về tác giả Cảnh Linh và Mai Thanh, hai bút danh này là của cùng người viết. Nhưng do sơ xuất của Biên tập viên, khi nhận bài đã không hỏi rõ tác giả là bài đã đăng ở đâu và với bút danh nào, nên để xảy ra sai sót này. Ban Nghệ thuật xin lỗi quý độc giả. Còn sai sót về trình bày ảnh của chính bài viết này đăng trên Nghệ Thuật mới, là do bên đó biên tập và trình bày, báo Văn nghệ không thể can thiệp. Thắc mắc về trình bày của Nghệ thuật Mới, xin quý độc giả gửi đến tòa soạn của báo đó.
    Chi tiết "Tổng đạo diễn..." đã được chính nhân vật, là nghệ sĩ Đào Quang gửi yêu cầu đến báo Văn nghệ xin đính chính. Mục đính chính đã được đăng trên trang 24 báo Văn nghệ số 19, đã ra mắt bạn đọc tuần vừa qua.
    Theo nhận định của Ban Nghệ thuật báo Văn nghệ, bài báo hoàn toàn bình thường, chỉ là viết về một nghệ sĩ, không hề có ý đánh bóng tên tuổi để tranh quyền đoạt chức ở đây. Mong quý bạn đọc không nên phán xét quá khắt khe như vậy. Bản thân nghệ sĩ Đào Quang đã phát hiện ngay sai sót của bài viết và đã yêu cầu đính chính, tránh hiểu lầm.
    Cuối cùng, Ban Nghệ thuật báo Văn nghệ xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã quan tâm và đọc kỹ những bài viết trên báo Văn nghệ. Kính mong nhận được những góp ý chân thành từ quý độc giả. Xin trân trọng cảm ơn.
    Ban Nghệ thuật báo Văn nghệ.

    Trả lờiXóa
  2. Đây là toàn văn lời Đính chính của báo Văn nghệ tại tr.24 số 19 - 2017: (Nội dung thể hiện rõ sự "chân thành" như thế nào của tác giả. Xin để bạn đọc bình luận):

    ĐÍNH CHÍNH
    Bài báo "Người luôn cháy bỏng những ước mơ", Văn nghệ số 15 (22-4-1017) của tác giả Cảnh Linh, có chi tiết nhầm lẫn: "Tổng đạo diễn chương trình Sân khấu và Điện ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...", nay xin sửa: "Đạo diễn chương trình Sân khấu và Điện ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...", Tác giả chân thành xin lỗi đạo diễn Đào Quang và bạn đọc.

    Trả lờiXóa
  3. MỘT VÀI COMMANTS TREN FB:

    Văn Cường Trần ĐÀO QUANG, ĐÀO QUÁNG, ĐÀO QUÀNG ...
    LĂNG XÊ NHÍ NHỐ KẺ MÀNG HƯ DANH !!!

    Đặng Quốc Việt Bây giờ có còn mấy cán bộ có nhân cách đâu?! Buồn cho tỉnh Nam Định, "Cầu Vòi thì tóp, Quất Lâm thì phình"!

    Tran Văn Lừng Cầu Vòi đang nở đấy chứ có tóp đâu , Quất lâm phình báo hiệu sự sinh sôi mà

    Phạm Duy Trưởng Em đã đọc và hóng tiếp vụ này 😀


    Vu Duy Chu Thèm khát danh tiếng như trẻ sơ sinh khát sữa mẹ, để làm gì vậy? Khổ, đều mấp mé cửa lỗ cả rồi. Bao nhiêu tấm bia khổ nhục về đạo văn vẫn không thấy ư?

    Trần Thanh Phương Quất Lâm nức tiếng quê nhà
    ai chưa đến đó chưa là đàn ông

    Tran Văn Lừng Có gì lạ đâu mà các bác thắc mắc , một điều thật giản dị là : Thằng thiếu tiền lúc nào cũng mơ tiền và hay khoe mình tài kiếm tiền . Thằng không có Đạo Đức thì luôn mồm khoe mình đạo đức . Đạo Đức thật sự thì nó không cần và không phải thứ kiếm mà được nên nó phải dùng tiền để mua một thứ đạo đức giả nào đó để lòe bịp mọi người cả tin thôi . Thằng mua và thằng giúp nó mua cũng chỉ là Bọn mèo nghĩa trang và gà thả ngoài đồng thôi .

    Khanh Kim • Bạn bè với Tran Văn Lừng
    Tôi xin tiếp lời fb Trần Văn Lừng: Người ta chỉ nói ra những gì,mà người ta không có.

    Trả lờiXóa