- Yêu
mến tặng Huyền Thương -
- Đừng mà.
Ở lại đi em
Ngoài kia
Trời đã buông rèm từ lâu.
- Chúng mình đến chẳng được đâu
Anh còn khuấy sóng bể dâu làm gì
Thôi thì cứ để em đi
Mười lăm năm nữa còn gì nét xuân
Anh dù vì nghĩa, chả cần
ngó ngơ chi lũ dở đần dở khôn
Trái tim
sợ lắm bước dồn
Thôi.
Em về.
Kẻo lời đồn
khổ anh
Nhà nghèo
duyên phận mỏng manh
Em neo chữ nghĩa chữ tình với son
Anh dù chẳng vợ còn con
Cố chen em chỉ nước non phận hèn
Dằn lòng rồi cũng phải quen
Thôi.
Em về
kẻo
mờ đèn
phố xa
- Ờ ...
Thì...
Em trở lại nhà
Khăn đây
em quấn
Ngõ xa
đường dài.
Hà Nội, đêm 13 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH
CỦA NGUYỄN BÀNG:
Nhưng bây giờ hiển nhiên
là hoàng hôn đã tắt vì “trời đã buông rèm từ lâu” và cô gái xem chừng tỏ
ý muốn ra về khiến chàng trai vội vã van xin nằn nỉ:
- Đừng mà.
Ở lại đi em
Ngoài kia
Trời đã buông rèm từ lâu.
Cái hay trong câu nài nỉ
này cho ta thấy, có thể cô gái đã nói, trời tối rồi, em về đây kẻo muộn. Nhưng
chàng trai lại vin vào đó để bảo nàng: trời tối đã lâu rồi, em về làm gì, anh
không muốn em trong “cảnh khuya thân gái dặm trường” nên anh mong “Ở lại đi
em”!
Và chàng đã được cô gái
trả lời:
Chúng mình đến chẳng được
đâu
Anh còn khuấy sóng bể dâu
làm gì
Một câu nói dấu bên trong
một hơi thở nhẹ buồn báo hiệu những cảnh ngộ éo le của đôi lứa. Chúng mình
không thể đến được với nhau đâu, anh bảo em ở lại cùng anh trong đêm nay có
khác gì khuấy sóng bể dâu.
Và để chứng minh rằng
mình nói đúng, cô gái lần lần nhắc chàng trai nhớ ra những cảnh ngộ éo le đó.
Trước hết, cô không ngần
ngại tự bảo mình không còn trẻ trung gì nữa:
Mười lăm năm nữa còn gì
nét xuân
Hiểu theo cách nói của
dân gian, hẳn cô đang chừng ba mươi tuổi và trong vòng 15 năm nữa trong cô sẽ
không còn một nét xuân thì nào nữa. Thế thì ở lại đêm nay để rồi sẽ đến với
nhau làm gì khi em đã là gái đang về già.
Và để làm rõ hơn cho lý
do từ chối này, cô nói tiếp:
Anh dù vì nghĩa, chả cần
ngó ngơ chi lũ dở đần dở
khôn
Trái tim
sợ lắm bước dồn
Thôi.
Em về.
Kẻo lời đồn
khổ anh
Em cảm ơn anh là người
tình nghĩa, chả ngại gì miệng tiếng người đời với biết bao kẻ dở đần dở khôn
nhưng em không muốn anh sẽ phải khổ vì những lời đồn đại thị phi không đẹp
ấy.
Là bạn gái của chàng
trai, chắc cô gái đã biết có lần anh đã mượn thơ để nói rằng:
Sợ gì danh phận hư hao
Sợ gì thiên hạ trông vào
nhỏ to
Sợ gì nhỉ? Chẳng phải lo!
Trai đơn gái lẻ … nhỏ to
bằng thừa!
Và vì đã biết chàng là
thế, cô phải nói ra luôn cái lý do nữa cho thêm sức nặng. Ấy là thân phận của
cô:
Nhà nghèo
duyên phận mỏng manh
Và thân phận của chàng:
Anh dù chẳng vợ còn con
Nên em biết anh yêu em và
em cũng yêu anh. Nhưng cạp hai cảnh đó với nhau thì sao cho được. Vì vậy, em
chỉ xin:
Em neo chữ nghĩa chữ tình
với son
Vâng! Em xin nợ anh chữ
nghĩa chữ tình và chữ sắt son. Nhưng em chỉ có thể cắm chặt những chữ ấy vào
đáy lòng, không để cho nó trôi đi còn đến với anh thì không thể được, vì:
Cố chen em chỉ nước non
phận hèn
Chen vào cuộc sống của
anh, dù nay anh không còn người vợ cũ nữa nhưng còn con anh, làm thế khác nào
phá vỡ sự bình yên trong ngôi nhà này, phá vỡ hạnh phúc con anh đang có và làm
thế, khác nào tự em chuốc lấy cái phận hèn vào mình.
Dứt lời, cô gái quyết
định:
Dằn lòng rồi cũng phải
quen
Thôi.
Em về
kẻo
mờ đèn
phố xa
Không thấy có nước mắt
nhưng câu thơ có 8 tiếng mà xẻ ra thành 5 nhịp nghe nấc lên những
tiếng nghẹn ngào khi cô gái dằn lòng mình để nói lời cuối và khi cô tự vẽ nên
cái cảnh lạc lõng cô đơn buồn tủi của mình khi sẽ ra về trong cảnh “mờ đèn phố
xa”.
Cách viết câu thơ 8 tiếng
thành 5 dòng này có thể coi là một cách tân rất thành công của Đặng Xuân Xuyến
về cách xẻ tiếng của câu thơ lục bát ra thành nhiều nhịp để diễn tả tâm trạng
trữ tình của nhân vật trong thơ. Thành công này không chỉ một lần trong lời
thoại của cô gái mà còn trong 2 lần lời thoại của chàng trai.
Nếu như khi nằn nì bạn
gái đừng về, cả hai câu thơ chỉ bị cắt thành thành 4 nhịp:
- Đừng mà.
Ở lại đi em
Ngoài kia
Trời đã buông rèm từ lâu.
Thì trong lời thoại cuối,
khi cô gái nhất quyết dằn lòng ra về, câu lục xẻ ra 3 nhịp và câu bát xẻ ra 4
nhịp
- Ờ ...
Thì...
Em trở lại nhà
Khăn đây
em quấn
Ngõ xa
đường dài
Khiến câu nói như mắc
nghẹn trong cổ họng nhưng phải cố nói cho xong trong nỗi đau đành khoanh tay
đón chịu duyên phận và nghĩ tới cảnh người con gái mình yêu sẽ lầm lụi ra về mà
không thể làm gì hơn một việc là chỉ đưa một chiếc khăn để nàng quấn cho đỡ
lạnh trên ngõ xa đường dài trong khi chính chàng đang thấy lòng mình tràn ngập
hơi lạnh giá ở trong căn phòng sắp vắng bóng nàng, đúng như cảnh trong thơ Thế
Lữ từ thế kỷ trước:
Ai lau nước mắt cô mình?
Dưới đây duy có một mình
ta thôi.
Cầm khăn lòng những bồi
hồi,
Lệ ta cũng chửa ai người
lau cho.
Có thể nói, ĐƯỜNG DÀI là
một bài lục bát hay nhất trong các bài lục bát của Đặng Xuân Xuyến mà tôi đã
đọc. Tiếng thơ dịu êm như từng hơi gió nhẹ thổi nỗi buồn của đôi trai gái hòa
tan vào trái tim người đọc.
Trong bài thơ, ta thấy cô
gái rất nặng lòng với chàng trai, hẳn trong lòng cô cũng âm vang nỗi tiếc khi
phài về:
Còn đêm nay nữa, anh đi,
Lượng vàng không tiếc,
tiếc khi ngồi kề (Ca dao)
Lượng vàng không tiếc
nhưng tiếc những khi ngồi kề bên anh nên em sẵn sàng cam chịu sẽ neo tình yêu
của anh vào tận đáy lòng nhưng không thể sống lứa đôi cùng anh vì lo sợ đường
dài sẽ còn có biết bao ngăn trở.
Chàng trai cũng rất yêu
cô gái và hẳn chàng rất biết:
Còn đêm nay nữa, mai về
Lạng vàng không tiếc,
tiếc kề môi son (Ca dao)
Lạng vàng không tiếc
nhưng tiếc những giây phút được kề môi son nên anh tôn trong những suy nghĩ của
em mà chỉ dám ngỏ lời muốn níu kéo
Đừng mà.
Ở lại đi em
Nhưng rồi anh vẫn ngậm
ngùi để em được tự giải thoát:
- Ờ ...
Thì...
Em trở lại nhà
Dù anh đau xót quặn lòng
biết rằng em sẽ lạnh lùng buồn tủi trên ngõ xa đường dài đêm nay.
Ôi! ĐƯỜNG DÀI! Đó đâu chỉ
là lối đi về của em tối nay mà đó chính là đường đời còn thăm thẳm nhiều hệ lụy
trắng đen mà anh và em, chúng ta rất dễ dàng bị đánh gục trong khoảnh khắc khi
chúng ta cảm thấy bất lực không vượt qua được những trở ngại trên con đường dài
đó.
Tôi, người yêu bài thơ
này không có lạng vàng nào để tiếc nhưng rất tiếc cho cô gái và rất tiếc cho cả
chàng trai.
Với cô gái, ta hãy bình
tâm xem lại hai lý do chính cô gái đưa ra để em về kẻo phố xa đèn mờ.
Lý do thứ nhất:
Mười lăm năm nữa còn gì
nét xuân
Tiếc cho cô sao không nhớ
tới cô gái “Phiếu hữu mai” (Mai rụng) trong Kinh thi, một cô gái muộn chồng,
nhưng trong trái tim luôn khát khao mong sớm đạt được nguyện ước “có chàng, có
thiếp, như đũa có đôi”:
Mai em đã bắt đầu rơi
Mười phần hương sắc chỉ
vơi ba phần
Ai người quân tử cầu thân
Trầu cau ngày tốt Tấn Tần
kề vai
Một tình cảm thật táo bạo
tựa như “cọc đi tìm trâu” nhưng thật đáng quý biết bao cô gái “Mai rụng” đó.
Còn cô gái trong thơ Đặng Xuân Xuyến, bây giờ đang ngồi kề bên chàng trai rất
yêu mình, năn nỉ cô ở lại cùng chàng nốt đêm nay nhưng sao cô cứ một mực đứng
lên vì sợ đường dài
Lý do thứ hai:
Nhà nghèo
duyên phận mỏng manh
Em neo chữ nghĩa chữ tình
với son
Anh dù chẳng vợ còn con
Cố chen em chỉ nước non
phận hèn
Ôi sao cô lại yếu lòng
đến thế? Tiếc cho cô không nhớ ra cô gái trong “Bần nữ thán”. Cô ấy cũng rất
nghèo và vì nghèo nên chẳng được ai ngó ngàng tới, mặc dầu cô ấy thông minh,
giỏi và đẹp:
Vì một nỗi thua tiền,
thua bạc,
Hóa cho nên thua sắc,
thua tài
Nhưng sau bao lời tâm sự
buồn than, cô gái nghèo ấy đã nhận ra ngay rằng mình chỉ:
Giận duyên nói bấy nhiêu
lời
Rồi vững lòng tin vào
phẩm giá của mình, của một cô gái nhà nghèo trước cảnh đời:
Ngọc lành còn đợi giá
cao,
Rồng còn uốn khúc ở ao
đợi thì
Còn cô, cô gái trong thơ
Đặng Xuân Xuyến, ngọc lành đâu còn phải đợi giá cao? Chàng trai ngồi kề bên cô
đang năn nỉ níu kéo cô ở lại bên chàng, sao cô vẫn mặc cảm về “Nhà nghèo
duyên phận mỏng manh” của mình mà dằn lòng đứng lên như thế?
Với chàng trai, chàng yêu
nàng đến thế mà sao lại cố nói cho xong những lời nghẹn đắng trong lòng:
- Ờ ...
Thì...
Em trở lại nhà
Khăn đây
em quấn
Ngõ xa
đường dài
ĐƯỜNG DÀI! Sao lại sợ
đường dài đến thế mà không nhớ tới câu:
Đường dài, ngựa chạy biệt
tăm,
Người thương có nghĩa,
trăm năm cũng về
Để mà níu bằng được đôi
chân cô gái ở lại nốt đêm nay cùng nhau thỏa nguyện:
Tơ tằm đã vấn thì vương,
Đã trót dan díu thì
thương nhau cùng.
Chính vì thế, bài thơ
ĐƯỜNG DÀI của Đặng Xuân Xuyến có thể coi như một chuyện tình nhỏ bé và đơn giản
nhưng chan chứa nỗi buồn nhưng là nỗi buồn rất đẹp xuất phát từ hai trái tim
sâu thẳm yêu nhau nhưng chưa đến được với nhau thành đôi lứa vì chưa bước qua
được những rào cản. Một chuyện tình buồn đẹp như câu thơ của Hồ ZDếnh:
Đời chỉ đẹp những khi còn
dang dở (Ngập ngừng).
Câu thơ cụ ZDếnh hay quá
khiến tôi hy vọng rằng, những lời của chàng trai và cô gái trong bài thơ ĐƯỜNG
DÀI của Đặng Xuân Xuyến chỉ là mấy câu buồn đẹp sau lúc hoàng hôn. Rồi đêm nay
sẽ qua, ngày mai đẹp ánh ban mai sẽ đến, họ sẽ lại ngồi kề bên nhau để cho
chuyện tình buồn đẹp của hai người sẽ mất đi chữ buồn mà chỉ còn lại chữ đẹp.
Để cho:
ĐƯỜNG DÀI (THƠ ĐẶNG XUÂN
XUYẾN): MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN ĐẸP SAU LÚC HOÀNG HÔN
Thành:
ĐƯỜNG DÀI (THƠ ĐẶNG XUÂN
XUYẾN): MỘT CHUYỆN TÌNH ĐẸP…
*
Sài Gòn, 15 Tháng 05.2017
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét