Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 39-40)



Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

          XXXIX

          Do kinh phí còn hạn hẹp cộng với mấy tháng mùa mưa bão nên thời gian xây chùa làng Vàng cũng kéo dài. Tuy vậy đến giờ chỉ còn lại phần nội thất bên trong.
          Các cụ trao đổi với nhau thời trước trong chùa được tiền nhân bày đặt những gì? Các cụ cử người đi tìm kiếm.
          Dân làng Vàng vẫn nhớ tầm này năm ngoái khi Hội tự giác chặt hạ vườn cây để trả lại đất cho chùa. Họ bình luận:
          - Tay Hội có nhiều việc làm không được nhưng việc hạ bỏ vườn xoan trả đất cho chùa phải thừa nhận là được! Ai cũng biết nhà Hội đi tiên phong?

          - Chính vậy không phải đợi có “Trát” của xã dân mới trả đất. Nhà Tuấn bí thư đảng ủy còn vận động mấy nhà bên bỏ tiền túi ra để xây hẳn bờ tường hoa cho chùa. Cái nhóm “Địa chính” tự phát do ông Hai Bốn lập ra vác dây, vác thước, vác cọc đi đo đều thừa nhận đất chùa không thiếu một mét.
          - Thế mới biết khi dân đen đã thông suốt về tư tưởng thì việc làm và hành động của họ thành dân đỏ, cách mạng phải biết! Các cụ còn sai con cháu đi tìm kiếm cây cảnh về trồng quanh chùa. Cánh thợ ngõa thợ hồ còn dành một ngày cuối cùng không lấy công làm chậu hoa tặng chùa. Vài nhà trong làng, ở xã bên còn tặng cả hạc và lư hương bằng đồng.
          Con ngựa đá nhà Du đào được trong vườn các cụ đặt bên chậu mẫu đơn lớn. Các cụ đã cho sơn mới các chỗ cần thiết nên trông cũng đẹp. Chẳng biết ngựa đá có linh thiêng không nhưng lũ trẻ trong làng suốt ngày leo lên tụt xuống mà chẳng đứa nào ngã. Ấy vậy có cậu ấm thanh niên hẳn hoi đái giấu vào đít ngựa, về nhà hôm sau “Của đó” chẳng sưng tấy phải nhập viện.
Hôm rước đức phật về chùa là ngày trọng thể nhất. Các cụ trong làng ăn vận chỉnh tề, hương hoa sắp đặt đầy đủ. Hôm ấy cũng là dịp “Béo” con trẻ, chúng ăn xôi gà, hoa quả đến mỏi mồm. Các đức phật sau bao năm lưu lạc, đọa đày sứ người giờ được về nơi tọa lạc cũ, các vị sây sước mặt mũi, quần áo bởi đã qua nhiều tay buôn thần bán thánh.
          Ngắm các đức phật tọa lạc trên đài sen mà sây sước như vậy, các cụ không an lòng. Các cụ cho mời một điêu khắc gia trên tỉnh về tân trang lại, chỉ hai ngày sau trên đài sen các đức phật đã tươi tắn, hồi sinh, môi các vị đã đỏ, mắt đã sáng, mặt hồng hào, bàn tay trắng trẻo không vướng dính bụi trần, khăn áo mới tươm tất.
          Theo các bề trên vào xếp đặt là lũ con cháu. Chúng nhìn và làm theo như cái máy. Hai tay chắp trước ngực vái lên vái xuống, miệng lẩm bẩm điều hướng thiện. Điều hơi khác ở đây là các bề trên kính cẩn, sâu thẳm trong cõi huyền diệu bao nhiêu thì lũ hậu sinh này càng có cái nhìn lơ láo, ranh ma, nhăm nhăm tính chuyện trộm cắp con gà, đĩa xôi, giấu trong áo chạy vụt ra đồng để đánh chén. Và cũng khổ cho bề trên nào hớ hênh tiền bạc là có hậu sinh theo dõi móc túi. Các hậu sinh làng Vàng chỉ thích nướng tiền vào các chò chơi điện tử hấp dẫn.
          Hôm nay là rằm tháng mười, ngày khánh thành chùa. Cả một vùng tràn đầy sắc đỏ sắc vàng của cờ, của lọng. Mọi người tạm gác lại việc đồng áng, khăn áo chỉnh tề đến dự. Người có điều kiện thì mũ sếp, khăn the, ô đen. Kẻ khó thì tìm trong những bộ quần áo mặc hàng ngày, bộ nào đẹp nhất thì mặc đi dự buổi lễ.
          Ông Hai Bốn có chân trong ban tổ chức nên ông phải lo phần việc của ông từ vài hôm trước. Người ta thấy ông trên đoàn chủ tịch có vẻ nhấp nhổm chưa yên. Chốc chốc ông lại rút trong túi áo véc ra tờ giấy để đọc.
          Bà Hai Bốn nhìn lên thấy ông như vậy phàn nàn với vợ Du:
          - Khổ thế! Ngày trước ông lãnh đạo cả ngàn người có cần giấy tờ gì đâu mà ăn nói lưu loát như thầy trạng. Giờ già lão rồi có mấy dòng ngắn ngủi mà cứ đọc đi đọc lại sợ quên.
          Vợ Du cười không phải vì nghe bà hai Bốn nói chuyện mà cười vì Hợm đang véo tai hai đứa nhỏ lôi chúng từ phía trong ra ngoài. Hai đứa trẻ bị kéo, đầu chúng nghiêng nghiêng mà miệng cứ leo lẻo nói:
          - Không phải tụi cháu!!!
          - Bữa nọ tao đã ngơ cho việc ăn trộm con gà đĩa xôi rồi. Hôm nay lại định bê con lợn quay hả? Tao nhốt chúng mày vào cũi chó đợi xong việc mới xét hỏi?
          - Không phải tụi cháu lấy gà xôi? Bọn thằng Quả, thằng Thực nó lấy? Nó còn móc túi cụ Phận lấy tiền nữa?
          Mọi người nhìn theo. Người này nói:
          - Trói chúng nó lại! Hư quá! Cho mấy cái roi vào đít!
          Người khác nói:
          - Dọa thế đủ rồi, thả chúng nó ra, trẻ con mà!
          Cả trăm người đổ mắt nhìn ra đường. Từ xa hai chiếc xe con đang chạy lại. Tuấn Bí thư hỏi Tân Phó chủ tịch:
          - Xã có mời các anh trên huyện về đâu mà họ lại đến nhỉ?
          - Vâng!
          - Ta ra đón họ vậy!
          Tân quay lại cầm mi cơ rô nói:
          - Các anh lãnh đạo huyện về dự với bà con. Tôi đề nghị bà con nồng nhiệt chào đón!
Tuấn, Tân và ông Hai Bốn cùng rời ghế chủ tịch đoàn ra đón trong tiếng vỗ tay rầm rập.
          Hai chiếc ô tô con một đen, một trắng chạy thẳng về phía bãi trống trước cửa chùa. Người lái xe nhanh nhẹn mở cửa bước xuống rồi vòng ra sau xe mở nắp nhấc ra lẵng hoa lớn. Tân và ông Hai Bốn tươi cười bước lại đỡ lấy lẵng hoa từ tay họ rồi bưng vào vị trí xứng đáng.
          Xe bên kia Tuấn và ông trưởng thôn có lẽ chờ hơi lâu nên sốt ruột cứ nhấp nhổm.
          Ông Hai Bốn nói:
          - Các vị ấy làm gì trong xe mà lâu thế? Xe lãnh đạo có khác, kính cứ đen sì cấm nhìn thấy gì ở bên trong!
          - Kìa họ mở cửa rồi, tôi với ông ra đón họ.
          Cánh cửa xe mở rộng, Phượng và cu Mẫn bước xuống. Xe bên kia cái Hoa và một người đàn ông trung tuổi cũng mở cửa bước ra.
          Từ phía sân chùa rộ lên những tiếng hét, tiếng nói lớn:
          - Nhầm to rồi! Có lãnh đạo nào đâu? Vợ chồng cái Phượng, cái Hoa nó về đấy chứ! Thật là buồn cười!
          Phượng và Hoa lộng lẫy như hai Bà Hoàng tươi cười chào mọi người.
          Tuấn và ông trưởng thôn bực bội ra mặt. Ông Hai Bốn và Tân cũng bực mình không kém. Ông Hai Bốn nói như quát:
          - Chúng mày về thì phải điện cho mọi người biết chứ? Nhầm lẫn thế này còn ra cái thể thống gì nữa!
          Mọi người đến dự được một trận cười đến vỡ bụng. Phượng và Hoa ngạc nhiên. Phượng hỏi:
          - Có chuyện gì nghiêm trọng phải không ạ?
          Ông trưởng thôn nói để chữa cháy:
          - Chúng tao cứ tưởng là quan chức ở huyện về! Bố khỉ! Thôi vào dự lễ đi.
          Ông Hai Bốn cầm mi cờ rô nhắc mọi người ổn định để ban tổ chức làm việc. Lời phát biểu của vị trưởng thôn nói về truyền thống của làng Vàng và những nét cơ bản về chùa. Sau lời phát biểu ông Hai Bốn lên trình bày về tình hình thu chi kinh phí trong suốt một năm xây dựng chùa. Ông Hai Bốn trình bày rành rọt rất khoa học nên khi ông trình bày xong mọi người đã nhất trí thông qua. Một vị cao tuổi trong làng phát biểu. Vị này nói:
          - Tôi nghĩ không phải học đâu xa, cán bộ xã, cán bộ thôn cứ học ông Hai Bốn là đủ. Bản báo cáo tài chính thật rõ ràng, minh bạch.
          Nhận được lời khen và tiếng vỗ tay của mọi người, ông Hai Bốn phấn khởi lắm. Nhiệm vụ lãnh đạo xã, các cụ cao tuổi giao ông đã hoàn thành thật xuất sắc.
          Ông trưởng thôn nói:
          - Có vị nào còn có ý kiến thì phát biểu?
          Hợm giơ tay xin phát biểu. Ông trưởng thôn đồng ý. Hợm đằng hắng chỉnh giọng rồi nói:
          - Tôi thấy sự đón tiếp nhầm lẫn vừa rồi là bài học cho các lãnh đạo. Các vị phải rút kinh nghiệm.
          Phía dưới đã có người thì thào. Hợm nói tiếp:
          - Trong cái dở lại có cái hay, mọi người có biết hay dở ở chỗ nào không?
          Một người ngồi dưới nóng mặt đứng dậy nói:
          - Hay dở thế nào chú nói toạc ra đi, vòng vèo quá!
          Hợm thủng thẳng nói:
          - Cái dở thì mọi người đã rõ rồi, đó là sự nhầm. Cái hay là vì nhầm nên không phải tốn đôi triệu đồng phong bì cho các lãnh đạo về dự!
Nghe Hợm nói, ông Hai Bốn giận lắm. Ông giật phắt chiếc mi cờ rô trong tay Hợm mắng như té tát:
          - Chỉ ăn nói hồ đồ, bố bậy!
          Hợm cười như không có việc gì xẩy ra. Hợm nói:
          - Cháu bắt gặp chuyện phong bì cho các lãnh đạo cấp trên về ở xã mình nhiều rồi!
          Mọi người phì cười. Có tiếng nói:
          - Cũng đúng đấy! Nhưng mà thôi, chuyển sang chuyện khác đi!
          Ông Hai Bốn nói về nội dung khuyến học ở địa phương. Dân làng Vàng bầu ông làm chủ tịch hội khuyến học.
          Hợm khệnh khạng về chỗ ngồi. Nhìn Hợm Kết cười nói:
          - Sao chú không kêu gọi mọi người ủng hộ quỹ khuyến học? Cái cần chú không nói, chú nói cái chuyện dở hơi làm gì?
          - Việc ấy em giành vinh dự cho anh. Anh phát biểu đi.
          Kết phát biểu:
          - Làng Vàng ta giờ đã có chùa. Chùa là trung tâm văn hóa, nơi hướng thiện con người. Nhân việc làng có hội khuyến học, có vị chủ tịch tâm đức, tôi xin thay mặt cho trang trại gửi tặng quỹ khuyến học của làng ba triệu đồng, Quỹ khuyến học của xã hai triệu đồng.
          - Có thế chứ! Đề nghị mọi người cho một tràng vỗ tay!
          Bà con nghe xong vỗ tay rầm rập. Kết xúc động thật sự.
          Ông Hai Bốn nháy mắt rồi chuyển mi cờ rô cho Du. Du đĩnh đạc phát biểu:
          - Anh chị em nhà hàng Ẩm thực Việt xin tặng cho quỹ khuyến học của làng ba triệu đồng, và quỹ khuyến học của xã hai triệu đồng.
          Du vừa dứt lời thì Hào trại gà nói tiếp:
          - Trại gà chúng tôi cũng xin tặng hai quỹ khuyến học số tiền như trang trại ông Kết.
          - Các đại gia làng Vàng mình lười phát biểu dài. Là đại gia phải nói cho hoa hòe hoa sói chứ?
          Mọi người rộ lên cười khi ai đó vừa nói.
          - Vấn đề là ở cái tâm. Tôi phải vài chục năm nữa mới là đại gia, bây giờ còn phải ăn mì tôm, cơm nguội mỗi sáng nhưng tôi cũng tặng quỹ khuyến học của làng một trăm ngàn đồng.
          - Hay lắm! Ai có nhiều tặng nhiều, có ít tặng ít. Tôi xin tặng năm chục ngàn đồng.
          Cứ thế, mọi người đợi nhau được đóng góp. Số người vây quanh ông Hai Bốn đã nhiều nên ông phải gọi Thủy và mấy chị em hội phụ nữ làng lên thu nhận và ghi chép.
          Lương mù trong đám đông đứng vụt dậy khiến nhiều người ngơ ngác nhìn Lương. Lương mù dò gật khệnh khạng đi lên miệng oang oang nói:
          - Đưa cho tôi mượn cái micrô.
          Ai đó đưa vào tay Lương mù chiếc micrô, Lương mù ghé miệng thổi vào mặt nó nghe cứ “vù vù”. Lương mù đĩnh đạc nói:
          - Tôi tuy còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà không đóng góp cho quỹ khuyến học của làng, của xã. Tôi xin ủng hộ mỗi quỹ năm mươi ngàn đồng.
          Hợm không thể ngồi yên khi nhận thấy lũ choai choai đang để mắt đến túi tiền bà Hồng giữ. Hợm lại gần bọn choai nói:
          - Chúng mày liệu hồn! Trời có mưa đâu mà chúng mày mặc áo mưa?
          - Chúng cháu rét thì mặc áo mưa chứ sao!
          - Láo! Đừng có nghĩ cách “Chôm” tiền đấy, không qua được mắt tao đâu!
          Nghe Hợm nói bọn choai biết là bại lộ ý đồ trộm cắp nên nháy nhau chuồn hết.
          Hội đúng ở một vị trí khá kín cạnh gốc cây ngâu để tránh cái nhìn của người khác. Hội đến dự lễ khánh thành chùa chỉ là việc phụ. Hội tập trung nghe bản báo cáo tài chính. Khi báo cáo tài chính được thông qua Hội thấy nhẹ cả người. Thấy Hội đứng vậy có người nói:
          - Sao anh Hội không ngồi ghế mà đứng thế?
          Hội tỏ ra thư thái, ung dung, đĩnh đạc nói:
          - Cái nghề của tôi nó vậy. Cứ phải gần dân, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, là cán bộ phải thế.
          Dân làng Vàng cũng để ý đến hai người đàn ông lạ. Họ lầm rầm nói chuyện:
          - Người trẻ hơn là bố đẻ thằng cu Mẫn đấy! Hai bố con nhà nó khác đếch gì một giọt nước, giống nhau như lột đấy thôi.
          - Thằng Lương đã biết chuyện này chưa?
          - Nó biết rồi. Hôm một trăm ngày mẹ nó, ông Hai Bốn, ông trưởng thôn, ông Bính bố cái Phượng chẳng đọc thư cái Phượng viết để lại cho Lương Mù nghe đấy thôi. Lương Mù không tức giận mà bình tĩnh nói: “Phượng hành động thế là đúng! Tôi có đem lại hạnh phúc cho Phượng đâu! Cuộc tình vụ lợi từ hai phía chợt đến rồi chợt đi. Tôi phải cám ơn Phượng vì Phượng đã biết kìm lòng, ngậm miệng không nói ra sự thật ngay cả lúc Phượng bực tức, hay uất hận nhất là cu Mẫn không phải con của tôi để mẹ tôi được yên lòng nhắm mắt. Giờ đây dưới suối vàng mẹ tôi mãn nguyện có đứa cháu nội là cu Mẫn.”
          - Thế à? Còn chuyện ly hôn tòa xử ra sao?
          - Cũng xong rồi! Tòa tôn trọng ý kiến của hai người. Cái Phượng để lại hết gia tài cho Lương.
          - Có nghĩa là cái Phượng ra đi tay không?
          - Thôi đừng hỏi nữa để nghe cái Phượng nói gì?
          Phượng nói như xúc động:
          - Ai cũng có một quê hương như có một người mẹ. Người mẹ nào chẳng đau lòng khi có đứa con hư hay trẻ dại. Hôm nay trước bà con làng xóm và bố mẹ con xin cúi đầu nhận lỗi.
          Phượng khóc, lệ chảy thành dòng khiến người nghe cảm động.
          Phượng nói tiếp:
          - Nhân lễ khánh thành chùa làng và lập hội khuyến học, gia đình ông bà, bố mẹ cháu Mẫn xin được đóng góp số tiền năm triệu đồng cho hai quỹ…
          Tiếng vỗ tay vang lên. Ông Bính lẳng lặng ra về. Nhìn mặt ông ai cũng biết ông suy nghĩ nhiều. Sự xuất hiện bất ngờ của vợ chồng Phượng trước bàn dân thiên hạ làm ông khó xử. Nhìn ông Bính về một số người thì thọt:
          - Khổ cho ông bà ấy! Con với chẳng cái toàn bỏ bom bố mẹ. Chúng nó có về với nhau thì cũng phải nói cho bố mẹ biết chứ? Ai lại viết thư để lại?
          - Trong trường hợp này mình cũng nên cảm thông với nó. Thôi thì tốt nhất là cứ ủng hộ, động viên vợ chồng chúng nó và ông bà Bính, đừng có vạch lá tìm sâu.
          Dường như câu kết luận này của người vừa nói điểm đúng lòng trắc ẩn, vị tha của mọi người nên ai cũng cười, nói:
          - Đúng đấy! Đúng đấy!
          Lễ khánh thành chùa qua đi. Nhiều người đã ra về. Phượng và Minh vào trong chùa lễ phật. Tiếng các cụ cầu cho quốc thái dân an vang lên thật đều. Minh chững chạc trong bộ véc mới, Phượng thánh thiện trong áo khoác trắng, váy dài trắng, giầy cao gót trắng.
          Sự xuất hiện của Hoa với người đàn ông lớn tuổi không gây được sự chú ý của dân làng Vàng. Trong đám đông chỉ có cái nhìn thoáng qua chứ tuyệt nhiên không có lời thì thầm bàn luận. Có lẽ dân làng Vàng chưa dám nói bởi chưa nhận ra điều gì thật rõ rệt? Hoa cảm nhận được điều này một cách không chắc chắn?
          Hợm chủ động hỏi chuyện Hoa. Hoa ngập ngừng nói về người đàn ông:
          - Anh ấy là đại gia ngoài Hà Nội.
          Hợm đánh mắt tinh quái hỏi lại:
          - Anh ấy là gì với Hoa mới là thông tin cần thiết chứ? Là bạn? Là sếp? Là người yêu hay người tình?
          Người đàn ông tuy ngồi hơi xa Hoa nhưng nghe hết những gì Hợm nói. Ông ta cười tủm tỉm rồi quay sang nói chuyện với ông Hai Bốn:
          - Tôi về thăm quê Hoa lần đầu nhưng thú vị thật. Tôi thấy thích thú với con người và cảnh vật nơi đây? Tất cả cứ mộc mạc, chân chất. Nói để ông thông cảm, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi hy vọng câu chuyện sẽ cởi mở, thân thiện.
          Ông Hai Bốn nói:
          - Ồ không! Chúng ta cứ thoải mái trao đổi.
          Ông Hai Bốn quay sang hỏi chuyện Hoa:
          - Cháu Hoa cho bác hỏi: Bác biết cháu đã có quyết định về dạy học dưới trường huyện, sao cháu lại không về? Lý do gì cho bác biết!
          Hoa trả lời ông Hai Bốn:
          - Chuyện này dài dòng lắm bác ạ. Bữa trước cháu đã kể ngọn nguồn cho cô Hồng rồi! Bữa nào cô Hồng sẽ nói để bác và anh Tuấn nghe.
          Người đàn ông bạn của Hoa nói chen vào bằng giọng lạnh lùng:
          - Chuyện này Hoa đã kể rõ cho tôi nghe. Tôi cũng suy nghĩ nhiều. Các vị thừa biết trong hàng ngũ công chức bây giờ, có không ít kẻ lưu manh làm việc. Các vị có tin rằng những kẻ như thế sẽ không còn chỗ đứng nữa không? Tôi sẽ là người tống cổ nó đi nơi khác!
          Ông Hai Bốn, ông trưởng thôn, Tuấn và Hợm nữa đều tròn xoe mắt khi nghe người đàn ông này nói như vậy. Hợm láu táu hỏi:
          - Anh nói tống cổ ai? Anh là sếp to trên Trung ương hả?
          - Cái thằng, chỉ suy luận!
          Hợm bỏ ngoài tai lời ông Hai Bốn, Hợm nói tiếp:
          - Phải là sếp to anh mới nói giọng gang thép thế chứ?
          Có tiếng chuông điện thoại. Người đàn ông lấy điện thoại trong hộp bên hông ra nghe. Tiếng nói phát ra từ chiếc điện thoại rõ mồn một: “Thằng này láo quá! Nó dám vuốt râu hùm! Em vừa ký quyết định đuổi nó đi học ngoài Hà nội.”
          - Học bao lâu?
          Tiếng nói trong máy: “Nó đi học hai năm”
          - Thế là ổn! Hôm nào chúng ta gặp nhau nhé!
          Người đàn ông cúp máy nói:
          - Các ông đã nghe rõ nội dung rồi chứ?
          Tuấn gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn. Tuấn nói nhỏ vào tai ông Hai Bốn:
          - Giọng nói trong máy nghe rõ mồn một. Tôi nghe quen lắm?
          Ông Hai Bốn cũng trầm nét mặt lại.
          Hợm tỏ ra phục sát đất người đàn ông này. Hợm nhìn ông ta trừng trừng như nhìn một vị tướng quyền uy. Hợm nói:
          - Ông anh ác thật đấy! Ông anh mới nói thế mà cấp dưới đã “Trảm” ngay! Cấp dưới của anh cũng cao tay thật, cách trảm này đến thánh thần cũng chẳng biết.
          Lúc này ông Hai Bốn và mọi người mới hình dung ra phần nào việc làm của Hoa. Tuấn hỏi Hoa:
          - Khi nào cô Hoa chuyển ra thành phố làm việc?
          - Em đang chuyển đấy thôi. Mẹ em ở ngoài ấy rồi. Bữa nay bà bị mệt chứ không thì cũng về dự lễ khánh thành chùa làng!
          Ông Hai Bốn nói:
          - Bà mệt thế nào?
          Người đàn ông trả lời;
          - Mẹ tôi cũng mệt sơ sơ thôi! Chắc lại do thời tiết!


          XL

          Ngày khánh thành chùa làng Vàng đã qua gần tháng. Dân làng Vàng không còn ai bàn luận gì về chùa chiền nữa. Bây giờ chỉ còn chuyện của  Phượng và Hoa là người ta bàn đến:
          - Chuyện đời quả éo le? Quan hệ nhân quả thế nào tôi chẳng biết nhưng phải có gì thôi thúc thằng Minh nó mới tìm về cái Phượng chứ?
          - Thôi thúc cái gì? Vợ nó đẻ băng huyết chết nó phải đi tìm vợ mới chứ?
          - Vợ mới ở Hà nội thiếu gì mà phải về tận đây?
          - Nó biết cái Phượng có bầu với nó chứ đếch phải ai khác nên mới đi tìm. Một công đôi việc: Vừa có vợ, vừa có con mà lương tâm không bị cắn dứt!
          - Nếu cái Phượng không về quê hoặc về quê mà có chồng, có một hai đứa con thì thế nào?
          - Nói khó như bà thì nói làm đếch gì? Phải như thế này thì mới có chuyện để nói chứ?
          - Ừ, cũng phải!
          - Cái Phượng bây giờ đã hạnh phúc, lại giàu sang.
          - Lương mù giờ cũng ở nhà bán hàng không lang thang nữa.
          - Cái Hoa có ác cảm với nghề dạy học. Nó chẳng nói tất cả với bà Hồng.
          - Không phải hoàn toàn như thế? Nó bây giờ đã là bà lớn ngoài Hà Nội. Lão chồng tuy già nhưng rất nhiều tiền. Lão còn là sếp của lãnh đạo tỉnh, huyện nhà mình nữa đấy? Các bà có sợ không?
          - Thế cơ à? Sao bà biết?
          - Sao lại không biết! Sợ thật!
          - Thế thì chỉ có các lãnh đạo nhà mình sợ, lơ mơ cái Hoa nó bảo chồng nó thì bỏ mẹ. Còn cánh ta trọc đầu có gì mà sợ!
          Lời đàm đạo của mọi người về Hoa cũng bay đến tai Thủy nên Thủy quyết định gọi điện cho Hoa xem tình hình cụ thể thế nào. Một tối sau khi cơm nước xong Thủy cầm máy gọi điện:
          - Những ngày vừa rồi cậu với mẹ cậu đi đâu mà tớ sang nhà không thấy? Cửa khóa then cài hết cả!
          - Tớ với mẹ tớ đang ở ngoài Hà nội.
          - Việc đại sự như thế sao cậu không nói cho tớ biết? Cậu quyết định bỏ quê, bỏ nghề dạy học đấy sao?
          - Thôi cũng đành phải thế! Mỗi đứa một hoàn cảnh Thủy ạ. Chuyện dài lắm. Dịp nào về quê tớ sẽ tâm sự kỹ để cậu nghe. À này, tớ không về đương nhiên suất ấy còn trống ở trường, cậu nói với mẹ cậu xin cho Hải về trường. Thời cơ chỉ có một thôi đấy. Cậu và Hải vẫn còn yêu nhau đấy chứ?
          - Còn!
          - Thế thì cậu tiến hành ngay đi, đừng có ngại ngùng, đắn đo nhé. Tớ nói chỉ có đúng, tớ mong hai đứa cậu hạnh phúc. Khi nào các cậu cưới nhớ báo cho tớ nhé?
          Thủy bất chợt hỏi Hoa:
          - Chuyện riêng của cậu thế nào?
          - Cậu nói cụ thể xem nào?
          - Chuyện chăn gối của cậu ấy mà?
          - Cũng không tồi như mọi người thường suy nghĩ đâu? Đàn ông đứng tuổi họ có kinh nghiệm chuyện ấy. Tụi mình rất vui vẻ và tôn trọng nhau. Mình có thai rồi. Thế nào mình cũng sinh ra những đứa con thông minh và khỏe mạnh.
          - Thế còn chuyện kia?
          - Chuyện kia là chuyện gì mà cậu ngập ngừng thế? Cậu cứ nói đại ra cho tớ nghe!
          - Ý tớ là chuyện bà vợ cũ của người ấy thế nào?
          - Chuyện của người vợ cả chồng tớ chứ gì. Bà ấy ở xa tít mù tắp mà cũng năm mươi mùa xuân, cũng yên phận rồi.
          - Thế còn con cái của họ?
          - Cô con gái kém tớ hai tuổi mới lấy chồng ngoại quốc theo chồng về Pháp rồi. Tớ với cậu buôn dưa lê một chút nhé?
          - Ừ, cậu nói tiếp đi.
          - Năm ngoái anh ấy cưới vợ cho cậu con trai nổi đình nổi đám một vùng. Cậu có hình dung ra một đám cưới chi phí cả chục tỷ đồng không? Anh ấy mời cả ca sỹ nổi tiếng về hát. Mà cũng lạ cho dòng giống nhà này toàn đại gia cả. Con trai anh ấy còn ít tuổi mà đã thành đạt sớm. Thị trường buôn bán của nhà này không những ở trong nước mà còn cả ngoài nước. Ngày quen biết với ông xã tớ đã suy nghĩ kỹ việc này. Chính thế bây giờ tớ không có gì phải ân hận. Đứa con trong bụng tớ chắc cũng di truyền gien của bố nên nó cũng xoay sở gớm lắm. Nhớ ngày tụi mình ở trường, tớ cũng có một vài chàng để mắt, nhưng xem ra cũng là “Tay trắng” lấy “Trắng tay” mà thôi! Cảnh mẹ góa con côi như gia đình tớ bao giờ mới ngóc đầu, mở mặt với thiên hạ? Tớ quyết định làm cuộc “Cách mang”. Thế là hết lo! Hết nghĩ! Hạ cánh an toàn xuống số phận! Còn chuyện dư luận nói tớ tham tiền lấy chồng già cũng chẳng sai. Tớ chấp nhận.
          Hoa dừng nói khúc khích cười bên máy.
          - Chuyện gì mà cậu cười nhiều thế?
          - Tớ buồn cười cho cánh hạ cấp của chồng tớ. Nhiều lần chồng tớ dẫn họ về nhà chơi, họ là những người đứng tuổi mà cứ gọi mình bằng chị xưng em mới hay chứ? À, vừa rồi tớ thông báo cho anh ấy biết thai nhi là con trai, anh ấy mừng lắm. Cậu có biết anh ấy nói gì với tớ không?
          - Cậu hỏi thế quá đánh đố tớ, cậu nói đi?
          - Anh ấy bảo nếu là con trai anh sẽ sang tên cho hai mẹ con tớ căn biệt thự trong Đà Lạt.
          - Thế cơ à! Số cậu mĩ mãn rồi. Nào là chồng chiều, tâm lý, giàu sang. À ông ấy đi đâu mà cậu nói chuyện thoải mái thế?
          - Chồng tớ phải không?
          - Không chồng cậu thì còn ai? Dở người ạ!
          Hoa cười khi thấy Thủy mắng yêu như vậy.
          - Ông ấy, à chồng tớ chắc cuối tuần này mới về. Anh ấy đang ở bên Lào kiểm tra tiến độ thi công công trình gì bên đó. Mà chuyện của tớ sao nói nhiều thế? Cậu kể chuyện tình của hai cụ, của các cậu cho mình nghe đi?
Thấy Hoa cắt chuyện không muốn nói nữa, Thủy hiểu ý và nói chuyện theo yêu cầu của Hoa:
          - Hai cụ rất gương mẫu không có điều gì đáng phàn nàn cả. Tớ và Thắm đều ủng hộ hai cụ. Có lẽ chỉ sau ngày “Công việc” của mẹ tớ hai cụ sẽ về ở bên nhau. Tớ với Hải vẫn như ngày xưa, vẫn thường xuyên trao đổi công việc của nhau. Tớ bây giờ “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, ngày phóng xe máy từ nhà xuống trường, tối từ trường về nhà. Hải vẫn ở nhà với bố mẹ. Hải trông lẻo khẻo thế mà khỏe lắm. Thời gian qua Hải đóng gạch đốt lò nung được cả vạn viên đấy. Có lẽ năm tới bố mẹ Hải sẽ xây lại nhà. Chắc xây xong nhà Hải sẽ có ý kiến chính thức với bố tớ về chuyện hai đứa. Còn việc Hải có đi dạy học không tớ hỏi Hải ậm ừ chưa trả lời dứt khoát? Nghe chừng Hải thích làm kinh tế hơn thì phải. Hải đang thuê người xây mấy lò gạch ven sông đấy? Không phải kiểu lò nung ngày trước gây ô nhiễm môi trường đâu, sợ chưa? Tớ hỏi cậu nếu Hải không dạy học mà cứ theo việc thổ mộc và buôn bán kiểu này cậu bảo tớ tính sao?
          Tiếng Hoa cười trong máy:
          - Cậu cứ trao đổi việc xin Hải về trường tỉnh hay huyện xem Hải trả lời thế nào? Theo tớ Hải làm một trong hai việc này đều tốt cả. Nếu Hải dạy học Hải có danh, nếu Hải làm kinh tế Hải có nhiều tiền.
          - Ok! Tớ sẽ trao đổi với Hải. Còn tùy Hải, với tớ thế nào cũng được. Ờ bố tớ và mẹ Hồng mới ở nhà hàng về cậu có muốn nói chuyện với mẹ Hồng tớ không?
          Thủy tay cầm máy miệng gọi bà Hồng:
          - Cái Hoa bạn con muốn gặp mẹ đây này? Mẹ cầm máy nói chuyện với nó. Thủy đưa máy cho bà Hồng nói chuyện với Hoa rồi vào buồng lăn ra ngủ.
          Một ngày mới lại bắt đầu. Những chuyện vui, buồn trong làng Vàng chẳng duy trì được lâu. Dân làng Vàng chỉ hứng lên một thời gian rồi ai nấy lại tự về với đời sống cơm áo gạo tiền của mình.
Sáng nay Kết ra thị xã tìm mua bộ nấu rượu bằng i nốc, để thay thế bộ cũ bằng đồng. Kết vừa mới ra đến đầu ngã ba thì gặp Tư điếc đi xe máy thồ hai sọt đậu đũa nặng. Kết hỏi lớn:
          - Anh Tư chở đậu đi đâu thế?
          - Ra chợ thị xã bán.
          - Đậu nhà anh vừa mới phun thuốc sâu cùng với ruộng nhà tôi, còn mươi hôm nữa mới được hái cơ mà?
          - Biết thế! Nhưng giờ đang đắt giá nên hái bán. Người ta cứ nói cho quan trọng chứ cứ rửa kỹ vài nước là ổn.
          - Giá thì có giá! Anh làm thế để giết người à?
          - Giết cái gì? Trước khi xếp vào sọt tôi đã dội nước rồi! Chết thế đếch nào được. Tôi với anh đã bao năm nay ăn hóa chất, uống hóa chất, hút hóa chất có chết “Đéo” đâu?
          Tư điếc tỏ ra cùn và bắt đầu nói bậy. Kết cho xe máy của mình chặn ngang đầu xe của Tư điếc.
          - Thôi anh đừng có dở người, tránh ra để tôi đi!
          Kết nghiêm mặt:
          - Anh Tư này, tôi nói thật anh không được đem hai sọt đậu này đi bán. Anh làm vậy là giết người đấy? Anh có biết phải tù bao năm không?
          Tư điếc gạt tay Kết ra nói lớn:
          - Tôi cũng đang thích được đi tù đây?
          Anh Tư! Anh đừng cùn thế? Hãy nghe tôi đem số đậu này về ủ làm phân.
          - Làm phân là thế nào? Gần hai trăm ngàn đồng của người ta chứ ít à?
          - Anh muốn có tiền nên anh làm bằng mọi giá phải không? Anh chở về ngay! Tôi đưa anh hai trăm ngàn đồng đây! Coi như tôi đã mua của anh!
Kết lấy tiền nhét vào túi áo Tư điếc. Tư điếc để im rồi chần chừ quay xe nổ  máy phóng về.
          Khi Tư điếc đi xa hẳn Kết mới đi tiếp. Kết lẩm bẩm:
          - Khốn nạn thế! Chỉ vì tiền mà bất chấp tất cả!
          Kết ra thị xã mua được bộ ống nấu rượu rồi đi xe về nhà Mai. Thấy Kết đến bố Mai ra mở cổng.
          - Cháu mua bộ ống ruột gà i nốc này à? Chắc thay bộ cũ sắp hỏng phải không?
          - Vâng ạ.
          - Trưa nay cháu ở lại ăn cơm với hai bác, có món canh cua cà pháo tuyệt lắm!
          Kết dựng xe dưới bóng cây rồi lấy lạng thuốc lào trong túi xách ra.
          - Cháu biếu bác lạng thuốc lào Tiên lãng.
          - Ờ bác xin. Cháu ra giếng rửa mặt rồi vào nhà uống nước. Giờ này Mai cũng sắp về rồi.
          Kết ra giếng múc nước cũng là lúc Mai về. Kết ra cổng dắt xe cho Mai.
          - Em thiêng quá! Bố và anh vừa nói đến em xong.
          Kết nhắc hai sọt hàng trên xe vào hè hiên.
          - Anh đến lâu chưa?
          - Mới đến là em về đấy.
          - Thế hả. Anh ra giếng kéo nước cho em và anh rửa mặt tay chân đi? Đường xá dạo này bụi quá! Từ ngày có nhà hàng, có trang trại chăn nuôi xe máy, xe ô tô về nhiều làm hư hỏng cả đường.
          Hai người ra giếng. Kết thả gầu xuống lòng giếng nước trong vắt.
          - Nước giếng trong và mát dịu như tâm hồn và tình cảm của Mai vậy?
          Mai cười.
          - Anh Kết cũng giỏi tán nhỉ? Anh kéo đầy luôn cho bố mẹ cái vại kia nữa?
          Mai đến dây phơi lấy chiếc khăn mặt bông trắng có thêu hai chữ T. M thả vào chậu nước bảo Kết rửa mặt.
          Kết nhìn hai chữ T. M long lanh trong nước cười. Kết vục đầu vào chậu nước rửa ào ào.
          - Tới đây anh đừng để tóc dài nữa nhé?
          Kết đùa:
          - Thời này cứ phải để tóc dài hoặc cứ húi trọc cho thiên hạ ngại? Mình cắt tỉa tử tế dễ bị bắt nạt lắm?
          Mai rúc rích cười.
          - Anh lười cắt tóc thì có!
          Kết múc nước đổ liền hai chậu cho Mai. Rửa mặt xong Mai đưa tay kéo hai ống quần ngang gối té nước rửa chân.
          - Mọi người nói không ngoa con gái quê mình chân trắng thật. À, ít hôm nữa anh gọi thợ đến lắp hệ thống bơm nước bằng điện để bố mẹ và em không phải kéo tay.
          Trong nhà mẹ Mai đã dọn cơm tươm tất. Bà gọi Mai và Kết vào ăn cơm. Trong bữa bố Mai nói:
          - Chuyện của hai đứa đến đâu rồi?
          - Con đã thưa chuyện này với bố mẹ. Có lẽ chỉ gặt mùa xong bố mẹ con sẽ sang thưa chuyện với bố mẹ bên này.
          - Ừ, sau gặt mùa cho khỏi vội.
          Cơm nước xong bố Mai lên giường nghỉ. Kết xin phép bố mẹ đón Mai sang nhà.
          Ở miền quê này người ta tranh thủ từng lúc từng nơi để có lợi nhuận. Bên đường là cái hồ rộng đang mùa nước cạn. Dưới hồ dăm phụ nữ đang ngâm mình trong bùn nước đẩy diu tôm. Ở vài chỗ đất cao lũ cò trắng, cò lửa từ đâu bay về, nhiều con đã ăn no đứng ngủ, những con khác còn đang lúi húi kiếm mồi.
          Kết cho xe dừng lại gần nơi mấy phụ nữ đang đẩy diu.
          Thấy có người đến, họ nói to:
          - Hai người mua tép hả?
          - Vâng.
          - Chờ đấy tôi lên bờ bán cho. Tép này về làm mắm bữa nào rét có rau xà lách, có cà chua, ăn ngon phải biết.
          - Mấy bà chồng đâu không diu mà để các bà làm việc này? Phụ nữ ngâm bùn nước thế này nguy hiểm lắm!
          - Các ông ấy cũng đang kiếm cơm chỗ khác! Biết là thế nhưng vẫn phải làm.
          Anh chị mua nhiều không?
          - Các bà có bao nhiêu đây mua hết?
          - Vậy hả?
          - Tôi mua vo chỗ này bao nhiêu tiền?
          - Anh chị cho ba trăm ngàn đồng?
          - Các bà đổ vào đây rồi về tắm gội đi. Vất quá!
          Lên xe đi rồi Kết còn nói với Mai:
          - Không biết đến bao giờ những người này mới hết khổ?
          Kết và Mai về đến nhà còn chưa kịp uống chén nước thì thấy Hợm hớt hải chạy sang:
          - Rõ khổ cho nhà Tư điếc! Chó cắn áo rách!
          Kết thừa biết điều gì đã xẩy ra nhưng vẫn vờ hỏi:
          - Tại sao chó cắn áo rách?
          - Đàn lợn nhà Tư điếc cả chục con chết hết rồi!
          - Tại sao lại chết hết?
          - Tư điếc nói bắt được con chuột ngoài vườn to bằng cái phích nước đem thịt nấu cho lợn ăn. Ai ngờ con chuột ăn phải bả!
          - Thế đàn lợn đâu?
          - Tư điếc đào hố chôn ngoài gò rồi!
          Mai nghe chuyện mà hãi, hai mắt cứ tròn xoe. Mai nói:
          - Thế thì khổ thật! Mất đứt mấy triệu đồng!
          Kết không hỏi nữa. Kết đi sang nhà Tư điếc.
          Tư điếc nhìn thấy Kết bước phăm phăm đầu ngõ, Tư điếc lo lắng xong cố vẻ bình thản như không có chuyện gì. Tư điếc nói:
          - Em mời anh vào nhà!
          Kết không trả lời mà lạnh lùng hỏi:
          - Hai sọt đậu ban sáng đâu?
          - Em đổ đi hết rồi ạ.
          - Nói dối!
          Kết thấy Tư điếc lúng túng bèn dồn tiếp:
          - Sao anh không nấu cho anh ăn mà đem nấu cho lợn? Đã thế anh lại còn nói dối là chuột với cả mèo?
          Tư điếc biết là không thể quanh co được với Kết đành thú nhận. Kết nắm lấy cổ áo Tư điếc như muốn nhấc lên. Kết chỉ tay vào mặt Tư điếc nói gay gắt:
          - Anh đã thấy chưa?
          Vợ Tư điếc từ trong buồng bước ra.
          - Cả chị nữa ngồi đây nghe tôi nói. Hai người đã thấy nguy hiểm chưa? Thuốc sâu phun như tắm vào cây, chưa hết thời gian quy định vợ chồng chị đã hái đem bán, lợn ăn vào còn chết cả đàn cả đống. Vợ chồng chị định giết chết bao nhiêu người? Vợ chồng chị sao lại đang tâm làm cái điều thất đức ấy? Bây giờ hai người đã mở mắt ra chưa? Các người vô nhân đạo và khốn nạn quá!
          Vợ Tư điếc chậm chạp nói:
          - Không phải là tôi không nói. Anh ấy có chịu nghe tôi đâu? Anh ấy còn nói sản phẩm bày bán bây giờ thứ gì không chứa chất độc hại?
          Kết hỏi Tư điếc:
          - Tại sao anh không nghe lời cô ấy?
          Tư điếc im lặng không trả lời. Vợ Tư điếc nói thêm:
          - Anh ấy giờ còn đổ đốn ra nữa. Không hiểu phải lòng phải mề con nào đến nỗi lấy cả áo con nịt vú của nó đem về để ngắm?
          Tư điếc quát vợ:
          - Cô im đi! Cô bảo ai lấy nịt vú? Tôi nhặt được ở ngoài đường thấy nó mới và đẹp tôi đem về cho cô giờ cô nói kiểu ấy à?
          - Tôi không dùng cái thứ ấy? Chẳng ai người ta làm rơi ra đường thứ ấy cả?
          Kết buồn cười khi thấy vợ chồng Tư điếc đôi co về chiếc nịt vú.
          - Cô không dùng thì vất nó đi? Tại sao cô cứ bán tín bán nghi chồng cô cho nó khổ vào thân?
          Tư điếc được đà nói:
          -  Thấy chưa? Đồ củ chuối! Tiền lo ăn lo học cho con chưa xong thử hỏi tiền đâu cho gái? Bán sọt đậu còn độc hại cũng chỉ vì tiền đấy? Anh Kết à. Tôi biết lỗi của tôi rồi. Anh đừng nói chuyện này với ai?
          Kết lạnh lùng bỏ về.
          Hợm nhìn thấy Kết từ phía nhà Tư về với nét mặt hình sự, Hợm hỏi:
          - Có chuyện gì mà anh có vẻ căng thế?
          - Có chuyện gì đâu? Sang chia buồn với người ta.
          - Thằng cha Tư điếc quả là ngu. Trông con chuột to bằng bắp vế chết trong vườn phải nghĩ chứ? Tự nhiên nó chết à? Cha Tư này cũng liều lắm. Hôm nọ cha ấy phun thuốc sâu cho ruộng đỗ, phun xong cha ấy đem bình, xô xuống cả ao cá của xã để rửa. Cũng may mà em nhìn thấy em lôi cha ấy lên. Em chửi cho một trận. Em bắt phải súc rửa đổ lên bờ, chứ không Tư điếc đổ hết xuống ao!
          - Chú mày làm thế là tốt! Anh khen chú! Chị Mai đâu?
          - Chị Mai đang nấu cơm rượu trong bếp.
          Mai từ trong bếp đi ra mặt đỏ hồng vì lửa. Kết thấy vậy nói:
          - Em để anh nấu cho?
          - Em làm xong rồi.
          - Anh nhắc em lần sau trở đi em không được nhắc nồi cơm một mình nhé? Nó nặng lắm!
          - Em có dám bê đâu? Chú Hợm làm cả.
          - Ờ, thế thì được.
          - Mới thế mà đã sắp tối? Em cho lợn ăn xong em về nhé?
          - Làm gì phải vội? Cơm nước xong anh đưa em về.
          Trong nhà bố mẹ Kết đang đóng rượu vào các chai. Mùi thơm của rượu lan tỏa khắp nhà.
          - Nhà Du ngày mai lấy bao nhiêu chai hở bà?
          - Năm chục chai.
          - Bà dậy đi để tôi làm nốt cho?
          Mẹ Kết chống tay vào gối đứng dậy. Bà ra sân cầm cây chổi xuể ghép bằng hai cành lá cọ quét sân.
          Đầu dãy chuồng lợn Mai đang trút nốt chỗ cám và bã rượu vào máng. Cái máng dài được Kết xây bằng xi măng, cây sắt dài chạy suốt máng khống chế đầu lợn do Kết lắp đặt khiến lũ lợn chỉ chõ vừa đủ cái mõm vào để ăn chứ không thò hẳn đầu vào được để làm đổ và bẩn cám.
          Cho lợn ăn xong Mai vào bếp dọn cơm. Mẹ Kết bảo:
          - Mai à, con rán thêm mấy quả trứng để ăn.
          Kết và Hợm cũng vừa lắp đặt xong bộ ruột gà mới.
          Hôm nay nhà Kết có năm người ăn nên không ngồi bàn mà rải chiếu xuống nền nhà.
          Trong bữa Kết nói đùa Hợm:
          - Chú Hợm này. Có lẽ một ngày nào đó chú ra phòng Tư pháp đổi lại cái tên đi nghe nó thế nào ấy?
          - Anh buồn cười nhỉ, tại sao phải đổi tên? Bố mẹ đặt cho em cái tên có một không hai thì cứ thế mà dùng, mà gọi chứ? Khối người nể em về cái tên tinh tướng này đấy? Hợm? Hợm? Cái tên nghe mới cao đạo làm sao? Anh Kết có biết lịch sử của cái tên này không? Em kể cho anh nghe. Bố mẹ em không biết chữ, ngày làm giấy khai sinh cho em, không hiểu sao cái gã viết giấy khai sinh lại đổi tên Hạng của em thành Hợm đấy? Mãi sau này bố mẹ em mới biết? Tiên sư cái gã viết chắc vừa làm vừa nói chuyện nên chữ tác đánh chữ tộ!
          - Chú nói đùa?
          - Không, em nói thật đấy!
          - Chú Hợm này, lâu rồi chưa thấy em Thúy của chú về nhà nhỉ?
          - Vâng. Dạo này Thúy đang làm đồ án tốt nghiệp. Em đợi Thúy học xong là em cưới đấy? Em không để lâu như anh chị đâu, phí phạm lắm?
Nghe Hợm nói châm chọc Kết và Mai nhìn nhau cười.
          Kết gắp thức ăn cho Mai và giục Mai ăn.
          Bố Kết hôm nay vui nên ông uống thêm vài chén. Ông nói:
          - Con Mai về nói với bố mẹ xong vụ gặt mùa bố mẹ bên này sang nhé?
          - Vâng ạ. Con sẽ nói với bố mẹ con.
          Kết nhìn Mai như say đắm. Kết tán:
          - Kiếp này anh lấy Mai làm vợ, kiếp sau anh cũng chỉ tìm em.
          Hợm nghe hắng giọng:
          - Anh Kết siêu nhỉ?
          Kết cười hỏi Mai;
          - Anh đã nói rồi còn em nghĩ sao?
          - Chị Mai nói đi?
          - Em nói đi?
          - Anh để em tu trọn kiếp này đã?

(Còn tiếp)
Phan Đạt Ninh

Đã đăng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét