PGS Nguyễn Xuân Hòa |
NGUYỄN NGỌC KIÊN
Ngày
7 tháng 4 năm 2016 là ngày đáng nhớ trong đời tôi - ngày tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học.
Lúc này tôi đã bước sang tuổi 54. Trong quá trình chuẩn bị bài vở và hồ sơ tôi
đã trải qua hai lần tai biến. Nằm điều
trị ở Quân y viện 108, trước mắt tôi là
hai con đường - tiếp tục hay dừng lại để “bảo toàn tính mạng”…Vả lại, cũng có lời
ra tiếng vào: ở tuổi này bảo vệ luận án làm gì cho nó khổ…
Giờ
này tôi đang ngồi trong phòng Bảo vệ Luận án Tiến sĩ tầng 7 nhà E của Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tôi ra viện được hơn
một tuần nhưng bước đi vẫn còn run run, thập thững, nói vẫn còn méo tiếng, chưa
được “tròn vành rõ chữ”. Bỗng tôi có tin nhắn của PGS Nguyễn Xuân Hòa: “Em ở
đâu? Thầy đang tìm em ở Học viện KHXH” - Tôi giật mình hoảng hốt, vội
trả lời: “Em đang ở Trường ĐHKHXH &
NV”. Thì ra, tối qua tôi bối rối chỉ gọi điện báo cho thầy biết ngày giờ mà
không báo địa điểm.
Mấy
phút sau, GS Đinh Văn Đức xuất hiện. Và theo sau là PGS Nguyễn Xuân Hòa - người
nổi danh trong giới ngôn ngữ học: Người
luôn thành đạt vào phút chót! Sự xuất hiện của PGS Nguyễn Xuân Hòa đã làm
cho lòng tôi ấm lên, vững tin. Thầy tôi - PGS Nguyễn Xuân Hòa vẫn dáng người nhỏ
bé, mảnh mai, đĩnh đạc - một supporter
tích cực của tôi. Bao nhiêu nỗi sợ mơ hồ
đều tan biến. Tôi trình bày Luận án trôi chảy, mạch lạc, trả lời các câu hỏi của Hội đồng một
cách rành mạch, khúc triết…Buổi bảo vệ thành công ngoài mong đợi!
Không biết tự lúc nào tôi đã ghi vào
bộ nhớ của mình những lần thành công vào phút chót của thầy tôi - PGS Nguyễn
Xuân Hòa:
-
Thành công thứ nhất:
Năm
1997 thầy bảo vệ Luận án Tiến si khi sắp sửa nghỉ hưu, tròn 60 tuổi. Lúc này
nhiều người đánh tiếng đến thầy: Sắp về hưu rồi, còn làm Tiến sĩ để làm gì? Thầy
thật thà trả lời: Học để khẳng định mình, để thỏa mãn những đam mê của bản thân
mình.
- Thành
công thứ hai
Năm
2004 thầy được Nhà nước phong hàm PGS. Lúc này vì thầy đã nghỉ hưu nên muốn được
phong giáo sư phải có số điểm công trình gần gấp đôi so người bình thường.
- Thành
công thứ ba
Năm
2008, khi thầy đã 71 tuổi, thầy được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú,
Năm ấy theo yêu cầu của Phòng Tổ chức thầy phải gấp gáp làm hồ sơ trong vòng chỉ
có 3 ngày. Kinh quá! Lúc đầu thầy cứ chần chừ không muốn làm. Phòng Tổ chức giục:
Anh làm đâu phải chỉ cho anh, mà còn vì
danh dự của Nhà trường nữa. Ba
ngày phải làm xong hồ sơ! Làm gấp, nếu không thì không kịp xét, nào phải khai
quá trình công tác, kèm theo các danh hiệu chiến sĩ thi đua đạt được trước đây
photocopy đầy đủ có nhận xét của Ban Chủ nhiệm Khoa và Trường, nào giấy nhận
xét của Tổ trưởng tổ dân phố có dấu xác nhận của UBND Phường. Ừ thì làm! Rồi
qua hai lần bỏ phiếu cấp Trường và cấp Đại học Quốc gia Hà Nội nữa, Cuối cùng
công việc của thầy cũng qua một cách suôn sẻ!
- Thành
công thứ tư
Tháng
10 năm 2015, nhân Kỉ niệm 70 năm Đại học Văn khoa (10/1945 – 10/2015), Trường Đại
học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc
lệnh thành lập ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công một tháng, thầy được
bình chọn là một trong 104 gương mặt tiêu biểu của Trường Đai học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, tiếp nối Trường Đại học Tổng
hợp Hà Nội và Đại học Văn khoa trước đây, và được đưa vào cuốn sách Chân dung nhà giáo - nhà khoa học tiêu biểu
(1945-2015).Thật đáng kính nể!
….
Nhớ
hồi học cao học, tôi vào lớp học môn “Đối chiếu từ ngữ, thành ngữ hai thứ tiếng”
của thầy. Ấn tượng trong tôi là: bài giảng của
thầy toàn lấy ví dụ tiếng Nga mà sinh viên bấy giờ toàn học tiếng Anh.
Thế là, tôi trở thành anh phiên dịch bất đắc dĩ cho cả lớp. Thế rồi từ đấy thầy
trò chúng tôi thân nhau. Thầy thường say sưa trao đổi về bài giảng, về học thuật
với “lớp trẻ” chúng tôi. Nhớ Tết năm nào, thầy tặng tôi cuốn “Từ điển giáo khoa Việt - Nga” (2007) mà
thầy là đồng tác giả - cuốn này được nhận Giải
Bạc - Sách hay của Hội Xuất bản
Việt Nam
năm 2008!
Cuộc
đời khoa học của PGS Nguyễn Xuân Hòa là một bài ca chiến thắng. Mặc dù đường học
hành của thầy hơi muộn. Thầy sinh trưởng trong gia đình nhà quan nên việc học tập bị trắc trở muộn mằn
hơn người khác.
Đến năm 1982 thầy được cử đi
dịch Văn kiện Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều người biết thầy không phải
là đảng viên mà được Ban Đối ngoại trung ương điều động đi dịch văn kiện, chắc
là thầy có chuyên môn vững vàng có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Sau
đó thầy còn được cử sang dịch Văn kiện Đại hội III Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Viêng Chăn.
PGS
Nguyễn Xuân Hòa là nhà khoa học “ba
trong một”. Thầy là nhà Nga ngữ học, nhà ngôn ngữ học và nhà văn hoá học. Thầy
được bầu làm Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội một khóa rưỡi. Sau này, theo qui
định của về tuổi tác, thầy không làm Chủ tịch Hội, nhưng vẫn được tín nhệm bầu
giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội. Có thể nói cuộc đời hoạt đông
khoa học của PGS Nguyễn Xuân Hòa là một
chuỗi những thành công bất ngờ vào phút chót.
Âu
cũng là lẽ công bằng ở đời. Thầy đã sống và làm việc hết mình vì tập thể, vì cộng
đồng, vì gia đình. Hổ phụ sinh hổ tử. PGS Nguyễn Xuân Hòa có hai người con
trai. Người con cả nay cũng là PGS TS công nghệ thông tin của Trường Đại học
Công nghệ - ĐHQG Hà Nội khi mới 42 tuổi. Người con trai thứ cũng là Thạc sĩ
công nghệ thông tin.
Hôm
nay thầy lại đem tặng tôi cuốn “Thơ trữ
tình A. Blok”- một nhà thơ lỗi lạc của
nước Nga ở “Thế kỉ Bạc”, do thầy tuyển dịch (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội,
2007). Ngồi trong quán cà phê New wind
(Tân Phong / Gió mới) thầy say sưa
nói về nghề, về học trò thân yêu của mình. Thầy không kể về những thành công thầy
gặt hái được mà chỉ kể những kỉ niệm đẹp đẽ còn đọng lại đến tận hôm nay: có lần thầy đi dạy bằng xe đạp,
một cô học trò yêu quý của thầy tinh nghịch
trêu thầy đã dùng khóa dây của mình khóa luôn xe đạp của thầy vào xe mình. Chẳng
may hôm đó thầy chỉ dạy 4 tiết được về sớm. Thế là thầy phải ngồi chờ gần một
tiếng đồng hồ mới mở được khóa xe. Lại có lần cũng cô học trò ấy còn cố tình chọc rách chiếc mũ lá của thầy “để cô nhà thầy phải mua cho thầy cái mũ mới”. Nhất
quỷ nhì ma… Thế nhưng thầy chẳng giận ai bao giờ! Thầy Hòa là như vậy đấy! Giờ
đây thầy kể lại những câu chuyện đó hết sức hồn nhiên mà thầy bảo có lúc dường
như thầy cũng quên khuấy đi mất. Tôi thì nghĩ họ tên thầy là Nguyễn Xuân Hòa
nhưng thầy chỉ hiền hòa với người đời trong đối nhân xử thế thôi, còn trong
khoa học thầy phải là Nguyễn Xuân Thành Công hay Nguyễn Xuân Chiến Thắng mới phải.
Mà toàn là chiến thắng, toàn là thành công vào những giây phút chót!
Thầy
lại cười, nụ cười hết sức thánh thiện. Nụ cười ấy như muốn gửi gắm đến tôi một
niềm tin rằng, chiến thắng nào, thành công nào… rồi đây chắc sẽ còn đến với thầy
vào phút chót, bắt đầu tính từ tuổi tròn 80! Mời tất cả lũ nhất quỷ nhì ma
chúng ta, lũ khóa xe đạp của thầy, lũ chọc rách mũ của thầy hãy dõi theo và chuẩn
bị đón nhận những thành tựu đạt được vào phút chót của thầy!
Chúng
em mãi mãi tự hào về thầy.
Nguyễn Ngọc Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét