Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI: Tập 2 chương 4, 5, 6, 7 / Tiểu thuyết Phan Đạt Ninh


Nhà văn Phan Đạt Ninh

        Chương 4

          Bữa cơm trưa dù kéo dài hơn nhiều so với những ngày thường nhưng cũng đến hồi kết. Có lẽ lượng bia rượu vào cái dạ dày cũng nhiều hơn rất nhiều so với ngày thường nên ai cũng chếch choáng, cũng la đà. Cái trạng thái này cứ bập bềnh theo bước chân từng người về nhà.
          Về đến nhà Hội thấy vợ đang lúi húi cho lợn ăn. Hội hỏi lớn: Ờ, bà về khi nào mà tôi không biết? Nghe Hội hỏi, vợ Hội rời tay đứng ưỡn người đưa tay đấm lưng. Vừa đấm lưng vợ Hội vừa trả lời: Tôi về lâu rồi. Về cách đây hai ba tiếng đồng hồ rồi. Mình ngồi ăn uống no say thì cũng phải nghĩ đến con lợn, con bò chứ ! Nó cũng phải được ăn, được uống. Bỏ mặc nó, nó đói, nó phá chuồng thì làm sao? Tôi mới về đến cổng đã nghe thấy tiếng khua sừng lộc cộc của mẹ con con bò. Nhất là con bê con. Nó thấy tôi nó nhảy cẫng cả lên. Rút vội rút vàng bó rơm, bó ngô thả vào chuồng nó mới yên. Còn lợn  thì kêu réo cả lên. Hội nghe vợ nói vậy liền đến sát bên vợ mủm mỉm cười, khen nịnh vợ : Bà vợ của tôi quả là chu đáo. Bà lo mọi chuyện trong nhà giúp tôi rất nhiều. Tôi có thành công trong sự nghiệp, trong làm ăn kinh tế cũng là có bà đấy. Tôi tiếc là bà không được nghe lời chúc của thằng chồng con cái Hoa nó chúc tôi. Nó là kẻ mạnh trong xã hội đấy. Nó thân với bác cả nhà mình trên tỉnh đấy ! Nó chúc tôi sẽ là phó chủ tịch huyện trong tương lai đấy ! Nó không nói xã giao đâu. Nó nói là có cơ sở, là đánh động, là báo trước đấy. Cánh lãnh đạo xã mình sẽ ngước mắt mà nhìn tôi. Rồi bà xem chắc chỉ một thời gian ngắn, đức ông chồng của bà sẽ chễm trệ trên ghế phó chủ tịch huyện mà xem. Con đường quan lộ của tôi là có quý nhân giúp đấy. Có vợ giúp đấy. Hội nói quá dài với vợ.

            Hội thấy vợ cười tủm tỉm nghe Hội nói nên sướng lắm, Hội ôm eo vợ tán dương tiếp: Khi tôi đã yên vị ghế phó chủ tịch, tôi còn lên tiếp. Có thể chúc chủ tịch huyện hay bí thư huyện ủy.
          Vợ Hội vẫn tủm tỉm cười và nói: Ông vừa nói con đường quan lộ của ông là có tôi giúp đỡ, nào tôi có giúp được cái gì... Hội bỏ ngoài tai lời nói của vợ. Hội hỏi vợ: Thằng con quý tử nó bỏ nhà đi bao lâu rồi hở? Nó đi đâu? Vợ Hội trả lời: Trong đầu ông nghĩ gì vậy hở ? Con nó đi gần năm nay mà ông hỏi vậy! Nó đi miền Nam, đi Sài gòn ! Hội nói: Sao bà không giữ nó ở nhà! Tiền đâu nó đi? Ông ở nhà mà giữ nó? Tiền ở đâu tôi chịu. Bố con nhà ông quả là giống nhau...Có giời nói!
          Nói xong  vợ Hội nhìn mặt Hội rồi bỏ vào nhà. Vợ Hội lên giường nằm nghỉ cho giãn xương cốt. Hội cũng vào nhà theo ngả người nằm xuống cạnh vợ.
          Thế là gần năm nay thằng con nhà Hội không có mặt ở nhà. Ngày đi nó chỉ bảo mỗi mẹ nó là nó đi miền Nam. Mẹ nó hỏi nó đi làm gì? Đi chơi thì bỏ học à? Nó trả lời con đi học cách kiếm tiền, học thế là đủ rồi. Học đến lớp bảy đọc thông, viết thạo, biết cộng, trừ, nhân chia thế là đủ, học lên nữa để làm gì? Nó lấy gương mấy thanh niên trong làng học hết lớp mười hai ở nhà cày ruộng, mấy sinh viên đã tốt nghiệp đại học cũng chỉ đi làm công nhân khâu giầy như đứa lớp năm, lớp sáu, cuối tháng doanh nghiệp trả cho vài trăm nghìn đồng tiền lương. Nghe nó nói vậy mẹ nó buồn lắm. Mẹ nó khuyên can, giảng giải thế nào nó cũng không nghe. Nó bảo nó đã quyết rồi thì đừng có ai can, ai cản. Mẹ nó chịu. Mẹ nó ngồi khóc.
          Lúc nó đi nó chỉ mang theo vài bộ quần áo mỏng. Thấy vậy mẹ nó đưa thêm cho nó cái áo rét dày cộm. Nó cười nói trong Nam có rét đâu phải cần áo rét. Mẹ nó mở tủ lấy tiền đưa cho nó mấy triệu, nó không cầm. Nó bảo nó có tiền. Mẹ nó hỏi tiền ở đâu? Nó bảo lấy tiền của bố ...
          Nó đi khoảng một tuần, hàng xóm cũng thắc mắc về sự vắng mặt của nó ? Nhà trường cũng cử giáo viên đến tận nhà hỏi han tình hình, lí do gì mà nó nhỉ học nhiều ngày như vậy? Hôm ấy là một hôm tình cờ mà nhà trường và mấy nhà hàng xóm cùng gặp gỡ ở nhà nó. Bữa ấy mẹ nó chỉ ngồi ủ ê, không lên tiếng. Người trả lời là Hội bố nó : Cháu nó không thích học nữa, nó thích đi làm, đi học nghề. Vợ chồng tôi đã khuyên bảo, giảng giải thế nào cháu nó cũng không nghe...
          Nghe Hội nói vậy trong đầu vợ Hội nghĩ đến câu mà mình hay than thở rau nào sâu ấy, cấm sai tí nào.
          Hàng xóm , nhà trường ngồi nghe Hội giải thích sự vắng mặt của con, ai cũng chăm chú và suy nghĩ. Bà Răm lên tiếng: Thằng bé nghĩ sớm quá. Mới hơn chục tuổi đầu mà đã lo có nghề kiếm tiền. Không hiểu rồi mươi năm sau nó còn nghĩ cái gì nữa? Nếu nó đi học nghề ngỗng đường hoàng thì âu cũng là việc tốt. Nó học một vài năm, chắc chắn tay nghề nó sẽ vững, khi ấy nó sẽ về quê hay về huyện, về tỉnh mở nghề. Nhưng mà mấy năm ấy nó lấy tiền ở đâu mà lo ăn, lo ở, lo học phí? Khi bà Răm nói đến đây, Hội cắt lời: Bà Răm nêu vấn đề ấy cũng phải. Tôi cũng không biết nó sẽ xoay sở thế nào khi trong túi nó không có tiền? Tôi cũng không biết ngày nó đi mẹ nó có cho nó tiền không?
          Nghe Hội nói vậy, Bà Răm chừng nóng vội hỏi luôn vợ Hội: Thế nào? Bà có cho thằng bé tiền không? Bà đưa cho nó bao nhiêu? Nó có đủ sống không? Sao bà cứ im lặng thế? Nói đến đây bà Răm đổi ngay chủ đề: Mà cũng khốn nạn thật ! Đời thuở nào học xong đại học mà cũng không xin được việc làm? Lại làm cu li cu lít như mấy đứa lớp năm lớp sáu. Thế mới nhục.
          Lúc này có lẽ sự kìm hãm, sự chịu đựng của vợ Hội đã quá giới hạn, lòng thương con, lo lắng cho con của người mẹ đã bùng dậy, đã bùng lên một cách tự phát, vợ Hội gầm lên :Thôi đi! Tất cả thôi đi! Các người đừng có dối trá, đừng có giả tưởng nữa! Ai bảo nó đi học nghề! Các người cứ nghĩ ra thế! Nó đi đâu nào có ai biết? Nó bỏ nhà !  Nó bỏ nhà đi ! Giời ơi  ! Xung quanh nó bao điều xấu xa, tệ hại, nguy hiểm rập rình nó ! Rồi ma túy, rồi lưu manh, trộm cắp , rồi tù tội, khốn nạn quá ! Các người đi báo ngay công an đi! Ới con ơi! Vợ Hội kêu liên tục:
          Con đang ở đâu? Về ngay với mẹ đi ! Về ngay đi ! Đừng có làm điều gì dại dột... Gần một tuần rồi , không biết sống chết ra sao...Vợ Hội, oán trách, kêu gào đến đây cũng là lúc không còn sức lực nữa nên xỉu người ngã lăn ra nền nhà.
          Mọi người hoảng hốt xúm lại bế vợ Hội lên giường. Người lấy tay day day hái thái dương , người móc túi lấy lọ dầu thoa vào mũi, người ép ngực .Tất tật cứ rối cả lên . Chừng mươi phút sau vợ Hội mở mắt, thở nhẹ. Vợ Hội thều thào nói : Ông đi tìm ngay con nó về cho tôi. Ông đi tìm ngay đi... việc cơ quan của ông cứ vất đấy, có người khác làm. Nó mà làm sao thì ông đừng có trách tôi....Đến đây vợ Hội lại nằm im bất động, hai mắt cứ mở to trừng trừng nom rất sợ. Mọi người lại xúm vào cấp cứu. Ai đó nói to: Gọi xe cấp cứu nhanh ! Phải đi bệnh viện ngay!
          Hội móc túi lấy điện thoại gọi xe cấp cứu. Vợ Hội phải nhập viện. Theo xe có bà Răm, bà Hồng và một người của nhà trường, còn Hội phóng xe ra cơ quan.
          Thấy vẻ mặt Hội nặng nề, u uẩn ,anh em trong phòng để mắt, thì thầm với nhau: Sếp Hội làm sao đấy? Trông mệt mỏi lắm. Có lẽ phải hỏi Sếp xem sao?
          Để tao ! Mấy ông ngại, ông sợ thì để tao ! Người nói rõ ràng , mạch lạc, thẳng băng như kẻ chỉ ấy không ai khác là quý tử của chủ tịch tỉnh. Vẫn cái giọng khàn, đục có vẻ ngang ngang , hảo hán ấy hỏi: Sếp có chuyện buồn hay sao mà ủ dột thế? Hội chưa trả lời ngay , Hội kéo ghế ngồi. Đám anh em cũng lịch kịch kéo ghế ngồi quanh. Hội nói: Thằng con tớ nó bỏ nhà đi đâu cả tuần nay không biết ! Hàng xóm, nhà trường đến tận nhà hỏi han, tớ không biết ăn nói thế nào? Đành trả lời cho qua chuyện là con nó thích đi học nghề nên nó bỏ học. Không ai như bà vợ tớ, bà ấy xót con, lo cho con ,cứ gào lên thế này , thế nọ. Bao nhiêu chuyện tiêu cực, tội lỗi trong xã hội bà ấy lôi ra hết rồi chụp lên đầu nó sợ nó mắc phải. Bà ấy căng thẳng quá , ngã lăn ra nhà ngất xỉu, tớ phải gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện rồi. Rõ nhục! Thế chị ấy đang trong bệnh viện huyện à? Phải! Đang trong bệnh viện. Nhiều tiếng thở dài hắt ra nghe phào phào dài sườn sượt. Cũng lúc ấy chuông điện thoại đầu bàn làm việc réo. Hội chỉ tay nhờ người nghe hộ. Như cái máy, một nhân viên đứng gần máy cầm lên nghe. Mọi người chăm chú nhìn theo . Bệnh viện thông báo vợ Hội đã khỏe, chiều tối nay xuất viện. Mọi người phấn khởi lắm. Hội cũng vậy. Hôi nói: Chiều nay phó phòng xin xe văn phòng ủy ban ra viện đón vợ tớ về nhé, chiều nay tớ bận họp không đi được.
          Hội nói dối. Hội thực hiện cuộc hẹn thường kì với người tình tại nhà riêng của ả. Ả phù dung này là một thiếu phụ ngoài ba chục tuổi. Ả có thân hình đẫy đà, phốp pháp bắt mắt cánh đàn ông . Ả có một đứa con trai chừng lên mười, thằng bé này ngô ngô ngọng ngọng kiểu tự kỉ, suốt ngày ôm khư khư chiếc máy tính chơi trò điện tử. Vì thế nó chẳng bao giờ để mắt quan tâm tới người khác, kể cả mẹ nó. Bố nó là một tay du thủ du thực,quần bò, áo phông,đầu cạo trọc, cổ đeo dây chuyền vàng, là tay buôn xe ô tô, xe máy,ăn chơi có hạng ngoài tỉnh . Khi gã biết ả có thai gã đã cao chạy xa bay bỏ mặc ả . Vì thế trở nó trở thành đứa con hoang. Gian nhà hai mẹ con ả ở ả mua lại của người khác . Nhà ả lụp xụp lọt thỏm vào những ngôi nhà xung quanh cũng tạm bợ bằng tre pheo, tấm lợp các loại. Đây là nghĩa địa từ thời trước vẫn còn ngổn ngang nhiều ngôi mộ lớn ,nhỏ xây trát tùy tiện. Dân ở đây thuộc loại tứ chiếng nhảy dù đến dựng nhà để ở.Họ là những người lao động nghèo khó bỏ quê đi kiếm sống. Họ làm đủ thứ nghề từ đóng than tổ ong, lái xe ôm, bán hàng rong,cho đến thứ nghề sang một chút là cắt tóc, lấy ráy tai, sơn sửa móng chân, móng tay, bán hàng vặt trong nhà như xà phòng, kem đánh răng, lọ kẹo,thuốc lào, thuốc lá, chai rượu phục vụ cho chính những người trong khu . Có lẽ ma quỷ cũng không thể làm họ sợ bởi họ có gì đâu để mất. Họ chỉ có hai bàn tay trắng, trần như nhộng. Ở cái xóm nghèo này, mùa hè cánh đàn ông cứ quần đùi, cởi trần, phơi cái bụng , phơi nước da đen cháy đi đi lại lại nhà này sang nhà kia nói chuyện làm ăn ,hay dăm ba câu chuyện tán gẫu . Đàn bà con gái thì kín đáo hơn. Họ là những người không hề biết sợ. Tường nhà , vách nhà của họ dựng sát sạt cạnh những nấm mồ. Họ ăn, ngủ, nghỉ ngay bên cạnh người chết. Chính quyền địa phương đã có phương án di chuyển nghĩa địa này đi nơi khác nhưng nhiều năm nay chưa làm được. Vậy thì tại sao ả lại ở cái nơi ghê sợ như vậy? Ả nghĩ chán, nghĩ chê , ả thấy có nhiều điều phù hợp với ả. Thứ nhất: Tiền của ả có hạn, nhà ở đây dân “Nhảy dù” bán quá rẻ. Số tiền còn lại ả thừa sức trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con ả, cho cửa hàng rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo. Thứ hai: Cái chỗ tồi tàn này ít ai để ý đến ả, ả thoải mái đưa giai về nhà mây mưa làm tiền...
          Từ ngày ả gặp Hội đến giờ cũng ngót nghét hai năm. Chỉ mỗi dịp ả gặp Hội trong quán phở một buổi sáng mà hai bên đã cuốn hút vào nhau. Ả biết Hội là tay máu gái lại có chức, có quyền, thông qua hành động của tay lái xe móc ví thanh toán tiền phở cho Hội, cho ả sau những lần ăn sáng. Một năm ả cho Hội thoải mái dục tính trên thân thể ả không để lại hậu quả. Chỉ lần này ả quyết định phải có con với Hội để buộc chặt Hội. Ả cũng không trông mong gì vào thằng con mắc bệnh tự kỉ.
          Biết chiều nay Hội sẽ đến nên ả đã tắm rửa sớm , xịt thêm chút nước hoa, xoa thêm chút son phấn, nom ả xinh ,trẻ ra cả chục tuổi. Ả vận bộ đồ trắng thướt tha mỏng như không hề mặc, cơ thể ả nổi bật những đường nét, những bộ phận, những điểm quyến rũ. Ả quyến rũ thế Hội chết là phải. Ả khép cửa treo biển” Nghỉ bán hàng” . Ả nóng lòng chờ Hội đến.
          Nói về Hội. Khi mấy anh em trong phòng chuẩn bị lên xe đi đón vợ Hội, có người hỏi Hội có dặn vợ gì không?  Hội lạnh lùng trả lời : Không có gì. Bà ấy khỏe là mừng rồi. Chắc bà ấy bị sốc thôi.  Thấy Hội nói vậy đám anh em ngẩn người hỏi lại: Anh bảo chị ấy bị sốc là sao? Hội biết mình nhỡ lời, nhưng không thể nào sửa được, đành nói: Khổ vì con ! Thằng lớn nhà này bỏ đi, mình cứ nghĩ nó sang bên ông bà ngoại nhưng không phải. Khi đi nó còn lấy của tớ mười triệu đồng mà các cậu đưa dạo nọ. Tệ hại. Mà cũng chẳng ai như vợ tớ, cứ rối lên, khóc lóc tùm lum. Bà ấy cứ lo những gì rủi ro đến với nó, giục tớ đi tìm nó. Đến nhà, các cậu nên động viên, an thần bà ấy hộ tớ.
          Nghe Hội nói thế, cánh đàn em cười, thi nhau nói : Sếp yên tâm, đâu sẽ vào đấy. Chiều nay sếp họp ở đâu? Hội không thèm trả lời . Khi đàn em lên xe cũng là lúc Hội chuẩn bị cho chuyến đi của mình.
          Những ngày cuối thu đầu đông thường hay lạnh về nửa đêm và sáng. Hội mở tủ lấy chiếc áo khoác bỏ vào túi. Hội không mang cặp có lí do của nó. Chiếc túi sẽ nằm bẹp trong phần bụng chiếc xe máy, người ta có nhìn thấy thì cũng coi bình thường. Còn số tiền ba mươi triệu đồng đã hứa với cô bồ bây giờ Hội chịu. Hội đành lòng dùng số tiền mười triệu đồng hạ cấp đưa để cho ả. Muốn gì Hội cũng phải chi. Cái thai trong bụng cô bồ là của Hội. Vậy là Hội nói dối cả hạ cấp của mình.
          Tầm năm giờ chiều Hội khóa phòng làm việc lên xe phóng đi. Trên đường Hội luôn nghĩ tới hình bóng hấp dẫn của ả. Thứ hình bóng như ma lực quyến rũ . Chẳng thế Hội đến nhà ả khi nào Hội cũng không hay. Hội vội vàng phóng xe vào cửa ngách rồi khép khóa lại. Thấy tiếng xe máy thằng con trai ả lớn tiếng gọi mẹ. Nó biết là Hội đến. Nó rời tay, rời mắt khỏi chiếc máy tính bước ra. Thấy Hội, nó nhoẻn miệng cười . Trong đầu nó đang vui mừng vì thế nào mẹ nó cũng cho nó cả trăm ngàn đồng để nó đi chơi điện tử. Đúng như vậy, mẹ nó từ trong phòng ẻo lả bước ra nói: Bây giờ mẹ có việc phải làm. Việc của người lớn, trẻ con không nghe được. Con ra ngoài chơi với các bạn nhé. Khi nào xong việc mẹ gọi điện thì về. Nói rồi ả ấn vào tay nó tờ một trăm ngàn đồng, nó cười tít , vâng cái rõ to rồi hé cửa lách ra ngoài.
          Ả khóa của rồi kéo Hội vào phòng. Ả chỉnh lại ánh sáng đèn đủ để cho Hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ả. Ả cầm tay Hội xoa lên bụng khoe sắp có em bé. Hội không nói gì. Hội rúc rích tận hưởng hết sự đam mê của xác thịt. Gần nửa đêm khi thằng con riêng của ả về chui vào màn ngủ say, cũng là thời gian Hội thủ thỉ với ả về ý định của Hội. Ả chưa nghe hết câu nhưng nhận ra nội dung Hội muốn nói, ả vụt ngồi dậy nói: Anh đừng bao giờ nghĩ như vậy. Em không bao giờ làm việc này. Em sẽ giữ nó. Nó phải thành người. Anh có biết em đang buồn thế nào về thằng con em không? Nó thiểu năng trí tuệ. Nó tự kỉ. Sau này em trông chờ gì ở nó? Anh hiểu không?
Đêm hôm ấy Hội ở lại với ả, Hội không về nhà.

          Chương 5

          Từ lúc vợ Hội được xuất viện cho tới quá nửa đêm , lúc nào nhà cũng đông bà con hàng xóm đến thăm hỏi. Mọi người đến thăm ai cũng thắc mắc là tại sao Hội không có mặt ở nhà. Người này nói:Chắc ở cơ quan có việc quan trọng nên Hội chưa về được ? Người khác phản bác trở lại : Việc gì thì việc , chẳng ai người ta họp hành khuya đến vậy ? Người nọ lại nói: Hay Hội lại đi nhậu bù khú với cánh “ Dạ dày ngâm rượu” ? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra đều bị bà Răm bác bỏ. Bà Răm nói: Ừ thì cứ cho các vị nói đúng, thế tại sao không gọi điện về nhà? Tại sao mọi người gọi điện không gọi được, tắt máy? Nói xong bà Răm nháy mắt mọi người ra ngoài sân có chuyện. Mọi người hiểu ý nên bảo nhau ra ngoài. Trong nhà chỉ còn độc Lương mù ngồi bên cạnh vợ Hội.
          Chờ mọi người ra đủ ngoài sân, bà Răm mới nói : Tôi nói cho mọi người biết nhé, tay Hội dứt khoát lại “Chim gái” chỗ nào rồi ! Khuya thế này mà chưa về, chắc ngủ lại ở đấy! Tổ sư nó chứ! Chồng con cái đéo gì khốn nạn thế ! Vợ ốm, con bỏ đi mà lại làm như vậy!
          Tư điếc đứng bên nghe rõ câu”Con bỏ đi” thì reo lên: Bà Răm cứ nghĩ xấu về cha Hội là thế nào? Bà nói thế chỉ tổ rối lên! Tôi nghĩ thế này, chắc mọi người đồng ý? Có tiếng nói chen vào: Nghĩ gì thì nói mẹ nó đi ! Cứ dài dòng văn tự. Sốt cả ruột ! Tư điếc nói: Trăm phần trăm cha Hội đi tìm thằng con ôn vật đó rồi ! Mọi người im lặng vài phút rồi lại rộ lên: Đếch phải ! Đéo phải thế! Bà Răm nói mới chính xác. Tôi khẳng định lại là cha Hội đi “Chim gái” ở xa. Có thể ở cuối huyện, hay đầu huyện, mà cũng có thể ở ngoài thị xã! Tóm lại chỉ có giời biết Hội chơi gái chỗ nào. Bây giờ nhà nghỉ mọc lên như nấm, mọi người không biết à?
          Câu chuyện bàn tán xì xầm của mọi người cơ hồ chưa kết thúc thì có tiếng Lương mù kêu toáng: Vào đây ! Vào ngay đi ! Bà ấy làm sao rồi ! Thấy thế mọi người hốt hoảng chạy vào. Vợ Hội ngáp ngáp, hai mắt trợn lên toàn lòng trắng , người co giật . Mọi người xúm lại, người ép tim, người xoa mặt, bóp chân , bóp tay. Vừa làm bà Răm vừa kêu bà Hồng gọi xe cấp cứu. Cứ thế , năm phút , mười phút rồi nửa tiếng, cả giờ đồng hồ trôi qua, vợ Hội mỗi lúc một lịm đi. Không khí thật căng thẳng. Đã có tiếng sụt sịt khóc
Xe bệnh viện huyện đến. Mọi người tản ra nhường chỗ, nhường công việc. Vợ Hội yếu lắm. Bác sĩ bảo y tá cho vợ Hội thở ô xi...Qua ánh sáng của bóng đèn điện, của đèn soi trên tay bác sĩ , mọi người nhìn thấy ánh mắt của vợ Hội cứ dại dần. Bác sĩ lắc đầu bảo : Ai là người nhà của bà ấy lại đây? Không có người nhà, toàn bà con hàng xóm ạ .Chồng bà ấy không biết đi đâu? Ở đâu? Suốt tối gọi điện không được ! Thằng con lớn bỏ nhà đi cả chục ngày rồi. Đứa con gái thì về quê với ông bà ngoại. Bác sĩ nói: Bà ấy mất rồi! Ở bệnh viện chiều nay bà ấy đã bình thường, được xuất viện. Bà ấy bị sốc nặng nên xuất huyết não. Mọi người phải bình tĩnh. Ai lấy chăn của gia đình đắp cho bà ấy, đợi sáng mai .
          Nhiều tiếng thở dài não nuột : Thế là hết ! Thế là xong một đời người! Cầu cho linh hồn bà ấy siêu thoát.
          Bà Hồng nói: Bây giờ phải có người xuống báo cho trưởng thôn để họ biết. Báo thêm cho vài nhà gần đây nữa. Đêm nay phải cắt cử người ở đây. Có lẽ bà Răm đi báo trưởng thôn, tôi và chú Tư đi báo mấy nhà gần đây. Nghe bà Hồng phân công đến nhà trưởng thôn bà Răm giãy nảy người nói: Tôi không đi đâu, sợ ma lắm ! Để Tư điếc đi. Tôi báo những nhà gần đây.
Đêm khuya ở thôn quê thật tịch mịch. Trời tối như mực. Tiếng chó sủa vu vơ. Những bờ bụi lao xao tiếng gió thổi. Sương đêm lành lạnh. Một cảm giác dễ sợ hãi .
          Năm giờ sáng hôm sau, lão Mạnh phóng xe máy xuống huyện báo tin cho cơ quan Hội. Sáng sớm mọi người chưa ai đến làm việc, có độc một nhân viên bảo vệ.
          Nhà Hội đông kín bà con và đại diện chính quyền địa phương. Mọi người nhao nhao nói: Khổ bà ấy thế ! Bị sốc quá mạnh đấy mà ! Mà cũng không hiểu cha Hội đi đâu? Bà ấy lúc sống cũng khổ. Khổ vì chồng, vì con. Cả đời bà ấy hiền lành, ăn ở có trước, có sau, cấm mất lòng ai bao giờ. Mấy ngày trước bà ấy còn ngồi ăn uống với Hội, vợ chồng cái Phượng, cái Hoa ở nhà hàng ông Hai Bốn cơ mà...Vợ chồng ông Hai Bốn, vợ chồng Mạnh, vợ chồng Kết thay phiên nhau ngồi túc trực bên vợ Hội. Ông trưởng thôn nói: Mọi thủ tục đám phải chờ anh Hội về.
          Mãi tầm tám giờ sáng Hội mới có mặt ở cơ quan. Phóng xe gần đến nơi Hội thấy nhiều người đang túm tụm lại phía sân. Hội nghĩ chắc có chuyện gì nên mới đông người thế? Trong óc Hội hình thành rất nhanh những giả thiết : Có thể là một vụ kiện cáo gì của dân tranh chấp đất. Cũng có thể trong số cán bộ huyện bị điều chuyển đi đâu đó? Mà cũng có thể Hội có quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch huyện như lời Quang nói . Nghĩ đến đây Hội vui ra mặt. Tâm lí thấy nhẹ nhõm, sảng khoái. Hội phóng xe vào nhà  xe rồi đến thẳng phòng làm việc.
          Đám người tản ra lởn vởn bên ngoài, chỉ có dăm người thuộc lãnh đạo các phòng ban mới vào phòng của Hội. Thấy vậy Hội hơi nhột dạ. Một người trong đám họ nói: Ông Hội chưa biết gì à? Chuyện gì quan trọng vậy? Hội hỏi lại. Ông phải bình tĩnh nghe tôi nói, cả đêm qua ông đi đâu,ở đâu mà ở nhà điện thoại cho ông không được? Hội lấy lại vẻ bình tĩnh trả lời: Có chuyện gì thế? Hay là bà vợ tôi làm sao? Hội tỏ vẻ hốt hoảng. Ông ra xe đi, chị ấy mất lúc nửa đêm hôm qua rồi. Mấy anh em sẽ cùng về với ông.
Xe ô tô của huyện chở Hội và bốn vị cùng ghế trưởng phòng về nhà Hội. Trên xe Hội nghĩ ra cách trả lời bà con hàng xóm về việc không gọi được điện thoại cho Hội. Hội nói với mấy người trên xe bằng giọng thỉnh cầu, nhờ vả: Nói thực với mấy ông, không phải là đêm hôm qua, mà từ tối qua, tôi có việc hệ trọng về thằng con trai bỏ nhà đi như anh em biết đấy. Tôi phải đi tìm và nhờ vả đến cả chục người bạn thân thường hay đi nam đi bắc nhờ vả họ tìm hộ thằng con . Chuyện dài, phức tạp, bao nhiêu phương án đưa ra, mọi người trao đổi thống nhất , cắt cử người đi về các tỉnh để tìm cháu. Nửa đêm, người mệt,  đường xa, tôi ngủ lại nhà bạn.
          Các ông biết để giải thích với bà con khi họ có hỏi. Thấy Hội nói vậy, tay phó phòng của Hội thống nhất tắp lự, và còn nhận làm mọi việc để Hội yên tâm.
          Về đến nhà, Hội chạy xồng xộc vào đến nỗi vấp ngã. Hội không cần chào hỏi ai, không cần nhìn mặt ai, Hội quỳ xuống bên xác vợ đang được chùm chăn kín đầu. Hội phủ phục hồi lâu rồi mới vén chăn nhìn mặt vợ. Hội mếu máo thảm hại.
          Ngoài sân anh trai Hội là Tiến và trưởng thôn, đại diện lãnh đạo xã, và nhiều người cao tuổi như ông Hai Bốn, lão Mạnh đang lên kế hoạch tổ chức tang lễ.
          Phía vườn cây mấy chiến hữu của Hội đang thực hiện công việc của mình. Những người nghe dường như bị thuyết phục. Họ nói: Ừ có thế chứ ! Đúng là không gọi điện được. Cái thằng con trời đánh ấy làm khổ bố mẹ. Mẹ nó chết cũng vì nó !
          Mặc dù có lời giải thích sự vắng mặt của Hội trong thời điểm vợ Hội mới xuất viện và khi mất của cánh phòng ban ở huyện, nhiều người trong làng Vàng tin là đúng,là chính xác, kể cả những bậc cao niên như ông Hai Bốn, lão Mạnh, nhưng cũng còn một số người không tin vào điều ấy. Họ vẫn thì thầm bàn tán, suy xét sau ngày vợ Hội mất. Họ trao đổi: Mấy người cơ quan Hội nói thế để tránh cho Hội nhận những lời căm giận của bà con.
Bà Răm, Lương mù ,vợ chồng Du, Tư điếc là những người thể hiện quan điểm của mình cứng rắn nhất, luôn khẳng định Hội không hề quan tâm tới vợ, ngay cả khi vợ trong tình trạng căng thẳng, nguy hiểm nhất. Hội dứt khoát có bồ bịch ở đâu đó ngoài thị xã, thậm chí ở xa hơn. Hội là người cao thủ trong việc ẩn mình khi cần thiết , tránh những bất lợi cho mình trong những tình huống nhạy cảm như vừa qua. Lương mù còn bô bô nói: Tôi nói to để mọi người rõ: Bây giờ là thời đại thông tin, chỉ cần dăm ba phút là cả nước người ta biết. Làm gì Hội phải đi đâu đến nỗi cả đêm như vậy. Ngụy biện ! Ngụy biện !

          Chương 6

          Thấm thoát cũng tới giỗ bốn chín ngày của vợ, cũng là ngần ấy ngày thằng con trai Hội bặt vô âm tín. Trước ngày giỗ vợ dăm hôm, Hội nghỉ việc cơ quan một buổi, đích thân Hội đến từng nhà bà con trong làng mời mọi người. Ở làng Vàng những năm gần đây, những đám hiếu hay đám hỉ, mọi nhà đều thuê đầu bếp chuyên về nấu nướng các món ăn, thuê người phục vụ từ loa đài, bàn ghế, phông màn, bưng bê, dọn dẹp, người nhà không phải nhúng tay vào bất cứ việc gì. Giỗ vợ, Hội không làm như vậy. Hội cất công đến hội phụ nữ xã, phụ nữ thôn trình bày cặn kẽ quan điểm gia đình là muốn có tình cảm mộc mạc, thân tình của tình làng, nghĩa xóm đối với vong linh của vợ. Nghe Hội nói thấu tình thấu lí nên hội phụ nữ chấp thuận. Hội đưa tiền để họ tự quyết định mua bán thực phẩm, tự quyết định món nấu. Năm chục mâm cao cỗ đầy toàn thứ ngon nổi tiếng được xếp trên bàn rải khăn vải hoa mới, dân làng Vàng được bữa nhà đám thịnh soạn ngoài ý muốn. Riêng việc này, mọi người đã rôm rả trò chuyện, khen Hội ra mặt .Tất cả những lời ngợi khen đều đến tai Hội, Hội chỉ đáp lại bằng lời ngắn gọn : Tôi vô cùng cám ơn những tình cảm yêu thương, đùm bọc của bà con làng xóm, trong lúc tắt lửa, tối đèn...
          Trong làng xã những người nổi tiếng khó tính, thẳng thừng như bà Răm, ông Hai Bốn, thậm chí đến cả Lương mù, Tư điếc cũng phải tâm phục , khẩu phục việc làm của Hội. Bài phát biểu của Hội còn ghê gớm hơn, còn chấn động hơn. Hội ngầm thuê cánh viết chuyên nghiệp ngoài tỉnh bí mật về tận nhà, tận làng, tận xã xem xét ,viết cho Hội . Bài viết thấu đáo cộng với mồm mép, chất giọng của Hội khiến mọi người xúc động. Nhiều người trao đổi: Trước đây cứ nghĩ lão ấy là người khô khan, lạnh nhạt, không tôn trọng vợ, ai ngờ lão lại tình sâu, nghĩa nặng với vợ đến thế. Có người còn sụt sịt khóc. Ngay cả cánh đàn em dưới huyện cũng phải bái phục, ngả mũ chào: Ông anh giỏi quá! Nghe ông anh đọc đoạn nói về vợ, về bà con làng xã bọn em nổi cả da gà vì xúc động.
          Kết thúc công việc bốn chín ngày của vợ, Tiến anh trai Hội nói về việc gia đình: Kể từ ngày mai, cháu nhỏ sẽ về ở với ông bà ngoại, bác đồng ý với đề nghị của ông bà ngoại cháu. Hàng tuần chú Hội về thăm con là được. Cháu không thể ở với chú, chú còn nhiều công việc phải làm. Chuyện học hành của cháu bác sẽ lo. Còn chuyện thằng lớn bỏ nhà đi, bác cũng nhờ nhiều người kể cả  thông tin đại chúng tìm cháu nhưng chưa thấy kết quả. Mọi người ở nhà cũng đừng quá lo, quá suy nghĩ về nó để ảnh hưởng đến sức khỏe. Gia đình đang nhiều chuyện buồn thì đừng buồn thêm nữa. Người mất thì cũng mất rồi, người sống còn phải lo làm ăn, buồn không giải quyết được gì đâu. Thằng cháu đã dám bỏ nhà đi thì nó cũng không phải đứa vừa. Nó sẽ không đói, không rét, không chết. Nó sẽ biết đường lo liệu cho nó. Chắc cũng chỉ mươi ngày nữa tiêu hết tiền ông tướng về thôi. Còn chuyện nhà cửa, chuyện chăn nuôi lợn gà, vườn rau, đồng ruộng thì giải quyết thế này: Lợn gà chuyển về nhà ông bà ngoại cháu nuôi, đồng ruộng có mấy sào chú cho người ta thuê, nhà cửa khóa lại....Nghe Tiến sắp đặt thế mọi người cũng thống nhất.
          Sáng hôm sau Hội đến cơ quan làm việc. Vừa thấy mặt Hội ngoài sân cơ quan, phó chủ tịch huyện đã vẫy tay gọi Hội lại nói: Tớ để trên bàn làm việc cậu một tập đơn từ thắc mắc, tố cáo của dân về chuyện đất cát đấy. Cậu đọc nhanh, đọc kĩ rồi cho tớ biết ý kiến . Phức tạp đấy. Bộ mặt nông thôn càng đổi mới, tranh chấp càng xảy ra. Thế nhé, cậu về làm việc đi.
          Hội về phòng làm việc. Đám chuyên viên trong phòng đang ngồi trà lá thấy sếp về, kẻ nhường ghế, kẻ rót nước mời . Hội đặt mông xuống ghế một cách nặng nề, uể oải. Thấy vậy tay phó phòng nháy mắt người bên cạnh, ra tay làm hiệu ý đấm lưng cho Hội. Hiểu ý người ấy nói: Em tẩm quất lưng cho anh đỡ mỏi nhé! Ừ! Cậu làm đi! Tớ mềm hết cả người! Bốn chín mới năm mươi ngày? Toàn là hủ tục! Chết là hết! Còn mẹ gì đâu mà bốn chín với một trăm! Sau này tớ có già chết tớ giải tán chuyện này! Thấy Hội nói thế, cả đám cười. Có tiếng nói: Người sống giỗ người chết chứ người chết biết gì giỗ mới lạt ! Ừ, đúng! Thế mới phải để di chúc lại ! Cả đám lại cười.
          Sau mười lăm phút mát sa , Hội gọi tay phó phòng đến bàn làm việc giao tập đơn từ kiện cáo :  Ông đọc đi, đọc nhanh, đọc kĩ rồi cho tớ biết ý kiến. Tay phó phòng nhận tập hồ sơ đem về bàn làm việc của mình rồi hắng giọng gọi tay chuyên viên : Tướng Hòa lại đây, ông đem về đọc nhanh, đọc kĩ rồi cho tớ biết ý kiến ! Dạ! Vâng! (Cái bệnh quan liêu là thế, quan trên sai quan dưới). Công việc của Hội buổi sáng thế là xong. Bây giờ Hội phải phóng xuống nhà ả nhân tình  Hội lục tục chuẩn bị khăn gói lên đường.
          Thấy sếp sắp đi cánh dưới cũng âm thầm chuẩn bị . Người về nhà, kẻ ngao du với bạn bè ngoài quán.
          Tay phó phòng rủ thêm một nhân viên đi xuống nơi người dân phát đơn kiện cáo.

           Chương 7

          Cầm tập hồ sơ, phó phòng tài nguyên huyện ngồi trao đổi với lãnh đạo địa phương. Phó phòng đề nghị lãnh đạo địa phương lần lượt phát biểu.
Tay chuyên viên phòng tài nguyên đặt máy ghi âm trên bàn thu lại các ý kiến.
          Người đầu tiên phát biểu là phó chủ tịch xã phụ trách điền thổ. Vị này nói: Mảnh đất này thuộc đất không lưu,chưa có chủ, thuộc quyền quản lý của xã có diện tích khoảng một trăm ngàn mét vuông với chiều sâu cỡ hai trăm mét, còn lại là chiều dài nằm dọc theo đường...phó chủ tịch đứng dậy cầm que chỉ vào tấm bản đồ địa chính  trên tường..
          Khi vị phó chủ tịch trình bày xong, chủ tịch xã phát biểu: Xã này thuộc diện nghèo. Kinh tế phát triển chậm, đa số thuần nông. Mấy năm gần đây mới nổi lên vài hộ gia đình liên kết với nhau để làm ăn, thu nhập còn khiêm tốn. Đó là ẩm thực Việt ; trang trại nuôi lợn rừng; trang trại gà. Xã nhận thấy đó là mô hình khởi sắc, vốn đầu tư ít, phù hợp với giai đoạn đầu của dân địa phương. Tập thể lãnh đạo xã đã họp và quyết định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Dần chuyển từ hình thức cá thể sang tập thể . Xét thấy việc này phù hợp với nghị quyết của huyện ủy...
          Tiếp là Bí thư đảng ủy: Đây là một chủ trương đúng của chúng tôi. Công việc được tập thể đảng ủy xã thông qua với một trăm phần trăm ý kiến thuận. Không có ý kiến phản đối. Việc triển khai đảng ủy giao đồng chí chủ tịch xã triển khai thực hiện. Các bước triển khai đồng chí chủ tịch và tập thể đều làm đúng quy trình. Cụ thể: Xã ra thông báo rộng rãi trong địa phương để dân biết, ra quyết định thành lập tổ mời thầu, xét thầu , các bước đều công khai.
          Khi lãnh đạo địa phương trình bày xong, phó phòng tài nguyên môi trường huyện phát biểu:Trên tay tôi là tập đơn thư khiếu kiện, tố cáo của dân về việc làm của các đồng chú. Các đồng chí đã đọc hết số đơn này chưa? Xã đã tổ chức một hay nhiều buổi trả lời dân chưa?
          Thấy phó phòng tài nguyên huyện hỏi vậy, chủ tịch xã cười lớn, trả lời tự tin:Các đồng chí yên tâm. Chúng tôi làm đúng quy trình. Đã tổ chức họp rồi nhưng số người kia không chịu nghe. Họ yêu cầu việc bán hoặc cho thuê phải dành cho người dân địa phương, không chấp nhận người nơi khác. Rồi hồ sơ chào thầu có vấn đề quân xanh quân đỏ...
          Đợi có thế, tay chuyên viên đưa mắt liếc đồng hồ. Vị phó phòng kết luận: Các đồng chí làm thế là tốt. Cứ đúng quy trình mà làm. Hôm nay ta dừng ở đây. Chúng tôi có cuộc họp với lãnh đạo huyện. Kì họp sau ta làm tiếp. Nói xong phó phòng  ra bàn uống nước. Tay chuyên viên vừa thu cất máy ghi âm vừa nói những câu vớt vát: Cứ đúng quy trình mà làm các đồng chí ạ. Đúng quy trình thì họ có kiện lên giời cũng bằng không. Dân ta bây giờ cũng hay thắc mắc, hay kiện tụng lắm. Làm lãnh đạo bây giờ vất thật.
Mặt trời lên cỡ cây sào. Cái nắng ong ong cộng với độ ẩm của trận mưa lớn trái mùa đêm trước gây cảm giác khó chịu.
          Bí thư đảng ủy đích thân pha trà, rót trà mời nước khách.
Chủ tịch xã xoa xoa tay nói: “Đồng chí chị nuôi” của chúng tôi có việc đột xuất, xin nghỉ .Do vậy cơm canh trưa nay không có người nấu. Anh em thông cảm, tự lo nhé....Chủ tịch mở cặp cầm tập phong bì tiền trao tay từng người...Chủ tịch còn nói thêm: Suất ăn trưa này gửi cho trưởng phòng Hội nhé. Phó phòng cầm giúp.
          Trên đường về, phó phòng và chuyên viên cười kháo chuyện nhau : Em phục anh đấy! Anh dàn trận như thế cánh xã còn phải hầu mình nhiều lần. Cái phong bì em thấy cũng dày đấy...Cậu mở xem nó phong bao bao nhiêu? Năm trăm ngàn mới cứng cựa anh ạ . Thế chứ? Mình cứ nhẹ nhàng, cứ kéo dài ra, đôi lúc soi tí để họ sợ phải chi cho cánh mình...Càng nhiều vụ kiện cáo cánh mình càng có lộc . Phong bao của Sếp Hội em thấy nặng hơn của anh đấy? Sếp sướng thật ! Tuần chay nào cũng có nước mắt. Cậu nói đúng! Phấn đấu đi để làm quan để hưởng lộc? Anh nói đùa, em có phấn đấu cả đời mà không có bề trên giúp đỡ, dìu dắt thì có đến mùng thất... Nghe tay chuyên viên nói phó phòng cười khen: Cậu em cũng kinh nghiệm nhỉ?Mới nhập cuộc mà ranh đáo để...
          Nói về cánh địa phương sau buổi làm việc, ai nấy đều thở dài. Cái điệu thở dài sườn sượt của những tâm trạng ưu phiền. Chủ tịch nói: Tệ hại thế đấy ! Tụi nó xuống để đào mỏ mình! Đã giúp được mình cái gì đâu? Không biết vụ này còn kéo dài đến bao giờ ? Tụi nó còn kể chuyện tay giám đốc công ty nọ, bán toàn bộ khu dịch vụ nhà nghỉ, cửa hàng, cửa hiệu của công ty cho bên ngoài có non hai chục tỉ đồng....Rồi kiện cáo nhau... Thanh tra, công an kinh tế vào cuộc cả trăm lần... Nghe đâu số tiền gã bỏ túi vài tỉ cũng chi ra hết mới thoát thân...Tụi nó kể thế nhắc khéo mình ! Nghe chủ tịch nói như than thở, bí thư cũng rầu cả lòng. Bí thư hỏi chủ tịch: Ông kể chuyện ấy làm gì? Chuyện mình phong bao cho họ ăn trưa, khỏi mất thời gian để họ tranh thủ giúp mình tìm ra cái sai, cái sơ hở để khắc phục, hoàn thiện hồ sơ, chứ không phải bịt miệng họ. Còn chuyện mời thầu, xét thầu dân họ kiện là quân xanh quân đỏ, ba hồ sơ ba con dấu nhưng thực chất chỉ là một doanh nghiệp. Tại sao ? Chiều nay ông mời lão : “Bình cũ rượu mới” đến đây để ta trao đổi lại. Cáo già như lão mà còn sơ suất!
          Đúng hai giờ chiều ông “Bình cũ rượu mới” có mặt tại ủy ban. Sau khi nghe lãnh đạo nêu vấn đề, ông Bình cầm ba bộ hồ sơ cẩn thận kiểm tra từng trang, mới mở tới nửa tập ông đã phát hiện ra những kẽ hở đúng như đơn thư kiện. Ông gọi điện cho nhân viên đến đem về chỉnh sửa.
          Xong việc, ông “ Binh cũ rượu mới” nói: Các anh đừng lo, cánh huyện nó về mặc kệ nó. Mấy thằng phòng tài nguyên về các anh tốn  bữa cơm trưa, kịch bản của lãnh đạo cả đấy. Các vị bí thư, chủ tịch huyện có suất cả rồi. Chuyện kiện cáo các anh để tôi lo. Cậu Kết tôi còn lạ gì. Tôi gọi điện cho Kết lên đây để các anh chứng kiến nó rút đơn về . Nói xong ông ra ngoài.
          Khoảng mười lăm phút sau ông mới quay lại. Vào phòng ông cười nói: Kết nó đang đến.
          Bí thư, chủ tịch nháy mắt nhau bỏ ra ngoài.
          Kết đến. Ông rót nước mời. Kết cười nói nhỏ: Sao anh không nói với em trước. Em cứ nghĩ là cánh ở đâu nó về mua. Giờ biết của anh em ủng hộ cả hai tay.
          Trong lúc chờ đợi. Ông rút trong cặp ra tờ bản đồ quy hoạch vùng. Ông chỉ cho Kết vị trí nhà đất Kết đang ở. Ông chỉ con đường liên tỉnh bề mặt rộng tới ba chục mét trong tương lai gần sẽ chạy song song sát với đất nhà Kết. Ông nói chỉ vài năm nữa mảnh đất nhà Kết sẽ là vàng. Ông khuyên Kết ngay bây giờ tìm cách mua lại đất của mấy nhà phía sau để đất nhà Kết có thêm chiều sâu.
          Nghe tận tai những điều to lớn mà Kết không hề mảy may biết, Kết giật mình vì những thông tin ông Bình đem lại. Kết nghĩ thảo nào các quan chức giàu đến thế? Những vị trí đắc địa trong quy hoạch nằm trong tay họ, họ chỉ việc phẩy tay là cả trăm cây vàng, ngàn cây vàng nằm trong túi. Cánh dân khác gọi là có tiền tỉ cũng là đám ăn theo,mua đi ,bán lại. Còn dân đen muôn đời cũng là dân đen, vất vưởng chỗ đầu thừa, đuôi thẹo, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quanh năm vất vả kiếm cái ăn đủ bỏ vào mồm. Không biết đến khi nào họ mới có số tiền hàng trăm triệu để mua một mảnh đất ven đường để buôn bán sinh nhai hoặc bán đi kiếm lời?
          Kết đã lơ mơ đến chuyện sẽ trao đổi, thậm chí xui người dân làm đơn xin cấp đất ven đường.
          Kết gật gù hỏi ông Bình: Anh có thể cho em biết chỗ đất ấy anh sử dụng vào việc gì? Hay anh định bán ngôi biệt thự ra ngoài này ở?
          Nghe Kết hỏi ông Bình chỉ cười. Ông nghĩ mà thấy thương hại Kết. Cái thằng suốt năm, suốt tháng chỉ cắm đầu với chuồng trại, quên hẳn chuyện nhà đất đang là cơn sốt trong xã hội. Ông không cần phải giấu Kết ý đồ của ông. Ông nói:
          Mảnh đất ấy tớ sẽ mở khu dịch vụ tổng hợp đầu tiên ở huyện. Có cây xăng, có các quầy hàng ăn,uống lớn. Lớn hơn nhiều khu Ẩm thực Việt. Có quầy bán đồ lưu niệm, quầy bán phân bón, thuốc nông nghiệp, quy mô cũng lớn, vân vân... Tớ để một phần đất làm chỗ đậu xe, chỗ xe ra vào hợp lý . Cậu có muốn kinh doanh gì nữa thì nghĩ đi tớ giúp? Ví như đặc sản thịt lợn rừng, trứng gà, trứng vịt sạch...
          Tận mắt thấy tấm bản đồ quy hoạch, nghe ông Bình nói Kết sướng ra mặt , cứ gật gù nghe, gật gù tán thưởng. Ông Bình còn nói Kết có thiếu tiền ông sẽ cho vay...
          Bí thư và chủ tịch xã về phòng. Kết lên tiếng chào. Bí thư, chủ tịch vừa ngồi xuống ghế, chủ tịch đã lên tiếng: Chúng ta làm việc : Chiều nay ủy ban xã mời anh Bình, anh Kết đến làm việc với lí do gì chắc hai anh đã biết. Đó là đơn từ khiếu kiện của anh Kết gửi lên xã về việc hồ sơ đấu thầu của anh Bình có vấn đề. Ở đây tôi không nhắc lại vấn đề này. Trong đơn của anh Kết còn có chữ kí của mấy gia đình xung quanh. Ở đây tôi nhắc lại vắn tắt quan điểm phát triển kinh tế của lãnh đạo xã là đưa xã nhà phát triển mạnh về nông nghiệp và dịch vụ. Mảnh đất anh Bình vừa rồi trúng thầu là hoàn toàn khách quan, đúng quy trình,không có tư lợi gì trong đấy. Mà ví như nếu có thì có lợi cho dân. anh Bình cũng là dân, là người địa phương. Vậy mà văn bản chưa khô mực đã xảy ra kiện tụng, thắc mắc. Đơn từ gửi gửi lên cả huyện. Huyện cử cán bộ về xã làm việc...Chuyện này hai anh nghĩ sao? Nếu cần chúng tôi sẽ hủy quyết định, dừng dự án, xã sẽ thiệt thòi, người dân sẽ thiệt.
          Ông Bình tiếp lời: Phát triển kinh tế địa phương là nguyện vọng của mọi người. Công ty của tôi có trúng thầu mảnh đất này thì cũng là làm kinh tế góp phần làm giàu địa phương. Ví như mảnh đất này rơi vào tay người tỉnh ngoài thì anh Kết nghĩ sao? Tôi là người địa phương chắc phải được ưu tiên hơn chứ? Chưa kể sau này tôi tuyển người địa phương vào làm việc, có phải là lợi đôi đường không ? Cũng chính vì anh Kết hiểu lầm ba bộ hồ sơ đấu thầu là của doanh nghiệp khác, anh Kết mới phát đơn khiếu kiện. Nay anh Kết đã rõ, tôi nghĩ anh Kết nên rút đơn về, anh Kết thấy sao?
          Bí thư, chủ tịch nghe ông Bình nói thế trong lòng bâng khuâng, lo lắng? Kết sẽ trả lời ra sao? Đồng ý rút đơn về hay không rút?
          Bí thư nói: Sự việc đã rõ, người làng với nhau anh Kết thấy thế nào?
          Chủ tịch nói: Cứ để anh Kết suy nghĩ. Ta cần đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân anh Kết ạ?
          Kết với vẻ mặt bình thản, lạnh lùng: Tôi bằng lòng rút đơn về. Tôi không có ý kiến gì khác. Tôi đồng tình với quan điểm của các vị.
          Kết nói xong, ông Bình vỗ tay cám ơn khiến bí thư, chủ tịch,và cả Kết nữa cũng vỗ tay theo. Sau buổi làm việc,ông Bình còn hể hả mời mọi người ra nhà hàng Ẩm thực Việt ăn cơm chiều.

(Còn tiếp)

Đã đăng:
Tập 1:
Tập 2:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét