- Cảm tác khi đọc 2 tác
giả: Nguyễn Khôi,
Nguyễn Bàng viết về Văn
Thùy "dị nhân" -
Cuống quýt với thơ
Lử đử cùng thơ
Say thơ như điếu đổ.
Cả đời
Đánh đổi
Được gì?
- Dăm ba bài thơ dán tem "thơ bụi'. (1)
Thiếu vợ
Thiếu con
Đâu phải Kép Tư Bền
Sao cứ bắt miệng cười tim héo.
Đời lắt léo
Phận eo sèo
Thây kệ thế gian úp mở.
Giả ngố
Mượn chữ bày trò
Vác thơ
Tưng tửng.
................
(1): Chữ
dùng của nhà thơ Nguyễn Khôi
Ân Thi, đêm 22 tháng 04.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH CỦA
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH:
Đọc Văn Thùy “Dị Nhân”
của Đặng Xuân Xuyến tôi thấy người gai gai, rạo rực, cứ ngỡ bài thơ này là viết
về mình, viết cho mình vì thấy có bóng dáng tôi ở trong đó. Tôi tin, khi đọc
Văn Thùy “Dị Nhân” sẽ không ít người thơ, nhà thơ có tâm trạng, cảm giác gai
gai, rạo rực giống tôi. Đó chính là thành công của bài thơ, của nhà thơ. Thường
thì những bài thơ đi vào lòng người là tuy viết về một người mà có hình ảnh của
nhiều người, viết cho một người mà như viết cho nhiều người. Đó là thứ thơ có
chất trời, chất đời, chất người. Văn Thùy “Dị Nhân” là bài thơ như thế.
Bài thơ không hề kể lể,
chau chuốt hay dụng công đắp vẽ mà cứ hồn nhiên, nhịp nhàng, đầy tràn “ứ hự”...
Này
nhé: “Cuống quýt với thơ/ Lử đử cùng thơ/ Say thơ như điếu đổ.”, không
tả trời, không tả đất, không tả người... mà hình dạng thi nhân đã ngất ngưởng
bước ra. Cứ cái đà đồng đảo này thì thi nhân sẽ “kinh thiên - động địa” chẳng
khác Nguyễn Công Trứ, chẳng kém Tú Xương, nhưng không, tác giả đã cho người đọc
biết mình nhầm để tỉnh ngay khi đọc tiếp đến câu thơ nhẹ nhàng mà thôi thúc,
ngắn gọn mà súc tích, tĩnh mà tỉnh: “Cả đời / đánh đổi / được gì?”. Hai
câu “Cả đời/ Đánh đổi” đã dựng lên, đã thắt lại cái triết luận: Tất cả
là luân hồi, nhân quả và vô thường. Sự thành bại là sự đánh đổi của cuộc đời.
Chữ “đánh đổi” đúng là “nhãn tự”, là lò so co giãn của bài thơ, như sợi
chỉ xuyên suốt cấu tứ bài thơ. Nhà thơ tự hỏi “Được gì?” song lại tự lý
giải, bình báo ngay sau đó: “Dăm ba bài thơ dán tem thơ bụi”. Rồi tiếp:
“Thiếu vợ/ Thiếu con/ Đâu phải Kép Tư Bền/ Sao cứ bắt miệng cười tim héo”.
Ôi đau quá! Buồn quá! Tác giả thật khéo ẩn dụ đặt con “tim héo” bên cạnh
“miệng cười”, đọc mà thấy nặng tình nặng nợ. Khiến người đọc ngậm thở
rồi mà phải thượt dài, phải thán phục và công nhận cái giá của sự say xưa, của
sự đánh đổi được mất con chữ thi ca “thơ bụi”. Tôi đồ rằng, khi viết những câu
thơ này, Đặng Xuân Xuyến phải nén lòng lắm để nước mắt khỏi tràn vào câu chữ,
để hình ảnh của Văn Thùy “dị nhân” được sống động, rất đời: ngông ngạo, tài hoa
mà chất nặng đắng cay.
Tác giả thơ lại tiếp tục
điềm tĩnh, công tâm, phán nhận: “Đời lắt léo/ Phận eo sèo” rồi nhập tâm
nhập thần mà nói hộ tâm trạng, bản lĩnh của Văn Thùy “dị nhân”: “Thây kệ thế
gian úp mở”.
Những câu thơ: “Giả
ngố/ Mượn chữ bày trò/ Vác thơ/ Tưng tửng” được cất lên bằng giọng điệu bất
cần và hài hài, đã khắc họa nổi bật lão thi sĩ với hình ảnh ngạo ngạo, ngông
ngông, dị dị mà tài hoa và bản lĩnh. Thử hỏi, không tài hoa, không bản lĩnh thì
làm sao lão thi sĩ có thái độ ngông ngạo, bất cần: “Thây kệ thế gian úp mở”?
Không tài hoa, không bản lĩnh thì lão “dị nhân” có thể “mượn chữ bày trò”
khiến thiên hạ phải mắt tròn mắt dẹt?! Hình ảnh thi sĩ “vác thơ/ tưng
tửng” khiến ta liên tưởng nghĩ tới hình ảnh Đức Chúa Giê Su vác cây thánh
giá đi khắp cõi truyền giảng đạo, cứu nhân độ thế. Đọc đến đây, đến câu cuối
bài thơ thì cái dáng dấp hình thể, cái thần thái hồn vía của lão thi sĩ dị nhân
ngất ngưởng, ngông ngạo, không phải là Văn Thùy “dị nhân” thì là của ai mà nhập
hồn nhập bóng này được?! Văn Thùy xứng lắm chứ. Chân dung này thật xác thực và
sống động. Nó cựa quậy đồng đảo lắm chứ. Tôi đồ rằng, tác giả vẽ chân dung này
phải là người có tài quan sát và tinh tế lắm mới có thể khắc họa “hô sĩ nhập
hồn” chân dung quậy sĩ dị nhân Văn Thùy thêm kỳ kỳ, ngộ ngộ.
Xin
thưa, vì tôi cũng có quen biết Văn Thùy, có biết chút ít về ông: Ông là người
tài hoa (chụp ảnh siêu, vẽ họa giỏi), thơ hay và chí khí tang bồng hồ thỉ nhưng
phần gia cảnh thì hình như hơi thiệt thòi, công danh cũng chẳng thuận... Nên
tôi đánh giá bài thơ Văn Thùy “Dị Nhân” này là bài khá, vì tác giả không kể lể
kẻ vẽ mà đã khảo dựng được chân dung một con người thơ thật thơ, cho thơ tử vì
đạo...
Nếu cho phép tôi được góp
ý thì tác giả bài thơ vì tính cẩn thận và thực thà quá nên dễ gây cho đọc giả
cảm tưởng tác giả be chắn tỉ mẩn, bày biện chữ nghĩa. Trong chữ phải chứa đủ
tình - cảnh - sự cho suy tưởng hình tượng thơ sống động. Thơ càng vô lý càng
tuyệt, càng chủ quan càng hay. Thơ phải là phi lý, là ảo, là mở mang khơi gợi.
Những câu thực thà máy móc đã làm giảm chất say của thơ. Ví dụ như câu thứ 3: “Say
thơ như điếu đổ” thì chữ “say thơ” chưa đắt vì chính 2 câu “Cuống
quýt với thơ/ Lử đử cùng thơ” đã thấy cái say rồi còn nhắc tới “say thơ”
làm gì? Giá như tôi, tôi sẽ sửa là “Biêng biêng điếu đổ”. Hoặc câu “Dăm
ba bài thơ dán tem thơ bụi” thì cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều không sát
với Văn Thùy. Thực thì người đời - làng thơ đã công nhận loạt bài, phong cách
thơ Văn Thùy là “Thơ bụi” rồi nên chăng sửa là “Loạt bài thơ bụi”.
Hay câu 15: “Giả ngố” thật quá đã tố sự nghiệp, tố chân dung “dị nhân”,
làm giảm hình tượng đẹp của 2 câu kết mà chính tác giả Đặng Xuân Xuyến đã kỳ
công tạo dựng: “Vác thơ/ Tưng tửng”. Đành rằng Văn Thùy biết và cảm rất
rõ những mất mát của đời mình và ông phải “giả ngố” để mua vui, để tự
xoa dịu nỗi đau của đời nhưng đấy là đời, là cuộc sống thực của Văn Thùy nhưng
khi vào thơ sao Đặng Xuân Xuyến không cho là “Ngố ngố” hoặc “Quá ngố”
để hình ảnh Văn Thùy “dị nhân” bớt đời đi để thơ hơn?!
*
Hà Nội, ngày 28.04.2017
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Đa Tốn, xã Khoan Tế, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét