Gọi
là đấu thơ vì cuộc thi chỉ diễn ra trong 15 phút giữa hai đối thủ luôn “gầm
ghè” nhau trong mọi công tác và sinh hoạt là Q. và tôi. Hồi đầu năm 1972 chúng
tôi cùng đơn vị chiến đấu ở Quảng Trị. Chiến sĩ trong tiểu đội tôi toàn là sinh
viên, duy có Q. mới học xong lớp 10 nên bị tôi coi thường.
Ngày còn đi học, tôi được tiếng là giỏi thơ hơn những
bạn cùng lớp... không biết làm thơ. Từ khi đoạt giải nhì cuộc thi thơ cấp...
trường, do Trường cấp hai xã Xuân Phương (huyện Xuân Trường) tổ chức, sau đó
lại được Đài truyền thanh huyện đưa tin mấy lần, tôi sinh ra kiêu căng, lâu dần
thành bệnh... thích khoe thơ của mình, không thèm đọc thơ của người khác.
Một lần đọc bài thơ vừa sáng tác cho đồng đội nghe,
được mọi người khen, tôi cao hứng: “Chuyện, thơ của sinh viên năm thứ tư Đại
học Thư viện lại chả hay!” Nghe tôi nói
thế, Q. phê bình kịch liệt làm tôi “mất mặt”. Từ đó hai chúng tôi ngầm ganh đua
với nhau, ai cũng cố tỏ ra hơn người kia, nhất là trong hoạt động văn nghệ.
Biết chuyện của chúng tôi, chính uỷ trung đoàn, một
người rất yêu thơ, bèn gọi cả hai lên gặp và ra một đề thi thơ với yêu cầu: Sau
15 phút phải làm xong một bài thơ lục bát, dài 4 câu, trong thơ phải thể hiện
tình yêu trai gái và có đủ các từ “Trời thu”, “Sông”, “Anh”, “Em”.
Tôi hăm
hở tuân lệnh chính uỷ và chắc mẩm phen này sẽ cho Q. “nốc ao”.
Hết
thời gian quy định, tôi đọc bài thi của mình bằng giọng diễn cảm của một chiến
sĩ đã từng qua lớp văn nghệ... ba tháng và từng biểu diễn hàng trăm lần trước
đơn vị :
Trời
thu xanh thắm trong lành,
Con sông uốn khúc chảy quanh xóm làng.
Tình em như thể dòng sông,
Anh như trời biếc tắm dòng sông em.
Thấy
chính uỷ gật gù, tôi khoái lắm. Q. thì tỏ ra rất bình thản và chẳng nói một
lời, chẳng biểu lộ cảm xúc gì, hoặc là cậu ta cố tình che giấu cảm xúc của
mình. Khi chính uỷ nhắc tới lần thứ hai, Q. mới thong thả đọc bài thi của cậu
ta như tâm sự với chính mình:
Tặng
em buổi sáng mai lành,
Trời
thu xanh ngát soi hình gương sông.
Tình em là dòng nước trong,
Hồn anh
trời biếc trong lòng gương em.
Nghe
thơ Q., tôi sửng sốt vì bài của cậu ta rất giống bài của tôi. Tôi ngờ là Q.
nhại thơ tôi, nhưng bài của cậu ta đã ghi rành rành trên vỏ bao thuốc lá trước
khi tôi đọc thơ. Hay là cả hai chúng tôi cùng bị ảnh hưởng một bài thơ của tác
giả nào đó mà tôi không nhớ ra? Hay
là Q. có biệt tài đọc được suy nghĩ của
tôi?
Nét mặt chính uỷ tỏ ra ông đang suy nghĩ rất căng
thẳng. Lúc sau ông mới nói ý kiến của mình với giọng thật nhỏ nhẹ khác hẳn
giọng nói mạnh mẽ khi ra lệnh của vị trung tá chính uỷ trung đoàn:
- Bài
của hai cậu đều được, nhưng tớ cho là bài của cậu Q. hay hơn. Quyết định: Q.
thắng!
Q. ôm
tôi thật chặt và hẹn sẽ gặp tôi hiệp hai trong một dịp gần nhất để tôi có cơ
hội gỡ hoà. Nhưng điều đó không thể diễn ra vì hai ngày sau cuộc đấu thơ, Q. đã
anh dũng hy sinh. Tự nhiên tôi khỏi hẳn bệnh sính thơ, bệnh ngôi sao, bệnh kiêu
căng hợm hĩnh, bệnh coi thường người khác. Nhờ bài học Q. dạy cho mà tôi “ngộ”
ra rằng nếu không có thực tài thì chớ cố làm... nhà thơ. Từ đó tôi không bao
giờ còn giám làm khổ người khác bằng cái thứ thơ... con cóc của mình nữa. Tôi
bắt đầu đọc thơ của người khác với thái độ trân trọng, nhờ thế mà tôi tìm thấy
trong bãi cát thơ của những người không phải là nhà thơ những hạt vàng quý giá.
Trần
Mỹ Giống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét