Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Châu Thạch, Nguyễn Khôi bình bài thơ “Hà Nội quê tôi” của Lê Mai




Châu Thạch
          ĐỌC “HÀ NỘI QUÊ TÔI” THƠ LÊ MAI
                                                 
          Châu Thạch

          Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Miền Nam. Trước 1975 tôi còn trẻ lắm, tôi ước muốn được đến ngay Hà Nội khi nước nhà vừa ngưng tiếng súng. Thế nhưng mộng ước đó không thành vi ngày đó tôi phải lên núi để làm cái việc nhà nước gọi là “Học tập”. Sau đó tôi đọc về Hà Nội, tôi nghe về Hà Nội và tôi cũng có đến Hà Nội vài ba lần. Thật tình sao bây giờ tôi cảm thấy không có chút gì yêu Hà Nội như xưa cả. Có lẽ tôi giống như một đứa con bị cha đánh đau nên trong lòng xơ cứng cảm giác yêu thương quê nội. Rồi bổng nhiên mấy ngày gần đây, khi tình cờ đọc được bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của nhà thơ Lê Mai, cái cảm giác yêu Hà Nội của tôi thời xưa ấy hình như có trở lại.

          Tôi thích bài thơ ngay từ ba câu thơ đầu tiên, và chính ba câu thơ đầu tiên đã lôi kéo tôi đọc toàn bài:
          Tôi là người lao động, thế thôi
          Nhưng quê tôi
          Hà Nội!
          Hà nội có quá nhiều thơ, quá nhiều nhạc ca tụng, những thứ thơ nhạc đó theo một trào lưu có sẳn,  hay thì hay nhưng nghe vẫn thấy có gì không thật.  Hà Nôi thành thơ trong tay một người lao động có lẽ là một món ăn tinh thần mới lạ, gợi trí tò mò cho những ai từng ăn những món ăn có quá nhiều vị đậm, sinh ra nhàm chán. Đọc sách, đọc tin ta thấy người Hà Nội mỗi ngày thêm hư, nhưng chắc chắn, người lao động vẫn thế, vẫn là Hà Nội thanh lịch, cái thanh lịch ngàn năm tiềm ẩn trong con người Hà Nội  mà vì nghèo không có điều kiện để hư. Người lao động có ai hư chăng, thì chỉ là cái bề ngoài phải thích ứng trong cuộc sống, nhưng trong tâm hồn họ, muôn đời là sự thật thà chơn chất, vẫn trắng trong như chữ thanh và hài hoà như chữ lịch. Vì thế, tôi có cảm tình ngay với bài thơ của “Người lao Động Hà Nội”.
          Rồi bài thơ được tiếp nối bởi những câu kể lể về quê hương, về thời tuổi trẻ:
           Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
          Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
          Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
          Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
          Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
          Bắt bọ ngựa,
          dính ve,
          trèo me,
          ném sấu.
          Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
          Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
          Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
          Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
          Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
          Kỷ niệm của quá khứ có đầy ở đoạn thơ nầy. Đó là cái quá khứ vui nghèo mà bất kỳ đứa trẻ nông thôn nào cũng nhớ. Đoạn thơ nầy có tác dụng khơi gợi  ký ức, như một đoạn phim chiếu cảnh miền quê với tiếng nhạc êm đềm, làm thư giản tâm hồn, chuẩn bị cho những màn đầy kịch tính được tiếp diễn. Thật vậy, ta giật thót mình khi đọc: “Giếng Ngọc là của tôi”. Lần đầu tiên tôi nghe một người nhận như thế và ngạc nhiên vì biết Giếng Ngọc là di tích của lịch sử. Và đây là lý do nhà thơ nhận Giếng Ngọc là của mình:
          Giếng Ngọc là của tôi
          Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
          Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
          Tác giả đưa Giếng Ngọc trong huyền thoại Trọng Thuỷ Mỵ Châu vào thơ, làm đại diện cho thứ tình yêu trong lòng người Hà Nội. Nhà thơ nhận là của mình để khẳng định bất kỳ người Hà Nội nào cũng giống ông, đều có thứ tình yêu thương rời rợi, diễm lệ và thâm thuý tình sử, giống như giọt nước trong veo của Giếng Ngọc. Hay của thơ ở chổ ghép ta vào người và ghép ngừoi vào ta, từ đó người đọc đồng cảm với Lê Mai là người Hà Nội và Người Hà Nội là Lê Mai.
          Tiếp theo Giếng Ngọc, nhà thơ lại nhận thêm một thứ của thiên hạ thành của mình nữa:
          Văn Miếu là của tôi
          Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
          Tác giả xem Văn Miếu như một pho sách của tiền nhân mà con cháu đời nay thừa tự trong đó có ông. Cái câu “người Hà Nội đốt trầm lúc đọc thơ” biến câu thơ ông trở thành con Long  con Phụng, chứa chấp ngàn năm văn hoá trong cử chỉ đọc thơ nầy, tôn vinh vẽ đẹp tinh thần của người Hà Nội, tạo một khung cảnh tôn nghiêm cho vùng đất Hà Nội và đưa tâm hồn người đọc tự nhiên lắng sâu vào thanh tịnh. Một câu thơ ngắn với tứ thơ cao như câu thơ nầy có khả năng làm người đọc thấy quá khứ sống trong hiện tại.
          Thế rồi tiếp theo, chùa cũng của nhà thơ luôn:
          Chùa Diên Hựu là của tôi!
          Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
          Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột, là  một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, có kiến trúc độc đáo như một bông sen từ dưới nước vươn lên. Nhà thơ đem cái bông sen đó làm biểu tượng cho tấm lòng nhân đạo của người Hà Nội ngày xưa, cùng với dân ta đem lúa gạo của mình cấp cho quân giặc Minh xâm lược bị thua trận có cái ăn mà quay về bản xứ. Cấp gạo cho giặc và xây chùa Một Cột không liên quan nhau, nhưng nhà thơ đã khôn khéo dùng hình tượng hoa sen của chùa, lấy kỳ quan đất nước sừng sửng ngàn đời thể hiện cho lòng vị tha của dân tộc là một kết cấu giữa văn hoá vật thể và  văn hoá phi vật thể vô cùng nhuần nhuyễn để tôn cao ý nghĩa của hai cái đẹp giữa lòng thủ đô Hà Nội.
          Tiếp theo là Tháp Bút – Đài Nghiêng cũng của tôi luôn:  
          Tháp Bút – Đài Nghiên là của tôi
          Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.
          Với hai câu thơ trên, tác giả đem cái Tháp Bút “Tả thanh thiên xao xuyến cả cõi trời” gói vào trong những lá sen tươi của cốm Vòng Hà Nội. Tháp Bút- Đài Nghiêng là biểu tượng của văn chương Hà Nội. Cốm Vòng là món ăn thơm ngon của mùa thu Hà Nội. Hãy tưởng tượng khi ta nhìn Tháp Bút mà nghĩ đến hương thơm cốm Vòng toả ra trong bầu trời Hà Nội hay ta ăn cốm Vòng mà nghĩ đến thứ hương nầy sẽ toả trên Tháp Bút thì hồn ta chìm trong sảng khoái.
          Thế rồi, hãy tiép tục tìm xem còn cái gì của Hà Nội mà nhà thơ nhận là của mình:
          Hồ Tây là của tôi!
          Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
          Hồ Gươm là của tôi!
          Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì,liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông.
          Đài liệt sĩ vô danh là của tôi!
          Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
          Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi!
          Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người , cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
          Tóm lại, tất cả cái gì tốt đẹp của Hà Nội là của nhà thơ. Nhà thơ nhận như thế không phải là nhận bừa vì Hà Nội ở trong lòng ông và cả trong lòng mọi người. Ai cũng có một Hà Nội của mình. Mỗi điểm của Hà Nội đều mang đặc trưng về một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Điều đặc biệt: nhà thơ nhận từng điểm của Hà Nội là của riêng ông, không phải của nhân dân, của tổ quốc là cái to lớn mà con người chỉ tán tụng ở đầu môi. “Của Tôi”là thực tế nhất và quan trọng nhất vì tôi yêu thương , bảo vệ cái của tôi hơn ai hết.
Cuối cùng là EM:
          Và em là của tôi!
          Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em!
          Tôi là người lao động,
          thế thôi!
          Nhưng quê tôi, Hà Nội!
          Em thì đương nhiên của tôi rồi nhưng em của Lê Mai thì phải hiểu là Em Hà Nội. Nhà thơ yêu từng ngóc ngách Hà Nội nên em là biểu tượng, là sắc thái  Hà Nội. Chữ “em” ở đây hàm chứa hết mọi cái “của tôi” mà nhà thơ đã nhận về cho mình. Đặt “em” vào khổ chót của bài thơ tác giả muốn mượn em để bày tỏ hết thứ tình yêu Hà Nội, đưa tình yêu với em vào thứ tình yêu thiêng liêng với Hà Nội và đưa tình yêu Hà Nội vào thứ tình yêu thắn thiết với em.
          Tôi nghĩ, bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của Lê Mai nếu được đưa vào học đường thì nó sẽ khai tâm các em tìm hiểu về thủ đô ngàn năm, bởi bài thơ phát hoạ những di tích lịch sử có ý nghĩa thiêng liêng. Bằng tiếng thơ, nhà thơ đã giới thiệu cái giá trị văn hoá vật chất lâu đời của Hà Nội để từ nền văn vật đó, làm toả sáng giá trị văn hoá tinh thần gọi là văn hiến. Bài thơ không yêu Hà Nội bằng thứ tình cảm vu vơ mà bày tỏ một tình yêu bằng lý trí, tôn vinh một Hà Nội đẹp cảnh và đẹp người trong chiều dài lịch sử. Cuối cùng, bài thơ cho ta dồn dập sự rung cảm, rung cảm với tâm hồn yêu “Hà Nội Quê Tôi” của một người dân lao động, Thế thôi! ./.
                           
          Châu Thạch


“HÀ NỘI QUÊ TÔI” - MỘT TỨ THƠ LẠ, ĐỘC ĐÁO

Nguyễn Khôi
Nguyễn Khôi và Lê Mai

          “Tạo hóa gây chi cuộc hý trường”?
          Thơ về Thăng Long - Hà Nội xưa nay có cả ngàn bài đáng đọc, nhưng sàng lọc ra qua vết thời gian, Nguyễn Khôi tôi chỉ thích có ba bài ở ba thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng đều là người Hà Nội « xịn»:
          Bà Huyện Thanh Quan quê ở làng Nghi Tàm (khoảng 1804 - 1847), bà học rộng, được vua Minh Mạng triệu vào Huế làm cung trung giáo tập dạy học cho các cung phi, công chúa; nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) quê làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu); nhà thơ Lê Mai (Lê Văn Hùng) sinh năm 1953 tại Hà Nội, thương binh chống Mỹ hạng nặng, học đại học Sư Phạm, dạy trường PTTH Nguyễn Trãi, quận Ba Đình - Hà Nội. Xét về đẳng cấp, bà Huyện Thanh Quan thuộc tầng lớp quý tộc; Nguyễn Đình Thi là quan chức văn nghệ, đứng thứ 2 (chỉ dưới ông Tố Hữu); Lê Mai là dân nghèo thứ thiệt ở Hà Thành hoa lệ như thơ anh viết «tôi là người lao động» - một cậu bé «trèo me trèo sấu» nhất quỷ nhì ma thời bao cấp và chiến tranh khốc liệt. Có lẽ cần nói rõ thêm về nhà thơ Lê Mai này, anh vào Hội Nhà văn Hà Nội với tư cách nhà thơ, nhưng lại nổi danh với tiểu thuyết «Tẩu hỏa nhập ma» - 2003 về sự hư nát của ngành giáo dục và truyện ngắn «Quyền được rên» - 2008 về thân phận nhà văn Hoàng Công Khanh, nạn nhân trong vụ «Nhân văn giai phẩm»... Những tác phẩm có lẽ anh thai nghén từ khi dạy môn  “Giáo dục công dân”...
          Nói qua về ba tác giả để ta hiểu thêm vì sao tôi thích ba bài thơ viết về Hà Nội ở ba giai đoạn lịch sử khác nhau:
Bà Huyện Thanh Quan trong «Thăng Long thành hoài cổ» với 2 câu tuyệt bút:
          Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
          Một tứ thơ lưu danh thiên cổ bởi đã nói lên nỗi đoạn trường (đứt ruột) trước cảnh hoang tàn của cố đô xứ Bắc. Ngôn ngữ thơ Hán- Nôm tuyệt xảo đan quyện hồn thơ hiu hắt, cô đơn trước đổi thay phũ phàng của thời cuộc. Một nỗi buồn hoài cổ đậm tính nhân văn, nuối tiếc thời vàng son của Đại Việt (nhà Lê) cũng là sự trở về cội nguồn của dân tộc...
          “Người Hà Nội” hào hoa Nguyễn Đình Thi trong bài thơ «Đất nước» (viết từ 1948 - 1955) với 7 câu mở đầu mang hồn thơ phơi phới đầy hứng khởi trước sự chuyển mình của dân tộc, đất nước với một niềm tin tất thắng như tan vào từng câu từng chữ :
          Sáng mắt trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.../
          3 câu đầu - một khúc hoài niệm... rồi cái hồn thơ, cái tứ lạ kết vào mấy chữ «đầu không ngoảnh lại... lá rơi đầy» thì bút lực ở đây quả là «thần cú» xuất thần, rất thơ là bịn rịn vấn vương như hồn người Hà Nội và chỉ người Hà Nội gốc mới cảm và viết ra như vậy giữa những ngày tiêu thổ kháng chiến...
          Đến Lê Mai với «Hà Nội quê tôi» mở đầu anh đã khẳng định «Tôi là người lao động, thế thôi» - Anh có mẹ già nơi phố phường chật hẹp bon chen. Anh có người cha không quản phận nghèo vẫn nuôi con học hành không thua bè kém bạn... Tự bạch cũng chỉ là bình thường, nhưng đặc tả cái «quê xưa» của vua Lý Thái Tổ nơi địa thế rồng chầu hổ phục thì Lê Mai đặc tả rất khác thường: Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo Đó là thời của gác xép/ chuồng cọp - nay là chung cư cao tầng của dân tái định cư... gắn với tuổi học trò nghèo trèo me trèo sấu và lớn lên với «Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát».Từ cái điểm tựa lấm lem nghèo khổ đó mà sao với Lê mai «Gió quê tôi đêm ngày vi vu nhắc»: Giếng Ngọc là của tôi/ Văn Miếu là của tôi/ Chùa Diên Hựu là của tôi/ Tháp Bút- đài Nghiên là của tôi/ Hồ Tây là của tôi/ Hồ Gươm là của tôi: Đó là là lẵng hoa thơm như môi con gái... đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm ?/ Đài liệt sĩ vô danh là của tôi/ Và em là của tôi: Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu lẽ đời giản dị!/
          Báu vật của đời được phép ví với em... Của tôi, của tôi... còn bao nhiêu tinh hoa, di sản văn hóa ở đất Hà Nội ngàn năm văn hiến tác giả chưa thể kể hết trong thơ, tất tật phải là «của tôi». Ta chợt hiểu ra thâm ý nhà thơ lúc đầu tự bạch mình là người lao động bình thường, nghèo túng thật không đơn giản, bởi qua thơ anh đã hóa thân thành Nhân Dân, thành Dân Tộc cần lao. Chỉ có Nhân Dân mới là chủ nhân đích thực của mọi giá trị tốt đẹp nhất kết tinh vào văn hiến ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Và vì thế cái kết cũng giản dị như cuộc đời thi sĩ: Tôi là người lao động/ Thế thôi/ Nhưng quê tôi, Hà Nội!. Mạch thơ ào ạt tuôn chảy đến đây kết là khá cộc lốc, hụt hẫng- chưa thể thôi được? Theo mạch thơ ấy kẻ bình thơ nhân danh những người đọc Hà Nội còn có thể cùng nhà thơ ngẫm suy và tự nhủ: Chiếu rời đô là của tôi, Hịch tướng sĩ là của tôi, Bình Ngô đại cáo là của tôi, Điện Biên Phủ trên không là của tôi... rồi phở Hà Nội là của tôi, bia hơi Hà Nội là của tôi, cafe vỉa hè là của tôi, bánh cuốn Thanh Trì là của tôi, gốm sứ Bát Tràng là của tôi, của tôi... Sao bây giờ chủ nhân đích thực thì khốn khổ khốn nạn còn lũ đầy tớ thì giầu sụ, phè phỡn, xa hoa thế? Nhà thơ của Nhân Dân là vậy.
          Viết đến đây N.K lại nhớ tới bài thơ Liberte’ (Tự Do) của thi hào siêu thực Pháp Paul Eluard (1895- 1952) mà Lê Mai trình diễn thơ «Hà Nội quê tôi» có cái kết cấu, bố cục khá đồng điệu: Trên quyển vở nhà trường/ Trên án viết thân cây/ Trên cát, trên tuyết/ Ta viết tên em/ Trên sức khỏe phục hồi/ Trên hiểm nguy tan biến/ Trên hy vọng chẳng nhớ nhung/ Ta viết tên em/ Và do phép màu một tiếng/ Ta làm lại cuộc đời/ Ta sinh ra để biết em/ Để gọi tên em (2 chữ) TỰ DO.
          Dẫu biết mọi sự liên tưởng, so sánh đều khập khiễng, nhưng ở góc độ người bình thơ N.K tôi không thể không giật mình cầm bút thả chữ. Xưa nay người làm thơ rất mừng gặp được người thơ mới/ cái tứ lạ, với cấu trúc độc đáo như bài «Hà Nội quê tôi» ngôn ngữ tinh luyện, câu chữ như nén chặt để rồi thoát xác thành hồn thơ cất cánh «Tấm gương trong mây hất tóc rối trời cho tôi hiểu vì đâu tình yêu người Hà Nội vời vợi mênh mang»... Thơ Lê Mai đẹp và lạ thế đó !...
          Phố Hàn 27/9/2016
          N.K


Mời đọc thêm bài bình “Hà Nội quê tôi” của Nguyễn Ngọc Kiên


HÀ NỘI QUÊ TÔI

          Lê Mai

Tôi là người lao động, thế thôi!
Nhưng quê tôi:
Hà Nội!
Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
Tháp Bút – Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.
Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi!
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì, liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông.
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi!
Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi!
Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người, cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
Và em là của tôi!
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em!
Tôi là người lao động,
thế thôi!
Nhưng quê tôi, Hà Nội!

Lê Mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét