Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (Kì 8) / TS. Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ


Dịch giả Nguyễn Ngọc Kiên

          VƯƠNG XƯƠNG LINH

          Vương Xương Linh là người Kinh Triệu, Trường An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
          Năm Khai Nguyên thứ 15 (727) đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông thi đỗ Tiến sĩ.
          Bảy năm sau (734), ông lại đỗ khoa Bác học hoành từ, lần lượt trải chức: Bí thư sảnh, Hiệu thư lang, huyện úy huyện Dĩ Thủy [3].
Năm Khai Nguyên thứ 28 (740), vì phạm lỗi ông bị giáng làm Giang Ninh thừa . Rồi vì những vụn vặt, ông lại giáng làm Long Tiêu úy .
          Cuối năm 755, tướng An Lộc Sơn dấy binh chống triều đình. Sau đó, Vương Xương Linh trở về làng thì bị viên Thứ sử ở địa phương tên là Lư Khưu Hiển giết chết vì tư thù  khoảng năm 756.
          Tác phẩm
          Số thơ của Vương Xương Linh để lại hiện còn hơn 180 bài, một nửa là tuyệt cú.
          Ngoài ra, theo thiên "Nghệ văn chí" trong Tân Đường thư (Sử nhà Đường bộ mới), thì ông còn viết sách lý luận có nhan đề là Thi cách (Khuôn phép của thơ, gồm 2 quyển) và Thi trung mật chỉ (Ý sâu kín của thơ, gồm 1 quyển); nhưng nay chỉ còn quyển Thi cách do người đời Minh chép, nhưng có người nghi là sách giả, không phải nguyên bản
(Theo từ điển mở Wikipedia tiếng Việt)

  王昌齡


 XUẤT TÁI KÌ 1 – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Tần thời minh nguyệt Hán thời quan,
Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn.
Đãn sử Long Thành phi tướng tại,
Bất giao Hồ mã độ Âm san.

Dịch nghĩa:
RA CỬA ẢI (KÌ 1)
Vẫn là vầng trăng sáng của đời Tần và quan ải của đời Hán,
Mà người chinh chiến nơi nghìn dặm vẫn chưa trở về.
Nếu như có vị phi tướng ở tại Long Thành,
Thì sẽ không cho ngựa Hồ vượt qua núi Âm sơn.

Dịch thơ:
RA CỬA ẢI (Kì1)
Trăng sáng đời Tần, ải Hán xa
Muôn dặm trường chinh chửa lại nhà
 Phi tướng  Long Thành mà  còn sống,
Âm Sơn ngựa Hồ chẳng thể qua!

   王昌齡

Phiên âm:
XUẤT TÁI KÌ 2 – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Lưu mã tân khoá bạch ngọc an,
Chiến bãi sa trường nguyệt sắc hàn.
Thành đầu thiết cổ thanh do chấn,
Hạp lý kim đao huyết vị can.

Dịch nghĩa:
 RA CỬA ẢI (Kì 2) – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Ngựa hoa lưu mới cưỡi, yên ngọc trắng,
Sa trường sau cuộc chiến, mặt trăng sắc lạnh lẽo.
Ở đầu thành tiếng trống sắt như còn vang động,
Đao mạ vàng trong bao còn tươi máu người

Dich thơ:
RA CỬA ẢI – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Ngựa lưu, yên ngọc trắng, cưỡi rồi
Sa trường ngưng chiến  lạnh trăng soi
Đầu thành trống sắt còn vang động
Trong vỏ đao vàng  máu vẫn tươi.

THƯỜNG KIẾN (THỊNH ĐƯỜNG)

          Thường Kiến 常建, thi nhân đời Đường, đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 15 (727).
(Theo thivien.net)


Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 1 – THƯỜNG KIẾN
Ngọc bạch triều hồi vọng đế hương,
Ô Tôn quy khứ bất xưng vương.
Thiên nhai tĩnh xứ vô chinh chiến,
Binh khí tiêu vi nhật nguyệt quang.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 1) - THƯỜNG KIẾN
Cống phẩm ngọc và lụa được mang tới kinh đô,
Vua Ô Tôn ra vào không còn xưng vương nữa.
Nơi góc trời yên tĩnh không còn chinh chiến,
Điềm chiến tranh đã tan biến thành ánh mặt trăng mặt trời.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 1) – THƯỜNG KIẾN
 Ngọc gấm vào triều vọng đế hương
Ô Tôn về lại chẳng xưng vương
Góc trời yên tĩnh không chinh chiến
Binh khí tiêu  thành nhật nguyệt quang.

          Bài thơ mượn cố sự Ô Tôn để chỉ mối quan hệ giữa Đường triều và Thổ Phồn (Tây Tạng). Giữa niên hiệu Khai Nguyên Đường Huyền Tông, Đường triều và Thổ Phồn giao hảo rất tốt, thường phái sứ giả đem vàng ngọc đến Trường An tiến cống. Chứng kiến sự cường thịnh của Đường triều, sứ giả Thổ Phồn rất ngưỡng mộ, ra về còn quay đầu nhìn lại ý lưu luyến Trường An. Câu cuối bài thơ vận dụng ý tưởng mang tính truyền thống. Từ xưa người ta thường ví chiến tranh như cảnh tượng "Trời sầu đất thảm". Khi chinh chiến đã qua, gươm đao đã xếp, bá tánh như được thấy lại mặt trời mặt trăng.


Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 2 – THƯỜNG KIẾN
Bắc Hải âm phong động địa lai,
Minh quân từ thượng vọng Long Đôi.
Độc lâu giai thị Trường Thành tốt,
Nhật mộ sa trường phi tác khôi.

 Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 2) – THƯỜNG KIẾN
Bắc Hải gió âm làm chấn động
Vua thượng đàn vọng mãi Long Đôi
Xác chết, đầu lâu đều là lính ở Trường Thành
Ngày đêm chiến địa chỉ có khói tro bay

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 2) – THƯỜNG KIẾN
Gió âm chấn động Bắc Hải rồi
Vua thượng đàn vọng mãi Long Đôi
Trường thành xác chết đầu lâu lính
Chiến địa đêm ngày tro bụi thôi.


Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 3 - – THƯỜNG KIẾN
Long đấu thư hùng thế dĩ phân,
Sơn băng quỷ khốc hận tướng quân.
Hoàng Hà trực bắc thiên dư lý,
Oan khí thương mang thành hắc vân.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 3) – THƯỜNG KIẾN
Trận đấu thư hùng thế thắng bại  phân chia đã rõ
Núi tan quỉ  khóc rất hận tướng quân
Hoàng Hà thẳng về phía bắc hơn ngàn dặm
Oan khí mênh mang thành mây đen 

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 3) - 常建
Trận đấu thư hùng thế đã phân
Núi tan quỉ khóc oán tướng quân
Hoàng Hà về bắc hơn ngàn dặm
Cuồn cuộn mây đen nhuốm khí oan. 


Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 4 – THƯỜNG KIẾN
Nhân giá Thiền Vu oán tại biên,
Nga mi vạn cổ táng Hồ thiên.
Hán gia thử địa tam thiên lý,
Thanh trủng thường vô thảo mộc yên.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 4) -  THƯỜNG KIẾN
Người gả Thiền Vu oán khắp nơi biên ải
 Nga mi vạn cổ tang ở đất Hồ
Nhà Hán đất này ba ngàn dặm
Mồ chôn thanh trũng thường là đất cằn khô không khói cây cỏ.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 4) -  THƯỜNG KIẾN
Oán giăng biên tái, gả Thiền Vu
 Vạn  cổ nga mi táng đất Hồ
Nhà Hán đất này ba ngàn dặm
Mồ chôn thanh trũng đất cằn khô.

Nguyễn Ngọc Kiên




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét