Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

NHỮNG NIÊN ĐIỂM KỲ DỊ VẬN VÀO TÚ XƯƠNG / Ghi chép của Phạm Ngọc Khảnh



Nhà thơ Phạm Ngọc Khảnh

          Trần Tế Xương một thi sĩ tài hoa của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Công Hoan suy tôn ông vào bậc thần thơ thánh chữ; Xuân Diệu thì: “Ông Nghè ông Thám vô mây khói / Đứng lại văn chương một Tú Tài”, là rất xứng đáng.
          Thơ phú của Tú Xương sáng tác ra phần nhiều đều gắn bó với con người thực, cảnh vật thực. Ngay về bản thân Tú Xương ông khắc lên “Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành”. Chỉ đọc hai câu đối:
          Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt
          Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài.
Tạm dịch:
          phẩm giá cực kì, trăng gió nỗi niềm dào dạt;
          phong lưu tột đỉnh, sông hồ cốt cách mênh mông

          Đã lồ lộ diện mạo tinh thần của thi nhân là thế. Tâm hồn tỏa rộng với đất trời, với bốn phương.
          Bài thơ: “Chú Ích Sinh” tra ra là tên hiệu Ích Sinh Đường của người Hoa bán thuốc ở phố Khách cũ Hoàng Văn Thụ bây giờ, trên nóc tầng 3 có con ngựa què vẫn còn đứng đấy.
          Bốn câu thơ trong bài “Hóa ra dưa”:
          Ước gì ta hóa ra dưa
          Để cho người tắm nước mưa chậu đồng
          Ước gì ta hóa ra hồng
          để cho người bế người bồng trên tay!
          Là từ ngôi nhà 247 nhìn xế sang ngôi nhà 288 phố Hàng Nâu, có một cửa hiệu nhỏ chuyên bán đỗ, gạo; chủ cửa hàng là một cô gái đẹp, tuy đã có chồng người Trung quốc. Cô gái ấy dân thường gọi là bà Nghĩa Đỗ. Hôm ấy trời mưa nhìn sang thấy người đẹp đang rửa dưa rửa hồng; Tú Xương tức cảnh sinh tình mà có bài thơ ấy; nay ngôi nhà vẫn còn để nguyên nhưng người cũ thì đã xa xôi!
          Thơ Tú Xương trừ những bài viết về thi cử thì cụ thường ghi rõ như “Khoa Canh Tý”, “Phú hỏng thi khoa Canh Tý”… còn cuối các bài khác hầu như không ghi năm tháng. Đặc biệt bài “Tết dán câu đối” có câu: “Viết vào giấy dán ngay lên cột” có cơ sở để suy ra bài thơ này viết ở ngôi nhà 247 Hàng Nâu chứ ngôi nhà 280 từ khi vợ chồng Tú Xương dọn sang (1900) bốn lần qua tay các chủ vẫn nguyên, nhà kề tường, không có cột. Nhân đây nói rõ thêm về ngôi nhà 247 khi bị niêm phong bố con mỗi người một nơi, qua một vài chủ cuối cùng năm 1955 bán cho nhà cụ Trần Thọ Quyến, cụ Quyến đã phá đi xây dựng ngôi nhà mái bằng. Từ đây lần lại cuộc đời Tú Xương gắn liền với những niên điểm kỳ dị ấy là tinh con ngựa vận vào.
          Khi Tú Xương qua đời dân Nam Định bàn xôn xao câu chuyện Tú Xương sinh năm Canh Ngọ (1870) mất năm Bính Ngọ(1906), thi đỗ Tú tài năm Giáp Ngọ (1894). Vừa rồi khi đọc lại Tú Xương và lần theo kỷ vật lại thấy năm Giáp Ngọ (1894) ngôi nhà 247 bị cháy phải làm lại. “Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu” là nói ông Tự Nhuận thân sinh nhà thơ. Thật may, cũng là tấm lòng yêu quý nhà thơ mà cụ Quyến khi phá nhà cũ vẫn chọn lấy thanh gỗ thượng lương ép vào bê tông tầng 2 ngôi nhà mới, còn nguyên dòng chữ “Thành Thái lục niên tuế thứ Giáp Ngọ thất nguyệt ký vọng thu trụ thượng lương”. Tạm dịch: “Thành thái năm thứ sáu tháng bảy năm Giáp ngọ viết đặt thượng lương”, gỗ xoan già còn rưng rức thớ. Vậy là năm Giáp ngọ này những ba sự vụ ứng vào Tú Xương: Thi đỗ Tú Tài, nhà cháy và xây dựng nhà mới.
          Đặc biệt, sau 114 năm từ cuối mùa đông Canh Tý (1900), ông bà Tự Nhuận mất nhà dọn lên Đệ Tứ ở nhờ, vợ chồng Tú Xương đến ngôi nhà 280 phố Hàng Nâu ở. Qua bốn lần mua đi bán lại; bàn thờ, hình ảnh Tú Xương gắn tạm trong những túp lều con. Những người thương cảm Tú xương “cầu cứu” khắp nơi, kì lạ thay chờ đúng năm Giáp Ngọ (2014) Nam Định mới có quyết định bỏ tiền mua lại ngôi nhà tuy đã dẹo dọ nhưng may chưa bị sập. Nay trong nhà đã có bàn thờ, bát nhang, chờ Tết này Tú Xương sẽ được con cháu rước về khấn vái. Vậy là thêm một lần nữa, năm tinh con ngựa vẫn theo ông …
          Những việc còn lại, nhà cửa có rồi thì tu bổ sắp đặt, bày biện ra sao cho hồn thơ, tình người tìm về lẩn quất qua tranh, ảnh, hiện vật hồn thơ… Nhà Tú Xương hẹp diện tích chưa đầy ba chục mét vuông, cái quý là chính từ trong ngôi nhà, mảnh đất này đã che chở Tú Xương, nơi sản sinh ra những vần thơ tuyệt tác, ngay giữa làng Vị Xuyên, sông Vị ngày xưa. Việc cần thiết là thu thập phục chế bức tranh “ Sông Vị” của Nguyệt Hồ, qua bức vẽ này sẽ hiện lên mồn một sông Vị Hoàng chảy qua, cảnh nửa làng, nửa phố. Cùng ảnh chân dung Tú Xương và bà Tú… Ảnh những ngôi nhà 247, 288, 280 phố Hàng Nâu, cảnh mom sông, bãi chợ, cảnh chùa Cuối, chùa Cả, hậu cung đình làng; ảnh nhà ông Trùm Chu Đệ Tứ - nơi Tú Xương qua đời; ảnh bờ hồ bến cũ ven sông mang tiếng vọng gọi đò. Tìm chụp nơi xưa kẹo Sìu Châu – quán bà Hanh Tụ . Ảnh phố Hàng Thao - đi hát mất ô, ảnh hiệu thuốc Ích Sinh Đường – “Chú Ích Sinh” phố khách; ảnh Trường Thi ngày ấy. Chọn in đậm phóng to những bài thơ Sông Lấp, Trường Thi Nam Định, Thượng vợ, Đi hát mất ô, Áo bông che đầu, Hỏng thi, Than việc nhà, Văn tế, và vài ba câu đối… Tìm bày những kỷ vật: Nghiên, bút, sách, vở của Tú Xương. Những thước phim bài báo nói về ông. Đúc tượng đồng: Tú Xương tay cầm ô bước xuống mạn đò. Tu sửa lại phần mộ và đính chính một chữ sai… trong bài thơ khắc trên bia mộ. Đặt trả lại đúng phố cũ Hàng Nâu gắn tên ngôi nhà 280 lịch sử để khách tìm về đỡ phải hỏi thăm. Từng bước nâng cấp tu sửa lại ngôi nhà sao cho giữ được dáng vẻ hồn thơ… Để rồi con cháu trong nhà, trong họ, ngoài làng, khách khứa, bạn văn thơ hậu thế gần xa về Thành Nam có dịp vãng cảnh, thăm nhà vui thú, ra thềm ngồi thanh thản “ăn chuối ngự, đọc thơ Xương”.
          Cuộc đời Tú Xương long đong chìm nổi, mỗi mốc buồn vui đều cùng ngựa thác ghềnh, kể cũng là điều kì dị cứ vận vào ông. Năm rồi Giáp Ngọ hồn Tú Xương lại cùng con cháu về nhà. Rạo rực con tim “hương vận” đã “bồi!”

Nam Hồng một ngày trọng đông 2015.
Người gửi: Phạm Ngọc Khảnh
ĐC: Nam Hồng – Đông Anh – Hà Nội.
ĐT: 01649890369
Email: phamlinhnd@yahoo.com.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét