Tôi
từng đọc chân dung các nhà văn đương đại của Xuân Sách, Đỗ Hoàng, Trần Nhương,
Hồ Bá Thâm… Con số có tới hàng ngàn, nghe đâu trên ba ngàn khuôn mặt “danh giá”
đã được ra lò, trong lúc hiện nay Hội nhà văn Việt Nam tổng thể chỉ có hơn ngàn.
Nay
lại được chiêm ngưỡng 99 chân dung nhà văn Việt Nam đương đại của
nhà thơ Nguyễn Khôi. Chà chà…. Mỗi người mỗi vẻ: Xuân Sách quả là chín rưng rức,
tràn trề thăm thẳm, góc cạnh sắc sảo, uyên thâm, uyên bác; Đỗ Hoàng đa năng táo
bạo, giọng điệu sàng xê bay nhảy thủy hỏa tương giao; Hồ Bá Thâm dò dẫm dàn
dựng, gắng gượng đưa đẩy; Trần Ngọc Sơn đều đều cần mẫn trơn tru tuồn tuột;
Trần Nhương tự tin khôn khéo dụng công trau chuốt, công năng dàn trải,… Mỗi ông
đều là những vị thủ kho mẫn cán, thu thập hồ sơ tên tuổi tác phẩm quá khứ hiện
tại rồi lắp ghép, sắp đặt thành chân dung, thoáng đọc thoảng nghe cũng thỏa mãn
cái tò mò, bức xúc nhưng xem kỹ đọc nhiều thì nhàm nhạt, ngấy ngộ... Theo tôi,
đã là chân dung thì phải lột tả, phác thảo, khắc họa khuôn mẫu, cũng như thợ vẽ
thợ ảnh phải đứng ở góc độ, chớp đúng thời cơ mà vẽ, mà chụp cái thần sắc để
thành ảnh sống động, khí sắc thăng hoa, rồi mà treo ngắm, thưởng lãm... Còn bác
Nguyễn Khôi nhà ta thì sao? .... Có lẽ bởi cái bóng cái tán của Xuân Sách, cái
áp lực của 200 công trình bài bản kỳ khu của Trần Nhương... nên tác phẩm của
bác phần nhiều viết bằng chí năng, lấy sự kiện sự việc, sự thật các câu chữ số
phận của mỗi “nhà” rồi sắp đặt thành “chân dung”. Ngay cái tít Chân
dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại đã thấy rầm rộ quá, giá tác giả hạ
bút đặt tên Thoáng nét người văn tôi tâm ý thì sẽ nhẹ nhàng,
dễ cảm hơn. Dù sao tôi cũng vô cùng cảm phục lão thi sĩ, lý do đầu là ở cái
tuổi lẽ ra cụ cứ ngự lãm trà rượu, cháu chắt hầu hạ ấy thế mà cụ vẫn dồn công
lực làm nên tác phẩm lưu danh hậu thế. Thứ hai là cụ đã thẳng thắn, khảng khái
không kiêng sợ các “đền đài thần thánh” một thời thiêng liêng ngự trị. Thứ ba
là từ trái tim nhân hậu, tâm hồn khoáng đạt và sự từng trải, tác giả dũng cảm
lên tiếng bảo vệ nhân văn, nhân quyền, nhân phẩm, sự thật và dân chủ. (Đúng
ra là phải dẫn chứng cụ thể nhưng vì khuôn khổ bài viết vậy mời bạn đọc tìm đọc
tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Khôi sẽ rõ: /chan-dung-99-nha-van-viet-nam-uong-ai.html.)
Thứ tư, tác giả nhân ái, công tâm, giàu tin đỡ lớp trẻ, người chưa có điều kiện,
tác phẩm mới lấp ló cánh cửa văn chương hoặc chưa nổi bật, chưa khác biệt đặc
biệt…..
Tôi
nhấm nháp thưởng lãm một số chân dung mà tôi khoái trá. Phục nhất, khoái nhất
là tài nghệ của lão thi bá, chỉ dùng bốn câu gần như tứ tuyệt nó gò bó khuôn
khổ, buộc bốn câu bốn chức năng “khai, thừa, chuyển, hợp”, nếu không đúng đủ
bốn chức năng ấy thì bài thơ lễnh loãng, lỏng lẻo, sơ cứng, sáo mòn, nhạt nhẽo,
vô hồn, thất sắc, nếu đủ đạt thì bài thơ cựa quậy, run rẩy sống động lồng lộng
vô vi, ví như Chân dung số 1 - Tố Hữu: Chỉ cần 4 câu đầu đã đủ đã tuyệt rồi (Tự
cho mình là Lành/ mọi người thấy rất dữ/ mác lê bọc bằng thơ/ đã đâm chỉ có tử.),
cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều đúng, rất khêu gợi, lột vẽ, khắc chạm rõ khuôn
mặt. Sự cố “cây táo ông Lành”, cuộc cải cách “nhân văn giai phẩm”, một
chính khách, hung thi chuyên gia Đảng - Bác đã gây nên bao nỗi hận đau sâu lụy
cho văn nghệ sĩ. Thế là được rồi, cần gì khổ 2 nữa. Chân dung số 2 - Chế Lan
Viên, câu kết “giấu đi mặt ma chơi”, không hiểu chữ “ma chơi” có
sát nghĩa đúng hồn bài “Tháp bai on” của Chế không nhỉ? Nguyên bản là
thế này: “Anh là tháp bai on bốn mặt / giấu ba mặt còn đó là anh/ chỉ
mặt đó ngàn trò cười khóc/ làm đau ba mặt phía ẩn hình”. Rõ ràng cái câu
hợp thứ 4 này toát lên cái ăn năn hối lỗi, dằn vặt về cái thời danh lợi, giá áo
túi cơm, đó là cái thiện tâm, phật tính chứ đâu phải là “ma chơi”.
Tiếp
theo, tôi xin vỗ tay chân dung mà ông phác thảo, cụ thể: Chân dung số 6 - Xuân
Thủy: Hai câu đầu giản đơn kể nhắc, hai câu sau tuy không vẽ kẻ nhưng nổi bật
gương mặt chính khách lịch lãm trí thức, nhân vật đặc biệt góp phần quan trọng
làm nên lịch sử dân tộc, khi khúc mắc đã bật, đã phát lời tuyên ngôn bất hủ “Không
giam được trí óc”, khẳng định văn nghệ sĩ phải được tự do, không bao giờ bị
giam hãm, trói buộc. Đến chân dung thứ 8 - Việt Phương, đã là thi thoại giai
thoại một thời. Một nhà thơ nhạy cảm nhạy bén, bản lĩnh hiên ngang cho ra “Cửa
mở”: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn Thụy Sĩ... Trăng Trung Quốc sáng hơn trăng
nước Mỹ”, “Bao giờ ta đủ tầm cao/ để ta bắt được vì sao trên trời”.
Động cham một loạt nguy lụy theo bởi cái thời bao cấp mậu dịch, đồng ca minh
họa, bốc thơm tụng ca lừa gạt, Nguyễn Khôi nộ, nỡm: “Ta cái gì cũng hồng/
đich cái gì cũng xám/ Trảm”. Câu kết sắc lẹm. Câu thơ yết hậu. “Trảm”,
chỉ một câu ấy mà thót tim ớn lạnh, hiện ra bộ mặt lạnh ngắt sám sịt tử khí của
cái thời văn chỉ điểm, văn lãnh đạo, thấp kém thô bạo. Nổi bật chân dung vững
vàng bản lĩnh Việt Phương.
Chân
dung thứ 9 - Hữu Thỉnh. Cái ông lắm người yêu, đầy kẻ ghét, tác phẩm cũng chỉ
thường thường bậc trung, viết phục vụ chiến tranh một thời nhưng bảo “xoàng
xĩnh lên ngôi” thì hơi quá. Thơ Hữu Thỉnh chẳng xuất sắc cũng đâu đến nỗi
kém cỏi mà “xoàng xĩnh” thì hơi oan. “...Ghế cao anh ngồi” thì
đúng quá rồi vì sao? Vì anh đã cố công chạy ngược chạy xuôi…. “Điếu văn hót
tới đỉnh” chứng tỏ anh cũng phải xuôi ngược lưu tâm cố ý thì mới có “điếu
văn hót tới đỉnh”. Riêng cái khoản này, cộng cái ham muốn nỗ lực và say ghế
thì ghế anh ngồi cũng xứng thôi.
Tiếp
đến Hoàng Cầm. Nói đến Hoàng Cầm là thấy “diêu bông”, “mưa Thuận
Thành”, “Hạt mưa chèo bẻo/ nhạt nắng xuyên khoai/ hạt mưa hoa nhài/ tràn
đêm kỹ nữ/ hạt mưa sành sứ/ vỡ gạch Bát Tràng... Thuận Thành đang mưa”.
Nguyễn Khôi rất khéo dùng thủ pháp “Xê dịch”, chỉ thay đổi một vài con chữ, vị
trí, ý tứ của Hoàng Cầm mã đã thấy rõ cuộc đời, số phận Hoàng Cầm hiển hiện ví
như câu: “Váy Đình Bảng buông chùng xuống/ đâu thấy lá diêu bông”. Đã
đôi lần tôi được hầu rượu nhà thơ Hoàng Cầm, tôi có hỏi: Thưa bác lá diêu bông
là gì? Mặt ông chùng xuống, đăm đắm nhìn qua khung cửa... Sau một vại rượu, ông
thủng thẳng: Thế ông không đọc, không hiểu câu cuối bài: Từ thủa ấy/ em
cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ gió quê vi vút gọi/ ...diêu bông hời.../...
ới diêu bông. Hóm quá. Tế nhị tinh vi quá! “Váy Đình Bảng buông chùng
xuống/ Đâu thấy lá diêu bông”. Vì không thấy nên ông bị 8 tháng ngồi Hỏa
Lò. Hoàng Hưng vì yêu thích, cầm giữ lá “diêu bông” bị 4 năm bóc lịch. Thì “mưa
Thuận Thành tầm tã” thì ông đành, ông đã, ông phải, ông lại “ngây ngất ả phù
dung”.
Chân dung 14 - Trần Dần. Một tài thơ nổi trội, một nhân cách
chân chính nói tiếp qua 2 câu thơ: “Tôi khóc những chân trời.../...Những
người bay không có”. Ta nhớ 2 câu thơ nổi tiếng của Trần Dần: “Tôi khóc
những chân trời không có người bay/ Tôi khóc những người bay không có chân trời”.
Câu thơ ẩn dụ ám ảnh khiến ta liên tưởng tới cái xã hội đương thời... Đời là
thế đấy. Người bay thì không có chân trời. Chân trời thì không có người bay. Ôi
thương xót cho nền văn học, số kiếp văn nhân của thời đã qua. Trần Dần đau đớn
xót xa cho thế sự nhân sinh, ông kiên cường tin tưởng vững chắc vào chân chính
làm nên tác phẩm “Nhất định thắng... công toi”. Xin thưa! Công
không toi đâu. Tài năng và sự can trường hy sinh đã để lại cho đời tác phẩm giá
trị. “Cổng tỉnh” đã được giải của Hội nhà văn Việt Nam rồi mà.
Chân
dung 15 - Lê Đạt. Lê Đạt là người cùng thời, cùng họa với Phan Khôi, Trần Dần,
Phùng Quán, Phùng Cung, hoàng Cầm... Thất thời gặp họa lâm nạn, tù túng thiếu
thốn lấy thơ làm nỗi sống niềm sống, ông tỉ mẩn kỳ công đắp vẽ mổ sẻ lai ghép,
lắp ghép, thử nghiệm, sáng tạo kiểu thơ riêng, ông gọi là “bóng chữ”,
người “phu chữ”, âm thầm cần mẫn đẽo tỉa, cấy ghép đã thành công đáng
kể, dẫu đã nhiều phen e chề, thất bại. Nguyễn Khôi ở gần cái tuổi thời ấy nên
dễ hiểu và đồng cảm, nắm vững giải mã được “bóng chữ” của Lê Đạt nên
thấy: “Đẽo/ tỉa bay mất hồn/”, nhưng Nguyễn Khôi vẫn ngờ vực hỏi: “Người
chết/thơ còn, hết?/ “Đường chữ” nẻo cô thôn”. Đường chữ là tác phẩm. Câu
trên hỏi ỡm ờ thì câu sau giải mã ngay. Thơ Lê Đạt, thấy cái thâm thúy gợi mở
của Tàu, cái tích ép của Nhật, cái thực dụng của Mỹ nhưng vẫn mù mờ, ỡm ờ tốc
độ súc giác của Lê Đạt. Viết đến đây tôi thấy tôi bị lan man, tản mạn quá. Sao
mà đủ tài đủ sức theo đuổi dò mở dòm ngó 99 kho tàng bí ẩn huyền ngã… Vậy tự
thổi còi thư bút khép lại mà thưa thớt một số vấn đề trong một số chân dung.
Thưa
lão thi bá! Ở nhóm mảng tiền bối danh giá có lẽ do đặc điểm khuôn khổ khắt khe
gò bó cô đọng của thể thơ tứ tuyệt nên một số chân dung chỉ thấy chân tướng, ví
dụ như bài 21 - Xuân Diệu: “Đồng tính” bị đấu tố/ cụt hứng làm thơ tình/
Thôi thì ca “ngói mới”/ đi “nói chuyện thơ mình”. Nguyễn Khôi dùng tác phẩm
“Đồng tính” “Ngói mới” “Nói chuyện thơ” để ghép thành bài tứ tuyệt nhưng đấy
mới là thơ “tứ” nhưng chưa “tuyệt”, vì đây mới là cái chân tướng, giai đoạn,
sắc thái nhất thời của Xuân Diệu chứ đâu phải là cái góc cạnh, khuôn mặt thần
thái, hồn vía thơ Xuân Diệu. Hoặc Huy Cận, cái thành công vang dội trường tồn
của “Lửa thiêng” và “Mỗi ngày mỗi sáng” thì thi trường và thời
gian đã thử thách thừa nhận Huy Cận là nhà thơ cảm quan vũ trụ, có cảm quan
nhân sinh quan tuyệt hảo ngất ngất... Sau này gia đình ông có chuyện riêng
không hay lắm, Cù Huy Hà Vũ, con trai có quan điểm sống khác, dù sao đó cũng là
chuyện của mỗi gia đình chứ có làm tắt “Lửa thiêng” đâu? Còn việc tên
đường phố thì có cũng hay, chưa có thì cũng đừng ngạc nhiên, chớ như ai kia đã
rút hai câu “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa”,
rồi suy diễn, áp đặt, chụp mũ thì chua chát cái sự đời quá. Hoặc 25 - Minh Huệ.
Cả đời thơ ông nổi bật bài “Đêm nay Bác không ngủ”. Bài thơ của ông là
tấm lòng, tiếng lòng của những người lính cảnh vệ ngưỡng mộ Bác tuyệt đối trung
thành, kính trọng yêu thương Bác. Đó là cái tình đồng chí, tình cha con, sao
lại “Vợ dí thơ... Tính tình/ Bác là Hồ Chí Minh/ Tỉnh tình đâu
mà dí”. Có thể tác giả chỉ đùa nỡm chơi chữ vui vui nhưng đọc thấy thế nào
ấy....
Chân
dung 35 - Phùng Cung. Tác giả hai câu thơ: “Lênh đênh khắp nước cùng non/
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh.” Vì cái truyện ngắn Con ngựa giá
chúa Trịnh mà mắc nạn, bởi bọn “lính gác” văn chương, mấy tay chỉ điểm
mong ông bị tù đày. Ra tù, nhờ Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang giúp đỡ cho tập “Xem
đêm ra đời” Hậu thế biết cái bản lĩnh tính kiên cường qua bài thơ thể Hai
Kư: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Chẳng đổi giọng Tân Cương.”, thì
ta thấy cái kiếp bèo bọt của thi nhân “dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh”
bản lĩnh quật cường, “Trà đau nát bã/ Chẳng đổi giọng Tân Cương”. Vâng,
giữ giọng, giữ bản lĩnh nhân văn nhân bản thi sĩ, chứ đâu “quất bã chè thành
thơ?”!
Chân dung 29 - Bùi Giáng. Tôi không đắc ý với câu “Nghêu
ngao giả cuồng điên”. Thực thì Bùi Giáng điên điên, điên tình, điên cảnh, điên
thơ, điên đời... Thường thì các thi sĩ thiên bẩm thiên tài đồng bóng thăng hoa
mà phát thơ. Thơ Bùi Giáng có đặc điểm là bất thường vô thường, (Chân không tới
đất, cật không tới trời), lâng lâng ảo ảo, cuồng cuồng say say, nó vô định ma
mị lắm. Chính thế mới tạo nên cái “Bùi Giáng”, “Trường phái thơ Bùi Giáng”, không
khéo Nguyễn Khôi lại lầm như trường hợp Xuân Diệu nhận định nhầm Hàn Mặc Tử.
Chân
dung 43 - Lê Lựu. Đọc chân dung này thì thấy cái chân tướng đời thường, chứ đâu
là chân dung một nhà văn Lê Lựu, một Giang Minh Sài (Thời xa vắng), một
Núi (Sóng ở đáy sông). Còn cái chuyện tình ái, vợ chồng, gia đình hãy
cho qua, hãy phác họa, ký họa, khắc họa những nét đặc biệt, đặc trưng chân dung
VĂN HỌC. Hãy hướng tới cái có, cái được, cái đạt, cái đặc biệt nổi trội của nhà
văn thì văn chương hơn, nhân ái, hỉ xả hơn.
Chân dung 45 - Chân dung Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương
Liên…
Tiếc
quá! Lại ghép hai “Nhà” cùng nhau.... Nói đến Lý Phương Liên phải nói đến “Ca
bình minh”, “Tâm sự với Thúy Kiều”. Người ta không quên vụ án “Thúy
Kiều” án không án, vì nhà thơ quá nhạy cảm, thông minh mẫn cảm đi trước thời
đại…Nguyễn Nguyên Bảy bất tử với tuyên ngôn “Thơ là thơ không phải địa vị
người làm thơ” hoặc lương tâm lý trí tư cách đạo đức tư tưởng: “Màu đỏ
của máu/ màu vàng của da/ mỗi chúng ta/ là một lá cờ”. Hay sâu xa bất hủ
như: “Cháy rồi, cháy hết phần thơm/ chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/ rồi
màu phẩm nhạt phai đi/ dẫu chẳng còn vẫn đứng chân hương”. Tâm tình, đúng
nghĩa nhân lễ trí tín quá! Tài hoa bất hủ, bất tử quá quá! Đừng quên những lời
thơ gan ruột này là chân dung Nguyễn Nguyên Bảy những “Ca bình minh”, “Tâm
sự Thúy Kiều” là tượng đài lồng lộng thăm thẳm mênh mang Lý Phương Liên.
Còn “Chàng Tư mã say thơ/ mê mùi sen phố cổ/ “chém gió giữa Thủ đô/ thơ bạn
thơ” rạng rỡ”. Chỉ là bề nổi, chỉ là cái bóng thoảng của hai nhà thơ nổi
tiếng này thôi.
Chân
dung 47 - Dương Thu Hương. Tôi đã được đọc “Thiên đường mù”, “Bên kia
bờ ảo vọng”, tôi phục trí óc của bà, tôi quý giọng văn sắc sảo biến ảo đa
chiều góc cạnh của bà. Đọc số 47 Dương Thu Hương và 26 Minh Huệ tôi phục và sợ
sự tưởng tượng hư cấu lồi lõm góc ngách phù thủy của Nguyễn Khôi. Nhưng vẫn
buồn buồn vì những câu “Tức khí mà tắt kinh/ Thiên đường mù vẫy gọi/ Chào
tỉnh lẻ vĩ nhân”…Đã tắt kinh, thì hết trứng, hết trứng thì làm sao sinh nở
được nữa. “Thiên đường mù vẫy gọi” vô vọng quá! “Chào tỉnh lẻ vĩ nhân”
hài bi, bi hài quá! Tất nhiên “Thiên đường mù” “Tỉnh lẻ vĩ nhân”
là tác phẩm nhưng cũng là con người xã hội, thế thời thời thế…Những câu chữ rất
ý tứ góc cạnh (ý tại ngôn ngoại). Nhưng tắt kinh tuy đúng, tuy lạ nằm bên, hiện
lên trang giấy khó đọc quá… Lẽ ra tôi định bàn tới các nhà thơ chính, phân cao
thấp. Nhưng như nói đã quá đủ trên các báo mạng rồi tôi chỉ xin thoáng qua mấy
nhà thơ mà tôi có quen biết.
Kính
thưa nhà văn Nguyễn Khôi - Văn Thùy không giỏi diễn dị nhân đâu. Có thể thời
đầu, đoạn đầu Văn Thùy tập diễn, cố diễn sau bị con “ma thơ” đánh bùa mê thuốc
lú thành “dị nhân” xịn đấy, ông gày gò, ông từ bỏ, ông mất mát đúng như bài thơ
“Văn Thùy dị nhân” của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã lột tả. Còn “Thấy
Bùi Giáng là lủi”, Văn Thùy sao dám đấu với Bùi Giáng mà “lủi”. Còn người
đời ngộ nhận thì bàn làm gì? Văn Thùy có đôi nét ngoại hình, có dòng thơ lục
bát nhuần nhuyễn bắt hơi nhau một chút, ví như câu “khóc người một con”
trùng câu trùng ý Bùi Giáng. Cái “điên” của Bùi Giáng đâu có giống cái “bụi”
của Văn Thùy. Chính Văn Thùy tự nhận là rơm rác bụi bặm rồi cơ mà. Thôi thì Văn
Thùy đã được làng thơ phong “dị nhân” “Thơ bụi” cũng là lẽ tự
nhiên thôi chứ “Khéo dán tem “thơ bụi” sao nổi.
Người
thứ hai là bạn tôi, là
thầy thơ tôi Hoàng Xuân Họa, chân dung 63: “Thơ “trong” ba lô ra trận/ Bỏ
“trót một thời yêu”/”Chuyện cõi âm lạ lẫm/ Trả đời cho Chí Phèo”. Chân dung
này thật 100% nhưng nhạt loãng, tuyền toàng. Cụ thể nghĩa đen, sự
thực năm 1970 anh chàng tân binh Hoàng Xuân Hoa yêu thơ say thơ quý phục Ca
bình minh của Lý Phương Liên. Anh chép tay cõng trên ba lô đi khắp
chiến trường ABC. Qua cuộc chinh chiến ở chiến trường Nam Bắc ở trường đời anh
thai nghén chửa đẻ ra “Trót một thời yêu” giọng điệu trăn trở hồn thơ
chấp chới gây làn sóng lăn tăn sau chiêm nghiệm từng trải là người trong cuộc
chiến, cuộc sống anh cho “Chuyện cõi âm ra đời” vừa hài vừa bi vừa hư
vừa thật, nhưng rưng rưng nhưng nhức cho độc giả sau, trước cái xã hội thật như
đùa cười ra nước mắt anh sinh ra “Chí Phèo đi dự Fet ti van”. Bác Khôi
ơi! Bài viết của bác đúng đủ nhưng vẫn chưa rõ cái thần thái của Hoàng Xuân Họa
mà ngược lại người ta hiểu lầm, tưởng sai về nhà thơ khó tính đa tài đa tật
nhiều lắm, nhất là “Trả đời cho Chí Phèo” oan quá, tầm thường quá! Ngộ
quá!
Ông
bạn thứ ba mà tôi kiêng nể dẫu ít tuổi, chỉ hơn con lớn của tôi bốn tuổi, đó là
Đặng Xuân Xuyến, chân dung số 89. Vì sao? Xin thưa. Vào khoảng những năm 1990 -
2000 xã hội mở cửa, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ
sĩ, các nhà văn nhà thơ thậm chí cả các nhà hưu trí nhà bất mãn đua nhau in ấn
các loại văn thơ: “đâu là đôi mắt”, “Như có Bác Hồ”… Thế mà anh
bạn trẻ trên tay cầm cái bằng đại học nhân văn xã hội đỏ chóe ngày đêm xem cổ,
tiếp kim chiêm nghiệm thực nghiệm cho ra đời hàng loạt đầu sách mới lạ (có
thể lên tới hàng trăm đầu sách với nhiều bút danh). Nổi bật gây dư luận
nhất là hai tập sách, một là Giới tính và giáo dục giới tính (1997). Nội
dung khoa học về đời sống tình dục và giới tính. Anh tiếp thu thành tựu của
nước ngoài, kết hợp cái thực tế ở trong nước, nhất là những cái ở ta đang lấn
cấn để mà thành sách, giúp người giải phóng mặc cảm, hướng tới sống khỏe, sống
hạnh phúc nhưng ở giai đoạn đấy anh đi quá sớm nên ăn đòn (bị thu hồi). Tác
phẩm thứ 2 là cuốn Tử Vi kiến giải, viết theo quan điểm chắt lọc
những tinh hoa của tiền nhân, của Tử Vi Việt, giúp bạn đọc tiếp cận dễ hơn,
đúng hơn về niềm tin tín ngưỡng của người Việt Nam thế nhưng cũng bị nhà chức
trách thổi còi “đình bản”, thu hồi. Sau đó sách vẫn được truyền tay tìm đọc,
vẫn được tái bản mấy lần. Đó là cái riêng, khác lạ của một đời văn, một đời
người. Vậy có xứng là nhà văn có giọng văn dáng dấp đương thời đương đại không?
Ấy là chưa nói anh còn viết một loạt truyện ngắn: Chuyện cu Tố làng
tôi, Chuyện của gã Khờ, Kim yêu, Chuyện ngủ... được bạn đọc yêu thích, ngay
chính lão thi bá Nguyễn Khôi cũng làm bài thơ 5 đoạn cảm đọc gã Khờ. Lại còn
mảng thi ca. Dẫu thơ anh chậm xuất hiện nhưng đã gây ấn tượng bởi cái giọng
điệu sắc lạnh, tốc độ, tứ ý ngồn ngộn tự nhiên, đầy tâm trạng, đủ chân thiện mỹ
như: Bạn Quan, Quê nghèo, Tôi nghe, Ru con, Tim đau, Mơ trăng, Tình Nở...
Nhất là thơ tình đầy trăn trở. Bêlin Xiki nói: “Chỉ cần anh có cái giọng
riêng đã đáng là một nhà thơ rồi.”. Vậy mà bác Nguyễn Khôi nhà ta đã
nghuệch ngoạc vẽ thế này: “Buôn sách và viết sách/ Vui gà trống nuôi con/
làm tình “cưỡng” không thích/ Thơ như thời trai son.”. Thực quá dễ dãi, quá
trơn tuột. “Buôn sách”, “gà trống nuôi con”, “làm tình “cưỡng”
không thích” thì đâu phải chân dung, phải chăng chỉ là về đời thường chứ
đâu là cái hồn cốt, cái chân dung để đời của nhà văn?!
Chân
dung 97 - Vũ Từ Trang. Nhà thơ này trắng trẻo đẹp trai điềm đạm. Thơ hay văn
giỏi. Anh rất coi thường thơ tôi. Anh thường bảo thơ tôi là thơ con cóc. Vâng.
Tôi rất bực mình và tự ái nhưng tiếp cận thơ anh tôi cụt lủi. Thơ anh rất hiện
đại nhưng ý tứ gợi mở ám ảnh như bài: Chiếc đồng hồ cũ, Cái ghế, Thăm
nơi sơ tán…. Một loạt bài rất hay, không thiếu chất suy tư chiêm nghiệm,
triết lý rất Đông Á. Thơ anh và văn anh đăng rất nhiều trên báo trung ương và
địa phương, gây nhiều hiệu ứng trong xã hội. Cuốn Phía sau con chữ, chân dung
văn học ông viết nhẹ nhàng, chân thật, sống động, có chiều sâu, có bề dầy. Anh
là người “vua biết tiếng chúa biết tên”. Ấy thế mà Nguyễn Khôi nhẹ nhàng “vô
tư” viết: “Vươn lên từ chủ doanh nghiệp/ Từ chân báo thủ công/ Văn chân dung
chân thật/ Thơ ngọt khế Sặt Đồng”. Thơ Vũ Từ Trang không chỉ ngọt khế Sặt
Đồng, còn có cả chua chát đắng cay tràn trề dân dã, lóng lánh trí thức, ấn
tượng cổ kim... Bác Khôi khắc họa chưa đạt chân dung thơ văn đã đắc đạo của Vũ
Từ Trung.
Người
thứ 5 mà tôi biết là Nguyễn Thanh Lâm, chân dung số 86: “Đêm tỏa Hương dương
cầm/ Nghe mưa trên mái cổ/ Siêu thoát trong rừng tùng/ Thơ lang thang bát phố.”.
Ba câu đầu ít nhiều có hồn vía nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm nhưng câu thứ tư “Thơ
lang thang bát phố” thì e không đắt, không hợp với Nguyễn Thanh Lâm, người
nặng về tâm linh tĩnh tại. Thơ Nguyễn Thanh Lâm có chất thiền định, nghe mơ hồ
bâng lâng vô vi thi vị. Với con người điềm đạm cân bằng sâu xa an lạc và dòng
thơ du dương cuồn cuộn nồng đậm ấy chẳng bát phố đâu.
Đang
viết thì chuông điện thoại đổ gấp. Tôi nhấc máy nghe, đầu dây bên kia là giọng
của ông bạn thơ tuổi đã cao niên: - “Alo! Ông Hành có được tặng 99 nhà văn
đương đại của Nguyễn Khôi không? Có cái bìa 2 lạ lắm. Nhà văn Nguyễn Khôi cưỡi
ngựa xem hoa, không biết là ý gì nhỉ?”. Tôi vội mở điện thoại ra xem, quả
lão thi nhân vẫn phong độ chững chạc lắm. Áo véc tím hồng, khuôn mặt ngây
ngây, mủm mỉm cười, tay
phải đút gọn túi áo, tay trái vịn cành đào hoa nở rực rỡ. Tôi vội trả lời: - “Ồ
không phải là cưỡi ngựa xem hoa mà là vin hoa đút túi….”.
Định
viết thêm nhưng tôi thấy thế cũng đã nhiều nên tạm dừng bút.
Vâng.
Tôi cứ lẩn thẩn với những suy nghĩ trong đầu: giá thi sĩ Nguyễn Khôi đọc kỹ
thêm nữa những tác phẩm của các “chân dung” mà viết 99 chân dung thì tác phẩm
sống động hơn, các chân dung ấy sẽ trường tồn hơn...
Khoan Tế, tháng 06.2017
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét