Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (Kì 4) / Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ

TS Nguyễn Ngộc Kiên

          VƯƠNG XƯƠNG LINH
          Tiểu sử: Vương Xương Linh là người Kinh Triệu, Trường An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
          Năm Khai Nguyên thứ 15 (727) đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông thi đỗ Tiến sĩ.
          Bảy năm sau (734), ông lại đỗ khoa Bác học hoành từ, lần lượt trải chức: Bí thư sảnh, Hiệu thư lang, huyện úy huyện Dĩ Thủy [3].
Năm Khai Nguyên thứ 28 (740), vì phạm lỗi ông bị giáng làm Giang Ninh thừa. Rồi vì những vụn vặt, ông lại giáng làm Long Tiêu úy.
          Cuối năm 755, tướng An Lộc Sơn dấy binh chống triều đình. Sau đó, Vương Xương Linh trở về làng thì bị viên Thứ sử ở địa phương tên là Lư Khưu Hiển giết chết vì tư thù  khoảng năm 756.
Số thơ của Vương Xương Linh để lại hiện còn hơn 180 bài, một nửa là tuyệt cú.
          Ngoài ra, theo thiên "Nghệ văn chí" trong Tân Đường thư (Sử nhà Đường bộ mới), thì ông còn viết sách lý luận có nhan đề là Thi cách (Khuôn phép của thơ, gồm 2 quyển) và Thi trung mật chỉ (Ý sâu kín của thơ, gồm 1 quyển); nhưng nay chỉ còn quyển Thi cách do người đời Minh chép, nhưng có người nghi là sách giả, không phải nguyên bản
           (Theo Từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)


-王昌齡

Phiên âm:
TÁI THƯỢNG KHÚC – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Thiền minh không tang lâm,
Bát nguyệt Tiêu Quan đạo.
Xuất tái phục nhập tái,
Xứ xứ hoàng lô thảo.
Tòng lai U Tinh khách,
Giai hướng sa trường lão.
Mạc học du hiệp nhi,
Căng khoa tử lưu hảo.

Dịch nghĩa:
KHÚC CA TRÊN ẢI -  VƯƠNG XƯƠNG LINH
Ve kêu trong rừng dâu đã rụng hết lá
Tháng tám ở cửa ải Tiêu Quan
Ra khỏi ải rồi lại vào ải
Đâu đâu cũng chỉ thấy cỏ lau đã úa vàng
Xưa nay những người ở U châu và Tinh châu
Đều sống chết một đời ở sa trường
Xin đừng học thói người hiệp sĩ du hành
Khoe khoang con ngựa xích thố oai hùng của mình

Dịch thơ:
KHÚC CA TRÊN ẢI -  VƯƠNG XƯƠNG LINH
Ve kêu dâu hết lá
Tháng tám ải Tiêu Quan.
Ra vào nơi cửa ải
Cỏ lau đã úa vàng.
Người U,Tinh Châu đó,
Một đời trên sa trường
Xin đừng như hiệp sĩ
Đem xích thố khoe khoang!


Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ II – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Ẩm mã độ thu thuỷ,
Thuỷ hàn phong tự đao.
Bình sa nhật vị một,
Ảm ảm kiến Lâm Thao.
Tích nhật Trường Thành chiến,
Hàm ngôn ý khí cao.
Hoàng trần túc kim cổ,
Bạch cốt loạn bồng mao.

Dịch nghĩa:
 KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ II) – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Cho ngựa uống nước, qua sông thu
Nước lạnh, gió như dao cắt.
Trên bãi cát phẳng, mặt trời chưa lặn,
Nhìn thấy Lâm Thao mờ mịt xa xa.
Ngày xưa, chiến đấu ở Trường Thành,
Mọi người đều biểu lộ ý khí cao.
Bụi vàng đủ hết chuyện xưa nay,
Chỉ còn xương trắng lẫn lộn trong cỏ dại.

 Dịch thơ:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ II) – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Sông thu, ngựa uống nước
Nước lạnh, gió cắt da
Bãi cát phẳng  chưa tối
Lâm Thao mờ mịt xa
Trường Thành xưa chiến đấu
Ý chí biểu lộ ra
Nhìn bụi vàng đủ biết
Cỏ dại trắng xương pha

LÍ BẠCH
Tiếu sử: (Xem thêm kì 3)


Phiên âm: 
TÁI HẠ KHÚC KÌ I – LÍ BẠCH
Ngũ nguyệt Thiên sơn tuyết,
Vô hoa chỉ hữu hàn.
Địch trung văn "Chiết liễu",
Xuân sắc vị tằng khan.
Hiểu chiến tuỳ kim cổ,
Tiêu miên bão ngọc an.
Nguyện tương yêu hạ kiếm,
Trực vị trảm Lâu Lan.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ I) – LÍ BẠCH
Tháng năm núi Thiên Sơn vẫn còn tuyết phủ
Chẳng thấy hoa chỉ giá rét lạnh lùng
Tiếng sáo thổi nghe bài "Chiết liễu"
Chưa từng thấy cảnh sắc mùa xuân
Buổi sớm đánh nhau nghe theo hiệu trống
Ban đêm nằm ngủ ôm chiếc yên ngọc
Muốn tuốt gươm bên lưng
Thẳng chém chúa Lâu Lan

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ I) – LÍ BẠCH
Tháng Năm Thiên Sơn tuyết
Không hoa, rét tê người
Nghe sáo thổi “Chiết liễu”
Cảnh sắc xuân đâu rồi?
Sớm đánh theo hiệu trống
Đêm ôm yên ngủ thôi!
Muốn tuốt thanh gươm nọ
Chém Lâu Lan làm đôi! 


Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 2 – LÍ BẠCH
Thiên binh há bắc hoang,
Hồ mã dục nam ẩm.
Hoành qua tòng bách chiến,
Trực vị hàm ân thậm.
Ác tuyết hải thượng xan,
Phất sa lũng đầu tẩm.
Hà đương phá Nguyệt Chi,
Nhiên hậu phương cao chẩm.

Dịch nghĩa:
 KHÚC HÁT DƯỚI ẢI KÌ 2 – LÍ BẠCH
Binh trời xuống cõi Bắc
Ngựa Hồ muốn uống nước bờ Nam
Ngáng giáo xông pha trăm trận
Chỉ vì được đội ơn sâu
Trên bể, vốc tuyết ăn
Bên ruộng, phủi cát ngủ
Bao giờ đánh tan được Nguyệt Chi
Mới nằm gối cao yên giấc

Dịch thơ:
 KHÚC HÁT DƯỚI ẢI KÌ 2 – LÍ BẠCH
Thiên binh xuống cõi bắc
Ngựa Hồ uống bờ Nam
Cầm gươm đánh trăm trận
Mong được báo hoàng ân
Trên bể, vốc tuyết uống
Ruộng cát ngủ ấm thân
Khi nào tan giặc Nguyệt
Kê gối cao, yên nằm!


Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ III – LÍ BẠCH
Tuấn mã như phong biều,
Minh tiên xuất Vị Kiều.
Loan cung từ Hán nguyệt,
Sáp vũ phá thiên kiêu.
Trận giải tinh mang tận,
Doanh không hải vụ tiêu.
Công thành họa Lân các,
Độc hữu Hoắc Phiêu Diêu.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI  (KÌ III) – LÍ BẠCH
Tuấn mã chạy như gió
Ra roi thẳng Vị Kiều
Giương cung từ tạ trăng Hán
Mũi tên cắm lông bắn phá giặc trời
Trận tan, tia sáng trên sao tắt
Doanh vắng, khói biển tiêu tan
Lập công được vẽ tượng trên gác Kỳ Lân
Chỉ có quan Phiêu Diêu họ Hoắc

 Dịch thơ:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI  (KÌ III) – LÍ BẠCH
Tuấn mã vút như gió
Rời Vị Kiều ra roi
 Giương cung biệt trăng Hán
Mũi tên phá giặc trời
Trận tan, sao sáng tắt
Doanh vắng, khói biển trôi
Vẽ Kì Lân công trạng
Chỉ Hoắc Phiêu Diêu thôi!

LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王 (640?-684)
         Tiểu sử tóm tắt:    Lạc Tân Vương người Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng thơ hay từ năm bảy tuổi. Ông ra làm quan đời vua Cao Tông, Võ Hậu nhưng bất mãn xin thôi. Khi Từ Kính Nghiệp nổi lên chống lại triều đình có dùng ông làm chức phủ thuộc. Ông có thảo bài hịch kể tội Võ Hậu. Cuộc biến loạn thất bại, ông bỏ trốn và mất tích. Theo Cựu Đường thư thì ông bị giết năm 684
          Các tác phẩm được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1923 của tác gia này đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước. Những bản dịch hoặc lần tái bản phát hành sau ngày đó vẫn có thể có bản quyền. Các tác phẩm được phát hành sau khi tác giả mất có thể có bản quyền tùy thuộc vào chúng đã phát hành được bao lâu tại từng quốc gia và lãnh thổ cụ thể.
         (Theo Từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

- 駱賓王

Dịch nghĩa:
DỊCH THỦY TỐNG BIỆT – LẠC TÂN VƯƠNG
Thử địa biệt Yên Đan,
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thuỷ do hàn.

Dịch nghĩa:
TIỄN BIỆT TRÊN SÔNG DỊCH – LẠC TÂN VƯƠNG
Nơi đây từ biệt Thái tử Đan nước Yên
Tóc tráng sĩ (2) dựng ngược đội cả mũ lên
Người xưa đã khuất rồi
Nước sông nay còn giá lạnh (3)

Dịch thơ:
TIỄN BIỆT TRÊN SÔNG DỊCH (1) – LẠC TÂN VƯƠNG
Đây biệt Thái tử  Đan nước Yên
Tóc tráng sĩ dựng ngược mũ lên
Người xưa nay đã đi đâu khuất
Sông nước nay còn giá lạnh nguyên!
.........
(1) Thuộc tỉnh Hà Bắc Trung Quốc
(2) Kinh Kha vâng mệnh Thái Tử Đan nước Yên đi mưu sát Tần Thủy Hoàng
(3) Nhắc lại lời Kinh Kha đêm chia tay "gió hiu hắt, sông Dịch lạnh ghê . Tráng sĩ một đi không trở về."


Nguyễn Ngọc Kiên

1 nhận xét: