Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG KHẨU VĂN CỦA NGUYỄN QUANG LẬP (Phần 4) / Nguyễn Ngọc Kiên


TS Nguyễn Ngọc Kiên


1. Khái niệm so sánh tu từ
          So sánh theo cách hiểu phổ thông là “nhìn vào cái này mà xem xét cái kia để thấy sự giống nhau hoặc khác nhau hoặc sự hơn kém”.[4, tr. 861]
         Theo Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú thì: “So sánh tu từ là sự đối chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một dấu hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét tương đồng nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí”.[3, tr.14]

        2 . So sánh ngang bằng X – R -  Y biểu thị khoa trương
        X = vật so sánh; R = từ so sánh; Y = vật chuẩn so sánh
        Các chữ viết tắt: S = subject (chủ ngữ); V = verb (động từ); Adj = adjective  (tính từ); O = object (tân ngữ); N = noun (danh từ); P = phrase (cụm từ).
Hay gặp nhất trong văn NQL: R = như. Loại  này có các tiểu loại sau:
2.1. Biểu thức: N(P) như + N(P)
(1) Bà nói anh Nập không biết chứ Viện này từ xưa đến nay giống như chùa Bà Đanh, anh Thưởng về cái nà anh em đến thường xuyên, ông nhỏ ông to vào ra tấp nập, mừng nắm. Mình đùa, nói chị em trong viện cũng tươi tắn hẳn lên bà nhỉ, như thài lài gặp cứt chó.
                    (Kí ức vụn, tr.113)
 (2) Có lần tôi về Nghệ An, người ta nói mãi mình cứ chối thì người ta cho mình kiêu, nhận lời rồi thì lo mất ăn mất ngủ, không biết nói cái gì, cái đầu khi đó như cục vôi sống, không nghĩ ra được cái gì, khỉ thế.
(3)Xe đi qua thì nhếch mép cười nhạt, người này nói đồ mặt như mặt mo mà cũng lấy được lái xe hà bay, người kia nói ừ đo, đúng là may hơn khôn, to  ... hơn đẹp mặt.
(4) Rượu chưa đủ đô không ngủ được, ngủ được rồi thì giấc ngủ như một cuộc chiến tranh, tay đập chân đạp miệng gầm gừ, ai không quen sợ lắm.
                                     (Bạn  văn, tr. 179)
2.2. Biểu thức: V như N
Ví dụ:
(5) Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng, cơm nguội để dành mấy chục năm chán lắm, ăn thì chả ăn nhưng hễ ai động đến thì lồng lên như sói.
                                           (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 350)
Chúng tôi coi đây là một thành ngữ. Thành ngữ này có biến thể “tru lên như sói”. (Xem thêm Sử dụng thành ngữ khoa trương trong khẩu văn của Nguyễn Quang Lập, Kì 3.). Ví dụ:
(6) Lắm người bị đồn shock đến nỗi hóa rồ, nhiều khi tru lên như sói.
(7) Bây giờ nó là nhạc sĩ Tinh Túy, tên tuổi nổi tiếng khắp tỉnh, bài hát thì chẳng ai nhớ nhưng tên nó cứ nổi như cồn.
                                          (Kí ức vụn, tr.105)
2.3. Biểu thức: N(P) như (S) – V
(8) Mình và con Hà như muốn bắn tung lên trời, ôm nhau sung sướng muốn tắt thở.
                          (Kí ức vụn, tr. 156)
(9) Hồi đó mình biết mê bóng đá rồi nhưng chẳng biết tí gì bóng đá thế giới, có nghe nói đến bóng đá Brazin, đến ông Pele như nghe chuyện trời, nói thật cũng chẳng mấy quan tâm, có đến 99% không quan tâm chứ chẳng riêng gì mình.
                                 (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 286)
2.4. Biểu thức: (S) – V – O như (S) – V – O
(10) Mình được giáo dục cẩn thận, ghét nhà giàu như nhà nông ghét cỏ, cứ ghét như thế cho đến chục năm sau mới biết mình ngu.
                                     (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 224)
(11) Giáo sư Tây hỏi ngu như bò còn ông văn hóa 8/10 thì trả lời hay như Thánh phán.
(12) Rồi nhà văn Nguyễn Việt Hà, họa sĩ Lê Thiết Cương tiến si Trần Trọng Thưởng chạy vật vờ như đám mất sổ gạo, hễ thấy tốp chân dài nào chạy qua thì mắt sáng như sao, ba chân bốn cẳng  đuổi theo vô cùng hoan hỉ.
                    (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 242)
(13) Xưa nay đều vậy, phim trường nước ta thằng có tài thì són tiền như đái dắt, thằng bất tài, giỏi múa mép thì ôm tiền cả mớ, quyết làm giàu trước khi làm phim
2.5 . Biểu thức: (S) – V như (S) - V – O
 (14) Chị Trâm vợ anh hỏi Đại hội có gì vui, anh chỉ nhăn răng  cười, nói ua chầu, cãi nhau như mổ bò.
                    (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 79)
(15) Cái thời thơ thật sướng, nhà thơ như con trời ở xa tít mù, mỗi lần xuất hiện như thiên sứ từ trời sa xuống, cho dù đi đứng nghênh ngang.
                             (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 115)
(16) Tháng sau anh thu được cả chục rổ ốc bươu vàng, đúng là loại ốc này đẻ như ăn cướp, bà con cũng tranh nhau mua như ăn cướp, anh thu được một mớ tiền to.
                                                   (Bạn văn, tr. 388)
2.6. Biểu thức: S - Adj như  N(P)
(17) Vé khan hiếm đắt như sâm.
(18) …thế tío nhưng sao thấy thơ sang trọng kinh hồn, thơ đến với người vừa gần gũi vừa cao vời, vừa âu yếm như lời hát ru, vừa thiêng liêng như Thánh ca.
(19) Học trò đều đã tốt nghiệp khoa văn, có đứa thạc sĩ văn chương, nhưng cái tên NQL chúng nghe lạ hoắc, như tên tuổi mấy ông gác chợ vậy.    
                       (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 101)
(20) Anh nói nhà người ta sang như trời mình đến mần răng.
                                       (Kí ức vụn, tr. 203)
2.7. Biểu thức: S - Adj như  (S) – V- O
(21) Người nói tôi sẽ nói cái này người nói tôi sẽ nói cái kia, ai nấy mặt phừng phừng như sắp ra chốn sa trường hi hi.
                           (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 76)
(22) Sau mới biết tính anh vậy, ngồi đâu cũng rụt rè cả thẹn như gái mới về nhà chồng.
               (Bạn văn, tr. 165)
(23) Yêu vợ như ông nhà văn T. cũng gọi là xưa nay hiếm. Lấy nhau đã gần ba chục năm mà mỗi lần nhìn vợ mắt ông cứ đắm đuối như thôi miên thì phục quá.
                 (Bạn văn, tr. 74)
(24) Khi cụ từ Hội trường tỉnh ủy đi ra, bao nhiêu cô gái nhìn cụ với những cái nhìn ngưỡng mộ thèm khát bốc cháy như muốn ăn tươi unốt sống cụ, bảo đảm chỉ cần cụ vẫy khẽ cái là có cả chục cô chạy theo liền.
                              (Bạn văn, tr. 426)
3. Trường hợp R bị thay thế. “như” =  “chẳng khác nào”, “chẳng khác gì”, “ngang tầm”, “không khác gì”, “có cảm tưởng”
(25) Trong làng có cô nào cưới được chồng lái xe, làng xóm bàn tán mê man cả tháng, chẳng khác gì con gái xưa vớ phải trạng nguyên.
(26) Cũng có cô xấu, xấu mấy thì xấu, dù xấu ngang tầm Thị Nở cũng không đến lượt mình.
                                 (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 189)
(27) Khoang máy lạnh người ta không cho hút thuốc lá, ba thằng đều ghiền nặng cả, rượu bia mà không có điếu thuốc chẳng khác nào đau ốm phải uống thuốc Bắc.
                         (Kí ức vụn, tr. 216)
(28) Hi hi bầu Ban chấp hành Hội Nhà văn mà hồi hộp căng thẳng không khác gì bầu Tổng thống.
                          (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 76)
 (29) Đến khi đá với Argentina thua, đá với Romania thua tiếp ai nấy thất thần như người mất sổ gạo. Trận đá với Romania, thua 2 quả rồi mà Liên Xô rề rà như là đang thắng, có cảm tưởng đá tảng đang đeo chân họ.
                          (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 284)
3.1. Trường hợp bị thay thế nhiều nhất là R “như” = “y chang”
(30) Thằng T. vắt chân chữ ngũ, mặt vênh lên y chang nó vừa quen được ông Thủ tướng.
(31) Vào cuộc người ta nói đông nói tây, anh cứ ngồi khóm róm, nơm nớp  sợ người ta gọi đến tên mình, y chang cậu học trò không thuộc bài.
                                                      (Bạn  văn, tr. 176)
(32) Anh nhoẻn miệng cười, cái mặt đỏ kè xấu hổ, y chang ông con rể chuẩn bị ôm vợ bỗng gặp ông bố vợ.
                                                        (Bạn  văn, tr. 177)
(33) Lại còn người này khen như này, người kia khen như kia, miệng nói tay khua y chang vừa trúng số độc đắc.
                             (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 79)
(34) Dứt lời Bùi Hiển lên xe lao đi , y chang trốn chạy kẻ cướp.
                                              ( Bạn văn, tr. 443)
(35) Hễ nghe có khách, lãnh đạo Hội mặt xanh như đít nhái, cái mặt cười y chang cái mặt trâu ngửi l., tội lắm.
(36) Anh ngửa cổ cười, mặt đỏ rực, mắt long lanh, y chang ông Lưu Bị vừa đả xong trận Xích Bích. Hi hi
                      (Bạn văn,  tr. 391)
3.2. Các trường hợp bị thay thế khác “ như” = “chỉ bằng”, “cũng giống như”.
(37) Đang ăn thì em thấy một đoàn mười mấy đứa bạn cùng khoá đang rong ruỗi vỉa hè, em bèn chạy ra gọi tất cả vào quán phở. Tim mình thắt lại, cuống tim teo lại chỉ bằng sợi tóc.
                                      (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 224)
(38) Mình đứng ôm cột nhà nhìn anh, hồi đó còn bé thấy nhà thơ cũng giống như nhà hoạn heo, không thấy xúc động gì, chỉ đứng ôm cột nhà trương mắt nhìn.
                                         (Kí ức vụn, tr. 182)
4. Sử dụng so sánh ngang bằng với biểu thức “S là P” biểu thị khoa trương
Trong khẩu văn của Nguyễn Quang Lập, hệ từ  là”  có thể được thay thế cho những từ so sánh, và đó là câu biểu thị so sánh thuần túy. Ví dụ:
 (39) Mình học Bách Khoa năm cuối, đọc xong hai trường ca này thì mặc nhiên coi hai ông này là trời, suốt ngày mơ làm sao mình có được dăm câu thơ hay như thơ họ.
              (Bạn văn, tr. 252)
(40) Chẳng phải nó đá hay, có cú sút phạt thần sầu mà vì là thằng cha hay cãi, có lẽ nó cầu thủ hay cãi nhất thế giới túc cầu.
                               (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 384)
(41) Thế mà từ năm 1981 anh Tạo đã dám viết những câu thơ bỏng rát, nhức nhối đến như vậy, quả là gan trời.
                       (Bạn văn, tr. 97)
  Trong những câu trên, “là” vốn là một động từ phán đoán, cho nên khi được sử dụng trong cấu trúc này, cả cấu trúc còn mang sắc thái khẳng định vốn có của động từ. Tuy nhiên, hình thức so sánh tu từ dùng “là” cũng khác với phán đoán logic có công thức “ S là  P” . Chính vì vậy, có người không cho rằng “là” là thành tố trong phép so sánh. Tuy nhiên căn cứ vào ngữ nghĩa chúng tôi cho rằng là” không những có khả năng biểu đạt so sánh mà còn có khả năng biểu đạt khoa trương.  Ví dụ:
(42) Với nhiều người Liên Xô là nhất, Mỹ chỉ cái đinh gỉ. Kuwait, Honduras còn vào được World cup mà Mỹ chẳng thấy khi nào ló mặt vào, đúng là con hổ giấy hi hi
                                      (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 291)
(43) Phàm là nhà văn chẳng ai chỉ đạo được ai, ông nào ông ấy cái tôi to bằng cái bồ, văn mình vợ người xưa nay đều thế cả, chẳng làm sao thay đổi được.
                                           (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 83)
(44) Hi hi bây giờ cả hai đều là những con sâu nghiện blog.
                                     (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 84)
5. Trường hợp so sánh không ngang bằng X – R – Y . Biểu thức này R được thay thế “như” = “còn quá”, “gấp mấy lần”, “còn hơn”, “không bằng”, “không coi bằng”. Ví dụ:
(45)Thật không ngờ cụ Vũ Đình Liên đón mấy đứa vô danh tiểu tốt tụi mình còn quá đón con cháu ở xa về.
                              (Bạn văn, tr. 437)
(46) Vì thế quen được cô mậu dịch viên còn phấn khởi gấp mấy lần được thăng chức lên lương ( tất nhiên là lương nhỏ chức quèn).
                 (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 186)
(47) Bây giờ pv mỗi ngày vài chục ngàn, hơn 10 triệu lượt người viếng thăm, thật còn hơn cả một giấc
                          (Chuyện đời vớ vẩn, tr. 84)
(48) Mình giấu nàng chuyện đi buôn, thời ấy nghề đi buôn gọi là gian thương, bị xã hội không coi bằng chó mèo.
                  (Kí ức vụn, tr. 170)
(46) Nàng buồn, tóc rụng mất quá nửa, có lẽ dưới mắt nàng lúc đó mình không bằng giống chó mèo.
                                      (Kí ức vụn, tr. 170)
(49) Thế mà vẫn  không thoát được hoạn nạn, đoi lần chết hụt chứ chẳng chơi, tĩnh trí như nó mà bị mấy đòn đau hơn hoạn.
                                                   (Bạn văn, tr. 334)

6. Kết luận
Từng nổi tiếng rất sớm; ngay từ khi còn là học sinh phổ thông Nguyễn Quang Lập đã nổi tiếng với những bài thơ được giải. Lớn lên anh nổi tiếng về tiểu thuyết và kịch và phim. Đó là các tác phẩm gây được tiếng vang một thời như: Những mảnh đời đen trắng, (Tiểu thuyết); Mùa hạ cay đắng (Kịch); Đời cát (Kịch bản phim); Trên mảnh đất đời người (Kịch bản phim).  Bỗng nhiên, ngoài năm mươi tuổi anh lại một lần nữa nổi tiếng về khẩu văn như một … hotboy. Phải chăng đây cũng là một hướng đi mới của nhà văn.
Khoa trương trong khẩu văn của Nguyễn Quang Lập rất đa dạng và phong phú. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết từ loại cơ bản tạo thành lớp từ vựng trong tiếng Việt đều được Nguyễn Quang Lập sử dụng để khoa trương. Hơn thế nữa, những mẫu câu cơ bản tiếng Việt cũng được Nguyễn Quang Lập vận dụng triệt để để khoa trương. Ngoài ra, anh còn sử dụng các biện pháp tu từ và các phương tiện tu từ để thực hiện khoa trương như một công cụ hữu hiệu. Chính vì vậy, khẩu văn của anh rất hấp dẫn  và lôi cuốn  người đọc. Liên tục trong mấy năm “Kí ức vụn”, “Bạn văn”, “Chuyện đời vớ vẩn” lần lượt ra đời đáp ứng lòng mong mỏi, đón đợi của độc giả.

Nguyễn Ngọc Kiên

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cù  Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb   Giaó dục.
5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh Việt, NXB Khoa học Xã hội
8. 汉语词典,(2003), 北京商务印书馆。
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
Nguyễn Quang Lập, (2009), Kí ức vụn, Nxb Hội nhà văn
Nguyễn Quang Lập, (2011), Chuyện đời vớ vẩn, Nxb Văn học
Nguyễn Quang Lập, (2011), Bạn văn, Nxb Trẻ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét