Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

TRANG TRẦN MỸ GIỐNG TRÊN VIỆT VĂN MỚI (Kỳ 6)





Mục lục:





SAO VỘI BẤY, BÁC THUẬN ƠI!

  Sáng ngày 8 – 9 – 2013, tôi đang dự cuộc họp của Cựu chiến binh bảo vệ thành cổ Quang Trị thì nhà văn Hoàng Ngọc Trúc điện thoại:
  - “Hình như bác Thuận mất rồi hay sao ấy. Tôi nghe có tiếng kèn trống từ khu ở của bác Thuận. Mắt tôi sưng húp không đi được.”
  Tôi không tin, nói:
  - “Không đâu! Vừa mới tuần trước bác Thuận gọi điện nói chuyện với em hơn chục phút cơ mà! Bác hỏi lại cho rõ, có gì điện cho em”.
  Cuộc họp của chúng tôi phải lui lại đến gần trưa mới tiến hành được vì trời mưa như trút nước, không nghe được tiếng người nói. Trưa, tôi nhận hai cú điện, một của bác Trúc, một của bác Vũ Đình Phàm – bạn đồng môn của bác Thuận và cũng là cộng tác viên tích cực của blog Trần Mỹ Giống, báo tin chính thức bác Thuận mất. Tôi bàng hoàng, gọi điện báo cho họa sĩ Đặng Văn Nam, nghệ sĩ Trần Chính Nghĩa, nhà thơ Chu Đình An là những văn nghệ sĩ thân thiết với bác Thuận, tập trung ở nhà bác Hoàng Ngọc Trúc, cùng sang viếng bác Thuận.
  Nhìn di ảnh bác Thuận, tôi bồi hồi nhớ những kỷ niệm về bác, những hình ảnh cứ hiện lên trong đầu, không thứ tự…
  *
Trong số những văn nghệ sĩ quê Nam Định, tôi quý trọng, kính phục và hân hạnh được quan hệ thân thiết với ba người có tài năng và nhân cách cao đẹp. Đó là nhà thơ Hải Như, nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang, nhà văn Trần Huy Thuận. Tôi kính trọng gọi nhà thơ Hải Như là Cụ. Nhà thơ Hải Như quý tôi như với con cháu trong nhà. Còn đối với nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang và nhà văn Trần Huy Thuận, tôi là bạn vong niên thân thiết của hai ông. Nói về cố nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang, tôi có bài “Nhớ kỳ nhân Lê Xuân Quang” thể hiện mối quan hệ của tôi với ông, đăng báo Văn nghệ trẻ năm 2005 và một số trang mạng.  Mời xem: http://newvietart.com/index743.html 
  Với nhà văn Trần Huy Thuận, tôi quen ông mới năm năm nay, nhưng tình cảm của chúng tôi như bạn tri kỷ từ kiếp trước. Lần đầu tôi được tiếp xúc với ông vào năm 2009, trong đám cưới con nhà báo Trần Mạnh Sỹ ở khu 5 tầng (thành phố Nam Định). Trần Mạnh Sỹ dắt tôi tới bàn của một nhóm già và giới thiệu:
  - Đây là bác Trần Huy Thuận, nguyên Giám đốc Công ty xây lắp Hà Nam Ninh… Còn đây là nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống…
  Bác Thuận giơ tay bắt tay tôi, bàn tay bác nóng truyền sang tôi cảm giác ấm cúng. Nhìn khuôn mặt “Quan Vân Trường” và đặc biệt đôi tai Phật của bác, tôi nghĩ thầm: Bác Thuận hẳn là người thẳng thắn, trung trực, chân thành, có thể tin tưởng tuyệt đối ở bác. Bác Thuận nhìn tôi nói:
  - Hay quá! Ông là nhà nghiên cứu văn học, tôi xin địa chỉ để có dịp đến thăm…
Tôi ghi địa chỉ cho bác nhưng trong bụng nghĩ: Chắc bác chỉ xã giao thôi, chứ em ít tuổi hơn bác nhiều, em phải đến thăm bác mới phải chứ!
Thế rồi ba hôm sau, bác cùng một người bạn tìm đến nhà tôi từ 7 giờ sáng. Cũng lạ, vừa quen nhau, tôi và bác đã dốc hết bầu tâm sự về gia cảnh, về bản thân, về những trắc trở trong đời làm văn học nghệ thuật, về những tiêu cực trong xã hội… rất tự nhiên và thân thiết. Hóa ra bác nguyên là Trưởng ban kiểm tra Hội VHNT Hà Nam Ninh, nay là Nam Định mà tôi hiện là hội viên. Do bất đồng chính kiến với lãnh đạo hội, bác thôi sinh hoạt. Gần ba chục năm bác không quay lại Hội, nhưng vẫn âm thầm sáng tác. Nhìn đồng hồ gần 11 giờ, bác lấy từ trong túi xách ra tặng tôi cuốn tản văn “Ngang qua cuộc chơi” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản lần thứ 2 năm 2009 và bảo:
- Tôi tặng ông tập sách. Cũng nói để ông biết: Tôi có nhờ một ông lãnh đạo Hội VHNT tỉnh viết cho một bài giới thiệu, ông ta nhận lời nhưng gần năm nay vẫn chưa viết.
- Cảm ơn bác tặng sách. Em sẽ nhờ một nhà văn viết bài giới thiệu cuốn sách. Được không bác?
- Thế thì hay quá.
Sau đó tôi điện nhờ nhà văn Lê Hoài Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Nam Định viết bài giới thiệu cuốn “Ngang qua cuộc chơi”. Lê Hoài Nam nhận lời nhưng yêu cầu:
- Thứ bảy này tôi về Nam Định làm việc với nhà thơ Phạm Trọng Thanh. Tôi tranh thủ dành ít phút gặp các ông từ 4 giờ đến 4 giờ rưỡi chiều rồi đi Hà Nội luôn. Anh mang sách và dẫn ông Thuận đến nhà anh Thanh gặp tôi. Tôi đã biết mặt tác giả vuông tròn ra sao đâu…
Tôi nói lại cho bác Thuận biết, bác tỏ ra không vui, nói:
- Lê Hoài Nam thời cùng ở Văn phòng Hội với tôi còn lạ gì nhau. Thôi ông ạ…
Tôi gọi điện ngay cho Lê Hoài Nam báo tin chúng tôi bận không đến được, việc tôi nhờ Nam viết bài coi như bỏ. Thế mà chiều thứ bảy, lúc 4 giờ rưỡi, tôi đang ở Thái Bình, anh Phạm Trọng Thanh gọi điện, giọng bực dọc: “Chúng tôi đợi hai ông suốt chiều nay, Lê Hoài Nam từ mãi Hà Nội về, sao các ông hẹn rồi không đến?” và cúp máy ngay.
  Tôi rất áy náy, cảm thấy có lỗi với bác Thuận. Chuyện chẳng ra làm sao thế này, nếu biết, chắc bác Thuận gét lắm. Tôi tập trung tinh thần đọc cuốn sách bác tặng. Cuốn sách hút hồn tôi. Đọc xong, tôi viết ngay trong một đêm bài giới thiệu. Ít lâu sau, bài viết được trang Việt Văn Mới đăng tại địa chỉ: http://newvietart.com/index391.html 
  Bác Thuận tỏ ra hài lòng với bài giới thiệu cuốn “Ngang qua cuộc chơi” do tôi viết. Tôi tập trung khai thác mặt phiếm luận là thế mạnh của bác Thuận, làm rõ giá trị phản biện, phê phán xã hội mà nhiều người khác tránh né, điều đó hợp với tạng – sở trường của bác và tôi. Tình bạn giữa hai chúng tôi càng gắn bó hơn. Mỗi khi có bài viết mới, hoặc chỉnh sửa bài viết cũ, bác đều tham khảo ý kiến tôi và dành cho blog của tôi trước.
  Một buổi sáng, bác Thuận điện mời tôi đến nhà “có tí việc muốn bàn với ông”, khi đó bác Thuận đang ốm. Tôi kéo bác Chu Đình An cùng đi. Bác Thuận kể cho chúng tôi nghe chuyện gần ba mươi năm trước, Trần Nhật Quang - con trai bác đoạt giải thưởng “THÍ SINH GIỎI NHẤT TỪ CÁC NƯỚC Ở RẤT XA” tại cuộc thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 15 (năm 1984), bị người ta ăn chặn giải thưởng, dấu nhẹm đi. Nay tình cờ bác biết được. Bác muốn tham khảo ý kiến bạn bè có nên làm rõ vụ việc hay không. Tôi góp ý: Quyết đưa vụ việc ra ánh sáng, đòi lại công bằng cho cháu Trần Nhật Quang. Thế là tôi phối hợp với bác đăng tin vụ việc trên blog của mình. Mời xem các bài viết về việc này tại http://tranmygiong.blogtiengviet.net/2012/12/28/p5405849#more5405849 http://tranmygiong.blogtiengviet.net/2013/04/14/p5440416#more5440416 
  Cuối cùng thì Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đã phải thừa nhận sự thật, xác nhận giải thưởng của cháu Trần Nhật Quang.
  Sau này, trong bài “Chân dung văn học Trần Mỹ Giống” trên blog “Ngang qua cuộc chơi” của mình, bác Trần Huy Thuận viết về tôi như sau:
  “…Khi tập NGANG QUA CUỘC CHƠI vừa được NXB Văn Học xuất bản, Đặng Văn Sinh bạn tôi đưa tôi đến nhà Trần Mỹ Giống để gửi tặng sách cho Thư viện tỉnh. Mục đích ban đầu chỉ có thế, nhưng không ngờ sau đó, chúng tôi trở thành bạn tâm giao.
  Trước khi cầm bút, ông đã từng cầm súng trực tiếp chiến đấu. Năm 1972 tham gia chiến dịch Quảng Trị và chiến dịch Cửa Việt, được tặng danh hiệu Dũng sĩ, Huân chương chiến công. Đến năm 1979 lại lên Lạng Sơn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
  Là cán bộ quản lý thư viện, nhưng Trần Mỹ Giống còn là tác giả nghiên cứu phê bình, dịch và sáng tác văn học. Đọc những đầu sách đã xuất bản của ông, tôi thực sự kính nể. Tôi còn kính nể ông hơn khi được biết ông là người trực tính, hết lòng với công việc, có tinh thần tự học cao và đặc biệt là thực sự không màng danh vọng, đã từng từ chối khi cấp trên định đề bạt chức tước cho ông…”.
  Trích “TÁC GIẢ THÀNH NAM: Trần Mỹ Giống” Posted 15.04.2011 by tranhuythuan in CHÂN DUNG VĂN HỌC.

  *
  Nhóm văn nghệ sĩ thành Nam chúng tôi tự phát gắn bó nhau có Nhà văn Hoàng Ngọc Trúc ở bộ môn thơ (Hội VHNT Nam Định), nhà thơ Chu Đình An cũng ở bộ môn thơ, họa sĩ Đặng Văn Nam bộ môn mỹ thuật, nghệ sĩ Trần Chính Nghĩa bộ môn nhiếp ảnh và tôi ở bộ môn nghiên cứu phê bình. Chúng tôi, mỗi người một tính. Bác Trúc tính cẩn thận, chu đáo, sống nội tâm, có trước có sau, là nhà thơ nhưng lại sở trường về truyện cực ngắn. Bác Nghĩa trung thực, thẳng thắn, chuyên chú vào học thuật, gặp bạn là nói hàng giờ về nghệ thuật không chán. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, bác lại viết truyện ngắn, thơ, kịch rất có phong cách, đều hay. Bác An là nhà thơ có nhân cách, tính Thiên Lôi, từng dùng ngòi bút “chiến đấu” chống một vị lãnh đạo khai man lý lịch, một vị Tiến sĩ ăn gian giải thưởng… Họa sĩ Đặng Văn Nam, học cùng trường thời đại học với tôi, tính vô tư, ruột để ngoài da, sống giản đơn, lạc quan, miệng thường trực nụ cười ha ha, dễ mến và tin tưởng. Tôi thường tụ họp với bác Trúc, Nam, Nghĩa đàm đạo văn chương nghệ thuật rất tâm hầu ý hợp, khi ở quán bún chả số 167 Bắc Ninh, lúc ngồi hàng giờ trong quán cà phê ALTO trên đường Lê Hồng Phong đầu bờ hồ La Két, rồi dắt díu nhau thăm các bạn văn. Chúng tôi thường đến thăm bác Thuận, mỗi lần đến ngồi cả buổi không hết chuyện. Từ khi bác Thuận bệnh trọng, phải đi Bệnh viện ở Hà Nội định kỳ, chúng tôi cứ mong ngóng bác về là điện báo nhau đến thăm. Lần bác bị hạch cổ, bác sĩ nghi là lao, phải vào viện Lao (Nam Định). Được tin, chúng tôi đến viện ngay. Tìm các phòng không thấy bác. Gọi điện mới biết bác vừa về nhà chuẩn bị đi Hà Nội, vì ở Nam Định họ không quan tâm. Chúng tôi đến nhà thăm bác. Bác nắm tay từng người chặt và lâu hơn bình thường. Tay bác nóng hổi. Bác sốt mệt nhưng cố gượng ngồi với chúng tôi. Bác bảo: “Tôi đang lo in thêm hai chục cuốn “Ngang qua cuộc chơi” có bổ sung chỉnh lý, khi lấy được sách sẽ tặng các ông”. Nhưng chưa in xong, bác đã phải đi Hà Nội nhập viện. Từ Hà Nội bác điện về: “Tôi rất cảm động và trân trọng tình cảm của các ông. Khi biết tôi nghi lao, có mấy ông bạn vội tránh xa. Vậy mà các ông tìm vào tận viện thăm tôi… Ba lần hẹn các ông đi quán mừng tôi nhận “Giải thưởng làm báo cùng Tuổi trẻ” không thành, vì tôi ốm, tôi hy vọng kỳ này khỏe về sẽ thực hiện được…”.
Vậy mà… bác đột ngột ra đi… Sao vội bấy, bác Thuận ơi!

  *
  Bác Thuận và tôi đều thú chơi blog. Blog “Ngang qua cuộc chơi” của bác bài vở phong phú, đa dạng, được bạn đọc truy cập rất đông. Nhiều bạn đọc gửi thư, commants tỏ thái độ rất thích blog của bác, nhất là những bài chính luận, phiếm luận của chủ blog. Những bài tản văn, phiếm luận của bác mạch lạc, khúc triết, dễ hiểu, tính chiến đấu cao, có sức hấp dẫn kỳ lạ. Đông đảo bạn đọc yêu mến blog “Ngang qua cuộc chơi”, nhưng một số người “tai to mặt lớn” lại sợ hãi, khó chịu với bác. Có người trực tiếp yêu cầu bác dừng ngay blog lại, nhưng bác bảo: “Đó là thú chơi, là nơi thể hiện trách nhiệm xây dựng xã hội của cá nhân tôi. Không ai có quyền ngăn cấm”. Không dọa được bác, người ta quay ra đe nẹt con cháu bác để gây sức ép với bác. Từ thành phố Hồ Chí Minh, thăm con trai, bác Thuận điện về, giọng buồn rầu: “Ông Giống ơi! Có lẽ vì con cháu mà tôi đành phải làm thằng hèn… ông ạ! Ông bảo tôi sao đây?”. Rồi bác kể cho tôi nghe người ta o ép buộc bác dẹp blog như thế nào… Tôi rất hiểu tình cảm người cha đối với con nên nói với bác: “Thì bác và em chả sống vì con cháu đó thôi!”. Bác thở dài: “Cảm ơn ông, ông hiểu cho thế là tôi nhẹ nhõm phần nào rồi!”. Sau đó bác xin lỗi bạn đọc và tuyên bố đóng lại blog của mình. Nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, con cháu bác vẫn bị liên lụy. Bác tâm sự với tôi và quyết mở lại blog “Ngang qua cuộc chơi”. Tôi hòa điệu cùng niềm vui được làm điều mình thích với bác. Chơi blog trở thành niềm hạnh phúc, cái cần thiết như cơm ăn nước uống của bác và tôi.
  Còn nhớ blog làm trên Yahoo của tôi đang được bạn đọc chú ý, trung bình ngày hơn nghìn lượt đọc thì nhà mạng đóng cửa. Tôi dốt vi tính, chỉ còn biết buồn rũ ra. Thật may có hàng chục bạn đọc tình nguyện làm blog mới cho tôi. Tôi cảm động chảy nước mắt khi nhà thơ Trần Hồng Giang, nhà văn Trần Huy Thuận cũng làm blog tặng tôi. Giang làm blog tiếng Việt, bác Thuận làm trên wordpress. Bác Thuận khi ấy bệnh đã trọng, đi bệnh viện thường xuyên. Tôi quyết định dùng cả hai blog, nhưng bác Thuận bảo: “Ông đừng ngại, tôi thấy blog của Giang đẹp hơn blog tôi làm cho ông nhiều. Ông dùng hai blog song song nó kỳ lắm, phân tán người đọc, không cần thiết. Ông nên dùng blog Giang làm”. Tôi nghe bác, dùng blog tiếng Việt do Trần Hồng Giang tặng.

  *
  Khi tôi soạn bài “Post Hồ Chí Minh và thư gửi Tổng Bí thư của nhà thơ Hải Như”, nội dung thuộc loại nhạy cảm, rất dễ bị quy chụp, tôi hỏi ý kiến bác Thuận. Bác bàn: “Để khỏi bị rầy rà, ta nhờ một số blog của người nổi tiếng đăng trước, mình đăng sau…” Bác Thuận gửi bài cho Nguyễn Trọng Tạo. Tôi và bác túc trực thường xuyên trên máy tính, hồi hộp chờ đợi mạng Nguyễn Trọng Tạo đăng bài…Nhưng chủ blog nguyentrongtao không dùng. Bác Thuận lại gửi cho Trần Nhương. Chờ cả tuần không thấy Trần Nhương động tĩnh gì, tôi thất vọng và đoán chắc là bác Trần Nhương không đăng, thì bất ngờ bài được lên trang. Thật tiếc, chỉ mấy ngày sau trang web của bác Trần Nhương bị tin tặc phá tan tành, bài viết của tôi không hồi phục được. Nhưng tôi đã vững tâm lên bài trong blog của mình rồi.
  Bác Thuận rất tâm đắc với một số bài tôi viết về cụ Hải Như. Bác bảo tôi: “Khi nào cụ Hải Như ra Nam Định, ông đưa tôi đến thăm làm quen với cụ…”. Khi ấy bác Thuận ốm đã không còn tự đi xe máy được nữa. Mấy tháng sau, cụ Hải Như dự định ra Nam Định, điện báo cho tôi trước. Tôi và bác Thuận mong cụ hàng ngày. Cuối cùng thì cụ cũng ra Nam Định, nghỉ tại nhà em trai là họa sĩ Hồ Y. Tôi cùng Hoàng Ngọc Trúc lai bác Thuận đến nhà họa sĩ Hồ Y thăm cụ Hải Như. Cuộc giao tiếp với cụ Hải Như thật thú vị. Phong thái toát ra từ nhà thơ Hải Như đã chinh phục bác Thuận. Còn nhà thơ Hải Như thì rất quý bác Thuận bởi tính trung thực, thẳng thắn, thông minh hiếm có của bác. Sau lần gặp ấy, bác Thuận công bố bài “Nhà thơ Hải Như như tôi biết” đăng trên mấy báo mạng “lề phải”.
  Cách đây không lâu, bác Thuận điện cho tôi: “Ông Giống ơi, tôi phải viết một bài tổng hợp về cụ Hải Như mới được. Có thể là bài cuối cùng của tôi. Ông gửi cho tôi tất cả tư liệu chưa công bố của ông và ảnh về cụ Hải Như chụp chung với vợ chồng Trần Xuân Bách nhé!”
  Ít ngày sau, cụ Hải Như đang nằm viện từ thành phố Hồ Chí Minh điện bảo tôi: “Giống ơi! Giống nói với Trần Huy Thuận là giữ sức khỏe đã, bài viết về Hải Như để sau… Sức khỏe là quan trọng nhất. Thương Trần Huy Thuận quá Giống ơi!”
  Tôi chưa kịp thực hiện yêu cầu của cụ Hải Như thì bác Thuận đã ra đi. Bác đã kịp hoàn thành bài viết tổng hợp về cụ Hải Như… Sau khi viếng bác Thuận về, tôi đọc bài viết dài 28 trang của bác do Kỳ Hạnh (con út cụ Hải Như) gửi tới, vô cùng xúc động, nước mắt tràn mi. Theo di nguyện của bác Thuận, tôi chờ vietnamnet đăng rồi mới tải lại, hoặc nếu họ không đăng thì tôi đăng trên blog của mình. (Vì nếu tôi đăng trước, họ sẽ không đăng).
  Tác phẩm còn đây, tác giả đã thành người thiên cổ. Sao vội bấy, bác Thuận ơi!

  *
  Cháu Trần Nhật Tân, con út bác Trần Huy Thuận cho tôi biết về những ngày cuối cùng của bác:
  “Thưa chú,
  Bố cháu ốm đã hơn 1 năm. Bệnh của bố cháu là: Rối loạn chức năng sinh tủy, có nghĩa là tủy không sản sinh ra máu. Máu thì có 3 yếu tố chính: Hồng cầu, Tiểu cầu, Bạch cầu. (Hồng cầu và tiểu cầu thì truyền được, bạch cầu thì không). Tháng 6 bố cháu vào SG, nói chung sức khỏe bình thường, truyền máu vào vẫn tiếp nhận được. Khi ra đến Nam Định, bố cháu bị lên 1 cái hạch sưng to như quả chuối ở bên cổ. Tháng 7 lên viện Huyết học kiểm tra thì họ không xác định được khối u gì, chỉ có điều là tiểu cầu giảm xuống quá thấp. Giữa tháng 7 bố cháu ra viện trong tình trạng hồng cầu đủ, tiểu cầu giảm, bạch cầu thấp. Về NĐ thì bố cháu bị sốt và hạch sưng tiếp, BS nghi lao hạch do vậy nhà cháu lại chuyển bố cháu vào viện lao NĐ để kiểm tra. Nhưng do ở đấy làm ăn vô trách nhiệm nên bố cháu lên HN, tại đây Bệnh viện lao phổi TW kết luận là không bị lao. Khi đó BS đã có những tiên lượng xấu.
  Đến ngày 3/9 thì bố cháu đã được truyền khoảng 1300ml tiểu cầu và khoảng 2000ml Hồng cầu. Sau xét nghiệm thì chỉ số Hồng cầu đạt chuẩn, tiểu cầu còn 22 trên chỉ số trung bình khoảng 150-400, bạch cầu thì còn rất ít 1.37. Trên lý thuyết nếu bố cháu không chảy máu thì ít tiểu cầu không sao, BS định cho xuất viện, do thân quen nên họ bảo thôi ở lại để truyền thêm ít tiểu cầu.
  Ngày 4/9 bố cháu hơi sốt nhẹ, vẫn đi lại bình thường.Hai bố con cháu còn ngồi với nhau ở ngoài phòng hơn 1 tiếng nói chuyện với bạn bố cháu qua điện thoại, tinh thần bố cháu rất tốt.
  Sáng 5/9 bố cháu sốt nhẹ và có biểu hiện tê tay, chân bên phải, cầm điện thoại bấm phím không chính xác, giọng nói khó nghe. Cả sáng này bố cháu chỉ khóc và xin lỗi mẹ cháu vì bố cháu đi trước, không có người lo cho mẹ cháu. Đến khoảng 13h thì bố cháu mặt đỏ có triệu chứng bị liệt nhẹ, 15h BS nói bố cháu bị xuất huyết não. Lúc đó, bố cháu nói rất khó nghe, phải chăm chú lắng nghe và nhìn khẩu hình để đoán do vậy cháu giữ đt không cho bố cháu dùng vì BS dặn không để bố cháu được xúc động. Nhưng bố cháu cứ đòi ĐT để "chào các bạn". Đến 17h cháu không đưa thì bố cháu yêu cầu đưa máy tính để viết email "chào mọi người" lúc đó thì bố cháu không gõ được nữa, cháu cũng đành phải thu lại máy tính. Bắt đầu từ lúc đó bố cháu không đi lại nữa, 1 phần do chỉ định của BS bắt nằm bất động, 1 phần do chúng cháu giữ sức khỏe cho bố cháu để hy vọng truyền tiểu cầu vào để máu tự đông lại không chảy ở vùng não nữa. Bố cháu có đòi về quê và nói, bố bị thế này thì "mẹ con chúng mày khổ rồi". BS điều trị chỉ ra nếu đưa về thì chắc chắn sẽ đi, để lại thì có thể có hy vọng. Ngay lúc đó truyền thêm tiểu cầu máy (loại tiểu cầu tốt nhất, rất có hiệu quả tăng tiểu cầu). Cháu có cảm giác bố cháu chưa xác định đi ngay nên vẫn nói thế. Đến 19h thì họ hàng gia đình nhà cháu ở HN đến đông đủ, bố cháu nắm tay từng người và có dặn 4 đứa cháu nội ngoại một số điều liên quan đến cách sống và học tập, 22h anh cả cháu ra đến nơi, 2 bố con nói chuyện với nhau một lúc chỉ có bố cháu hiểu, còn anh cháu hầu như không hiểu bố cháu nói gì. Đêm đó cả nhà cháu thức canh bố cháu, hy vọng vào sự thần kỳ, nhưng sáng ra không có, cả tối đó bố cháu thở ô-xy và “ngáy” rất to, đầy sự mệt nhọc.
  6h sáng ngày 6/9 bố cháu dậy có hỏi cháu 1 câu “khi nào đưa bố về”. Cháu nói bố đợi con hỏi BS điều trị đã, lúc này cháu nghĩ bố cháu đã xác định được tình trạng của mình. Lúc 8h15 khi thảo luận với BS, BS nói “bệnh nhân có thể ra đi bất kỳ lúc nào.” Ngay sau đó họp gia đình mẹ cháu quyết tâm đưa bố cháu về ngay. Cháu thấy thế xin BS truyền máu và tiểu cầu nhưng họ bảo chờ cả tiếng nữa, nhà anh ở xa nên đưa ngay về thì hơn. Khoảng gần 9h chúng cháu đưa bố cháu về, lúc này bố cháu đã bắt đầu triệu chứng hôn mê, gọi một lúc mới tỉnh. Đưa bố cháu về NĐ lúc 11h15, vào đến nhà để bố cháu nằm lên giường thì mọi người tìm cách chữa cho mẹ cháu khỏi bị say xe, có người nói “cho uống nước gừng” thì bố cháu rất yếu ớt xua tay (vì mẹ cháu bị huyết áp cao). Bác bạn thân của bổ cháu vào gọi thì bố cháu có nắm tay rất chặt. Sau đó 1 lúc thì bố cháu đi vào hôn mê sâu, nhắm mắt thở yếu ớt. 15h chúng cháu truyền tiếp 250ml máu toàn phần, bố cháu có vẻ tỉnh hơn 1 chút nhưng vẫn không biết gì. Cả đêm đấy cháu nằm ôm bố cháu ngủ, bố cháu chỉ thở nhanh và ngáy to thôi. Cháu nghĩ rằng bố cháu sẽ đi lúc 3-5h nên cố gắng thức và trông, sau 5h mẹ cháu xuống, cháu đi ngủ thì 9h thấy mọi người nói bố cháu sốt cao quá, khoảng 41 độ, cháu có chuyển cho bố cháu 1 chai paracetamon thì giảm được chút ít, đến 12h04 thì bố cháu trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay gia đình họ hàng./.
  Quá trình diễn ra tang lễ trời mưa rất to, theo thống kê thì có khoảng 300 đoàn đến viếng với trên 200 vòng hoa. Chi bộ 2 phường Thống Nhất và Vị Hoàng đứng ra tổ chức lễ truy điệu, bà con dân phố 2 nơi đi rất đông, anh em bạn bè cũng nhiệt tình giúp đỡ cho gia đình cháu, các cơ quan của anh chị và cơ quan cháu cũng hỗ trợ nhiều.
  Theo ý nguyện của bố cháu thì chúng cháu đưa bố cháu điện táng và lấy cốt đem về cát táng tại nghĩa trang Cánh Phượng, nơi ông bà cháu đang an nghỉ tại đây và khu đất bên cạnh vẫn còn chỗ trống để mẹ cháu về sau này. Ngày 9/9 đưa bố cháu lên HN lúc 6h, lúc đi trời lất phất mưa, đến Phủ Lý trời tạnh và trong xanh, đến Văn Điển lúc 8h, sau đó 10h15 chúng cháu nhận được tro cốt của bố cháu đựng trong 1 cái tiểu sứ màu nâu nhạt, đưa về đến Cánh Phượng lúc 11h45, tro cốt của bố cháu lại được đưa vào quách làm bằng gỗ vàng tâm. Làm các thủ tục xong xuôi lúc 12h05 hạ huyệt, vừa hạ huyệt xong thì trời lất phất mưa, mọi người bảo như thế là bố cháu đi mát mẻ, phù hộ cho chúng cháu.
  Sơ bộ về quá trình của bố cháu là vậy, trong lúc này cháu cũng chưa thật tĩnh tâm nên viết có thể lan man, chưa chuẩn xác câu chữ, có gì chú thông cảm. Riêng về sách của bố cháu, chú báo mọi người cho cháu địa chỉ để cháu mang đến tận nhà. (vì sách bố cháu chưa ghi tặng ai nên chúng cháu cũng khó biết cụ thể tên người để liên lạc ạ). Mẹ cháu nói lại là bố cháu có nói chuyện lần này về sẽ tổ chức liên hoan với các chú vì giải thưởng báo Tuổi trẻ, rất tiếc bố cháu chưa thực hiện được điều này, mong các chú thông cảm. Nếu bố cháu còn có điều gì chưa thực hiện xong mà trong khả năng gia đình làm được, chú cứ báo để bọn cháu thực hiện ạ. Cháu cám ơn các chú.
  Chúc chú và gia đình mạnh khỏe!

  *
  Ông trời thật trớ trêu: Những đứa bạc ác vô nhân thường sống dai như cỏ, người tốt lại hay gặp nạn. Nhưng kẻ bạc ác dù chúng đang sống đấy, người đời cũng coi như chúng đã chết. Người tốt dù mất rồi vẫn còn sống mãi trong lòng bạn bè, người thân…
  Sao vội bấy, bác Thuận ơi!

Thành Nam, 9 – 2013





XUÂN TRÌNH - TÁC GIẢ KỊCH TÀI NĂNG

  Xuân Trình tên thật là Nguyễn Xuân Trình, sinh ngày 6 - 1 - 1936, quê thôn Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
          Xuân Trình tham gia kháng chiến từ năm 1952, công tác trong Đội cầu đường Việt Bắc. Năm 1954 ông được cử vào công tác trong đội cải cách ruộng đất. Năm 1855 ông làm biên tập viên Đài tiếng nói Việt Nam, đồng thời theo học khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961 ông chuyển về công tác ở Tạp chí Văn nghệ. Năm 1963 ông sang công tác tại Tuần báo Văn nghệ, phụ trách phần văn xuôi, sau đó lại chuyển công tác về Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Từ năm 1983 ông làm Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu.
          Xuân Trình là nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch. Từ viết báo, viết văn, ông chuyển hẳn sang viết kịch và nhanh chóng trở thành một trong những tác giả kịch xuất sắc nhất của nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Ông là điển hình của một cán bộ sáng tác xã hội chủ nghĩa. Những sáng tác của ông đều lấy chất liệu từ những chuyến đi thực tế và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn của đất nước. Nhân vật trong kịch của ông thường mang dáng dấp của những khái niệm nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Ai đã xem một lần vở hài kịch trữ tình “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình (do Đoàn kịch nói Nam Hà biểu diễn) thì không thể nào quên hình tượng Đoàn Xoa, một điển hình sống động và chân thực về sự lạc hậu của con người trước yêu cầu đổi mới của cuộc sống. Tính dự báo chính xác và táo bạo trong kịch Xuân Trình đã khẳng định tài năng của tác giả, nhưng chính đặc điểm này đã gây cho ông nhiều trắc trở trong cuộc sống. Vở “Lập xuân” (1970) thể hiện sự thay thế hệ giữa trẻ và già diễn ra quyết liệt, cuối cùng thế hệ trẻ có tri thức đã thắng. Khi ra mắt công chúng, vở kịch đã bị một số người lên án quyết liệt. Ngày nay một cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, chính trị cao và đạo đức tốt được giao những cương vị chủ chốt trong guồng máy quản lý xã hội là việc đương nhiên, nhưng vào những năm bảy mươi điều đó khó được dư luận xã hội chấp nhận. Vở “Bạch đàn liễu” (1973) viết về cuộc vận động cải cách dân chủ, chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn cũng bị dư luận lên án. Vở “Thời tiết ngày mai” (1980) viết về công cuộc tổ chức lại sản xuất đã bị nhà chức trách địa phương đình diễn một thời gian dài cũng chính vì nó đã dự đoán khá tinh tường về số phận con người.
          Trong kịch Xuân Trình, nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống được đặt ra và đã được chính tác giả giải quyết, nhưng vẫn còn những câu hỏi nhức nhối đòi hỏi chúng ta phải trả lời: Một người tốt, có tác phong công nghiệp trở nên cô đơn, lạc lõng giữa một tập thể lạc hậu (“Nghĩ về mình”), một cuộc đời tận tuỵ hy sinh cho cách mạng nhưng khi về già phải gửi thân ở nhà trẻ mồ côi (“Nửa ngày về chiều”), một hành động hồn nhiên thánh thiện bỗng thành tai hoạ khi cái ác lộng hành trước mắt mọi người và pháp luật (“Tai hoạ hay rủi ro”)... Nhưng nói chung, ngòi bút Xuân Trình nhạy bén, sắc sảo nắm bắt và thể hiện kịp thời những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Các kịch bản của ông thể hiện đậm nét tính dự báo và tràn đầy chủ nghĩa nhân văn. Chỉ khi nào phát hiện được vấn đề và lý giải được vấn đề, tác giả mới có thể có được tính dự báo trong tác phẩm của mình. Ngay từ thời bao cấp nặng nề, chuyện khoán sản phẩm còn phải làm “chui”, Xuân Trình đã nhìn thấy tương lai và mạnh dạn khẳng định một cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất tất yếu phải diễn ra. Cái không khí ngột ngạt, bức bối trong “Lập xuân”, “Xóm vắng” là dấu hiệu sự thay đổi tất yếu của “Thời tiết ngày mai”, để vươn tới sự đổi mới phóng khoáng hơn, tầm nhìn và lòng người rộng mở hơn như “Mùa hè ở biển”.
  Kịch Xuân Trình thuyết phục người xem không chỉ ở tính dự báo chính xác mà còn ở tính chân thực và lòng nhân hậu. Thông qua các nhân vật điển hình, ông gửi gắm vào kịch bản tình cảm của mình và kêu gọi mọi người hãy đề cao tính nhân văn cao đẹp. Kịch Xuân Trình không những thừa nhận và nâng cao giá trị của con người mà còn chủ trương và thể hiện tính chiến đấu nhằm giải phóng con người khỏi mọi áp bức, đưa con người đến chỗ thắng được tự nhiên và làm chủ vận mệnh của mình. Kịch Xuân Trình giàu chất văn học nên bạn đọc chỉ cần đọc kịch bản đã thấy hay và bị lôi cuốn. Chính vì thế mà kịch Xuân Trình một thời được khán giả háo hức chờ đón và đã để lại dấu ấn đậm đặc trong nền sân khấu hiện đại Việt Nam.
          Ngày 8 - 12 - 1991 Xuân Trình mất, một ngôi sao sáng trên bầu trời sân khấu hiện đại Việt Nam đã tắt. Trước khi mất, trên giường bệnh, Xuân Trình vẫn đau đáu vì nước vì dân: Ông đọc cho một người bạn ghi chép bức thư gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười đề đạt ý kiến của mình về việc sử dụng những người có thực tài trong công tác văn hoá. Ông thực xứng đáng với dòng chữ “Vĩnh biệt một tài năng lớn” trên vòng hoa viếng của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh ngày ông vĩnh biệt chúng ta.




NGUYỄN XUÂN PHIÊU - MỘT NGƯỜI THỰC HỌC

  Việc học ở trường lớp mà có bằng cấp để được thăng quan tiến chức là chuyện bình thường. Người không có bằng cấp gì mà được giao trọng trách nhà nước, cống hiến được nhiều cho dân cho nước mới là chuyện hiếm có. Nguyễn Xuân Phiêu là một trường hợp như thế.
          Nguyễn Xuân Phiêu (1859 – 1936), người làng Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha là Cử nhân Công bộ Thị lang Nguyễn Xuân Huyền, anh là Cử nhân Tri huyện Nguyễn Xuân Thống, nhưng Nguyễn Xuân Phiêu không có một bằng cấp, học vị gì. Từ nhỏ ông đã ham tìm hiểu những kỹ thuật ứng dụng trong đời sống của phương Tây, tỏ ra có năng khiếu về kỹ thuật thực hành. Ông rất khéo tay nên được các chùa và nhà thờ  trong huyện nhờ làm các vật gia dụng.
         Năm 1881, ông được cha tiến cử với vua. Vua nể Quan Thị lang Bộ Công mà nhận cho ông vào làm việc trong cơ quan của cha mình với chức Thừa biện Công bộ, một chức quan nhỏ được giao việc một thời gian và chỉ có quyền thừa hành các việc được giao mà không được phép bàn bạc. Ông làm việc rất mẫn cán và thông minh nên được Tự Đức cử đi học các khoa kỹ nghệ của Tây Âu ở nước ngoài. Trước khi ông đi học, Tự Đức khuyến khích: “Hễ học tập được kỹ nghệ một nước thì lấy lệ Cử nhân bổ dụng, kỹ nghệ hai nước thì lấy lệ Tiến sĩ bổ dụng, kỹ nghệ ba nước thì lấy lệ Hoàng giáp bổ dụng”. Điều này chứng tỏ Tự Đức rất coi trọng kỹ nghệ Tây Âu. Đối với người Việt Nam thời đó, các môn kỹ thuật chính xác của phương Tây là môn kỹ thuật cao và mới lạ.
          Sau 6 tháng nghiên cứu thực tế tại Hồng Công và Xinhgapo, bằng trí thông minh hiếm có và sự chăm chỉ chịu khó học tập, Nguyễn Xuân Phiêu đã nắm được nhiều kỹ thuật mới của phương Tây. Về nước, ông chế ra 2 khẩu súng (một khẩu kiểu của Anh, một khẩu kiểu của Pháp), mô hình một chiếc tàu Xàlup, một cái đồng hồ kiểu Anh dâng lên vua để báo cáo kết quả học tập của mình. Một người không có bằng cấp khoa học, chỉ bằng con đường tự học mà chế tạo được những vật tinh xảo không kém gì kỹ thuật châu Âu thì thật là một nhân tài.
  Nguyễn Xuân Phiêu xin vua cho thành lập các xưởng Bách công kỹ nghệ ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Biện Sơn để chế tạo vũ khí, đóng tàu thuỷ, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc bờ cõi, nhưng không được triều đình chấp nhận. Vua chỉ phong cho ông chức Chủ sự Công bộ.
          Đến năm 1886, Nguyễn Xuân Phiêu được giao nhiệm vụ mở xưởng đúc tiền niên hiệu Đồng Khánh. Năm 1887 ông được phong làm Bang biện Nha đúc tiền Quốc gia. Năm 1894 ông được cử ra Thanh Hoá mở Nha Thông Bảo (tức Nha đúc tiền) ở Cẩm Thuỷ và làm Bang tá nha này. Năm 1901 triều đình triệu ông về Huế, giao trông coi việc đóng tàu và sửa chữa tàu. Ông phát huy sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được vua ban cho áo gấm có thêu hình 9 con rồng, lại sai ông chế tạo xe hơi và các đồ ngự dụng.
          Năm 1906 ông làm Hộ lý Cục Nông Công kỹ nghệ. Năm 1911 ông chuyển làm Hộ lý Trường Bách công. Có thể coi ông là Hiệu trưởng đầu tiên của trường kỹ nghệ nước ta. Ông còn được triều đình tín nhiệm giao cho phụ trách sửa chữa các công trình trong Nội điện. Công việc hoàn thành mỹ mãn, vua thưởng cho ông 500 lạng bạc nhưng ông chỉ nhận 200 lạng đủ thanh toán tiền công cho thợ. Năm 1915 ông phụ trách tu sửa điện Thái Hoà. Việc hoàn thành, ông được ban Nhị hạng kim khánh và được thăng Tham tri bộ Công. Năm 1916 ông lại được thăng Thượng thư bộ Công.
          Năm 1918 ông nghỉ hưu, mở trường dạy học ở quê. Nghỉ hưu rồi ông vẫn được vua ưu ái. Năm 72 tuổi ông còn được vua mời về triều dự Chưởng yến.
          Là người không có học vị, bằng cấp gì mà Nguyễn Xuân Phiêu phấn đấu trở thành quan Thượng thư bộ Công, đứng đầu một bộ, có nhiều đóng góp thiết thực về kỹ nghệ phục vụ đất nước. Sự học của ông không câu nệ hình thức mà chủ yếu là con đường tự học, quan trọng nhất là thực học. Ông là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo…




KIẾN TRÚC SƯ NGUYỄN CAO LUYỆN

  Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện (1907 - 1987) sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo có nề nếp ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông may mắn được người cha thường cho đi theo trong những lần thăm thú, vãng cảnh chùa chiền, đình miếu, di tích, danh lam trong nước. Được tiếp cận nhiều với nghệ thuật dân tộc ngay từ tuổi ấu thơ, trong ông sớm nảy sinh những cảm thụ sâu sắc với vẻ đẹp kiến trúc truyền thống. Những cảm thụ sâu sắc với kiến trúc dân tộc ấy đã giúp ông định hướng chọn nghề kiến trúc và trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng sau này.
  Được thừa hưởng những nét tinh hoa tốt đẹp trong môi trường giáo dục của một gia đình nhà nho thanh bạch, Nguyễn Cao Luyện chăm chỉ học tập, sớm thể hiện rõ năng khiếu của mình. Ông là một trong những học trò giỏi và có năng khiếu vào bậc nhất của trường Thành Chung Nam Định.
Năm 21 tuổi Nguyễn Cao Luyện thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau một năm học khoa mỹ thuật, ông chuyển sang học khoa kiến trúc khoá 3 (1928 - 1933). Năm 1933 ông đỗ thủ khoa, được gửi sang Pháp tu nghiệp một năm tại xưởng thiết kế của Le Corbusier và A. Péret. Kiến trúc sư A. Péret nổi tiếng là bậc thầy trong sử dụng bê tông. Những kinh nghiệm học được từ người thầy tài ba A. Péret đã có ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Cao Luyện và thể hiện rõ trong các công trình kiến trúc do ông thiết kế sau này.
Khi về nước, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện mở phòng kiến trúc tư ở Hà Nội. Ông góp phần sáng lập và tham gia giảng dạy ở trường tư thục Thăng Long. Ông còn tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức trẻ cho đất nước. Nhiều kiến trúc sư thế hệ trước Cách mạng tháng Tám 1945 là học trò của ông, trong đó có kiến trúc sư nổi tiếng Huỳnh Tấn Phát.
Năm 1935 người bạn học của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện là kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp từ Huế ra Hà Nội. Hai kiến trúc sư tài năng và đầy nhiệt huyết đã kết hợp chặt chẽ với nhau trong công trình thiết kế khu "Nhà ánh sáng" ở bãi Phúc Xá (Hà Nội). Kiểu "nhà ánh sáng" do hai ông thiết kế thật giản dị, lại bằng vật liệu rẻ tiền, nhưng đã tạo được nơi ăn chốn ở văn minh, hợp vệ sinh dành cho xóm thợ và dân nghèo thành thị. Công trình "Nhà ánh sáng" là một biểu hiện thiết thực của tấm lòng kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện yêu thương, quan tâm đến những người nghèo. Công trình khu "Nhà ánh sáng" không những đã gây được tiếng vang lớn trong xã hội Việt Nam thời kỳ đó mà còn vọng sang một số nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi.
Từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã thể nghiệm thành công nhiều công trình nhà ở, nhà hàng, biệt thự, trường học, bệnh viện ở Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn... với giải pháp tổ chức không gian đưa con người tiếp xúc với thiên nhiên và khai thác vật liệu truyền thống. Cùng những đồng nghiệp giỏi như kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức trong phòng kiến trúc tư của mình, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã khởi xướng những ý tưởng về không gian và hình dáng của kiến trúc Việt Nam. Ông trân trọng tìm hiểu, giữ gìn và khai thác triệt để vốn truyền thống, đồng thời đón nhận những thành tựu mới của nền văn minh nhân loại. Những ý tưởng ấy được thể hiện trong các công trình kiến trúc của ông, đã để lại cho nền kiến trúc Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 dấu ấn đặc sắc, gắn bó với lịch sử phát triển kiến trúc nước nhà. Một số công trình ở Hà Nội do ông thiết kế, hoặc tham gia thiết kế đã trở nên nổi tiếng như Bệnh viện 167 Phùng Hưng, Trường tư thục Thăng Long ở Ngõ Trạm, biệt thự số 77 Nguyễn Thái Học, biệt thự số 65 Lý Thường Kiệt (nay là Đại sứ quán Cu ba)...
Cách mạng tháng Tám 1945 bùng lên, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Một thời kỳ lịch sử mới mở ra đối với ông. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, ông đã lên Việt Bắc để góp phần xây dựng và bảo vệ chế độ mới với tất cả nhiệt tình của một trí thức yêu nước, yêu nghệ thuật dân tộc. Ông là thành viên trong Ban lãnh đạo Vụ Kiến trúc thuộc Bộ Giao thông công chính (tiền thân của Bộ Kiến trúc - Thuỷ lợi, sau đổi là Bộ Kiến trúc và nay là Bộ Xây dựng). Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã có nhiều đóng góp về mặt tổ chức của ngành kiến trúc non trẻ nước nhà và tìm hướng đi cho nghệ thuật kiến trúc vừa phục vụ kháng chiến, vừa chuẩn bị cho công cuộc kiến quốc sau ngày thắng lợi.
Năm 1948, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện là một trong những người có công sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (tức là Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay).
Trong thời gian tham gia kháng chiến ở Việt Bắc, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đi sâu nghiên cứu nhà ở dân gian của đồng bào Dao, Tày, Nùng ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng. Ông tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo các kiểu nhà có nội dung và hình thức mới mẻ để phục vụ thiết thực cho cách mạng và nhân dân như các kiểu nhà triển lãm, chòi thông tin, trụ sở Uỷ ban kháng chiến hành chính, trạm y tế, trường học, nhà ở nông thôn... Nhiều kiểu nhà do ông thiết kế hồi đó đã được vẽ, in trên giấy học sinh một cách đơn sơ để phổ biến rộng rãi trong nhân dân ở chiến khu Việt Bắc.
Năm 1954, kháng chiến thắng lợi, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện trở về Hà Nội. Ông tiếp tục đảm nhận nhiều chức vụ nhà nước và công tác đoàn thể. Ông là Đại biểu Quốc hội các khoá II, III, IV, Uỷ viên thường vụ Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiến trúc (thuộc Bộ Kiến trúc - Thuỷ lợi), Thứ trưởng Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Khi giữ những trọng trách nhà nước giao phó, ông đã cùng đồng nghiệp xây dựng và hình thành nên ngành kiến trúc - xây dựng của Việt Nam. Ông còn là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Kiến trúc. Ông dành nhiều công sức xây dựng cho trường Đại học Kiến trúc ngày thêm vững vàng. Ông dồn tâm huyết vào việc đào tạo lớp trẻ kế cận sự nghiệp kiến trúc Việt Nam. ở cương vị phụ trách ngành, ông vẫn suy tư, tìm tòi, sáng tạo và thể hiện những hiểu biết tinh tế về nghề kiến trúc trong các sáng tác mở rộng toà biệt thự làm trụ sở Quốc hội ở 35 Ngô Quyền, Hội trường Ba Đình ở Hà Nội (đồng tác giả với kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm). Trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghĩa Lộ cũng là một trong những công trình đẹp do ông thiết kế. ở công trình này, ông để tâm khai thác những đặc điểm đặc sắc của kiến trúc dân gian dân tộc Thái, kết hợp hài hoà với các yếu tố kiến trúc hiện đại để đạt tới chất lượng và hiệu quả nghệ thuật cao.
Năm 65 tuổi, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện nghỉ hưu. Ông từng thổ lộ:
- "Tôi đã nghỉ hưu trên danh nghĩa một cán bộ nhà nước. Nhưng với tư cách là một người hoạt động kiến trúc thì tôi không chấp nhận nghỉ hưu."
Đúng như lời tâm sự của mình, sau khi đã nghỉ hưu, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện vẫn tích cực hoạt động kiến trúc. Ông tham gia viết bài đăng báo, tạp chí và viết sách để truyền kinh nghiệm cho lớp kiến trúc sư trẻ, tuyên truyền cho nền kiến trúc vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam...
Công trình nhà Bảo tàng Cổ vật trên hồ Thượng Lỗi ở thành phố Nam Định do kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện sáng tác là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi dành cho thành phố quê hương ông.
Ngay sau ngày giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Hiệp định Pari về Việt Nam được ký, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã cùng đồng chí Phan Điền - Bí thư tỉnh uỷ Nam Hà, nhiều lần đến khảo sát thực địa tại khu hồ thuộc làng Thượng Lỗi ngoại thành Nam Định, nơi chiếc máy bay thứ 100 của không lực Hoa Kỳ bị quân ta bắn rơi tại chỗ. Từ trên cao nhìn xuống, mảnh đất ấy hình con đại bàng giống như phù hiệu con chim trên máy bay Mỹ bị quân dân Nam Định bắn rơi. Và chính trên mảnh đất ấy đã xây nhà Truyền thống, tường phía ngoài nhà được đắp bê tông để tạo dáng một quả núi hình con sư tử nằm đè lên con đại bàng tượng trưng cho sức mạnh của quân dân ta đã đè bẹp được không lực Hoa Kỳ. Toàn bộ công trình nằm trên mặt hồ nước, giống như hòn non bộ thường thấy ở trước sân một ngôi nhà cổ thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Chỉ có điều bể nước ở đây là cả một quần thể nhiều hồ được khai thông liên hoàn thành một hệ thống rộng tới mấy chục mẫu, còn hòn non bộ là toà nhà cao ngót ba tầng trên gò đất nổi rộng tới 16.150 m2. Khi trát những mảng tường xi măng phía ngoài của nhà Truyền thống, giả làm vách núi, những người thợ xây dựng đã quét lên đó một lớp cháo loãng cho rêu phong chóng mọc lên. Rồi những cây lớn được ô tô vận chuyển đến và cần cẩu dựng lên thành rừng cây rợp bóng. Từ đó khu hồ có tên là hồ Truyền thống, nay chính thức được gọi là Công viên văn hoá Tức Mặc. Từ cổng công viên vào qua sân rộng trước trụ sở Ban quản lý di tích, du khách bước lên một cây cầu cuốn vòm, rồi theo con đường lát gạch uốn khúc quanh co giữa hai hàng cây bóng mát. Theo con đường này, ta còn bước lên những cây cầu đá vắt qua những ao sen, hồ súng. Ở phía tây giải đất trung tâm có dựng một ngôi đình cổ mái cong, có cây đa, giếng nước. Trong khuôn viên còn có nhiều tượng đá cổ như ngựa đá, voi đá, tượng người, bia đá được đặt bên những khóm tre đằng ngà với những cây xi, cây xanh rủ những chùm rễ phụ đu đưa như níu kéo chào mời, bên những hàng cau toả hương thơm ngát mỗi đêm hè.
Với tất cả tình yêu mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã dành cả tâm hồn, sức lực vào thiết kế và chỉ đạo thi công với lòng mong muốn thể hiện công trình gần gũi với tình cảm dân tộc, đồng thời giới thiệu tinh hoa của kiến trúc cổ truyền qua giải pháp quy hoạch kiến trúc, tạo cho công trình trở thành một điểm sáng, một danh lam thắng cảnh của tỉnh Nam Định.
Nguyễn Cao Luyện không chỉ là một kiến trúc sư có tay nghề lão luyện mà còn là một nhà văn hoá thiết tha với cội nguồn dân tộc. Ông là một trong số những kiến trúc sư tiên phong hướng về kiến trúc cổ truyền, khai thác, tìm tòi những giá trị nghệ thuật dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn với các yếu tố hiện đại để tạo ra một phong cách riêng trong kiến trúc. Các công trình ở Hà Nội do ông thiết kế như toà nhà số 7 Thuyền Quang, số 215 Đội Cấn, số 104 Yết Kiêu, số 1 Phan Đình Phùng, số 23 Hàng Than, số 36 Bà Triệu... đã thể hiện sâu sắc, đậm đà nét truyền thống ở cả nội dung và hình thức, với những lớp lang có không gian ấm cúng, thoải mái, giản dị, trữ tình, chân thực, trong sáng, gắn bó và hài hoà với thiên nhiên. Ông kiên nhẫn duy trì cuộc "đối thoại với đồng bào mình". Theo ông, "các sáng tạo kỹ thuật đều nảy sinh từ điều kiện tự nhiên, tâm tính con người"...  Ông hiểu rõ "trong vòm trời nhiệt đới không thể xê dịch được, tổ tiên ta đã nhận ra những gì là bầu bạn và kẻ thù". Do vậy, ông chủ trương "từ không gian xưa của nếp nhà cổ truyền, chúng ta kế thừa những gì làm giường mối "(1) cho kiến trúc hiện đại hôm nay. Từ những khảo sát thiên nhiên, xã hội, ông chỉ rõ nhà ở là một không gian văn hoá chứ không phải "cỗ máy ở". Ông cảnh báo sự suy thoái của nền kiến trúc chỉ biết du nhập, tự nó huỷ hoại môi trường sống, và người kiến trúc sư vô tình đã trở thành kẻ tàn phá những giá trị khoa học nhân văn của dân tộc.
Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện là tác giả của bộ sách đầy chất thơ, tuyên truyền và khẳng định cho vẻ đẹp và giá trị kiến trúc dân tộc - dân gian. Hai tập đầu của bộ sách đã hoàn thành là "Từ những mái nhà tranh cổ truyền" (Nhà xuất bản Văn hoá, 1977) và "Chùa Tây Phương - Một công trình kiến trúc cổ độc đáo" (1978). Tập ba của bộ sách chưa hoàn thành thì ông qua đời.
Nguyễn Cao Luyện là một kiến trúc sư đầu ngành có nhiều công lao trong xây dựng và phát triển ngành kiến trúc Việt Nam nói riêng và hoạt động xã hội nói chung. Những ý tưởng về nghệ thuật của ông theo thời gian vẫn còn đọng lại trong tâm khảm của nhiều thế hệ kiến trúc sư, thôi thúc lớp trẻ luôn nhớ về cội nguồn để xây dựng một nền kiến trúc dân tộc và hiện đại. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện thật xứng đáng với sự tôn vinh của nhân dân quê hương, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà nhà nước dành cho ông : Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng hai, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996..../.
….……..
Chú thích:
(1) Từ những mái nhà tranh cổ truyền / Nguyễn Cao Luyện. - H. : Văn hoá, 1977.





SỐNG LẠI ĐỂ… NGHE VĂN

  Nhà văn Trần Quốc Tiến - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là người có khiếu văn thơ từ nhỏ. Anh được rất nhiều bạn đọc mến mộ không chỉ vì  anh là nông dân tự học thành tài, mà chủ yếu vì những tác phẩm của anh viết về nông thôn rất hấp dẫn như Cuộc vật lộn trước lúc rạng đông (Tiểu thuyết 1990), Bị vợ bỏ (Tiểu thuyết 1994), Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa (Tập truyện ngắn), Ổ rơm (Tiểu thuyết 2002), Cỏ (Tiểu thuyết 2006), Lão Bõm (tiểu thuyết (Tiểu thuyết 2012)...
Làng bên có cụ Ngô Đức, một người thông thạo chữ Hán rất hâm mộ văn của Trần Quốc Tiến. Năm ngoài tám mươi tuổi bị ốm nặng, cụ sai con trai mời Trần Quốc Tiến đến nhà để cụ thưa chuyện. Khi Trần Quốc Tiến đến, cụ trình bày nguyện vọng:
     - Trước khi từ giã cõi trần, tôi muốn được anh viết cho bài điếu để tôi sai con cháu sao thành hai bản, một bỏ vào quan tài, một để vào khám thờ tôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, mong anh giúp cho.
          Nhà văn vui vẻ nhận lời. Nhưng công việc cuốn hút, lại nghĩ chắc cụ Ngô Đức chưa vội quy tiên đâu nên Trần Quốc Tiến lần khân rồi quên khuấy đi. Một buổi trưa, Trần Quốc Tiến được tin cụ Ngô Đức vừa qua đời. Nhà văn hốt hoảng như rụng rời tay chân. Anh lao vào bàn, xé vội hai tờ giấy vở học sinh, cầm bút viết lia lịa trong niềm ân hận, vừa viết vừa khóc. Viết xong, anh chạy ngay sang nhà cụ Ngô Đức, xin người nhà dừng khóc và nhường lối cho anh vào bên giường cụ nằm. Anh vái cụ hai vái, rồi xin đọc bài điếu cho linh hồn cụ nghe. Khi đọc được một phần ba bài điếu, anh thấy hình như cụ chớp mắt. Đọc được nửa bài, bỗng nghe cụ nói thành tiếng “Hay lắm”. Nghe xong bài điếu, cụ yêu cầu sửa lại số lượng con cháu cho đúng thực tế, vì bài điếu nói chưa đủ. Sau này người nhà kiểm tra lại thì đúng là số liệu con cháu do con trưởng cụ cung cấp là sai, số liệu cụ yêu cầu sửa mới là đúng.  Nhà văn kính cẩn nâng đầu cụ dậy, đặt bài văn xuống gối. Cụ thì thào:
- Cảm ơn! Anh ở lại, tôi đi!
Nói xong, cụ nhắm mắt rồi đi hẳn.

          Chuyện người chết sống lại để nghe văn lần đầu tiên tôi được biết. Tôi rất tin chuyện này là có thực, vì tác phẩm văn học nghệ thuật có sức truyền cảm rất mạnh. Nếu ai không tin, cứ về thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định, hỏi chính nhà văn Trần Quốc Tiến, hoặc hỏi con cháu cụ Ngô Đức thì sẽ rõ.





THĂM MỘT TỦ SÁCH VỆ TINH CỦA PHÒNG ĐỌC THIẾU NHI HẢI HẬU

  Gặp bác Đặng Văn Khảm, phụ trách phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu, tôi hỏi bác :
          - Đã lâu không có dịp về Hải Hậu, Phòng đọc thiếu nhi có gì mới không bác ?
          Bác Khảm vui vẻ :
          - Thế mà đã mười năm rồi đấy, phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu vẫn đứng vững, vẫn đông bạn đọc, sách thường xuyên lên tới trên hai vạn bản. Bây giờ thì mô hình thư viện nhà nước và nhân dân cùng làm ở Hải Hậu đã được khẳng định rồi, Đảng và chính quyền huyện đều tin tưởng và ủng hộ duy trì mô hình này. Anh hỏi có gì mới ư ? Có đấy, ví dụ như chúng tôi đang tiến hành cấp thẻ miễn phí và vận động cho các cháu tật nguyền, các cháu có hoàn cảnh khó khăn đến thư viện đọc sách.
          Tôi ngạc nhiên :
          - Cấp thẻ miễn phí mà cũng phải vận động ư ?
          Bác Khảm khẳng định :
          - Đúng vậy ! Phần lớn các phụ huynh đều không muốn cho con em tật nguyền của mình đến thư viện vì mặc cảm, vì không có điều kiện đưa đón các cháu. Chúng tôi phải đi từng xã, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và đoàn thể, thuyết phục các bậc phụ huynh quan tâm và tạo điều kiện cho các cháu hoà nhập cộng đồng. Đến nay mới có hơn hai chục cháu được cấp thẻ thư viện miễn phí. Nhìn các cháu say mê đọc, tôi sung sướng vì đã làm được một việc có ích. Tôi rất muốn đưa sách tới tận nhà cho các cháu đọc, nhưng khả năng có hạn nên chưa thể thực hiện được.
          Tôi băn khoăn hỏi :
          - Bác không có tiền lương, cứ tìm cách phục vụ miễn phí liệu có lâu dài được không ?
          Bác Khảm tâm sự :
          - Kinh tế gia đình tôi thuộc loại khá giả. Tôi ham mê văn hoá mà làm, càng làm được nhiều việc có ích tôi càng thấy sung sướng. Như các anh đã biết, phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu đứng vững và phát triển là nhờ có các tủ sách vệ tinh. Các tủ sách này mua lại sách chúng tôi đã phục vụ bạn đọc, đưa về phục vụ bạn đọc của mình. Trong huyện có 7 tủ sách tư nhân là vệ tinh của chúng tôi, cái lớn có trên vạn sách, cái nhỏ có năm - sáu nghìn bản.
          Tôi đề nghị :
          - Vậy bác có thể cho chúng tôi thăm một tủ sách vệ tinh của bác, tủ sách... “khác thường” một chút ấy ?
          Bác Khảm phấn khởi :
          - Tốt quá, được các anh về thăm động viên thì còn gì bằng.
  Chúng tôi về Hải Hậu một ngày đầu thu, trời vẫn còn nóng nực lắm. Khi biết ý định của chúng tôi, anh Hưng (Trưởng phòng văn thể huyện), anh Tản (Giám đốc trung tâm văn hoá huyện) cùng bác Khảm nhiệt tình đưa chúng tôi về thăm tủ sách tư nhân của bác Nguyễn Đức Cương ở xóm 7 xã Hải Anh, huyện Hải Hậu. Gần trưa thì chúng tôi tới nơi.
Đúng là tủ sách này khác bình thường: không bám mặt đường, không ở nơi đông dân cư, không chỉ đơn thuần phục vụ sách báo... Tủ sách bác Nguyễn Đức Cương nằm lọt giữa xóm làng yên tĩnh. Bác dùng cả dãy nhà ngang làm kho sách. Hơn 6.000 bản sách được đóng bìa cẩn thận, xếp ngay ngắn trên 3 giá sách và hai tủ quầy. Khoảng hai chục loại báo và tạp chí bầy trên mặt quầy để mọi người đọc tự do. Thấy tôi cứ nhìn quanh vì không thấy bàn ghế cho người ngồi đọc sách, bác Cương mời chúng tôi đi ra vườn sau nhà. Hơn trăm mét vuông vườn được che bằng ngói xi măng, có bài trí cây cảnh mát mắt và kê gần chục bộ bàn ghế cho người ngồi đọc sách. “Vườn đọc” quay mặt ra ao cá thoáng đãng. Có gần chục người, đang vừa đọc sách vừa uống giải khát. Không khí trong lành, gió trời mát rượi làm cái nóng sau chặng đường gần 50 cấy số của chúng tôi như tan biến đi. Theo yêu cầu của chúng tôi, bác Cương tâm sự :
- Tôi nguyên là cán bộ thành uỷ Nam Định về hưu. Thời tôi còn công tác, hơn hai chục năm sinh hoạt đọc tại thư viện tỉnh đã thành thói quen. Về hưu đói sách báo quá các anh ạ. Năm 1995 huyện thành lập phòng đọc thiếu nhi do bác Khảm phụ trách, tôi cũng lập tủ sách gia đình. Thôi thì một công đôi việc, vừa thoả mãn nhu cầu đọc của nhân dân, vừa có việc làm cho vui tuổi già. Lúc đầu mở tủ sách cũng lúng túng lắm, ít người đọc, thu không đủ chi, nhưng tôi quyết tâm duy trì. Tôi được bác Khảm nhượng lại sách với giá hợp lý, lại được luân phiên mượn sách của thư viện huyện để tăng nguồn lực cho tủ sách. Nay thì ổn rồi, hàng ngày trung bình có 50 lượt người đọc. Bạn đọc đông nhất vào chiều, tối và các ngày lễ, chủ yếu là thanh thiếu niên và các cụ cao niên. “Vườn đọc” còn là nơi hội tụ của các câu lạc bộ làng như câu lạc bộ hưu trí, cựu chiến binh, thanh niên... Đối tượng phục vụ của chúng tôi chủ yếu là cộng đồng làng xóm. Để tăng nguồn thu, tôi kết hợp dịch vụ chụp ảnh, bán giải khát và đồ lưu niệm, văn phòng phẩm, đồ khô phục vụ sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Bạn đọc đến mua hàng hoặc giải khát được đọc miễn phí. Ai chỉ đến đọc hoặc mượn về nhà thì thu 200 đồng / bản sách / ngày.
Nghe bác Cương nói, tôi thầm liên tưởng tới cháu ngoại tôi ở thành phố Nam Định thường thuê 500 đồng/ bản sách/ ngày mà còn phải ký cược cả trăm ngàn đồng nữa, thì lệ phí đọc tủ sách bác Cương thật đúng như bác nói “lấy việc phục vụ người đọc làm niềm vui ”.
Đồng chí Hoàng Thiện Tuấn, Giám đốc thư viện tỉnh Nam Định nêu vấn đề :
- Chúng tôi thấy kho sách của bác hầu hết là sách thiếu nhi, sách văn học, một số sách tham khảo cho học sinh, sách xã hội chính trị, còn  sách kỹ thuật nông nghiệp rất ít. Có phải vì bạn đọc không có nhu cầu đọc loại sách này ? Bác có yêu cầu gì với thư viện huyện, tỉnh không ?
Bác Cương vừa chạm cốc với khách, vừa thong thả trình bày :
- Dân làng tôi chủ yếu làm nghề nông, nhu cầu đọc sách kỹ thuật là lớn, nhưng nguồn sách này không nhiều, tủ sách chúng tôi chưa đáp ứng được. Hiện tại, tủ sách mới thoả mãn nhu cầu đọc thư giãn của người lao động sau ngày làm việc vất vả, một phần phục vụ nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức chính trị xã hội. Sắp tới, chúng tôi sẽ chú trọng mảng sách kỹ thuật nông nghiệp. Nhân các anh về thăm, rất mong được các anh quan tâm cho hệ thống tủ sách Hải Hậu nói chung, tủ sách tư nhân nói riêng được mượn luân chuyển hàng quý để chúng tôi duy trì và phát triển hoạt động.
Trước khi chúng tôi ra về, bác Cương đề nghị được chụp chung một vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Bác giới thiệu người thanh niên cầm máy ảnh với chúng tôi :
- Cháu Nguyễn Đức Nam là con trai tôi. Cháu rất yêu sách nên tôi đã chuyển giao toàn bộ tủ sách cho cháu quản lý, còn mình thì hỗ trợ cho con cháu.
Nhìn ánh mắt chàng thanh niên mảnh khảnh 36 tuổi này, tôi nhận ra niềm đam mê sách báo của anh, và tôi tin tủ sách sẽ được anh duy trì lâu dài.
Tôi cứ tự hỏi vì sao Hải Hậu làm tốt việc xây dựng và duy trì tủ sách tư nhân, trong khi nhiều nơi khác không phải không có những người có đủ khả năng và nhiệt tình như bác Cương, bác Khảm lại không làm được ? Biết nỗi băn khoăn của tôi, đồng chí Giám đốc Thư viện tỉnh Hoàng Thiện Tuấn nhận xét :
- Việc Trưởng phòng văn hoá, Giám đốc trung tâm văn hoá thể thao và cán bộ thư viện huyện cùng dẫn khách đi thăm một tủ sách tư nhân đã nói lên rất nhiều. Xã hội hoá công tác thư viện, tạo điều kiện nhiều nhất cho nhân dân hưởng thụ văn hoá đọc và tham gia hoạt động thư viện rất cần sự quan tâm của các cấp đảng, chính quyền và đoàn thể. Hải Hậu xác định được điều cốt yếu của việc xã hội hoá công tác thư viện là nhà nước giữ vai trò quan trọng, chủ yếu nhất nên phong trào đọc và tủ sách tư nhân phát triển mạnh là điều tất yếu.
Tôi cũng tin rằng bác Khảm chắc chắn thực hiện tốt nguyện vọng cải thiện môi trường văn hoá đọc cho các cháu tật nguyền khi bác phối hợp phục vụ, phát huy và khai thác tiềm năng các tủ sách tư nhân rải khắp địa bàn huyện Hải Hậu.




TRẦN QUỐC TUẤN - MỘT NGƯỜI VÌ NGHĨA LỚN

  Người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trở thành vị Thánh trong tâm thức người Việt Nam. Nhân dân suy tôn Trần Quốc Tuấn là Thánh vì sự hoàn thiện cả về tài năng và nhân cách của ông.

  1- Trần Quốc Tuấn là người luôn có ý thức trách nhiệm rất cao về cá nhân mình trước quốc gia, dân tộc. Ông luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân và gia đình. Ý thức trách nhiệm đó đã chi phối mọi hành động và mọi mối quan hệ xã hội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của ông, làm cho nhân cách ông trở nên lớn lao và cao đẹp.
  Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn là một tấm gương sáng về lòng trung quân ái quốc. Chính lòng trung thành đó đã giúp ông xử sự các mối quan hệ xã hội một cách đúng đắn, luôn vì lợi cho quốc gia, dân tộc. Trong xã hội phong kiến, chữ “trung” và chữ “hiếu” rất được coi trọng. Trần Quốc Tuấn đã nêu một tấm gương trong việc giải quyết mối quan hệ giữa trung và hiếu một cách trọn vẹn, biểu hiện rõ nhân cách lớn của ông – một bài học về đạo làm con khi quốc gia có đại sự.
  Cha Trần Quốc Tuấn là Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép nhường vợ đang có mang cho em trai là vua Trần Thái Tông. Trần Liễu nổi dậy chống lại nhưng bị thất bại. Từ đấy, Trần Liễu mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Trần Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh (Trần Liễu) cầm tay Trần Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.(1) 
  Sau này Trần Quốc Tuấn đem chuyện đó hỏi con trai mình là Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng có ý muốn ông cướp ngôi nhà Trần. Ông nổi giận rút gươm toan xử tội và dặn người nhà rằng: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.(2)
  Lúc vua Trần lâm nguy, khi quân quyền đất nước nằm trong tay, Trần Quốc Tuấn vẫn một lòng trung thành với vua Trần, không hề có ý định thực hiện nguyện vọng của cha. Điều đó càng khẳng định nhân cách cao đẹp dũng cảm hiến dâng quyền lợi cá nhân và gia đình cho dân tộc của Trần Quốc Tuấn.
  Vào thời thịnh trị, các vua Trần có tài cao đức lớn đã thực sự là những ông vua sáng xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân. Vì vậy trung với vua cũng là trung với nước. Nhận thức sâu sắc điều đó, Trần Quốc Tuấn một lòng phò vua cứu nước.
  Trong lúc xa giá nhà vua xiêu dạt, Trần Quốc Tuấn thường dùng cây gậy đầu bịt sắt nhọn để chống khi đi theo vua. Vua và quần thần thấy Trần Quốc Tuấn là bậc kỳ tài, lại có mối hiềm cũ của Yên Sinh Vương nên rất lo ngại. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không. Những việc làm như thế đã xua tan mối ngờ vực của mọi người. Ông được vua Trần tin cậy ban cho đặc quyền nhưng ông không bao giờ lạm dụng những đặc quyền đó.
  Ngô Sĩ Liên có lời bình về việc này như sau:
  Ban tước cho người là quyền của Thiên tử, không phải là quyền của kẻ làm tôi”... “Bề tôi nhà Trần mà biết đạo ấy, phải chăng chỉ có Quốc công Hưng Đạo Đại Vương”.(3)
Điều đó cho thấy Hưng Đạo Vương rất nghiêm trong giữ gìn kỷ cương phép nước.

  2- Trong hoàng tộc, Trần Quốc Tuấn luôn cẩn trọng xử sự sao cho triều đình đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm. Ông chủ động dẹp mối bất hòa với Trần Quang Khải. Mối bất hòa giữa Trần Quốc Tuấn (con Trần Liễu) và Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông) bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai chi của họ Trần. Sự hòa hợp giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải chính là biểu hiện thống nhất ý chí của vương triều Trần, góp phần đánh thắng giặc Nguyên hung hãn.
  Trần Quốc Tuấn hiểu rằng ông có được quân dân tin yêu hay không, sự thành bại của cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông mà ông làm Quốc công tiết chế phụ thuộc rất nhiều vào sự đoàn kết trong hoàng tộc mà mối quan hệ giữa ông và Trần Quang Khải là tiêu biểu. Đoàn kết hoàng tộc vì lợi ích quốc gia là yếu tố quan trọng để chiến thắng quân xâm lược. Vì vậy Trần Quốc Tuấn sẵn sàng từ bỏ cái lợi ích riêng của mình, khi cần ông dám từ chối ân huệ của vua.
  Khi Trần Quang Khải theo Trần Thánh Tông đi đánh giặc, ghế Tể tướng bỏ không, vừa lúc sứ phương Bắc đến. Thái Tông phong Trần Quốc Tuấn là Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn chỉ nhận nhiệm vụ tiếp sứ, còn chức Tư đồ thì ông từ chối vì sợ “tình nghĩa trên dưới e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng quan gia và Quang Khải”.(4)

  3- Trần Quốc Tuấn rất quý trọng nhân tài. Ông cưu mang, bồi dưỡng, trọng dụng và tiến cử nhiều người tài đức cho triều đình nhà Trần như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực... Ông biết nhận xét đánh giá và sử dụng các tướng lĩnh bằng cả tài thao lược và nhân tâm. Những người này đều vốn là gia thần hoặc môn khách của Trần Quốc Tuấn. Họ thực sự là những người nổi tiếng về văn chương, quân sự và chính trị thời bấy giờ.
  Quả là Trần Quốc Tuấn chọn tướng thật tinh tường, thương quân hết mực. Tướng ấy, quân ấy sẽ là đội quân không thể chiến bại.

  4- Trần Quốc Tuấn là người có ý thức trách nhiệm rõ nét về cuộc đời mình. Chúng ta chưa có đủ tài liệu để dựng lại toàn bộ cuộc đời riêng, những quan hệ và sinh hoạt cá nhân đời thường của Trần Quốc Tuấn, nhưng ta vẫn có thể tìm thấy trong chính sử những dấu ấn về cuộc đời ông trong lĩnh vực này.
  Năm 1251, vua Trần Thái Tông “Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn”.
  “...Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa...”
  “...Vua bất đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn”.(5)
  Chúng ta biết rằng Đại Việt sử ký toàn thư được hoàn thành chủ yếu vào thế kỷ XV, thế kỷ mà tư tưởng Nho giáo là tư tưởng thống trị. Các nhà viết sử với quan điểm Nho giáo đã tỏ thái độ rất khắt khe đối với các hành động vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo của nhà Nho. Họ nghiêm khắc phê phán hành động “cướp lấy công chúa” của Trần Quốc Tuấn. Còn ở thế kỷ XIII, tư tưởng Phật giáo được coi là tư tưởng chính thống, các mối quan hệ con người với con người chưa bị ràng buộc chặt chẽ, nghiệt ngã của tư tưởng Nho giáo. Những biểu hiện nhân cách kiểu như Trần Quốc Tuấn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn. Ở thế kỷ này, chúng ta bắt gặp một Trần Ích Tắc sắc sảo nhưng đố kị và ích kỷ, một Trần Khánh Dư tài giỏi nhưng cũng mang đầu óc vụ lợi cá nhân, một Trần Tung thiền sư nổi tiếng với phong cách phóng cuồng... Những nhân cách rất riêng ấy là biểu hiện của yếu tố làm nên bản sắc riêng của từng người, tạo ra bản sắc thời Trần tỏa sáng hào khí Đông A.
  Hành động táo bạo cướp công chúa, bất chấp lệnh vua, không sợ nguy hiểm, làm một việc đã rồi buộc vua Trần phải chấp nhận của Trần Quốc Tuấn là biểu hiện sự “nổi loạn” của mối tình không chịu ép buộc và xếp đặt của người khác, đòi được tự do yêu đương và lựa chọn xây dựng hạnh phúc lứa đôi, cho thấy thời trai trẻ Trần Quốc Tuấn có tình yêu mãnh liệt và bột phát.
  Nhân cách của Trần Quốc Tuấn luôn được đề cao trong các tài liệu lịch sử, cũng như trong các tác phẩm văn học. Vào thế kỷ XV, khi chế độ phong kiến Việt Nam cực thịnh, một học giả uyên thâm là Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm (1456-1522) đã làm thơ ca ngợi như sau:
Sinh phùng gia hấn thệ thấu trung
Mậu kiến Trung hưng đệ nhất công
Một hậu uy do tôi bắc lỗ
Ỷ thiên trường kiếm dạ minh phong.
Dịch là:
Quyết bỏ hiềm nhà vẹn chữ trung
Trung Hưng nghiệp lớn lập nhiều công
Uy còn phá giặc thân tuy thác
Tiếng gió gầm đêm kiếm múa vung (6)
Đến thế kỷ XVII, trong Thiên Nam ngữ lục (chữ Nôm) cũng hết lời ca ngợi công đức, nhân cách của Trần Quốc Tuấn:
Đền công huyết thực muôn xuân
Sắc Thượng đẳng thần, muôn kiếp khói hương(7)
Nhiều tác phẩm như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, hay Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính cũng luôn đề cao nhân cách của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Tính cách mạnh mẽ đấu tranh cho quyền tự do, ý thức sâu sắc và hành động đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với quốc gia dân tộc thể hiện nhân cách lớn của Trần Quốc Tuấn. Có lẽ ông trở thành Đức Thánh Trần trong tâm thức dân gian không chỉ vì ông là một tài năng, mà còn là vì nhân cách cao đẹp của ông./.
….…..
Chú thích:
(1), (2) Đại Việt sử ký toàn thư. - H.: Khoa học xã hội, 1998. – T.2. – Tr. 79-80.
(3), (4), (5) Sđd. – Tr. 10.
(6) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. – H.: Văn hóa, 1958. – Tr. 81.
(7) Tổng tập văn học Việt Nam. – Khoa học xã hội, 1997. – T.7. – Tr. 904.





TRẦN THỊ NHẬT TÂN – CÔ GIÁO NHÂN HẬU

  Đã có hàng trăm bài viết về nhà văn Trần Thị Nhật Tân trên báo chí. Các tác giả tập trung khai thác về những thăng trầm cuộc đời chị, về những tác phẩm của chị gây nên một hiện tượng văn học như “Dòng xoáy”, “Chân trời”, “Mây trắng”... Nói đến nhà văn Trần Thị Nhật Tân, bạn đọc nghĩ ngay đến điển hình chống tiêu cực và cuộc đời ba lần lấy chồng không thành của chị. Nhưng có một chi tiết, mấy chục năm qua chị dạy học từ thiện môn văn cho các cháu ôn thi đại học, thì chưa nhà báo nào nói đến.
  Nhà văn Trần Thị Nhật Tân nguyên là nhà giáo bị “mất dạy” (như lời chị nói) từ sau vụ “Dòng xoáy” của chị ra đời, làm xôn xao dư luận bạn đọc. Những phần tử tiêu cực bị nhà văn phanh phui đã sử dụng cả guồng máy chính quyền, đoàn thể, hất văng chị ra ngoài lề xã hội, đe dọa và đầy ải chị sống trong cảnh không nhà, không công ăn việc làm, lang thang bất định.
  Bằng sự kiên trì phấn đấu chị đã vượt lên hoàn cảnh khốn khổ của mình. Năm 1994 chị dành dụm mua được ngôi nhà lá lụp xụp ở xã Lộc Hạ, thành phố Nam Định. Chị dùng ngôi nhà đó làm lớp dạy một số cháu học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn ôn thi đại học, không thu tiền học phí. Chị dạy học từ thiện vì phần thương các cháu nhà nghèo hiếu học, phần để đỡ nhớ nghề thầy của mình. Ngay cả những ngày bị tai biến não, phải nằm liệt giường, chị vẫn dạy văn các cháu ôn thi đại học. Điểm lại các cháu được chị dạy văn, cháu nào cũng đỗ đại học. Nhiều cháu thi đại học, môn văn bị điểm liệt, trượt. Năm sau học chị đã đạt điểm khá giỏi và đỗ đại học.
  Việc nhà văn Trần Thị Nhật Tân dạy học ban đầu cũng không được phụ huynh tin tưởng. Có phụ huynh mắng con: “Học lò luyện thi mất mấy chục triệu còn trượt, nữa là học bà không thu tiền thì ăn thua gì...” Nhưng thời gian và kết quả việc dạy ôn thi cho các cháu đã làm những người không tin chị phải thay đổi nhận thức.
  Cháu Đàm Thị Bích Ngọc, ở cạnh nhà chị Tân, được nhà văn hướng dẫn đọc các tác phẩm văn trong chương trình lớp 12, đọc “Tuổi thơ dòng xoáy” của nhà văn, cháu đã viết bài “Gửi người gieo hạt giống tâm hồn” được đăng trên báo Pháp luật Việt Nam số 50 ngày 19-2-2012. Cháu vừa tốt nghiệp Bác sĩ điều dưỡng, làm việc tại Hà Nội.
Cháu Trần Xuân Tùng, cùng xóm với nhà văn Nhật Tân, được nhà văn kèm học từ lớp 3 đến lớp 12. Tốt nghiệp đại học loại giỏi năm 2015 nhưng không xin được việc làm. Nghe lời nhà văn Trần Thị Nhật Tân khuyên, cháu đã xin đi lao động ở Nhật. Trước khi đi, cháu ôm chặt nhà văn: “Giờ cháu mới thấy tiếc. Giá cháu nghe lời bà học tiếng Anh cho giỏi thì đâu đến nỗi khổ nhục. Bà cao tuổi, nhưng suy nghĩ của bà lại rất hiện đại, rất trẻ. Sang Nhật, cháu sẽ cố học tiếng Anh, tiếng Nhật thật giỏi bà ạ”.
  Năm nào cũng có dăm ba cháu theo học cô giáo Nhật Tân. Cháu nào đã học cô Nhật Tân, điểm thi đại học môn văn cũng đều khá giỏi. Năm học 2010-2011, cháu Trần Thị Oanh là con cô giáo Hải, bạn đồng nghiệp với nhà văn ở trường Trần Quốc Toản ngày chị Tân còn chưa “mất dạy”, được nhà văn hướng dẫn ôn thi môn văn, đã đỗ đại học, môn văn đạt 8,5 điểm. Cháu được cấp học bổng đi Ấn Độ. Mẹ cháu tặng cô Nhật Tân cái xe đạp để cảm ơn.
  Năm 2015-2016, cháu Trần Ngọc Ánh cùng tổ dân phố với nhà văn, rủ 5 bạn theo học bà Tân. Kết quả cả 5 cháu đều đỗ đại học. Vở ghi bài giảng của cô giáo Nhật Tân được mấy chục cháu ở trường chuyên Lê Hồng Phong pho to tham khảo. Cháu Trần Ngọc Anh có nguyện vọng theo nghiệp nhà văn như cô giáo Nhật Tân, mơ ước trở thành tác giả kịch bản phim. Chị Tân hướng dẫn cháu viết kịch bản ngắn. Cháu thi năng khiếu đỗ Đại học Điện ảnh. Cháu vừa gọi điện về khoe với cô Nhật Tân: “Bà ơi, cháu được các thầy cô khen là giỏi nhất lớp. Cháu được nhà trường chọn cho đi Sơn La, Mộc Châu quay phim bà ạ.”
Năm vừa qua, nhà văn Nhật Tân dạy 11 cháu lớp 9 ôn thi vào lớp 10. Có cháu tâm sự: “Bố mẹ cháu nghèo, chạy tiền học cho cháu rất vất vả. Mỗi năm học thêm cô giáo mỗi môn hết cả chục triệu bạc... Nhưng cháu học bà thì bố mẹ lại lo cháu không đỗ. Cháu nói với bố mẹ cháu là bà Tân dạy ngắn gọn, dễ hiểu, rất dễ hệ thống kiến thức. Với lại bố mẹ đừng lo. Thi vào cấp 3 thì thầy cô giáo cấp 3 chấm bài thi, chứ cô giáo con có chấm đâu...”  Nhà văn bảo: “Các cháu cố gắng học để đỗ vào cấp 3, nếu các cháu trượt thì chắc chắn bà bị các phụ huynh chửi cho nhức óc”. Khi nghe tin cả 11 cháu đều đỗ, nhà văn Nhật Tân mới thở phào nhẹ nhõm.
  Nhà văn Nhật Tân nói với tôi: “Nhờ dạy học từ thiện mà chị khỏi bại liệt đấy. Số là con ông lang gia truyền dốt văn. Nghe tiếng chị dạy văn các cháu đều đỗ, ông lang liền đưa con đến nhà nhờ chị kèm cho môn văn. Khi ấy là năm 2004, chị đang kèm mấy cháu học ôn thi đại học. Thấy chị nằm dạy học, ông lang cắt cho chị 10 thang. Chị uống hết 10 thang thuốc thì bò dậy chống gậy đi lại được. Chị uống liền một năm trời, mỗi ngày một thang, sức khỏe hồi phục, đi lại bình thường. Dạy con ông lang không thu tiền, nhưng chị trả hết tiền thuốc của ông lang. Khi con ông lang đỗ đại học, chị cho cháu tiền để tỏ lòng cảm ơn ông lang chữa cho chị khỏi bại liệt.”
  Tôi lặng nhìn nhà văn Trần Thị Nhật Tân mà lòng dâng trào một cảm xúc cảm phục và quý trọng. Nhớ chuyện chị di chúc hiến tặng tài sản nhà đất cho Hội Văn học Nghệ Thuật Nam Định mà không được toại nguyện, tôi lại càng thương chị. Chỉ vì tích cực chống tiêu cực bằng tác phẩm văn học và hành động trọng thực tế, mà chị bị hất văng ra lề cuộc sống. Nhìn người phụ nữ già nua khắc khổ, nổi tiếng “đánh đấm” chống tiêu cực, mấy ai nghĩ nhà văn Nhật Tân lại là người có tấm lòng nhân hậu rất đáng quý trong thời buổi tham nhũng cùng cực như hiện nay. Việc chị lặng lẽ dạy không thu tiền cho các cháu hoàn cảnh khó khăn ôn thi đại học là một minh chứng cho điều tôi nghĩ.




XIN ĐI TÙ

  Thằng Mãnh là em con dì tôi. Thằng Mãnh trắng, đẹp như cục bột, lại rất ngoan nên họ hàng ai cũng yêu quý. Chú rể tôi là bộ đội cụ Hồ phục viên, mất vì B52 Mỹ khi đang trôi bè trên sông Hồng, hồi năm 1972, chẳng có chế độ gì. Chồng chết, dì tôi dồn hết tình cảm, sức lực vào chăm sóc yêu chiều thằng Mãnh.       
          Tôi đi bộ đội chiến đấu hết trong Nam lại lên biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Năm 1982 tôi mới được chuyển ngành về quê. Dì tôi khóc bảo:
          - Thằng Mãnh bị bắt đi trại rồi anh ơi. Anh làm sao cứu thằng Mãnh cho dì, không thì nó chết mất...
          Tôi ngạc nhiên:
          - Làm sao đến nông nỗi này hả dì? Thằng Mãnh ngoan ngoãn thế, sao lại bị bắt đi cải tạo? Dì nói đầu đuôi sự việc cho cháu nghe...
          - Thằng Mãnh vốn ngoan hiền. Nó thương dì vất vả nên bỏ học theo người ta đi đào vàng ở khu Tư. Thỉnh thoảng nó gửi về cho dì chỉ vàng. Dì cũng mừng. Nhưng dì có ngờ đâu... nó lại sinh nghiện hút. Xã truy quét bắt những thanh niên nghiện hút đưa đi trại, họ tóm được thằng Mãnh khi nó đang hút... 
          Tôi an ủi dì:
          - Thôi sự việc đã thế rồi, dì để cháu tính...
          Hai chú em ruột tôi làm trong ngành công an, chạy đôn chạy đáo gần năm trời mới bảo lãnh cho thằng Mãnh được ra trại. Dì tôi xin cho thằng Mãnh đi cai nghiện ở trại cai nghiện tỉnh. Mãnh cai nghiện xong, được chú em rể tôi làm Giám đốc một xi nghiệp bố trí cho làm nhân viên đứng quầy hàng. Được gần năm, Mãnh tiết kiệm mua được cái xe đạp Phượng Hoàng. Tôi mừng thằng Mãnh đã tu trí. Nhưng rồi một hôm người ta báo tin cho tôi rằng thằng Mãnh lại bị công an bắt giam rồi. Tôi xin thăm nó nhưng họ không cho gặp. Thì ra bạn nghiện từ trước luôn bám sát nó, rủ rê, ép buộc nó phải hút lại. Cho đến một đêm, thằng Mãnh để bạn nghiện vào quầy hàng ăn trộm, định sau đó làm hiện trường giả thì bị công an bắt quả tang. Mãnh đi tù ba năm.
          Ra tù, Mãnh về quê. Không có tiền hút hàng ngày, Mãnh bán dần tất cả các thứ gì có trong nhà có thể bán được để hút. Trong nhà không còn gì để bán, Mãnh bắt đầu ăn trộm của hàng xóm... Một lần bắt quả tang Mãnh ăn trộm, chính quyền xã chuyển Mãnh lên công an huyện. Mãnh lại đi tù.
          Ba năm sau Mãnh ra tù. Trông nó gầy, đen, đầu trọc lốc... Tôi khuyên răn nó nên từ bỏ thuốc phiện mà tu trí làm ăn. Nó vâng vâng dạ dạ tỏ ra thực tâm muốn cải tà quy chính.
          Bẵng đi mấy năm, tôi bận công việc không về quê. Một hôm, dì tôi bắt xe khách lên tỉnh. Vừa gặp tôi, dì đã kể trong tiếng nấc:
          - Thằng Mãnh lại đi tù rồi anh ơi!... Khổ thân tôi, kiếp trước tôi phạm tội gì mà trời đày đọa tôi thế này anh ơi...
          Chờ dì nguôi ngoai, tôi hỏi:
          - Lần này nó phạm tội gì mà người ta lại bắt nó đi tù?
          Dì tôi bảo:
          - Không! Không ai bắt cả. Tự nó xin đi tù thôi.
          Tôi nhạc nhiên:
          - Tự nó xin đi tù? Sao lạ vậy dì?
          Dì tôi phân trần:
          - Đi tù mấy lần về, nó quyết tâm làm lại cuộc đời. Mấy năm nay nó không ăn trộm cái gì của hàng xóm. Nó xin dì cho tiền để nó nhập trại cai nghiện. Cai nghiện xong, nó về quê mong sống yên ổn làm ăn. Nhưng nó đi xin việc ở đâu người ta cũng không nhận. Dì đã hơn tám mươi tuổi rồi, chẳng có lương, chỉ trông vào 5 miếng ruộng phần trăm thì làm sao nuôi nổi hai mẹ con. Thằng Mãnh sinh ra cáu bẳn, chán đời. Bạn bè rủ rê, nó hút lại. Tháng trước, người ta báo tin cho dì là thằng Mãnh đang bị giam ở huyện. Dì hớt hơ hớt hải lên huyện xin vào thăm nó. Ngươi ta bảo dì:
          - Khi công an đến bắt thì thấy thằng Mãnh đứng trong bốt điện, mồm kêu to: “Ối làng nước ơi! Có thằng ăn trộm công tơ điện đây này...” Hỏi tại sao làm thế, thằng Mãnh bảo: “Để được đi tù. Xin các cán bộ cho em đi tù!”...
          Dì van nó đừng xin đi tù. Nó bảo dì: “Mẹ ơi! Mẹ cứ để con đi tù! Chỉ có đi tù thì con mới có việc làm, mới có miếng ăn, mới được hút, mới có cơ hội được sống...”
          Anh ơi, em nó nói thế, dì chẳng còn biết làm sao. Chẳng lẽ cứ để nó sống mãi đến chết trong tù sao hả anh...
          Bất lực nhìn dì tôi khổ sở, tôi im lặng nghe dì tôi kể lể nỗi buồn khổ như vô tận. Trước mắt tôi, hình ảnh thằng Mãnh trắng đẹp như cục bột cứ chập chờn. Văng vẳng bên tai lời thằng Mãnh xin được đi tù để có cơ hội sống cứ ám ảnh tôi...




ÔNG MÀ CÓ QUYỀN…

  -I-

  Đang lên lớp giảng bài ở huyện Nghĩa Hưng thì điện thoại di động của lão réo chuông. Lão định tắt máy, nhưng nhìn thấy tên người gọi đến là Nhà thơ Trần Đắc Trung mà lão rất kính nể, lão liền xin lỗi học viên rồi bắt máy:
- Dạ, em nghe đây bác!
         - Sáng nay liên hoan mừng công ra mắt cuốn “Thơ 1000 năm Thăng Long Hà Nội - Thiên Trường Nam Định”, sao bác không tới dự?
        - Thế à? Có ai báo em đâu…
        - Hội gửi giấy mời từ tuần trước cơ mà. Thôi không cần giấy mời, bác tới hội ngay cho vui nhé!
        - Nhưng em đang dạy ở Nghĩa Hưng. Nếu có giấy mời trước khi họp ít nhất một ngày thì em mới bố trí đổi lịch được… 
Lão nghĩ: Mình là đồng tác giả sưu tầm, tác giả dịch, tác giả thơ, người biên soạn cuốn sách này, vất vả nửa năm trời, giờ liên hoan mừng thắng lợi lại không được dự. Chỉ tại cái bọn Bưu điện làm ăn tắc trách. Ông mà có quyền, ông kiểm điểm chúng mày đến nơi đến chốn.

  -II-

  Họp bộ môn, chủ tịch Hội bảo:
        - Sáng mai bác đi nhận giải thưởng Lương Thế Vinh nhé!
        - Thế à? Mình có giấy mời đâu! 
        - Giấy mời gửi cả tuần rồi, bác chưa nhận được à? 8 giờ sáng mai bác ra nhận giải nhé!
Sau hôm lão nhận giải 5 ngày thì bưu điện mới đưa giấy mời tới nhà.
Lão nói một mình: May mà họp bộ môn trước hôm lĩnh giải một ngày, biết được. Cái bọn Bưu điện này làm ăn tào lao chi khươn quá. Ông mà có quyền, ông cúp lương chúng mày.

  -III-

  Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa từ huyện Trực Ninh điện:
- Sáng mai hẹn gặp ông ở Hội nhé!
- Có việc gì đến thẳng nhà tôi, ra Hội làm đếch gì!
- Ơ cái ông này! Ông chưa nhận được giấy mời họp tổng kết bộ môn NCPB à? Tôi nhận giấy mời từ tuần trước cơ mà!
Lão bực mình điện hỏi Phó chủ tịch Hội:
- Này, các bộ môn họp đông họp tây, còn bộ môn NCPB bao giờ họp mà mình chẳng thấy giấy mời gì vậy?
- Bác để em kiểm tra lại bộ phận hành chính…
Lát sau Phó chủ tịch Hội điện lại cho lão:
- Hành chính gửi giấy mời rồi mà bác. Địa chỉ của bác là 13/398 đường Trường Chinh, Thành phố Nam Định phải không ạ?
- Thì đúng thế.
- Vậy chắc Bưu điện chuyển thư chậm. Sáng mai 8 giờ mời bác ra Hội tổng kết bộ môn ạ!
Lão quát to một mình: Lại cái bọn Bưu điện làm ăn du dơ vô trách nhiệm, chuyển thư chậm như rùa. Nhà ông cách trung tâm Bưu điện hai cây số, cách Hội VHNT già một cây số, cách Bưu điện đường Hàn Thuyên phường Vị Xuyên 400 mét, cách Bưu điện trên đường Trường Chinh cạnh sân vận động Thiên Trường 300 mét mà thư hai tuần chưa tới, có khi chúng nó vứt mẹ nó thư của người ta đi cũng nên... Ông mà có quyền, ông sa thải hết chúng mày…
Lão bà nghe lão quát, biểu:
- Con giai ông, cháu gái ông, con rể ông… đương chức công nhân bưu điện tỉnh cả đấy! Nếu ông có quyền, ông có giám cách chúng nó không? Hay ông cách luôn cái chức “NGUYÊN KẾ TOÁN TRƯỞNG BƯU ĐIỆN TỈNH” của em gái ông?
- !!!

TRẦN MỸ GIỐNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét