Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Đọc LẠC NẺO ĐƯỜNG TRĂNG của Chu Đình An / Trần Mỹ Giống





        Mới quen biết Chu Đình An gần đây, nhưng tôi đã được đọc và thích thơ ông từ khá lâu qua nhiều tuyển thơ: Vườn thơ tao ngộ, Chưa nhắm đã say (Nxb. Trẻ), Hà Nội trong tim (Nxb. Giao thông vận tải), Bút xưa 6, Thắp sáng đường thi (T.1 và 2 Nxb. Văn hóa dân tộc), Ngàn dặm tình thơ, Tác giả thơ Việt Nam đương đại (Nxb. Thanh niên), Những bài thơ Việt Nam hay lạ xưa nay (Nxb. Văn nghệ), 1000 năm thơ Thăng Long Hà Nội – Thiên Trường Nam Định (Hội VHNT Nam Định)...


        Chu Đình An, bút danh Nam Thắng, nguyên là anh bộ đội Cụ Hồ, từng gần hai chục năm trong quân ngũ thì có tới 12 năm chiến đấu trên các chiến trường B, C, K (Miền Nam, Lào, Căm pu chia) trong kháng chiến chống Mỹ, rồi chuyển ngành công tác trong lĩnh vực thương nghiệp cho đến khi nghỉ hưu. Ông được “Trời phú cho ông có chữ tài, Văn chương cẩm tú bút hoa khai”, biết làm thơ từ khi mới lớn. Hơn nửa thế kỷ làm thơ, ông có tới cả ngàn bài, một số bài đăng báo hoặc in trong các tuyển thơ, còn phần lớn chưa in thành sách. Mãi năm 65 tuổi ông mới cho ra tập thơ riêng đầu tiên “Chặng đường hoa” (Sở Văn hóa Thông tin Nam Định, 2004). Hai năm sau ông in tập “Năm tháng xôn xao” (Nxb. Lao động, 2006).

        Lạc nẻo đường trăng” (Nxb. Hội Nhà văn, 2011) là tập thơ thứ ba ông mới trình đời. Sách khổ 13 x 19 cm, 96 trang. Trang bìa xanh lơ, trăng vàng, núi xa mờ, thác trắng gợi cho ta liên tưởng tới cõi lung linh huyền ảo, trộn lẫn giữa thực và mơ - cõi thơ. “Thơ trình đời dẫu muộn / In nếp nghĩ thần tiên”. Tình cảm chủ đạo trong “Lạc nẻo đường trăng” vẫn tươi nguyên như “Chặng đường hoa” và “Năm tháng xôn xao”, là tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, yêu người thiết tha. Nhưng có lẽ tình cảm thẩm mỹ nổi trội nhất của tác giả trong tập thơ là tình yêu... thơ. Đọc Lạc nẻo đường trăng, ta thường bắt gặp cảm xúc, tình cảm, tâm trạng, suy tư thể hiện tình yêu thơ của tác giả. Tôi lấy làm lạ là có tới gần bốn chục lần ông nhắc tới từ “thơ”. Thường trong một tập thơ nhỏ mà lặp lại một tứ, một từ dăm ba lần đã gây cho người đọc cảm giác nhàm. Nhưng với tần xuất từ “thơ” trong Lạc nẻo đường trăng lớn như vậy mà tôi không cảm thấy nhàm chán. Phải là người vững tay “nghề” tác giả mới làm được điều đó. Trong hoàn cảnh thời chiến hay thời bình, tâm trạng buồn hay vui, ông luôn có xu hướng liên hệ tới “thơ” – tình yêu thơ. Trước giờ xuất trận, ông nhớ quê thao thiết thì “Chao nghiêng một nhánh thơ gầy”. Trước cảnh trời mây, “gió dâng hương níu giữ trăng vàng” làm xao xuyến cõi lòng, ông bật ra “Câu thơ thức tỉnh đam mê”. Dù trải bao gian khó trong cuộc mưu sinh hay trong chiến đấu đối mặt với kẻ thù, dù trong bộn bề năm tháng thì ông vẫn “Dặm trường thơ đam mê”. Khi ông “Đan cài sương gió vào thơ”, lúc lại trút “Nỗi niềm day dứt trang thơ”. Ông coi thơ là cái nghiệp mà ông tự nguyện dấn thân “Thơ và đời mãi mãi đa mang” với khát vọng “Cài vương miện lên thơ lên chữ” có ích để lại cho đời nên ông băn khoăn “Hồn thơ trang sách mai sau có còn”... Tôi liên tưởng tới thần đồng thơ Trần Đăng Khoa hiện đã làm tới chức Cục trưởng, nhưng bạn đọc thường chỉ nhớ “Từ góc sân nhà em”, còn từ khi anh trưởng thành có bài gì hay thì liệu mấy người biết đây. Chu Đình An không phải thần đồng, nhưng càng cao tuổi thì thơ ông càng hay. Chu Đình An duy trì được “phong độ” thơ của mình như vậy, phải chăng, ngoài chút năng khiếu trời phú, còn do ông đam mê, miệt mài làm thơ suốt hơn nửa thế kỷ:

Càn khôn đẽo gọt một thời
Ủ trong cát bụi nảy chồi đơm hoa
Đêm ngày thao thiết lòng ta
Dòng sông thơ vắt ngang qua đỉnh trời.

        Bao nhiêu thao thiết, đau khổ, nhọc nhằn với thơ - với đời để có được mùa thu hoạch nảy chồi đơm hoa, để dòng thơ vắt ngang qua đỉnh trời thì cũng đáng lắm, tự hào lắm. Hình ảnh, tứ thơ như vụt lóe, sự giao thoa giữa ý và tình, thể hiện rõ ý tưởng và cảm xúc mạnh mẽ, khát vọng lớn lao của tác giả.

        Quả là Chu Đình An yêu thơ đến đam mê, nhưng xét đến cùng thơ cũng chỉ là phương tiện để ông thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu người, yêu đời của mình. Những địa danh đất nước như Thăng Long – Hà Nội, Đống Đa, Ba Đình, núi Phật Bà, Ninh Bình, Tản Viên, Vườn Vải, động Phong Nha, cổng trời Tam Đảo, bình minh Hà Nội, Hương Sơn... mà ông có dịp đến thăm đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên, chân thực và hiển hiện thật đẹp:

Núi biếc bao phen say chiến trận
Ngàn xanh mấy độ tiến quân ca
Suối luồn cõng đá lưng không mỏi
Nước lượn xuyên đèo dốc vẫn qua

                         (Động Phong Nha)

        Chu Đình An dành cho quê hương Đại An – Nam Thắng của mình tình yêu tha thiết nhất. Ông lấy tên xã Nam Thắng quê ông làm bút danh của mình. Bài “Quê hương xanh” ông viết năm 1961 có câu “Vươn tới năm hai ngàn”... “Đại An mình giàu sang”, ngày nay thực tế đã chứng minh điều ông mơ ước, tiên đoán là đúng. Trong ông luôn thường trực niềm tự hào về quê có Trang nguyên Nguyễn Hiền trẻ nhất trong lịch sử nước ta, nơi có “Tiến sĩ, Trạng nguyên bia đá tạc”. Biền biệt những năm tháng xa quê, những hình ảnh thân thuộc của quê luôn hiển hiện trong nỗi nhớ của ông. Con đê, đồng lúa xanh, bãi dâu xanh, sông Hồng đỏ phủ sa, cảnh chợ làng, người dân quê... đều trở thành nguồn cảm hứng trong thơ ông.

Mẹ nghèo dãi nắng dầm mưa
Thương con tôm tép trách trưa hờn chiều
Hoàng hôn bóng chợ liêu xiêu
Hồn quê ôm ấp bao điều xa xôi.

                                      (Chợ làng)

        Ông viết về những người con gái quê mình bằng những hình ảnh tuyệt mỹ với tấm lòng yêu mến biết bao: “Người con gái quê anh / Trên đầu em đội nắng / áo ướt đẫm mồ hôi / Cơm ăn chẳng được ngồi”, khi “Sáng sớm giọt sương rơi / Long lanh đầu lá cỏ” đã “Vin cành hái lá dâu”, chiều về trên đường làng “Đôi chân em thoăn thoắt / Nặng trĩu gánh tơ vàng”.

        Những bài viết về người thân, tác giả thường dùng thể thơ tự do để cho cảm xúc, tình cảm được tung hoành. Tuy những bài này chất thơ không nhiều, nhưng tình cảm chân thật đến hồn nhiên của ông đã làm cho bài thơ “đứng” được trong lòng người đọc.

Dẫu con đã vào trường đại học
Bố mẹ vẫn coi như bé dại trong đời

                              (Thơ gửi con trai)

Thao thức thâu canh buồn ứa lệ
Con ngoan có hiểu thấu tình cha

                                 (Mưa đêm)

        Tâm lý của những người làm cha mẹ coi con còn thơ dại dù con đã trưởng thành là rất phổ biến, “nước mắt chảy xuôi” mà, tấm lòng cha mẹ đối với con cái sâu sắc và rộng lớn bao la. Cha mẹ luôn lo lắng cho con, nhưng con cái mấy ai hiểu thấu lòng cha mẹ. Mong sao con hiểu lòng cha yêu con vô hạn là trạng thái tâm lý chân thực và phổ biến. Tâm trạng đó cũng là tâm trạng chung của tất cả những người làm cha mẹ.

        Tôi tin một điều là hình ảnh đẹp của các cô gái, của các “Em”, của người tình trong thơ ông đều có phần lấy từ hình ảnh vợ ông. Tôi đã mấy lần được nói chuyện về thơ, về đời với bà, tôi càng tin điều tôi nghĩ là đúng. Bà tuy không biết làm thơ, nhưng vì yêu chồng nên bà cũng yêu thơ. Bà chăm chút, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho ông đeo đuổi nghiệp thơ. Bà cũng là độc giả đầu tiên đọc và góp ý thơ ông. Có lần bà sôi nổi tranh luận với tôi để bảo vệ thơ ông, mà ý kiến của bà lại rất giản dị và có lý. Thế nên ông yêu quý và biết ơn bà:

Em yêu thơ rất lạ
Không cùng anh đồng hành
Chỉ ra đề bật mí
Nảy mầm thơ vươn xanh

                             (Em)

        Khi “Xa em anh làm thơ / Cho đời khỏi bơ vơ”, “Những đêm ngày chiến đấu” ông giữ tấm hình vợ trong túi ngực coi như báu vật, và “Yêu em đến ngẩn ngơ”.

        Về nghệ thuật, Chu Đình An làm cả thơ cách luật và thơ tự do, nhưng chủ yếu là thơ cách luật. Ông trung thành với quan điểm thơ phải có ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, giàu hình ảnh, nhịp điệu, có vần, có tứ. Ngay cả những bài thơ theo thể tự do của ông cũng rất giàu tính nhịp điệu của ngôn từ và hài hòa âm thanh - vần điệu. Sở trường của ông là thơ cách luật. Lạc nẻo đường trăng gồm 63 bài thì chỉ có dăm bài theo thể thơ tự do, còn hầu hết là thơ cách luật (15 bài lục bát, 2 bài song thất lục bát, 17 bài thơ 5 chữ, 1 bài thơ 6 chữ, 3 bài tứ tuyệt, còn lại là thơ Đường luật...). Thơ lục bát của ông mượt mà, ngôn ngữ chắt lọc. Khi ông viết “Trời xôn xao, biển xôn xao / Buông câu thơ thả vượt rào vũ môn” thì sức tưởng tượng của ông đã như cá hóa rồng, vượt khỏi đời thường mà ra ngoài vũ trụ.

        Những bài thuộc dạng vịnh cảnh, ông thường dùng thể thơ Đường luật. Ông rất chú trọng yêu cầu về niêm, luật bằng trắc, vần, đối, nhịp điệu. Đây là hai câu thực tả cảnh Yên Tử trong bài “Lên Yên Tử”:

Gieo gió trên không kinh vang vọng
Rắc sương dưới dốc nắng vàng reo

        Còn đây là cảnh “Thung lũng vùng quanh”:

 Uốn éo đèo cao đường khập khễnh
Vòng vèo dốc dựng lối chông chênh
Thung thăng bướm lượn râu tênh vểnh
Loáng thoáng ong bay cánh phập phềnh

        Quả là tác giả đã tiếp thu được tinh hoa thơ của các tiền nhân Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương... không chỉ ở niêm, luật, nhịp điệu mà còn trong việc sử dụng từ ngữ . Các động từ, tính từ trong thơ Chu Đình An thường rất gợi cảm, gây ấn tượng khó quên cho người đọc. Chẳng hạn các động từ được sử dụng rất gợi cảm, lạ và táo bạo trong câu:

Hoa móng rồng ngát lạ
Hoàng hôn về cuỗm đi

                (Trời xuân tươi)
Hoặc câu:
Sương đêm vắt vẻo cành đào
Bình minh em đã lẻn vào hồn tôi

                             (Bỗng dưng)

        Đọc Lạc nẻo đường trăng, ta luôn bắt gặp những câu, những từ rất gợi cảm, nâng bài thơ lên rất nhiều như “Nghẹn trời mây”, “Hờn đất đá”, “Thẹn núi đồi” (khi nói về cái oan của Nguyễn Trãi), “Moi tan núi”, “Ngoáy đổ ngàn” (nói về bọn tham nhũng), “Trăng sóng xoài vòm cây”, “Đồng lúa xôn xao ướp nắng vàng”, “Nêm câu chào hỏi”, “Lách hương gió nội”... Có thể coi đây là cái riêng của Chu Đình An.

        Phần cuối của Lạc nẻo đường trăng có 9 bài chân dung (chọn trong số 25 bài chân dung ông đã viết). Từng quen biết và đọc tác phẩm của Nhà nghiên cứu Đỗ Huy Vinh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, tôi rất thú khi “Chân dung 6” đã vẽ ra rất rõ và đúng tính tình, phong cách ông:

Không đò thì xắn quần lên
Này thơ, này sách, này đèn, này đây...
Thơ ông vai sánh chốn này
Hàng Thao em bé tháng ngày xôn xao...

... Mắm tôm nhoe nhoét mời chào...

        Mảng thơ chân dung của Chu Đình An có nét riêng, không giống với thơ chân dung của tác giả khác, đọc và suy ngẫm cũng có nhiều thú vị.

        Tôi cứ gờn gợn tiếc một điều ở cái đề bài “Tiếng đàn”: Tác giả suy ngẫm quan hệ thiên, địa, nhân để nói về sự nhỏ nhoi, quá mỏng manh của một đời người như hạt sương bay mà lại đặt tên bài là “Tiếng đàn” thì... Sao không giữ nguyên cái đề trong bản thảo là “Hạt sương bay” nhỉ.

Dù vậy, với Lạc nẻo đường trăng, Chu Đình An góp thêm một dòng chảy lấp lánh phù sa bồi đắp cánh đồng thơ Nam Định, Việt Nam.

        Thành Nam, ngày 12 – 2 – 2011
                TRẦN MỸ GIỐNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét