Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

TRANG TRẦN MỸ GIỐNG TRÊN VIỆT VĂN MỚI (Kỳ 1)






-  Sinh ngày 15 - 1 - 1950
-  Tại Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
-  Hiện cư trú tại đường Trường Chinh, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
-  Cử nhân văn hóa.
-  Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định.
-  Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
-  Từ 1971 đến 1980 đi nghĩa vụ quân sự rồi chuyển ngành về Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định), làm Trưởng phòng Địa chí Thư mục. Hiện đã nghỉ hưu.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

-  Tác giả Hán - Nôm Nam Định (2008)
-  Các nhà khoa bảng Nam Định (2009)
-  Các nhà khoa bảng Nam Định (Nxb. Quân đội nhân dân, 2017)
-  Thư mục nhân vật Nam Định (2010)

Đồng tác giả và có bài in trong các sách:

-  Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định (2000)
-  Danh nhân văn hóa Nam Định (2000)
-  Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (2001).
-  Dấu ấn thời gian (2007)
-  Lược khảo tác gia văn học Nam Định (1997)
-  Những người giữ lửa tình yêu với sách: Ký (Tập 1 và tập 2 năm 2004 - 2005)
-  Thi sĩ Nguyễn Bính hồn thơ Việt (2008)
-  Thơ Nam Định 5 năm đầu thế kỷ: 2001 - 2005 (2006)
-  Tiến sĩ Vũ Huy Trác (2008)
-  Trạng nguyên Đào Sư Tích đời và thơ văn (2010)
-  Trạng nguyên đất học Nam Trực (2009)
-  Tuyển tập văn học nghệ thuật Nam Định thế kỷ XX (2005)
-  Văn hóa Nam Trực cội nguồn và di sản (2000)
-  ....


TÁC PHẨM ĐÃ ĐĂNG TẢI TRÊN NEWVIETART - VIỆT VĂN MỚI



Đêm Yên Dũng

Trên trời cao
Một giọt sao
Nhấp nháy
Như ánh mắt
Người yêu ta
Thuở ấy
Hẹn chờ nhau
Xao xuyến
Buổi ban đầu.

Đồi bạch đàn gió lao xao trong lá
ái êm niềm tâm sự ngàn xưa.
Đất cựa mình bồi hồi nhịp thở
ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.

Gió tạm biệt đồi cây
Lá theo ngừng tâm sự
Đất say nồng giấc ngủ từ lâu.
Trên trời cao
Giọt sao
Không ngủ
Vẫn nhấp nháy
Nhìn
Vẫn đợi chờ
Chung thủy.
.............
Yên Dũng là một huyện của tỉnh Bắc Giang.




Hoan Hô Quy Hoạch... Treo

        “Xóm văn hoá” là một xóm nghèo. Gọi là xóm văn hoá nghèo vì hầu hết các hộ dân ở đây là cán bộ ngành văn hoá đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Mà lương cán bộ ngành văn hoá làm sao không nghèo được. Năm 1987 ngành văn hoá được tỉnh quan tâm cấp cho khu đầm lầy làm nhà tập thể cho cán bộ, công nhân viên trong ngành để không còn cảnh cán bộ ăn nghỉ tại phòng làm việc của cơ quan. Chủ trương của tỉnh làm nức lòng cán bộ ngành văn hoá. Nhưng cơ quan không có kinh phí xây dựng, thay vì phải làm nhà tập thể, đành chia đất cho từng hộ gia đình tự vượt lập và xây dựng. Khốn nỗi hộ nào cũng nghèo (Có nghèo mới phải bám lấy nhà làm việc mà tá túc chứ), thành ra hẹo hẵng mãi đến ba bốn năm sau mới hình thành xóm nhà cấp bốn.
        An cư chưa được bao lâu, năm 1996 nhà nước lại quy hoạch đô thị, hầu hết xóm văn hoá nằm trong diện đất quy hoạch. Cán bộ phòng nhà đất đo đạc, lập biên bản hiện trạng từng hộ để làm cơ sở đền bù khi thành phố thu hồi đất. Cán bộ phường thông báo cho các hộ thuộc diện quy hoạch không được cơi nới, xây dựng thêm để tránh phức tạp cho việc đền bù. Người xóm văn hoá lại háo hức chờ đón ngày thực hiện quy hoạch. Nhà nào cũng gương mẫu chấp hành quy định, không xây dựng gì thêm.
        Thế là ai nấy cố chịu đựng cái cảnh trời mưa thì ngập lụt, nhà dột nát, phân rác trôi vào tận phòng ở, trời nắng thì nóng bức, chật chội. Chất lượng sống của dân xóm văn hoá thật ... chẳng văn hoá chút nào.
        Nhưng chờ đến mỏi mắt mà không thấy chính quyền thực hiện quy hoạch. Gần mười sáu năm sống cảnh chờ đợi nhà nước thực hiện quy hoạch đã quá sức chịu đựng, các hộ buộc phải làm đơn kiến nghị gửi Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, song chẳng có hồi âm. Chính quyền địa phương cũng không biết bao giờ trên mới thực hiện quy hoạch.
        Bán nhà không được, cải tạo cũng không được, người xóm văn hoá thật bức bối. Chú Lương là thủ trưởng một đơn vị quân đội, được đơn vị và đồng đội ủng hộ vật tư, kinh phí bèn mua đất đô thị mới, xây luôn nhà ba tầng. Hôm ăn mừng nhà mới, chú oang oang tâm sự:
        - Bà con hẳn còn nhớ gia đình em ở xóm văn hoá khốn khổ như thế nào. Nhờ cái quy hoạch treo, vợ chồng em mới được đơn vị, bạn bè giúp đỡ mà làm được ngôi nhà cao tầng, tiện nghi đầy đủ. Thật là sung sướng. Em phải hoan hô cái quy hoạch treo!
        Nếu được như nhà chú Lương thì tôi cũng phải hoan hô cái quy hoạch... treo. Nhưng còn bao nhiêu gia đình vẫn phải chịu đựng cái khổ do quy hoạch treo gây ra? Nghe nói nhà nước có quy định quy hoạch nào sau ba năm không thực hiện thì phải bỏ. Nhưng ai công bố xoá bỏ cái quy hoạch treo? Dân xóm văn hoá còn phải chịu đựng đến bao giờ tình trạng này?




Phải Lòng... Bài Thơ “Phải Lòng”

        Nguyễn Thị Kim Ngân- cô giáo dạy toán Trường THCS Phùng Chí Kiên (Tp. Nam Định) là tác giả có thơ được in trong một số tuyển thơ. Tập Bến đợi của cô do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2005 được bạn đọc quan tâm tìm đọc.
        Ông TM là một bạn đọc lâu năm của thư viện tỉnh Nam Định, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ông rất thích bài thơ Phải lòng của Nguyễn Thị Kim Ngân. Nguyên văn bài thơ như sau:
Sớm nào thả bước trên đê
Bên anh bỗng thấy say mê tình đời
Dưới sông thuyền cứ êm trôi
Trên bờ hai đứa - hai người lang thang
Cánh cò chấp chới bay ngang
Mặt trời nghiêng nắng nhuộm vàng mặt sông.
Cớ sao sông cứ lượn vòng?
Để con đê - Kẻ phải lòng... lượn theo?
        Ông TM cứ đọc đi đọc lại hai câu kết của bài thơ “Cớ sao sông cứ lượn vòng, Để con đê - Kẻ phải lòng... lượn theo?” Rồi ông ngắm kỹ bức hình tác giả - một cô gái xinh như mộng in ở đầu bài thơ, càng ngắm càng mê mẩn. Ông liều gọi điện thoại xin được làm quen với Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông như mở cờ trong bụng khi Nguyễn Thị Kim Ngân nhận lời tới thăm và tặng thơ cho ông. Thế rồi chờ mãi không thấy Nguyễn Thị Kim Ngân đến, ông bức bối trút sự oán trách trong lòng bằng bài lục bát có tên là Nỡ nào như sau:
Thơ em thương đến là thương
Yêu thơ nên phải đánh đường tìm... em.
Nỡ nào em hẹn rồi quên
Mặc ai đứng lửa ngồi than... Nỡ nào?
Tình thơ thánh thiện thanh cao
Phải chi ong bướm tầm phào mà e?
Hay là chưa tỉnh cơn mê
Lượn theo dòng chảy, đê về nơi đâu?
Một mai sông tới biển sâu
Còn riêng đê với khối sầu... giống ai.
        Ông chưa kịp gửi thơ đi thì Nguyễn Thị Kim Ngân bất ngờ xuất hiện và tặng ông tập thơ vừa xuất bản. Thế là mọi bức bối trong lòng ông tan biến đi.
        Tôi trêu ông:
        - Hay là ông phải lòng tác giả bài thơ Phải lòng rồi?
        Ông cười thật hiền :
        - Đâu có! Mình phải lòng bài thơ Phải lòng đấy chứ!
        Một bài thơ nhỏ mà làm xao động tâm hồn ông già ngoài 60 tuổi. Sức truyền cảm của văn học thật mạnh mẽ.




Văn Hoá Trong Cái Bắt Tay

        Không rõ cái bắt tay ra đời ở đâu, có từ bao giờ và xuất hiện ở Việt Nam khi nào, chỉ biết ngày nay nó được dùng rộng rãi trong giao tiếp. ở bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào: trong các hội nghị hay họp cơ quan, ở trong nhà hay ngoài phố, bạn bè gặp nhau, khi liên hệ công tác, lúc tiếp khách, thủ trưởng đơn vị thăm cơ sở, trong nhân dân hay trong quân đội... ta cũng có thể bắt gặp cái bắt tay.
        Có người nói: cái bắt tay ra đời từ những người đi săn trong rừng, khi gặp người lạ, họ xoè tay không cầm vũ khí ra để tỏ rõ thiện chí của mình. Về sau người ta nắm lấy tay nhau... Dần dần cái bắt tay được sử dụng phổ biến trong xã hội.
        Bắt tay là để tỏ tình thân thiện. Bắt tay thường đi kèm câu chào hỏi. Cùng với sự phát triển văn hoá, cái bắt tay cũng ngày càng được dùng thường xuyên, phong phú về cách thức và ý nghĩa văn hoá. Cấp độ, sắc thái văn hoá của mỗi người có thể biết được qua cách họ bắt tay như thế nào. Vậy, bắt tay cũng phải sao cho có văn hoá. Nếu bạn không biết cách bắt tay, nhiều khi bắt tay lại gây ra điều tai hại ngoài ý muốn.
        Có người khi bắt tay cứ để nguyên bao tay. Bắt tay như thế làm mất lòng tin của người được bắt tay. Tại sao phải tháo bao tay trước khi bắt tay? Chuyện kể rằng: Có người dùng bao tay tẩm độc bắt tay để ám hại người khác. Để đề phòng những chuyện như thế nên khi bắt tay phải tháo bao tay. Hơn nữa, bắt tay là để tỏ tình cảm với nhau thì phải tháo bao tay để biểu lộ và cảm nhận được đầy đủ những cảm xúc và tình cảm của nhau qua da tay, lực tay, nhiệt độ tay...
        Có người khi bắt tay người này, lại ngoảnh mặt chào người khác. Bắt tay như thế làm cho người được bắt tay phật lòng vì thấy rõ sự thờ ơ của bạn.
        Khi gặp cấp trên hoặc người cao tuổi, cấp dưới hoặc người ít tuổi lại chủ động lăng xăng chìa tay ra bắt tay làm cho người bị bắt tay phải miễn cưỡng bắt tay. Bắt tay như vậy làm cho người ta nghĩ là bạn xược.
        Một anh bạn giữ chức vụ cỡ Cục, Sở phàn nàn với tôi:   
        - “Cậu A là nhân viên thuộc quyền, trước đây cùng cảnh “cơ hàn”, từ ngày mình làm lãnh đạo thì không bao giờ A chịu bắt tay mình trước, thế là mình chẳng thèm bắt tay A nữa”!
        Tôi thưa rằng:
        - “Nếu ông đến thăm A với tư cách thủ trưởng, cấp trên thì ông phải chủ động bắt tay A để tỏ ra quan tâm đến cấp dưới mới phải. Đằng này ông lại “không thèm” bắt tay nữa thì ông chẳng những không “tâm lý” mà còn tỏ ra nghèo ... văn hoá hơn là bạn ông vậy”.
        Bạn là thủ trưởng đến thăm cơ sở, bắt tay lãnh đạo cơ sở trước rồi đến nhân viên là lẽ thường. Nhưng khi gặp tình huống cán bộ nhân viên cơ sở xếp hàng chào bạn, bạn lại đi qua những nhân viên gần nhất để bắt tay cán bộ lãnh đạo ở xa rồi mới quay lại bắt tay nhân viên thì bạn đã vừa vất đi lòng yêu kính của cán bộ dưới quyền. Bắt tay như thế làm cho người được bắt tay tủi thân vì thấy rõ sự phân biệt lãnh đạo với nhân viên, còn đâu cái ý nghĩa thân tình của bắt tay!
        Có vị thủ trưởng xuống đơn vị chỉ bắt tay lãnh đạo và người “cùng cánh” với mình mà không bắt tay nhân viên khác dù nhân viên đó đứng gần mình nhất. Điều này thể hiện rõ sự không thiện chí của thủ trưởng và tạo ra ác cảm của nhân viên.
        Có hai anh em gặp nhau trong ngày giỗ cha mẹ liền bắt tay nhau rất xã giao. Bắt tay trong hoàn cảnh ấy chẳng những không tỏ được tình ruột thịt mà còn thêm xa lạ nhau ra. Người chứng kiến thấy nó xa lạ với phong tục tập quán người Việt Nam, nó “lai căng”, “học đòi” thế nào ấy.
        Có người bắt tay cứ bóp mạnh làm người được bắt tay phải nhăn mặt hoặc bắt tay bạn gái cứ nắm mãi không rời làm bạn gái khó xử. Bắt tay như thế có phần kém... lịch sự.
Lại có người, phần nhiều là các vị có chức có quyền, khi bắt tay cấp dưới lại giơ bàn tay “vô hồn” ra cho cấp dưới nắm lấy. Bắt tay như thế thật thiếu nhiệt tình, làm cho người được bắt tay cảm thấy “lạnh lẽo” và nhạt nhẽo.
        Bác ngoại tôi - cụ Lê Loan (anh trai cụ Lê Lễ – nguyên Phó ty văn hoá Nam Hà) kể: “Ngày còn trẻ, tôi đi giúp việc cho một vị chức sắc. Một bận có vị khách đến hỏi thăm chủ nhà, mà chủ nhà lại đi vắng. Tôi phải tiếp vị khách ấy. Khi khách bắt tay, tôi khéo léo xoay tay khách lên trên tay mình để ngầm báo cho vị khách biết tôi chỉ là cấp dưới của chủ nhà. Bắt tay cũng tinh tế lắm chứ ”.
        Trong quân đội, người lính khi gặp nhau, cấp dưới phải chào cấp trên nhưng phải chờ cấp trên bắt tay mới được bắt tay; Nếu ngang cấp thì ai thấy trước chào và bắt tay trước...
        Ngoài đời, không có quy định cho cái bắt tay, nhưng nhiều người thừa nhận “luật bất thành văn” là: Khi gặp nhau cấp trên, thủ trưởng hoặc người cao tuổi nên chủ động bắt tay cấp dưới hoặc người ít tuổi để tỏ sự quan tâm, gần gũi của mình với quần chúng. Cấp dưới hoặc người ít tuổi không được giơ tay ra trước để bắt tay cấp trên hoặc người cao tuổi. Khách đến nhà, chủ nhà chủ động giơ tay bắt tay khách để tỏ rõ sự hiếu khách của mình. Bạn bè gặp nhau, cùng giơ tay bắt tay nhau...
        Khi bắt tay, mắt nhìn thẳng vào mặt nhau, ánh mắt, nét mặt biểu lộ tình cảm chân thật, quan tâm đến nhau. Không bắt tay quá lâu, cũng không bắt tay lấy lệ. Lực bắt tay vừa phải, nếu cần biểu lộ tình cảm đặc biệt thì có thể tăng lực đột xuất trong vài giây. Không bóp tay quá mạnh nhưng không được thiếu lực. Nếu bắt tay mà hờ hững thiếu sức sống thì còn đâu nhiệt tình, thân thiện nữa.
        Những người lính thường kể cho nhau nghe một truyện cười liên quan đến cái bắt tay như sau:
        Có vị đại tá trẻ rất lấy làm tự hào vì được nhiều người tấm tắc khen:
        - “Trẻ thế mà đã là đại tá cơ đấy!”
        Mỗi lần đi dạo phố, vị đại tá thường dương dương tự đắc ưỡn ngực, ngẩng cao đầu. Một bận đang dạo phố, vị đại tá gặp cậu bé chừng 5 tuổi khoanh tay, cúi đầu kính cẩn:
        - “Cháu chào chú đại tá ạ!”
        Vị đại tá hạ cố nhìn cậu bé :
        - “Chào cháu! Cháu ngoan lắm!” và ông tiếp tục dạo gót. Đi được vài bước, chợt ông quay lại, dường như muốn tỏ ra quan tâm đến trẻ em:
        - “Hãy về nói với bố cháu rằng: vì cháu là một cậu bé ngoan nên chú đại tá thưởng cho bố cháu một cái bắt tay nhé!”
        Cậu bé lại khoanh tay, cúi đầu:
        - “Vâng ạ, cám ơn chú, thưa chú đại tá”.
        Vị đại tá lại hỏi:
        - “Này cháu, thế bố cháu làm gì nhỉ?”
        Cậu bé lễ phép:
        - “Dạ thưa chú đại tá, bố cháu làm... đại tướng ạ!”
        - !!!
        Thế đấy! Cái bắt tay tưởng dễ mà chẳng đơn giản chút nào. Sử dụng cái bắt tay bừa bãi, không đúng chỗ, không đúng lúc, không biết cách thức bắt tay, và nhất là thiếu cái tâm thiện chí... nhiều khi biến mình thành kẻ ít... văn hoá, có khi thành trò cười cho thiên hạ. Bắt tay sao cho tinh tế, tỏ ra mình là người có nhân cách tốt đẹp, có thiện chí, có văn hoá, văn minh cũng cần phải học lắm vậy.



Chỉ Có Một Cái Chưa Biết

        Ông HV là một tác giả "tầm tầm" cỡ địa phương có tính rất thích khoe sự hiểu biết của mình. Một lần đi cơ sở, ông ta thao thao bất tuyệt hết chuyện trên trời đến chuyện dưới biển, không còn để cho ai nói chen vào được. Quan khách nói đến lĩnh vực nào ông cũng tham gia bàn luận say sưa, tỏ ra hiểu biết hơn người.
        Trong số những người phải ngồi "chịu trận" trước ông HV có nhà nghiên cứu - phê bình văn học Thạc sĩ Hoàng Dương Chương tình cờ cũng đi điền dã ở cơ sở đó. Hoàng Dương Chương là nguyên mẫu của một số ký sự và truyện "Dũng sĩ diệt cá sấu" mà một thời được bạn đọc nhỏ tuổi say mê. Hiện ở bảo tàng đặc công rừng Sác có bức tượng dũng sĩ diệt cá sấu đề rõ tên tuổi anh. Anh còn là tác giả hàng trăm bài nghiên cứu đăng báo chí, đồng tác giả trên chục công trình nghiên cứu và sách đã xuất bản, là Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng ban thanh tra Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định.
        Chờ cho ông HV nói chán chê rồi, Hoàng Dương Chương mới nhận xét:
        - Thưa ông, quả là cái gì ông cũng biết, nhưng có một cái hẳn ông chưa biết.
        Ông HV ngạc nhiên:
        - Cái mà tôi chưa biết là cái gì?
        Hoàng Dương Chương thẽ thọt:
        - Thưa, cái mà ông chưa biết chính là cái ông không biết mình chưa biết cái gì.
        - !!!



Không Chấp

        Hoàng Dương Chương thường được mời vào Ban giám khảo các cuộc thi về nhiều lĩnh vực ở địa phương. Một lần, Hội đồng nghệ thuật tỉnh N. gặp khó khăn trong việc xét giải thưởng thường kỳ cho một tác phẩm hiện có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau, bèn mời anh thẩm định giúp để tham khảo. Bản thẩm định của anh đã có tác động mạnh tới các thành viên Hội đồng nghệ thuật. Kết quả là tác phẩm đó (được Hội đồng nghệ thuật cơ sở đề xuất loại A) đã bị hạ xuống loại C. Trong khi dư luận bạn đọc đồng tình với nội dung bản thẩm định của anh thì tác giả của tác phẩm bị hạ loại lại phản đối quyết liệt bằng đơn thư kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và thơ văn nặc danh với lời lẽ rất thiếu văn hoá bôi nhọ anh. Thấy anh cứ bình thản, không có phản ứng gì trước việc người ta bôi nhọ mình, tôi hỏi:
        - Là nhà nghiên cứu - phê bình văn học có uy tín của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà anh lại để yên cho cái tay học vấn chưa qua phổ thông nó điên cuồng bôi nhọ mình là làm sao?
        Anh điềm tĩnh trả lời tôi bằng một câu hỏi làm tôi "ớ" người ra:
        - Thế ông bảo tôi có nên chấp với một kẻ điên khùng không?
        - !!!




VỠ TRẬN

       
N ăm 1996, chính quyền cắm mốc quy hoạch làm đường qua xóm văn hóa, cấm tiệt việc cơi nới, xây dựng mới. Các công dân gương mẫu xóm văn hóa kiên nhẫn chịu đựng cảnh mưa ngập cứt trôi vào nhà, hè nóng như lò nung hành hạ... quyết không xây dựng mới, không sửa chữa nâng cấp nhà ở, chấp hành nghiêm lệnh của chính quyền. 
        Đầu năm 2015, chính quyền mời bà con ra phường, báo cáo dự án của thành phố, hứa đền bù công trình trên đất theo giá thị trường, bằng giá xây dựng mới, đất cũng được tính theo giá thị trường thời điểm đền bù. Bà con hoan hỉ, ai nấy háo hức mong mỏi dự án nhanh chóng được thực thi để đổi đời. Gặp ai cũng nghe câu cửa miệng cảm ơn..., cảm ơn...   
        Ban dự án cùng đại diện các hộ bị thu hồi đất chia nhau đến từng nhà kiểm đếm thật chi tiết, từ cái cây cau tí tẹo đến cái giếng đã bị lấp bỏ cũng được kiểm đếm, không bỏ sót cái gì. Không cần đọc kỹ biên bản kiểm đếm, các chủ hộ ký cái rụp, tin tưởng vào tương lai tươi sáng...
        Nhưng tâm trạng phấn khởi mong mỏi đã nhanh chóng chuyển sang ngơ ngác, bất bình, thất vọng khi nhận được bản dự toán tiền đền bù. Hóa ra cái giá thị trường mà ban dự án nói chỉ bằng nửa giá thực tế. Chẳng hạn, nhà mái bằng một tầng được chi trả 2,5 triệu đồng một mét vuông, bằng một nửa giá xây dựng hiện tại. Mỗi mét vuông đất bị thu hồi được đền bù gần 6 triệu đồng, trong khi đó giá thị trường 10 đến 12 triệu đồng mét vuông... Toàn bộ số tiền được đền bù đất và công trình nhà ở trên đất không đủ mua một suất đất tái định cư tương đương với diện tích đất bị thu hồi mà ban dự án bán cho theo giá thị trường. Vậy là cơ nghiệp cả đời tích cóp của hai vợ chồng chủ hộ bỗng nhiên mất trắng. Ông bạn đồng hương nguyên là chiến sĩ đơn vị anh hùng, xuất ngũ làm nghề bán bánh mì dạo, ở nhà tập thể trước năm 1980, không có tiền chạy sổ đỏ, giờ chỉ được đền bù một nửa.  
        Bà con bị thu hồi đất đồng lòng làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố, không chấp nhận giá đền bù quá thấp, giá đất bán cho dân lại cao... Ban dự án lại tổ chức họp và hứa chuyển ý kiến bà con lên trên xem xét. Bà con lấy lại hy vọng, nôn nóng chờ phản hồi của chính quyền... Nhưng chưa có hồi âm, đã thấy quyết định đền bù đóng dấu UBND thành phố đỏ chót gửi xuống từng hộ gia đình bị thu hồi đất. Ban dự án mời đại diện từng hộ gia đình lên ký biên bản đền bù theo từng thời điểm khác nhau. Bà con xóm văn hóa lại tổ chức họp khẩn cấp, thề quyết không ký.  Ông Lê Đạo Đức hùng hổ tuyên bố:
        - Tôi quyết không chấp nhận giá đền bù vô lý này. Cùng lắm, tôi làm Đoàn Văn Vươn thứ hai...
        Trưa hôm sau, tôi về xóm với tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của hội nghị xóm, không chấp nhận đền bù của ban dự án, thì thấy xóm nháo nhác như ong vỡ tổ. Ông bạn hưu trí cùng ngành văn hóa nói trong nước mắt:
        - Vỡ trận rồi bác ơi!  
        - Sự thể ra sao?
        - Nó tung cò đất đến từng nhà, gạ trả tiền tươi chênh lệch từ 100 triệu đến 130 triệu một suất đất dự án bán cho hộ dân. Ai ký đồng ý chấp nhận giá đền bù của Ban dự án sẽ được chọn mua lô đất đẹp để trao tay giấy tờ cho cò đất, nhận ngay tiền chênh lệch. Ai ký muộn sẽ chỉ còn đất xấu, cò không mua. Bà con bảo nhận tiền tươi chênh lệch bán đất được cả trăm triệu đồng, chả hơn là đấu tranh biết có kết quả không... Vậy là tranh nhau ký...   
        - Ông Lê Đạo Đức thế nào?
        - Ông Đức nhận tiền tươi cò đất trao tay, ký nhận đền bù của Ban dự án rồi...  
        Các hộ dân bị thu hồi đất lúc này vẫn nói câu cửa miệng: Cảm ơn... nhưng không phải là cảm ơn... cảm ơn... như mấy hôm trước, mà là cảm ơn cò đất.
        Đúng là cái khó bó cái khôn. Ban dự án kinh nghiệm đầy mình, cò đất lại cáo già, cánh dân nghèo thật như đếm không vỡ trận, thua đau mới là lạ!  
        Một tháng sau, xóm văn hóa tan hoang những ngôi nhà bị phá dỡ. Gặp mấy bà hôm trước còn luôn mồm cảm ơn cảm huệ cũng đang ngơ ngẩn nhìn nơi ở cũ, tôi hỏi:        
        - Sao bây giờ không thấy các bà cảm ơn cảm huệ vậy?         - Ôi dào... Bây giờ chúng em chẳng cảm ơn cảm huệ thằng nào con nào sất cả!         




Đọc tản văn “Ngang qua cuộc chơi” của Trần Huy Thuận

        Trong lịch sử văn học Việt Nam hiếm có tác giả thành danh bằng thể loại tản văn, nên khi mượn được cuốn tản văn Ngang qua cuộc chơi của Trần Huy Thuận, tôi tò mò muốn đọc ngay. Sách dày 312 trang, khổ 21 cm, bìa màu xanh trang nhã, trình bày bắt mắt, do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2009. Sách gồm trên năm chục bài viết trong nhiều năm, nội dung đề cập phần lớn là những chuyện đời thường, nhiều khi ta cho là nhỏ nhặt như chuyện sinh hoạt của cá nhân (ăn mặc, tắm gội, đi đứng, nói, nghe, làm…), chuyện xã hội (bầu bán, quan chức, giáo dục, văn hoá…), mới lướt qua thì thấy chả có gì mới mẻ, toàn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng nhẩn nha đọc kỹ lại “giật mình” vì sức lôi cuốn của tác phẩm.
        Trần Huy Thuận nguyên là hội viên, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh. Ông đã đoạt hai giải nhất về văn xuôi và thơ cuộc thi thơ văn trào phúng tỉnh Hà Nam Ninh năm 1984, giải khuyến kích cuộc thi về kỷ niệm sâu sắc hoạt động khoa học kỹ thuật của tạp chí Khoa học và đời sống năm 1994. Trần Huy Thuận mê viết văn từ nhỏ. Ông đã có nhiều bài in trên báo Nhân dân, Lao động, Nông nghiệp Việt Nam, Tuổi trẻ cười… Nhưng ông không có ý định làm một nhà văn. Ông chỉ viết khi có hứng, hoặc trăn trở về một điều gì đó, viết như rút ra từ gan ruột của mình.
        Những bài viết của ông dưới thể loại tạp văn đề cập đến một số vấn đề văn hoá, xã hội, chính trị nóng hổi, bức xúc thường ngắn gọn, linh hoạt, đa dạng, nhanh nhạy, lý lẽ sắc sảo, giọng văn hóm hỉnh đầy tính suy tưởng, có tính phê phán mạnh mẽ các thói xấu, vạch rõ khuyết điểm, chính kiến rõ ràng và có tính giáo dục cao. Bàn về hiện tượng một số cán bộ có chức có quyền ngày nay nhũng nhiễu dân (Cán bộ thời nay: Đầy tớ dân hay cha mẹ dân?) tác giả phân tích nguyên nhân một cách sâu sắc và nêu yêu cầu về cán bộ thời nay: “Không cần làm đầy tớ, chỉ cần làm tròn lương tâm, trách nhiệm và đúng pháp luật. Đừng cho mình là tầng lớp cao hơn dân, hoặc nhầm tưởng mình giống như vua quan phong kiến, lúc nào cũng chỉ muốn làm cha, làm mẹ dân” . Quả thật, cán bộ chỉ cần làm được thế cũng tốt cho dân lắm lắm. Bài Lương, thưởng - Đôi điều muốn nói lại chỉ ra một cách thuyết phục về sự bất hợp lý giữa lương và thưởng, giữa lương và lương hưu, giữa lương và kết quả công việc. Việc xây dựng và thực hiện chế độ lương chưa đúng với quan điểm của Đảng (con người là vốn quý nhất cần phải ưu tiên đầu tư) nên còn nhiều bất hợp lý, làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội. Bài Giáo dục và tự giáo dục làm hiển hiện trước mắt bạn đọc hai sự thật trái ngược: Ngày giáp Tết quan chức, cán bộ (nhiều người từng đứng trên bục giảng, hoặc thường xuyên rao giảng đạo đức cho nhân viên) lũ lượt xe pháo đi tham quan, lễ hội, biếu xén cấp trên, phè phỡn mỗi suất ăn hàng mấy trăm nghìn đồng, có VIP lại còn đánh bạc một đêm thua mấy chục nghìn USD vẫn thản nhiên bay đi Thái Lan chơi gái “giải đen” bằng tiền công quỹ, trong khi đó biết bao em bé không được cắp sách đến trường, hoặc phải bán lì xì mua… tết như “Nguyễn Văn Cư 12 tuổi đang học lớp 4 Trường tiểu học Mỹ Kim, cũng như anh em U, Nhàn, Cư phải len lỏi trong chợ suốt ngày dể bán bao lì xì mua… Tết”. Câu hỏi của tác giả “Biết thậm chí còn giỏi giáo dục quần chúng, sao không biết tự giáo dục chính bản thân mình, gia đình mình?” nghe nhẹ nhàng mà nghiêm khắc, mà đau. Phản ánh hiện tượng thầy thuốc, thầy giáo vì tiền mà quên đạo làm thày, đánh mất lương tâm, tác giả khẳng định: “Trong hoàn cảnh nào cũng cần chăm lo gìn giữ bằng được “Đạo làm thầy”! Điều này đương nhiên không chỉ phụ thuộc vào người thầy, mà còn là trách nhiệm của xã hội, trong đó có phần cơ chế, chính sách”. Những vấn đề Ngang qua cuộc chơi phản ánh thật phong phú: Chuyện cán bộ chỉ biết hành dân, bòn rút của dân (Vài suy nghĩ về tham nhũng và chống tham nhũng) , sự xuống cấp của một số trí thức hiện nay (Bằng cấp chưa hoàn toàn tạo nên trí thức), chuyện một số người chạy chức, giữ chức bằng mọi giá (Chiếc ghế và văn hoá ngồi) , chuyện dân chủ giả vờ trong Bầu bán , chuyện có quan chức lợi dụng quy hoạch chiếm đất của dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (Chợ Bút Điền: Dân thành Nam mình tốt thật) , chuyện các hủ tục ăn uống lãng phí trong ma chay cưới xin, chuyện về gia đình và văn hoá gia đình, chuyện làng xóm, chuyện đồng môn, bạn bè, chuyện giáo dục trong nhà trường, chuyện ứng xử nơi công cộng…
        Đọc Chuyện văn chuyện đời, tôi cứ bị ám ảnh mãi về những điều tác giả viết. Nhà văn quá cố nổi tiếng CV nguyên là Trưởng ty Văn hoá kiêm Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh từng là nạn nhân của mưu đồ lật đổ tranh giành quyền lực. Mỉa mai thay, ngay sau lễ “Chào mừng Đại hội thành công tốt đẹp”, đại hội mà CV bị bôi nhọ, người ta tiến hành lễ trao tặng Huân chương Lao động cho CV. Sau khi nhà văn CV qua đời, một đường phố ở chính thành phố nơi ông bị hạ nhục được mang tên ông. Tuy có chậm, nhưng ông đã được lịch sử nhìn nhận đúng với công lao của mình. Sau “Đại hội hạ bệ” CV, những người “chiến thắng” ngày ấy lại trở thành nạn nhân của những mưu đồ xấu xa mới. Triết lý nhân quả trong văn Trần Huy Thuận là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ mang tâm địa xấu xa.
Ngang qua cuộc chơi có nhiều chuyện ca ngợi gương người tốt, việc tốt, nhưng có lẽ sở trường của Trần Huy Thuận là phát hiện, phanh phui, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Người biết ghét và giám phê phán cái xấu, cái tiêu cực thì mới biết yêu tha thiết và bảo vệ cái đẹp, cái tốt. Trần Huy Thuận phê phán tiêu cực cũng chính là làm theo lời Bác Hồ dạy (Người cán bộ cách mạng phải là công bộc của dân, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư) và nghị quyết của Đảng về chống tham nhũng, chống tiêu cực.
        Những vấn đề viết trong sách toàn là những sự việc tác giả mắt thấy tai nghe, những số phận con người có quan hệ trực tiếp với tác giả. Từ những sự việc có thật tác giả khái quát về một vấn đề, thể hiện thái độ và lý tưởng thẩm mỹ của mình. Những trang viết về đồng môn của ông thật xúc động, thao thiết. Một “thằng Thuỷ” đã là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, một nghệ sĩ nhân dân vẫn không quên bạn cũ từ thời để chỏm. Một “thằng Mốc làm quan” hãnh tiến chỉ vì một bài báo đụng chạm đến mình mà ra tay cho bạn nếm đòn quyền lực. Một người nhân hậu mà chuân chiên như nhà văn Phương Thuỷ… Nếu ở các bài phiếm luận về các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, giọng văn của ông khúc triết mà giàu chất thơ, nhẹ nhàng mà không khoan nhượng, thì khi viết về con người, ông như trút vào trang văn tình cảm nhân hậu, đề cao giá trị đạo đức Việt Nam, bằng tâm hồn đa cảm dạt dào cảm xúc, đồng cảm và sẻ chia với số phận con người. Viếng một đồng môn là “kẻ hát rong” bị người đời coi thường nhưng đầy tự trọng, ông khấn thầm những lời thống thiết, chân thành: “ánh ơi! Đây hoàn toàn là những đồng tiền sạch. Chú của cháu, bạn đồng môn của ánh chưa bao giờ biết cầm một đồng tiền bẩn. ánh hãy yên tâm mà nhận cho lòng tôi được an ủi”.
        Những bài phiếm luận, nhàn đàm, tạp văn nghị luận của Trần Huy Thuận sử dụng nhiều ngạn ngữ, tục ngữ, ca dao khái quát vấn đề một cách khéo léo và chính xác, giàu chất văn. Chẳng hạn, bàn về chuyện cái tai như “Trung ngôn nghịch nhĩ”, “đàn gảy tai trâu”, “Nghe hơi nồi chõ”, “như vịt nghe sấm”… Hoặc về cái sự ăn: “ăn trên ngồi trốc”, “Miệng ăn núi nở”, “ăn xổi ở thì”, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn thủng nồi trôi rế”, “ăn to nói lớn”, “ăn cháo đá bát”, “ăn không nói có”, “ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”…
        Một số bài viết dưới dạng hồi ký, truyện ngắn thường kết cấu đơn tuyến, sự kiện diễn biến chặt chẽ xoay quanh nhân vật nên đọc dễ nhớ. Chuyện thằng đổ vỏ kể về một đứa con phải lấy cô gái đã mang thai mà cha hắn dùng làm vật hy sinh “tế” thủ trưởng, làm cho hắn quyết chí phấn đấu làm “sếp” của tất cả các “sếp” của cha hắn, đọc mà buồn, mà xót, mà đau. Người có hàm răng chuột là một trong số truyện ngắn trào phúng, có ý nghĩa sâu xa và hay. Chuyện kể rằng có một bệnh nhân, từ ngày lên “sếp” thì hàm răng mòn đi rất nhanh, phải đến bệnh viện thay hàm răng mới. Nhưng răng mới lại mòn nhanh hơn cả răng cũ nên các nhà khoa học đã phải thay cho ông ta hàm răng… chuột. Quả nhiên, bệnh nhân không quay lại bệnh viện nữa. Người ta đã nghĩ phải cấp huân chương cho tác giả hàm răng chuột. Bất ngờ bệnh viện lại phải tiếp nhận một bệnh nhân bị bệnh suốt ngày gậm nhấm bất cứ thứ gì ông ta thấy vì răng cứ mọc dài ra rất nhanh. Thì ra ông ta chính là bệnh nhân trước đây được thay hàm răng chuột, từ ngày về hưu bỗng trở bệnh lạ này…
        Dù là tạp văn, phiếm luận, hồi ký hay truyện ngắn, Ngang qua cuộc chơi vẫn mang yếu tố tự truyện cao. Đằng sau những hình tượng văn học và ngôn từ giản dị, nhẹ nhàng là một thái độ đúng đắn rõ ràng, là tấm lòng nhân hậu, đồng cảm, sẻ chia với con người, thiết tha với cuộc sống của tác giả. Có người bảo, cái tên sách Ngang qua cuộc chơi là mượn từ câu nói của nhà viết kịch Tào Mạt: “Cuộc đời này chẳng qua cũng chỉ là một cuộc chơi” .  Trần Huy Thuận có thời gian sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh. Vậy việc viết văn, và cả hội văn cũng chỉ là một cuộc chơi mà ông từng tạt ngang qua. Có thể là ông khiêm tốn mà nói thế. Tên sách cũng dễ làm ta hiểu lầm rằng chỉ là sách viết cho vui. Nhưng từng dòng từng trang văn của ông cứ cuốn hút, cứ ám ảnh bạn đọc, buộc bạn đọc phải suy nghĩ trăn trở về nhân tình thế thái, về lẽ sống ở đời. Cái làm nên điều đó phải chăng ngoài nội dung ngồn ngộn chất liệu cuộc sống còn là cách viết rất riêng của Trần Huy Thuận.




TÁC GIẢ “DÒNG XOÁY” TRONG MẮT MỘT ĐỒNG NGHIỆP

        Có lẽ bởi có nhiều điểm giống với nhà văn Trần Thị Nhật Tân nên tôi yêu quý chị hơn chăng. Tôi và chị cùng tuổi kỷ sửu, cùng có thời gian là bộ đội chống Mỹ (chị là lính thông tin chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng Thanh Hoá, tôi là lính bộ binh chiến đấu ở Quảng Trị), cùng sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định (chị ở tổ văn, rồi vì tự thấy không thể ở tổ văn được nên chị đã xin sang tổ thơ. Còn tôi ở tổ nghiên cứu phê bình), cùng được “đúc” từ một “lò” đào tạo là Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, cùng sống trong một thành phố (nhà chị cách nhà tôi chưa đầy cấy số), cùng có nhiều trắc trở trong đời thường (nhưng những trắc trở của chị vượt xa những trắc trở của tôi), cùng có nhiều suy nghĩ trùng hợp về công việc viết văn và về quan hệ ứng xử trong cuộc sống...
        Tôi quen biết Trần Thị Nhật Tân từ hơn hai chục năm trước. Hồi ấy, chị đang viết tiểu thuyết Dòng xoáy. Hàng ngày chị đến Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định, nơi tôi công tác), ngồi ở một góc khuất trong phòng đọc để viết sách. Tối đến, chị đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Đêm đêm, chị ngủ nhờ khi ở chợ Rồng, lúc ở vỉa hè nhà hát 3 – 2... Còn gia đình tôi có 5 người, sống trong một nửa gian nhà tập thể chừng 8 mét vuông. Sau giờ làm việc ở cơ quan, tôi tranh thủ lao động kiếm thêm mớ rau, bát gạo. Đêm về tôi ngủ nhờ trên bàn làm việc. Tôi thường than vãn sao đời mình khổ thế. Tuy khổ vậy, tôi vẫn còn có một gia đình và một túp lều che mưa nắng, chứ Nhật Tân thì không. May thay, đời vẫn còn nhiều người tốt. Ông Phan Điền nguyên Bí thư tỉnh uỷ Nam Hà, khi biết hoàn cảnh khốn khó của Nhật Tân, ông đã mời chị về nghỉ tại nhà.
        Tôi còn nhớ, lần đầu làm quen chị, tôi hỏi: “Chị công tác ở đâu?”. Chị cười mà trông như mếu: “Tôi là giáo viên, nhưng hiện đã “mất dạy” rồi chú ạ!” Chị là giáo viên dạy văn giỏi, nhưng dòng xoáy cuộc đời đã “hất văng” chị ra khỏi ngành giáo dục.
        Dần dần, chị trở thành người thân của gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong khu tập thể Thư viện tỉnh. Hai con tôi, đứa lớp ba, đứa lớp bảy, là những bạn đọc đầu tiên được bác Nhật Tân cho đọc bản thảo Dòng xoáy. Cứ ngơi ra là các con tôi lại quẩn quanh bên bác Nhật Tân chờ để được đọc bản thảo tiểu thuyết của bác. Chúng đọc háo hức, khi thì khóc, khi thì cười tuỳ theo bước thăng trầm của nhân vật Lý. Khi con lớn tôi bảo: “Bố ơi! Tiểu thuyết của bác Nhật Tân hay lắm bố ạ. Bác Tân bảo, bao giờ in thành sách, bác ấy tặng nhà ta. Nhưng mà bác ấy nghèo lắm, bố cho tiền chúng con mua sách của bác ấy bố nhé!” Tò mò, tôi cũng xin chị cho đọc thử. Càng đọc, tôi càng bị cuốn hút vào nội dung tác phẩm. Quả thật, lắm lúc tôi cũng không cầm lòng được trước cảnh éo le của nhân vật Lý, nước mắt cứ tràn mi vì thương nhân vật Lý, thương Nhật Tân. Khi tôi đọc xong bản thảo, Nhật Tân hỏi: “Chú thấy chị viết được không? In được không?” Vốn tính thẳng thắn, tôi bảo: “Nói thật, chị đừng giận, về nghệ thuật thì tiểu thuyết của chị không có gì “ghê gớm” cả, cũng chỉ là tả thực, giọng kể hấp dẫn thôi. Nhưng về nội dung, tính thời sự thì quả tiểu thuyết của chị thật là “ghê gớm”. Chị xoáy vào những tiêu cực trong ngành giáo dục như vậy thì thật dũng cảm. Thời điểm hiện nay khó có nhà xuất bản nào giám in Dòng xoáy. In ra, có khi tác giả phải đi tù chưa biết chừng”. Chị trầm ngâm: “Chị biết. Đấu tranh chống tiêu cực sẽ không tránh khỏi hy sinh mất mát, nhất là những người đi đầu. Nhưng không ai giám đi đầu chịu hy sinh thì để tiêu cực nó làm loạn à?”
        Thế rôi, thời cơ để in Dòng xoáy cũng tới. Năm 1989, Dòng xoáy tập 1 được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành đã tạo ra một cơn “địa chấn” trong dư luận bạn đọc Nam Định. Dòng xoáy tập 2 cũng được Nhà xuất bản Thanh niên cho ra đời năm 1991. Từ khi Dòng xoáy được xuất bản, Trần Thị Nhật Tân phải hứng chịu biết bao khốn khổ cả về việc mưu sinh, cả về mặt tinh thần do những hành động “phản đòn” của nhiều nguyên mẫu ở địa phương gây ra. Nhiều lần chị bị kẻ xấu dùng tiền mua chuộc để thôi không đấu tranh chống tiêu cực, nhưng chị quyết không thoả hiệp. Mua chuộc không được, họ quay ra thoá mạ, đe doạ chị bằng thư nặc danh. Có kẻ còn trực tiếp doạ giết chị. Nhiều năm chị sống căng thẳng vì phải lo đối phó với bọn người xấu, căng thẳng đến ốm mòn. Vậy mà chị vẫn hiên ngang đối đầu với tiêu cực. Có lần nản thay cho chị, tôi bảo: “Hay là chị tập trung vào viết tiểu thuyết, đừng mất thời gian vào việc chống tiêu cực đời thường nữa, nhất là đừng dây vào bọn quan chức thoái hoá”. Chị bảo: “Nếu thế thì chị đâu còn là chị nữa. Không đấu tranh trong thực tế thì chị viết làm sao được.”
        Những cố gắng của chị đã không uổng. Dòng xoáy được nhiều bạn đọc quan tâm tìm đọc. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ viết thư tay gửi chị mà còn hai lần mời chị lên gặp để nghe chị nói về những việc cần làm ngay ở địa phương. Chị còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp và động viên, khen ngợi về những hành động dũng cảm chống tiêu cực, góp phần làm xã hội tốt đẹp.
        Trần Thị Nhật Tân không chỉ viết tiểu thuyết, mà chị còn viết thơ. Thơ chị khá hay, nhất là thơ cho thiếu nhi. Mơ chín (Nhà xuất bản Thanh niên, 1995), Quả trăng (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 1996), Cuội thế kỷ 20 (Nhà xuất bản Thanh Hoá, 1998) là ba tập thơ của chị với bút danh Tú Út. Đọc thơ Tú Út, tôi nhận ra rất rõ “chất Nhật Tân” ở chất trữ tình pha màu sắc dân gian, làm cho tiếng cười trong thơ chị tăng tác dụng làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Có thể coi bài Thân tằm của Nhật Tân đăng trên Lucbat. com là ngôn chí của chị. Những suy nghĩ và hành động của chị đã luôn hướng vào thực hiện tinh thần “ngôn chí” đó:
Tằm tôi ăn lá dâu xanh
Âm thầm rút ruột kéo thành sợi tơ
Nhảy vào nước lửa khói mờ
Tằm xin được chết dâng tơ cho đời.
        Mỗi lần có sách được in, Nhật Tân lại tặng vợ chồng tôi. Năm 2005, chị được Nhà xuất bản Quân đội in tiểu tuyết Chân trời. Vừa nhận được sách là chị đem tặng tôi, kèm theo một lẵng những rau, bí, khế, ổi... do chính tay chị trồng. Chị bảo rau của chị là rau sạch. Viết văn cũng phải viết sạch. Trong khi chị hăng hái nói về chủ đề rau sạch, tôi mở lướt Chân trời, ngạc nhiên vì bản thảo của chị hai phần (kháng chiến và cải cách ruộng đất ở Nam Định) cả ngàn trang, mà sách lại chỉ in phần một. Hoá ra nhà xuất bản in bao cấp toàn bộ cho tác giả, kinh phí chỉ đủ khả năng in một phần. Thấy tôi tỏ ý tiếc rẻ vì phần hai không được in, chị bảo: “Được thế cũng là mừng lắm rồi chú ạ.”
        Năm 2009 nhà xuất bản Thanh niên bao cấp tái bản Dòng xoáy Sự kiện này lại tạo ra một cơn “địa chấn” mới trong dư luận bạn đọc. Trên báo Thanh niên, báo Người cao tuổi xuất hiện hàng chục bài viết về giá trị và tính thời sự của cuốn sách, về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của tác giả. Hàng ngày chị nhận được hàng chục cú điện thoại, tin nhắn, thư từ của bạn đọc động viên khen ngợi. Nhiều bạn đọc coi chị là tấm gương sáng về tinh thần kiên cường dũng cảm đấu tranh vì quyền con người, vì một xã hội trong sạch, tốt đẹp.
        Tôi cứ ước có một nhà xuất bản nào đó bỏ tiền ra in cho chị bản thảo tiểu thuyết Tuổi thơ tôi mà chị đã hoàn thành từ lâu, thì không chỉ chị mà cả bạn đọc cũng cảm ơn lắm. Điều ước của tôi thật là nhỏ bé, vậy mà với Nhật Tân thì khó mà thực hiện, chị chẳng biết lấy đâu ra mấy chục triệu để in sách. Nhìn người đàn bà khắc khổ già trước tuổi cứ ngày ngày âm thầm đi thực tế rồi viết, lại đi thực tế rồi viết, viết như vắt kiệt chất xám và sức lực của mình mà lòng tôi trào dâng niềm cảm phục. Quả thật thiểu thuyết của Nhật Tân ngồn ngộn chất liệu cuộc sống, chân thực đến độ nhiều bạn đọc cứ quả quyết rằng tiểu thuyết của chị viết về ông X, bà N. ở địa phương mình, ở trường học của mình... Chị lấy chất liệu có thực trong đời sống, từ chính những trải nghiệm trong đời chị, từ tài liệu trong các cơ quan lưu trữ của nhà nước, quân đội, công an làm chất liệu cho tiểu thuyết của mình. Những sự việc có thật trong đời sống nhiều khi tự nó đã hấp dẫn, chị chỉ cần sáng tạo chút ít là thành tác phẩm. Điều đó tăng tính hấp dẫn người đọc, nhưng nếu tác giả non tay nghề là có thể biến tiểu thuyết của mình thành tác phẩm ám chỉ. Thật may là chị được trang bị kiến thức từ Trường Viết văn Nguyễn Du, tay nghề khá nên điều đó đã không xảy ra với tiểu thuyết của chị.
Nhiều lần tôi xin ý kiến chị để viết về chị, nhưng chị cứ lần khân “để chị xem đã”. Tôi biết chị không muốn tôi phải hứng chịu những hệ luỵ không hay vì chị. Có lần chị bảo: “Chú là cây bút nghiên cứu phê bình “trẻ” (chả là tôi mới vào Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định từ năm 2000) cần phải được yên thân mà viết. Chú không nên vì chị mà rầy rà với bọn tiêu cực. Chú “bênh” chị, bọn nó không để cho yên đâu”. Khi đọc bài “Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá dân gian Lê Xuân Quang” của tôi trên báo Văn nghệ trẻ số 35+36 năm 2005, chị động viên: “Chú viết rất có hồn, có tình. Cố lên”. Ngày giỗ đầu bác Lê Xuân Quang, chị ốm lử khử mà vẫn đòi tôi lai về quê thắp hương cho bác. Bữa ấy, chị kể mãi về những kỷ niệm với nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang – người bạn vong niên chí cốt của chị em tôi.
        Dư luận bạn đọc cả nước xôn xao về Dòng xoáy và về tác giả Nhật Tân. Nhưng giới văn học nghệ thuật lại không thấy “động tĩnh” gì. Dù chị chưa phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vẫn coi chị là nhà văn chân chính. Còn nhớ khi Dòng xoáy ra đời, có người chụp cho chị là “bới lông tìm vết, vạch áo cho người xem lưng, bôi xấu bộ mặt tỉnh văn hiến”. Tôi lại nghĩ, trái lại, bằng tính chiến đấu và tính chân thật cao của Dòng xoáy, Trần Thị Nhật Tân góp phần làm cho địa phương ngày một tốt đẹp hơn, hoặc chí ít cũng là mong muốn của chị.

                             Thành Nam, ngày Đông chí năm 2009




CÁC NHÀ KHOA BẢNG NAM ĐỊNH (Kỳ thứ 1)


Lời nói đầu

         Những người được chọn giới thiệu này là những người quê ở Nam Định, hoặc quê nơi khác nhưng định cư ở Nam Định, đỗ trong các khoa thi cấp quốc gia thời phong kiến ở nước ta (thi Hội, thi Đình) từ Phó bảng đến Trạng nguyên.
         Người đỗ Phó bảng gọi là nhà khoa bảng, người đỗ từ đồng Tiến sĩ đến Trạng nguyên gọi là nhà khoa giáp, nhưng để cho tiện, xin gọi chung những người đỗ đại khoa là nhà khoa bảng.
         Các tài liệu tham khảo chính là sách lịch sử, đăng khoa lục, gia phả, sách địa chí, văn bia... Nếu có sự không thống nhất giữa các tài liệu tham khảo thì lấy chính sử làm căn cứ chủ yếu, có nói rõ sự sai khác đó. Một số chi tiết không thống nhất giữa chính sử với gia phả thì tuỳ từng trường hợp mà xem xét quyết định lựa chọn tư liệu sao cho hợp lý.
        Tổng số nhà khoa bảng Nam Định được giới thiệu là 121 vị, trong đó 88 vị có cứ liệu đáng tin cậy, 33 vị chưa đủ cứ liệu chính xác nêu ra chỉ có tính chất tham khảo. Tuy nhiên, trong số 88 vị “có cứ liệu đáng tin cậy” vẫn có hai vị cần xem xét kỹ hơn. Đó là:
         - Vương Văn Hiệu chưa rõ thời gian đỗ như đã trình bày trong chính văn.
         - Vũ Đình Dung: Theo Từ điển nhân vật lịch sử của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế (Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993) thì Vũ Đình Dung, lãnh tụ khởi nghĩa Ngân Già có đỗ Tiến sĩ. Nhưng gia phả họ Vũ ở Ngân Già lại không thấy nói ông đỗ Tiến sĩ.
        Chúng tôi vẫn xếp hai nhân vật này ở phần chính vì căn cứ vào cứ liệu là các sách đăng khoa lục và tài liệu lịch sử có thống kê hai nhân vật này dù còn chưa thống nhất.
Danh sách các nhà khoa bảng được xếp theo thứ tự vần chữ cái họ tên để bạn đọc tiện tra cứu. Năm sinh và năm mất được ghi ngay sau tiêu đề nhân vật trong hai ngoặc đơn. Nếu chưa rõ thì đánh dấu “hỏi” ( ? ). Nếu xác định được thời gian sống của nhân vật một cách tương đối thì ghi theo thế kỷ.
        Do khả năng có hạn, tài liệu tham khảo không nhiều nên không tránh khỏi thiếu sót như bỏ sót nhân vật, chuyển đổi địa danh cũ ra địa danh hiện nay chưa chính xác... Mong được bạn đọc lượng thứ và cho ý kiến để chỉnh lý.

Vài Nét Về Các Nhà Khoa Bảng Nam Định

        1 - Các sách đăng khoa lục và lịch sử còn ghi chép được, ở nước ta, từ 1075 đến 1919 tổ chức được 183 khoa thi cấp quốc gia (Đại tỷ, Đại tỷ thủ sĩ, Thái học sinh mà ta quen gọi là Đại khoa, tức thi Hội và thi Đình), lấy đỗ 3415 người (hiện chỉ còn danh sách 2898 người). Những người đỗ Đại khoa thường phải trải qua ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) và đều được nhận một học vị nhất định tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
        Việc phân cấp người đỗ đại khoa thời Lý chưa rõ ràng, chỉ thấy khoa 1196 có học vị Xuất thân. Từ năm 1232 thời Trần bắt đầu chia người đỗ đại khoa làm ba giáp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Cách chia này được dùng tới triều Nguyễn. Khoa 1239 lại chia người đỗ làm hai loại là Giáp khoa và ất khoa. Từ năm 1246 xuất hiện Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang gọi tắt là Thám hoa). Khoa 1256 và 1266 lấy hai Trạng nguyên (Kinh Trạng nguyên cho vùng đồng bằng Bắc bộ, Trại Trạng nguyên cho vùng Thanh Hoá...). Hai khoa 1304 và 1374 người đỗ Đệ nhị giáp được ban danh hiệu Hoàng giáp. Khoa 1426 chia người đỗ thành Giáp đẳng và ất đẳng. Khoa 1442 xếp Đệ nhất giáp và Đệ nhị giáp vào Chính bảng, Đệ tam giáp vào Phụ bảng. Năm 1462 Lê Thánh Tông ban thêm học vị Cập đệ và Xuất thân, năm 1472 định tư cách và phân loại Tiến sĩ. Từ đây danh hiệu chính thức của người đỗ đại khoa là :
        - Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ: Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa).
- Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
- Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Năm 1829 nhà Nguyễn đặt thêm học vị Phó bảng, lấy người đỗ trong các kỳ thi đại khoa kém điểm người đỗ Đệ tam giáp, xếp riêng thành một bảng và chưa được coi là Tiến sĩ.
        Người đỗ đại khoa thời Trần gọi là Thái học sinh (có từ năm 1232 đến năm 1400), từ năm 1442 gọi là Tiến sĩ. Tiến sĩ dùng chỉ những người đỗ từ Đệ Tam giáp trở lên, đồng thời cũng là tên thông tục chỉ người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa dùng gọi những người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Đệ nhất danh, Đệ nhị danh, Đệ tam danh), Hoàng giáp dùng gọi những người đỗ Đệ nhị giáp.
        Những người đỗ từ Tiến sĩ đến Trạng nguyên gọi là nhà khoa giáp, người đỗ Phó bảng gọi là nhà khoa bảng, người đỗ Cử nhân ở các khoa thi cấp địa phương gọi là nhà khoa mục. Người ta thường gọi chung những người đỗ đại khoa là nhà khoa bảng cho tiện.
        Người đỗ đầu cả ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) gọi là Tam nguyên, đỗ đầu ba khoa thi liên tục gọi là Tam nguyên liên trúng.
        Người đỗ đầu khoa thi Hội gọi là Hội nguyên.
Người đỗ đầu khoa thi Đình gọi là Đình nguyên. Trạng nguyên là học vị cao nhất nên tất nhiên là Đình nguyên. Đình nguyên có thể là Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp hoặc Tiến sĩ, nhưng không bao giờ là Phó bảng vì Phó bảng chưa phải là Tiến sĩ.
        Người đỗ đầu hai khoa thi Hội và thi Đình gọi là Song nguyên.
        Người đỗ đầu khoa thi Hương gọi là Giải nguyên (còn gọi là Tỉnh nguyên, Hương nguyên).
        Năm 1442 chính thức phân cấp thành ba khoa thi Hương, Hội, Đình nên từ đây mới có Tam nguyên và Song nguyên. Một số khoa chỉ có thi Hội mà không thi Đình cũng không thể có Tam nguyên và Song nguyên như các khoa 1453, 1458 và các khoa từ 1554 đến 1592.

        2 - Tỉnh Nam Định (theo giới hạn địa danh hành chính hiện nay) có 88 nhà khoa bảng có cứ liệu đáng tin cậy. Trong đó có 5 Trạng nguyên, 1 Đệ nhất giáp chưa rõ đệ danh, 1 đỗ thứ ba Đệ nhất giáp, 2 Thám hoa, 2 Bảng nhãn, 15 Hoàng giáp, 46 Tiến sĩ, 16 Phó bảng.
        Đạt danh hiệu Tam nguyên liên trúng có Hoàng giáp Trần Bích San. Trần Bích San (1838 - 1878) tự Vọng Nghi, hiệu Mai Nham, quê làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc tp. Nam Định) đỗ Giải nguyên khoa Giáp Tý 1864, đỗ Hội nguyên và Đình nguyên Hoàng giáp khoa ất Sửu 1865, được vua tặng cờ “Tam nguyên liên trúng” và cho đổi tên là Trần Hy Tăng (tỏ ý trông đợi hy vọng nhiều ở Trần Bích San). Ông làm quan tới Lễ bộ Tả tham tri, có nhiều công lao đối với nước, để lại một số tác phẩm như Mai Nham thi thảo, Nhân sự kim giám, Gia huấn ca...
Trạng nguyên Đào Sư Tích đỗ đầu cả ba kỳ thi năm 1374 đời Trần Duệ Tông (thời đó chưa phân chia rạch ròi các khoa thi nên chưa có danh hiệu Tam nguyên), làm quan đến Nhập nội Hành khiển.
        Đạt hai danh hiệu Giải nguyên và Đình nguyên có Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, Tiến sĩ Ngô Trần Thực. Đỗ Huy Liêu (1844 - 1891) quê làng La Ngạn nay thuộc xã Yên Đồng, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Giải nguyên khoa 1867, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa 1879. Bài Đối sách thi Đình của ông mạch lạc, được châu phê: “Quả có thực học, những kẻ dẫm theo vết mòn không thể làm được”... Tiến sĩ Ngô Trần Thực, quê gốc Bắc Ninh, người Bách Tính, Nam Trực (Nam Định) đỗ khoa 1760 đời Lê Hiến Tông, làm quan đến Đông các Đại học sĩ.
        Đạt danh hiệu Hội nguyên có Tiến sĩ Ngô Bật Lượng.
Đạt danh hiệu Giải nguyên có Phó bảng Nguyễn Âu Chuyên, Tiến sĩ Đỗ Phát, Tiến sĩ Đồng Công Viện.
Nam Định có nhiều người trẻ tuổi đỗ cao, thể hiện đặc điểm thông minh ham học của người Nam Định. Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 1247 khi mới 13 tuổi là vị Trạng nguyên trẻ nhất nước. Tiến sĩ Phạm Duy Chất đỗ khoa Đông Các (trên Tiến sĩ). Bảng nhãn Trần Đạo Tái đỗ năm 14 tuổi. Trạng nguyên Lương Thế Vinh đỗ khoa 1463 khi mới 23 tuổi. Trần Văn Bảo đỗ Trạng nguyên năm 1550 ở tuổi 27. Trạng nguyên Đào Sư Tích đỗ năm 1374 lúc 24 tuổi...
        Không chỉ có người trẻ tuổi đỗ cao, mà những người cao tuổi cũng rất ham học, đỗ cao thể hiện sự kiên trì phấn đấu như Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu đỗ năm 50 tuổi (có sách chép ông đỗ năm 55 tuổi). Tương truyền Vũ Tuấn Chiêu học kém, phải theo học cùng bọn trẻ con hết lớp này đến lớp khác. Thày dạy Vũ Tuấn Chiêu đã nản lòng, khuyên ông về nhà đi cày, thôi không học nữa. Trên đường về nhà, Vũ Tuấn Chiêu nhìn thấy chân cầu đá mòn vẹt, chợt hiểu ra chân lý “nước chảy đá mòn”, bèn quay lại trường quyết chí học tập, rồi đỗ Trạng nguyên khoa ất Mùi 1475 đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Lại bộ Tả thị lang.
Truyền thống hiếu học ở Nam Định thể hiện rõ trong từng gia đình, dòng họ. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị có một con đỗ Phó bảng và 3 con đỗ Cử nhân. Họ Đào ở Cổ Lễ (Trực Ninh) có Đào Toàn Bân đỗ Hoàng giáp. Con Đào Toàn Bân là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, hậu duệ của ông có Tiến Sĩ Dương Bật Trạc (nguyên họ Đào đổi ra họ Dương).  Nhiều gia đình cha con cùng đỗ như Phó bảng Trần Doãn Đạt có con là Trần Bích San đỗ Hoàng giáp, Phó bảng Đỗ Huy Uyển có con là Đỗ Huy Liêu đỗ Hoàng giáp... Anh em sinh đôi cùng đỗ một khoa là Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ. Tiến sĩ Phạm Đạo Phú và Hoàng giáp Phạm Bảo là hai anh em...
        Phần lớn những nhà khoa bảng Nam Định từng giữ các chức vụ cao trong triều đình ở các thời đại: 1 Nhập nội Hành khiển, 6 Đại học sĩ, 9 Thượng thư, 3 Tham tri, 2 Tế tửu và Tư nghiệp Quốc Tử Giám, 5 Tuần phủ, 1 Đại tướng đổng quân...
        Các nhà khoa bảng là những người có nhiều công lao trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục. Họ là những nhà văn, nhà giáo, nhà quân sự, nhà khoa học, nhà sử học, nhà địa chí học, nhà chính trị... để lại cho đời nhiều trước tác giá trị, họ thực sự có công lớn góp phần tạo nên giá trị của nền văn hiến nước ta. Nhà khoa học Trạng nguyên Lương Thế Vinh với Đại thành toán pháp, nhà sử học Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng với Việt sử cương mục tiết yếu, lãnh tụ yêu nước chống Pháp - nhà giáo Hoàng giáp Phạm Văn Nghị với ngôi trường đặc biệt trong lịch sử - trường Tam Đăng dạy cả văn và võ, Phó bảng Lã Xuân Oai hy sinh trong nhà tù Côn Đảo, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi trước khi bị giặc Pháp xử tử vẫn hiên ngang đọc thơ tuyệt mệnh, nhà giáo Tiến sĩ Ngô Thế Vinh với 72 bộ sách giáo khoa của ông, nhà giáo Hoàng giáp Đào Toàn Bân từng được nhà giáo Chu Văn An tôn là “đại sư vô nhị”, Quốc Tử Giám tế tửu Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh với Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên với hành động “bất bái Toàn quyền” thể hiện khí phách của sĩ phu yêu nước Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Huy Trác với tài làm phú được dân gian tôn là “Thần phú”, Trạng nguyên Nguyễn Hiền làm vẻ vang đất nước bằng trí thông minh trước sứ giả Trung Quốc, Trạng nguyên Đào Sư Tích với bài Cảnh tinh phú được người đời sau coi là “người khơi nguồn thể phú thời Trần”, Tiến sĩ Phạm Đạo Phú là một trong hai tám ngôi sao của Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông thành lập... là những tên tuổi lớn được ghi danh trong sử sách, là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và Nam Định nói riêng.

        Thống Kê các Nhà Khoa Bảng Nam Định theo khoa thi

(88 người có cứ liệu đáng tin cậy)
        Triều Lý :
        (1 Đệ nhất giáp Đệ tam danh).
        Mậu Thìn - Trình Khánh 3:
             Đệ nhất giáp Đệ tam danh Vương Văn Hiệu.

        Triều Trần:
(2 Trạng nguyên, 2 Bảng nhãn, 1 Hoàng giáp, 1 Tiến sĩ).
        2- Triều Trần Thánh Tông:
             Bảng nhãn Trần Đạo Tái
        3- Đinh Mùi -Thiên ứng Chính Bình 16 (1247):
             Trạng nguyên Nguyễn Hiền
        4- Nhâm Dần (1362) đời Trần Dụ Tông:
             Hoàng giáp Đào Toàn Bân
        5- Giáp Dần - Long Khánh 2 (1374):
             Trạng nguyên Đào Sư Tích
             Bảng nhã Lê Hiến Giản
             Tiến sĩ Lê Hiến Tứ

        Triều Lê :
(2 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 1 Đệ nhất giáp chưa rõ đệ danh, 9 Hoàng giáp, 10 Tiến sĩ).
        6- Kỷ Dậu - Thuận Thiên 2 (1429) :
             Đệ nhất giáp Vũ Vĩnh Trinh
        7- Nhâm Tuất - Đại Bảo 3 (1442) :
             Tiến sĩ Nguyễn Địch
8- Quý Mùi - Quang Thuận 4 (1463) :
             Trạng nguyên Lương Thế Vinh
9- ất Mùi - Hồng Đức 6 (1475) :
             Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu
             Tiến sĩ Nguyễn Sùng Nghê
10- Mậu Tuất - Hồng Đức 9 (1478) :
             Thám hoa Trần Bích Hoành
             Hoàng giáp Vũ Duy Thiện
             Tiến sĩ Vũ Kiệt
             Tiến sĩ Đỗ Hựu
11- Tân Sửu - Hồng Đức 12 (1481) :
             Hoàng giáp Phạm Hùng
12- Đinh Mùi - Hồng Đức 18 (1487) :
             Hoàng giáp Đinh Trung Thuần
             Hoàng giáp Phạm Bảo
             Hoàng giáp Trần Kỳ
             Hoàng giáp Vũ Triệt Võ
13- Canh Tuất - Hồng Đức 21 (1490) :
             Tiến sĩ Phạm Đạo Phú
14- Quý Sửu - Hồng Đức 24 (1493) :
             Hoàng giáp Phạm Khắc Thận
15- Kỷ Mùi - Cảnh Thống 2 (1499) :
             Hoàng giáp Nguyễn Tử Đô
             Hoàng giáp Trần Xuân Vinh
16- Nhâm Tuất - Cảnh Thống 5 (1502):
             Tiến sĩ Bùi Tân
             Tiến sĩ Phạm Tráng
17- Mậu Thìn - Đoan Khánh 4 (1508) :
             Tiến sĩ Đinh Thao Ngọc
18- Tân Mùi - Hồng Thuận 3 (1511) :
             Tiến sĩ Nguyễn Ý
19- Quý Mùi - Thống Nguyên 2(1523):
             Tiến sĩ Vũ Đoan

Triều Mạc:
(1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 2 Hoàng giáp, 5 Tiến sĩ)
20- Kỷ Sửu - Minh Đức 3 (1529) :
             Hoàng giáp Trần Thuỵ
21- Ất Mùi - Đại Chính 6 (1535) :
             Tiến sĩ Dương Xân
22- Canh Tuất - Cảnh Lịch 3 (1550) :
             Trạng nguyên Trần Văn Bảo
             Tiến sĩ Đào Minh Dương
             Tiến sĩ Ngô Bật Lượng
23- Bính Thìn - Quang Bảo 2 (1556):
             Tiến sĩ Tống Hân
24- Đinh Sửu - Sùng Khang 10 (1577) :
             Thám hoa Phạm Gia Môn
25- Bính Tuất - Đoan Thái 2 (1586) :
             Hoàng giáp Trần Hữu Thành
             Tiến sĩ Trần Đình Huyên

Triều Lê Trung Hưng :
(18 Tiến sĩ)
26- Mậu Thìn - Vĩnh Tộ 10 (1628) :
             Tiến sĩ Đặng Phi Hiển
             Tiến sĩ Nguyễn Thế Trân
27- Nhâm Thìn - Khánh Đức 4(1652):
             Tiến sĩ Nguyễn Công Bật
28- Kỷ Hợi - Vĩnh Thọ 2 (1659) :
             Tiến sĩ Phạm Duy Chất
29- Canh Tuất - Cảnh Trị 8 (1670):
             Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho
30- Canh Dần - Vĩnh Thịnh 6(1710):
             Tiến sĩ Phạm Duy Cơ
             Tiến sĩ Phạm Kim Kính
31- Nhâm Thìn - Vĩnh Thịnh 8(1712):
             Tiến sĩ Đồng Công Viện
32- ất Sửu - Vĩnh Thịnh 11 (1715) :
             Tiến sĩ Dương Bật Trạc
33- Tân Sửu - Bảo Thái 2 (1721) :
             Tiến sĩ Trần Mại
34- Giáp Thìn - Bảo Thái 5 (1724) :
             Tiến sĩ Phạm Hữu Du
35- Quý Sửu - Long Đức 2 (1733) :
             Tiến sĩ Vũ Đình Dung
36- Mậu Thìn - Cảnh Hưng 9 (1748) :
             Tiến sĩ Hoàng Phạm Dịch
37- Canh Thìn - Cảnh Hưng 21 (1760) :
             Tiến sĩ Ngô Trần Thực
38- Nhâm Thìn - Cảnh Hưng 33 (1772) :
             Tiến sĩ Vũ Huy Trác
39- Mậu Tuất - Cảnh Hưng 39 (1778) :
             Tiến sĩ Phạm Trọng Huyến
40- Kỷ Hợi - Cảnh Hưng 40 (1779) :
             Tiến sĩ Hoàng Quốc Trân
             Tiến sĩ Ngô Tiêm

Triều Nguyễn :
(3 Hoàng giáp, 12 Tiến sĩ, 16 Phó bảng)
41- Kỷ Sửu - Minh Mệnh 10 (1829) :
             Tiến sĩ Ngô Thế Vinh
             Tiến sĩ Phạm Thế Lịch
42- Nhâm Thìn - Minh Mệnh 13 (1832) :
             Tiến sĩ Vũ Công Độ
43- Mậu Tuất - Minh Mệnh 19 (1838) :
             Hoàng giáp Phạm Văn Nghị
44- Tân Sửu - Thiệu Trị 1 (1841) :
             Phó bảng Đỗ Huy Uyển
45- Quý Mão - Thiệu Trị 3 (1843) :
             Tiến sĩ Đỗ Phát
46- Giáp Thìn - Thiệu Trị 4 (1844) :
             Tiến sĩ Bùi Văn Phan
             Phó bảng Vũ Diệm
47- Mậu Thân - Tự Đức 1 (1848) :
             Phó bảng Đặng Kim Toán
             Phó bảng Đặng Ngọc Cầu
48- Kỷ Dậu - Tự Đức 2 (1849) :
             Phó bảng Đặng Đức Địch
49- Bính Thìn - Tự Đức 9 (1856) :
             Tiến sĩ đặng Xuân Bảng
50- Nhâm Tuất - Tự Đức 15 (1862) :
             Phó bảng Trần Doãn Đạt
51- ất Sửu - Tự Đức 18 (1865) :
             Hoàng giáp Trần Bích San
             Phó bảng Lã Xuân Oai
             Phó bảng Phạm Đăng Giảng
52- ất Hợi - Tự Đức 28 (1875) :
             Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi
53- Kỷ Mão - Tự Đức 32 (1879) :
             Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu
54- Canh Thìn - Tự Đức 33 (1880) :
             Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh
55- Giáp Thân - Kiến Phúc 1 (1884):
             Phó bảng Nguyễn Âu Chuyên
56- Kỷ Sửu - Thành Thái 1 (1889) :
             Tiến sĩ Đặng Hữu Dương
             Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên
57- Nhâm Thìn - Thành Thái 4 (1892) :
             Phó bảng Vũ Thiện Đễ
58- Tân Sửu - Thành Thái 13 (1901) :
             Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính
             Phó bảng Đỗ Dương Thanh
             Phó bảng Phạm Ngọc Thuỵ
59- Đinh Mùi - Thành Thái 19 (1907) :
             Phó bảng Đỗ Văn Toại
             Phó bảng Nguyễn Văn Thành
             Phó bảng Phan Thiện Niệm
60- Bính Thìn - Khải Định 1 (1916) :
             Phó bảng Lâm Hữu Lập
61- Kỷ Mùi - Khải Định 4 (1919) :
             Tiến sĩ Trịnh Hữu Thăng

- Tổng số người đỗ chưa xác định: 33
Trong đó:
             - Thám hoa : 5
             - Hoàng giáp : 4
             - Tiến sĩ : 24
Triều đại :
             - Trần : 1
             - Lê : 29
             - Mạc : 1
             - Chưa rõ : 2

Thống kê các nhà khoa bảng nam định theo địa danh
        88 người có cứ liệu chính xác:
             Huyện Nam Trực 28 vị (3 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Hoàng giáp, 21 Tiến sĩ, 2 Phó Bảng).
             Huyện ý Yên 18 vị (2 Thám hoa, 5 Hoàng giáp, 7 Tiến sĩ, 4 Phó bảng).
             Huyện Vụ Bản 15 vị (Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 1 Đệ nhất giáp chưa rõ đệ danh, 3 Hoàng giáp, 6 Tiến sĩ, 3 Phó bảng).
             Huyện Xuân Trường 8 vị (4 Tiến sĩ, 4 Phó bảng).
             Thành phố Nam Định 7 vị (1 Bảng nhãn, 2 Hoàng giáp, 3 Tiến sĩ, 1 Phó bảng).
             Huyện Nghĩa Hưng 5 vị (2 Hoàng giáp, 2 Tiến sĩ, 1 Phó bảng).
             Huyện Trực Ninh 4 vị (1 Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 2 Tiến sĩ).
             Huyện Mỹ Lộc 1 vị (1 Phó bảng).
             Huyện Hải Hậu 1 vị (1 Tiến sĩ).
             Chưa rõ địa danh huyện 1 vị (1 Đệ nhất giáp Đệ tam danh).
        33 người để tham khảo :
             Huyện ý Yên 16 vị (2 Thám hoa, 4 Hoàng giáp , 10 Tiến sĩ).
             Huyện Nam Trực 6 vị (6 Tiến sĩ).
             Huyện Vụ Bản 5 vị (2 Thám hoa, 1 Hoàng giáp, 2 Tiến sĩ).
             Huyện Mỹ Lộc 2 vị (1 Thám hoa, 1 Tiến sĩ).
             Huyện Hải Hậu 1 vị (1 Tiến sĩ).
             Huyện Nghĩa Hưng 1 vị (1 Tiến sĩ).
             Huyện Trực Ninh 1 vị (1 Hoàng giáp).
             Thành phố Nam Đinh 1 vị (1 Tiến sĩ).

... CÒN TIẾP ...




Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ Có Thực là Bốn Cung của Nhà Trần?

                DƯƠNG VĂN VƯỢNG - TRẦN MỸ GIỐNG

        Từ mấy chục năm nay, theo ngành bảo tàng di tích Nam Định thì khu chùa Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là bốn cung của nhà Trần nằm trong quần thể hành cung Tức Mạc thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, được xây dựng vào giữa thế kỷ 13.
        Trong “Lý lịch di tích lịch sử – khảo cổ học chùa Đệ Tứ xã Lộc Hạ ngoại thành Nam Định” của Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nam Ninh do Hồ Đức Thọ lập, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nam Ninh Đỗ Trọng Tân ký ngày 10 tháng 7 năm 1989 có viết: “Sách Đại Nam nhất thống chí, phần nói về tỉnh Nam Định có ghi: “... Chùa quán Đại thánh ở xã Đệ Tứ, huyện Mỹ Lộc, là hành cung thứ tư (Đệ tứ hành cung) do nhà Trần xây dựng. Sau dân sở tại dùng chữ Đệ Tứ làm tên xã, lại dựng chùa ở đây”.
        Tác giả Hồ Đức Thọ, người lập hồ sơ này còn suy đoán cho rằng chùa Đệ Tứ thờ thánh Trần Nhật Duật.
        Lâu nay chúng tôi cứ băn khoăn rằng đã là hành cung thì phải còn phế tích. Vậy tại sao hành cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam lại không tìm thấy phế tích. Riêng có Đệ Tứ thì còn phế tích, nhưng liệu phế tích đó có thực là hành cung hay chỉ là nới ở của một vị quan nào đó thời Trần?
Vừa qua, nhân tìm thấy và dịch một số di cảo thơ của người xưa, trong đó có ba bài thơ có nội dung liên quan đến Đệ Tứ, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Nhất buộc chúng tôi không thể không đặt ra vấn đề xem lại có đúng đây là bốn cung của nhà Trần không? Chúng tôi không dám có kết luận gì, mà chỉ nêu vấn đề mong được các nhà nghiên cứu quan tâm xem xét.
        Bài thơ thứ nhất của Vũ Duy Thiện như sau:
到第四闍

相傳自古有軍營
天屬爲名半萬兵
四隊時常留不改
平分水陸幾畨靈
生防莫敢離屯住
死戰誰收置石銘
瓦礫人言陳代事
孤魂並立望無更

Phiên âm:
Đáo Đệ Tứ đô (1)

Tương truyền tự cổ hữu quân doanh
Thiên Thuộc vi danh bán vạn binh (2)
Tứ đội thời thường lưu bất cải
Bình phân thuỷ lục kỷ phiên linh
Sinh phòng mạc cảm ly đồn trú
Tử chiến thuỳ thu trí thạch minh
Ngoã lịch nhân ngôn Trần đại sự
Cô hồn tịnh lập vọng vô canh.

Dịch nghĩa:
Đến Đệ Tứ Đô

Tương truyền nơi đây thuở trước có quân doanh, với tên Thiên Thuộc ước nửa vạn người.
Đội 4 thời thường trú ngụ không biến cải, chia làm thuỷ lục từng bao lần lập công hiển hách.
Khi sống dám nói rằng dời bỏ nơi đồn trú, qua cuộc chiến tranh chết đi ai vì thu nhặt xác tàn.
Phế tích gạch ngói đây phương dân nói là việc cũ thời Trần, các nơi đền miếu dựng thờ cô hồn mong rằng chớ hề thay đổi.

Dịch thơ:
Tương truyền thuở trước có quân doanh
Thiên Thuộc là tên nửa vạn binh
Đội bốn thời thường luôn trấn giữ
Chia đôi thuỷ lục cậy yên lành
Người còn nào dám quên phòng thủ
Xương vãi ai thu việc chiến tranh
Phế tích thời Trần dân vẫn nói
Cô hồn các miếu nhớ đinh ninh.

Chú thích:
(1) Đệ Tứ đô: Cửa Đệ Tứ – tên cũ chùa Đệ Tứ hiện nay. Chữ “đô” còn nghĩa là cái lầu canh xây ở trên thành.

(2) Nguyên chú của tác giả (Vũ DuyThiện): “Bốn đạo quân Thiên Thuộc có ước 5.000, Đệ Tứ thường có 2.000 thì 1.000 là thuỷ chiến. Vào thời chống Nguyên, rồi đến chống Minh vẫn còn được biên chế đầy đủ, nhưng thường lúc đã tận diệt. Nay là bốn ngôi chùa ở Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ”.

Bài thứ hai của Vũ Triệt Vũ:

過孤魂寺

萬里風塵不顧身
孤魂四邑感君恩
佋來未必真名字
付在方官两分

Phiên âm:
Quá cô hồn tự

Vạn lý phong trần bất cố thân
Cô Hồn tứ ấp cảm quân ân
Chiêu lai vị tất chân danh tự
Phó tại phương quan tuế lưỡng phân.

Dịch nghĩa:
Tới chùa cô hồn
 
Muôn dặm xông pha gió bụi, đâu dám coi mình là trọng.
Dựng bốn ngôi chùa ở bốn ấp đều gọi là Cô Hồn.
Thuở ấy chiêu về biết có đúng được họ tên,
Giao cho quan sở tại thường năm hai lần lễ bái vào tiết xuân phân, thu phân.

Dịch thơ:
Liều mình muôn dặm phong trần
Ơn vua chùa cúng cô hồn tứ lân
Chiêu về có thực họ tên
Phó cho bản hạt nhị phân tế cầu.

Bài thứ ba của Trần Kỳ như sau:

大聖觀寺

譜存光啟祀三清
立觀閒時見有
天屬幾畨臨難死
地餘長壘聚民生
當間輝净來修處
又得棃公次室情
老少飽温傳故事
春秋思德拜遺形

Phiên âm:
Đại Thánh quán tự

Phả tồn Quang Khải tự Tam Thanh
Lập quán nhàn thời kiến hữu ninh
Thiên Thuộc kỷ phiên lâm nạn tử
Địa dư trường luỹ tụ dân sinh
Đương gian Huy Tịnh lai tu xứ
Hựu đắc Lê công thứ thất tình
Lão thiếu bão ôn truyền cố sự
Xuân thu tư đức bái di hình.

Dịch nghĩa:
Chùa Đại Thánh quán(1)

Tự phả ghi rằng ông Quang Khải sùng thượng Tam thanh, nên dựng quán để khi nhàn cầu đảo thấy được sự yên lành.
Tại đây quân Thiên Thuộc từng nhiều phen tử nạn. Luỹ đất hằn lên kéo dài kia là chỗ nhà dân cư trú.
Thời ấy có cung phi Huy Tịnh tới tu tỉnh nghỉ ngơi. Rồi lại được Lê Tần vì tình của thứ thất mà góp công.
Già trẻ ngày nay đội ơn được sự ấm no, mỗi khi tới tiết xuân thu đều tụ lại lễ lạy tại trước tượng thờ.

Chú thích:
(1) Chùa thuộc thôn Đệ Tứ, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định hiện nay, thờ Trần Quang Khải và thờ Phật.
          Nguyên chú của tác giả (Trần Kỳ): Ông Chiêu Minh Đại vương này rất thông về đạo thần tiên, con cháu ông kế chí có nhiều tác phẩm như: Bất tín vu thuyết, Nam nhân Nam thần, Cần công khổ học... Ban đầu ông Quang Khải ở đặt là Tĩnh Tâm quán, đời Lê đổi là Đại Thánh quán, sau Lê Trịnh mới thờ Phật mà thêm chữ tự (chùa) vào sau chữ quán.

Dịch thơ:
Phả rằng Quang Khải phụng Tam Thanh
Dựng quán khi nhàn tỏ tấm thành
Thiên Thuộc bao phen vì nước chết
Luỹ dài còn đó xóm dân sinh
Đương thời Huy Tịnh về tu tỉnh
Vợ thứ Lê công góp chút tình
Già trẻ ấm no ôn chuyện cũ
Xuân thu nhớ đức vọng thần linh.
        Theo như nội dung ba bài thơ trên thì Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ trước đây vốn là nơi đóng quân của bốn đội trong đội quân của nhà nước có tên là Thiên Thuộc. Đội quân này tồn tại từ thời Trần, lập công hiển hách trong chống Nguyên, qua chống Minh. Về sau nhân dân lập miếu Cô Hồn thờ những cô hồn tử sĩ ở cả bốn ấp. Hiện ở Đệ Tứ vẫn còn tấm bia nói về đội quân Thiên Thuộc được dựng từ thời Mạc. “Lý lịch di tích lịch sử – khảo cổ học chùa Đệ Tứ xã Lộc Hạ ngoại thành Nam Định” cũng nhắc đến một tấm bia nói về đội quân Thiên Thuộc, nhưng không cho biết nội dung cụ thể tấm bia đó. Đặc biệt bài Đại Thánh quán tự của Trần Kỳ có nguyên chú rất rõ ràng rằng chùa Đệ Tứ thờ Trần Quang Khải, chùa vốn do Trần Quang Khải lập ra gọi là Tĩnh Tâm quán, đến thời Lê mới đổi là Đại Thánh quán, thời sau Lê Trịnh mới thờ Phật nên thêm chữ tự sau chữ quán thành Đại Thánh quán tự.
        Căn cứ xác định Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là bốn cung của nhà Trần là Đại Nam nhất thống chí, tác phẩm ra đời trong thời Nguyễn. Còn ba bài thơ trên ra đời vào thời Lê:
        - Tác giả Vũ Duy Thiện là người xã An Cự, huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9(1478) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Hiến sát sứ, Nhập thị kinh diên. Ông có tác phẩm Cố kinh lược khảo và Hùng Vương ký sự.
        - Tác giả Vũ Triệt Vũ (1460 - ?) quê xã Đào Lạng, huyện Đại An (nay thuộc xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18(1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan Hình bộ Tả thị lang.
        - Tác giả Trần Kỳ là người xã An Thái, huyện Thiên bản (nay thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18(1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Hàn lâm viện, Đông Các hiệu thư. Ông có tác phẩm Từ hiếu gia thư. Bài Đại Thánh quán tự của ông được lấy trong Quốc sử tất đọc.
        Từ ba bài thơ trên đặt ra một nghi vấn lịch sử là Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ có đúng là bốn hành cung của nhà Trần không, hay chỉ là bốn đồn trú quân doanh của đội quân Thiên Thuộc? Chúng tôi không có ý định viết bài này với tính chất phản biện, mà chỉ đơn giản là mong được các nhà nghiên cứu cao minh quan tâm tìm hiểu cho ý kiến để cùng nhìn nhận vấn đề một cách chân thực như nó vốn có.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét