Tuần trước, nhà
thơ Đặng Xuân Xuyến gửi cho tôi chùm thơ về rượu của anh và bảo
để tôi đọc cho vui. Nhưng vui sao được khi mà cả chùm 10 bài
thơ đều thấm đẫm một nỗi buồn: Nỗi buồn riêng mình của thi nhân và nỗi buồn
vì nhân tình thế thái.
Người ta thường
nói “Trà tam
tửu tứ", nghĩa đại chúng nhất là “Uống trà không nên quá
3 người, mới thưởng thức hết cái thú vị của nó. Còn uống rượu phải
từ 4 người trở lên mới vui, mới náo nhiệt”. Nhưng trong 10 cuộc
rượu của Đặng Xuân Xuyến khồng hề thấy có một cuộc rượu bốn người nào mà
chỉ thấy toàn những cuộc rượu một mình nhà thơ hay những cuộc rượu có
thêm một người nữa là hai. Và cả chùm 10 bài Thơ Về Rượu
thì có tới quá nửa số bài là độc ẩm.
Trước hết là bài Một tôi với
lời đề tặng cháu Đặng Hải. Bài thơ chỉ có 6 câu nhưng cả 6
câu đều bắt đầu bằng từ “Một”:
Một chai
Một chén
Một tôi thôi
Một đêm gió quẩn chỗ tôi ngồi
Một bàn tay lạnh quờ vai lạnh
Một tiếng thở dài tôi với tôi!
Chai rượu chỉ có
một, chén rượu cũng chỉ có môt. Chai rượu có một thì không nói làm
gì vì có thể không là chai bé mà là chai vừa hay chai to đong đầy
rượu để uống. Nhưng chén rượu chỉ có một thì lại khác. Bởi
lẽ bộ chén uống rượu thường với 4 chiếc, 8 chiếc hay 12
chiếc hoặc nhiều hơn, nhưng đều là số chẵn vì người Á Đông vốn
kỵ số lẻ, không đủ đôi đủ cặp. Câu thơ “Một chén” vì người
uống rượu không có ai khác ngoài “Một tôi thôi”.
Độc ẩm, uống rượu một mình. Đã cô đơn như thế, bối cảnh không gian và
thời gian lại là:
Một đêm gió quẩn chỗ tôi ngồi
Một đêm, một làn gió
cứ mãi chuyển quanh một điểm, một phạm vi hẹp là cái chỗ tôi ngồi nhỏ
bé.
Thi nhân đã cô đơn lại
thêm làn gió cũng cô đơn và cái chỗ ngồi cũng lẻ loi nên không khí
bao quanh lạnh lùng là không thể khác.
Vì vậy, nhà
thơ muốn tìm một ai đó để uống cùng nhưng buồn thay lại chỉ là:
Một bàn tay lạnh quờ vai lạnh
Bàn tay của mình
quờ tìm lên vai của mình bởi có ai đâu ngoài một chai, một chén, một mình
tôi. Bàn tay lạnh và bờ vai cũng lạnh làm bật lên:
Một tiếng thở dài tôi với tôi!
Tôi với tôi, không có
ai chia sẻ.
Bài thơ ngắn mà
giàu cảm xúc. Ngoài lối điệp liên tiếp tiếng một ở đầu câu toàn bài
thơ, tác giả còn
khéo dùng các câu thơ dài dần từ 2 tiếng đến 3 tiếng trong ba câu đầu
diễn tả sự cô đơn rồi chuyển sang 3 câu 7 tiếng để kết thúc bằng
một hơi thở dài buồn bã. Nhà thơ không nói thêm gì ngoài 6 câu
thơ nhưng người đọc đều hiểu, còn hai câu nữa, bẽ bàng, xót xa cho
thân phận của mình nhưng Đặng Xuân Xuyến không viết ra bởi thi hào dân tộc
Nguyễn Du đã nói hộ nàng Kiều từ 200 năm trước:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Rượu say là
cuộc độc ẩm của nhà thơ dưới ánh trăng nên không lạnh lẽo lắm, vì vậy
mà tinh thần có phần phấn khích:
Ừ này thì rượu. Ừ thì say
Ừ rượu tri âm ủ lâu ngày
Ta uống đêm nay cho thỏa thích
Cho trời cùng đất ngất ngưởng say.
Thế rồi say trong
men tình chiu chắt, say trong rượu ngọt đào thơm và say trong lời hứa với bạn
nào đấy, nhà thơ không cần đoái hoài tới chú Cuội từ nơi cung Quế xuống
khẩn khoản mời lên chơi:
Ta chẳng ghé đâu. Ta ở đây
Sóng sánh mềm môi chén rượu đầy.
Thôi Cuội về đi ta chỉ muốn
Đêm nay thỏa thích ta được say.
Bài thơ là một
tưởng tượng đẹp, phóng túng và táo bạo nhưng xét cho cùng cũng vì cô đơn quá
nên tưởng tượng hão huyền thế thôi, giống như thi bá Tản Đà
thế kỷ trước cũng vì buồn nơi trần thế nên
ngẩng đầu tâm sự với chị Hằng vào một đêm thu rồi thể hiện rõ
nguyện vọng của mình:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Một mộng tưởng lên cung
trăng bầu bạn với chị Hằng của Tản Đà hay mộng tưởng chú Cuội trên cung
Quảng xuống mời mình lên chơi của Đặng Xuân Xuyến, xét cho cùng đều là muốn
thoát ly cõi trần quá buồn chán.
Tiệc Rượu Trong Mơ cũng là một cuộc
độc ẩm diễn tả tâm trạng muốn thoát cái “Một tôi” đơn côi
bằng cách để trí tưởng tượng hiện lên một thằng bạn đối tửu trong mơ. Cuộc
đối tửu đã đến hồi kết:
Dốc ngược chai
Chắt thêm vài giọt rượu
Cạn ly này
Mai mỗi đứa một nơi
Cả hai đều đã say
nên cứ mày rót, tao rót, khề khà nhấp môi rồi kể lể tình
cảnh ngày mai chia ly mỗi thằng mỗi ngả, mày tao đều chung kiếp không nhà nhưng
rồi sẽ:
Tao xa lạ
Cõi trần đày đọa
Mày xa hoa
Tiên cảnh phiêu bồng...
Và họ cứ cạn
nhé, cạn nhé chưa biết cuộc rượu tàn khi nào. Bài thơ tưởng như mình
đã có bạn cùng uống rượu. Nhưng than ôi, đó chỉ là một cái bóng người
trong mơ.
Men Đắng cũng là bữa rượu
một mình không buồn nhưng lại đầy cay đắng vì một nghĩa vợ tình chồng
đã tan vỡ, từ mười lăm năm trước về trong hơi men hôm nay, cũng
là men rượu năm đó, cái men mà:
Chót nhấp môi ta trượt bước xuống bùn
Cho nên tay nâng chén
mà trong lòng vẫn cảm thấy:
Thon thót sợ vô tình gặp lại.
Tự gật đầu với
mình “Ừ ly
nữa”, thêm rượu
để cố quên đi nhưng:
Cạn ly này có quên được chuyện xưa?
Đau thương đấy đến ngày nào lành sẹo?
Và rồi chuyện xưa
cứ hiện về rõ mồn một:
Ừ thì cứ trách ta bạc bẽo
Cứ rêu rao ta ân ái hững hờ
Nhưng đâu phải thế, mà
chỉ vì:
Quá thật thà ta ra kẻ ngu ngơ
Ngớ ngẩn cược đời mình nơi kẻ chợ.
Người đã như yêu
tinh, như hồ ly mà lại thêm trời cũng ăn ở bất công:
Trời cao xa dung dưỡng lũ yêu hồ
Nên ta đành phải:
Cố vẫy vùng thoát xa khỏi chốn nhơ
Ta chết lặng nửa đời không phân tỏ.
Men Đắng đầy bi phẫn vì không
biết phân tỏ cùng ai, tưởng như sẽ đẩy nhà thơ vào miền
bế tắc. Nhưng may thay vẫn có một chút ánh sáng là khi cuối cuộc
độc ẩm, nhà thơ đã nhận ra chân tướng không tốt đẹp gì của người đã
đi qua đời mình nên tự gật đầu thêm cho mình ly nữa, ly nữa để quên
đi cái bóng tà xưa và hướng tới một bình minh đang đợi:
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.
Bữa rượu một mình cuối
cùng trong chùm Thơ Về Rượu
là bài thơ Chết. Bài
thơ chỉ có 4 câu nghe như tiếng nghẹn nấc khi nhà thơ nhấp
chén rượu buồn cay đắng tiễn người mình yêu đi lấy chồng và thấy trái tim mình
đang dần chết:
Kể từ trăng tàn ấy
Ta chết dần ai hay.
Bài thơ khiến
nhiều người nhớ tới Chuyện tình buồn
của nhà thơ Phạm Văn Bình đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô.
Chuyện Tình Buồn chứ không phải Chết nhưng cũng
nhuốm máu đau thương bởi những nhát chém hư vô!
Thế Gian Say gọi
là cuộc rượu một người cũng được hay cuộc rượu hai người cũng được. Một người
vì bài thơ là lời của Đặng Xuân Xuyến nói về thế gian say. Hai
người vì bài thơ có đề tặng nhà thơ Hoàng Xuân Hoạ khiến ta
có thể hiểu là hai thi nhân đã đối ẩm với nhau rồi phiếm đàm
về thế gian
say và sau cuộc rượu thì nhà thơ họ Đặng ghi lại gửi tặng nhà
thơ họ Hoàng. Dù hiểu cách nào thì Thế Gian Say
cũng là một phiếm đàm về cái say rượu của người đời:
Thế gian say đòi đập chén trở cờ
Thế gian cười.
Thế gian khóc.
Thế gian mơ
Người đời say đòi “đập chén trở cờ” rồi
cười, rồi khóc, rồi mơ, rồi thêm nữa:
Ngật ngưỡng bước.
Khành khạch cười.
Chửi cha thiên hạ dở!
Tôi từng nghe, cũng
chính người đời đã phân ra ba loại say lớn trong thế gian: Loại thứ nhất,
say như khỉ, hết "nhảy múa rồi đến ca hát
hay chửi bới”, loại thứ hai, say như lợn, "nặng nề, trì trệ và
muốn ngủ", loại thứ ba, say như dê, "không có đầu óc, nhưng
dâm đãng".
Thế gian say trong
thơ Đặng Xuân Xuyến thuộc loại thứ nhất, say rồi chửi cha thiên hạ.
Thế thì có sao, thưa hai nhà thơ Đặng xuân Xuyến và Hoàng Xuân Hoạ?
Chí Phèo kia, khi say hắn đã chửi tuốt luốt đấy thôi: “Hắn vừa đi vừa chửi.
Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có
hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng
sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất
cả làng Vũ Đại...”
Nhưng Chí Phèo chửi
cả làng Vũ Đại đã thấm gì so với Trương Tửu và bạn ông khi say:
Chửi Đông, chửi Tây chửi tất cả
Hình như hai nhà
thơ họ Đặng và họ Hoàng rất tương đắc khi chê “Thế gian say đòi
đập chén trở cờ”. Tôi tra từ điển
“trở cờ”
nhưng không thấy mà chỉ có “trở” được định nghĩa “Đảo ngược vị trí
đầu thành đuôi, trên thành dưới, trái thành phải hoặc quay ngược lại đi hướng
khác”. Dù thế nào trở cờ cũng là
xấu. Cái chén nó vừa đựng rượu cho mình uống giờ say đòi đập nó, không xấu
thì là gì?
Nhưng ở đời thiếu
gì người không say mà đã trở cờ trong những việc trọng đại, như ông
Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam đã phát biểu: “Có người công khai bày
tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc
tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người "sám hối",
"trở cờ"; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức
không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm”
Trên thế giới,
từ lâu ông nhà thơ Aragon người Pháp khi theo đảng Cộng Sản Pháp đã
viết:
Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng
Để ca ngợi cái
tổ chức mà mình có mặt, còn câu thơ nào hay hơn câu ấy?
Nhưng rồi, như rất
nhiều người cùng chí hướng của mình trong thế kỷ XX, sau đó, niềm tin
của ông đã thay đổi. Và ông bị gọi là trở cờ.
Những người
như ông Tổng bí thư nói hay như ông Aragon, trở cờ chứ không
phải hối hận. Nhưng họ vẫn đáng trọng hơn những kẻ không
trở cờ mà trung thành, nhất quán một cách mù quáng.
Bài thơ Thế Gian Say
hay nhất ở câu cuối:
Rượu ba xu. Thế gian hóa thằng rồ!
Ngày xưa, tiền chi tiêu
trong dân chúng là tiền gián, với một quan là 360 đồng, dưới đồng là hào, dưới
hào là xu rồi đến chinh và kẽm. Ca dao Việt Nam có nhắc đến người nội
trợ đi chợ:
Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra
Thoạt tiên mua ba tiền gà...
Ngày nay, đồng tiền
Việt Nam được lưu hành trong dân chúng, thấp nhất là tờ giấy bạc một nghìn
đồng. Nhà thơ Nguyễn Khôi có kể về vợ mình đi chợ:
Nửa triệu tiền tốt mang đi
Em mua những gì?- máy tính thẩm tra
Xem vậy, rượu ba xu
thời nào cũng là thứ rượu rẻ tiền nhất.
Nên cái đáng cười người
đời là đã phải uống cái thứ rượu mạt hạng ấy mà không biết mình là ai
lại đòi đập chén trở cờ rồi cười, rồi khóc, rồi mơ và chửi thiên
hạ để chính thế gian gọi là thằng rồ. Nhưng trong cái đáng chê
cười ấy cũng nên có chút lòng thương xót vì họ toàn là dân nghèo khốn
khó. Những kẻ giàu sang chơi những loại rượu Sake, Shochu, Whisky, Chivas… dẫu có
say điên đảo vẫn có kẻ hầu người hạ và có ai dám bảo chúng hoá thằng
rồ đâu. Bởi ở đời này, “ông” nào nói to, “ông” nào nhiều
tiền thì “ông” ấy đúng!
Vả lại:
Thế gian còn dại chưa khôn
Sống mặc áo rách chết chôn áo lành
Vậy phiếm đàm
về thế gian say thì cứ phiếm nhưng đừng quá chê trách họ.
Những cuộc rượu hai
người trong chùm thơ về rượu của Đặng Xuân Xuân Xuyến hầu hết thấm
đẫm nỗi buồn vì nhân tình thế thái.
Hai bài thơ Quan Trường và Bạn Quan đều
diễn đạt tâm trạng nhà thơ khi uống rượu với hai người bạn làm quan. Thói
thường khi có bạn làm quan người ta thường hãnh diện và coi đó là một may mắn
và một diễm phúc. Nếu bạn là quan lãnh đạo cấp cao, người ta còn cố chụp
chung một bức ảnh bắt quàng làm họ rồi treo giữa sảnh khách
để loè khoe thiên hạ. Đặng Xuân Xuyến, ít nhất có hai bạn quan nhưng anh
không có cái ý khoe khoang đó .
Thằng bạn trong Quan Trường là
một quan chức to vừa “ngã
ngựa” vì bị bọn đồng liêu ganh ghét không cùng dòng chảy với chúng:
Đục kín dòng mày lại cố gượng trong
Chúng nó đập bởi mày không chịu hỏng
Vì thế, nhà
thơ an ủi bạn:
Nào, cứ uống, đếch gì mày phải ngại
Làm “quan to” ngã ngựa cũng chả hèn
Thiên hạ cười. Thây kệ thiên hạ soi
Mày giả xỉn để đời thôi khốn nạn.
Rồi chân tình khuyên
bạn:
Ừ. Thế nhé. Lấy gia đình làm trọng
Cứ vui đi, mặc thiên hạ vào tròng
Tiếc làm gì mấy thứ của phù du
Thiên trả Địa, đếch gì mày cay cú.
Bài thơ cho ta
thấy, tuy không làm quan nhưng Đặng Xuân Xuyến biết rất rõ chốn quan trường.
Nơi mê cung bí hiểm ấy luôn có những đám mây đen âm mưu vần vũ, sóng gió
lật đổ thanh toán nhau bất kì nổi lên gây ra không biết bao nhiêu thảm
kịch. Ở đấy đầy dẫy những kẻ mặt dày vô sỉ, đầy quyền mưu quyền
biến, đổi trắng thay đen, gian hùng, giả nhân giả nghĩa…Vì thế nhà
thơ gọi chốn quan trường là nơi thiên hạ đú, thiên hạ cù và văng
thẳng câu chửi vào cái thiên hạ ấy:
Nào. Uống nhé! Kệ cha thiên hạ đú
Nào. Cứ say! Mặc mẹ thiên hạ cù
Rồi mời rượu bạn để:
Tao với mày trận nữa ngoắc cần câu
Cho trôi tuột trò nhố nhăng thế sự.
Thái độ của nhà
thơ là rất thẳng thắn coi khinh chốn quan trường và cảm thông sâu sắc với
bạn mình, tuy làm quan nhưng vẫn còn chút thanh sạch và chưa bị tha hoá
nên đã bị cả một lũ quan trường, chúng nó đập.
Người bạn quan
thứ hai của nhà thơ trong bài Bạn Quan là
một quan chức đang tại vị, về quê mở tiệc tẩy trần, khách mời là nhà thơ bạn
cũ. Thằng bạn quan này thì khác thằng bạn quan bị ngã ngựa, bởi
thế nhà thơ đã mượn rượu giả say để có cớ vạch trần
bộ mặt thật của thằng bạn cũ lâu ngày gặp lại:
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền
Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi
Mày là thằng đã
bỏ tiền ra để chạy chức, xong rồi thì phải thu hồi vốn, thu hồi xong
phải làm lãi bằng cách
vơ vét, ăn không từ thứ gì của dân.
Thêm nữa, cái tài học
và tâm địa của mày, hai ta đâu có lạ gì nhau:
Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài
Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn
Tưởng rằng nói trắng
phớ ra như thế thì mình sẽ hả lòng hả dạ, bớt đi
bao đau buồn thua thiệt trong cõi đời đen bạc. Còn nó, thằng bạn quan
sẽ mất mặt vì nhục nhã.
Nhưng cái
hay ở bài thơ là thằng bạn lại không thấy như thế. Mà y đợi:
Rượu tới tầm
Mày ghé tai tao
Nói thật nhỏ
Căng tai mới rõ
Ơ hay, sao
chỉ có hai người bạn uống rượu tẩy trần mà y lại phải “ghé tai”, “nói thật nhỏ” đến
nỗi bạn phải “căng
tai mới rõ”. Phải chăng quen sống ở chốn quan trường, nơi mê cung
bí hiểm đã thành động hình trong y, lúc nào cũng phải giấu giấu diếm diếm những
cái gọi là sự thực. Nay chỉ có y và thằng bạn mà y vẫn chửi là “Quá nửa đời mãi chửa hết
ngu…” thì nỗi sợ ấy không còn nữa nên y mới có đủ dũng khí
để nói ra cái sự thực ấy:
“Làm người khó
Làm quan càng khó
Chốn quan trường chó, vịt giống nhau…”
“Quan càng lớn, chữ nhân càng nhỏ…”
“La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ!”
Đúng là y nói rất thật
nhưng cũng đúng y là một thằng học ngu vì y chưa đọc hết câu: “Làm người là khó, làm
người xã hội chủ nghĩa còn khó hơn nhiều”
Vẫn đang đà
giả tỉnh giả say, nhà thơ làm ra bộ ngớ ngơ:
Khen các quan vì dân vì nước
Ai ngờ thằng bạn
quan cũng đang đà được nói thật nên đáp lại cũng rất thật:
Đời đã chó
Quan trường càng chó
Tuy y nói thật
thế nhưng y vẫn đang làm quan. Bữa tiệc tẩy trần hôm nay là tiệc của nhà
quan được mua sắm bởi những đồng tiền y đã “Ăn của dân không
từ cái gì”, đã “La liếm quen rồi nào
biết bẩn nhơ”.
Vì vậy, nhà thơ cần phải nói thẳng nốt với y:
Rượu mày mời
Tao uống khó trôi
Thịt mày gắp
Tao nhai khó nuốt
Bạn Quan là một bài
thơ hay, một cuộc rượu hai người đầy kịch tính, cả hai đều mượn hơi
men để nói
thật lòng mình, rất đúng với câu “Lời say sưa mới là câu
chân tình” (Trần Huyền Trân) cho ta thấy bộ mặt thật xấu xa
bỉ ổi của bọn quan trường trong xã hội hiện nay.
Đời Khát với
lời đề tặng nghệ sĩ Võ Hoài Nam là cuộc rượu của đôi bạn, một nhà
thơ và một nghệ sĩ. Hiển nhiên là rượu phải ngon và quý:
Rượu tình đời men ủ nhiều năm
Họ khát gặp nhau
và khát cả rượu nên cuộc đối tửu là một trận càn khôn túy lúy:
Này thì khát!
Uống cho đời đỡ khát
Rượu tình đời men ủ nhiều năm
Khát chất chồng
dồn nén
tháng năm
Ta đốt cạn cái đong đời cay đắng
Họ liên tiếp chuốc
rượu mời giục nhau trong ba khổ thơ liên tiếp khổ nào cũng
mở đầu bằng hai câu:
Uống!
Thì uống!...
Uống để cho hết u
buồn, cho Nhật Nguyệt hửng nắng, cho lòng ta và lòng bạn không hổ thẹn
giữa một thế gian “sấp ngửa trắng đen”,
và để:
Rượu tri âm thêm vững mạnh bước đường!
Đúng là thi nhân,
nghệ sĩ say thì chữ nghĩa tràn chiếu rượu
Thân phận nhà
thơ Đặng Xuân Xuyến thì bạn đọc đều đã biết, chỉ xin vài nét về tài
tử Võ Hoài Nam để mọi người hiểu thêm về kèo rượu của đôi bạn.
Bố mẹ Võ Hoài
Nam ly hôn khi anh mới lên hai, kể từ đó, Võ Hoài Nam sống mà như một
đứa trẻ không có gia đình. "Đầu đường, xó
chợ đã dạy tôi nên người”. Đấy là lời dũng cảm anh tự nói
ra. Trở thành diễn viên chính trong series phim "Cảnh sát hình sự",
Võ Hoài Nam được coi là một trong những tài tử hàng đầu của điện ảnh
phía Bắc. Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, anh bất
ngờ rời xa màn ảnh cùng vợ mở quán ăn để có
đủ cơm áo chăm lo cho đàn con 4 đứa..
Võ Hoài Nam tâm sự: "Đối với tôi, tiền không
phải là tất cả, tiền không đánh đổi được tình nghĩa, hạnh phúc gia đình. Nghĩ vậy
nên tôi dừng lại, không dấn thêm một bước nữa". Thật không hổ thẹn
khi không ham tiền và ham sự nổi danh dưới ánh đèn sân khấu. Đúng
như câu thơ Đặng Xuân Xuyến:
Ta như bạn sống một đời không thẹn
Say Yêu là cuộc rượu của
nhà thơ với người tình. Một cuộc rượu đã đến hồi rượu ngọt, môi mềm và “Xem trong âu yếm có
chiều lả lơi”:
Nào nâng chén cho sầu sầu rũ bỏ
Trút áo xiêm cho đêm bớt ngại ngần
Đây rượu nồng, men ủ đã nhiều năm
E ngại thế... Làm sao ta chẳng giận
Và rồi mặc dù đêm lạnh
lắm nhưng đã say yêu, đã trút áo xiêm rồi thì cái gì đến sẽ phài đến:
Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non
Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận.
Trong thi ca Việt Nam,
ta thấy nhiều bài thơ hay về cuộc rượu của nhà thơ với người đẹp
như trong thơ Lưu
Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu…Nhưng
hầu hết những người đẹp đó đều là gái giang hồ, gái nhảy hay kỹ nữ:
Tiếng gà lại rộn trong thôn...
Khoan đừng tơ tưởng vợ con ở nhà
Giờ này còn của đôi ta,
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người,
Ô sao rượu chẳng kề môi,
Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng?
(Lưu Trọng Lư - Giang hồ)
Say đi em, say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết...
(Vũ Hoàng Chương - Say đi em)
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây, mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
(Xuân Diệu -
Lời kỹ nữ)
Người đẹp trong Say Yêu của
Đặng Xuân Xuyến không phải là gái giang hồ, gái nhẩy hay kỹ nữ nhưng tiếc
thay cũng chỉ là người con gái chẳng cần thề non hẹn biển, nguyện ước
trăm năm “như chim chắp cánh như cây liền cành” mà
chỉ say yêu một đêm, một lần:
Yêu thương nhé.
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian...
Trong bài thơ “Gửi Trương Tửu”
mà khi soạn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã đưa bài thơ này
vào sách và cho rằng: Đây "mới thực là kiệt tác
của Nguyễn Vỹ”, có câu:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von
Có thể nói
nhờ Rượu mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã cảm khái nên chùm Thơ Về Rượu
khá hay và độc đáo. Chùm thơ 10 bài với 10 cuộc rượu khác nhau, lúc
độc ẩm, lúc nhị ẩm trong những bối cảnh khác nhau đã diễn tả khá
đậm nét nỗi buồn riêng mình và nỗi buồn chung về nhân thế của nhà
thơ, giúp người yêu thơ hiểu thêm về thi nhân và hiểu thêm cái
cõi đời sấp ngửa đen bạc này.
Nhìn bộ dạng thư sinh
của Đặng Xuân Xuyến, tôi nghĩ nhà thơ không phải là người hay rượu mà
chỉ đáng phụ chén cho cụ Tam nguyên Yên Đổ, nếu cụ còn
sống. Mà cụ Tam thì:
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè
Phải chăng Đặng Xuân
Xuyến đã mượn rượu và có hẳn một chùm Thơ Về Rượu hôm
nay để xóa nhòe đi tất, để ngự lên hiện thực mà ngạo chơi với
Thế sự thăng trầm bao tục lụy này?!
*
Mời nhấp chuột vào hàng chữ phía dưới để
đọc:
*
Sài Gòn, cuối tháng
07.2018
NGUYỄN
BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét