TS Nguyễn Ngọc Kiên |
1. Định
nghĩa khoa trương(hyperbole)
Khoa trương tiếng Anh là
hyperbole là một từ có xuất xứ từ tiếng Hi Lạp, được từ điển Oxford giải thích như sau: “Lời nói cường
điệu nhằm một tác động đặc biệt và không để được hiểu theo đúng nghĩa đen. Thí
dụ: I’ve invited millions of people to my party: Tôi đã mời hàng triệu người
đến dự bữa tiệc tôi thết”[7, tr. 828].
Trong tiếng Việt, khi cần
nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố
tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ
đối tượng cần miêu tả. Lối nói này
được gọi là khoa trương. Khoa trương còn có các tên gọi khác, như:
cường điệu, phóng đại, ngoa dụ.
Ví dụ, khi Nguyễn Quang
Lập vẽ chân dung nhà văn Nguyễn Minh Châu:
(1) Nghe nói Nguyễn
Minh Châu nói chuyện người ta kéo đến đông lắm, mình hãi quá, nhìn đâu cũng
thấy mắt là mắt, giống như người ta sắp ăn thịt mình, hãi chết.
2. Một số
quan niệm về khoa trương
2.1. Quan điểm của
các nhà Việt ngữ về khoa trương
Trong cuốn “Phong cách
học và đặc điểm tu từ tiếng Việt” tác giả Cù Đình Tú cho rằng, khoa
trương là cách tu từ dùng sự cường điệu qui mô của đối tượng
được miêu tả so với những biểu hiện bình thường nhằm mục đích nhấn
mạnh vào một bản chất nào đó của đối tượng được miêu tả.
Khi sử dụng cũng như
khi phân tích khoa trương không được dừng lại ở sự “quá lời”, “sự
phóng đại” bởi vì cường điệu qui mô chỉ là phương tiện, là công cụ
biểu đạt: phải hướng tới mục đích của sự biểu đạt là nhằm làm rõ
hơn bản chất của đối tượng. Theo ý nghĩa đó thì khoa trương không
phải là nói dối, nói sai sự thật mà làm nổi rõ một bản chất
nào đó của đối tượng.
Bàn về phong cách, Cù
Đình Tú cũng nhấn mạnh: cả hai chức năng nhận thức và chức năng
biểu cảm hiện ra rõ nét trong khoa trương cho nên khoa trương thích hợp
với nhiều phong cách: phong cách khẩu ngữ tự nhiên, phong cách chính
luận, phong cách ngôn ngữ văn chương. Đứng về mặt thể văn, khoa trương
thích hợp với các loại văn: châm biếm, trữ tình, anh hùng ca.
Theo tác giả Đào Thản
trong “Lối nói phóng đại trong tiếng Việt” thì phóng đại (còn gọi:
khoa trương, thậm xưng, ngoa ngữ, cường điệu) là dùng từ ngữ hoặc
cách diễn đạt để nhân lên gấp nhiều lần những thuộc tính của khách
thể hoặc hiện tượng nhằm mục đích làm nổi bật bản chất của đối
tượng cần miêu tả, gây ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ. Khác hẳn với nói
điêu, nói khoác về tính chất, động cơ và mục đích, phóng đại không
phải là xuyên tạc sự thật để lừa dối. Nó không làm cho người ta tin
vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều
nói lên.[2, tr.2]
Cơ sở của phóng đại
là tâm lí của người nói muốn rằng điều mình nói ra gây được sự chú
ý và tác động cao nhất, làm người nhận hiểu được nội dung và ý nghĩa
đến mức tối đa.
Các tác giả Đinh
Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa thì cho rằng, ngoa dụ còn có tên
gọi phóng đại, khoa trương, thậm xưng, tức là phương thức cường
điệu một mức độ, tính chất, đặc điểm nào đó của sự vật.
Ngoa dụ xuất hiện
trong khẩu ngữ gần như là một biện pháp tăng cường biểu cảm. Chẳng
hạn: rét như cắt ruột, vui nổ trời, quét sạch bong, ngon dễ sợ,
đánh nhừ đòn, gầy trơ xương, chết một cái, giàu nứt đố, lười chảy
thây, nhanh như điện, sôi gan tím ruột, đẹp khủng khiếp, mày đáng lột
da, nói bán trời không văn tự v.v…
Chẳng hạn, tác giả viết về “tâm sự” của Hoàng
Phủ Ngọc Tường:
(2)
Mình rót rượu, hai anh em ngồi uống, anh uống một hơi cạn chén, dằn nhẹ cái chén,
nói Lập có biết mình ước gì không… Mình ước được yêu vợ cho tới bến, ước
được một trận say, được nói một câu tròn vành rõ chữ…
thậm chí ước được đi ỉa một mình không người săn sóc… chỉ ước có rứa thôi mà
trời kiên quyết không cho…
Như vậy, theo cách hiểu
của chúng tôi thì, khoa trương hay phóng đại của Hữu Đạt bao gồm
cả “nói giảm” và “nói quá sự thật”. Điểm này khác với phóng đại của Đào
Thản chỉ bao gồm “phóng to sự vật”.
2.2.
Quan điểm của tác giả về khoa trương
Theo quan điểm của chúng
tôi thì, khoa trương hay còn gọi là nói quá, là phép tu từ
cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng
miêu tả. Khoa trương có tác dụng làm nổi bật những ý cần diễn
đạt. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự
vật hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn
của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.
Nói chung, người viết
bài này hoàn toàn tán đồng với ý kiến của các nhà ngôn ngữ học về khoa
trương. Chúng tôi cũng rất tâm đắc với nhận xét của Đào Thản khi tác
giả ví von một cách rất hình ảnh: “Phóng đại được dùng như một
biện pháp cần thiết, không thể thiếu trong nhiều phong cách ngôn ngữ
khác nhau, chỉ trừ phong cách ngôn ngữ khoa học. Tuy nhiên trong khoa
học lại không thể thiếu các phương tiện và thiết bị phóng đại như
kính hiển vi và các khí cụ quang điện khác.
Và chính cái điều
tưởng như nghịch lý này lại có thể giúp chúng ta hiểu rõ thêm ý
nghĩa và tác dụng của phóng đại trong ngôn ngữ” [2, tr.2]
Chúng tôi cho rằng, khoa
trương luôn mang trong mình nó hai chức năng: chức năng nhận thức và chức năng
biểu cảm hay chức năng thẩm mĩ. Chẳng hạn, tác giả viết về thằng bé 7 tuổi con
của Trung Trung Đỉnh:
(3) Thằng này cực giỏi, 7 tuổi đã
thuộc hết tên cầu thủ giải bóng đá ngoại hạng Anh, lên đến 10 tuổi thì cầu thủ
giải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan nó đều thuộc hết, còn biết lai lịch
cầu thủ đến tận chân tơ kẻ tóc. Kinh.
3. Cách
phân loại khoa trương
3.1.
Phân loại khoa trương theo ý nghĩa
Căn cứ vào ý nghĩa có thể
chia khoa trương thành hai loại: khoa trương phóng to và khoa trương thu nhỏ
3.1.1. Khoa trương phóng to
Khoa trương phóng to là
cố ý làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc
trưng của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví
dụ:
(4) Ba Đẻn ra sân cả vạn
người hò hét khản cổ, người hét Đẻn ơi cố lên; người hét sút đi Đẻn ơi, bên
trái bên trái, suýt đi; người hét Đẻn ơi coi chừng thằng Hiển, nó bám sau lưng
mày đấy; người hét thằng Thắng chơi đểu em đấy, cẩn thận cẩn thận; người hét
đạp một phát vào mắt cá nó đi, Đẻn ơi sao hiền thế hả em… đinh tai nhức óc
nhưng mà sướng củ tỉ. Chỉ thế thôi, vô ra vẫn thằng cha Ba Đẻn, chẳng có
ai. Đời này trên có Bác Hồ dưới có Ba Đẻn thế là đủ sung sướng rồi,
world cup world keo mặc kệ, hầu như ai cũng nghĩ giống mình, chỉ Thanh Thảo là
không.
(5) Cô vợ xinh đẹp,
diễn viên tài hoa không cách gì rời ông chồng được nửa bước.
(6) Ông này không yêu vợ, cũng chẳng coi vợ là
tài sản quí báu gì, vợ chỉ là cô Osin giúp việc, thỉnh thoảng ngứa máu
bò vào phất một phát rồi kéo quần đi ra, dửng dưng như không.
(7) Hễ thắng được trận nào thì khoe rầm
trời, chiêu đãi tùm lum, thắng một triệu chiêu đãi hai, ba triệu.
3.1.2.
Khoa trương thu nhỏ
Khoa trương nhỏ là thu
nhỏ sự vật; tức là cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ của sự vật
làm cho nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại, yếu đi. Chẳng hạn, tác giả
viết về một bạn văn đàn anh:
(8) Nghĩ bụng được anh cho bắt tay cũng phúc phận lắm rồi,
ai ngờ anh tiếp đón y chang tiếp đón kẻ sĩ ngang cơ, nói năng nhất mực mình
mình Lập Lập, tuyệt không một gram khinh thị.
Hay
ta hãy xem mấy nét chấm phá về nhà văn
Nguyễn Minh Châu:
(9) Anh cười khì khì, nói cáí tính
mình nó khỉ thế, sợ từ con giun con
dế sợ đi, đã thế lại còn đi viết văn, bố khỉ.
(10) Anh Châu cười khì khì, xuýt xoa
nói chà chà, cái thằng tài, mình không bằng cái móng tay của nó.
Chú thêm: Sự phân chia này nhiều khi mang tính
tương đối và không thật rạch ròi. Chẳng hạn: ví dụ (10) “bằng cái móng tay” là
khoa trương thu nhỏ, người Việt hay sử dụng và nhiều khi không nghĩ là đang
khoa trương, vậy; nó là khoa trương ở mức độ thấp. Trên bề mặt có sử dụng “không
bằng”, vậy nó là khoa trương gián tiếp (có sử dụng từ so sánh). Xem hình vẽ (3
trong 1)
3.1.3. Khoa trương thời
gian
Khoa trương thời gian là
đem hành động xảy ra sau nói thành hành động xảy ra trước và ngược lại. Cũng có
thể hai hành động đồng thời xảy ra. Chẳng hạn, anh kể về các bạn văn của anh:
(11) Thằng Việt Hà hay lắm, hễ mở mắt là mở
mồm, nói rền rĩ từ sáng đế tối không biết mệt. Mình thuộc loại
lắm mồm mà hễ gặp nó là tự nhiên mất điện liền.
(12) Ngô Minh làm
được vài ly, bắt đầu cười sật sật thì Trần Vàng Sao đến, chưa thấy mặt đã
nghe tiếng, nói ua chầu chầu tui nghe ông viết tui
trên báo Thanh niên, lo thắt ruột, không biết cha ni viết cái chi, té ra đọc
xong sướng quá trời luôn.
Có những chuyện thoạt nghe rất không logic, song người Việt vẫn chấp
nhận lối nói này:
(13) Nó k ể một hôm ông trưởng đoàn nghi nó
tằng tịu với vợ ông, định đuổi đi, chưa kịp mở mồm vợ ông đã vả cho một vả
rụng hai cái răng cửa.
(14) Cuộc sống đã đổi
thay, trí khôn đàn bà cũng đã thay đổi, họ biết lấy mấy ông giàu có nhờ trốn
thuế nhờ tham nhũng phúc chưa kịp hưởng hoạ đã gần kề, hãi lắm.
Anh kể về cách làm báo
Bóng đá trong mùa World cup:
(15) Bóng lăn được nửa trận đã tán
xong cả thế trận, hết hiệp 2 biết kết quả tán thêm vài ý, viết vài câu kết thật
có cánh coi như xong một bài. Nhược bằng kết thúc trận đấu có nhiều bất ngờ
thì phải khôn ngoan xoay trở sao cho không phải viết lại mà vẫn đúng y như thế
trận.
3.2.
Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có
thể chia khoa trương thành mấy loại chính sau:
3.2.1. Khoa trương trực tiếp
Khoa trương trực tiếp là
lối nói khoa trương mà trong đó không sử dụng bất cứ hình thức tu từ nào, vì
vậy nó còn được gọi là khoa trương thuần túy. Ví dụ:
(16) Nó nói, các ông
đừng cản tôi, một là vâng theo lời Bác, hai là vâng theo lời vợ, kiên
quyết không vâng theo lời mấy thằng nhà văn ba lăng nhăng các ông.
(17) Một ông họa sĩ
ghi âm vợ nói chuyện với bồ, cứ đến giờ cơm lại bắt con cái bật lên cả nhà nghe
cho vui. Cô vợ ăn không được, ngủ không được, hộc máu mồm suýt chết.
(18) Vui nhất là anh
Tô Nhuận Vĩ đến, cứ tưởng sau entry Bạn Văn 3 anh cạch mặt mình cho tới khi xuống
lỗ hoá ra anh đến.
(19) Với nhiều người
Liên Xô là nhất, Mỹ chỉ là cái đinh gỉ. Kuwait,
Honduras
còn vào được World cup mà Mỹ chẳng thấy khi nào ló mặt vào, đúng là con hổ giấy
hi hi
3.2.2.
Khoa trương gián tiếp
Là lối nói khoa trương trong đó phải
sử dụng các biện pháp tu từ khác, vì vậy nó còn được gọi là khoa trương “dung
hợp”. Có mấy loại chính sau:
+ Sử dụng so sánh tu từ
có từ so sánh
(20) Vé khan hiếm đắt
như sâm.
(21) Đến khi Bỉ gỡ hoà
3 đều mọi người vẫn tin Liên Xô sẽ thắng, dè đâu thua chung cuộc 4-3, mọi người
nhìn nhau ngẩn ngơ, buồn hơn chấu cắn.
(22) Khoang máy lạnh người ta không cho hút thuốc lá, ba
thằng đều ghiền nặng cả, rượu bia mà không có điếu thuốc chẳng khác nào đau
ốm phải uống thuốc Bắc.
(23) Hễ nghe có khách, lãnh đạo Hội mặt xanh như đít nhái,
cái mặt cười y chang cái mặt trâu ngửi l.,
tội lắm.
(24) Kinh nghiệm cho hay, ông nào lắm
tiền nhiều của, có bao bì ngon lành, ra đường cua gái nhanh như chớp mắt
thì về nhà càng ghen vợ dữ tợn.
(25) Yêu vợ như ông nhà văn T. cũng
gọi là xưa nay hiếm. Lấy nhau đã gần ba chục năm mà mỗi lần nhìn vợ mắt ông cứ đắm
đuối như thôi miên thì phục quá.
(26) Đã đành vợ là cơm nguội- vợ là
cơm nguội nhà ta. Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng- cơm nguội để dành mấy
chục năm chán lắm, ăn thì chả ăn nhưng hễ ai động đến thì lồng lên như sói.
(27) Nó
là thằng thiên kinh vạn quyển, lại nghiện đọc
báo như nghiện thuốc phiện, thành ra chuyện trên trời dưới biển
thứ gì cũng biết một ít, hễ động đến là nói, lắm khi thật nhức đầu nhưng không
có nó cũng buồn.
(28)
Xưa nay đều vậy, phim trường nước ta thằng có tài thì xón tiền như đái
dắt, thằng bất tài, giỏi múa mép thì ôm tiền
cả mớ, quyết làm giàu trước khi làm phim
+ Sử dụng
hoán dụ biểu thị khoa trương. Ví dụ:
(29) Nhà có người đi
Tây thì cả làng cả tổng đều biết
+ Sử dụng
ẩn dụ (so sánh không có từ so sánh) biểu thị khoa trương. Ví dụ:
(30) Lập tức chị gọi
máy, nói này, thằng già kia bướm tao ngàn vàng khôn chuộc, một cái huy
chương rởm của mày mà đòi đổi à, ngu thế.
Câu này có thể hiểu là:
bướm tao đắt như (ngang với) ngàn vàng.
(31) Thằng Cún nói mới hiệp một sao
bố bảo thua, anh nhăn nhó nói thua, con ơi thua, Brazil mạnh như trời làm sao thắng
được nó. Đến khi Hà Lan thắng Brazil
2-1 anh nằm dạng chân tay giữa sàn nhà cười khà khà, nói tóm lại thằng Cún
nhà tao vẫn thiên tài.
Câu trên có thể hiểu: thằng Cún
nhà tao vẫn là một thiên tài
3.2. Phân loại khoa
trương theo mức độ
3.2.1.
Khoa tương ở mức độ thấp
Là cách nói quá đi so với
cái có thật trong thực tế. Sự cường điệu tuy có thể nhân lên tới hàng trăm hàng
nghìn hàng vạn lần, nhưng vẫn chưa đến mức phi lí, vẫn chấp nhận được. Chẳng
hạn: vô cùng vĩ đại, hết sức khó khăn, trăm công nghìn việc, (làm)
một loáng là xong, trong nháy mắt, ba chân bốn cẳng. Ví dụ:
(32) Đàn bà cô nào máu
lắm cũng chỉ yêu được một lúc năm bảy anh là cùng, đa số chỉ chăm chỉ về nhà ăn
cơm, thi thoảng mới tạt ngang kiếm bát phở rồi lại ba chân bốn cẳng chạy
về nhà ăn cơm hay cho cơm ăn. Thế thôi.
(33) Nước mình chủ yếu làm nghề nông, dân quê
ai cũng mê có con trai, sức dài vai rộng gánh vác việc nhà không nói làm gì,
dân phố cũng thích có con trai, lắm kẻ vừa đẻ đứa con gái đã lo phát cuồng, tìm
hết sách nọ sách kia, thuốc này thuộc nọ, cứ làm như không có con trai thì tan
cửa sập nhà.
(34) Mấy ông bà nhà
văn, viết sách báo thì một mực nói không nên trọng nam khinh nữ, trai gái gì
cũng là con, con nào ngoan hiền, giỏi giang đều quí cả, nhưng nếu đẻ rặt con
gái thì mặt mày ỉu xìu, thở vô thở ra như sắp vong gia bại sản không
bằng.
3.2.2.
Khoa trương ở mức độ cao
Khoa trương ở mức độ cao
là cách nói nói quá sự thật mmột cách quá đáng, đến độ phi lí không thể tin
được. Chẳng hạn: không cánh mà bay),
một bước lên giời), một chữ bẻ đôi cũng không biết, một ngày dài
hơn thế kỉ, ngàn cân treo sợi tóc, ba đ ầu sáu tay. Ví dụ:
(35) Mình nghĩ mãi
không ra làm sao một lúc có thể làm được môn nghệ thuật cao sang kia, trong khi
một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết.
(36) Nó ngồi ngâm, nhìn giàn thiên lí tuyệt
hảo của vợ đang phơi ra mà không làm gì được, tức muốn chết. Nó than, người ta
nói một ngày tù nghìn thu ở ngoài, mình thì một phút ngâm hạ bộ nghìn
thu ở ngoài, khổ ơi là khổ.
(37) Ông Tường nước lọc vào lời cũng ra, lại toàn lời vàng
ngọc.
(38) Tuổi lấy chồng
của con gái ngày mỗi cao, xưa quá hai mươi đã sợ ế chồng lo sốt vó,
nay nhiều cô ba mươi tuổi vẫn nhởn nhơ như tuổi đang xuân, chưa đến bốn mươi
chưa lo ế.
3.3.3.
Khoa trương ở mức độ cực cấp
(39)
Xưa Ái Vân nổi tiếng đẹp nhất nước hát hay đóng phim Chị Nhung đẹp như tiên sa
coi như một siêu sao. Tụi mình chỉ dám đứng ngước lên ngưỡng mộ không khi nào
dám nghĩ sẽ được gặp Ái Vân một lần.
(40) Biết là anh Sách
quá rõ hoàn cảnh của mình, đến hay không đến anh chẳng trách nhưng vẫn ân
hận vô cùng.
(41) Mình nghe Thanh
Thảo kể tên các danh thủ nước ngoài dễ dàng như lấy từ túi áo ra nể phục anh
vô cùng.
(42)
Có những khi giữa nghệ thuật và chơi ngông chỉ cách nhau một sợi tóc, người hám
chơi ngông nhân danh nghệ thuật bày trò
thiên thối không nói làm gì, kẻ không bíêt cũng a dua, bày hết trò này sang trò
khác vô cùng rởm đời.
(43) Tất nhiên thời
nào gái đẹp, gái nổi tiếng đều hot cả, thời bao cấp cũng thế, nhưng thời này
gái mậu dịch được trọng vọng nhất, hầu như họ không có đối thủ trong
tình trường.
3.3.4.
Khoa trương ở mức độ huyễn tưởng
Là khoa trương về những
chuyện không có thật hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra
(44) Hồi đó mình biết
mê bóng đá rồi nhưng chẳng biết tí gì bóng đá thế giới, có nghe nói đến bóng đá
Brazin, đến ông Pele như nghe như chuyện trên trời, nói thật cũng chẳng
mấy quan tâm,
(45) Cũng như anh Sơn ( Trịnh công Sơn), anh Tường không
biết cơ man các em xinh đẹp mê đắm,
rốt cuộc cũng chỉ trăng gió vu vơ thôi, chẳng đâu vào
đâu.
(46) Về đến nhà thấy nhẹ cả người, y chang mình vừa bị người ngoài hành
tinh bắt cóc vừa thả cho về.
(Còn nữa, kì sau đăng tiếp)
Nguyễn Ngọc Kiên
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
1. Cù Đình Tú (2007), Phong cách
học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng
Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương
tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong
cách học tiếng Việt, Nxb Giaó
dục.
5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học
tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn như Ý (2002), Từ điển giải
thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh
Việt, NXB Khoa học Xã hội
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
Nguyễn Quang Lập, (2009), Kí ức vụn,
Nxb Hội nhà văn
Nguyễn Quang Lập, (2011), Chuyện đời
vớ vẩn, Nxb Văn học
Nguyễn Quang Lập, (2011), Bạn văn,
Nxb Trẻ
KÌ SAU ĐÓN ĐỌC
2) Các
phương tiện tu từ và biện pháp tu từ biểu thị khoa trương trong khẩu văn của
Nguyễn Quang Lập
3) Sử dụng
thành ngữ khoa trương trong khẩu văn của Nguyễn Quang Lập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét