Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

BÀI PHÁT BIỂU CỦA TRẦN MỸ GIỐNG TRONG HỘI NGHỊ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI “DẤU ẤN VĂN HÓA TRẦN VỚI CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ NAM ĐỊNH”




          Ngày 15 – 3 – 2013 Sở Khoa học Công nghệ Nam Định đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Dấu ấn văn hóa Trần với cộng đồng dân cư Nam Định” do Hội VHNT Nam Định thực hiện, Cử nhân Nguyễn Thị Cảnh làm Chủ nhiệm đề tài.


         Kết quả đề tài đã được nghiệm thu với số điểm bình quân 82,6/100 xếp loại KHÁ.

           Ts. Lê Đức Ngân (Giám đốc Sở KHCN – chủ tịch Hội đồng) kết luận:
           - Ghi nhận sự cố gắng hết sức của nhóm thực hiện đề tài. Số điểm mà Hội đồng nghiệm thu dành cho đề tài là rất cao. Đề tài phải chỉnh lý lại những vấn đề chưa đạt trên cơ sở ý kiến của các vị ủy viên hội đồng đã chỉ ra. Đặc biệt phải làm lại chuyên đề số 1 viết về Thiên Trường thế kỷ 13 – 14…
            (Chuyên đề này là chương mở đầu quan trọng của đề tài được hội đồng nghiệm thu nhận xét là sơ sài, không đạt yêu cầu một bài nghiên cứu. Ts Trần Đức Minh nhận xét: Nói hình ảnh thì đây là “công trình một đêm”).




           Được mời làm ủy viên hội đồng nghiệm thu, chủ blog TMG có bài phát biểu như sau:

  BÀI PHÁT BIỂU ĐÁNH GIÁ, GÓP Ý CHO ĐỀ TÀI CỦA ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU TRẦN MỸ GIÔNG

           Kính thưa Tiến sĩ Lê Đức Ngân, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài “Dấu ấn văn hóa Trần với cộng đồng dân cư Nam Định”!
           Thưa các vị ủy viên hội đồng và các bác, các anh chị!
Tôi rất tán đồng với nội dung đánh giá đề tài của Gs.Ts. Nguyễn Quang Ngọc, Pgs.Ts. Trần Đức Minh. Bài nhận xét về đề tài của hai vị rất chính xác, có bài bản, nêu được những vấn đề chủ yếu về kết quả và những hạn chế của đề tài một cách thuyết phục. Do vậy, cho phép tôi chỉ phát biểu ý kiến cá nhân những điểm không trùng với ý kiến của hai vị giáo sư đáng kính vừa phát biểu.

           Thứ nhất, tôi có ba điều tiếc – ba cái “giá mà” như sau:

            a- Nghiên cứu một vấn đề thường người ta phải có chủ thuyết về vấn đề đó để làm cơ sở giới hạn nội dung, phạm vi nghiên cứu. Giá mà… những người thực hiện đề tài hôm nay có một đề mục khái niệm văn hóa, văn hóa Trần thì tính nghiên cứu sẽ cao hơn, người thực hiện cũng như người đọc sẽ không trệch ra ngoài quỹ đạo định trước.

             b- Nội dung Báo cáo tổng quan đề tài thể hiện quan điểm nghiên cứu một chiều, đơn điệu. Giá mà… đề tài phản ánh nhiều chiều, nhiều mặt, nhiều góc độ, cả quan điểm trái chiều làm rõ thực trạng khách quan nhận thức vấn đề. Rồi phản biện lại phản biện, nếu thành công thì tính thuyết phục, tính chân thực, khách quan, độ tin cậy sẽ cao hơn.
              Cụ thể đối với vấn đề nóng hiện nay là lễ hội khai ấn đền Trần, hiện có nhiều ý kiến phản biện rất thuyết phục, như các bài viết của Ts. Nguyễn Xuân Diện, Ts. Nguyễn Hồng Kiên…
              Tôi cùng nhà nghiên cứu Hán Nôm Dương Văn Vương, nguyên chuyên viên Bảo tàng Nam Định, đã từng phát hiện, dịch, giới thiệu bài thơ “Thập tứ dạ quan khai ấn hội” của Tiến sĩ Đỗ Hựu (TK15) nói về lai lịch khai ấn đền Trần. Theo nguyên chú của tác giả thì lệ này là của riêng tộc Trần, chứ không phải lệ quốc gia. Mà tộc Trần nguyên là tộc Dương từ Mân Châu (Trung Quốc) sang Quảng Ninh, Yên Tử rồi đến vùng Khang Kiện (Tức Mặc – Thiên Trường). Do mâu thuẫn, tộc Dương chia hai chi, một chi chuyển về vùng Hưng Hà, Thái Bình hiện nay, chi ở lại đổi họ Trần và phát tích ở đây. Lễ khai ấn đền Trần nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội và cầu no ấm, chứ tuyệt nhiên không liên quan gì đến cầu quan tước, không phải lệ của chính quyền nhà nước như hiện nay người ta xuyên tạc.
            Chúng tôi có gửi tham luận tới Hội thảo Đề án khai ấn đền Trần 2012 nhưng không được mời. Thế nhưng từ ông tiến sĩ trung ương Nguyễn Chí Bền, đến ông tiến sĩ địa phương Nguyễn Xuân Năm đều lấy tư liệu chúng tôi công bố biến thành của mình làm cơ sở chủ yếu bảo vệ quan điểm đề án khai ấn đền Trần năm 2012. Có điều các ông lờ phần nguyên chú của tác giả đi, thành ra nội hàm của chính văn bị xuyên tạc. (Mới tham khảo bài “Có hay không lệ khai ấn đền Trần?”http://newvietart.com/index4.999.html)
            Hay là vấn đề Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ có thực là Hành cung nhà Trần Không?  (Mời tham khảo tại đây http://newvietart.com/index4.696.html). Tôi cùng nhà nghiên cứu Dương Văn Vượng có bài nghiên cứu đăng trên nhiều trang mạng, trên tạp chí Khuông Việt của Viện Phật giáo Việt Nam (số 13 + 14 tháng 1 – 2011. – Tr. 43 – 45) phản biện quan điểm chính thống của tỉnh trên cơ sở ba bài thơ về các địa danh này của ba vị Hoàng giáp thế kỷ 15. Theo tinh thần các cứ liệu chúng tôi đưa ra, thì các địa danh trên vốn là nơi đồn trú của 4 đội trong đội quân Thiên Thuộc có nhiệm vụ bảo vệ hành cung Tức Mặc. Đội quân này tồn tại qua chống Nguyên đến chống Minh. Dân sở tại lập 4 miếu thờ các tử sĩ vô danh ở 4 nơi đóng quân của 4 đội quân này, đều gọi là miếu Cô Hồn. Về sau này các miếu Cô Hồn được mở rộng, dân đưa tượng Phật vào thờ mà thành chùa.
            Ở Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam hiện chưa tìm thấy bất cứ dấu tích nào chứng minh đây là hành cung. Riêng ở Đệ Tứ, trên cơ sở đào thám sát thấy sân gach, đầu rồng đất nung… ngành Bảo tàng tỉnh đã vội kết luận đó là dấu tích Hành cung, vì chỉ có nơi vua ở mới có các hiện vật đó.
            Bài viết của chúng tôi đăng trên Tạp chí Khuông Việt (nêu trên) đã dùng tư liệu từ TK15 chứng minh rõ sân gạch, đầu rồng… tìm thấy khu chùa Đệ Tứ chính là nơi ở của Thái sư Trần Quang Khải. Trần Quang Khải dựng Tĩnh Tâm Quán làm nơi thờ Thánh Tam Thanh thường khi cầu đảo mong mưa thuận gió hòa (do ông theo đạo du nhập từ Trung Quốc sang). Về sau đổi gọi là Đại Thánh Quán. Thời Lê Trịnh dân đem tượng Phật vào thờ mới gọi là Đại Thánh Quán Tự.
  Kết luận rằng sân gạch và đầu rồng đất nung chỉ nơi vua ở mới có của các nhà Bảo tàng công chức nô dịch thật là một sự áp đặt thô thiển.
            Nêu những chuyện này, chúng tôi muốn nói rằng cần được đưa vào đề tài nghiên cứu cả những quan điểm trái chiều với quan điểm chính thống. Các vị thực hiện đề tài hãy phản biện lại những điều tôi nêu thì sinh động, thuyết phục hơn nhiều là chỉ biết nhắc lại những điều người khác nói mà không có chính kiến của mình.
            Tôi đồng tình với Gs.Ts. Nguyễn Quang Ngọc: Cái gì sai dù ai nói cũng bỏ đi, cái còn chưa rõ thì dùng cách nói nước đôi, chứ không nên chỉ biết nói theo người khác…

           c- Khi nghiên cứu văn hóa Trần, không chỉ thống kê những nét văn hóa đặc sắc của nó. Mà cần phải so sánh làm sáng tỏ vấn đề đó mới thuyết phục. Giá mà… các vị cho biết cái đặc sắc văn hóa Trần nó khác với văn hóa các triều đại khác, khác với văn hóa Trung Hoa ở chỗ nào thì chất lượng công trình được nâng lên rất nhiều. Ví dụ như vấn đề Phật giáo Trần rất nổi bật, vấn đề sẽ thuyết phục nếu các vị so sánh với Phật giáo Trung Hoa, Phật Giáo các triều đại khác đế làm nổi bật nét đặc sắc của nó.

           Thứ hai, tôi góp ý sửa một số chi tiết:

           Trong lần nghiệm thu cơ sở, tôi đã chỉ ra rất nhiều sai sót và đã được Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu. Tuy nhiên vẫn còn một số “hạt sạn” chưa được nhặt ra:
           – Trang 13 dòng 13 trên xuống có viết:
           Chính nơi đây (Trường thi Hương Nam Định) đã đóng góp 82 Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ, Phó bảng”.
           Xin hỏi căn cứ vào đâu để nêu ra số liệu này? Không có xuất xứ tư liệu thì không đạt yêu cầu của việc nghiên cứu. Hơn nữa, Trường thi Hương chỉ thi lấy Cử nhân (Hương cống), còn Phó bảng, Tiến sĩ, Hoàng giáp, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên do các cuộc thi cấp quốc gia (thi Hội, thi Đình) tuyển chọn.
           – Trang 17 dòng 7 dưới lên viết “Những vị trạng nguyên tuổi trẻ, tài cao như Nguyễn Hiền, Trần Đạo Tái”, nhưng trang 68 lại viết “Trần Đạo Tái đỗ Bảng nhãn” là không thống nhất. Sự thực thời Trần tỉnh ta chỉ có trạng nguyên Nguyễn Hiền và trạng nguyên Đào Sư Tích.
           – Trang 47 dòng 12 trên xuống viết:
           Sau này Tiên đế nhà Trần đã lấy tên Thiên Thuộc đặt cho chùa Đệ Nhị đồng thời cho thờ các liệt sĩ ở đó”.
            Tiền thân của chùa Đệ Nhị là miếu Cô Hồn do dân sở tại lập thờ lính chết trận vô danh của đội quân Thiên Thuộc. Lẽ nào Tiên đế nhà Trần (Trần Thái Tông) băng trước đó nhiều thế hệ còn đặt được tên cho chùa?
            – Trang 72 dòng 2 trên xuống: Các vị đã ghi nhầm thám hoa Trần Bích Hoành thành Trần Hoàng Bích.
            – Trang 71 và 72: Báo cáo khẳng định Nam Định có 88 nhà khoa bảng. Phần phân tích lại chỉ cộng được 87 nhà khoa bảng. Thì ra các vị quên không thống kê một vị khoa bảng thời Lý…

            Tóm lại:

            Tôi đánh giá Báo cáo tổng quan đề tài là:
            – Đã hoàn thành nội dung nghiên cứu, phù hợp với giới hạn nghiên cứu đặt ra trong đề tài.
            – Giá trị cơ bản và đáng ghi nhận của kết quả nghiên cứu đề tài là giá trị THÔNG TIN.
            – Với đánh giá trên, tôi xin hạ bút tặng những người thực hiện đề tài 83 / 100 điểm.

  Trần Mỹ Giống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét